Tạp chí Sông Hương - Số 24 (T.3&4-1987)
Chân dung văn học: Nguyễn Hàm Ninh
15:07 | 07/12/2012

HOÀNG MINH TIẾN

Nhắc đến các bậc danh nhân văn chương triều Nguyễn không ai không nhớ câu truyền tụng: "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường". Thế mà cả Tùng Thiện Vương và Cao Bá Quát đều rất quí trọng tài năng thơ Nguyễn Hàm Ninh(1).

Chân dung văn học: Nguyễn Hàm Ninh
Khu lăng mộ Nguyễn Hàm Ninh - Ảnh: internet

Nhận xét nhiều bài thơ trong tập "Tĩnh Trai thi tập" của Nguyễn Hàm Ninh, Tùng Thiện Vương phê: "Thạnh Đường duy trứ, bách độc bất yếm" (Một bài thơ hay đời Thịnh Đường sót lại, đọc trăm lần không chán) còn Cao Bá Quát thì phê: "Phi thiện học Thiếu Lăng yên đắc linh diệu nại dư?" (Nếu không phải đã học được tài thơ của Đỗ Phủ thì làm sao mà linh diệu được đến thế?). Tài thơ là cái duyên để các cụ liên kết và tìm đến nhau, nhưng tình thơ, tình đời, tình người mới là cái cốt để các cụ tâm đầu hợp ý, "đồng bệnh tương lân".

Nguyễn Hàm Ninh là một con người thông minh, vui tính và hay đùa nghịch. Từ lúc còn nhỏ thiên tư ấy của cụ đã được bộc lộ khá rõ. Người ta kể rằng: Lúc cụ mới lên tám tuổi, một hôm có người bà con mang đến cho mấy chiếc bánh, cụ thân sinh nói đùa: Trong nhà hễ ai lớn hơn cả thì được. Nguyễn Hàm Ninh bèn hỏi lại: Thế thầy tuổi gì? Tuổi Mùi - Thế mẹ tuổi gì? Tuổi Thân. Nguyễn Hàm Ninh cười một cách tự tin và nói: Thế là cái bánh thuộc về phần con. Vì con tuổi Thìn, mà Thìn đã rồi mới đến Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân chứ!(2).

Một lần khác khi gia đình cụ đã dời về làng Trung Thuần, trong làng có một người bà con đi cưới vợ ở Thượng Sơn, cụ cũng được mời đi. Qua bến Kênh Kịa (3) Nguyễn Hàm Ninh đi sau, tự nhiên thấy cả đoàn người đứng sững lại, rồi có người ở phía trước đem đến một câu đối, cụ liền chạy lên trước, thấy các bậc đàn anh đang ngơ ngác trước mảnh giấy hồng rải trên một cái hương án mà người ta đặt chắn ngang đường để đòi nộp cheo, Nguyễn Hàm Ninh vội vàng cầm lên xem, nội dung câu đối là: "Chân giậm, tay mò bơn - Cá lờn bơn hói kia", biết câu đối ra lởm cụ cũng nhanh trí đối lởm lại: "Má kề, miệng ngậm bống - Cá bống khe Dang". Thật là một sự thông minh ứng xử tuyệt vời.

Bản tính nghịch ngợm, thông minh sẵn có góp phần tạo nên bản lĩnh và nhân cách trong con người cụ. Năm 1836 cụ đồ Nguyễn Hàm Ninh được Minh Mạng vời ra làm Quốc học độc thư. Năm 1838 khi đổi qua Tôn Nhơn phủ chủ sự, một lần trông thấy hai câu đối sơn son thiếp vàng trên điện Thái Hòa:

"Tử năng thừa phụ nghiệp
Thần khả báo quân ân"

(Con thừa được nghiệp cha, tôi trả tròn ơn chúa)

Cụ không ngần ngại gì mà lấy bút phê vào bên cạnh rằng: "Tối hảo, tối hảo! Cương thường điên đảo" (hay tuyệt, hay tuyệt, song cương thường ngược hết!). Khi Minh Mạng phát hiện được, triệu Nguyễn Hàm Ninh vào tra hỏi thì cụ thản nhiên và đáp rằng: Chỉ vì chữ "Tử" đứng trước chữ "Phụ", chữ "Quân" nằm sau chữ "Thần". Minh Mạng bắt cụ chữa lại, cụ liền đọc:

"Phụ nghiệp tử năng thừa
Quân ân thần khả báo.

(Nghiệp cha con thừa được, ơn chúa tôi trả tròn).

Chỉ thay đổi vị trí của mấy chữ thôi mà ý tứ câu đối sáng sủa hẳn lên. Minh Mạng thấy thế thì lấy làm thỏa mãn và tha tội "phạm thượng" cho cụ.

Chưa hết, năm 1847 nhân sự kiện vua Thiệu Trị băng hà, rồi Tự Đức đăng quang. Lẽ ra ngôi báu này phải thuộc về Hồng Bảo (anh ruột Tự Đức) nhưng vì một lý do riêng, khi gần nhắm mắt Thiệu Trị lại truyền ngôi này cho Tự Đức (Hồng Nhậm). Sau đó Hồng Bảo bị giam đến chết vì âm mưu liên lạc với Pháp, lật đổ ngôi vàng của em. Cảnh nồi da xáo thịt, anh em giết hại nhau chỉ vì ngôi báu ấy đã làm cho Nguyễn Hàm Ninh chán nản, buồn rầu. Một hôm nhân khi Tự Đức ăn cơm vô ý cắn răng vào lưỡi lại còn ra đầu đề xướng họa cho các thi nhân, Nguyễn Hàm Ninh thừa dịp đó làm ngay mấy câu có ý ám chỉ việc Tự Đức giết anh:

"Thuở Bác (lưỡi) sinh ra chú (răng) chửa sinh
Tự sinh ra chú, bác làm anh
Tâm can từng lúc cùng san sẻ
Cốt nhục đang tâm nghiến đứt tình"
(4)

Tự Đức nghe thơ biết Nguyễn Hàm Ninh muốn lên án mình nhưng không có lý gì để hạch tội Ninh nên phải ngậm bồ hòn mà khen thơ hay.

Sinh thời cùng một năm với Cao Bá Quát (1808) bản tính của hai cụ có nhiều nét giống nhau. Đó là cái tính ngang tàng, phóng túng và sẵn sàng châm chĩa lại triều đình những lúc có thể châm chĩa được. Tuy chưa có được thế mạnh như Cao Bá Quát nhưng Nguyễn Hàm Ninh cũng đã thể hiện rõ nhân cách của mình. Điều cần nói thêm là bên cạnh cái tinh nghịch có phần ngang tàng ấy, những ngày làm quan ở Huế Nguyễn Hàm Ninh còn là người đa tình đa cảm. Mối tình thơ và tình đời của cụ với ba cô công chúa hay thơ em gái Miên Thẩm, đặc biệt với bà Mai Am đã để lại cho cụ nhiều bài thơ tình nổi tiếng(5). Con người ấy, thiên tư ấy sau này ở tuổi ngoại tứ tuần khi trở về quê cũng vẫn tinh nghịch để rồi còn "Say rượu Kịa lại mơ rượu Cầu" (6). Thông minh, vui tính và hay đùa nghịch là điều dễ thấy ở Nguyễn Hàm Ninh, nhưng điều đó mới là một phần của con người cụ. Phần nữa đáng chú ý hơn là một Nguyễn Hàm Ninh với những tâm sự u buồn, chua xót trước thời vận của nước nhà và cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ mà nhà thơ có dịp được chứng kiến. Sinh thành trong một gia đình nông dân nghèo túng trên mảnh đất Phù Kinh quanh năm đói khổ, ngay từ những ngày còn nhỏ Nguyễn Hàm Ninh đã có một tình thương đồng loại khá sâu đậm. Sau này khi đã trở thành một ông quan, Nguyễn Hàm Ninh vẫn sống trong sự nghèo thiếu. Trong sáng tác của mình, ông đã than thở: "hai mươi năm làm quan chỉ mua được một chữ nghèo (Nhất Bần). Làm quan có trăm thứ lo, trong đó có cái lo vì "Vợ con đợi gạo khóc" (Thê na đãi mê khấp), có trăm nỗi buồn nhưng điều đáng buồn hơn của nhà thơ là nỗi buồn của kẻ làm tôi mà không can gì được vua, làm quan mà không ích gì được cho dân". Đọc lại những vần thơ tâm sự của cụ chúng ta càng có dịp hiểu thêm con người ấy, tâm sự ấy, nhân cách ấy:

"Trong mưa tàu chuối khóc
Ngọn nến đóa mai cười
Đêm đỗ đặt lưng ngủ
Giường cao ôm bụng ngồi"


Nguyễn Hàm Ninh đặc biệt yêu thương và cảm thông với người nông dân lao động nghèo khổ. Những câu thơ Nguyễn Hàm Ninh viết về người dân lao động bao giờ cũng thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của mình:

"Trời nung nấu gay gắt
Hoàng Hà nước đục ngầu
Hạn hán kéo dài mãi
Nông dân biết tính sao?
Cầu cúng không tin cậy
Ai tả nỗi dân đau
Các quan chính là kẻ
Làm ra hạt mưa rào"
(7)

Câu hỏi nhà thơ nêu ra đồng thời cũng là nỗi đau day dứt đi suốt cuộc đời ông. Căm tức, uất hận trước những điều chướng tai, gai mắt của xã hội lúc bấy giờ, nhiều khi Nguyễn Hàm Ninh đã muốn: "Gẫm nhân tình gươm rít muốn reo lên" và những ngày cuối đời, về sống ở quê "gươm rít" ấy đã lại "reo lên" qua bản "Phản Thúc ước" (8) đầy tính chiến đấu. "Phản Thúc ước" chính là tiếng "réo lên" cào xé bộ mặt thật của bọn quan lại ăn bám bất lương trên quê hương nhà thơ, đồng thời nó cũng là tiếng réo chung tố cáo một xã hội đầy rẫy sự bất công vô lý mà một người có lương tâm như Nguyễn Hàm Ninh không thể nhắm mắt vô tình.

Yêu thương xót xa trăn trở cùng nỗi khổ của người dân quê, Nguyễn Hàm Ninh còn luôn lo lắng đến thời vận của nước nhà. Tình yêu con người trong lòng nhà thơ lúc nào cũng tràn đầy (bài Cẩm sự). Có điều yêu thương nhưng không bi lụy. Nguyễn Hàm Ninh vẫn tìm ra nơi để gửi gắm niềm tin vào nước non này:

Mùa xuân đứng trên núi Lệ Sơn trông xa
Ở nơi đồn thú binh cũ, khói mây dày đặc sau trận mưa đêm trước.
Hoa núi khắp nơi, bao quanh thân áo ta
Ánh chiều trên nghìn ngọn núi, chiếu qua đồng đội,
mây nổi ngoài muôn dặm cuốn khắp trời xanh
Núi sông nước Nam quyết không thể xoay chuyển
Giặc cướp phương tây muốn làm trò trống gì?
Dường nghe trên chín bệ đã cất nhắc vị đại tướng
Hằng ngày mong mỏi trông thấy Cam Tuyền báo tin thắng trận
(9)

Một con người luôn trăn trở vì vận nước, luôn day dứt vì cuộc sống của dân nhưng giữa thời buổi loạn ly lúc bấy giờ Nguyễn Hàm Ninh không thể thực hiện được ước muốn của mình. Tất cả sự căm giận ấy nhiều khi nhà thơ để bật ra lời nói, ở câu đối, ở thơ văn với những lời lẽ và ý tứ sâu sắc. Nhưng cũng chính vì cái tính ngang tàng ấy mà bọn nịnh thần ngu dốt đã tìm mọi cách để gán tội cho cụ và đẩy cụ ra khỏi chốn cung đình. (Lần đầu vào năm 1840). Có điều thật lạ, tuy bị gán ép, bị đày đọa nhưng dường như không bao giờ Nguyễn Hàm Ninh tỏ ra bất lực, lép vế. Trái lại, qua mỗi lần sóng gió như vậy chí khí trong con người cụ lại trào sôi hơn, mạnh mẽ hơn. Bài thơ "Tức sự" cụ viết trong những ngày ở quê sau khi bị Minh Mạng cách chức lần đầu (1840) không chỉ bộc lộ tâm sự của một thi nhân trước cảnh vật, cây cỏ và thiên nhiên quê nhà mà nó còn là lời thách đối với thời cuộc

Đồi bên kia suối suối bên đồi
Phú quí nên xưa có một chồi
Mây sớm dậy trời bay cửa trước
Chim hôm về tổ ruỗi thành ngoài
Cửa vườn cá ruộng nhờ lộc đất
Cơm tương canh lẻ trẻ dáng người
Lui được ngày nào ngày ấy khỏe
Cười ai, ai hỡi chớ cười ai?


Một con người khảng khái, giàu bản lĩnh như cụ thời bấy giờ kể ra cũng không nhiều lắm. Chính vì vậy sự bất đắc dĩ lắm cụ phải tạm lánh mình, còn bao giờ Nguyễn Hàm Ninh cũng ưa hoạt động với một mong muốn tha thiết là làm sao cho dân đỡ khổ. Nhà thơ chưa bao giờ có ý định trốn chạy thực tại, dẫu thực tại đó nhiều khi hết sức cay đắng. Chứng cớ là sau bao lần bị cách chức đày đi đây đó nhưng lúc nào được nhà vua phục chức trở lại làm việc cụ đều sẵn sàng. Đương nhiên điều mong ước của nhà thơ chưa thể nào thực hiện được trong điều kiện hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Nỗi buồn của cụ Nguyễn Hàm Ninh trong những ngày làm quan ở Huế là nỗi buồn của kẻ làm tôi mà không can gì được vua, làm quan mà không ích gì được cho dân. Bi kịch cuộc đời của cụ và cũng là bi kịch của lớp nho sĩ có nhiệt huyết như cụ phải có một khoảng thời gian gần một thế kỷ sau mới được giải phóng. Cao Bá Quát bạn thơ thân tình và người sinh thời cùng tuổi với cụ đã gửi gắm tất cả nỗi niềm tâm sự qua bài thơ "Tiễn biệt", có lẽ đó cũng là tâm sự cuộc đời của lớp nhà nho yêu nước lúc bấy giờ mà bây giờ đọc lại chúng ta chỉ còn biết cảm thông cùng họ:

"Lênh đênh bèo bọt phận đôi ta
Sùi sụt vì ai lúc bước ra
Bóng kính bao hề rời hạc một
Ngấn mày sao nỡ dứt non xa
Tanh rình mùi máu hàng thư hận
Say ngấy hồn hoa chén rượu đưa
Rồi nữa mỗi người thành mỗi ngả
Mịt mù mưa gió biết đâu là...


Vào những năm cuối đời về quê ở Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch), Nguyễn Hàm Ninh vẫn tiếp tục viết văn, làm thơ. Nội dung các tác phẩm thơ, văn, mà tiêu biểu là bản "Phản Thúc ước" tiếp tục chủ đề tố cáo sự tàn ác vô lương của bọn cường hào sâu mọt ở nông thôn và cảnh sống khổ cực của người dân lao động. Nguyễn Hàm Ninh cũng giành thời gian lâu lâu lại vào Huế thăm Miên Thẩm, thăm các bạn thơ và ra Nghệ An, Thanh Hóa để hiểu rõ hơn chuyện thời cuộc, chuyện đời...

Tìm hiểu thơ văn và cuộc đời của Nguyễn Hàm Ninh chúng ta lại nhớ về một nhà thơ thông minh, vui tính, ham đùa nghịch, một nhà thơ dường như suốt đời nghèo túng nhưng rất mực yêu thương dân.

Huế, 11-1986
H.M.T
(SH24/4-87)


-----------------
1. NGUYỄN HÀM NINH (1808 - 1867) tự là Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai, người làng Phù Kinh (nay là Phù Hóa) sau dời đến làng Trung Ái (nay là Trung Thuần), phủ Bình Chánh (huyện Quảng Trạch), tỉnh Quảng Bình. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khổ, sau nhờ một người cô không con nuôi ăn học. Đậu giải nguyên năm 23 tuổi (tức năm Tân Mão 1831). Đời làm quan của ông thăng giáng nhiều, một lần bị Minh Mạng cách chức (năm Canh Tý 1840 tức năm Minh Mạng thứ 21). Một lần đang làm Án sát tỉnh Khánh Hòa (1846) bị thuyền buôn lừa bắt chở sang Trung Quốc, khi trở về bị triều đình cách chức lần nữa và đày vào Đà Nẵng sung quân. Sau đó một thời gian ngắn được phục chức rồi làm trước tác Viện Hàn lâm và một lần nữa lại bị cách chức. Ông là bạn thân của Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương. Về sáng tác còn để lại hai tập thơ "Nhâm Sơn thi tập" và "Tĩnh Trai thi sao", một bài văn tứ lục chữ nôm, "Phản Thúc ước" và nhiều bài ca trù khác.

2. Theo "Đời tài hoa" bản chép tay, mùa thu năm Mậu Ngọ 1878 Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên trang 4.

3. Kênh Kịa: Một địa danh thuộc thị trấn Ba Đồn ngày nay.

4. Sinh ngã chi sơ nhữ vị sinh
Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh
Trân tu tằng kỷ đồng cam khổ
Khiết chỉ hoàn vong cốt nhục tình.
(Bản dịch của Nguyễn Văn Đề - s.đ.d. trang 24)

5. Xem thêm "Mối tình trong những lời thơ ấy" (Lương An - Sông Hương số 6).

6. Ngoài vợ chính của cụ ở làng Tô Xá (sinh được ba trai, hai gái), cụ hỏi thêm một bà người Kẻ Kịa. "Còn mơ rượu Cầu" ý là cụ còn muốn ghẹo thêm cô đào người Kẻ Cầu (Kẻ Cầu và Kẻ Kịa là hai nơi nổi tiếng rượu ngon trong phủ Quảng Trạch).

7. "Thơ tức sự gửi các bạn" Tập tuyển thơ văn Việt Nam 1858 - 1920 Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 1984 trang 151, 152.

8. "Phản Thúc ước" Nguyễn Hàm Ninh viết nhằm chống lại bản "Thúc ước". Theo tục lệ trước kia ở nông thôn hàng năm thường có lễ tế thần. Trong lễ tế ấy người ta đọc một bài văn gọi là Thúc ước. Nội dung nhằm khuyên răn dân làng giữ thuần phong mỹ tục, sống yên phận thủ thường mà thực chất là khuyên họ nhẫn nhục chịu sự bất công trong xã hội.

9. Lệ Sơn: Tên một dãy núi phía tây huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở đây thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn có lập đồn binh canh phòng. Cam Tuyền: Tên một dãy núi ở Thiểm Tây (Trung Quốc), trên núi có cung Cam Tuyền của Nhà Hán đời Hán Văn Đế; Hung nô xâm lấn Trung Quốc khói lửa suốt từ núi Cam Tuyền tới Trường An.
(Chú thích của Lê Thước - s.đ.d trang 149).










 

Các bài mới
Vắng cách (16/01/2013)
Các bài đã đăng
Tới đích (29/11/2012)
Về thăm quê (22/11/2012)
Cảm thụ Huế (09/11/2012)