Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Chốn xưa
09:59 | 23/02/2010
TRẦN THỊ LINH CHITôi không làm sao tìm ra được vị trí căn nhà cũ của mình hiện nằm ở khoảng nào? Hỏi thăm ai đây, khi thời gian xa cách đã trên na thế kỷ! Tôi đứng bơ vơ, lòng rượi buồn. Gió từ cánh đồng An Cựu lồng lộng giữa màu mạ xanh gợi lên một cảm giác thật dễ chịu. Tôi thử quyết bắt đầu một điểm chuẩn. Từ lũy tre cuối làng tôi đi ngược trở lại con đường vừa qua.
Chốn xưa
Nhà thơ Trần Thị Linh Chi - Ảnh: aotrangcantho.com

Nhà cửa hai bên mọc chi chít như phố chợ, còn đâu căn nhà ba gian hai chái có đủ sân trước vườn sau! Tôi đã từng nghe bà nội tôi kể, ông tôi một đời làm quan thanh liêm chính trực, khi về già mới mua được một mái nhà tranh có một khu vườn nhỏ. Lợi tức chỉ là mấy hàng cau và một ít cây trái khiêm nhường. Khi ông tôi mất, bà tôi còn rất trẻ, an phận nuôi con, chăm chút căn nhà kỷ niệm của chồng.

Cơn nắng chiều hè thật oi bức. Tôi đứng lại dưới một gốc cây to, tàn lá che khuất cả một mảng trời. Ngẩng đầu lên, tôi nhận ra cây bồ đề, bỗng nhiên tôi nhớ lại... cây bồ đề này ở trước mặt nhà một bà cụ, hàng xóm của bà nội tôi. Tôi thường gọi là “ mệ Vân”. Bây giờ nếu còn sống, mệ đã trên trăm tuổi rồi! Cũng như bà nội tôi mệ Vân đã yên nghỉ trong đất mẹ bình yên. Mệ Vân còn có một người con trai, phải rồi! Bác Liêu, bác hiền lành, có đôi mắt vui vẻ và miệng luôn cười...

Tôi bước vào căn nhà trước mặt, một ông cụ đang ngồi trước mái hiên. Tôi ngập ngừng một chút... Đúng rồi, bác Liêu! Vẫn cái miệng luôn cười, vẫn đôi mắt vui ngày ấy. Tuy bác đã già nhưng nét mặt vẫn còn dấu ấn dí dỏm. Tôi cúi chào bác, rồi tự giới thiệu:

- Thưa bác, cháu là con của ông Trần, người hàng xóm của bác lúc xưa.

Bác chỉ nhìn tôi và cười, hình như bác chẳng nghe gì cả. Tôi lặp lại:

- Cháu là con của ông Trần, bạn của bác ngày xưa đây!

Một em bé trong nhà bước ra nói cho tôi biết bác bị điếc từ lâu rồi...

Bỗng nhiên từ nhà láng giềng có tiếng nói:

- Chị ơi, mời chị qua bên ni!

Tôi vội chào bác Liêu rồi qua ngay nhà chị. Đó là một phụ nữ cỡ vào tuổi tôi, cởi mở hiền hậu. Chị tự giới thiệu:

- Tôi là Phương, nãy giờ nghe chị nói chuyện với bác Liêu, tôi biết ngay chị là con của cụ Trần. Căn nhà của chị chính là đây.

Chúng tôi đang đứng giữa sân và tôi quá ngạc nhiên:

- Thưa chị, nhà của em trước đây ba gian, hai chái, có cả sân trước và vườn sau...

- Đúng rồi! Sân trước là cái nhà này đây. Chị vừa nói vừa đưa tay chỉ ra đàng trước. Còn vườn sau là căn nhà mái tôn, có cây hột mác và cây...

- Cây bồ kết.

- Đúng rồi! Còn hai cây mai vàng thì đốn từ lâu, nhưng mà mời chị vô nhà cái đã...

Tôi theo chị bước lên bậc cấp. Khi cánh cửa được đẩy sang một bên thì rõ ràng tôi đang đứng giữa căn nhà “ ba gian hai chái”. Tôi nhìn thấy cây cột đã lâu năm mà còn bóng loáng, mặc dầu chúng đã chịu bao năm tháng chiến tranh.

... Đưa tay sờ nhẹ vào cột xưa mà cảm thấy lòng mình nao nao, xao xuyến, nước mắt ứa ra, tôi cố ghìm nó lại khi chị Phương mời tôi một chén nước chè xanh nóng hổi. Tôi uống một ngụm mà nghèn nghẹn như vừa cố nuốt một quá khứ não nề!

Chị Phương nói:

- Căn nhà này ba tôi mua lại của cụ Trần, mái tranh lâu ngày cũng mục nát lắm rồi, phải lợp đi lợp lại thật bất tiện, ba tôi phải bán cái sân trước để lấy tiền lợp ngói. Sau ngày ba tôi mất, mẹ tôi lại đau nặng, nên chính tôi đã bán cái vườn sau, bây giờ chỉ còn lại căn nhà này, tôi cố giữ nó, vì đây là nơi thờ phụng cha mẹ tôi.

Bây giờ tôi mới nhìn rõ được chị Phương. Chị thật điềm đạm, đôi mắt chị hơi dài và nồng ấm. Tôi cảm thấy mình rất gần gũi với người chủ mới này. Chị cho biết:

- Tôi trước là cô giáo giữ trẻ, nay đã nghỉ hưu, chồng tôi đã mất mấy năm trước, chúng tôi không có con cái chi hết. Nay tôi phụ bán hàng cho một tiệm trái cây.

Chị đứng lên lấy cái chổi lông gà, quét sơ bộ ván, với tay lấy cái gối nhỏ bằng mây rồi bảo tôi:

- Trời hãy còn nắng lắm! Chị qua bên này nằm nghỉ một chút, cho đỡ mệt, tôi chạy ra chợ một lát rồi trở về ngay.

Chị Phương đi rồi, tôi cảm thấy trống trải. Đến trước bàn thờ tôi lấy ba cây nhang châm lửa vái...

Cảnh chiều nơi đây thật êm lặng. Nhìn sang chái bên kia tôi rất ngạc nhiên vì chái đã bít kín, không có lối vào. Cái chái đau đớn như thước phim dĩ vãng hiện về trong tôi vào một buổi chiều thê lương cách đây nửa thế kỷ.

Ngoài trời đang cơn mưa bão, sấm chớp. Hàng tre già chao đảo không ngăn được những trận gió lộng từ cánh đồng mênh mông ập vào khu vườn nhỏ, trong một căn nhà ẩm thấp, nhỏ bé, giữa cơn thịnh nộ của phong ba. Dưới ngọn đèn vừa đủ sáng cho căn chái, em trai tôi đang nằm hấp hối lúc tròn năm tuổi. Trong những ngày khổ đau, căn bệnh đậu mùa đã làm mù cả đôi mắt. Khi bác sĩ vạch mí mắt của em lên, tròng mắt đục đã trắng dã và đầy mủ.

Đứng dựa cửa nhìn em trong tiếng khóc ấm ức, chẳng hiểu vì sao tôi thấy em bỗng cựa mình, dang hai tay yếu ớt về phía tôi, như muốn đòi tôi ẵm. Tôi chạy đến bế nó nhưng mẹ tôi ngăn lại.

Nỗi đau thương đó âm ỉ mãi trong lòng từ lúc tôi bảy tuổi. Qua hôm sau, khi tôi thức dậy thì trời đã sáng. Mặt trời vừa nhô lên trên hàng tre còn xơ xác em tôi đã vĩnh biệt cõi đời! Tôi nhìn theo chiếc quan tài có hai người gánh đi trước, ba mẹ tôi theo sau. Khi chiếc quan tài em tôi qua cửa thì ba anh em tôi chỉ biết ôm nhau mà gào khóc.

Những ngày đau khổ mới đi qua, bệnh ho gà ở tôi ngày càng trầm trọng. Thầy thuốc khuyên ba mẹ tôi phải cho tôi đi đổi gió, ba tôi quyết định đưa tôi về biển Thuận An.

Tôi sống trong những ngày buồn thờ thẫn và chờ đợi người thân đến đón về. Mỗi đêm nghe tiếng sóng biển ầm ừ làm cho tôi nhớ nhà vô hạn...

Bệnh ho gà của tôi đã bớt. Tôi được trở về nhà. Hàng ngày tôi nằm một mình trên bộ ngựa. Qua cửa sổ, tôi nghe được những tiếng chim hót từ đâu vọng về trong khu vườn nhỏ.

Nhà tôi ở sát cánh đồng mênh mông. Khi mùa hè đến, đồng lúa chín vàng mang theo hương mới vào nhà. Hoa trong vườn bắt đầu đua nở. Mật ngọt trái cây mời gọi những con chim chào mào, chích chòe, se sẻ về đây dự tiệc. Tôi không còn cảm thấy cô đơn. Chung quanh tôi các thanh âm, hương hoa sắc màu phối hợp hài hòa. Tiếng chim hót rộn rã, nhạc gió lao xao. Màu xanh cây lá mơn mởn dưới bầu trời. Đôi khi vào giữa trưa hè, cảnh vật trở nên vắng lặng. Tôi nằm lắng nghe những thân tre cựa mình, phát lên những âm thanh rờn rợn làm tôi đâm ra sợ hãi, nhưng vẫn cứ muốn cái tiếng ấy tiếp tục để vơi đi cái yên ắng nặng nề.

Nỗi vui mừng nhất của tôi là buổi chiều, được thấy người thân trở về nhà, nhất là anh tôi. Anh thường cùng chúng tôi chạy ra vườn, tìm nhặt chiếc mo cau làm xe tàu để kéo. Anh luôn tình nguyện làm tài xế, hai chị em tôi ngồi sau. Anh kéo tàu đi từ nơi này sang nơi khác, mồ hôi trên mặt nhễ nhại. Tôi thấy thật tội nghiệp và không muốn chơi trò này nữa. Nhưng qua ngày hôm sau anh vẫn tình nguyện làm kẻ kéo xe.

Lúc này tôi đã khỏe mạnh như trước. Cha tôi bảo:

- Còn một tháng nữa con phải đi học...

Những ngày nhàn tản sắp sửa trôi qua.

Hoa mai vàng nở sớm hơn mọi năm, tôi nao nức đợi mùa xuân mới. Đàn chim én từ dãy núi xa xăm sẽ bay về lượn khắp khu vườn nhỏ của tôi, tung cánh đớp những con ruồi xanh bay đứng giữa trời. Tôi đi xem khu vườn nhỏ như người nội trợ xuống bếp xem có gì đãi khách. Những bông mai vàng, dạ lý hương rộ nở đủ mật cho bầy ong bướm. Còn cho chim, có cả cánh đồng lúa đang độ chín vàng, chỉ cách nhà tôi một hàng tre hóp. Tôi chưa được đi học, chưa hề có bạn bè, lòng tôi mở rộng với thiên nhiên, khu vườn nhỏ là thiên đường của tôi. Những ngày đau ốm trước kia đã lùi xa.

Tôi thật hoàn toàn vui sướng nếu không có một buổi chiều.

Tôi đang lượm bông sứ để xâu thành chuỗi... một đám người vào gặp mẹ tôi. Họ nói gì đó rất lâu, tôi chỉ nghe mẹ tôi nói xin chậm cho vài ngày nữa.

Có lẽ mẹ tôi đã sai lời hứa, linh tính báo cho tôi biết đám người này là những con nợ. Và quả thật tôi đoán chẳng sai, qua hôm sau thì ba tôi xin phép bà nội để được bán căn nhà. Bà tôi buồn lắm, nhưng rồi cũng phải đành lòng. Ngày hôm sau nữa thì bà tôi sửa soạn hành trang lên chùa ở. Giờ ra đi mắt bà đỏ hoe, bà lấy tấm vải điều trân trọng phong lại di ảnh ông tôi. Bà tôi ra đi sớm hôm một ngày trước hôm giao nhà. Bà không muốn chứng kiến cảnh con cháu phải lìa xa nơi “ chôn rau cắt rốn”.

Hành trang của bà rất gọn ghẽ, cái túi bằng vải mang trên vai, bà lặng lẽ bước ra cửa. Chúng tôi không ai dám mở một lời, trong sự thinh lặng đó, tiếng khóc như lúc nào cũng muốn bật ra. Khi chiếc nón găng cũ kĩ bà đặt lên mái tóc bạc trắng thì anh trai tôi vụt chạy theo đưa bà đến tận cổng. Anh đứng mãi ở đó rất lâu...

Cha tôi tìm thuê được một căn nhà mới. Đêm cuối cùng, anh tôi cùng mẹ xếp dọn hành lý. Chẳng hiểu vì sao tôi không khóc! Trời đã về khuya, tôi ra đứng trước sân nhìn vào căn nhà “ ba gian hai chái”. Dưới ngọn đèn dầu lạc, cha tôi vẫn ngồi viết bài như mọi khi. Ông có gầy đi, chắc ông đau đớn vô cùng khi không tìm được giải pháp nào tốt hơn để khỏi bán nhà.

Đếm ấy trời không sáng lắm. Anh trăng non màu sữa đục, như một màu tang mỏng, bao trùm lên khu vườn nhỏ. Tôi cảm thấy yêu thương quyến luyến nó như phải vĩnh biệt người thân.



Tiếng côn trùng rên rỉ dưới bờ ao, từ trong bụi tre có chút ánh lửa lập lòe, huyền hoặc của mấy con đom đóm. Mai đây biết đến khi nào tôi còn được gặp lại? Tôi đi thăm cây hột mác, rồi cây bồ kết, tôi dừng lại dưới một nhánh sầu đông, nhìn thật kĩ giữa cành lá sum suê. Tôi tự nghĩ đêm nay chắc có nhiều chim về ngủ lại, nhưng nào có thấy được chi đâu. Đôi mắt tôi hai giọt lệ ứa trào.

Một tiếng động khẽ đưa tôi từ mảnh vườn hoài niệm trở về thực tại. Chị Phương vừa bước vô tay chị cầm chùm dâu sặc, vội đưa cho tôi, tôi đỡ lấy và nói:

- Chị thật là quý hóa, em rất thích loại dâu này, hồi còn nhỏ, hễ có tiền là em mua dâu sặc, nó là hoa nhưng mà ăn được. Tôi đưa tay búng nhẹ vào từng trái dâu, lớp vỏ vỡ tung, một bông hoa nhỏ hiện ra, mềm mại và óng ánh vàng.

Chúng tôi cùng ăn dâu, tôi hỏi thăm chuyện làng xóm. Tôi chợt nhớ đến hai chái không thấy cửa thông ra. Tôi hỏi, chị Phương trả lời:

- Tôi đã bít lại để làm hai phòng cho thuê, lấy chút tiền chi dùng, chị xem, một mình tôi ở đây vẫn còn rộng chán!

Tôi vừa thương chị vừa nghĩ bụng: “ rộng thì có rộng, nhưng bít cả hai chái thì căn nhà như cái hộp vuông”.

Trời đã chiều. Tôi xin từ biệt và cảm ơn chị. Tôi bắt tay chị và ra về trong nỗi băn khoăn.

Tôi đi trong bóng mát của những cành lá bồ đề tỏa rộng. Trước mặt tôi là một thân cây to lớn, xù xì, già cỗi. Tôi đứng lại dưới cây như đứng dưới bóng của một vị thần, đã từng chứng giám qua ba đời dòng họ tổ tiên chúng tôi. Tôi thầm nguyện gởi gắm cùng cây, bao tâm sự vui buồn.

Ra đến vùng sáng, tôi quay nhìn lại. Căn nhà cũ hiện giờ như một bãi chợ chiều ở làng quê vắng vẻ. Mái ngói, mái tôn, nhà gỗ lúp xúp chằng chịt lấn chen nhau!

Gió từ đồng An Cựu thổi ngược lên, lá bồ đề phấp phới lung linh giữa nắng chiều còn nán lại, xao động trong tôi hình ảnh u hoài về chốn cội xưa.

T.T.L.C
(120/02-99)




 

Các bài đã đăng
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)