Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-12)
Mắt Tam Giang
08:32 | 24/10/2012

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG


Phá Tam giang rộng lắm ai ơi
Có ai về Sịa với tôi thì về
Đất Sịa có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm ăn

Mắt Tam Giang
Phá Tam Giang - Ảnh: TL

Các cụ ngày xưa phán câu nào đố mà sai được, ví như mấy câu ca dao nói về đất Quảng Điền trên đây, chỉ bốn dòng mà gói cả một vùng đất - con người. Quảng Điền thuở ấu thời tôi nghe xa lắm, cứ như thể đó là một vùng đất cách trở giang ngang, xa tít xa tắp nhưng mà cũng gần gũi như những câu chuyện kể quanh nhà. Ngày xưa, cứ mỗi lần nghe đến tên nào phá Tam Giang, nào Sịa là tôi đưa ra một tràng câu hỏi về những địa danh rất gần gũi trong sách vở, có vẻ rất hay ấy. Mệ tôi hay nhắc đến chuyện ba tôi ra Sịa thăm bác, nghe đâu thuở ấy đi đò từ Đông Ba mà ngược theo sông Bồ để ra tới đó. Hồi đó còn chiến tranh, những năm sáu mươi im ỉm, thế nên ba tôi đi mấy ngày là mệ lo chừng ấy thời gian. Lần ấy nổ ra chiến sự thiệt, một Mậu Thân kinh hoàng, ở nhà mệ lo cho ba từng giây từng phút. Thế rồi ba cũng về, đem cả một đống mía, bắp, nưa và cả mặt mày đen nhẻm nắng Sịa, mặc nhiên không xem chiến tranh ra quái gì. Từ chuyện đời nảo đời nao ấy của ba mà anh em tôi bị riết không cho đi “dang nắng”, không cho đi xa khỏi nhà chỉ vì cái ám ảnh bom rơi đạn lạc thấp thỏm mấy chục năm trời kia.

Tôi dường như mù tịt mọi thông tin về Quảng Điền nếu như không có câu ca dao nổi tiếng mà suốt những năm tháng ấu thơ tôi được mệ và mạ thay nhau ru: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”, gợi một điều gì đấy vừa cách ngăn, vừa hiểm trở nhưng cũng khơi dậy bao niềm ước mơ viễn du xứ sở. Tôi thích lắm, đến nỗi yêu cả cái phá Tam Giang không biết nơi đâu, không rõ cả hình hài. Phải chăng đó là chút nỗi niềm của những người con đất Việt trên đường Nam tiến đã gửi lại những nỗi lòng ngậm ngùi như thế, ơi Huế cách trở đò giang còn ngấm trong dòng máu con thơ tự thuở nào.

Nhưng mới đây, khi gặp một vị võ sư am hiểu về vùng cái tích đầm phá qua câu ca dao trên lại cho rằng, sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang không phải là bởi thiên nhiên cách trở, truông - phá vốn nước không sâu, ít sóng, vậy thì sợ gì. Sợ cướp. Chỉ có cướp mới khiến kẻ lữ khách vạn dặm phải chùng chân. Thời ấy, có một đảng cướp người Tàu, phần lớn là môn đệ của phái Âm dương giáo di cư sang đất Việt và đóng bản doanh giặc cỏ ở chốn đầm nước. Phái này vốn dĩ tà độc, chỉ kiếm cớ hại người, ăn cướp là chính với những miếng võ thường ngắn, dứt khoát và giải quyết nhanh. Theo võ sư, môn phái này có món Âm dương hỗn nguyên tỉ ngộ công, chiêu thức đánh côn lăng… vô cùng lợi hại. Vì thế lỡ bị đám này sờ hỏi thì đố ai thoát được, đành bỏ hàng hóa, của nả mà chạy.

Đến đây cắt nghĩa chữ Sịa tôi nghe lạ tai, mà hẳn người Huế đều nghĩ thế. Sịa, theo nhà văn Nguyễn Quang Hà, chữ Nôm nghĩa là đồ đan bằng tre, dùng để phơi cau và cái tên vật dụng thủ công ấy lại thành tên một vùng đất, nghe rất dân dã. Nếu là vậy thật thì có thể vùng đất Sịa xưa kia nổi tiếng với nghề này, đến nỗi nó được đặt tên cho cả vùng đất như nhiều địa phương trong cả nước. Nhưng theo Nguyễn Khắc Mai, Sịa có nghĩa gốc từ tiếng Pa-cô, Tà Ôi, là Si-á mà chuyển thành. Si-á nghĩa là cá. Bên cạnh một đầm phá nước lợ giàu tôm cá lừng danh mà có một làng tên là làng cá kể cũng có lí. Si-á, Sịa, có biết bao làng cá được đặt tên là Như Hải, là Ngư Thủy. Khác nhau là ở chỗ một bên thì đặt tên bằng chữ Hán Việt, một bên thì giữ lại tên gọi của một tộc người anh em chừng đã có mặt lâu đời trước khi người Kinh đến[1].

Vậy mà với người Huế, ai ở đâu xa xa, có vẻ quê quê cứ gán cho từ Sịa là hả hê cười chọc, mà muốn xa nữa thì cho lên (Califor) A Lưới. Ghép tinh vi hơn là theo trục đường An Lỗ - Sịa thành AnloSia nghe cứ như tiếng Anh chính hiệu. Dân gian có cái lí của dân gian. Thật tình cờ, chúng tôi tận mắt xem một bưu ảnh trước năm 1975 thì thấy cái tên AnloSia cũng có cái nguyên do ra đời của nó. Số là trên các chuyến xe đò có tuyến từ Huế - An Lỗ - Sịa thời ấy được sơn nhưng lại không dấu, đã thế chữ An Lỗ và Sịa lại viết gần nhau nên mới ra sự thể Hue AnloSia. Có lẽ vì thế mà người ta nói chơi và phổ biến cái hiện tượng xếp từ kiểu như thế. Tuy nhiên, tâm lí số đông thích bóng gió đã mặc định cho không ít người. Cớ sự ấy ở đâu ra? Một sự kiêu ngạo và thật thiển cận nếu không nghe câu “Nhất Huế, nhì Sịa”, hẳn không phải là ngẫu nhiên.

Sử chép, vùng đất Quảng Điền xưa từng 2 lần là dinh của các chúa Nguyễn trong số 7 lần lập dinh tại Đàng Trong. Lần thứ nhất là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đã lập dinh tại Phước Yên (xã Quảng Thọ) trong 10 năm (1626 - 1636). Lần thứ hai là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan lập dinh tại Bác Vọng (xã Quảng Phú) trong 26 năm (1712 - 1738). Quảng Điền còn có Thành Hóa Châu, căn cứ phòng thủ và cai trị Châu Hóa thời Lê, nay còn dấu tích ở xã Quảng Thành. Một huyện mà có đến ba nơi từng là thủ phủ cai trị thời phong kiến thì đâu có xoàng. Mà Sịa lại là trung tâm của huyện Quảng Điền. Chừng ấy thôi cũng đủ để Sịa chỉ đứng sau Huế, thua mỗi Huế về vai trò là trung tâm chính trị của xứ Đàng Trong một thời. Không phải ngẫu nhiên mà các chúa Nguyễn đã hai lần chọn Quảng Điền làm thủ phủ của mình, đó cả là một sự tính toán chiến lược dựa trên yếu tố phòng thủ quân sự, phong thủy và cả kinh tế. Cái cảm giác thoáng đãng, lâng lâng, an nhiên cứ dìu ta bước đi mãi trên những làng quê Quảng Điền thong dong, tự tại, có lẽ vì thế mà nơi đây mấy trăm năm còn lưu dấu biết bao cuộc chiến tàn khốc mà vẫn bình yên chăng?

Một điều nữa là trừ Huế ra, Sịa ngày xưa cũng là một vùng đất trù mật, buôn bán sầm uất của cả một vùng ngoại vi kinh thành, không thiếu thứ gì, lại còn mang chút dáng vẻ văn vật đất thần kinh. Từ những sản vật địa phương như bánh tráng, bánh ướt, tôm chua, cá chột nưa, vô số hải sản... vừa ngon vừa hấp dẫn, đến cả những sản phẩm văn hóa như chơi đu tiên, đua ghe, hội vật, hò giã gạo, hò mái nhì, mái đẩy. Cái gì cũng có, cũng không thua chi Huế cả. Nhưng đặc biệt nhất, Quảng Điền xưa cũng là đất khoa bảng, đóng góp nhiều hiền tài, chí sĩ cho đất nước, nào là Đặng Tất, Đặng Dung, Trần Văn Kỷ, Ngô Thế Lân, Trần Thúc Nhẫn, Phan Đình Bình, Đặng Hữu Phổ, Nguyễn Văn Mại, Trương Thị Dương, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thư...

*

Con người Quảng Điền xưa có những tính cách khiến thiên hạ đứng đằng xa bái phục, kiểu như “Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về”. Kiểu trạng ấy chắc cũng do phần bởi sự ưu đãi của thiên nhiên và vị thế địa - chính trị của mình nên dân “dinh” mới có cái tính cách lợ lợ đầm phá ấy cũng nên. Cái lối khẩu ngữ ấy, e chỉ có dân Quảng Điền mới đứng đầu bảng “trạng” đất Huế. Chuyện xưa là vậy, chứ đến thời hậu sinh như chúng tôi, mười lần về Quảng Điền là mười lần gặp những Quảng Điền chân chất số một. Hồi còn sinh viên, có lần tôi tham gia chiến dịch tình nguyện hè tại làng Mai Dương, xã Quảng Phước. Đó cũng là lần đầu được cùng ăn, cùng ở, cùng cười trên phá Tam Giang, biết được mùi vị của phá, hiểu được những nắng mưa trên mái đầu những người nông dân mang hai gánh “trước ruộng sau phá”. Những người dân quê hồn hậu, thật thà, gần gũi đến mức chúng tôi tưởng như sống trong không khí của một gia đình lớn luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Những cái tên em Chánh, em Huých… chân chất trong chính cái tên mình, chân chất trong cách em hướng dẫn tôi lặn sò trên phá rồi đổ ùm xuống nước tất cả để rồi cùng cười vang trên chan hòa ngọn sóng. Cũng lần đầu tôi được ngắm trăng nhô lên trên phá Tam Giang, giữa mênh mông sóng nước, trăng lẳng lặng bước đi, quẩy những ánh mềm tha thướt trên lớp lớp dải bạc, chông chênh nò sáo. Rồi thiếp đi, kéo theo những giấc mơ tung tăng trên con đê ven phá ngập ánh nắng vàng, nhè nhẹ như mây. Thời khắc ấy như một nốt trầm trên cung đàn của kẻ du tử.

Tôi ngắm trăng ở nhiều nơi, nhưng cái cảm giác sóng sánh, mênh mang tưởng như chao đảo hóa ra an bằng chỉ có Tam Giang mới thỏa hồn du tử. Trăng trên biển mang dáng dấp của một người con gái kiêu sa, dát những mảnh hình hài lên mặt sóng, vỡ lấp lánh nhưng đừng hòng sở hữu một chút lung linh gì, không hạn định đến không dám ôm trọn cái chút ánh sáng thanh cao mơ hồ ấy. Trăng núi hiền, mơ mộng trong sự tĩnh lặng và huyễn ảo của thánh thần, một chút thiền tự tại, một khải huyền chân tánh. Tôi ngập ngụa trong cả hai, và thật sự lầy lội ở cái mảnh trăng đôn hậu trên phá Tam Giang. E rằng cứ ngủ mãi dưới ánh trăng rằm bên phá để trôi nổi trong muôn ngàn mộng mị bằng phẳng không lời cũng là một diễm hạnh lớn lao. Cứ nuôi hoài cái ảo vọng ấy, từng ngày tôi đã đắp lên mình đủ lớp chất liệu để tạo thành một bức tranh cô liêu vô bến vô bờ. Sau này em đến, hơn một lần cùng tôi chơi vơi bên bến đò Vĩnh Tu mà ngắm trăng mười sáu. Cái cầu tầu nhô ra ngoài phá thật là chỗ thuận tiện nhất để ngắm trăng. Chúng tôi đã đợi những áng mây đen vô cớ khuất lấp chân trời, mãi đến khi vầng trăng dịu hiền nhú ánh vàng mộng mị lên phá, lên cái cầu tầu tắt hẳn tiếng đò, lên cả mi em lặn ngụp chút phiêu lãng mang hồn sông nước dềnh dang. Đến bây giờ, tôi còn mãi thao thiết đợi những mùa trăng trên phá Tam Giang và ước gì có thứ bao bị quyền năng nào đó có thể thâu tóm hết thảy những ánh trăng mỗi mùa để cất giấu.

*

Đi qua làng xóm vùng quê Quảng Điền, những con đường cứ trải rộng ra tít tắp lũy tre, bờ giậu. Tôi thường nói đùa, đất Quảng Điền phải “thám hiểm” nhiều nơi lắm nẻo mới thú, có nhiều con đường để “đột nhập”, mỗi tuyến đường mang mỗi dáng vẻ khác nhau, ở góc này hay góc kia Quảng Điền thú vị khang khác, mà chung mà một.

Đi từ hướng phố cổ Bao Vinh ra tự dưng có cảm giác mình đi lạc vào xứ sở của gạch ngói bát tít cổ lỗ. Những con đường quanh co qua Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước rồi tới Sịa mang một nỗi buồn gì đó hiu quạnh, xa xăm, mặc dù nhà cửa nhiều khi san sát đấy, tinh tươm đấy nhưng mà mỗi lần qua đường này tôi chỉ nuôi độc cái cảm giác trớ trêu khó hiểu. Lục lại kí ức không biết chính xác khi nào, tôi lon ton trên chiếc xe đạp cuốc qua con đường ấy, quanh co nối quanh co, bụi mù nối mưa phùn, cứ thế dồn nhau lại, buộc chặt tôi bằng sự xa vắng và lạc lỏng của một thoáng giây nào đó mơ hồ của cuộc đời. Chỉ bụi và mưa, ám ảnh, khó chịu vì ngộp và lạnh vì cô độc. Đã từng là tôi như thế đi trong tháng năm lãng đãng, đọng lại gì ngoài dư vị của những con chữ hôm nay. Và có chăng, một lời mời nào đó của cô bạn cùng bàn thời cấp II vào Huế học như tôi (lên Huế học), quê ở Quảng An tôm cá đầy hồ, khi nào về chơi hí! Hơn mười năm rồi biệt tăm biệt tích, còn lại một chút xao động lăn tăn như gợn sóng sau chiếc lá rơi bên sông Bồ.

Ấn tượng nhất là cuộc “đột phá” từ hướng Cửa Hậu ra Hương Cần rồi qua Quảng Thọ về Sịa, qua phá Tam Giang về Điền Hải, Quảng Công, Quảng Ngạn cứ dài dài mà thênh thang vì hai bên ít nhà mà lắm ruộng. Đất Quảng Thọ cho tôi biết về cây nưa lần đầu. Những cây lá xanh đậm đà, thân nâu sẫm vươn lên đất màu mỡ trông cứ như cây cổ thụ mọc lùn. Tra sách vở mới biết, cây nưa thuộc họ cây môn và cây bạc hà nước (dọc mùng), lá nưa nhiều khuyết chẻ như lá đu đủ, chột nưa là phần thân ăn được và rất ngon. Nưa trồng nhiều ở Quảng Điền và một số xã ở Hương Trà, thứ cây không phải dễ gì trồng được. Cây nưa ưa đất ruộng ẩm nên thường được trồng vào cuối hè và thu hoạch vào gần cuối đông khi mưa ở Huế đã bắt đầu dai dẳng. Chột nưa là phần chính để chế biến nhiều món ăn riêng đặc hữu của địa phương. Riêng tôi, mấy khi được ăn món dưa nưa ướp chua nấu canh là đã thấy tuyệt cú mèo rồi, thêm món nưa bóp chắm tương ăn chay là hết sẩy, dân dã chi lạ. Bước vào thơ đâu chỉ có hoa thơm trái ngọt, đâu chỉ có ánh trăng vàng. Cây nưa củ mỉ cù mì cũng đã đi vào thơ rồi đấy.

Con đường này được nhiều lần chỉnh trang, mở rộng, qua những đồng lúa phì nhiêu, xanh mởn, qua những lũy tre xanh mướt ngọc ngà, qua cầu Niêm Phò về nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mấy mươi năm trận mạc vẫn xanh xanh, yên ả. Tôi hay đi đường này về Sịa, mỗi lần đi lại thấy gần hơn, gần với ruộng nưa, cánh đồng chiêm trũng xuân thì.

Nếu còn sức thì đi đò qua phá, sang tận Điền Hải, Quảng Ngạn, Quảng Công cũng thú vị. Chỉ mất độ nửa tiếng ngồi trên đó, tận hưởng cái cảm giác lênh đênh trên sóng nước trập trùng mới thấy phá Tam Giang cũng rộng và mênh mông lắm. Ở trên đó, những con đò nhỏ lặng lẽ buông những mảnh chài bươn chải thân phận vạn đò nghèo khó. Biết bao câu chuyện về những con người lầm lũi sống giữa mênh mang phá. Có lần về Quảng Công, tôi nghe người bạn kể câu chuyện về những người ở đò. Có hai mẹ con rất nghèo khổ côi cút sống nương tựa vào nhau trên một chiếc đò. Bà mẹ vào tuổi trung niên, vẫn còn mặn mà, trong khi cậu con trai vào tuổi thanh niên trai tráng. Vì quá khổ nên hai mẹ con mới nghĩ ra cách ăn trộm tôm cá trong ô nhà người khác rất thương tâm. Những đêm tối trăng, bà mẹ thường la cà vào những ô tôm, cá vắng người, thường là những ô có đàn ông đi canh đêm. Bà ngồi “chuyện trò” với họ. Lợi dụng cơ hội chủ ô lơi lỏng, cậu con trai liền chèo ghe đem lưới vào thả trộm. Sáng ra, tôm cá trong ô vơi đi không ít. Hai mẹ con bây giờ lưu lạc nơi đâu không ai biết.

Phá về chiều buồn da diết. Những cánh chim chiều chao qua chao lại trên mặt nước, kiếm tìm một chút gì đó rồi dạt trôi như những thân phận trên những con đò rách nát. Bao giờ đầm phá mới trù phú, bao giờ mới thôi hết những thân phận ba chìm bảy nổi như thế. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về những nhà khoa học Úc đến phá Tam Giang, khi ra về họ có vẻ tiếc cho sự phát triển đáng ra phải làm được trên vùng đầm phá này. Ở đất nước họ, một cái đầm cỡ như đầm Hà Trung cũng đủ nuôi sống mấy thành phố cỡ như Sidney. Suốt cả khu vực Đông Nam Á, chỉ duy nhất có tỉnh Thừa Thiên Huế là có hệ thống đầm phá quy mô như phá Tam Giang. Tiếc là hiệu quả khai thác tài nguyên ở phá chưa được thuận lợi và tương lai chắc phải còn mò mẫm nhiều.

*

Nhánh đường từ phường Tứ Hạ qua cầu Tứ Phú về Quảng Điền cũng thật thú vị. Có lần tôi xách xe chạy bâng quơ, tiện đường rẽ qua cầu, đi chừng một đoạn lạc vào cánh đồng mía tím mênh mông lồng cả bóng chiều ráng đỏ. Ghé hỏi mấy o đang chặt mía bên vệ đường mới biết đây là mô hình trồng trọt mới thí điểm ở Quảng Phú, giống mía tím (mía cam rượu) rất hợp với chất đất ở đây, mang lại nhiều nguồn lợi. Mía Quảng Phú ngọt chi lạ, lại rẻ nên tôi mua mấy vác làm quà. Dừng lại cổng làng Bác Vọng, cả hồn mình miên man huyền sử suốt những hàng cau già tư lự vườn xưa.

Hướng từ An Lỗ đi về Sịa, băng qua Quảng Vinh, Quảng Phú là một đoạn đường ngắn hơn, lại được đi vào những ngôi làng cổ, giàu tích xưa. Đường đi rộng rãi, thoáng đãng, nối thẳng Sịa với đường quốc lộ, mang dáng vẻ “cái quan” xe lướt êm ru, còn hồn thì nhẹ bẫng. Đầu tiên là cổng làng Cổ Tháp, một cái tên gợi nhớ đến tháp Champa xưa. Ở đây là quê hương của một người phụ nữ được xem là tổ của nghề làm bún, được gọi là Bà Bún. Đoạn đường này còn ghé được làng Bao La, nơi nổi tiếng với nghề đan đát mây tre. Làng nghề Mây Tre Bao La là một làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển qua trên 600 năm. Hàng đan bằng tre, nứa của Bao La vừa đẹp vừa bền. Ngày xưa thúng mủng Bao La nổi tiếng với câu ca dao: Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột/ Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi.

Các loại thúng, mủng, rỗ, rá của làng hồi xưa được tiêu dùng rộng rãi, nhưng nghề cũng dần mai một trước sự xuất hiện của đồ nhựa. Tôi đặc biệt ấn tượng với các mặt hàng đan lát mây tre Bao La, những lần tham dự hội chợ ở lễ hội Sóng nước Tam Giang, khi nào Bao La cũng để lại trong tôi những ấn tượng mạnh, cứ muốn đem hết đồ trưng bày về nhà, từ thúng mủng đến những chiếc đèn tre, đồ lưu niệm xinh xinh, rất nghệ thuật.

Ở Quảng Phú, tôi được biết đến câu chuyện của 24 hộ dân hiến tới 2.440,3 m2 đất để làm đường giao thông trên trục đường Vông đồng - tỉnh lộ 11A, thôn Phú Lễ. Nhờ vậy, ở Quảng Phú, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc từ từng con đường làng đến tận ngõ xóm, gọi tên về một ngày mai xanh mướt những lối về.

*

Mênh mang sóng nước Tam Giang, phiêu bồng cùng trăng sao, nhấp nhô cùng sóng lúa, xanh xanh cùng mía, cùng nưa và cùng tạc vào kí ức những vệt hằn của vùng đất, con người Quảng Điền chịu thương chịu khó. Không đâu trũng bằng Quảng Điền, có lẽ vì thế mà tình sông chan hòa vào đây với ba nguồn trù phú và tình người khắp nẻo cũng dồn về đấy chăng. Ai đến Quảng Điền, về Sịa ra phá Tam Giang là cứ muốn dậm chân, cất bước không đành.

Phá Tam Giang lâu ngày cũng cạn
Truông nhà Hồ ai dạn nấy đi
Lòng dặn lòng chớ ngại ngần chi
Đã thương thì đừng sợ, sợ thì đừng thương.


Về Quảng Điền cứ nhớ, cứ thương, mấy trăm năm chừ vậy rồi, quên đi những ngại ngùng, sờ sợ mà hãy cứ hòa vào Tam Giang, chân chất cùng sóng nước, có lẽ chỉ gợi lên tâm hồn bao nỗi trìu mến để cùng em qua đò gói những hồn trăng gửi về bên kia phá.

Về Quảng Điền, tháng 7/2012
L.V.T.G
(SĐB9-12)
 



[1]. Nguyễn Khắc Mai (2005), “Tìm nghĩa vài tên làng quê xứ Huế”, Tạp Chí Sông Hương số 191 (01/2005).

 

 

 

 

 

 

Các bài đã đăng
Đất nở (15/10/2012)