Tạp chí Sông Hương - Số 24 (T.3&4-1987)
Về thăm quê
09:06 | 22/11/2012

VÕ QUANG YẾN
(Thân tặng tất cả các bạn yêu Huế)

37 năm ra đi tưởng không hẹn ngày về. Thế mà rồi tôi cũng mua vé máy bay lên đường về thăm quê.

Về thăm quê
Tiến sĩ Võ Quang Yến - Ảnh: gactholoc.net

Thật ra tôi bị thúc giục mọi bề: Huế thì mong đợi ông hội trưởng Hội Người Yêu Huế; anh chị, cháu chắt thì ao ước thấy lại hay làm quen đứa em, ông chú, ông cậu, người "ôn" lâu năm đi du học xa, đỗ đạt chi đó rồi thành gia thất, lập nghiệp bên phương trời Tây nghìn trùng ; hai đứa con trai thì đòi cha đưa về thăm nơi chôn nhau cắt rún, nơi ông bà nội từ hai bàn tay trắng ra sức làm ăn, lập nên cơ nghiệp để nuôi một bầy con cho thành người. Làm sao chống cự lại được mãnh lực cả một số người đồng hương đang trông chờ, một gia đình đông đúc đang mong ngóng, nhiệt huyết của mấy đứa con "thế hệ thứ hai" sinh trưởng nơi quê người, chỉ biết quê cha đất tổ qua sách vở, báo chí, qua lời kể chuyện của ông cha, chứ chính tiếng mẹ đẻ của cha mình cũng chẳng thông hiểu. Vì vậy tôi nhất quyết lên đường, mặc dầu trong trí óc đầy thắc mắc vì những phiền phức, khó khăn mà bạn bè về trước đã kể lại. Nhưng tôi mạnh dạn vì biết mình không phải về nước hoàn toàn vô danh. Hơn nữa, với vài ba đề án khoa học giúp ích xứ sở trong túi, lẽ nào lại không được tiếp đón niềm nở.

Thật vậy, xuống sân bay Tân Sơn Nhất là đã thấy ngay cái nồng hậu của người đồng hương, của gia đình. Cuộc tiếp đón nầy chắc chắn là vui vẻ hơn nếu trong những bước đầu tiên trên đất quê hương không gặp những chuyện phiền toái. Mình chưa quen nhiệt độ xứ nóng thì đã phải mồ hôi đầm đìa xếp hàng rất lâu để ra cửa. Vì sao có bốn, năm cái cửa lại chỉ có hai cái mở thôi? Vì số bà con sống ở Pháp, đã học cách xếp hàng (ở Pháp gọi là làm đuôi) về đến đây thì quên hết và mạnh ai nấy lấn? Sau đó phải qua Hải quan khám xét hành lý, đợi cũng lâu lắm mới đến phiên mình. Vì sao lại lắm người được ưu tiên như vậy? Vì sao người ta lại không kiểm soát hành khách theo thứ tự? Mà liệu soát kỹ có tìm ra được mọi vụ gian lậu không? Chắc con buôn thì có cách đi của họ hay có ngả khác. Cái lưới tung ra chặn lọc loài kiến, liệu có bắt giữ lại được con voi không? Tôi chưa có thì giờ suy nghĩ về các câu hỏi kia thì các anh trong Ban liên lạc Huế - Bình Trị Thiên, và một cô lộng lẫy trong cái áo dài tha thướt, với giọng nói ngọt ngào quen thuộc từ thuở ấu thơ, đã lại chúc mừng nghênh tiếp, không quên tặng một đóa hoa tươi. Tôi tiếc ở nước ta chưa có tục lệ ôm hôn chào mừng. Ngạc nhiên và biết bao vui sướng! Tôi chưa lại hồn thì họ cho hay: "Anh có gia đình đứng đợi ngoài kia". Chao ôi, qua cửa kính, hơn ba mươi anh, chị, cháu, chắt chen lấn trong đám người đang đợi, vương tay vẫy đón, nỗi vui mừng lộ hẳn trên mặt. Lần lượt, bọn cháu, chắt làm dấu (vì không nghe được qua cửa kính) giới thiệu từng đứa một - vì lúc tôi ra đi, tất cả các cháu đều chưa sinh ra, còn các chắt thì chưa có đứa nào chào đời. Và phải hơn ba giờ sau mới bắt tay được chúng. Tay bắt mặt mừng, hỏi han líu tíu, tôi được tiếp đón ân cần đến nỗi tưởng như mình là thần tượng...

Từ thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã thuê một chiếc xe du lịch và cùng cả bầy cháu chen chúc hai mươi sáu mạng chạy ba ngày ra đến Huế. Cuộc hành trình dọc theo xứ sở này là một dịp để học lại địa dư miền Nam Trung Việt. Phan Rí nằm đâu so với Phan Rang ; Phan Thiết, Tuy Hòa có phải nằm giữa Nha Trang và Qui Nhơn không? Mặc dầu có những đoạn đường đang sửa chữa, đường xe chạy còn tốt lắm. Thỉnh thoảng lại được dừng xe tắm biển, ăn vặt. Nước ta sao có lắm đồ ngon: chôm chôm Long Khánh, mít Tố nữ, nho Phan Rang, thanh long Nha Trang, dừa Qui Nhơn, mía Quảng Ngãi, chưa kể măng cụt, xoài, nhãn, mạch nha, đường phổi...

Qua Phan Rang phải đi viếng Tháp Chàm. Chế Lan Viên chắc lúc trước đã xúc cảm nhiều nơi đây. Và mình cảm thấy gần gũi nàng công chúa xa nhà, xa nước mà sau nầy những điệu nam ai, nam bằng não nùng ai oán nghe ở Huế gợi lại biết bao nhớ nhung. Xe vượt qua Nha Trang, Tuy Hòa, Qui Nhơn, Quảng Ngãi rồi Hội An, Vĩnh Điện. Tôi nhắc lại thành phố nhỏ xíu nầy vì hồi nhỏ tôi đã học ba năm tiểu học ở đấy. Xe chạy chậm lại nhưng ngoài cái cầu, tôi chẳng còn nhận ra một ngôi nhà nào khác. Chùa Non Nước vẫn đẹp như xưa. Nhưng chúng tôi đến quá chậm, chiều mau tàn và chỉ còn trèo lên đỉnh cao nhìn trời, ngắm biển. Ngủ một đêm ở Đà Nẵng rồi sớm hôm sau trèo đèo Hải Vân. Chiếc xe du lịch trục trặc từ lâu, vừa khỏi chân đèo thì hỏng máy hoàn toàn. Lại phải trở về Đà Nẵng thuê một chiếc xe khác. Mặc dầu lúc nhỏ tôi đã đi nhiều lần khúc đường Huế - Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên tôi vượt đèo bằng xe hơi.

Đường quanh co và phong cảnh thật hữu tình. Ở mỗi khuỷu đường là một bức tranh mới. Trên trời mây chập chờn để cho xứng tên. Dưới chân núi, bãi cát chạy dài, trắng xóa bên cạnh nước biển xanh đậm, không một bóng người. Làm sao không nghĩ tới được những bãi biển Hy Lạp, Nam Tư, Tuinidi, Tây Ban Nha, khách nghỉ hè tấp nập đông đúc... Xe chạy ngoằn nghèo xuống đến Lăng Cô. Không còn sò huyết như tôi trông đợi, chỉ có tôm cua ăn cũng đã đời. Và giọng nói đã rời hẳn miệt Đà Nẵng để hướng về phía Huế. Thật ra, chạy từ Nam ra, và nhất là từ Pháp về, đến Lăng Cô có thể coi như là đã đến Huế.

Bụi tre, thửa ruộng, con trâu có thể không khác chi mấy ở trong Nam, nhưng đối với tôi đây là quê hương. Còn nhớ hồi nhỏ học trong cuốn sách Tập đọc có bài nói chuyện người đi du lịch khắp nơi, khi về được hỏi nơi nào đẹp hơn cả thì trả lời… Mình chủ quan đến thế ư? Hay là mình quá "yêu Huế một cách lãng mạn", quá trìu mến cái xứ Huế lâu năm xa cách nầy mà tâm tình bộc lộ quá chừng. Năm ngoái, trong một lá thư gửi về Huế, tôi tâm sự có lẽ hơi nhiều, một vài câu trong thơ đó được chuyển lại Paris, ngay sau đó một bà bạn đã gọi giây nói đến: "Chi mà viết Kim Sanh dữ rứa hè?".

Xe chạy còn xa, tôi chưa nhận ra chỗ mà đã thấy biển thành phố Huế. Nhưng không mấy chốc đã đến Ngoẹo Dàng Xay, rồi cầu An Cựu. Sông An Cựu nắng đục mưa trong, vẫn còn nhỏ như hồi nào. Chợ An Cựu thấy vẫn chật hẹp và đông đúc. Tôi biết chợ này nhiều vì trước khi rời Huế đã ở đường bờ sông An Cựu nay đổi ra đường Phan Chu Trinh. Mấy hôm sau có dịp đi bách bộ lại trước ngôi nhà xưa, thấy có vẻ tiêu điều, mấy cây dừa đã bị đốn gần hết, cái vườn trước nhà không còn nữa người ta đã dựng vào đó hai cái nhà khác. Đi qua nhà mà lòng hơi tủi vì chẳng có ai đó để đón mình... Đã 38 năm, ai mà còn biết mình nữa? Hai chàng Lưu Nguyễn lúc trước rời làng có ba ngày mà đã bị lãng quên. Cánh đồng An Cựu vẫn còn đó, cái "bót cò" nay trở thành trụ sở công an. Nhà Thiên Hựu nổi bật hơn trước kia vì vườn tược cây cối ít còn. Tôi còn nhớ hồi làm đội sinh rồi đội trưởng đội Hùng sơn ở đoàn Hướng đạo Lê Lai, đây là nơi "dụng võ", tìm đường kính, học truyền tin, sử dụng nút... Nhưng chưa kịp ôn lại quá khứ, tìm về dĩ vãng thì cầu Trường Tiền đã hiện ra trước mắt, tuy gãy một vài, vẫn còn giữ phong cách ngày xưa sông Hương nước vẫn đầy và chảy nhẹ. Thú quá! Trong mấy năm qua đã bao lần mình nhìn nước sông Seine mà hồi tưởng đến quê nhà. Giờ đây, Hương giang lẫn lờ đó như cô gái Huế! Nhìn tôi âu yếm, hai đứa con tôi (đứa thứ nhì về sau một tuần) lôi tôi ra khỏi chốn trầm tư: "Sao, cảm tưởng đầu tiên của ba là thế nào?". Mắt ướm lệ tôi chỉ biết mỉm cười.

Đường Lê Lợi rồi khách sạn Hương Giang. Tôi được mời ở nhà khách nhưng còn vài ngày nữa chung sống với gia đình, tôi không nỡ bỏ rời bọn cháu. Ba ngày thăm viếng bà con, mồ mả rồi cung thành, lăng tẩm. Tôi cũng đem các con và cháu về trên bờ sông Ô Lâu, ở cái thôn Mỹ Cang nhỏ xíu, nay thuộc xã Phong Hòa, thăm nơi tôi đã sống thời niên thiếu. Đây là làng mẹ (tôi nguyên quán ở Nam Phổ, nơi mà con gái ở lỗ trèo cau đó), nhưng tôi đã sinh trưởng ở đây, sống những ngày ngây thơ ấu trĩ, và sau đó là những ngày cách mạng chớm nở, những buổi cướp chính quyền sôi nổi tưng bừng. Rồi trong suốt gần hai năm liền, những buổi tập tự vệ náo nhiệt, những hôm tuyên truyền hào hứng, những đêm họp thiếu niên vui tươi... đã để lại trong ký ức tôi biết bao nhiêu kỷ niệm sống động, êm đềm. Tôi còn nhớ mãi những lối truyền bá quốc ngữ, những mái tóc bạc cặm cụi trên cái bảng gỗ, dưới ánh đèn dầu leo lét, những buổi học hát, tiếng cười dòn của các cô thôn nữ hồn nhiên; những đêm trăng sáng cùng bầy trẻ nô đùa, học tập, "chúng ta hôm nay hiệp vầy, cùng nhau nắm tay...", các em còn nhớ không? Rồi cũng đến hôm khai giảng, tôi phải từ biệt làng xóm vô Huế học, cả đoàn thiếu niên lên ga Mỹ Chánh tiễn đưa, sụt sùi nước mắt như đưa anh giải phóng quân lên đường ra trận. Sau đó là những ngày khói lửa của một cuộc chinh chiến đang bắt đầu. Sơ tán rồi mỗi người một ngả. Cả bọn thiếu niên tôi chỉ gặp lại được một ít vì nhiều em đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Tôi giật mình khi nghe giới thiệu: "Đây là cô Sớn": tôi còn tìm đôi má ửng của tuổi mười hai! Thế mới thấy thời gian qua mau thật. Bến Đình còn đó nhưng tôi tìm mãi không ra cây đa đầu làng, bên cạnh chợ cũ, nơi đã từng núp bắn cu xanh với cái ná cao su, và cũng là nơi đã diễn ra những trận đá banh hào hứng, trong suốt mấy tháng nghỉ hè. Những trận bão lụt vừa qua chắc tàn hại cũng khá nhiều.

Huế thì bị đổ vỡ khá lớn. Đi một vòng thành nội hay các lăng tẩm thì thấy ngay. Mà ngay ở thành phố cũng còn có nhiều vết tích điêu tàn. Công viên trước hai trường Quốc Học (Khải Định cũ) và Hai Bà Trưng (Đồng Khánh cũ) tiêu điều, vì thời gian và sau cơn bão số tám năm ngoái. Chỉ có Đài chiến sĩ trận vong là còn đứng vững. Những cột dàn hoa bây giờ trơ trụi như ở một thành phố cổ Hy Lạp không hồn. Bông hoa đây đó chỉ còn vài cây, vết tích của một thời xưa lộng lẫy. Tôi tìm mãi mới tìm ra được một cây phượng vĩ có ít hoa đỏ thắm. Có lẽ mùa thi đã qua hay hết còn hoa phượng, ve sầu cũng im hơi vắng tiếng. Tôi nghe nói đã lâu, bây giờ mới thấy cầu Phú Xuân bắc qua sông Hương, trước trụ sở ủy ban nhân dân tức là Thừa Phủ lúc trước. Cầu rộng nhưng không có phong cách của cầu Trường Tiền. Đằng khác, nhìn từ cầu Trường Tiền (rét rỉ, cần phải sơn lại) ngó lên Bạch Hổ, sông Hương bị cách đoạn, làm mất một hình ảnh mỹ miều của chốn cố đô.

Tôi may mắn được các bạn chở xe máy cho đi viếng các chùa chiền lân cận: Từ Hiếu, Tây Thiên, Trúc Lâm, Pháp Hải... Cổ kính như xưa, các chùa ít bị chiến tranh và bão lụt tàn phá. Từ một chốn náo nhiệt như thành phố Paris về đây thật là những nơi u thâm tĩnh mịch tiếng vọng lên chỉ là lời kinh, mõ gõ hay là tiếng chim kêu ríu rít trong rừng. Tôi nhớ lại hồi trước mình đã cắm trại gần đây, đã ồn ào phiền nhiễu các nhà sư chắc cũng nhiều. Cái chùa đập vào trí óc tôi nhất là chùa Huyền Không. Chùa nầy không nằm bên phía Nam Giao như các chùa khác mà phải ngược giòng sông Hương lên quá chùa Thiên Mụ rồi còn phải chạy nữa mới đến nơi. Chúng tôi chỉ có viếng được cái vườn đơn sơ, mộc mạc mà kiến trúc mỹ miều làm sao. Vườn sen nhỏ, cái cầu tre, túp lều tranh... mỗi chi tiết đã tỏ ra một suy nghĩ lâu dài. Những nhà sư vẽ cảnh, thực hiện chắc phải là những họa sĩ uyên thâm kỳ tài.

Nhưng Huế cũng còn đẹp ở các cảnh thiên nhiên. Ai đã được đi chơi đồi thông Thiên An lấp lánh dưới ánh nắng chiều, sau trận mưa rào, chắc cũng phải ngây ngất như tôi trước núi rừng bát ngát. Xa xa túp lều tranh yên tĩnh thả khói nhẹ vương lên nền trời gợn mây. Gần hơn, một thiếu nữ nhẹ nhàng tiến bước, tà áo dài tung lên trước gió lộng: một hình ảnh giữ lại tất cả tình cảm của khách dạo rừng. Tôi bỗng thông cảm anh chàng vượt núi lặn sông về tìm cưới cho được bà vợ Huế.

Tôi chẳng có được nhiều thì giờ để mơ mộng. Thành phố Huế đợi tôi trách móc về mấy ngày rồi mà chưa chính thức bắt tay vào việc. Người Huế mình sao cậu nệ quá: gặp ông này, ông kia phải theo một thứ tự trên dưới! Thời buổi khoa học, thì giờ lại hiếm hoi, vì sao phải mất công với những điều không cần thiết? Dù sao tôi đã được viếng Xí nghiệp Hương Giang làm bút bi, đi thăm tòa soạn Sông Hương, gặp các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân... đã từng nghe tiếng. Ông bạn Lê Trọng Sâm cũng lại thăm cùng ông giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa với một gói sách dày mà các anh đã in. Tôi cũng được gặp nhiều anh họa sĩ như Bửu Chỉ, Phạm Đăng Trí... trong một khu vườn tuyệt đẹp của xứ Huế: vườn An Hiên của bà Lan Hữu. Sau nầy anh Phạm Đăng Trí còn có cho coi tranh ở nhà riêng. Tranh anh đẹp đã đành rồi mà suy tư của anh cũng vương nặng tình cảm Huế. Ban ca nhạc cổ truyền Huế do ông hội trưởng Tôn Thất Toàn dẫn đầu thì tổ chức cho chúng tôi một đêm trình diễn. Tôi thích nhạc Huế, bấy lâu chỉ được nghe qua băng máy, giờ được thưởng thức nhạc sống thật là linh động và mê hồn. Những giọng ca của các cô Vân Sinh, Minh Mẫn, Thanh Tâm... về nhạc Huế ngày nay chắc không có giọng nào sánh bằng. Tuy nhiên, nếu nhạc Huế trình diễn trong phòng có cái ấm cúng thì nghe nhạc nầy trên sông Hương, gần nước mát vỗ nhẹ vào mạn thuyền, một đêm trăng sáng tỏ, thì lại là một hứng thú khác. Phải chăng phải có một tâm hồn thật Huế mới biết thưởng thức những tế nhị nầy. Sau nầy, tôi rất cảm động khi nghe người ta bảo tuy xa Huế đã lâu, tâm hồn nầy tôi vẫn còn giữ cũng như cái giọng Huế thuần túy của tôi ông hề lai Nam, lai Bắc, lai Tây. Một lần khác tôi lại được khen còn biết ngồi xếp bằng ăn cơm trên chiếu trải dưới đất... Những lời khen chân thành và vô tư nầy đã chứng minh cho tôi là văn hóa phương Tây dù lâu năm vẫn không lột bỏ được cái gì đã ủ ấp vững bền từ thuở nhỏ trong lòng mình.

Phải chăng vì cái tâm hồn Huế còn tồn tại mãnh liệt trong lòng tôi mà tôi còn rất thích đồ ăn Huế. Tôi thật may mắn vì từ Paris các bà trong Hội Người Yêu Huế nấu ăn đã thật giỏi, về thành phố Hồ Chí Minh gặp mấy đứa cháu gái nấu ăn cũng tuyệt vời, sau đó đến Huế, nơi nguồn cội, thì hết còn đòi hỏi gì thêm. Chỉ có một món rau muống chấm mắm nêm mà cũng phải đợi mấy chục năm mới lại được hưởng cái hương vị thanh tao, đậm đà hơn cả mấy cái pho mát Camembert hay Roquefort của Pháp. Cá trê kho nghệ, mới ngửi qua mùi đã thấy ngon lành. Cary Ấn Độ hay Tagin Ma Rốc làm sao sánh bằng.

Về Huế ăn ngon thì cũng phải làm việc nhiều. Là dân khoa học, tôi đã được dẫn thăm Trường đại học Tổng hợp, Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp hướng nghiệp. Bệnh viện Trung ương, Bệnh viện thành phố. Chú ý rõ ràng nhất là mình thiếu quá nhiều vật liệu, hóa chất, phụ tùng, thuốc men... Một việc giản dị như chiết rút agar từ rau câu chỉ vàng vớt trồng từ các đầm phá Bình Trị Thiên cũng cần phải dụng cụ tối thiểu mới mong đạt đến đích. Với lại kỹ thuật mình cũng kém, chưa kể tài liệu thiếu thốn. Tôi hy vọng những cơ quan khảo cứu vấn đề nầy ở Huế sẽ sớm bắt tay nhau, làm việc chung thì kết quả mới khả quan hơn. Và cũng với điều kiện ấy, ở Pháp chúng tôi mới tiếp sức được dễ dàng. Rồi đây, nếu dự án thực hiện được, sẽ có thực tập sinh ta qua Pháp học thêm và những chuyên gia Pháp về Huế hướng dẫn. Vì ngoài đề tài chiết rút agar, còn có đề án phát triển đầm phá, nuôi tôm cá, trồng rau câu. Các nhà lãnh đạo ta, ở Huế cũng như ở Hà Nội, đã nhận định sử dụng một cách khoa học nguồn lợi sẵn có là một việc vô cùng quan trọng thì tất cả phải cố gắng thực hiện những dự án đã phác họa mới mong góp phần đắc lực vào việc phát triển kinh tế của nước nhà.

Các dự án này cũng như hoạt động của Hội Người Yêu Huế, tôi đã có dịp trình bày trong cuộc hội thảo của Hội trường Quốc Học 90 năm. Rất nhiều bạn bè từ khắp các miền Việt Nam đã lại gặp mặt. Đây là một dịp để thầy trò, bạn cũ tụ họp lại với nhau sau bốn mươi năm xa cách, từ hồi kháng chiến mới bắt đầu. Anh chị em mỗi người một ngả, con đường đi mỗi người chọn một nơi, bây giờ đứng trước nhau, bắt tay nhau, tình thân ái xưa kia không những còn giữ mà còn lại có phần quý nhau hơn. Một anh bạn đại tá bảo tôi phận sự dành độc lập cho Tổ quốc của quân nhân đã xong, bây giờ đến lượt các nhà khoa học kỹ thuật phải ra tay xây dựng kiến thiết đất nước, như vậy cần có nhiều người chọn những con đường khác nhau để bổ túc cho nhau. Cảm động nhất là hôm một số anh em tổ chức đi thăm một anh bạn học cũ ở ngoài An Hòa không về dự Hội trường Quốc Học. Trời hôm ấy mưa đầm đìa, tưởng không đi được, may nhờ mượn được một chiếc xe hơi. Từ xa tôi đã nhận ra được anh ta, tóc bạc rất nhiều vì nghe nói đã trải qua nhiều cực khổ trong những năm tranh đấu cho xứ nhà. Mặc dầu nhiều năm xa cách, anh cũng nhận tôi ra ngay vừa cười lớn vừa tiến lại tôi, ôm choàng tôi, hai tay vỗ mạnh vào vai tôi tưởng như bầm tím sau kỳ hội ngộ đó. Đôi mắt ngấn lệ, bọn tôi nhìn nhau rồi bật cười thỏa mãn. Sau đó cả bọn bạn cũ, văn sĩ, họa sĩ, sĩ quan, giáo sư... quây quần với nhau dưới mái hiên nhà và được chị bạn cho ăn nào bánh bèo, nào chè đậu quyên... Thì ra anh chị đã sửa soạn đón chúng tôi từ trước, hú vía, nếu không đến được thì họ thất vọng đến mức nào! Sau này anh bạn cho biết từ trong khu đã theo dõi sinh hoạt của tôi qua các tờ Đại học Bách Khoa, Phổ Thông nhưng không biết tôi chọn con đường nào... Vừa rồi đọc Sông Hương thấy tên tôi ghép chung với Hội Người Yêu Huế mới mừng thầm. Mấy ai đã sống được những phút chờ đợi bạn cũ hào hứng như vậy.

Năm tuần sống động ở quê hương, nhiều ngày đầm ấm với gia đình, một buổi chiều rạo rực trong ánh nắng vàng, một tối dạo chơi nghe đàn hát trên sông Hương... biết bao kỷ niệm đã cắt đứt một mảnh tim tôi giữ lại nơi quê nhà.

Những hôm đi thuyền gông-đôn trên các kênh Veni-tia buổi tối, hay chạy ghe phơ-lút ngược dòng sông Nil vào lúc chiều tàn, tôi không khỏi so sánh với cuộc đi dạo đò trên sông Hương của ta. Giờ đây rồi những đêm trăng sáng, chắc lại phải mò về xóm La Tinh, nhìn nước sông Seine chảy để ôn tưởng đến Hương Giang bên kia chân trời.

Paris tháng 9-1986
V.Q.Y.
(SH24/4-87)







 

Các bài mới
Vắng cách (16/01/2013)
Các bài đã đăng
Cảm thụ Huế (09/11/2012)
Thơ Tsvetaeva (06/11/2012)