Tạp chí Sông Hương - Số 285 (T.11-12)
Ôđetxa vẫy gọi
08:56 | 07/11/2012

CAO THỊ HƯƠNG KHANH

Đến Mat vào một ngày hè giao thời chuẩn bị sang thu, ánh nắng yếu ớt rải trên tán lá vàng óng ả đang dần rơi xuống trên những nẻo đường. Thật không có gì tả nổi vẻ đẹp thú vị của mùa thu Nga!

Ôđetxa vẫy gọi
Thành phố Odessa - Ảnh: internet

Mắt mờ vì mới từ trên máy bay xuống và đi xe bus về cư xá Đại học Quốc gia Matxcơva (MGU), chúng tôi rời Mat sau ba ngày nghỉ tại đây lên tàu đến Ôđetxa. Chẳng hình dung được Ôđetxa nó như thế nào, cứ trên con tàu băng qua những cánh rừng Bạch Dương, qua những đồng lúa mì óng ánh, để rồi hai ngày sau chúng tôi mới đến sân ga tại Ôđetxa vào lúc chẳng nhận ra gì.

Những người Nga xung quanh trố mắt ngạc nhiên khi thấy đoàn lưu học sinh Việt Nam sang Ôđetxa du học. Sự đón tiếp nồng nhiệt đó khiến chúng tôi rất cảm động. Rời ga, chúng tôi được một chị người Hà Nội hướng dẫn đưa về cư xá. Tôi không còn nhớ nổi chị đó tên gì và tên đường của cư xá 1. Tuần sau chúng tôi được sang cư xá 2 ở đường Sepkina. Vui quá! Không có gì tả hết những xúc động bàng hoàng trước sự nhiệt tình niềm nở của các bạn Nga. Và những người bảo vệ cư xá này - họ chỉ là những ông bà già đã nghỉ hưu làm thêm việc cho đỡ buồn, luôn cười mỗi lần gặp chúng tôi với cả tâm hồn hiền hậu thân thương. Họ hay hỏi chuyện chúng tôi mỗi khi có khách là người Việt Nam đến chơi, thắc mắc tại sao chúng tôi hay đi chơi mà chẳng học hành vào những ngày thứ 7, chủ nhật. Cư xá chỉ có 3 tầng, cũng không có gì gọi là hiện đại cho lắm. Những đường nét của kiểu nhà xây theo kiến trúc cổ. Tiếp xúc với những người bạn đến từ nhiều nước ở tại cư xá này, chúng tôi chẳng mấy chốc đã trở nên thấy hết bỡ ngỡ. Chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Nga. Sẽ không bao giờ quên được cảnh lúc chúng tôi vừa đặt chân đến đây, họ chạy ra xách đồ đạc giúp, dẫn lên phòng. Căn phòng cho các lưu học sinh cũng thật đơn sơ. Những tủ, nệm, ra, giường gối, lò sưởi đều sắp đặt theo cách riêng đầy ấn tượng của thành cổ Ôđetxa.

Ở gần cảng, chỉ cách con đường ra để nhìn thấy cảng có vài trăm mét nên hàng ngày chúng tôi thường ra đây dạo chơi vào buổi sáng để nhìn cờ báo hiệu, để nghe tiếng hú vọng từ xa của những con tàu. Buổi chiều tối đi học về, chúng tôi đều tản bộ dọc theo những con đường bao quanh triền dốc dẫn xuống bến cảng. Những ngày nghỉ học hay bất kỳ lúc nào giáo viên bận việc tôi cũng tranh thủ cùng chị bạn đi khá nhiều nơi: ra tận ngoại ô thành phố, tham quan chợ và các nhà hàng… Tôi được tận mắt thấy những ngôi nhà ở Nga, không cao lắm, cũng đơn sơ thôi nhưng khá gợi cảm và gần gũi như ở quê nhà mình vậy. Những người Nga bình dị, chân thành. Tôi luôn nhớ về một người mẹ Nga già ở phố Phrunze - nơi có khá đông người Việt Nam sinh sống. Tôi bắt gặp mẹ với khuôn mặt hiền hậu, nước mắt dàn dụa khi cầm trong tay một chiếc áo pun Cá Sấu. Hỏi ra mới hay vì bà quý trọng công lao người thợ dệt Việt Nam, muốn có cái gì đó làm kỷ niệm nhưng chẳng may mua phải chiếc áo dổm. Cảm động trước tấm lòng của bà mẹ Nga, tôi quyết định tặng chiếc áo pun Cá Sấu thật trên tay. Bà đón nhận món quà nhưng quyết dúi tiền vào tay tôi bằng được, cuối cùng tôi cũng chỉ nhận lấy đồng xu 2 rup, trân trọng giữ mãi khi về Việt Nam.

Phương tiện đi lại ở Ôđetxa chủ yếu là xe bus, tàu điện, xe điện. Thật đơn giản chỉ cần mua sẵn vé là có thể lên bất cứ loại xe nào trừ taxi. Ấy vậy mà đôi khi cũng… Quả thực chúng tôi cũng thiếu tiền, chỉ ngoài một ít học bổng đủ trang trải cho chuyện học và tiêu pha hàng ngày, nên có những lúc lên xe chúng tôi không thấy ai soát vé, thế là trốn luôn. Nhớ lại ý thức tự giác của người dân Nga - lên xe, việc đầu tiên là dập vé, thấy hổ thẹn vô cùng!

Chuyện học, bài vở cũng khá căng, nhất là trong thi cử. Thường học sinh hầu như ai cũng phải chuẩn bị tài liệu chép sẵn phòng khi thi lấp vào những chỗ chưa học hay lỡ quên. Hôm ấy tôi gặp giáo viên coi thi rất gắt. Tự hỏi lúc giảng bài sao thầy cô thân thiện đến thế, còn khi thi chẳng nương tay chút nào! Sau này mới biết, đó là cung cách của hầu hết giáo viên Nga. Họ vốn rất dị ứng với học sinh lười, dối trá. Chính tấm lòng ngay thẳng, tình cảm chân thật của những người Nga đã giúp tôi rút ra không chỉ trong thi cử mà trong suốt cuộc đời là phải sống thật lòng, ngay thẳng, trung thực. Âu đó cũng là một bài học quý giá giúp tôi vào đời.

Có lẽ nói sao cũng khó tả hết sức quyến rũ ở Ôđetxa. Chuyện lần đầu tiên thấy tuyết rơi cứ thế bốc lên ăn để rồi về viêm họng mấy ngày liền; chuyện được tận hưởng quang cảnh tuyệt diệu ở Biển Đen khi mùa hè về… Rốt cục thì cũng hết thời hạn lưu trú ở Nga. Tạm biệt Ôđetxa với quãng thời gian trải qua bốn mùa thu - đông - xuân - hạ tiếp giáp gần một năm với bao kỷ niệm. Đã đến lúc chia tay, lòng đầy lưu luyến. Chúng tôi đã để lại gì cho Ôđetxa trước khi trở lại quê nhà? Ôđetxa là thành phố Mẹ - câu nói như lời thơ nghẹn ngào, không thôi bay mãi trong tâm trí tôi…

C.T.H.K
(SH285/11-12)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng