Tạp chí Sông Hương - Số 24 (T.3&4-1987)
Bạn gái ở Huế những năm 20
08:29 | 04/12/2012

TRẦN THỊ NHƯ MÂN

Tôi sinh ra trong gia đình quan lại, đã mấy đời làm quan với triều đình Huế(1). Khi tôi lớn lên thì chế độ cai trị của thực dân Pháp đã bước vào giai đoạn ổn định sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Chiếc ngai vàng của nhà Nguyễn từ nay trở đi chắc không còn phải chịu những cơn sóng gió đáng kể chi nữa.

Bạn gái ở Huế những năm 20
Nữ sinh Đồng Khánh Huế 1931 - Ảnh: TL

Thành phố Huế vốn là một thành phố của quan lại và viên chức, sống dưới cái dù bảo hộ của Nhà nước thuộc địa. Cuộc sống ở cái kinh đô nhỏ bé và cổ kính ni, tưởng như sẽ ngưng đọng mãi với thời gian.

Năm 1925, tôi vừa 18 tuổi, đậu Cao đẳng tiểu học và được bổ làm giáo viên kiêm giám thị ở trường nữ học Đồng Khánh. Đây là trường nữ học đầu tiên của Huế. Tôi không nhớ trường được thành lập từ khi mô, chỉ biết rằng ban tiểu học thì đã có từ lâu, còn ban thành chung thì mới được tổ chức, khóa tốt nghiệp của tôi mới là khóa thứ hai. Ở ban tiểu học - từ lớp năm đến lớp nhất - mỗi lớp có khoảng 25 học sinh, lên đến ban thành chung, vào năm thứ nhất số học sinh còn được độ trên mười chị em, nhưng càng lên lớp trên càng rơi rụng dần. Nhiều người không đủ sức theo học phải xin đi dạy tắt ngang. Đến năm đệ tứ niên, theo tôi biết thì trong mấy khóa đầu chỉ có độ dưới mươi người tốt nghiệp. Hiệu trưởng là người Pháp, giáo viên từ lớp nhất tiểu học, cho đến các lớp ban thành chung, phần lớn cũng là người Pháp. Chỉ có vài cô giáo Việt Nam dạy môn luận quốc văn và một ông giáo già dạy môn Hán văn mà thôi.

Học sinh ban thành chung có nhiều chị em ở các tỉnh miền Trung về học, số này thường ở nội trú. Tôi có gia đình ở Huế, nhưng vì chị ruột tôi làm giám thị trong trường, nên tôi cũng xin ở nội trú trong thời gian đi học. Số học sinh của trường đã ít, số nội trú lại càng ít hơn - độ vài chục người - nên bà hiệu trưởng và các thầy cô giáo trong trường rất nuông chiều. Ngày chủ nhật, mỗi khi vợ chồng bà hiệu trưởng đi săn được con thú rừng chi, cũng đem chia cho học sinh nội trú ăn. Có một lần xuống nhà ăn thấy dọn món cá gáy, tất cả chị em chúng tôi đều hoảng sợ và nhất tề bỏ bữa ăn đó(2). Bà hiệu trưởng biết tin, cho kêu ngay chủ thầu nấu cơm đến quở trách và bắt thay món khác liền.

Cuộc sống nhỏ hẹp của chúng tôi cứ như rứa lặng lẽ trôi qua. Xuất thân hầu hết từ các gia đình trung lưu trở lên, chúng tôi đều được hưởng một nền giáo dục lấy tư tưởng nho giáo làm nền tảng, vì rứa trong việc giao tế thì thái độ phục tùng là yêu cầu chính. Nhà nước bảo hộ cũng tin tưởng ở chúng tôi, là những người sẽ trở thành cô giáo, làm nhiệm vụ truyền bá cái tư tưởng phục tùng đó cho các thế hệ trẻ hơn. Nhưng thực ra, đằng sau cái thái độ phục tùng đó, mỗi người chúng tôi đều ấp ủ một hoài bão riêng, và không ai là không thấy cái uẩn ức của một người dân bị mất nước.

Từ thuở nhỏ trong gia đình, tôi đã được người chị thứ hai, tinh thông chữ Hán và chữ nôm, thường đọc cho nghe những bài thơ nói là của cụ Phan Bội Châu từ hải ngoại gởi về. Những bài thơ đó làm cho tôi sực tỉnh rằng có những người tài cao học rộng, nhưng vẫn không chịu xuất thân ra làm quan, mà dám dấn thân vào những công việc nguy hiểm hơn. Thỉnh thoảng chị tôi đọc cho nghe bài Hạnh thục ca, bài vè Thất thủ kinh đô, và giải thích cho tôi biết những sự kiện lịch sử đã diễn ra trên đất Huế từ ngày Tây sang - những chuyện mà trong các sách học ở nhà trường không khi mô nói tới. Tôi còn biết dì ruột tôi là vợ ông Nguyễn Thượng Hiền, một người học giỏi, 18 tuổi đã đậu hoàng giáp, nhưng sau đó từ quan để xuất dương hoạt động cùng cụ Phan Bội Châu. Những câu chuyện đó kích thích trí tưởng tượng trẻ thơ của tôi, và tôi thấy rằng những người yêu nước đó chẳng phải ai xa lạ, mà chính là những người quen thân của mình.

Vừa đúng năm tôi ra trường thì xảy ra một sự việc làm chấn động dư luận khắp cả nước. Cụ Phan Bội Châu, nhà ái quốc lớn, niềm ngưỡng mộ của tất cả những ai có tâm huyết, đã bị Pháp bắt ở Thượng Hải và dẫn về nước. Tòa đại hình của thực dân đã kết án tử hình cụ. Một phong trào đòi "ân xá" cho cụ Phan dấy lên khắp nơi, nhất là trong giới thanh niên và trí thức ở Hà Nội. Ở Huế bấy giờ không có báo chí: Tin tức từ các nơi đưa về rất hạn chế. Nhất là trong chị em giáo viên và học sinh chúng tôi, mối quan hệ tiếp xúc không nhiều, thì biết được những tin thuộc loại "chính trị" lại càng khó. May mắn là tôi có một cậu em họ là Trần Tiễn Ngữ, theo học Trường cao đẳng Nông lâm ở Hà Nội, có tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan, đã gom góp những số báo Thực nghiệp phát hành tại Hà Nội, tường thuật những tin tức về phong trào sôi nổi đó, gửi về Huế cho tôi coi. Với tấm lòng ngưỡng mộ đối với người anh hùng mà bấy lâu nay tôi từng ghi trong lòng, tôi thấy mình không thể đứng ra ngoài phong trào này được. Tôi tìm gặp các bạn trong trường mà lâu nay tôi cho là có chung một chí hướng, đề nghị cùng đánh một bức điện gửi lên Toàn quyền Đông Dương, xin ân xá cho cụ Phan Bội Châu.

Tôi thảo bức điện bằng chữ Pháp, rồi đưa tiền cho người tùy phái của trường ra Sở giây thép, đánh điện tín ra Hà Nội. Nội dung bức điện đó dịch ra như sau:

"Kính gởi quan Toàn quyền A.Varenne ở Hà Nội.
Chúng tôi tất cả nữ giáo viên và nữ học sinh trường Đồng Khánh xin ngài lấy lòng khoan dung ân xá cho nhà ái quốc Phan Bội Châu".

Bức điện đó không được chuyển đi, và được gửi đến đâu tôi không rõ, nhưng ngay trưa hôm đó, viên giám đốc Nha học chánh Trung kỳ đến trường, cho gọi hết giáo viên lên phòng bà hiệu trưởng đi xét hỏi. Y hỏi ai là người khởi xướng gởi bức điện đó. Tôi đứng lên trả lời đại ý là:

"Tôi xin tự nhận là một trong những người đi quyết định gởi điện cho ông Varenne, và tôi xin giới thiệu cô Hoàng Thị Vệ (sau này là bà Thân Trọng Phước), đã cùng tôi gánh mọi hậu quả của hành động tập thể này. Chúng tôi không hỏi bà hiệu trưởng, vì đây chỉ là điều mà chúng tôi xin quan Toàn quyền làm ơn riêng cho chúng tôi, chứ không thuộc công việc hành chính của trường.

Chúng tôi phản đối người viên chức Nhà giây thép, sau khi nhận tiền, đã không chịu gởi bức điện đi. Và việc ni lại còn nghiêm trọng hơn việc gửi điện cho ông Varenne.

Chúng tôi không xấu hổ về việc làm của mình, mà chỉ làm theo tấm gương của các chị em ở Hà Nội đã dám chặn xe quan Toàn Quyền đệ đơn xin cho người anh hùng dân tộc của chúng tôi.

Chúng tôi không bị ai bên ngoài xúi giục cả. Chúng tôi hành động với tư cách phụ nữ Việt Nam,chứ không phải với tư cách giáo viên hay học sinh của trường. Tôi phản đối những điều thẩm vấn công khai đối với chúng tôi"(3).

Trước thái độ dứt khoát của chúng tôi, viên giám đốc Pháp không nói chi. Sau đó chúng tôi cũng không thấy cơ quan công quyền nào, dù là của Pháp hay của Nam triều đến hỏi tới nữa. Nhưng từ đấy bà hiệu trưởng bắt đầu giám sát chúng tôi nhiều hơn. Cái không khí êm đềm của nhà trường những năm xưa, nay không còn nữa. Cuối năm học đó, chị Hoàng Thị Vệ bị đổi ra Vinh, còn tôi thì chắc chắn là đã có tên trong sổ đen của mật thám.
 

Học giả Đào Duy Anh và vợ - bà Trần Thị Như Mân - Ảnh: internet

Cũng từ ngày đó, tôi quan tâm hơn đến những hoạt động của phụ nữ. Tôi có cái duyên may mắn được nhiều người dìu dắt, đặc biệt là bà Đạm Phương, một người đã có nhiều tác động đến thế hệ phụ nữ trẻ chúng tôi. Xuất thân từ một gia đình hoàng tộc, bà Đạm Phương giỏi chữ Hán, thường hay làm thơ làm văn. Bà là một trong những người phụ nữ đầu tiên ở Huế đã từng viết cho các báo Nam Phong, Hữu thanh, Trung Bắc tân văn ở Hà Nội. Bà thường viết những bài nói về phụ nữ đối với gia đình và xã hội, cách nuôi dạy con cái... Con trai bà là anh Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) là bạn với tôi, và cũng là một người tích cực trong số thanh niên tiến bộ đương thời. Nhờ rứa mà tôi có nhiều cơ hội để gần gũi bà Đạm Phương.

Cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước buộc nhà cầm quyền Pháp phải hủy án tử hình và đưa cụ Phan Bội Châu về an trí tại Huế. Đưa cụ Phan về Huế, người Pháp tưởng rằng sẽ dễ kiểm soát, và trong cái không khí quan trường của kinh đô Huế, người ta sẽ dễ dàng quên lãng. Nhưng không ngờ sự có mặt của cụ Phan ở đây, lại khuấy động cái không khí chính trị sôi nổi mà Huế đã trải qua trong những thập niên đầu của thế kỷ. Cứ đến ngày chủ nhật, chúng tôi rủ nhau lên thăm cụ và nếu có may mắn thì được hầu chuyện cụ. Một số anh trong nhóm thanh niên tiến bộ cũng nhân đó tổ chức diễn thuyết ngay tại nhà cụ, hoặc ở nhà riêng của mình. Trong thời gian đó bà Đạm Phương đi nhiều lần đến gặp cụ Phan, và có lẽ giữa hai người đã có nhiều cuộc trao đổi về phong trào phụ nữ. Sau đó bà Đạm Phương gặp một số chị em chúng tôi đưa ra chủ trương thành lập "Nữ công học hội". Mục đích của Hội là dạy công việc gia chánh, đồng thời lấy đó làm nơi tập hợp chị em phụ nữ. Chủ trương đó đưa ra đáp ứng đúng đòi hỏi của chị em chúng tôi, nên hầu hết các bạn trẻ chúng tôi đều hết lòng tham gia.

Nữ công học hội khánh thành ngày 13 tháng 9-1926, bà Đạm Phương là hội trưởng, tôi được cử làm thư ký. Với số tiền đóng góp của hội viên và tiền ủng hộ của những người hảo tâm, chúng tôi mua một ngôi nhà ở trên đường Nguyễn Huệ ngày nay, gần nhà dòng Chúa cứu thế, làm hội quán. Hàng tuần, chúng tôi họp nhau, mời người đến dạy thêu thùa, nấu ăn, làm bánh trái... Những bài dạy về nấu nướng, làm bánh mứt tôi đều ghi lại, sau này xuất bản thành hai cuốn Nữ công thường thức. Cụ Phan Bội Châu cũng đến thăm Hội và diễn thuyết về các vấn đề liên quan đến phụ nữ. Cụ còn tặng Hội quyển Nquốc dân tu tri, được chúng tôi xuất bản năm 1929.

Đám tang cụ Phan Chu Trinh cuối năm 1926, một lần nữa lại trở thành lời kêu gọi yêu nước đối với thanh niên và học sinh Huế. Sau lễ truy điệu, học sinh các trường Bách công, Quốc học và Đồng Khánh bãi khóa. Để đối phó lại, nhà cầm quyền quyết định đuổi học hàng loạt học sinh. Riêng tôi thì bị bãi chức vì tình nghi là cầm đầu nữ sinh. Trong số nữ sinh bãi khóa, có nhiều chị ở các tỉnh không có người nhà ở Huế, nên sau khi bị đuổi khỏi trường không biết tính về mô. Ngay tối hôm đầu tiên, có hai ông kỹ sư công chính người Nam kỳ là Phan Văn Hùm và Tệ (tôi quên họ) đã đến đón số chị em này về nhà mình ở gần Đập Đá. Bà Hùm và bà Tệ hết lòng giúp đỡ các chị em này, trong khi chờ gia đình ở các tỉnh biết tin và đón về. Những việc làm đó càng làm cho tôi thêm thấm thìa mối tình gắn bó của hai chữ đồng bào. Trong khi đó thì một nhóm công chức đã đi quyên góp lấy tiền giúp học sinh trường Bách công và Quốc học không có gia đình ở Huế, bị đuổi ra khỏi trường.

Trong nhóm công chức yêu nước ở Huế, tôi quen anh Hồ Kỷ, là y tá ở Nhà thương, có người em gái họ là chị Trần Thị Hường đang học lớp đệ tam trường Đồng Khánh. Anh cho chúng tôi biết là có gặp một người cách mạng ở hải ngoại về, muốn chọn một số thanh niên ra nước ngoài huấn luyện. Trong số bạn chúng tôi có bà chị Trần Thị Hường, Nguyễn Thị Hồng, và Võ Thị Trang (sau này là bà Phạm Cự Hải) đều muốn xuất dương. Nhưng cả ba chị đều học ở ngạch sư phạm, khi thi vào trường phải ký giấy cam đoan, nếu không có duyên cớ chi xác đáng mà thôi học thì phải bồi thường tiền học bổng. Nhờ anh Hồ Kỷ giúp, nên chị Hồng thì giả điên, chị Hường thì giả lao, chị Trang thì đau mắt nặng bị mờ, do đó được trường cho thôi học. Nhưng chờ mãi không thấy người liên lạc tới, nên việc xuất dương của các chị không thành.

Bị bãi chức về với gia đình, tôi dành hầu hết thời gian làm việc cho Hội nữ công. Do tác động của các phong trào yêu nước, một làn sóng chấn hưng công nghệ kêu gọi mọi người dùng hàng nội hóa, làm nền tảng cho những cuộc cải cách kinh tế xã hội. Nhận thấy ở Huế công nghệ hầu như không phát triển, bà Đạm Phương khuyên chúng tôi nên ra Bắc học lấy nghề dệt vải, về phía nam giới thì anh Nguyễn Khoa Văn và Nguyễn Đình Diễn đi học sửa chữa và đóng máy dệt. Phía nữ giới chúng tôi thì có tôi, chị Nguyễn Thị Giáo (sau là vợ anh Hà Huy Tập), hai chị em chị Đào Thị Xuân Yến (sau là bà Nguyễn Đình Chi) và Đào Thị Xuân Nhạn. Chúng tôi được giới thiệu đến làng Bài Lâm, thuộc huyện Ứng Hòa (Hà Đông), ở cách Bến Đục vô Chùa Hương hơn một cây số.

Lần đầu tiên đặt chân đến nông thôn miền Bắc, chúng tôi thấy bỡ ngỡ vô cùng. Lạ từ cách thưa gởi, từ lối ăn mặc, cho đến các sinh hoạt khác. Điều mà chúng tôi không ngờ là nông dân miền Bắc hồi đó quá khổ cực. Từ ăn uống đến tắm giặt đều dùng nước ao, sông thì xa mà nước lại đục- không ăn được. Tuy hồi đó, chúng tôi chưa có ý thức chi về việc đi vào đời sống quần chúng lao động, nhưng với quyết tâm học nghề, và nhờ lòng hăng hái của tuổi trẻ, nên không ai bảo ai, mấy chị em đều cố gắng chịu đựng. Chúng tôi ăn cơm tại nhà ông giáo dạy dệt. Thức ăn chỉ có cà muối, sung muối và một tô canh rau nấu với muối. Ba bốn ngày có phiên chợ thì mới có thêm một dĩa cá đồng nho nhỏ. Tập quán của dân làng ở đây là ăn cơm từ 6 giờ sáng rồi đi làm, đến 1 giờ trưa về nhà ăn cơm rồi nhịn luôn cho đến tối. Mấy bữa đầu chúng tôi đói cồn cào không ngủ được. Anh Văn với anh Diễn phải đi lùng khắp làng coi có quà bánh chi để ăn thêm, nhưng không tìm thấy một cái chi cả. Phải mất một tuần chúng tôi mới quen với nếp sinh hoạt ở đây.

Hà Đông là một vùng có truyền thống dệt lụa từ lâu đời, lụa vân Hà Đông nổi tiếng khắp cả nước và là mặt hàng được nước ngoài ưa chuộng. Trước kia người ta dệt bằng khung cửi nhỏ đưa thoi bằng tay, nên chậm và chỉ dệt được khổ hẹp. Từ khi sáng chế ra máy dệt tay cày, chỉ cần giật cần đánh thoi qua lại, thì năng suất tăng nhanh và dệt được khổ rộng hơn. Đây là một cải tiến quan trọng trong nghề dệt của nước ta hồi đó. Việc mấy cô từ trong Huế ra học dệt được đồn lên đến công môn. Viên tri huyện Ứng Hòa đem theo nhân viên đến khám xem có chi khả nghi không. Vì không tìm thấy tài liệu chi cả, nên họ không làm chi được chúng tôi, tuy vậy cũng gây khó dễ cho chủ nhà.

Được một thời gian, tôi và chị Xuân Yến lên Hà Nội thăm bà con, được biết có một nhóm nữ sinh trường Đồng Khánh Huế, quê ở Thanh Hóa, sau khi bãi khóa đã chung nhau thuê nhà ở Hà Nội để tiếp tục học văn hóa. Mấy chị em chúng tôi bàn nhau, thấy việc học dệt không được thuận lợi lắm, ở lâu sợ phiền cho chủ nhà, nên quyết định lên Hà Nội học. Chúng tôi được các bạn Thanh Hóa cho về trọ chung ở số 6 Hàng Cân. Lúc này tin tức chúng tôi bị khám nhà ở Bài Lâm đã truyền về Huế. Gia đình chúng tôi sợ xảy ra chuyện lôi thôi, nên bắt tất cả phải trở về.

Về đến Huế tôi lại tiếp tục hoạt động cho Hội nữ công. Cuối năm đó tôi được anh Nguyễn Khoa Văn và Trịnh Xuân An giới thiệu vô đảng Tân Việt. Từ chỗ yêu nước do lương tri thôi thúc, và hoạt động xã hội theo tình cảm tự nhiên, đến lúc này tôi mới hiểu thêm, về ý nghĩa của cách mạng với việc giải phóng dân tộc, trong đó có giải phóng phụ nữ. Tôi được phân công phụ trách Phụ nữ đoàn, cùng với hai chị Đỗ Thị

Trâm và Hoàng Thị Hải Đường (em chị Hoàng Thị Vệ). Chúng tôi mở một cửa hàng bán văn hóa phẩm làm chỗ sinh sống và cũng là nơi liên lạc, lấy tên là Vân Hòa, do bà Đạm Phương đặt cho. Cửa hàng này còn nhận bán các sản phẩm của chị em trong Hội nữ công làm ra như bánh, kẹo, mứt, đồ thêu, đồ ren... Đoàn phụ nữ không những chỉ hoạt động ở thành phố, mà còn phát triển đến vùng nông thôn như Kim Hai, Thanh Tiêu, Mậu Tài, Thanh Thủy... Thỉnh thoảng chúng tôi lại về các vùng quê đó, gặp gỡ các bạn gái để tìm cách phát triển phong trào. Phụ nữ đoàn xuất bản từ Phụ nữ tùng san, trong số 1 có bài phi lộ của bà Đạm Phương.

Giữa năm 1929, trong vụ khủng bố lớn của thực dân Pháp, nhiều cơ sở của đảng Tân Việt bị vỡ. Tôi bị bắt giam ở lao Thừa Phủ. Sau một năm tôi được thả ra với cái án treo ba năm và quản thúc tại Huế.

Đến nay, thời gian đã qua lâu, tôi xa quê hương đã gần 40 năm rồi, nhưng mỗi lúc nghĩ lại thời sôi nổi của tuổi trẻ, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ tiếc. Các bạn tôi thời trẻ, dù xuất thân từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng chúng tôi đều được gặp gỡ ở Huế trong không khí hào hứng của tinh thần yêu nước. Rồi cuộc đời sau này mỗi người đi một ngả, nhưng chúng tôi đều lấy làm vui sướng nhận thấy rằng mình không làm điều chi thẹn với lương tâm, không làm cái chi ngược với lý tưởng của mình thời trẻ.

T.T.N.M.
(SH24/4-87)



------------------------
(1) Tức bà Đào Duy Anh, quê ở làng Minh Hương, nay thuộc xã Minh Thanh, huyện Hương Trà.
(2) Người Huế chúng tôi hồi đó thường theo đạo Phật, nên cử ăn cá gáy là thứ cá hóa rồng.
(3) Việc xảy ra đã lâu, tôi không nhớ tường tận. May rằng gần đây được ông Nguyễn Gia Liên ở thành phố Hồ Chí Minh gởi cho nguyên văn lời phát biểu của tôi bằng chữ Pháp, được lưu trong hồ sơ của mật thám Pháp. Xin trân trọng cảm ơn.







 

Các bài mới
Vắng cách (16/01/2013)
Các bài đã đăng
Tới đích (29/11/2012)
Về thăm quê (22/11/2012)
Cảm thụ Huế (09/11/2012)
Thơ Tsvetaeva (06/11/2012)