Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Tản mạn về trận đại thắng quân Thanh (1789) tại Huế
16:22 | 05/02/2010
TRẦN HÀ TRUNGCứ mỗi lần nghe tiếng trống vang khắp nước, nhất là ở Đống Đa lịch sử (mồng năm tháng giêng) lòng tôi rộn ràng từ những ngày bé nhỏ.
Tản mạn về trận đại thắng quân Thanh (1789) tại Huế
Tượng đài vua Quang Trung tại núi Bân

Ngày ấy tôi còn thơ dại, một lần cha tôi đi dự lễ tang cụ Trần Đình Túc mất tại Truồi. Cụ là người bà con thân của gia đình tôi, vốn là Hiệp biện Đại học sĩ thời Tự Đức. Cụ qua đời, bà con thân thuộc dù đường xa, dù thôn dã, chưa hề biết Huế bao giờ cũng cùng nhau đi bộ vào tận “ trong Kinh” để viếng người thân khi qua đời. Trở về, cha tôi kể nhiều chuyện “ lạ lùng” ở Huế. Trong số đó có hai chuyện làm cho chúng tôi say nghe: đó là chuyện tài tình của người Tây năm 1916. Người ta căng một tấm vải lên, tự nhiên hàng nghìn người lính chạy loạn xạ, bắn nhau dưới trời mưa. Chuyện thứ hai làm tôi ghi đậm vào trí nhớ thơ dại cho mãi tới sau này là chuyện thần thoại ở Huế. Cha tôi kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, ở kinh kỳ có một “ Người nhà Trời” xuống dẹp luôn mấy chục vạn quân Tàu trong lễ Tết. Ngài chưa kịp hưởng một ngày bình yên của đất nước, thì Trời vội gọi về trên Thiên cung. Chuyện thứ hai này đầy lý thú với óc tưởng tượng phong phú của tuổi trẻ, ghi đậm mãi vào ký ức của tôi.

Rồi... năm tháng trôi qua. Tôi được trở thành một học sinh nơi kinh kỳ mới lạ. Cái gì với tôi cũng hấp dẫn, cũng kỳ thú. Đến sau không lâu "cái tấm vải treo lên với hàng vạn hình ảnh con người hiện lên" đã trở thành chuyện hằng ngày ở trong các rạp chiếu bóng cố đô. Câu chuyện “Người nhà Trời xuống thế” được cha tôi kể lại nay cũng là chuyện thần kỳ bao trùm lấy nhiều di tích lịch sử "biết nhưng cấm nói" ở dân gian. Đã có bao nhiêu con người để lại đầu lâu ngoài Cống Chém An Hòa, trong đó không thiếu những người ca ngợi vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

Huế đến đây, vẫn thâm nghiêm, vẫn lặng im qua thành quách, cung điện, đình tạ với vị vua cuối cùng ngồi trên ngai vàng sắp sửa lung lay. Thế nhưng “ cái khí nghiêm cấm” có từ gần 141 năm vẫn để lại trong “ thần dân” bao hận đối với nhà Tây Sơn, rực ánh sáng hào quang của một triều đại anh hùng. Người hiểu biết, “ ngại” nói đến, người “ nhồi sọ” từ bao đời quên mất cha ông đã có lần phất cờ cứu nước với “ áo vải, cờ đào”. Nhưng những chuyện “ ngăn cấm” ấy không cản nổi những người yêu nước, thương nòi, những “ người nhất quỷ nhì ma” ham hiểu biết như chúng tôi.


Chúng tôi chia nhau đến các di tích về Quang Trung ở đế đô: Tôi với mấy người bạn tìm lối lên Núi Bân, nơi xuất quân ra Bắc diệt mấy chục vạn quân Thanh. Dọc sườn núi hoang dã, không một lối mòn, không một người lai vãng. Chúng tôi mò tìm những dấu vết khả nghi là có bàn tay con người tạo dựng, nhưng đều không tìm thấy. Gần hết ngày, bụng đói, người mệt, chúng tôi đứng một lúc lâu, ngắm cảnh tưởng tượng lại cuộc đại xuất quân năm nào của nhà yêu nước Nguyễn Huệ. Tự nhiên, không nói ra, nhưng đều cảm nhận thấy sông núi quê hương hùng vĩ một thời đã tô thắm cho đất Huế. Tuy chưa tìm thấy dấu tích nền đất tế cờ, xuất quân năm nào, nhưng cảnh quan chung của non sông ấy cũng đủ làm cho những tâm hồn trẻ tuổi chúng tôi có phần hưng phấn.

Khi gặp lại mấy người bạn đi xem Khám Đường về, chúng tôi lại băn khoăn, dở khóc dở cười. Một người bạn, người Huế chính cống, nói với chúng tôi với nét mặt tỉnh khô:

- Ta nhầm to. Chúng tôi hỏi nhà Ông Vò, đều được trả lời: Ở đây không có nhà Ông Vò nào hết. Các chú đi hỏi nơi khác!

Nghe vậy, nhiều bạn cười ồ lên, nhưng cũng có bạn ngồi im lặng hồi lâu mới trả lời:

- Có thể bạn ấy chưa biết câu chuyện thương tâm về “ Ông Vò”... Nhưng cũng có khả năng, bà con không muốn nói đến chuyện “ quốc cấm” ấy!

Riêng tôi, tôi băn khoăn mãi. Câu chuyện Gia Long đào mả vua Quang Trung bỏ vào một vò bằng gốm, xiềng xích lại giam vào ngục thất trong Khám Đường từ hơn 100 năm nay, làm thiên hạ khắp nước bất bình. Việc đó ai không biết. Đến như những chính trị phạm trong Khám Đường cũng tôn thờ Ông Vò ngày ngày hương khói, lại được họ gọi với một tên tôn kính: ÔNG VÒ. Đến năm 1885 ngày thất thủ kinh đô, họ phá ngục thất, thoát thân vẫn không quên mang theo Ông Vò về mai táng tại một nơi nào đó ở Huế. Câu chuyện kỳ lạ ấy không thể không lưu truyền trong dân gian. Ngay trong tầng lớp quý tộc trong cung cấm cũng nhiều lần khiếp sợ về chuyện “ Ông Vò” hiện hình: Vua Đồng Khánh thét lên trong đêm vì thấy chiếc “ Vò” hiện thành vị thần trừng mắt trước vua Đồng Khánh, làm cho Đồng Khánh khiếp sợ phải chết sớm sau nhiều ngày ốm đau liên tục. Không biết có phải vì thế, nhà vua phải cúi mình xuống xin chịu làm “ em nuôi” bà huyền thoại người Champa là Thiên-Y-A-Na thờ ở điện Hòn Chén dù đang là thiên tử con Trời “ ngự trị muôn phương”

Xem thế, chúng ta thấy bà con Huế dưới thời vua nhà Nguyễn ít nói hoặc không nói đến dấu tích Nguyễn Huệ, chỉ là “ cấm đoán” mà thôi.

Vài câu chuyện tản mạn trên đã ghi lại ít suy nghĩ của tôi, người học trò trong thời vua chúa nhà Nguyễn đang chễm chệ ngồi trên ngai vàng, mặc dù chiếc ngai vàng đang lung lay. Chỉ ít lâu sau, ngai vàng bị lật đổ, Cách mạng đưa thủ đô trở về Thăng Long lịch sử. Không khí náo nhiệt hồi ấy, tôi chỉ nghe kể lại khi tôi mới vừa mặc chiếc áo Vệ quốc quân của Trung đoàn 95 (Quảng Trị). Tôi bận chiến đấu, nhưng luôn đợi ngày chiến thắng để trở lại Huế năm xưa, nhìn lại những kỳ tích vua Quang Trung tại Huế. Cái ước mơ đó, ngày càng xa vời với tôi. Tôi được điều ra Bắc, được chọn đi học. Trước khi đi tôi có một ước nguyện nho nhỏ: Được dự ngày hội Đống Đa sau ngày giải phóng nửa nước. Điều làm tôi mừng rỡ là lễ hội Đống Đa lần này không phải là lần đầu tiên như tôi tưởng. Hằng năm, dù dưới thời thịnh trị của vua nhà Nguyễn, dù thời thuộc địa hay trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Hà Nội vẫn có lễ hội Đống Đa bằng mọi hình thức. Tâm linh Việt vẫn ở trong tận tâm hồn muôn thưở người Việt . Những tấm gương sáng chống ngoại xâm, những anh hùng dân tộc, dù thời nào, dù thuộc triều đại phong kiến nào cũng được cả dân tộc sùng bái, không như vua nhà Nguyễn chà đạp lên trang sử vua Quang Trung. Họ lại quên chính họ: Nguyễn Bặc với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... không còn một nơi thờ hẳn hoi ở Huế. Các vị tiên tổ của họ như các vị Vua Hùng, những vị vua mà cha ông ở Huế tôn thờ ngày trước chỉ “ở trọ” tại Lịch Đại đế vương, ở một góc xép bên cạnh tất cả vua quan Trung Quốc từ thượng cổ. Đến như ở Võ Miếu, các tướng súy Trung Quốc cũng được thờ la liệt từ trên xuống dưới, may sao còn có một Trần Hưng Đạo thờ phụ ở góc cuối cùng. Sự “quên lang” đó không biết vì sự kỳ thị của sự chia cắt Đàng Trong hằng mấy thế kỷ như “nhà không chái, đái không ngồi, nồi không quai” hay vì một lý do nào đó, mà truyền thống con Rồng cháu Tiên xa xưa bỏ quên mất, không nói đến nhà Tây Sơn “kẻ thù” của nhà Nguyễn”.

Rồi tôi lại được học về khoa lịch sử, được sang Trung Quốc, được chuyên nghiên cứu về lịch sử nước nhà, lịch sử một số nước... tôi thấy được cái định kiến về Quang Trung của nhà Nguyễn là điều không ít thấy trong lịch sử. Những tấm gương của Lê Thánh Tông, nhanh chóng xóa “cái án bất công của Nguyễn Trãi về “tội” ở đất Lệ Chi là một ví dụ sinh động. Thái độ bao dung của vua nhà Trần đối với Trần Khánh Dư, khi đất nước sắp lâm nguy là một ví dụ sinh động khác. Tấm gương Bắc Bình Vương không hề thành kiến với những nhân tài đất Bắc, thu nạp nhiều người bằng đôi tay mở rộng, kể cả với Trần Văn Kỉ, Nguyễn Thiếp ngay ở đất miền Trung cho thấy tính cao cả của con người Việt Nam hào hiệp có truyền thống. Có người cho rằng nhà Nguyễn chưa có trang sử chống ngoại xâm nào, nên chưa tôn kính những người Việt chống ngoại xâm ở kinh đô Huế. Đó cũng là điều không quá đáng nếu nhìn lại hơn 365 đền thờ ở Huế hiện nay, kể cả đền Lịch Đại và Võ Miếu, đều thờ những người Tàu và bà con thân thích của nhà Nguyễn.

Cũng do kỳ thị, do tư thù quá quắt, mà người ta “lấy làm lạ” về việc Lê Lợi, Nguyễn Trãi” lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo cấp năm trăm thuyền, cho mấy nghìn ngựa, cho quân Minh bại trận trở về nước. Nhiều người trong những kẻ đi theo giặc Mỹ hết sức ngạc nhiên về nghĩa cử của Đảng ta khi hoàn toàn giải phóng 1975, mà chúng đinh ninh bị ngập trong trả thù đẫm máu. Thế nhưng chưa một ai có cảnh con cái, dòng họ bị vằm nát, không đào mã đối phương, lấy đầu lâu bỏ vào vò sành hơn 140 năm trong ngục thất.

Ngày 26 tháng 3, tôi cùng đồng đội có mặt ở Huế. Cái rộn ràng, mừng vui lúc đó có cả sự tôn vinh trở lại “Ông con Trời” mà cha tôi nói đến khi tôi chưa biết Huế.Chắc chắn, tôi sẽ được nghe tiếng trống rộn ràng, thấy cờ bay phấp phới trong những ngày đại thắng Đống Đa. Hoặc ít nhất cũng nghe mùi hương phảng phất đâu đây trong ngày mồng năm tháng giêng như nhiều nơi trong cả nước. Chúng ta hãy bình tĩnh chờ đợi.

Huế cố đô, Huế của trăm họ, Huế không chỉ một họ từ Gia Miêu. Trăm họ chung tay dựng nên đô thành mà một lần vị vua “áo vải” trị vì với bao trang sử chói lọi: mười ngày đánh tan 29 vạn quân Thanh. Hai mươi năm với bao nhiêu cải cách xã hội mà đương thời, thiên hạ ngợi khen “Triều đại ấy ngàn năm ít thấy, phong cảnh nầy mấy thuở nào phai". Ngay đến như Đặng Đức Siêu, người được vua Gia Long “quyến chú nhất” cũng phải khen ngợi vua Quang Trung trước mặt vua Gia Long” Anh em Tây Sơn chỉ là một kẻ thường dân, áo vải, đất không có một lỗ cắm dùi, thế mà chúng vừa mới đưa cánh tay lên, hô hào một tiếng đã có hàng vạn người theo và chỉ trong năm, sáu năm lấy biết bao là đất đai. Chúng không có tài đức gì hơn người làm sao có sự hưng khởi một cách nhanh chóng như thế” (theo sách chính biên)...

Huế đã trở thành Di sản Văn hóa thế giới. Huế không chỉ có Đại Nội, Huế còn di tích vật chất và phi vật chất của mảnh đất Việt Thường, một trong mười lăm bộ nước Văn Lang thời Hùng Vương, buổi mở đầu của đất nước. Huế còn có triều đại “ngàn năm ít thấy” với trận tốc chiến 10 ngày kéo từ núi Bân ra diệt gọn 29 vạn quân Thanh cướp nước, v.v... Huế phải hòa nhập vào lễ hội cả nước, tẩy sạch dấu vết Đằng Trong từ hơn 160 năm về trước. Huế có lễ hội Vua Hùng, có Hai Bà Trưng, có Trần Hưng Đạo, có Nguyễn Quang Trung. Việc hội nhập cả nước là ước mơ trong tâm linh “trăm họ” ở Huế, là động lực tinh thần đưa đất nước tiến lên nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như nhiều nước tiên tiến hiện nay.

Hãy đợi ngày hội nhập!

Huế 5 - 1 năm mới
T.H.T
(120/02-99)



 

 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Các bài đã đăng
Quê hương (05/02/2010)