Tạp chí Sông Hương - Số 284 (T.10-12)
Bức trấn phong Thiên tử từ thần
09:28 | 26/10/2012

LTS: Đêm 30/8 vừa qua, tại Huế, Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam tổ chức giới thiệu cuốn sách “Phạm Quỳnh - Một góc nhìn”, tập 2 do nhà sử học Nguyễn Văn Khoan biên soạn. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của Huế đã đến dự và phát biểu ý kiến.

Bức trấn phong Thiên tử từ thần
Phạm Quỳnh - Ngự tiền văn phòng, triều đình Bảo Đại - Ảnh: wiki

Đây là dịp để những người yêu văn học nghệ thuật thêm lần nữa suy ngẫm về thân phận một trí thức, một nhà văn hóa, một hiện tượng đang cần tiếp tục được làm sáng tỏ hơn. Riêng với Huế, những vấn đề liên quan đến thời gian Phạm Quỳnh sống ở Huế từ 1932 - 1945, những tác phẩm Phạm Quỳnh viết về Huế, những bài viết liên quan đến Phạm Quỳnh và triều Nguyễn, những di vật Phạm Quỳnh để lại Huế đang được gìn giữ đó đây... rất cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm.
Nhân đây, Sông Hương xin đăng 2 trong số các tham luận tham gia của các nhà nghiên cứu Phan Thuận An và Nguyễn Đắc Xuân. Xin trân trọng giới thiệu!

SH



PHAN THUẬN AN


Bức trấn phong Thiên tử từ thần


Vào năm 1941, Phạm Quỳnh đang giữ chức Thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục (tức là Bộ Học cũ) tại Kinh đô Huế. Năm ấy, ông tròn 50 tuổi (tính theo tuổi ta). Nhân dịp vui này, một nhóm quan viên ở Bộ mừng ông một bức trấn phong bằng gỗ rất đẹp mà trên hai mặt của nó khắc một bài thơ chữ Hán hết sức độc đáo và có giá trị để chúc tụng ông.

Bài thơ và bức trấn phong tuy đã ra đời cách đây hơn 70 năm rồi và sở hữu chủ cùng gia đình ở bên bờ sông An Cựu đã trải qua bao nỗi thăng trầm đắn cay của lịch sử, nhưng với những giá trị đặc sắc về văn chương và nghệ thuật của nó, kỷ vật này đã được người Huế bảo quản một cách chu đáo và đang được trưng bày một cách trang trọng tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (ở địa chỉ số 3 đường Lê Trực, Thành Nội).

Chúng tôi xin tạm đặt tên cho di vật quý báu này là Bức trấn phong Thiên tử từ thần, vì 4 chữ Thiên tử từ thần là nhan đề của bài thơ và được thể hiện bằng 4 chữ Hán lớn nhất trên đó.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu về hình thức của bức trấn phong và nội dung của các văn tự được khắc ở cả hai mặt của nó.
 

Bức trấn phong Thiên tử từ thần (mặt trước)


Về hình thức, bức trấn phong này được làm bằng gỗ gõ, một loại gỗ quý, dễ chạm trổ nhưng rất bền chắc.

Đo tổng thể từ chân đến đầu, bức trấn phong cao 1,59m, rộng 1,41m. Mô-típ chạm trổ để trang trí ở cả 2 mặt trước và sau đều giống nhau. Nó được tạo hình theo dạng cuốn thư. Lòng trấn phong là một tấm gỗ liền cao 1,10m, rộng 0,76m, dày khoảng 2cm. Chân của nó là 4 con kỳ lân nối thân vào nhau thành từng cặp trong tư thế nằm: mỗi bên 1 cặp, 2 mặt nhìn về 2 phía trước và sau. Ở mỗi phía, 2 đầu 2 con 2 bên đều hơi hướng vào giữa. Mỗi cặp kỳ lân chỉ dài 46cm, nhưng thân rộng đến 18cm.

Phần trên và phần dưới của trấn phong đều được chạm lộng để tạo ra vẻ thông thoáng, nhẹ nhàng. Phần trên thể hiện đề tài lưỡng long (hai bên) chầu vào hình tròn lưỡng nghi (ở giữa). Rồng ở đây là loại rồng 4 móng, dành cho đối tượng quan lại. Phần dưới được chạm lộng đề tài lưỡng sư hý cầu (2 con sư tử 2 bên đùa giỡn với quả cầu ở giữa).

Hai má hai bên trấn phong được chạm nổi 2 đề tài mai điểu (cây hoa mai và chim) và tùng lộc (cây tùng và nai). Nhưng 2 đề tài này ở 2 mặt của trấn phong không được bố trí theo cùng một thứ tự: ở mặt trước, mai điểu nằm bên phải, tùng lộc nằm bên trái (theo hướng người nhìn), còn ở mặt sau thì tùng lộc nằm bên phải, mai điểu nằm bên trái.

Hai biên ở hai bên trấn phong là 2 khối gỗ hình trụ tròn, chung quanh chạm nổi đề tài vạn thọ, trên đỉnh là chuôi kiếm, phần dưới kiếm cắm chặt lên lưng của 2 cặp kỳ lân.

Có một dải trang trí rộng 4cm uốn lượn mềm mại và cân phân ở trên và dưới lòng trấn phong, chạy tiếp qua viền quanh 2 má của nó, được phân khoản thành từng ô hộc để chạm nổi các hình ảnh thuộc đề tài bát bửu: bầu rượu, pho sách, quạt vả, v.v.

Các hình ảnh trang trí ở đây, bao gồm cả cây cối và động vật, đều được thể hiện rất sinh động.

Riêng lòng trấn phong thì không trang trí, chỉ dành để trình bày phần văn tự. Ở cả 2 mặt, các văn tự đều được chạm chìm và thếp vàng.

Ở mặt trước, các dòng chữ Hán được bố trí như sau:

- Dòng ở giữa là 4 chữ đại tự:天 子 詞 臣 (Thiên tử từ thần) được viết theo kiểu chữ lệ. “Thiên tử từ thần” có nghĩa là bề tôi văn chương của vua. Ý nói Phạm Quỳnh là người rất giỏi về văn chương, có công lớn trong việc phò tá vua Bảo Đại về lĩnh vực này.

- Lạc khoản bên phải đề: 保 大 辛 巳 年 季 夏 (Bảo Đại Tân tỵ niên quý hạ), nghĩa là bức trấn phong được chế tác vào tháng 6 năm Tân Tỵ thời Bảo Đại, tức là tháng 7/1941.

- Lạc khoản bên trái viết:

國 民 教 育 部 侍 郎 陳 文 理, 阮 廷 誾, 佐 理 楊 文 龍, 阮 文 换, 阮 科 全, 並 部 院 屬 員 仝 拜

Phiên âm: Quốc dân Giáo dục Bộ Thị lang Trần Văn Lý, Nguyễn Đình Ngân, Tá lý Dương Văn Long, Nguyễn Văn Hoán, Nguyễn Khoa Toàn, tịnh Bộ Viện thuộc viên đồng bái.

Dịch nghĩa: Thị lang Bộ Quốc dân Giáo dục Trần Văn Lý, Nguyễn Đình Ngân, Tá lý Dương Văn Long, Nguyễn Văn Hoán, Nguyễn Khoa Toàn, và các viên chức thuộc Bộ, Viện cùng kính tặng.

Trong guồng máy tổ chức hành chính của triều đình nhà Nguyễn, cái tên Bộ Quốc dân Giáo dục là một danh xưng tương đối mới.

Bộ này được thành lập trong dịp cải cách hành chính của Nam triều vào năm 1933 làm cho “Năm cụ khi không ngã cái ình” mà nhiều sử sách đã ghi chép. Bộ này thay thế vai trò của Bộ Học được thành lập vào năm 1907 dưới thời Thành Thái. Sau 10 năm du học ở Pháp, vua Bảo Đại đã trở về nước vào năm 1932. Sau đó một năm, nhà vua đã ban hành những cải cách xã hội và hành chánh từ trung ương đến địa phương, trong đó có việc thiết lập Bộ Quốc dân Giáo dục và bổ dụng Phạm Quỳnh làm Thượng thư (nay gọi là Bộ trưởng) của Bộ này. Ông giữ chức vụ vừa nói từ ngày 2/5/1933 đến ngày 12/5/1942 là thời điểm ông được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ Lại. Ở mỗi Bộ bấy giờ có 2 chức Thị lang: Tả Thị lang và Hữu Thị lang với trật Chánh tam phẩm. Trần Văn Lý (sinh năm 1901) được cử giữ chức Tả Thị lang Bộ Quốc dân Giáo dục vào năm 1940. Còn Nguyễn Đình Ngân thì giữ chức Hữu Thị lang. Vào thời gian này, Nam triều thành lập Viện Văn hóa Trung Kỳ, trực thuộc Bộ Quốc dân Giáo dục. Hữu Thị lang Nguyễn Đình Ngân được giao nhiệm vụ phụ trách Viện Văn hóa. Bức trấn phong ra đời trong bối cảnh lịch sử tổ chức hành chính ấy, tức là vào tháng 7/1941 như được ghi ở mặt trước của nó.
 

Bức trấn phong Thiên tử từ thần (mặt sau)


Nhưng, nội dung chính mà phần văn tự muốn chuyển tải thì lại nằm ở mặt sau. Đây chính là phần hồn của bức trấn phong. Ở lòng mặt sau là một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú với niêm luật rất hoàn chỉnh. Bài thơ được thể hiện theo lối hành thư. Nét chữ đẹp. Sau mỗi câu, còn ghi thêm tên của một nhân vật họ Phạm trong lịch sử Trung Hoa với cỡ chữ nhỏ hơn rất nhiều. Với cách ghi như vậy, khi mới nhìn qua, người ta dễ có cảm tưởng mỗi nhân vật họ Phạm ấy là tác giả của một câu thơ. Nhưng, khi đọc và tìm hiểu kỹ, chúng tôi thấy không phải như thế. Tác giả của bài thơ này chính là nhóm quan viên thuộc Bộ Quốc dân Giáo dục nói trên: Trần Văn Lý, Nguyễn Đình Ngân, Dương Văn Long v.v. Nội dung mỗi câu thơ nói lên biệt tài văn chương, học thuật hoặc kinh bang tế thế của một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

Nguyên văn bài thơ như sau:

                文 章 獨 擅 一 家 雄            范 翬

                天 下 詞 壇 有 折 衷            范 成 大

                志 在 先 憂 宜 後 樂            范 仲 淹

                心 能 篤 孝 又 纯 忠            范 纯 仁

                朝 廷 規 制 多 親 草            范 文 程

                庠 序 儀 型 振 晚 風            范 寧

                位 列 中 書 聲 價 重            范 俊

                長 生 遠 煥 范 賢 公            范 啟

Phiên âm:

Văn chương độc thiện nhất gia hùng.       Phạm Huy

Thiên hạ từ đàn hữu chiết trung.              Phạm Thành Đại

Chí tại tiên ưu nghi hậu lạc.                     Phạm Trọng Yêm

Tâm năng đốc hiếu hựu thuần trung.        Phạm Thuần Nhân

Triều đình quy chế đa thân thảo.              Phạm Văn Trình

Tường tự nghi hình chấn vãn phong.        Phạm Ninh

Vị liệt trung thư thanh giá trọng.              Phạm Tuấn

Trường sinh viễn hoán Phạm hiền công.  Phạm Khải


Tạm dịch xuôi:

Phạm Huy là một người giỏi nhất về văn chương.
Phạm Thành Đại là người tinh lọc được các giá trị thơ văn trong thiên hạ.
Phạm Trọng Yêm là người có ý chí lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ.
Phạm Thuần Nhân là người có lòng lo tròn chữ hiếu và giữ vẹn chữ trung.
Phạm Văn Trình là người tự tay thảo ra phần lớn các quy chế của triều đình.
Phạm Ninh là người khuôn mẫu của nền giáo dục, từng chấn chỉnh học phong khi đã bị suy yếu.
Phạm Tuấn là người đã được xếp vào tòa trung thư với tiếng tăm vang dội và phẩm giá cao thượng.
Phạm Khải là một kẻ hiền tài đã hưởng được tuổi thọ rất cao và danh tiếng vang xa.

Trung Quốc Nhân danh Đại từ điển
(do Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán tái bản và phát hành vào năm 1959) có nhắc đến tiểu sử và sự nghiệp của các nhân vật vừa nói, ngoại trừ Phạm Huy. Đại lược về họ như sau:

- Phạm Thành Đại: Người sống dưới thời nhà Tống (960 - 1279). Tên tự là Trí Năng. Hiệu là Thạch Hồ Cư Sĩ. Thi đậu Tiến sĩ, ra làm quan với chức Viên ngoại lang ở Bộ Lễ. Có đến giảng sách ở điện Sùng Chính. Sau đó được thăng lên Sùng Chính điện Đại học sĩ. Khi chết, được tặng chức Thiếu sư, rồi truy phong là Sùng Quốc Công với tên thụy là Văn Mục. Ông nổi tiếng về văn chương, giỏi về thơ. Có Thạch Hồ thi tập và nhiều sách khác, như Ngô đô chí, Phạm thôn Mai cúc phổ, Ngô thuyền lục v.v.

- Phạm Trọng Yêm: Cũng là người thời nhà Tống. Tên tự là Hy Văn. Mồ côi cha từ năm 2 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng quyết chí học hành. Đỗ Tiến sĩ. Ông là người có khí tiết. Làm quan từ trong triều đến ngoài nội, đâu đâu ông cũng là người nội cương ngoại hòa, lấy việc của thiên hạ làm việc của mình. Ông từng nói: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Khi ông mất, ai cũng thương tiếc ngậm ngùi.

- Phạm Thuần Nhân: Người thời nhà Tống. Con trai của Phạm Trọng Yêm. Tên tự là Nghiêu Phu. Thi đậu Tiến sĩ nhưng vẫn theo học những người nổi tiếng. Khi cha mất mới ra làm quan. Giữ nhiều chức vị lớn ở trong triều cũng như khi đi nhậm chức ở các địa phương. Khi chết, được tặng tên thụy là Trung Tuyên. Có để lại các quyển Văn tậpTấu nghị. Ông đã từng nói rằng: “Sở học đời tôi chỉ có hai chữ trung và thứ, dùng một đời không hết”. Thường dùng ý đó để dạy con em.

- Phạm Văn Trình: Sống vào đầu thời nhà Thanh (1616 - 1911). Tên tự là Hiến Đẩu. Hiệu là Huy Nhạc. Theo giúp vua Thanh Thái tổ, làm việc ở Văn quán, đưa ra nhiều kế sách để chiêu hàng các tướng nhà Minh và thu phục được nhiều vùng đất. Làm quan đến chức Bí thư viện Đại học sĩ. Thường bàn nghị và trù hoạch những kế sách lớn lao. Khi vua Thanh Thế tổ (niên hiệu Thuận Trị: 1644 - 1657) bình định được thiên hạ thì phần lớn các kế hoạch mở mang đất nước thuở ban đầu là đều do Phạm Văn Trình đưa ra. Sau đó, ông được thăng lên chức Thái phó. Lúc chết, được tặng tên thụy là Văn Túc.

- Phạm Ninh: Người thời nhà Minh (1368 - 1644). Tên tự là Trọng Ninh. Được học trường Quốc Tử Giám. Có công lớn trong việc biên soạn bộ Vĩnh Lạc đại điển. Được đưa lên giữ chức Giám sát Ngự sử. Ông phát hiện được những kẻ gian tà ẩn lậu, làm cho nhân tài và hào khí phấn chấn. Người ta cho ông là người giỏi như thần. Sau đó, ông qua giữ chức Thượng bửu thừa; rồi chức Bố chính ty Đề khống, nhưng chưa đến nhậm chức thì đã qua đời.

- Phạm Tuấn: Về chữ Tuấn, trong Trung Quốc Nhân danh Đại từ điển viết bộ thủy , còn ở bức trấn phong thì viết bộ nhân . Có lẽ ở đây viết nhầm. Theo từ điển ấy thì Phạm Tuấn người thời nhà Tống. Tên tự là Mậu Minh. Dưới thời Tống Cao Tông, trong niên hiệu Thiệu Hưng (1131 - 1161), ông được cử giữ chức Hiền lương Phương chính. Nhưng sau đó, ông thấy Tể tướng Tần Cối, một người gian nịnh, nghị hòa với giặc Kim làm cho đất nước không khá lên được, ông từ quan về nhà đóng cửa dạy học và quyết chí cầu đạo. Được các học giả đương thời gọi là Hương Khê Tiên sinh, ông có để lại cho đời Hương Khê tập.

- Phạm Khải: Cũng là người thời nhà Tống. Tên tự là Di Phát. Hiệu là Cầu Hoàn. Ông học rộng, biết hết mọi lẽ. Là người cao thượng, ông không thích ra làm quan để được vinh thân phì gia. Vua Tống Lý Tông (1225 - 1264) cố mời nhưng ông không xuất sĩ. Nhà vua tặng cho ông danh hiệu Phong Nguyệt Thịnh Sĩ. Ông có trước tác các sách Kê lặc mạn lục, Quản chùy tạp chí, Tỉnh quan tạp thuyết.

Đáng tiếc là chúng tôi chưa tìm ra được những dòng lược truyện như vậy về Phạm Huy, nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đã tạm đủ cơ sở để có thể đưa ra mấy nhận định sau đây về nội dung bài thơ:

- Cuộc đời của mỗi nhân vật trên đây là phù hợp với nội dung của một câu thơ nằm trước tên mình.

- Họ đều là những người có nhân cách tốt đẹp, phẩm hạnh cao nhã, giỏi về văn chương, hơn người về tài trí, hoặc có xuất chính giúp cho triều đại mà họ sống, hoặc ẩn cư để giữ tròn danh tiết. Hầu hết họ là những văn thần từng đem chất xám của mình ra để giúp vua giúp nước. Cho nên, nhan đề của bài thơ trên bức trấn phong đã được đặt tên là Thiên tử từ thần.

Mặc dù trên cả 2 mặt của bức trấn phong không hề có văn tự nào ghi cụ thể tên họ và chức vụ của người được tặng, nhưng khi tìm hiểu kỹ chữ nghĩa trên đó cũng như bối cảnh lịch sử của niên đại mà nó xuất hiện, chúng ta có thể khẳng định được rằng tập thể tác giả bài thơ đã mượn uy tín của 8 danh sĩ văn thần họ Phạm trong lịch sử Trung Hoa để gián tiếp cầu chúc “Phạm hiền công” sống lâu (trường sinh), đồng thời ca ngợi tài năng và đạo đức của vị đại thần họ Phạm đang đứng đầu Bộ Quốc dân Giáo dục.

Nhìn chung cả hình thức lẫn nội dung, bức trấn phong Thiên tử từ thần là một hiện vật bảo tàng mang giá trị cao về mặt nghệ thuật tạo tác và chứa đựng một bài thơ có giá trị văn học đặc biệt thuộc loại chơi chữ, chơi thơ.

Ngày nay, chúng ta đã có đủ độ lùi của thời gian lịch sử để có thể đánh giá một cách trung thực và khách quan về vị “quan lớn có học vấn uyên bác có thể nói là bậc nhất thời đó” (nhận định của Trần Khuyết Nghi trong sách Phạm Quỳnh một góc nhìn, tập 2, 1912, trang 149). Lời ca tụng vị Thượng thư họ Phạm qua bài thơ trên là của những người đồng liêu, một số văn nhân đương thời. Nếu bình tâm nhìn vào nhân cách khả kính của người được tặng bài thơ thì nội dung của nó không hoàn toàn mang tính chủ quan.

Qua bài thơ đặc biệt ấy, vô hình trung, người xưa đã đánh giá nhân vật họ Phạm này như là một bậc hiền tài của đất nước. Cho dù có những người khác từng dựa vào quan điểm lập trường cứng nhắc để báng bổ ông, nhưng, với những công trình học thuật đồ sộ của ông, với nhân cách cao quý của ông, và với sự bắt đầu “điều chỉnh nhận thức” về ông trong mấy chục năm qua, người đời sẽ minh xác về phẩm giá của ông một cách khách quan và công bằng.

P.T.A
(SH284/10-12)









 

Các bài mới
Bức tranh quê em (30/10/2012)
Tố Tâm (26/10/2012)
Sâu hút (26/10/2012)
Các bài đã đăng
Đêm Tiên Dung (23/10/2012)
Mặt biển (23/10/2012)
Huệ và Họa (23/10/2012)
Phút mặc khải (19/10/2012)