Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Thuốc trường sinh cho Huế
08:22 | 04/02/2010
HỒ VĨNH       Phóng sựTôi đứng trên nhà bia lăng Minh Mạng thì nghe kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazik) đột ngột qua đời vì bệnh tim. Tôi bàng hoàng lặng người trong giây lát rồi đạp xe về Thế Miếu nơi công trình Kazik đang trùng tu.
Thuốc trường sinh cho Huế
Hiển Lâm Các - Ảnh: hue.vnn.vn

Đây là một dự án do Chính phủ Ba Lan tài trợ với kinh phí 1.117.000 frans Thụy Sĩ. Đứng giữa công trình Thế Miếu ngổn ngang vật liệu xây dựng, tôi nghĩ định mệnh đã vội lấy đi một người bạn thủy chung luôn mang trong mình một hoài bão "phục cổ" đến với di sản văn hóa Việt Nam.

Thế Miếu được xây dựng vào năm 1821 để thờ các vua Nguyễn, gồm tiền doanh 11 gian và chính doanh 9 gian, 2 đầu có 2 chái; bộ khung bằng gỗ lim dựng trên mặt nền có bề dài 55m, bề ngang 28m. Trải qua thời gian dài, chiến tranh và mối mọt tàn phá nên kiến trúc gỗ của Thế Miếu xuống cấp trầm trọng. Trong quá trình trùng tu, tôi thấy các chuyên gia Ba Lan cố gắng cho giữ lại nguyên gốc và chỉ thay thế các cấu kiện cũ đã bị hỏng trên 50%. Trước đây 3 cột bê tông do Chi nhánh Bảo tồn cổ tích Huế và Ty Kiến thiết Thừa Thiên Huế (cũ) đưa vào năm 1963 để thay cột gỗ bị hư hỏng. Nhưng trong lần trùng tu này. Bartek con trai của Kazik nói: "Chúng tôi phải tuân thủ công ước quốc tế về nguyên tắc bảo tồn". Do đó 3 cột bê tông được "bóc ra" thay cột gỗ trả lại cho Thế Miếu dáng tích nguyên gốc.

Tôi qua Hiển Lâm Các. Đây là một công trình được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tu bổ với sự bảo trợ của UNESCO và sự gíup đỡ kỹ thuật của Phône- Poulenc trong việc xử lý phòng chống mối.

Hiển Lâm Các được xây dựng vào năm 1821 thời Minh Mạng, đã qua nhiều lần nâng cấp và trùng tu vào những năm 1936, 1958, 1984, 1986. Lần trùng tu này do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng thiết kế và tổng thầu thi công trùng tu với nguồn kinh phí do Chính phủ Việt đầu tư 3,4 tỉ đồng. Hiển Lâm Các là công trình bằng gỗ có 1 tầng trệt và 2 tầng lầu, cao 13,6m. Nếu kể cả nền cao 1,5m thì công trình có chiều cao 15,1m. Tôi leo lên tầng 3 có kích thước mặt bằng 5 x 4,70m thì thấy công nhân của VKHCNXD đang dùng màu khoáng vật, thực vật sơn son thếp bạc phủ hoàng kim trên những cánh cửa thượng song hạ bản. Tôi hỏi một công nhân: "Anh thấy cáp chống sét đặt ở vị trí nào?". Họ chỉ tay trên bờ nóc, nói: "Cáp chống sét đặt chìm trong bờ nóc, kim thu sét lắp trong bầu Càn Khôn".

Tôi trở xuống tầng 1 thì thấy Sophie Nguyễn Khoa, chuyên gia chống mối của hãng Rhône- Poulenc hướng dẫn công nhân bơm thuốc toàn bộ mặt nền. Sophie Nguyễn Khoa cho biết thuốc TERMIDOR 25 EC dùng chống mối dưới đất hoặc trong tường sau khi hòa loãng 2,5 lít TERMIDOR 25 EC vào 100 lít nước. Và liều dùng là 5 lít bơm phủ trên 1m2. Còn các cột gỗ được khoang sâu 4 lỗ rồi tiêm vào 1 lít FIPRONIL trên mỗi cột. Được biết mọi phí tổn do Rhône- Poulenc đài thọ và số lượng hóa chất cần thiết được bộ phận Hóa Nông của Rhône- Poulenc cung cấp miễn phí tới 1 triệu USD

Trong một bài viết "Lời thở than của những di sản" tác giả Binh Nguyên đã hiểu lầm và cho rằng: "Chúng tôi lại vô cùng ngỡ ngàng khi công trình Hiển Lâm Các lại được tôn tạo với mái tôn sóng vuông khá hiện đại" (Tuổi trẻ chủ nhật 20.04.1997). Còn tác giả Hải Châu lại viết "việc trùng tu đúng nguyên bản chưa thật sự được tôn trọng ở một số di tích Hiển Lâm Các nay đã "được" phủ mái tôn sóng vuông" (Thanh Niên, 22.03.1998). Nhưng thật ra đây là lần trùng tu đại quy mô nên Bộ Văn hóa- Thông tin đã cấp ngoài kinh phí dự án 500 triệu đồng để trang bị bộ giác tổ hợp có mái che (tôn sóng vuông). Theo phó tiến sĩ Trần Minh Đức và kỹ sư Nguyễn Tiến Bình- VKHCNXD cho biết nhờ có mái che nên trong suốt quá trình thi công Hiển Lâm Các được che chắn và chống đỡ chắc chắn.

Rời Đại Nội tôi đạp xe cùng chiều với hai du khách Việt kiều người Pháp lên lăng Tự Đức. Đi giữa đường họ hỏi tôi ở Huế có bao nhiêu công trình kiến trúc? 1.200 công trình, tôi trả lời. Họ ngạc nhiên rồi ồ lên: "Vậy ư!". Tôi giải thích phần lớn các công trình kiến trúc đã trở thành phế tích do chiến tranh + thiên tai + mối mọt = sụp đổ. Hiện nay theo thống kê thì di tích Huế chỉ còn 480 công trình, trong đó có 350 công trình được chọn lọc để bảo tồn.

Tôi đứng thất leo trên cái thang để xem những người thợ nề lợp ngói tráng men ở Chấp Khiêm điện- điện thờ vua Kiến Phúc (1883-1884) một công trình kiến trúc ở Khiêm Lăng (lăng Tự Đức). Dưới ánh nắng đổ lửa tôi thấy họ phơi cái lưng mặc cho mồ hôi đổ trên các thanh rui mái bằng gỗ. Bên dưới, phía trước điện nơi có các cột gỗ đỡ bộ mái vừa lợp xong, một tổ thợ sơn người Bắc Ninh đang tỉ mẩn công việc sơn son thếp bạc phủ hoàng kim trên các con bọ bằng gỗ có gia cố bởi các đinh sắt. Anh Nguyễn Đức Huynh phụ trách về kỹ thuật và pha chế sơn mãi đeo bám sơn ở một cột gỗ kiền có màu cánh gián. Do công việc phải sơn lót liên tục, tôi không thể cắt dòng chảy cô đặc công đoạn của công trình sơn. Khi anh Huynh nghỉ tay để pha chế sơn, tôi chớp thời cơ hỏi: "Xin anh cho biết đôi điều về công nghệ sơn thếp truyền thống?" "Sơn ta được khai thác từ mủ cây sơn. Quy trình làm sơn không thể vội, đòi hỏi có thời gian dài. Sơn mỗi cột gỗ thường từ 10 đến 13 lớp và làm qua rất nhiều công đoạn- Sơn xong một lớp phải mài rồi sơn lại lớp khác. Còn dùng sơn màu thì tùy thuộc vào từng công trình. Ở đây chúng tôi sơn màu cánh gián trên 16 cột gỗ kiền để làm nổi chất liệu màu gỗ". Có lẽ anh đã ký tên vào các công trình di tích ở Huế? Tôi hỏi "Vâng tôi đã tham gia sơn son thếp vàng 3 bộ án thờ các vua Hàm Nghi- Thành Thái- Duy Tân và 138 cánh cửa ở Thế Miếu, bửu tán (điện Thái Hòa), Hưng Miếu, nhà bát giác (Đại Nội), bộ án thờ lăng Gia Long"

Cách Chấp Khiêm điện khoảng 150m là công trình Ôn Khiêm đường (nhà cất giữ đồ dùng của vua) vừa mới hạ giải trơ ra bộ xương bằng gỗ. Tôi đứng trên mặt nền lổn chổn vừa được xới lên để chống mối. Thấy tôi thò tay vào cột gỗ do mối ăn thủng, anh Thân Văn Trọng, tổ trưởng bảo vệ lăng Tự Đức nói: "Mối là hiểm họa chính đối với các công trình kiến trúc ở đây. Cho nên vừa qua Trung tâm Tài nguyên Môi trường Công nghệ trực thuộc Đại học Huế tiến hành chống mối bằng chế phẩm vi sinh cho 33 cây cổ thụ gồm 2 cây xoài, 1 cây mít, 1 cây me, 29 cây thông nằm ở phía trái Thể Khiêm đình. Riêng trong điện Hòa Khiêm và các công trình kiến trúc khác do Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phun thuốc chống mối.

Anh Lê Trọng Sơn, phó chủ nhiệm khoa Sinh học trường Đại học Khoa học Huế cho tôi xem danh sách các loài mối đã phát hiện ở Thừa Thiên Huế có tới 40 loài và 1 phân loài thuộc 3 giống, 3 họ, trong đó có 3 loài lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam và 1 phân loài mới cho khoa học. Anh Sơn cho biết thêm thành phần loài mối có ở khu di tích Huế gồm 20 loài, 11 giống, 3 họ. Riêng lăng Tự Đức có số lượng loài lớn nhất (14 loài), có mặt hầu hết các loài mối hại kiến trúc và cây cối.

Tôi đến Minh Lâu- lăng Minh Mạng, một công trình kiến trúc đang trong quá trình trùng tu. Nhìn vào hiện trạng của Minh Lâu, tôi thấy nền tòa nhà bị lún, các cấu kiện gỗ bị mối mọt. Được biết công trình này do tập đoàn American Express tài trợ 80.000 USD. Rời Minh Lâu, tôi đứng xem mô hình phục chế theo kiểu đóng cọc cát trong xử lý móng đất sét tại Hữu Tùng Tự. Đây là một công trình kiến trúc gỗ nằm trên nền đất cao bó vỉa gạch Bát Tràng. Đứng bên tôi, anh Đặng Hữu Nghệ, tổ trưởng bảo vệ lăng Minh Mạng kể: "Khi khai quật nền móng Hữu Tùng Tự, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã phát hiện kỹ thuật đóng cọc cát có cách đây hơn 150 năm!". Theo các chuyên gia trùng tu di tích cổ cho biết kỹ thuật đóng cọc cát vẫn

được áp dụng vì nó giữ cho nền nhà được ổn định. Trong quá trình trùng tu Hữu Tùng Tự hơn 200 cấu kiện đã được thay thế theo đúng các nguyên tắc và phương pháp cổ truyền. Nhưng có điều trên các cấu kiện đã thay thế có đóng đầy rẫy những chữ số "1997". Một du khách khi tham quan lăng Minh Mạng thắc mắc "Kiến trúc cổ mà lại ghi chữ số!". Tôi sực nhớ ở điện Minh Thành- lăng Gia Long trong lần trùng tu năm 1922 khắc ghi "Khải Định thất niên cung tu". Chỉ cần một bảng gỗ đề năm trùng tu dù trải hằng trăm năm hậu thế vẫn mãi ghi nhớ.

Trở về kinh thành Huế, tôi đi vào công trình trùng tu cửa Quảng Đức (còn gọi là Cửa Sập) để xem kỹ thuật dùng chất kết dính trong xây dựng. Tôi gặp anh Nguyễn Xuân Thủy, phụ trách thi công và anh cho biết công trình trùng tu cửa Quảng Đức do Viện Khoa học Công nghệ xây dựng thiết kế và trực tiếp tham gia thi công. Trong khi quan sát và hỏi chuyện những công nhân, tôi nảy ra ý định tìm hiểu thêm về việc xử lý- gia cố phần nền móng, kiến trúc sư Phùng Phu, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: "Do bị trận lụt năm 1953 nước xoáy làm xói lở phần nền móng, nên lần trùng tu này phải gia cố bằng hệ bản móng bê tông chịu lực năm đến sáu chục tấn. Còn phần trên thì dùng vật liệu truyền thống, gạch vồ, gạch Bát Tràng, ngói hoàng lưu ly, vôi vữa tô trát"

Leo lên tầng 2 vọng lâu cửa Quảng Đức, tôi dán mắt vào hai cửa tròn có gắn hình chữ "thọ". Tôi suy nghĩ mãi mới đọc được tư tưởng của tiền nhân: Bổ lão hoàn tồn.

Cố đô Huế, tháng 8-98
H.V
(120/02-99)




 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)
Các bài đã đăng
Nguyệt thực (28/01/2010)