Tạp chí Sông Hương - Số 286 (T.12-12)
Gọi tìm xác đồng đội - Góc khuất chiến tranh nhìn từ một lối viết
09:27 | 12/12/2012

Nhiều mảnh đời ở nhiều không gian khác nhau được đồng hiện trong mẫu số chung là nỗi đau mất con và chưa thể tìm thấy xác. Cô đơn, khổ đau, thậm chí là điên loạn và tuyệt vọng. Câu hỏi cuối cùng vang lên vẫn là “có ai biết xác con tôi chôn ở đâu không”, “xác con tôi đâu/ xác con tôi đâu”? 

Gọi tìm xác đồng đội -  Góc khuất chiến tranh nhìn từ một lối viết

 KÍ ỨC CHIẾN TRANH HÃI HÙNG

Trần Vàng Sao từng được người đọc biết đến với Bài thơ của một người yêu nước mình sáng tác tháng 12 năm 1967 và được chọn là một trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX. Gọi tìm xác đồng đội là tập thơ đầu tiên của ông được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7 năm nay (2012).

Gọi tìm xác đồng đội - tên gọi có điều gì đó vừa linh thiêng vừa ám ảnh. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những dư âm của nó vẫn còn đọng lại. Bao người đã ra đi mãi mãi trong chiến tranh, cho đến tận bây giờ, vẫn không thể biết họ đang gửi xác ở nơi nao? Gọi tìm xác đồng đội là cuộc hành trình của tác giả, một người đã đi qua chiến tranh đang cố gắng tìm lại đồng đội trong tâm tưởng - một cuộc gọi hồn tìm xác. Nó gọi một sự đối thoại, đưa người đọc trở về đối diện với hiện thực chiến tranh… Nhà thơ đối thoại với những người đang sống hôm nay mà rất nhiều trường đoạn là sự đối thoại, lắng nghe với những người đã khuất. Qua đó, ông gởi gắm nhiều những suy tư về chiến tranh và cuộc sống, quá khứ và hiện tại với những trăn trở đậm chất nhân văn.

 Khi chiến tranh đi qua, có một độ lùi lịch sử cần thiết, con người có dịp nhìn lại nó đầy đủ, toàn diện hơn. Với Trần Vàng Sao, chiến tranh là: chiến tranh bắt đầu/ trước hết là máu/ rồi là thịt người/ máu từ trên trời/ máu từ dưới đất/ và máu trên bàn thờ/ xác thì chôn sấp dập ngửa bờ sông, bụi chuối/ không đầu không chân/ không xương không thịt/ không có chi cả

Dấu hiệu đầu tiên để nhận ra chiến tranh là những hình ảnh hết sức ghê rợn: máu, thịt người, xác người, thậm chí là những cái xác không toàn thây, không đầu không chân, chôn sấp dập ngửa qua loa vội vàng. Mạng sống con người mới bé nhỏ tội nghiệp làm sao!

Trong dòng suy tư gọi tìm xác đồng đội, những người lính - đồng đội năm xưa lần lượt hiện về. Đó là Nguyễn Văn Duy: Chết lúc đánh vào thị xã Cao Lãnh năm 1967/ xác phơi trên hàng rào kẽm gai ba ngày giữa mưa giữa nắng; Nguyễn Văn Chót: chết ở đường Trần Hưng Đạo Huế tháng 2 năm 1968/ không biết có còn xác không; Lê Văn Một: chết trên đường tải thương ra Bắc/ lúc chết nằm trên võng một mình giữa rừng/ xác đã có mùi/ được phong liệt sỹ; Lê Thị Cam chết không có xác, Lê Văn Tốt chết đâu ở Quảng Trị, không biết xác chôn ở đâu; Trần Tư chết tại gò nổi Quảng Nam; Lê Thị Gái hai mươi hai tuổi chết bị treo ngược hai chân lên mái nhà/ không quần không áo trong lao Thừa Phủ; Và còn biết bao nhiêu cái chết khác nữa.

Trần Vàng Sao đã rút ngắn hết sức sự mô tả về những người đồng đội. Điểm dừng cuối cùng của nhà thơ bao giờ cũng là cái chết của họ. Thậm chí, đôi khi, người đọc không biết gì thêm về họ ngoài cái chết. (Từ chết xuất hiện 22 lần trong tác phẩm).

Và không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh máu cứ trở đi trở lại trong tác phẩm như một ám ảnh. Có những đoạn thơ ngập chìm trong máu: máu/ máu/ máu tôi/ máu từ trên trời chảy xuống/ máu/ cả máu/ đầy máu/ máu có bọt/ trủi lên/ dưới đất là máu/ tôi ngập trong máu/ trôi đi trôi đi/ máu chảy vào cổ họng tôi/ tôi chìm nghỉm

Tập thơ gồm 28 trang (trong đó có 4 trang phụ bản) mà có tới 28 lần xuất hiện hình ảnh máu. Vẫn biết rằng đó là những giọt máu thiêng liêng đổ xuống từ những trái tim ra đi vì dân tộc; nhưng cũng không có gì chính xác hơn, đầy đủ hơn khi gợi về nỗi đau chiến tranh.

Chiến tranh trong thơ Trần Vàng Sao còn được gợi lại qua một trường từ vựng của vũ khí, mìn, súng, đạn bom xuất hiện với tần số khá nhiều.

- pháo sáng nổ trên đầu/ tôi bò qua hàng rào kẽm gai/ mìn nổ và tiếng người la hét/ sau đó tôi không biết gì hết

- tôi nhớ rồi/ pháo sáng/ F150/ B57/ trực thăng/ bom/ pháo/ rốc két/ mìn/ ba ngày ba đêm vây chốt

- trực thăng quần/ F105 rú/ bốn quả B41 nổ/ lửa sáng bừng trong công sự

- F105 chúi đầu/ thêm bốn chiếc trực thăng và hai OV10.

Câu thơ ngắn, mạnh, gấp; nhiều dòng thơ chỉ có một từ chỉ tên gọi các loại vũ khí. Một cảm giác căng nén trong sự hòa trộn giữa âm thanh người la hét, tiếng bom mìn nổ, máy bay gầm rú, lửa pháo sáng rực trời…

VÀ NHỮNG NỖI ĐAU SAU CUỘC CHIẾN

       Những người lính chết ở chiến trường, thân xác họ lẫn vào cỏ cây, đất đai, nắng gió. Phía sau cái chết của họ, đau đớn hơn cả là nỗi đau của những người cha, người mẹ mất con, héo hon tìm xác con trong quãng đời già nua còn lại:

- tôi là Lê Thị Lúa/ 83 tuổi/ con tôi là Nguyễn Văn Chót/ đi nghĩa vụ năm 1963/ vào Nam tháng sáu năm 1965/ chết ở đường Trần Hưng Đạo Huế tháng 2 năm 1968/ không biết có còn xác không

-  mụ già điêu tàn ở chợ Mía Sơn Tây/ thường giữa trưa đứng bóng/ mụ ngồi bệt xuống đất/ rồi khóc rồi cười rồi la hét/ hai con mắt như đứng tròng/ “con Lê Thị Cam ơi/ chết đất nào về đây với bầm/ bầm khô gan héo ruột/ mụ già cào hai tay bới đất/ có con dưới này không con/ a ha này mấy người mấy người ơi/ mấy người có ai có con chết như tôi không/ liệt sĩ không có xác

- con tôi là Phan Văn Tốt/…có ai biết xác con tôi chôn ở đâu không/…tôi chỉ có một thằng con/ tôi không còn ai hết/ tôi là Phan Văn Sáu/ 72 tuổi/ ăn mày ở thị xã Phú Thọ

Nhiều mảnh đời ở nhiều không gian khác nhau được đồng hiện trong mẫu số chung là nỗi đau mất con và chưa thể tìm thấy xác. Cô đơn, khổ đau, thậm chí là điên loạn và tuyệt vọng. Câu hỏi cuối cùng vang lên vẫn là “có ai biết xác con tôi chôn ở đâu không”, “xác con tôi đâu/ xác con tôi đâu”? Đâu đó trong những nghĩa trang liệt sĩ, những ngôi mộ liệt sĩ vô danh vẫn nằm yên lặng lẽ. Làm sao họ có thể cất tiếng trả lời cho những cuộc kiếm tìm của người thân trong vô vọng? Chỉ còn lại là nỗi đau thẳm sâu hun hút như vực xoáy trong lòng người...

Ngay cả bản thân những người lính trở về sau cuộc chiến, họ cũng bị chấn thương nặng nề bởi những di chứng chiến tranh cón sót lại:

- tôi là một thằng câm mất trí/ lang thang đầu đường xó chợ/ với viên đạn còn ở trong đầu/ tôi nhảy múa hát ca làm trò cho mọi người coi chơi/ theo sau tôi là đám trẻ con rách rưới vỗ tay hoan hô tôi muôn năm

- bây giờ tôi là kẻ mất hết trí nhớ/ là bông gai rỉ máu từng cánh mọc trên đá một mình/ …tôi xin đọc lời di chúc phúng điếu tôi

- chiến tranh đã qua/  thằng điên thắp ba cây hương soi gương van vái mình

Những người lính từng lăn lộn trên chiến trường năm xưa giờ có khi lại là một người điên làm trò giữa đám trẻ con mua vui cho thiên hạ. Những ai còn lại giữa cuộc đời bình thường lại phải đang vắt kiệt sức mình đối mặt với cuộc mưu sinh:

- thêm một/ là thêm một năm/ dài thêm ba trăm sáu mươi lăm ngày/ dài con dài cái/ dài ngày thiếu gạo

- chiến tranh đã qua/ thằng hề rửa sạch mặt/ đi bán kẹo kéo nuôi con

- chiến tranh đã qua/ người lính bỏ ngũ/ lên núi đào sắt gỉ/ cụt một cánh tay

Có điều gì đó thật xót xa sau mỗi tấm huân chương, danh hiệu liệt sỹ hay Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà họ được trao tặng. Ánh hào quang chiến thắng ngày hôm qua không thể giúp họ nuôi nổi đàn con đang thiếu đói! Mảnh giấy công nhận người con liệt sỹ làm sao có thể xoa dịu được nỗi đau mất con sâu đến tận cùng trong lòng người mẹ?

Thơ Trần Vàng Sao có nhiều câu, nhiều hình ảnh không khỏi không gây sốc cho người đọc. Ông đối diện với hiện thực của chiến tranh để phản ánh những mất mát thật sự đối với một dân tộc, tái hiện lại các chiều kích đau thương và bộ mặt tàn khốc của nó. Sẽ là khập khiễng khi so sánh Gọi tìm xác đồng đội của Trần Vàng Sao với Nỗi buồn chiến tranh của  Bảo Ninh. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhận ra những gặp gỡ trong hai tác giả về cách nhìn hiện thực chiến tranh và cuộc sống. Chiến tranh, dù ở góc độ nào thì bản chất tận cùng của nó vẫn là đổ máu, chết chóc, đau thương; nó để lại những vết thương tái tê, âm ỉ mà không phải ngày một ngày hai đã liền da kín miệng. Dư chấn nặng nề của nó vẫn còn hằn sâu lên cuộc sống hôm nay.

ĐIỂM NHÌN LINH HOẠT, ĐỘC ĐÁO

Trong trường ca trữ tình, điểm nhìn trước hết là từ chủ thể sáng tạo. Nhưng khác với thơ trữ tình bình thường, nhân vật trữ tình trong trường ca xuất hiện với tư cách là chứng nhân lịch sử, là người phát ngôn, kết nối các sự kiện, viết lại những gì mà mình đã chiêm nghiệm, chứng kiến. Vì thế nó cũng mang hình dáng của nhân vật trần thuật - loại nhân vật trần thuật mà lí thuyết hiện đại gọi là Nhân vật trần thuật toàn năng.

Trong trường ca Gọi tìm xác đồng đội, điểm nhìn được chuyển đổi hết sức linh hoạt. Nếu như mở đầu tác phẩm điểm nhìn được đặt vào tác giả để thể hiện những thân phận người trong chiến tranh thì sau đó điểm nhìn được chuyển cho các nhân vật tôi hết sức đa dạng - đó là những người cha, người mẹ có con hy sinh trong chiến tranh. Qua những lời than khóc ấy, số phận những người là thân nhân liệt sĩ cũng hiện lên thật đáng thương:

- tôi tên là Lê Thị Lúa/ 83 tuổi/ con tôi là Nguyễn Văn Chót/ chết ở đường Trần Hưng Đạo Huế tháng 2 năm 1968

- một mụ già điêu tàn ở chợ mía Sơn Tây với câu hỏi đau đáu, xót xa : con Lê Thị Cam ơi, chết đất nào về đây với bầm… mấy người có ai có con chết như tôi không, liệt sĩ không xác

Và hình ảnh người cha: tôi là Phan Văn Sáu, 72 tuổi, ăn mày ở thị xã Phú Thọ,  có con hy sinh mà không biết xác con ở chốn nơi nào…

Hầu hết các khúc đoạn tác giả để cho nhân vật tự kể. Một điều đặc biệt trong “Gọi tìm xác đồng đội   là Trần Vàng Sao đặt điểm nhìn vào những nhân vật là người chết - những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh. Đây là điều đặc biệt mà ta chưa từng thấy trong các trường ca trước đó.

- tôi tên là Nguyễn Văn Duy/ không mẹ không cha/… năm 1965 tình nguyện đi bộ đội/ tôi chết.. năm 1967/ xác phơi trên hàng rào kẽm gai ba ngày giữa mưa giưa nắng

- bây giờ thì tôi nhớ rồi/ tôi bị thương hai lần lần trước ở đầu/ lần sau ở bụng/ cuối cùng tôi cũng chết

Tiếng nói của những người chết ám ảnh tâm linh mỗi người đọc, làm ta tin và khắc sâu hơn tội ác chiến tranh.

Sự đa dạng của tư thế và điểm nhìn nhân vật tạo nhiều giọng điệu khác nhau với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho Gọi tìm xác đồng đội. Điều này làm cho dung lượng phản ánh của trường ca được mở rộng hơn so với thơ bình thường. Bên cạnh việc tái hiện một cuộc chiến đầy tàn khốc, Trần Vàng Sao còn tái hiện những số phận sau chiến tranh đầy bi kịch. Sau chiến tranh người lính trở thành: thằng câm mất trí/ lang thang đầu đường xó chợ/  với viên đạn còn ở trong đầu, trở thành kẻ mất hết trí nhớ với một số phận bi thương tôi sẽ chết một mình không ai biết/ không giấy đắp mặt không chôn cất

- chiến tranh đã đi qua/ thằng điên thắp ba cây hương soi gương tự van vái mình

- chiến tranh đã qua/ người lính bỏ ngũ/ lên núi đào sắt rỉ/ lựu đạn nổ/ cụt một cánh tay

Bước ra khỏi cuộc chiến, mỗi người một số phận nhưng dường như không có ai may mắn bởi vết thương chiến tranh mang nặng ở trong lòng.

Từ điểm nhìn hiện tại, với cái tôi trữ tình trải nghiệm “qua cuộc chiến đầy máu và nước mắt”, Trần Vàng Sao không nhằm tiếp tục xây cao tượng đài về người anh hùng mang lí tưởng thời đại, cũng không nhằm khắc họa cái tư thế vinh quang và vẻ đẹp của người chiến thắng mà nhà thơ đi sâu vào những bi kịch đau đớn của người lính, thân nhân người lính trong và sau chiến tranh. Người lính trong trường ca Trần Vàng Sao phải dấn thân trên con đường tắm bằng đạn và máu, với những cái chết đau đớn vô cùng. Chiến tranh là mất mát đau thương, là chết chóc, là sinh li tử biệt chứ không thể nào khác được, bởi “chiến tranh đâu phải trò đùa” .

Nếu hình ảnh người lính trong trường ca Thu Bồn đạt tới độ chuẩn mực, lí tưởng; người lính trong trường ca Thanh Thảo gần gũi đến trần trụi, có tính cách đặc trưng thế hệ; người lính trong trường ca Nguyễn Khoa Điềm  mang vẻ đẹp tiêu biểu về tâm hồn, lương tri thời đại, thì người lính trong trường ca “Gọi tìm xác đồng đội  của Trần Vàng Sao là thân phận cá nhân, bi kịch của họ hiện lên  đau đớn hơn bao giờ hết. Với chủ đề chiến tranh, ông có thể nói được rất nhiều điều về phận người, về sự sống nhân sinh và lịch sử dân tộc. Rất dễ nhận thấy nỗi đau chiến tranh day dứt ám ảnh thường trực trong trường ca Trần Vàng Sao, “những bi kịch cá nhân luôn tồn tại song hành cùng bi kịch của lịch sử và thông qua những số phận ấy, người ta thấy hiện lên dáng vẻ, bóng hình của dân tộc, của thời đại, của nhân loại nói chung trong hành trình tồn sinh và không ngừng khai sáng”.

Viết về nỗi đau của dân tộc, trong các trường ca trước đây, các nhà thơ đã khắc họa chân thực, sâu sắc những mất mát, đau thương qua những câu thơ thấm trải nỗi đau của chính những người lính từng đi qua cuộc chiến: Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo... Nhưng đến Trần Vàng Sao, nỗi đau ấy đã trở thành “thương tích , xoi buốt thường trực trong dòng hồi ức của nhà thơ, day dứt đời sống hiện tại và trở thành nỗi ám ảnh lương tri con người bởi nó tồn tại trong chiều sâu tâm thức. Ở đây, sức mạnh hủy diệt của chiến tranh hiện lên qua từng lớp hình ảnh được cắt chụp, lồng ghép trong dòng hồi ức của tác giả. Tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng những câu thơ viết về chiến tranh của ông vẫn rất mới, bởi hiện thực phản ánh được nhà thơ nhìn đa chiều và nhân bản hơn.

MỘT LỐI VIẾT RIÊNG

“Gọi tìm xác đồng đội” gây được ấn tượng độc đáo với người đọc bởi Trần Vàng Sao đã chọn cho mình cách thể hiện rất riêng. Trước hết là thể thơ tự do, câu thơ ngắn, dài xen kẽ; vắt dòng, không chấm câu, không viết hoa đầu dòng. Cấu trúc câu thơ rất đặc biệt, như là văn xuôi. Toàn tập thơ như một dòng chảy tâm trạng không dứt trong lòng tác giả. Chính hình thức ấy đã tạo điều kiện cho suy tưởng, cảm xúc mặc sức tung phá. Thơ ông như một đại tự sự. Bao con người, cảnh đời và bao cái chết cứ lần lượt hiện về, trào ra trên từng trang giấy. Ông viết ra như từ sự ám ảnh của vô thức, như thể một sự giải thoát.

Xuất hiện rất nhiều những điệp từ ngữ, hình ảnh, và đặc biệt là điệp cú pháp câu thơ.
Trong “Gọi tìm xác đồng đội”, những biểu tượng, chi tiết, điệp khúc lặp lại mang tính ám ảnh. Sự lặp lại đó có tác dụng láy lại, xoáy sâu hơn nữa vào chủ đề, tạo nên một âm hưởng dai dẳng, bất diệt. Biểu tượng máu và máu, cái chết, bom đạn, mìn xác chết, khóc, cười, la hét… trở đi trở lại là những biểu tượng về sự tàn khốc, ác liệt và sự hủy diệt đáng sợ của chiến tranh.

Cú pháp nhiều câu thơ được lặp lại  như một tín hiệu thẫm mỹ : không ai biết gì hết/ không ai nói gì hết/ không ai nhớ gì hết/ không ai kể gì hết/ không ai nghe gì hết/ không ai nhắc gì hết/ như mi không bao giờ có ở đời này

     Bao nhiêu từ không là bấy nhiêu day dứt, ám ảnh. Một con người - một người lính vô danh còn lại gì sau chiến tranh? Chỉ là cái chết và một con số không to tướng: Không ai biết, không ai kể, không ai nghe, không ai nhắc…Tất cả nhẹ tênh như con người ấy chưa từng tồn tại trên cõi đời này.

Có thể nói, thơ Trần Vàng Sao không còn nơi trú ngụ  của vần - một dấu hiệu nhận diện thể loại của thơ truyền thống; trái lại, ông đã tạo nên chất thơ qua các cấu trúc trùng lặp, xoáy sâu, day dứt.

 Không theo kết cấu theo trình tự lôgic thông thường mà dường như toàn bộ trường ca là một dòng chảy của tâm trạng. Có thể nhận ra sự ghép nối những mảnh vỡ tâm hồn, ký ức. Ký ức, kỷ niệm hòa lẫn với hiện tại làm nên một hiện thực đa màu sắc. Đó là lời tự nói với mình, bộc lộ tâm tư nên vượt ra khỏi lôgic của tư duy hữu thức, của ngữ pháp thông thường để tuân theo mạch ngầm là cảm xúc, tầng sâu của tâm hồn. Từ gọi từ, hình ảnh gọi hình ảnh chảy tràn trong theo dòng hồi tưởng, liên tưởng. Ký ức chiến tranh hiện lên qua từng lớp hình ảnh được cắt chụp, lồng ghép trong dòng hồi ức của tác giả, kiểu kết cấu mảnh vỡ  rất giống đặc trưng  văn chương hậu hiện đại. Đặc biệt, nhiều đoạn thơ có sự xuất hiện của thủ pháp dán ghép điện ảnh: có người khóc, người cười, người la hét, người cúi đầu, quỳ gục, người nghiến răng, rồi máu, máu chảy tràn,  xác chết, xác không đầu không chân, thịt người... Và rồi:

- pháo sáng nổ trên đầu/ tôi bò qua hàng rào kẽm gai/ mìn nổ và tiếng người la hét/ sau đó tôi không biết gì hết

… tôi nhớ rồi/ pháo sáng/ F150/ B57/ trực thăng/ bom/ pháo/ rốc két/ mìn/ ba ngày ba đêm vây chốt

… trực thăng quần/ F105 rú/ bốn quả B41 nổ/ lửa sáng bừng trong công sự

Tất cả như những thước phim quay cận cảnh cùng đồng hiện trong không gian ngột ngạt hòa trộn giữa âm thanh người la hét, tiếng bom mìn nổ, máy bay gầm rú, lửa pháo sáng rực trời…

Bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, không cầu kì trau chuốt, đa phần lời thơ tự nhiên, sinh động như lời ăn tiếng nói hằng ngày, “Gọi tìm xác đồng đội” dù là thơ nhưng lại rất giàu tính tự sự, tính đối thoại. Tập thơ là sự ghép nhập nhiều phiến mảnh cuộc đời, phiến mảnh tâm trạng trong những khoảng không, thời gian khác nhau. Giọng điệu bao trùm cả tập thơ là giọng bi thương có sức ám ảnh, day dứt. Chính giọng điệu ấy đã giúp ông tái hiện rõ nét bộ mặt chiến tranh tàn khốc, ác liệt, đau thương và hủy diệt khủng khiếp.

Trong thơ Trần Vàng Sao, chúng ta có thể nhận thấy tính chất nhật ký rất rõ. Gọi tìm xác đồng đội có thể ví như một tập nhật ký của tác giả về cuộc đời mình, về những ngày mình đã sống, những câu câu chuyện mình đã chứng kiến. Cái tôi nhật ký gắn liền với cái tôi điểm hình tâm trạng và một cách nhìn về chiến tranh khốc liệt, tàn bạo, đầy ám ảnh, bi thương. Có thể gọi Trần Vàng Sao là “người viết nhật ký bằng thơ” ( Lê Huỳnh Lâm)

Đọc Gọi tìm xác đồng đội  ta càng thấu tận tâm can cái giá của chiến thắng mà dân tộc phải trả là quá đắt; đó là máu, nước mắt , là sự hy sinh, mất mát quá lớn. Để có “ngày về” bao nhiêu đồng đội đã phải nằm lại, đã có bao cuộc đời, bao nhiêu mối tình, bao nụ cười dang dở.... Trong những hồi tưởng về chiến tranh, không ít lần trong sâu thẳm cõi lòng nhà thơ run lên những câu thơ nhức nhối. Ông đã nhìn thấy “sự vĩ đại của dân tộc mình chính trong những giọt nước mắt…, qua sự cao khiết của nỗi buồn”.

Huế, tháng 10 năm 2012

N.T.H - T.T.N

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Mùa Đông Huế (26/12/2012)
Các bài đã đăng