Khi tôi lớn lên, bắt đầu đi học và biết suy nghĩ đôi chút, tôi đã chú ý đến nó. Ban đầu do cái tính tò mò cố hữu của con gái, sau nữa là do bóng mát của cây và có thể gọi là khá um tùm, là nơi hai chị em chúng tôi thường ngồi chơi chuyền chơi ô hay bày hàng bán chợ bằng những cái vỏ sò vỏ ngao lớn nhỏ trong đó đựng nào cát, mẩu búp hoa giâm bụt, nào hạt bời lời, lá chè tàu... giả vờ làm gạo, thịt, cá, rau vân vân...
Gọi là giếng nhưng chả có vẻ gì là cái giếng cả. Nó bé một cách kỳ lạ đã đành, lại còn nông nữa, nông choèn nông choẹt, bẻ cái que dài vài ba gang thò xuống dò đến đáy cũng không ướt tay. Nhưng cái kỳ lạ nhất là mực nước của nó không bao giờ thay đổi, dù cho hạn cùng hạn kiệt hay mưa tầm mưa tả cũng thế. Nói không ngoa là nó không thêm vào một giọt, không bớt đi một giọt, cứ như giếng thần giếng tiên vậy. Một hôm tôi hỏi anh Vũ, anh trai thứ của chúng tôi:
- Anh ơi, cái giếng loạn ở vườn nhà mình là giếng gì vậy? Sao lại gọi như thế?
Anh Vũ trố mắt nhìn tôi như chưa nghe rõ, hỏi giật giọng:
- Em hỏi cái gì? Cái gì?...
- Cái giếng loạn! Ở dưới nương đó, anh không biết à?
Anh Vũ không nói gì, kéo tay tôi ngồi xuống bậc thềm, giọng nghiêm trọng:
- Này Lệ, Lý! các em không được nghịch ngợm gì ở nơi đó, nghe chưa?
- Sao?
- Cha mà biết thì chết đòn! Chỗ đó là chỗ linh thiêng, đàn bà con gái không được bén mảng tới!
Tôi sửng sốt, thấy hơi lạnh sau xương sống. Chị Lệ ấm ức ngước lên, hỏi dồn:
- Sao con gái lại không được tới? Chỉ con trai mới được à? Con gái không phải là người à?
Anh Vũ nhìn khuôn mặt đang bừng bừng của chị Lệ, mỉm cười đứng dậy ôm lấy hai vai chị, dỗ dành:
- Đừng tức giận thế, con gái mà nhăn nhăn nhó nhó cái mặt, xấu lắm. Thôi, để lớn lên chút nữa các em sẽ biết. Chơi thì chơi những đừng đào bới, xả rác, làm bẩn... và đừng để cha biết, cha mắng.
Tôi gật đầu:
- Vâng. Nhưng mà anh đã nghe hết câu chuyện của chúng em đâu? Cái giếng đó nó lạ lắm anh ơi!
Anh Vũ xoa đầu tôi:
- Được, được, để lúc khác. Giờ anh bận, phải đi cái đã!
Cha mẹ tôi sinh được bốn người con, hai trai hai gái. Nghe mẹ kể lại, có mấy lần sinh nở đầu, nhưng đều phải bỏ không nuôi được. Hai anh tôi sàn sàn, cách nhau năm một. Đến đó thì mẹ tôi dừng lại, không đẻ nữa. Một năm, ba năm, rồi tám chín năm, cha tôi tưởng thế là thôi. Đến năm thứ mười bỗng nhiên mẹ tôi lại có bầu, và lần này hai chị em sinh đôi chúng tôi ra đời. Cha tôi chép miệng thở dài sườn sượt, những tưởng trời cho thêm hai “cán rựa” nữa cho đủ tứ quý, không ngờ vớ phải hai “cái ngao”! - ông nói thế.
Cách nhau xa như vậy nên khi chúng tôi còn ở truồng ở lỗ chạy khắp sân khắp vườn thì anh Vũ tôi đã là một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú, đỗ tiểu hiện xong lên tỉnh hiện tiếp bậc trung học. Chị em chúng tôi giống nhau như hai hạt sương, đến cha tôi và các người trong nhà nhiều khi nhầm lẫn Lý thành Lệ, Lệ thành Lý, cứ lung tung cả lên. Chỉ có mẹ và anh Vũ không nhầm. Anh nói: “Cứ nhìn vào mắt. Cái hồn con người ở trong mắt!” Mẹ thì bảo: “Cả hai đứa đều có nốt ruồi son ở dưới vành tai. Con chị tai trái, con em tai phải”. Cả nhà nghe giải thích, ai cũng cười. Nhìn vào mắt thấy hồn người thì chỉ có anh Vũ thôi, duy nhất. Còn phân biệt chị em như mẹ, chả lẽ mỗi lần như thế lại vạch tai chúng tôi ra xem? Rốt cuộc ai nhầm cứ nhầm, ai không cứ không…
Chúng tôi đậu yếu lược xong, lên lớp nhì nhất niên thì nghỉ, ở nhà giúp mẹ. Thời bấy giờ ở làng tôi, con gái học đến đó đã danh giá lắm, và cũng đã lớn lắm. Cha tôi bảo học thế đã quá đủ, ở nhà vài năm rôi lấy chồng, thế là xong!
Nghe ông nói, mẹ tôi tủm tỉm cười nhìn chúng tôi âu yếm, còn tôi xấu hổ cúi đầu, hai má tự dưng đỏ rần như vừa từ bếp ra. Chị Lệ im lặng như không nghe gì cả, khều tay rôi ra sau hè. Chị nhìn lơ lửng đâu đó, xa xôi buông từng tiếng:
- “Thế là xong!” Ôi chao, đời con gái tụi mình chỉ như vậy thôi sao? Bỗng chị quay lại, chụp ôm lấy hai má tôi, dọi nhìn vào mắt, giọng đanh lại:
- Chưa xong! Chưa xong đâu! Xong hay chưa là do tự mình, phải không Lý?
Tôi hơi hoảng trước vẻ quyết đoán của chị, không biết phải trả lời chị ra sao cả. Lát sau, tôi kể lại với chị những bí mật về cái giếng loạn mà chị chưa được nghe anh Vũ nói. Rằng khi ông nội tôi để lại mảnh vườn cho cha tôi, đã có cái giếng ấy rồi. Hình như trời sinh ra nó chứ không phải ai đào. Cha tôi chỉ là người đã sửa sang nó cho tròn trặn, đắp cỏ xung quanh miệng giếng cho gọn gàng sạch sẽ. Ông còn thả vào đó một đôi cá thia nhỏ bằng ngón tay út “cho giếng nó có bạn, nó vui, không bao giờ buồn nản” - ông nói thế. Bây giờ đây đôi cá ấy vẫn còn, vẫn lượn lờ trong giếng, và có điều không sao hiểu được là đôi cá không lớn thêm, mãi mãi bé và xinh bằng ngón tay út. Đặc biệt là ông đã chôn những cuống rau của anh chị em chúng tôi xuống quanh đó, mỗi cuống cho vào một cái niêu đất nung nhỏ có nắp đậy. Vì thế, ông không cho phép đàn bà con gái bước chân tới, sợ “ô uế”, làm “động” giếng! Riêng cái khoản mức nước, anh Vũ giải thích: Chắc chắn ở dưới lòng đất, nó thông với một dòng chảy ngầm nào đó, rồi nối với ngọn khe gọi là khe Ồ Ồ gần như ngoằn ngoèo chảy suốt chiều dài không lấy gì làm thẳng thớm suôn sẻ của làng tôi, xuôi ra sông ra biển…
Chị Lệ nhướn lông mày, hỏi:
- Thế sao gọi nó là “giếng loạn”? Loạn giặc loạn giã, loạn âm loạn dương hay loạn tiền loạn gạo?
Tôi ngớ ra “à nhỉ?” và tịt cứng. Chị Lệ tiếp:
- Đừng tin Lý ạ. Chẳng qua các cụ lòng thành mà bày ra thế thôi. Cũng không có gì ghê gớm. Chị em mình chẳng tin nhưng cũng lòng thành, thế là được! Đừng sợ sệt, lo lắng chi cho mệt. Vả lại, giờ chị em mình đã lớn rồi, không chơi những trò trẻ con ở đó nữa!
Năm đó, gia đình tôi xảy ra một việc hệ trọng.
Anh cả tôi, cha bắt lấy vợ từ rất sớm, xây thêm một ngôi nhà bên cạnh cho ra ở riêng, đã yên một bề, không nói làm gì. Anh Vũ học trên tỉnh, đến năm sửa soạn thì lấy bằng đíp-lôm thì bỏ dở vào Đà Lạt làm ăn. Anh đánh giấy về nói là làm thư ký cho một đồn điền ở đó; ông chú là cha người bạn học thân thiết của anh: ông này là người bà con bên họ mẹ tôi, gọi mẹ tôi bằng chị. Chuyện anh Vũ thế cũng đành đi một nhẽ, chưa có gì phải quá bận tâm. Tất cả ở chỗ người chị sinh đôi với tôi. Cha tôi có một người bạn học từ nhỏ ở làng bên cạnh cách một con sông nhỏ. Ông này làm nghề bốc thuốc bắc ở chợ bên kia, mọi người thường gọi là ông Tú Nhơn. Đúng cái hôm được tin anh Vũ , ông Tú Nhơn đến nhà tôi chính thức hỏi xin chị Lệ cho anh con út là Luân đang dạy học bên huyện. Hóa ra từ lúc chúng tôi còn nằm trong bụng mẹ, cha tôi và ông Tú đã hứa hẹn gả con cho nhau.
Chị Lệ đi chợ về thì mọi sự đã xong xuôi, cha mẹ tôi đã nhận trầu rượu của ông Tú. Chị kêu “trời ơi!” một tiếng rồi vò đầu bứt tai ngồi rũ xuống. Tôi thương chị quá mà không biết làm gì, đứng nhìn chị, nước mắt cứ chảy ra. Anh cả tôi bên nhà chạy qua, thấy cảnh đó lắc đầu than vãn: “Một thằng thì bất nghĩa, một con thì bất hiếu, cha mẹ chắc rồi khô héo mòn mỏi mất thôi!” Nói xong , quày quả vào. Chị Lệ ngẩng phắt đầu đứng dậy:
- Việc gì mà phải khổ sở, Lý? Chị không khóc lóc thì thôi, em khóc lóc làm gì?
Tôi nhìn khuôn mặt bình thản và ráo hoảnh của chị, ngạc nhiên quá đỗi. Tôi bỗng sực nhớ đến là cha tôi “Thế là xong!” Chuyện rồi ra thành sự thật ư? Ôi thôi là cuộc đời con gái chị em tôi! Hình ảnh cái giếng loạn lại hiện lên trong tâm trí. Hay là chúng tôi đã làm nó “động” rồi? Nếu vật, tất cả tội lỗi đều do tôi, tôi chính là thủ phạm đã lôi kéo chị Lệ đến chơi bời vầy đất vầy cát ở đó; giờ đây chuyện tình duyên ép buộc của chị cũng do tôi nốt à…? Chao ôi!
Thương chị thì nghĩ đau nghĩ khổ như vậy nhưng trong thâm tâm , tôi thấy chị Lệ và thầy Luân là một đôi chẳng đến nỗi nào. Thầy Luân được học hành tử tế, lại con nhà gia giáo, làm thầy học trong huyện ai cũng khen là người tốt người giỏi… Cầu mong cho ngày qua tháng lại, chuyện của hai người êm đẹp mọi điều…
Bây giờ đang là mùa cau. Vườn cau nhà tôi lâu năm, có thể gọi là toàn cây cổ thụ. Cứ cao vút, thẳng ro, chọc mãi lên trời như không kiêng nể cái gì, kiêng nể ai. Để trèo lên hái những buồng cau trĩu qua từ trên cao xuống, phải là những tay có nghề. Anh Giành người xóm dưới là một trong những người có nghề ấy ở làng tôi. Anh không cha không mẹ, nghe nói họ đã mất từ hồi anh còn bé tí. Anh ở một mình, lớn lên một mình, làm thuê để nuôi sống bản thân. Cực khổ là thế nhưng lạ, nom anh rất dễ thương; mặt mày cân đối, vóc dáng nho nhã như học trò, tính tình lại hiền hậu, hơi rụt rè như con gái. Lại nghe nói ngày ngày anh thường ghé chỗ trường làng, đứng ngoài dòm vô, chỉ học lỏm mà biết đọc biết viết, thế mới đáng khen… Thường lệ mỗi kỳ thu hái cau, cha tôi lại bảo chị em tôi xuống gọi anh lên. Anh cởi trần, mặc độc chiếc quần đùi, ngang lưng thắt một chiếc dây dừa, tay cầm chiếc nài bện bằng gân sống lá chuối mốc khô dấp nước cho dịu. Anh ngoắc nài vào hai bàn chân, tay bíu thân cau, leo thoăn thoắt lên, móc túi sau lấy con dao nhíp nhỏ sắc ra, rạch một đường chỗ ngàm buồng cau ôm thân, bóc cái xoẹt. Đoạn , anh khéo léo gài buồng cau vào thân cây cho trượt xuống gốc. Từ trên ngọn, anh co mình lấy đà, nhún một cái mạnh và dẻo queo tựa như xiếc. Vút vút! Thoắt cái, thấy anh đã bám vào một ngọn cau khác. Và một buồng tiếp theo lại được trượt xuống gốc. Cứ thế, hết ngọn này đến ngọn khác, anh Giành như con vượn cần mẫn và tài tình, chỉ cần một lần lên và một lần xuống, cho đến lúc buồng cau cuối cùng của một vụ thu hái vườn nhà tôi được gọn.
Chúng tôi thu gom những buồng cau lại và chuyển vào nhà. Anh Giành mở vòng dây dừa ở thắt lưng luồn vào ba bốn buồng, thắt lại, mỗi bên vai ngoắc thêm mấy buồng nữa, trên cổ lại một buồng, rồi cứ thế thậm thịch, thậm thịch từ nương lên nhà, chuyển kỳ hết các đống cau chị em tôi đang làm dở. Mẹ tôi trả tiền công cho anh xong, anh ra về. Ngang qua chỗ vại nước, anh dừng lại múc một gáo rửa chân. Tôi thoáng nghe anh hỏi chị Lệ nho nhỏ:
- Nghe nói là…
Chị Lệ trừng mắt. Anh im bặt ngay. Tôi liếc nhìn hai người, chẳng hiểu gì cả.
Một đêm, khuya lắm chị em tôi vẫn còn thầm thì trong chăn đủ các thứ chuyện trong làng ngoài xóm. Chị Lệ ghé sát vào tai tôi:
- Lý ơi, sáng nay chị đã lén mua trầu rượu qua bên kia sông gặp thầy Luân.
- Ôi , trả lễ à? Chị bạo gan thế à?
- Chị đã nói thật hết lòng mình. Rằng chị rất quí trọng thầy nhưng không thể lấy thầy, thầy hãy thưa lại dùm với hai bác. Trong lòng chị đã có một người rồi!
Tôi giật mình:
- Người nào vậy? Thấy Luân nói sao?
- Người nào sau em sẽ biết. Còn thầy Luân, nghe chừng rất hiểu chị. Thầy nói:
"Tuy vậy nhưng đã có gì ràng buộc nhất thiết không cởi được đâu, Lệ cứ tùy lòng mình mà làm. Tôi không ép Lệ phải yêu tôi lấy tôi khi mà Lệ không muốn. Để rồi tôi tìm cách thưa lại với cha mẹ tôi. Lệ hãy tin tôi đi".
- Không ổn đâu chị ơi! Thầy Luân hiểu bụng chị, nhưng ông bà Tú cứ một mực không hiểu, chị tính sao? Rồi còn cha mẹ mình nữa...!
- Chỉ cần bên ấy họ lờ đi, họ không xin cưới thì thôi chứ gì? Người ta không xin cưới, chả lẽ cha mẹ mình trói mình lại mang dâng cho người ta à? Thôi ngủ đi, việc của chị để chị lo. Ngủ đi, gà sắp gáy rồi đó!
Không biết chị tôi thu xếp ra sao, tính toán điều gì, còn tôi nghĩ đến tính nghiêm khắc của cha mà lo thắt ruột. Tình cảnh này cha tôi chắc chắn không để cho chị được yên ổn rồi. Trong phút chốc, cái giếng loạn với những cuống rau của anh chị em tôi chôn xung quanh đó lại trở về ám ảnh tôi. Giá mà chị Lệ... Giá mà tôi có thể... Tôi thiếp đi trong một nỗi thấp thỏm nặng nề, đầu cứ ong ong, ong ong như tò vò đang xây tổ...
Chợt tỉnh giấc, tôi quờ tay sang bên cạnh.
Tay
tôi bị hẫng. Tôi vùng ngồi dậy, giụi mắt nhìn. Không thấy chị Lệ đâu cả. Linh tính có chuyện không hay, tôi vặn to ngọn đèn vẫn để tù mù góc phản bên cạnh. Một mảnh giấy gấp nhỏ chặn dưới chân đèn. Tôi lập cập mở ra, đọc. Trời! Tôi vội vàng chạy lên nhà trên, khua cha mẹ tôi dậy, kể hết sự tình...
…Thấm thoắt mấy năm đã trôi qua. Trong thời gian ấy có biết bao nhiêu thay đổi, mà lớn lao nhất là nước nhà thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, dân mình được sống trong không khí mới độc lập, tự do.
Còn nhớ cái hôm chị tôi bỏ nhà ra đi, tôi cứ đinh ninh cha tôi sẽ nổ ra một trận lôi đình, nhưng cũng rất lạ, sau khi nghe tôi kể hết mọi chuyện, ông nín thinh, trên vầng trán cao xương xương của ông thoáng vờn mấy nếp nhăn trầm tư suy ngẫm. Vốn là một nhà nho kiêm người làm vườn, trong ông trộn lẫn các tính cách có phần trái ngược nhau: vừa nghiêm khắc nền nếp, giấy rách phải giữ lấy lề, không có gì làm cho suy suyển được, vừa thực tế tùy cơ như người nông dân theo mùa màng, thời tiết biến động mà bón chăm cây quả sao cho thu hái được nhất, ít thất bát nhất. Một tiếng hú dài cất lên ngoài động cát của người đi biển gọi nhau, và một tiếng khác ngắn hơn đáp lại từ bìa làng đang lặng chìm trong giấc sáng, báo hiệu là một đêm sắp qua, một ngày đang tới kéo chúng tôi về với hiện tại. Trong lúc hai mẹ con tôi đang ôm nhau buồn bã ngồi không biết phải nói gì làm gì thì cha tôi đằng hắng một tiếng:
- Hừm... ừm! Thôi, số đã vậy thì cứ chịu vậy. Nó đã quyết trốn đi, có thắp đuốc soi cũng chẳng tìm ra. Mẹ nó đừng buồn lo, sinh bệnh. Giờ như thế này: Không được ồn ào chộn rộn gì cả, coi như yên ổn hết, không để làng xóm biết. Con Lý từ giờ phải đóng hai vai: khi là chị, khi là em, tùy cơ ứng biến. Để hàng xóm láng giềng khỏi nghi ngờ, đàm tiếu. Gì thì gì, phải tránh cho được cái tiếng gia phong nhà mình suy bại, nghe chưa?
Nói rồi, ông đứng lên, thong thả bước ra sân. Tôi biết thế là mọi chuyện đã được quyết định, không bàn cãi nữa. Hai mẹ con đi xuống bếp. Tôi nhóm lửa đặt chảo cát lên, sửa soạn rang ngô. Mẹ tôi buông thỏng hai tay, ca cẩm:
- Cũng tại cha mày! Trước khi nhận trau cầu của người ta, phải hỏi nó ưng hay không ưng đã chớ! Ép dầu ép mỡ chứ ai lại nỡ ép duyên! Khổ chưa...?
Tôi vừa đảo ngô trong tiếng nổ lép bép vừa cố làm cho mẹ vui:
- Chà chà, từ giờ trở đi con phải nhận lãnh cả hai vai tuồng cải lương đây, phải múa may quay cuồng đây! À mà phải làm thế nào, mẹ?
- Làm thế nào kệ cha con mày, tau không biết!
- Khó thật, khó quá! À mẹ này, đúng là cái số như cha nói. Anh Vũ tuổi Ngọ cho nên phải chạy. Còn con tuổi Mão, mèo chỉ quanh quẩn ở nhà thôi!
- Mày méo đúng rồi, con chị mày sinh đôi với mày, không tuổi mèo thì tuổi gì, hả? Sao nó lại trốn đi, hả? - mẹ tôi vặn.
Tôi chống chế, huyên thuyên:
- Chị Lệ mèo nhưng là mèo đực. Mèo đực có đi hoang thỉnh thoảng, rồi cũng lại về!
- Nói thế cũng nói được! - mẹ tát yêu vào má tôi - còn mày nữa, liệu cái thần hồn!
Ngày hôm sau, cha tôi bảo:
- Sửa soạn mau, đi với cha! Lấy cái áo dài màu trứng sáo con chị mày vẫn ưa, mặc vào!
Tôi vừa mặc áo vừa run, bụng nghĩ: "Thế là cha bắt mình nhập vai ngay bây giờ đây!"
Vào đến nhà ông Tú Nhơn, thấy ông đang ngồi uống trà ở gian ngoài. Chủ khách vừa kịp chào nhau, chưa kịp ngồi, cha tôi đã chấp hai tay lại:
- Tôi qua đây để tạ lỗi cùng anh . Tôi sinh con ra nhưng không dạy được con, nó đã dám làm trái là cha mẹ - ông ngoảnh lại, quát tôi: “Lệ! Đến quì trước mặt bác Tú đi!” Tôi hốt hoảng quì xuống, cúi đầu; ông quát tiếp: “Nằm sấp xuống! Được!” - ông quay lại, hướng về pháp ông Tú - Tôi đã thất hứa với anh, vì đứa con mất nết. Trước mặt anh đây, tôi xin trừng phạt nó! Để nó nhớ đời, và cũng để mong anh bỏ quá cho tôi!
Nói rồi, nhanh như chớp ông bước đến tấm liếp bên cạnh, rút cây roi mây của nhà ông Tú Nhơn vẫn giắt sẵn ở đó, bước tới dang thẳng cánh quất vào tôi ba roi đau điếng người, đau quằn quại…
Sự việc diễn ra quá nhanh, quá liên tục, làm cho ông Tú Nhơn không kịp can ngăn, dù chỉ là một cử chỉ nhỏ…
Trở lại chiều hôm nay. Cha tôi từ ngày chính quyền mới của xã bầu làm ủy viên ủy ban phụ trách an ninh trật tự, ông bận liên miên, đi suốt cả ngày lẫn đêm. Công việc ở địa phương những ngày đầu của cuộc sống mới quá bề bộn đã lôi cuốn ông vào guồng máy quay không ngưng nghỉ. Rồi anh Vũ tôi gửi thư về báo tin đã gia nhập Giải phóng quân, công tác tận chót Bạc Liêu, Cà Mau. Anh nói anh đã theo Việt Minh hoạt động bí mật từ hồi ở Đà Lạt. Cả nhà ai cũng mừng, nhất là cha tôi. Có lẽ vì những điều đó nên tính ông dường như có phần thay đổi. Ông đỡ nghiêm khắc cứng nhắc hơn, đỡ “gia trưởng” hơn, đối với con cháu và người làm trong nhà, ông thể tình mềm mỏng hơn mỗi khi có gì ông không vừa ý.
Mùa xuân năm đó đến thật rộn ràng. Trong làng ngoài xóm nhà nào cũng náo nức sắm sanh, trang hoàng lộng lẫy để ăn cái Tết đầu tiên trong không khí nước nhà độc lập , tự do. Thường lệ nhà tôi gói bánh tét từ hăm tám, tháng thiếu thì từ hăm bảy. Năm nào cũng vậy, cứ dịp này là mẹ tôi như đứng ngồi không yên, bà luôn chân luôn tay nhưng trong cử chỉ của bà vẫn ẩn giấu một nỗi bồn chồn mong ngóng. Mà ai trong nhà cũng vậy chứ, ai cũng mong xum họp chứ ai lại muốn chia ly, nhất là trong những ngày như thế này.
Nồi bánh vừa nổi lửa xong thì trời chập choạng tối. Cả nhà ngồi ăn cơm trong hơi ấm của đêm cuối năm, mỗi người một ý nghĩ nhưng chắc ai cũng đang hy vọng, đang khấp khởi mơ hồ với những gì tốt đẹp sắp đến, sẽ đến trong năm mới.
Tôi đang thu dọn, rửa bát đĩa thì nghe tiếng thằng cháu con anh cả hỏi to:
- O Lý đi đâu về tối vậy? Bồng con ai đó?
Tôi ngoảnh sang phía nhà anh cả:
- O đang ngồi rửa bát ở đây! Con vừa nói cái chi?
Bỗng như một luồng gió thốc qua, tôi vụt nghĩ ra, quăng cái đĩa đang rửa trên tay, chạy nhào ra cổng.
- Ôi chị Lệ! chị Lệ! Cha ơi mẹ ơi! Chị Lệ về rồi!
Chị tôi cũng nhào tới. Hai chị em ôm riết nhau làm đứa bé trên hông chị khóc ré. Chị chuyền đứa bé cho người nào đó đi phía sau trong bóng tối tôi chưa nhìn rõ mặt. Mẹ tôi chạy ra, khóc khóc cười cười:
- Tổ cha mày! Mày bỏ cha bỏ mẹ đi đâu mấy năm nay, giờ mới chịu đâm mặt về…!
Chị Lệ nước mắt nước mũi giầm giề:
- Con xin mẹ, con xin mẹ! Vào nhà, con sẽ thưa chuyện cùng cha mẹ. Đây là anh Giành, mọi năm vẫn hái cau cho nhà ta, chắc mẹ còn nhớ.
Tôi nhìn lại. Thì ra đúng là anh Giành! Anh im re, mồm há ra, muốn nói câu gì đó nhưng cứ ngẩn tò te, không nói được, và có lẽ không biết nói sao cho phải.
Tôi thoáng thấy bóng cha tôi bước ra, nghĩ sao đó ông lại bước vào, gióng lại một câu:
- Mấy mẹ con buồn cười chưa? Sao cứ đứng ngoài cổng mếu mếu máo máo thế hử?
Cả nhà anh chị cả tôi cũng kéo sang. Chị Lệ mời cha mẹ ngồi lên trên sập , xong kéo anh Giành cùng quì xuống trước mặt, sụp lạy. Xong chị đứng lên, nhỏ nhẹ, rành rọt:
- Thưa cha mẹ. Con là đứa con hư hỏng, đứa con bất hiếu. Con tự tiện xây dựng gia đình cùng anh Giành mà không được phép cha mẹ. Chúng con thương yêu nhau từ hồi còn ở nhà, nguyện cùng nhau gắn bó suốt đời. Nay đã có cháu đầu lòng vừa tròn một tuổi, chúng con về để tạ tội cùng cha mẹ và gia đình ta. Cha mẹ có thương thì chúng con nhờ, ghét bỏ chúng con đành chịu.
Cha mẹ tôi chưa kịp nói gì thì hai vợ chồng chị đã bồng cháu đến, chắp hai tay bé xíu của bé lại, cúi đầu nói thay con:
- Con lạy ông ngoại lạy bà ngoại ạ!
Rồi quay qua chúng tôi:
- Cháu lạy cậu mợ cả, lạy dì Lý ạ!
Đã đến nước này thì cả nhà còn ai nói gì được! Và cũng chẳng ai dám nói trước cha tôi. Cha tôi như biết được điều đó, ông thở hắt ra một hơi dài:
- Thôi , được rồi. Đâu còn có đó. Đánh kẻ chạy đi chớ ai đánh người chạy lại, bà nhỉ? Bà bồng cháu để hai đứa đi tắm táp, rồi nghỉ ngơi. Lý nấu cơm quàng lên dọn cho anh chị ăn kẻo đói. Chuyện chi sẽ nói sau, kể sau! - ông hạ giọng, lẩm bẩm như tự nói với chính mình - Tái ông thất mã, vậy đó!
Cả nhà tôi thoắt như trút được một gánh nặng . Mẹ tôi đưa hai tay ra đón cháu. Thằng bé chừng như bắt được hơi máu mủ ruột rà, nó theo ngay… Đêm hôm đó, hai chị em tôi rủ rỉ bên bếp lửa nồi bánh tét sôi sùng sục cho đến sáng… Thì ra hai anh chị trốn vào Đà Lạt từ năm đó, tìm đến anh Vũ tôi. Anh Vũ thương tình, giúp hết lòng, rồi đưa cả hai người vào hoạt động bí mật cho đoàn thể cách mạng. Bây giờ, chị Lệ làm ở cơ quan phụ nữ, anh Giành là cán bộ tự vệ của huyện. Ăn Tết xong, anh chị sẽ trở lại cơ quan trong ấy.
Chiều hôm sau, nhân lúc chị Lệ giảng giải cho chồng nghe tích Tái Ông mất ngựa mà cha tôi nói hồi đêm anh không hiểu, tôi bỗng nảy ra ý định hỏi cha tôi về cái giếng loạn mà bao lâu nay tôi vẫn thắc mắc. Cha tôi , với nét rạng rỡ chưa từng có, nói:
- À à… Gọi như thế nhưng chính là để mong ngược lại như thế. Giếng loạn tức là giếng yên đó con! Cầu cho được yên bình mà! Gia nhà quốc nước. Nước mình cũng thế. Có giặc giã, cướp bóc, xâm lược, nhưng cuối cùng là được tự do, độc lập, hòa bình. Cũng như nhiều bà con nông thôn vùng ta, đẻ con ra, trong giấy khai sinh thì khác, còn gọi thường ngày thì nào là thằng Vện con Vàng, nào là con Mèo thằng Chó vân vân… Người ta đặt tên xấu vậy, là để mong cho con được sống mạnh khỏe, nên người, được cơm no áo ấm. Có điều con cần hiểu rằng, những điều tốt đẹp, vẹn tròn đó không phải tự trên trời rơi xuống mà con người phải tự tìm lấy, tự giành lấy!...
1999 H.N. (120/02-99)
|