Tạp chí Sông Hương - Số 24 (T.3&4-1987)
Tới đích
09:31 | 29/11/2012

TRUNG TRUNG ĐỈNH

Tôi không thể nhớ lại mạch lạc những cuộc hành trình của tôi đã diễn ra thế nào khắp thủ đô. Nhưng hôm nay, nhờ sự ưu ái của bạn bè đã xin giúp cho nhà tôi có chỗ làm - ít ra cũng được gọi như thế, khiến bây giờ tôi có cái yên tâm của người chồng mà bấy lâu tôi cứ tự cho là mình hỏng.

Tới đích
Minh họa: BỬU CHỈ

Tôi xăm xắn dẫn nhà tôi tới cơ quan, rồi ra về với tâm trạng hết sức lạc quan. Tôi huýt sáo, thậm chí không hề chú ý tới dòng người đang cuồn cuộn trên đường phố. Hạnh phúc là như thế - tôi nghĩ. Chỉ sau sáu tháng nữa, Sáu tháng có đáng là bao. Cái thời hạn làm hợp đồng nghiêm khắc và rõ ràng ấy sẽ qua một cách dễ chịu. Tôi luôn hình dung ra vẻ mặt vốn không lấy gì làm tươi tắn lắm của nhà tôi đang cầm tờ quyết định trong tay, với một nụ cười rất là ý vị. Vâng, cô ấy đã hứa sẽ thết tôi và bạn bè tôi một bữa bún chả ra trò ngay sau cái ngày nhận lương chính thức trọng đại ấy. Hạnh phúc là như thế, tôi lại nghĩ. Bạn bè luôn ở quanh ta, và ta luôn sống giữa bạn bè... "Tối nay, tối đầu tiên em trực với chị Huệ. Chị Huệ bàn sẽ đãi em ăn phở khuya. Anh cứ nghỉ trước...". Đấy, tiếng nhà tôi lí nhí bên tai tôi một cách tự hào như thế đấy!

***

Ở nhà một mình tôi không tài nào ngủ được vì cảm giác lạc quan vui vẻ khi chiều. Tôi tha thẩn ra vào hút thuốc, ngâm nga "gậm nhấm" thú vui của người vừa hoàn thành một phần công việc lớn lao trong cuộc đời mình. Tôi lật qua lật lại cuốn nhật ký. Tôi không có thói quen ghi nhật ký. Nhưng đến khi những hy vọng đầu tiên về chuyện xin nơi công tác cho nhà tôi sau ngày ra trường, không còn là hy vọng nữa, tôi mới chợt nhận ra, nếu không ghi lại, mọi ấn tượng sẽ lu mờ khi ta thỏa mãn những mong mỏi của mình. Và tôi ghi, như là sự ghi chép cần thiết cho nghề nghiệp.

Tôi gấp quyển sổ lại và hình dung những "thực tế" suốt hai năm qua tôi đã lao vào. Tôi có thể bảo đảm chắc chắn là, vì những cuộc hành trình ấy, tôi đã hai lần thay lốp xe đạp. Và tôi không thể quên đôi lốp đầu tiên mua tại xưởng sản xuất của trường đại học bách khoa. Lương, bạn chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên cũ của tôi, sau khi bị thương trận đánh chốt Đắc-Đoa đã trở về trường học, và sau đó được ở lại phòng thí nghiệm của trường. Anh không phải là người khá hơn tôi về mặt kinh tế. Nhưng anh ít phải đi hơn tôi. Từ chỗ ở của anh tới phòng thí nghiệm, xưởng sản xuất chỉ hơn ba trăm mét.

"Một ngày cùng lắm tớ đi lại hơn ba cây số - anh bảo tôi - Còn cậu, cậu đi từ nhà tới cơ quan đã năm cây. Năm cây đi, năm cây về. Hơn nữa cậu lại đang xin việc cho cô ấy. Cứ mèng ra một ngày cậu cũng đi nhiều hơn tớ gấp bốn năm lần". Anh cười, đùa! "Tớ để rẻ" cho một nửa theo giá xuất xưởng. Cậu cứ đi, mong rằng bao giờ mòn hết đôi lốp này thì xin xong việc cho cô ấy, kể thế cũng là rẻ..."

Tôi khoác hai cái lốp xe về nhà, nói nguyên văn lời "chúc" khi nãy của Lương, và báo tin vui cho vợ là Lương đã mách cho chỗ ông Thái, phó tiến sĩ, hiệu trưởng một trường đại học mới thành lập. Rằng trường ấy đang rất cần chân tư liệu - thư viện, đúng với nghề học của vợ tôi. Rằng ông Thái là một nhà trí thức có tên tuổi đàng hoàng, rất dễ thông cảm. Rằng Lương đã giới thiệu qua cảnh chúng tôi với ông và ông tỏ ra rất mừng sẽ có một cô nhân viên lành tính, lại đã qua đời lính, chuyên môn vững vàng. Lương quen ông Thái bằng con đường nào tôi chưa kịp tìm hiểu. Nhưng rõ ràng anh rất tự tin.

Nhà tôi cũng tỏ ra hớn hở, vui mừng. Nhưng cái vui tiếp theo là cô ấy chìa ra hai cái vé xem bộ phim mới nhất:

- Tối mình đi xem anh nhé. - Cô ấy nói nhẹ nhàng.

- Đi xem - Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi quả quyết - Không. Anh bận.

- Bận gì? Hôm nay chủ nhật kia mà.

- Chủ nhật ông Thái mới ở nhà. Mà này - tôi chợt nảy ra sáng kiến - có lẽ em đưa anh hai cái vé ấy, ta biếu ông Thái. Mai anh kiếm vé khác vậy.

- A, không được đâu! - Nhà tôi kêu lên - Yến nó mời chúng mình cùng xem mà.

- Yến nó sẽ thông cảm. - Tôi cương quyết.

- Em van anh - nhà tôi nói - Em không muốn để mất lòng Yến đâu. Vả lại, mai kiếm vé khác biếu ông Thái không tốt à?

- Như vậy lỡ mất.

- Em có đủ điều kiện được ưu tiên ở lại Hà Nội kia mà.

- Ưu tiên nào?

- Em là cán bộ quân đội đi học này. Là con liệt sĩ này. Hộ khẩu chính thức Hà Nội này...

- Thôi dẹp - tôi nói - Dù sao mình cũng phải lo trước.

Biết tính tôi, cô ấy để hai cái vé lên bàn rồi phụng phịu vào giường nằm, không nói gì thêm.

Tôi tức tốc đạp xe tới Lương, nhờ biếu giúp ông Thái hai cái vé. Lương nhăn nhó mắng:

- Vớ vẩn! Không phải thò cái đuôi biếu xén với ai cũng được đâu nhé. Cậu về mà dẫn cô ấy đi xem đi, tối lại đây sang ông Thái. Không muộn đâu mà ngại.

***

Biết tôi là người viết văn trẻ - qua Lương giới thiệu - ông Thái rỏ ra rất quý và thông cảm. Ông có cái dáng tất bật xởi lởi và chu đáo của một trí thức đa cảm. Nghe nhà tôi "ca bài ca hoàn cảnh" ông xuýt xoa liên tục khiến tôi có cảm giác, giá như đây là văn phòng cơ quan, hẳn ông đã ký luôn quyết định cho cô ấy vào làm việc. Tôi rụt rè mãi mới dám bóc bao thuốc dưới ánh mắt ranh mãnh của Lương. Nhà tôi nhanh nhẹn giành việc pha trà. Cô ấy lấy gói chè Thái từ trong túi xách tay ra rất khéo, mãi khi uống trà ông Thái mới phát hiện ra là trà quá ngon, khác hẳn trà ông thường uống. Nhưng sự đã rồi. Nhà tôi đã bỏ nốt gói trà vào cho hộp ông và ông chỉ còn cách tránh sự nhiêu khê không cần thiết của chúng tôi. Sau khi nhận và cất tập hồ sơ xin việc của nhà tôi mà Lương vừa đưa, coi như mọi sự ổn thỏa, ông Thái khen vợ tôi khéo pha trà và nói là thầy lẫn trò trường ông đều nghiện. Nếu cô Khanh nhà tôi về, có khi ông sẽ làm quán ngay trong phòng khách, vừa kinh doanh cho trường vừa có trà ngon uống, vừa khỏi phải kéo nhau ra phố. Rồi quay sang chuyện văn chương. Ông Thái cao hứng đọc cho tôi nghe bài thơ của ông thời trai trẻ. Phải nói ông có cái dáng của một nghệ sĩ biểu diễn khá hấp dẫn. Bài thơ tả cảnh trèo đèo lội suối đánh Tây khá mùi. Chúng tôi cùng cười vui. Lương ngồi bắt chân chữ ngũ phì phèo hút thuốc, ngắm bức chân dung ông Thái treo trên tường do một họa sĩ nào tặng, chắc đã lâu. Nét vẽ thoáng hoạt, tuy đơn giản. Người xem có thể rất nhanh nhận ra ông Thái vui tính. Nhà tôi tỏ vẻ thành thạo tiếng Nga. Cô ấy mở tập sách chữ Nga ra lẩm nhẩm đọc. Tôi định nhắc khéo nhà tôi chớ làm trò biểu diễn vô duyên thế. Nhưng ông Thái lại thích, ông bảo nhà tôi đọc thử một đoạn truyện ngắn của văn hào Goocki bằng tiếng Nga. Quyển truyện trên tay nhà tôi bỗng run run. Nhưng cô ấy đọc xem ra khá giòn giã, vì cả tiếng Nga tôi cũng mù tịt, nên chỉ lấy cái sự giòn giã ấy mà mừng thầm.

Ông Thái nói:

- Ngoại ngữ là cái chìa khóa để mở cửa vào căn nhà tri thức. Các cậu còn trẻ, chịu khó mà học.

- Hẳn rồi anh ạ - tôi nói - Nhưng có lẽ em chả có tẹo năng khiếu nào.

- Kiên trì! Kiên trì! và kiên trì! - Ông Thái nói.

Tôi vâng dạ liên hồi và liên hồi bấm vào chân Lương, nhắc cậu ấy đừng ngắm bức chân dung ông Thái nữa. Ông Thái thật đây, cậu ấy cần phải nói một lời gì đó cho rõ ràng về công việc chính. Lương hắng giọng nói:

- Anh nhận giúp cho vợ chồng bạn em đây, em nghĩ chắc là thuận lợi.

- Thuận lợi - Ông Thái tiếp ngay - Mình đã nói với cậu rồi. Tất nhiên trên Bộ sẽ ép chỉ tiêu của họ xuống. Nhưng bây giờ khác trước. Mình là thủ trưởng, mình có quyền chọn nhân viên dưới quyền. Ở bên Cộng hòa dân chủ Đức...

- Dạ thế, nếu cần thêm thủ tục gì anh cứ gọi em - Lương cắt lời ông Thái.

- Thủ tục gì nữa. Mà nói cho cùng thủ tục chỉ là hình thức.

- Vâng cám ơn anh - Lương chủ động đứng dậy - có lẽ xin phép anh bọn em về kẻo anh còn làm việc.

- Các bạn cứ tự nhiên, thỉnh thoảng tới mình chơi. Chả có gì phải phiền hà đâu.

Chúng tôi đồng thanh "vâng ạ" rồi cùng đứng lên. Ông Thái tiễn chúng tôi tới mặt đường, bắt tay rất chặt. Và với vẻ thông cảm, ông nhắc lại thiện chí của mình.

- Cứ yên tâm nhé!

Vợ chồng tôi cảm ơn ông. Bỗng ông phát hiện ra cái gì đó. Ông nắm ghi đông xe tôi, lắc mạnh:

- Cậu chờ mình một tẹo. Tầm bậy! Tầm bậy!

Và ông lật đật chạy lên nhà, cầm bao thuốc lá Tây xuống, nhét vào túi áo tôi, nói:

- Lần sau cứ đến không thôi nhé. Làm ăn kiểu gì mà khách tới nhà phải mang chè, thuốc, nó mất sự tự nhiên cần thiết của trí thức chúng mình, ông ạ.

Tôi ngượng ngùng xin lỗi ông. Lương và nhà tôi đã đạp xe ra tít ngoài phố. Ông Thái ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Mình sẽ hết sức giúp cậu. Chỗ này không được thì mình giới thiệu chỗ khác, lo gì.

Chia tay ông Thái, tôi đạp xe theo nhà tôi và Lương, bụng bảo dạ: Ông Thái nhận giúp mình, mà lại là nhận theo kiểu nước đôi, có khi ông ấy chả đủ sức quyết định. Nhưng Lương thì bảo ông Thái đang có uy tín lắm. Uy tín với cả trên lẫn dưới, chắc chẳng đến nỗi nào. Có điều ông Thái thích nói tới hai chữ "trí thức", thích khoe "Bên cộng hòa dân chủ Đức...", thích đọc thơ và ông ấy hay quên lắm. Mình cần thì phải luôn tới "hâm" nhiệt tình cho ông ấy nhớ.

***

Cả tháng trời, sáng sáng tôi phải đèo nhà tôi tới trường học thêm ngoại ngữ - theo lời khuyên của ông Thái. Xe của nhà tôi phải nhường cho Nga. Gia đình tôi ở xa, hồi chiến tranh phá hoại của Mỹ hai lần bị máy bay bắn trúng nhà, bố tôi và anh Thủy tôi bị chết vì bom Mỹ. Bây giờ mẹ tôi sống với anh hai là giáo viên cấp 1 ở làng, chả có gì trợ cấp cho tôi được. Bên vợ tôi lại càng khó khăn. Bố vợ tôi là bộ đội từ những năm vợ tôi chưa ra đời đến khi sinh cậu Út thì cụ hy sinh ở chiến trường. Mẹ tôi được tin, ốm mấy năm liền rồi cụ cũng đi. Bây giờ ba đứa em vợ tôi sống với nhau. Hai đứa đi học, một đứa làm công nhân rất bận. Vợ chồng tôi đối với các em tôi như là chỗ trông vào, ít nhất cũng là về tình cảm. Cứ nghĩ tới cảnh nhà mình, nhiều lúc muốn mua xổ số, may ra có thể vực được cái nền kinh tế quá eo hẹp ấy lên, mà rồi không dám. Vừa làm được đồng nào chúng tôi đã có chuyện phải tính ngay! Ăn ở với nhau đã hai năm, cô ấy lại được đi học nên chúng tôi chưa dám có con. Cũng vì hoàn cảnh kinh tế mà còn rụt rè, mà còn nín nhịn. Bạn bè tôi nhiều người bảo việc gì phải nhịn. Chưa có con thì cứ việc có con. Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Tính toán lắm cái khó, cái nghèo nó không buông tha đâu. Mà có con có khi xin việc lại dễ, lại "hóa lộc" cũng nên. Tôi thì tôi không thích thế. Cứ có công ăn việc làm ổn định đã. Ngoài ba mươi chưa phải là muộn.

...Vợ chồng tôi tới ông Thái vào tối thứ bảy hàng tuần. Lần nào ông cũng khất, ông cũng nêu một vài trắc trở. Mà quả có khó khăn thật. Ông Thái vì thông cảm với hoàn cảnh chúng tôi quá mà đâm khó nói. Ông cứ ậm ừ khất tôi thư thư cho. Cuối cùng tôi phải nói thật rằng, chỗ trí thức với nhau - tôi mạnh dạn nói với hai từ ấy - anh cố giúp em. Dù được hay không em cũng ghi nhớ công ơn anh suốt đời. Tôi nói tình thực thế, mãi sau ông Thái cũng phải nói tình thực với tôi. Rằng chân thư viện - tư liệu của trường ông còn trống thật. Nhưng bà Viên, trưởng phòng tài vụ có ngỏ lời xin cho con bà vào làm khiến ông không từ chối được. Ông nhấn mạnh về chức năng của ngành tài vụ và tài tháo vát của bà Viên. Ông giải thích rất hay về hoàn cảnh ở ta bây giờ chưa được như bên Cộng hòa dân chủ Đức. Tôi hiểu ý ông nên xin rút lui. Lúc ra về không khí buồn quá. Ông Thái hẹn sẽ cố gắng tìm giúp cho chỗ khác. Rồi bỗng nhớ ra một người bạn thời trai trẻ của ông, ông hăng hái viết ngay một lá thư đưa cho tôi gửi ông Lý. Ông bảo rằng cách đây ít lâu ông Lý có nhờ ông tìm giúp một cô nhân viên một ngành cũng gần gần với ngành thư viện...

***

Ông Lý, đại tá, cũng là người xởi lởi, vui tính và thích văn nghệ. Trong thư ông Thái giới thiệu tôi là "nhà văn trẻ có nhiều triển vọng" nên ông Lý tỏ ra rất khoái. Ông là giám đốc nhà bảo tàng H - một bảo tàng còn đang đi vào ổn định. Ông Lý bảo hôm qua, hôm kia gì đó ông Thái đã tới gặp ông, kể về trường hợp cô Khanh, vợ tôi và nhờ ông giúp. Ông bảo ông phải cảm ơn ông Thái là đằng khác vì ông lại có dịp được làm quen với một "nhà văn trẻ". Tôi ngượng chín mặt nhưng ông Lý không để ý thấy. Nhà ông Lý nghèo. Bà Lý đã về hưu. Một cô gái lớn chưa chồng, cũng đang làm hợp đồng gì đó phía bên Bộ ông Thái. Cậu con trai là kỹ sư vô tuyến đã có chỗ làm tương đối ổn. Ông bà Lý tiếp chúng tôi rất thoải mái. Thấy nhà ông ấm cúng chúng tôi trình bày hoàn cảnh vắn tắt và ông vui vẻ nhận lời, hẹn tôi đem hồ sơ tới. Hồ sơ, đơn từ tôi đã thủ sẵn trong túi nên nhanh nhẹn có ngay cho ông. Gần hết một năm theo đuổi ông Thái, nghe ông khất lần, bây giờ tới ông Lý, nghe ông kể về công việc trong tương lai của vợ mình mà lòng tôi khấp khởi. Ông Lý bảo trước mắt, Khanh vợ tôi phải làm thủ kho một thời gian, điểm lại toàn bộ danh mục hiện vật, sau đó sẽ lập hồ sơ, lý lịch cho từng thứ... Ông kể rằng chỗ ông, anh em rất tốt, không có chuyện tiêu cực, rồi bất chợt ông hạ giọng, nói nhỏ với nhà tôi:

- Này, nghe nói trước cháu làm ở học viện C?

- Dạ cháu làm ba năm ạ.

- Thế có quen bác Thự không?

- Dạ... có ạ!

- Bây giờ bác Thự đã lên thiếu tướng, đã làm chủ nhiệm chính trị bên Tổng cục bác. Cháu cứ coi như chưa quen ông Lý ông Lịch gì hết - ông cười thoải mái - Vợ chồng cứ mạnh dạn tới nhà bác Thự, bảo nhờ bác viết cho chúng cháu lá thư gửi thủ trưởng nhà bảo tàng...

- Sao lại phải thế hả bác? - Tôi hỏi.

- Nhà văn các anh thì chỉ được cái láu bút chứ miệng lưỡi kém lắm - ông cười - Có lá thư ấy bác làm việc với phòng cán bộ có sức nặng hơn.

Tôi hiểu và thầm cảm ơn ông. Ông chỉ bảo rất thật tình và cụ thể. Vợ chồng tôi theo lời ông, theo địa chỉ ông đưa tới nhà ông Thự.

Vợ chồng tôi lại tới nhà ông Thự. Đó là một căn nhà ngói khá rộng và thoáng. Quanh nhà vườn táo sum sê, quả trĩu cành. Tôi thủ bao "du lịch" nơi túi ngực. Nhà tôi mua chịu bà hàng nước mấy lạng chè Thái gói vào giấy bóng nhét sâu trong túi xách tay. Tôi cũng mang sẵn cả hồ sơ, đơn từ, thậm chí cả một tờ giấy trắng, một phong bì để có gì chớp thời cơ, nhờ ông Thự viết thư cho ông Lý nhanh gọn. Nghe chúng tôi tự giới thiệu là con bố Giáo, ông Thự khẽ ơ lên rồi nhanh chóng hiểu. Vợ tôi ra sức kể lại chuyện hồi ở học viện, một hôm bác Thự mượn quyển sách làm hỏng bìa, chị Lan tổ trưởng kiên quyết bắt đền. Bác Thự chịu đền và khen chị Lan nguyên tắc tốt. Ông Thự nhận ra chúng tôi qua gợi ý ấy. Tôi mời thuốc, ông hút tự nhiên. Nhà tôi lại giở cái thói đàn bà của cô ấy ra: pha trà và biếu trà khéo léo không để chủ nhà biết. Ông Thự bảo có việc gì cần đến bác mà các cháu lại tìm tới - ông khẽ mỉm cười ý vị khiến tôi yên tâm. Rằng bố Giáo các cháu ngày xưa có ở với bác mấy năm. Hiền lành chăm chỉ lắm. Ông còn hỏi thăm tình hình anh chị em chúng tôi bây giờ sống ra sao. Được dịp nhà tôi lấy ngay quyển sách tôi mới được in ra biếu ông. Cô ấy láu thật, lại còn bảo tôi ký vào bìa phụ dưới hàng "Kính biếu bác Thự" đã viết sẵn làm tôi ngượng. Ấy vậy mà xem ra sau khi nhận quyển sách, nhìn thoáng qua tôi, ông Thự tỏ vẻ hài lòng, khen tôi cố gắng. Rằng mới đây ông có nghe đài, câu chuyện truyền thanh sáng chủ nhật của tôi được phát, ông rất thích. Văn chương phải như thế - ông khen tôi - cứ vậy mà tiến hành, mà phát huy... Tôi vâng dạ và nháy nhà tôi nên nói thẳng vào việc. Cô ấy hắng giọng mãi mới nói khiến tôi sốt ruột. Ông Thự cầm hồ sơ, giấy tờ, liếc qua và hứa sẽ giúp chúng tôi. Nhưng đến lúc nhà tôi đưa tờ giấy trắng ra nhờ ông viết giúp lá thư cho ông giám đốc bảo tàng thì ông gõ đầu nhà tôi mắng vẻ âu yếm là, không phải thư từ gì hết. Cứ về, mai bác gặp bác Lý nói miệng được nhiều ý hơn. Nhưng ông lại tự nhận viết thư cho ông trưởng phòng cán bộ, nhờ ông ta ủng hộ. Tôi mừng quýnh, thầm cám ơn ông và nghĩ ngay đến tối mai, cũng vào giờ này, vợ chồng tôi cũng đang ngồi nhà ông trưởng phòng. Và cũng lại thêm cái may nữa, nhà ông trưởng phòng ở cùng khu tập thể với gia đình vợ tôi. Chuyến này ắt đầu xuôi đuôi lọt.

Nhưng về nhà rồi, nằm vắt tay lên trán nghĩ, tôi lại thay đổi, trạng thái hưng phấn hôm qua nay trôi vào đâu mất. Việc tới nhà ông Thân, trưởng phòng cán bộ tôi không lấy gì làm thích thú nữa. Cái mặc cảm chạy vạy ngược xuôi khiến tôi uể oải. Nhưng nhà tôi lại sinh động hẳn. Cô ấy khoe đi khoe lại là, hồi còn bé bác Thân hay cho bé Khanh kẹo. Rằng bác Thân đã từng bế ẵm bé Khanh từ nhà trẻ về giúp bố mẹ bé... Và cái quan trọng là, hồi xin vào làm ở học viện C, chính bác Thân đã "tác động" giúp. Rồi năm ngoái, ngày giỗ bố vợ tôi. Bác Thân có qua thắp hương. Bác có bảo nhà tôi khi nào ra trường, cứ xin được chỗ nào dưới cơ sở, nếu cần bác lại nói giúp thêm cho. Bây giờ nhắc lại chắc bác Thân chưa quên. Thế là hai vợ chồng tôi lại xúng xính tới thăm bác Thân, tự nhiên như thể hàng xóm láng giềng thỉnh thoảng có qua lại thăm nhau. Bác Thân tiếp chúng tôi như tiếp khách ở cơ quan, có vẻ hơi mệt mỏi, hơi lạnh lùng. Bác bảo chúng tôi uống nước rồi nói xem có việc gì. Nhà tôi nhanh nhảu trình và đưa thư ông Thự. Bác Thân đứng dậy, vào nhà trong một chập sau ra và bác bảo, các cháu cứ về, mai bác sẽ nói với chú Thành, trợ lý cán bộ bên ngành bác Thự giúp. Bác còn nói thêm là nếu có chỉ tiêu thì được thôi.

- Cơ mà bác phải nhiệt tình giúp cháu đấy. Nhà tôi mạnh bạo nói.

- Thế cháu có quen bác Chuyến không?

- Dạ nhà cháu trước đi sơ tán cùng chỗ với bác Chuyến.

- Bác Chuyến bây giờ quan trọng lắm, chánh văn phòng Tổng cục bên ấy đấy.

- Vậy sao hả bác? - nhà tôi hỏi.

- Chịu khó tới bác Chuyến, nhờ bác ấy nói hộ trước, rồi đến bác. Được chưa nào?

- Nhưng cơ mà nhờ bác Chuyến nói với ai trước được hả bác? - nhà tôi hỏi thêm.

- Cứ trình bày với bác Chuyến, khắc bác ấy biết cần nói với ai chứ- Được chưa nào.

Chúng tôi lễ phép chào bác Thân ra về. Cứ tưởng tới bác Thân rồi thì khỏi phải tới thêm đâu nữa. Tôi thực sự nản. Tôi bảo với nhà tôi là dù sao tôi cũng còn phải làm việc. Rằng thời gian của tôi đâu phải chỉ để giành vào việc chạy vạy thế này. Ông Thân mách thêm ông Chuyến. Ông Chuyến mách thêm ông nào đó nữa. Cứ chạy theo sự mách bảo ấy đến bao giờ tới đích? Tôi còn phân tích kỹ thêm rằng, người ta chối khéo, chứ nếu nhiệt tình giúp thì như ông Thái ông Thân, ông Thự đâu phải không giải quyết được, chỉ cần một cú điện thoại của ông Thân, chắc cái anh Thành nào đó sẽ vui vẻ làm việc ngay. Ấy thế mà nhà tôi lại thêm hăng vì thấy gặp toàn những người quen, thậm chí thân thiết. Cô ấy bảo tôi là cứ hay suy diễn, các bác đều nhận giúp mình thành thực, đừng nghĩ xấu về người khác. Tôi nổi cáu, gắt vợ bảo cô im đi, sao lại hiểu lệch lạc thế? Rằng vấn đề không phải ở chỗ họ xấu hay tốt; mà là vì họ chẳng có thời gian quan tâm đến mình. Mà mình là gì đối với các bác ấy kia chứ? Đi tới đâu cũng ca bài ca khó khăn với lại hoàn cảnh, mệt lắm! Vấn đề không phải thế - tôi nhấn mạnh. Vấn đề là ở chỗ...

- Vấn đề! Vấn đề! Anh thì cái gì cũng vấn đề. Cứ làm như viết truyện ngắn không bằng.

- Cô thì biết gì truyện ngắn mà bàn? - Tôi quát.

Thế là tự ái, là giận dỗi! Tôi bảo tôi sẽ chẳng chạy chọt thêm đâu nữa. Trường người ta xét đồng ý cho mình ở lại Hà Nội vì hoàn cảnh này, sao người ta chỉ thông cảm một nửa thế thôi nhỉ? Vâng, cái một nửa sau nặng quá, rắn quá nếu húc vào, lấy cái cá nhân mình làm nền tảng, làm bệ phóng, kể đối với tôi thật quá sức. Nhưng rồi... Những ông Thái, ông Lý, những ông Thự, ông Thân cứ luẩn quẩn mãi trong đầu óc tôi.

- Nuôi lợn! - Tôi cả quyết nghĩ. Có lẽ thời gian chạy chọt ta tập trung vào nuôi lợn, đỡ mệt hơn.

Nhưng tiền vốn ở đâu? Tôi chợt nghĩ tới Lương. Đã lâu chúng tôi không gặp nhau.

Lương đồng ý với phương án nuôi lợn của tôi và anh lấy cho tôi mượn hai ngàn đồng. Lương lại dẫn tôi về nhà anh Dương, bạn cùng trường với anh mãi tận Quốc Oai mua lợn giống và cám. Suốt một ngày giời lùng khắp vùng quê, mua được "chú éc" khá vừa ý và năm chục cân cám. Chuyến đi lịch sử ấy có lẽ cả đời tôi không thể quên được. Tuy nhiên, có chú lợn ụt ịt trong chuồng, vợ tôi có cái mà lo, cảm thấy nhà ấm cúng hẳn. Thôi thì hãy cứ thế một thời gian - tôi ung dung nghĩ- Nuôi lợn bây giờ nghe nói "trúng" lắm. Nuôi độ vài lứa, có cái vốn liếng trong tay, giải quyết công việc cho nó thoáng. Hơn nữa tôi cũng cần phải đi một chuyến để còn viết lách. Tất nhiên, trước khi đi, tôi chiều vợ tới nhà bác Chuyến. Y như tôi dự đoán, bác Chuyến dẫn nhà tôi sang gặp ông Giới, giám đốc một thư viện gần nhà bác. Ông Giới cũng là chỗ bạn bè thuở hàn vi của bác. Cũng lại có biết bố Giáo chúng tôi.

Chỗ ông Giới quả còn chỉ tiêu, nhưng ông thích lấy con trai hoặc nữ thì phải là xinh, phải là chưa có gia đình. Cả hai chỉ tiêu ấy vợ tôi đều không có! Nhưng mà - bác Chuyến bảo tôi - Cháu có quen ông thủ trưởng Tổng cục nào không? Nếu có thì nhờ các "cụ" tác động cho. Hy vọng có lời của các thủ trưởng trên nhắc tới chuyện chính sách, ưu tiên hoàn cảnh thì ông Giới chả từ chối.

Tôi nghĩ ngay tới thủ trưởng Vị. Hồi ở chiến trường tôi là lính dưới đơn vị, còn "cụ" ở trên mặt trận. Tôi đã được bắt tay thủ trưởng ít nhất hai lần. Tôi thầm xác định cho mình, thôi thì đánh liều tới phiền "cụ". Ở đời mình cứ lên gân lên cốt, quan trọng quá cái việc không cần quan trọng, nhiều khi cũng hỏng việc.

Bao nhiêu cái rụt rè, cái lo ngại bước đầu khi chưa gặp thủ trưởng Vị của tôi bay nhanh khi được bắt tay "cụ" được "cụ" mời nước và hỏi thăm nhiều chuyện. Thế mới biết những sự đời, đôi khi ta cứ tự làm rối tinh lên, tự nghĩ nó nghiêm trọng quá. Biết tôi có cái ái ngại phiền hà, thủ trưởng Vị lại tỏ ra rất bình thường, coi như việc tôi đến là điều bình thường. Thủ trưởng cười khi nghe xong tôi trình bày đường đi nước bước bấy nay và khen tôi chịu khó. Trong lời khen ấy có cả sự phê phán mà tôi cảm nhận được. Thủ trưởng hứa sẽ nói với ông Giới giúp tôi. Tôi mừng quá nói rõ ý ông Giới chỉ ưng nhân viên nam hoặc là nữ thì phải trẻ, đẹp, chưa có gia đình...

- Không sao - Thủ trưởng phất tay nói.

Thế là kết thúc êm ả và đầy tin tưởng.

Thế rồi mùa xuân đến.

Mùa xuân như một dấu khuyên tròn treo lơ lửng trên không. Có một nhà thơ trừu tượng nào đó đã viết như thế. Tôi chả thấy cái dấu khuyên mơ màng ấy ở đâu, tôi vừa đi công tác về và ấn tượng của Cao Nguyên còn vảng vất. Tôi luôn tự hứa là sẽ lao vào viết. Cố gắng trau dồi thêm, đọc thêm, đi thêm để mà viết. Có một anh nhà văn lớn tuổi gặp tôi, nghe tôi cao hứng kể chuyện Tây Nguyên bây giờ, cứ tấm tắc khen tôi có nhiều vốn sống, có nhiều thực tế. Anh đã chân thành khuyên tôi nên "dắm" trở lại Tây Nguyên để sau này viết những tác phẩm có tầm cỡ... Anh còn phân tích cho tôi hiểu, cái bản chất khiến cho một nghệ sĩ trở thành nghệ sĩ lớn là ở đức tính hy sinh, sự hy sinh bao giờ cũng là đặc trưng của sáng tạo... Tôi về ngẫm thấy thấm quá. Tôi tự nhẩm tính xem mình đã có được chút xíu nào của cái đức tính đặc trưng, tất yếu ấy chưa? Mấy tháng trôi đi, về, thấy vợ gầy rộc hẳn vì sự đi làm vất vả, vì lo nuôi lợn và vì bây giờ cô ấy lại mang thai trong lúc đáng ra chúng tôi nên "nhịn" thêm ít thời gian nữa. Nhưng sự đã rồi. Biết đâu sau khi cháu ra đời, lộc lớn lộc nhỏ sẽ ùn ùn kéo tới. Tôi lại lao đi các nơi thăm hỏi, dò la. Mọi việc vẫn nguyên vẹn như ngày tôi ra đi. Ông Lý đã vô Nam công tác. Ông Giới thì phàn nàn vợ tôi gầy yếu quá. Con heo trước khi tôi đi, vợ tôi nuôi theo kinh nghiệm bà Giới phổ biến cũng khá chỉn chu. Nhưng vì kẹt thời gian quá, chỗ làm xa quá nên đành phải bán, lời được hai trăm mấy, chỗ cám còn lại thì nuôi gà. Tiền vốn nhà tôi đã đem trả Lương. Tôi loay hoay chạy hết cửa này tới cửa khác. Có đôi chỗ mới người ta mách tôi đang định tới thì Lương đến, vẫn với cái dáng tất bật, hớt hải, anh bảo tôi nên cắt ngay hợp đồng với ông Giới mà tới chỗ anh mới xin cho, ký hợp đồng. Lại ký hợp đồng! Tôi cứ hình dung cảnh sáng sáng nhà tôi dậy nấu cơm nấu cám rồi ăn một mình, rồi đem theo cặp lồng cơm với vài quả cà, ít nước mắm, vài con tôm hoặc lát đậu phụ, đạp năm sáu cây số tới cơ quan ông Giới làm, tối mịt mới về để nhận trăm rưỡi đồng một tháng- vừa bằng một cái vé xem phim chợ giời - mà ngại ngùng. Ấy vậy mà chẳng có cái tia hy vọng nào. Ông Giới vẫn chỉ trả lời là rất thông cảm. Rằng đã có ý kiến trên nhưng kẹt nhiều vấn đề quá. Cái kẹt nhất là cô ấy lại là con gái. Nhưng bây giờ bỏ hợp đồng chỗ này để làm hợp đồng chỗ khác, xem ra có vẻ rối thêm! Rối thì phải gỡ. Bình tĩnh mà gỡ - Lương nói. Chỗ này là chỗ rất hay. Một cơ quan xuất bản của phụ nữ! Nơi ấy người ta cần chân làm tư liệu, mà đã "nữ" với nhau người ta chẳng bỏ được vợ cậu đâu mà lo! Thì ra anh chàng Lương của tôi bấy nay yêu cô Huệ bên đó. Cô Huệ thấy Lương kể gia cảnh chúng tôi liền về đặt vấn đề với ban giám đốc. Ban giám đốc đã xét kỹ ý kiến Huệ vì thực chất lâu nay phòng tư liệu chưa có người làm, chị em biên tập viên phải thay nhau kiêm nhiệm. Lương đã tự động tới ông Thái rút hồ sơ, viết đơn gửi luôn giúp tôi. Ban giám đốc đã duyệt chi tiêu nhưng phải làm hợp đồng vài tháng chờ sang quý sau vậy. Tôi mừng quá chẳng biết nói với Lương thế nào, cứ đấm thùm thụp vào lưng anh cho hả...

Vậy đó. Câu chuyện của tôi hy vọng sẽ kết thúc ở đây, cũng như cuộc hành trình của tôi đã tới đích. Việc nào ra việc nấy. Tình cảm vốn giúp ta thành công như Lương đã giúp tôi thành công. Tình cảm cũng tạo nên sự trì trệ, nhiêu khê, phiền toái thật tế nhị mà tôi nhận biết lúc này, âu cũng là bài học đáng nhớ...

Hà Nội 1982-1985
T.T.Đ.
(SH24/4-87)







 

Các bài mới
Vắng cách (16/01/2013)
Các bài đã đăng
Về thăm quê (22/11/2012)
Cảm thụ Huế (09/11/2012)
Thơ Tsvetaeva (06/11/2012)