Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Một bài thơ và ba bản dịch
14:23 | 27/01/2010
HỒNG DIỆUTrương Mỹ Dung đời Đường (Trung Quốc) có một bài thơ tình yêu không đề, được nhiều nhà thơ Việt Nam chú ý.
Một bài thơ và ba bản dịch
Ảnh: Internet

Nguyên văn bài thơ như sau (phiên âm):

                        VÔ ĐỀ
            Nhất áp xuân giao vạn lý tình
            Đoạn trường phương thảo đoạn trường oanh
            Nguyện tương song lệ đề vi vũ
            Minh nhật lưu quân bất xuất thành

Có thể dịch hay diễn giải bài thơ thế này:
(Trong buổi chia tay hôm nay) một chén (rượu) xuân mà mang tình nghĩa vạn dặm
(Đến) cỏ cây, (đến) chim oanh cũng đau xót
(Thiếp) xin lấy hai dòng nước mắt làm mưa nhỏ
Giữ chàng, không để chàng ngày mai đi khỏi thành

Tương truyền, tác giả bài thơ - Trương Mỹ Dung - là cô gái xinh đẹp. Một viên quan muốn chiếm nàng, bị nàng cự tuyệt, tìm cách để cha nàng phải đi tù. Viên quan trẻ Phan Trung biết chuyện, cứu cha nàng, và được ông gả con gái cho. Sắp đến ngày cưới, Phan Trung phải vâng lệnh quan trên đi làm công vụ. Trong bữa rượu tiễn đưa, Trương Mỹ Dung có bài thơ này.

Ở ta, bài thơ có nhiều bản dịch. Xin giới thiệu ba bản; và theo thời gian dịch mà tôi được biết, có thể xếp thứ tự như sau:

                        1
            Một chút men xuân, vạn dặm tình
            Nát lòng hoa cỏ, nát lòng oanh
            Nguyện đem nước mắt làm mưa lớn
            Mai sớm ngăn chàng khỏi xuất chinh
                                                YÊN HUY dịch

                        2
            Chén xuân chan chứa bao tình
            Cỏ thơm xơ xác, con oanh thẫn thờ
            Sớm mai chàng đã đi chưa
            Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng
                                    NGUYỄN BÍNH dịch

                       
3
            Một chén xuân đưa, vạn dặm tình
            Não màu cỏ biếc, não lời oanh
            Xin đem dòng lệ làm mưa nhỏ
            Mai sáng bên đường níu bước anh
                        NGỌC LIÊN (NGÔ LINH NGỌC) dịch

Bản thứ nhất in trong tập kịch thơ Bùi Thị Xuân - Đặng Dung - Nguyễn Thị Kim của Yên Huy, Nhà xuất bản Quốc văn, Hà Nội in năm 1946. Bản thứ hai in trong một số tuyển tập thơ sau khi nhà thơ Nguyễn Bính qua đời (1966). Bản thứ ba in cùng với bản thứ hai trong tập thơ tình thế giới Lại nói về em, Hồng Diệu tuyển chọn, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1988.

So sánh ba bản dịch này tưởng cũng có thể thấy được đôi điều hữu ích về nghệ thuật dịch thơ.

Tôi cho rằng bản thứ nhất được câu đầu; nó có một chút men xuân mà hai bản kia không có. Còn ba câu sau đều hỏng. Câu thứ hai, nguyên văn cùng là đoạn trường ca (đoạn trường phương thảo, đoạn trường oanh); dịch nát lòng oanh thì đúng vì chim oanh là động vật, nhưng dịch nát lòng hoa cỏ thì không ổn, vì hoa cỏ là thực vật... Câu thứ tư, nghĩa của mấy chữ xuất chinh (đi trận) của bản dịch hẹp hơn hẳn nghĩa của mấy chữ xuất thành (ra khỏi thành) ở nguyên bản: ra khỏi thành có thể đi làm nhiều việc, không nhất thiết chỉ đi trận. Sai đến tai hại là câu thứ ba. Hai chữ vi vũ mà dịch là mưa lớn thì vừa phản vừa thô. Phản ở chỗ vi (nhỏ) mà dịch ngược hẳn là lớn. Thô ở chỗ nước mắt thể hiện tình cảm con người vốn hiếm hoi, quý giá mà khi nhỏ lệ lại như mưa lớn (mưa lớn tất phải ào ào, xối xả)!

Bản thứ ba dịch rất sát nghĩa. Ở đây, câu thứ hai có sáng tạo, nhưng từ ngữ nhìn chung còn "thật thà" và ít chất thơ (não, mai sáng, níu bước). Câu thứ ba dịch hoàn toàn đúng nguyên văn, vi vũ = mưa nhỏ, nhưng thật ra là sai, vì trong nghĩa tinh vi của thơ, có thể hỏi: mưa nhỏ làm sao giữ người ta ở lại được?

Rất đặc sắc, là bản thứ hai, của nhà thơ Nguyễn Bính. Chỉ tiếc mỗi câu đầu, còn hơi sáo một chút. Ba câu sau thì thật đặc sắc. Xơ xác dùng cho cỏ, thẫn thờ dùng cho oanh là một sáng tạo đặc biệt để dịch hai chữ đoạn trường. Hai chữ vi vũ, nhà thơ không dịch sai là mưa lớn như bản thứ nhất, cũng không dịch sát mưa nhỏ như bản thứ ba, mà chỉ dịch mưa, thật là tài. Hai câu ba và bốn còn được đổi chỗ cho nhau để chuyển một cách phóng túng từ câu khẳng định ở nguyên bản thành câu nghi vấn ở bản dịch. Xuất thành (đi khỏi thành) được giản lược để dịch thành đi cũng hợp lý.

Như vậy là Nguyễn Bính còn thể hiện nghệ thuật thơ độc đáo của mình ở một bản dịch có thể nói là tài hoa.

H.D
(120/02-99)




 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)
Các bài đã đăng