Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Năm Mão đừng để "chuột gặm chân mèo"
14:35 | 27/01/2010
TRUNG SƠNTrong số những con vật gần gũi với con người, con mèo không đứng vị trí thứ nhất thì cũng nhì. Chỉ riêng việc chú mèo có đặc quyền thỉnh thoảng "chung chăn" với con người lúc trời mưa rét cũng đủ để xếp chú đứng ở thứ bậc cao trong mối quan hệ với con người. Cũng vì vậy, trong thành ngữ và tục ngữ có nhiều câu nói đến con mèo ngẫm ra khá thú vị.

Người ta nuôi mèo trước hết để bắt chuột. Cặp "mèo" và "chuột" thường được ví như người canh gác, bảo vệ và bọn đục khoét của công. Người canh gác mà tinh nhanh, khéo giấu mình và kiên nhẫn "rình như mèo rình chuột", thì lũ ăn cắp bòn rút công quỹ sớm muộn cũng bị tóm cổ. Thế nhưng lại có cảnh "chuột gặm chân mèo"! Thực ra, một câu mà 3 tình thế: 1-Lũ chuột táo tợn dám gặm chân mèo; 2- Chú mèo lười nhác hoặc "ngủ quên" mất cảnh giác, chuột tới gặm chân mà không biết; 3- Một cách nói mỉa mai: "Đồ chuột mà đòi gặm chân mèo!" Một nghịch cảnh phi lý, nhưng ở không ít vụ án tham nhũng, buôn lậu những tên hải quan, công an thoái hóa đồng lõa với bọn tội phạm (như Phùng Long Thất, trưởng phòng điều tra chống buôn lậu I TPHCM và Bùi Văn Chét, cán bộ phòng cảnh sát giao thông Công an TPHCM trong vụ "Tân Trường Sanh" mới đây) thì bọn chúng còn tệ hơn chú mèo bị chuột gặm chân; bọn chúng khác chi đã bị "chuột" moi tim và móc cả mắt! Cũng có thể một phần vì có kẻ "mang thịt đến miệng mèo", hoặc vì "mỡ để miệng mèo" (mình con người ta mấy ai bỏ hết được lòng tham, thấy vàng, đô-la thì "như mèo thấy mỡ"; nhưng chủ yếu vì bọn chúng là lũ "mèo già hóa cáo", hoặc là "mèo đàng chó điếm", "mèo mả gà đồng". Bây giờ trong tù thì bọn chúng "tiu nghiu như mèo bị cắt tai".

"Mèo nhỏ bắt chuột con"
hoặc "mèo nhỏ bắt chuột to" thì không chỉ đề cập đến cặp "mèo" và "chuột" mà là lời khuyên với tất cả mọi người rằng đừng có gánh vác công việc, chức vụ vượt quá sức lực và trình độ của mình. Có điều ở đời, đôi khi "mèo mù vớ cá rán", có những anh chàng vô tích sự lại được giữ vị trí "ngon lành". Quả là chưa "biết mèo nào cắn mỉu nào"! Dù hơn thua thì chúng vẫn cái tật "mèo khen mèo dài đuôi"!

Con mèo cũng hay được "cặp đôi" với con chó. Chắc là vì chúng đều gần gũi với con người. Từ việc cất giữ đồ ăn hàng ngày muốn an toàn phải nhớ "chó treo mèo đậy", đến phận giàu nghèo người ta cũng dựa vào chó và mèo để xét đoán. "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu". Người ta nghĩ vậy có lẽ vì nhà nhiều chuột, mèo mới tìm đến; mà nhà nhiều chuột cũng như nơi lắm bọn đục khoét thì ắt phải nghèo; còn chó đến nhà ai thì nhà đó chắc là hay...nhậu, vứt xương ra vườn; mà nhà giàu mới hay ăn nhậu. (Nói vậy, nhưng đừng có quá tin, vì nhà hay có thức ăn thừa, hay vứt xương ra vườn, các chú mèo cũng luôn tìm đến). Dù sao thì mèo và chó thường ở thế đối lập hoặc loại trừ nhau. "Không có chó bắt mèo ăn cứt!" Nhưng tạo hóa lại sắp đặt chúng ở bên nhau, nên vì ghen ăn và có khi vì ganh tị tình cảm thiên lệch của chủ, chúng thường gây sự cắn nhau. Con người ta cũng vậy. Anh em một nhà, người cùng một cơ quan, cùng một ngõ xóm mà hay ganh ghét, không biết nhường nhịn nhau thì bị thiên hạ coi khinh là "ăn ở như chó với mèo". Còn loại người không thấy khuyết tật của mình, chỉ nhằm chỉ trích nhược điểm của người khác thì chẳng khác gì "chó chê mèo lắm lông". Những kẻ tính nết khó chịu, khi bực bội với bà con bạn bè mà không tiện nói thẳng trước mặt nhau thì có cách bóng gió "chửi chó mắng mèo", "chửi mèo quèo chó".

Chiến công bắt chuột của mèo ngoài tác dụng tiêu diệt bọn đục khoét, còn là phương sách "tự cứu đói", tuy mèo không phải là giống tạp ăn. Người khảnh ăn, hay ăn uống nhỏ nhẹ thường được mắng yêu là "ăn như mèo"! Có lẽ cũng vì vậy mà một số gia chủ "quên" cho mèo ăn cũng không mấy bận tâm. Trong nhà "cơm treo mèo phải nhịn", "cá treo mèo nhịn đói". Con người ta đôi khi cũng lâm vào cảnh đó. Đã đói, đầu gối phải bò, gặp miếng ăn bẩn cũng không chê. "Mèo nào mèo lại ăn than, bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên". Tình cảnh chú mèo này nhắc con người khi gặp hiện tượng lạ, bất thường, hãy nghiên cứu kỹ để tìm cho đúng nguyên nhân. Mèo đói thì gia chủ để thịt cá sơ suất là bị "đột kích" liền. Dù sao, thế cũng là phạm tội ăn vụng. Có điều con người phải đối xử công bằng, chứ không thể để tình trạng "Mèo tha miếng thịt xôn xao - Hùm tha con lợn thì nào thấy chi!"

Nói con mèo mà đâu phải chuyện mèo. Cứ lắng nghe dân chúng xôn xao sau không ít phiên tòa xử bọn tham nhũng thì rõ. Nhiều khi người thợ túng thiếu nhỡ lấy lon xi măng hay mẩu sắt vụn thì bị kỷ luật gắt gao, còn các "sếp" đục khoét rỗng cả nhà máy, công trình lại chẳng hề hấn gì!

Năm Mão đến khi con mèo đang dần ít đi vì các quán nhậu và dịch vụ "xuất khẩu", đành phải cậy đến những "con mèo" trong ngôn từ tổ tiên để lại, may chi dọa được bọn "chuột" đang lộng hành chăng?

T.S
(120/02-99)



 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)
Các bài đã đăng