Tạp chí Sông Hương - Số 286 (T.12-12)
Vì những trang sử đẹp
11:02 | 23/12/2012

PHẠM HỮU THU  

Ngày 22/12/2010, nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trân trọng trao tấm bằng công nhận Di tích lịch sử cách mạng cho địa điểm Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế - 1945 tại 118 đường Lê Duẩn, Huế. Người nhận là ông Đặng Văn Việt, cựu sinh viên của ngôi trường độc đáo này.

Vì những trang sử đẹp
Ông Vĩnh Mẫn và cuốn sách "Giải phóng quân Huế - 1945"

Gần hai năm sau, ngày 21/9/2012, từ Hà Nội anh Phan Tân Hội đã gọi cho ông Vĩnh Mẫn ở Huế thông báo tin vui: cha anh là luật sư Phan Anh và người đồng sáng lập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế là giáo sư Tạ Quang Bửu đã được các cơ quan tổ chức của Đảng công nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa.

Từ trong sương mờ của ký ức, theo thời gian, vai trò của Trường Thanh niên Tiền tuyến trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám ở Huế đã được khẳng định:

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phần lớn giáo viên và học viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến đã hăng hái tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng ở Thừa Thiên Huế rồi được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng vũ trang Giải phóng quân Thuận Hóa vừa bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vừa gửi những đội quân Nam tiến, Tây tiến... Và người tiên phong góp phần làm sáng tỏ vai trò của lực lượng Thanh niên Tiền tuyến Huế chính là ông Vĩnh Mẫn (tức Phan Thắng), cựu Thiếu tá Hải quân hiện đang sống ở phường Vỹ Dạ, Huế.

Cần phải nói ngay rằng, ông Vĩnh Mẫn không phải là một nhà sử học nhưng khi trình bày một vấn đề gì thì ông thuộc típ người “nói có sách mách có chứng”, không cảm tính hoặc a dua với mong muốn cuối đời là làm được điều gì đó có ích cho xã hội. Nhờ vậy mà câu chuyện về ngôi trường độc đáo này qua ông, theo thời gian đã trở thành những trang sử đẹp.

Biết mà không nói là có lỗi

Trên thực tế, câu chuyện liên quan đến Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế diễn ra cách đây đã gần hai chục năm. Chính xác đó là sáng ngày 14/9/1993, khi ông Vĩnh Mẫn tìm đến ngôi nhà số 8 đường Hà Nội theo giấy mời của Đại tá Trần Văn Sang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Huế để “tham gia ý kiến vào bản dự thảo lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế”. Điểm mặt khách mời, ông Vĩnh Mẫn tự nhận mình chỉ thuộc “hạng em út” nhưng do các vị lão thành cách mạng như Trung tướng Lê Tự Đồng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vạn vì một lý do nào đó còn ngần ngừ, nên chẳng ngại đụng chạm, ông Vĩnh Mẫn đã bày tỏ chính kiến của mình. Ông đặt vấn đề:

- Sau Cách mạng tháng Tám, tôi là người vừa làm trinh sát vừa liên lạc. Trong 50 ngày đêm bao vây quân Pháp cũng như từ ngày Mặt trận Huế vỡ, tôi đã từng làm liên lạc cho các anh: Lê Tự Đồng, Trần Chí Hiền... Mà liên lạc trước đây, như các anh đã rõ, nó như lái xe cho sếp bây giờ: chuyện chi cũng biết.

Đọc bản dự thảo về lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh nhà, tôi đánh giá cao công sức của những người biên soạn, dù không ở trong cuộc mà viết được mấy trăm trang như thế này là giỏi là quý lắm rồi.

Sự thật là lịch sử còn một khoảng trống; khoảng trống đó làm cho tôi suy nghĩ, đắn đo mãi. Chúng ta đã có độ lùi của gần nửa đời người, có đủ chứng cứ để minh định điều mà trên thực tế nhiều người biết, nhưng vì sao không nói, ví như trường hợp của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế chẳng hạn? Thực tế có phải ở Huế “Thanh niên Tiền tuyến cướp chính quyền rồi giao lại cho Việt Minh” như có nhà sử học Pháp khẳng định hay không? Chúng ta là những người trong cuộc, biết mà không nói, không góp phần làm rõ về sự ngộ nhận này là có lỗi với lịch sử, với thế hệ hôm nay và mai sau.

Thực tế lịch sử cách mạng ở Huế rất khác, nếu không muốn nói là rất độc đáo, vì Huế là đế đô. Trên phạm vi chỉ năm cây số vuông, trước khi ta cướp chính quyền, Huế còn 4.500 binh sĩ Nhật, hàng trăm tàn quân và kiều dân Pháp và cả lực lượng binh sĩ của Chính phủ thân Nhật...

Tôi nói điều này có anh Lê Tự Đồng ngồi đây xác nhận, trước khi giành chính quyền ở Huế có đến hai lực lượng Việt Minh, đó là Việt Minh Thuận Hóa và Việt Minh Nguyễn Tri Phương. Lịch sử đảng bộ cho biết là trước khi giành chính quyền hai lực lượng này đã hợp nhất. Tôi nhớ, chính anh Nguyễn Chí Thanh là người đề ra chủ trương “phải xáp vô mà cứu nước”. Tư tưởng Đại đoàn kết ấy nó lớn lắm và độc đáo lắm. Nhờ có “xáp vô” chúng ta mới hợp nhất các lực lượng thành một khối và đã giành thắng lợi vẻ vang. Bài học ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bằng chứng là sau khi hợp nhất, đại diện Việt Minh Thuận Hóa gồm các anh: Nguyễn Tấn, Nguyễn Kèn (tức Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm), Lê Khánh Khang được bổ sung vào Ban chấp hành Việt Minh Nguyễn Tri Phương do anh Hoàng Anh làm Chủ tịch.

Điều tôi muốn nhấn mạnh: chính các anh Nguyễn Thế Lâm, Lê Khánh Khang trước khi trở thành cán bộ lãnh đạo Việt Minh Nguyễn Tri Phương đều là thành viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế. Vậy Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế hình thành lúc nào, có những đặc điểm gì; trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám nó đóng vai trò như thế nào đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc? Tôi thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải làm sáng tỏ, nếu không thì những ngộ nhận về họ vẫn sẽ còn treo lơ lửng mãi.

Cả hội trường im lặng. Giải lao, bỗng có một người lẳng lặng bước tới ôm hôn và thầm thì vào tai ông Vĩnh Mẫn đúng ba từ: Cám ơn anh!

Một cuốn sách, vạn tấm lòng

Ông Vĩnh Mẫn không lấy làm lạ khi thấy vấn đề mình nêu bị bỏ ngỏ.

Năm 1993 Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận. Huế đang là “điểm nóng” về tôn giáo, kẻ chống đối ở bên ngoài, mượn cớ vụ gây rối ở cầu Phú Xuân để xuyên tạc, lu loa Nhà nước ta đàn áp tôn giáo. Đời sống, dù đã có khấm khá nhưng vẫn còn nhiều người nghèo. Hạ tầng chưa phát triển đang là lực cản của địa phương. Biết bao nhiêu là việc cần phải dồn tâm sức tháo gỡ... Biết rõ tình thế như vậy, bằng trải nghiệm của bản thân, ông Vĩnh Mẫn thấy đã đến lúc phải tìm cách công khai vấn đề, không thể im lặng mãi được, vì như vậy là không công bằng với lịch sử. Nhưng bằng cách nào? Trong khi đang suy tính đường đi nước bước, bất ngờ người ôm hôn và cám ơn ông tại cuộc họp hôm ấy xuất hiện. Người đó là ông Lê Đình Bân, sống ở Triều Sơn Tây - An Hòa, trước tháng 8/1945 học ở trường Pellerin Huế, tham gia hai cuộc kháng chiến và đã nghỉ hưu. Qua chuyện trò, ông Vĩnh Mẫn biết đích xác ông Lê Đình Bân, nguyên là trợ lý của Trường Thanh niên Tiền tuyến.

Trong ngôi nhà của ông Vĩnh Mẫn ở số 17 đường Thuận An thời đó họ đã có dịp ôn lại chuyện xưa. Ông Vĩnh Mẫn tâm sự: hồi đó tôi chỉ là một chú nhóc, thường rong chơi khắp thị xã Thuận Hóa. Các sinh viên Trường Thanh niên Tiền tuyến khi dã ngoại thường mặc quân phục màu vàng, đội mũ calo sừng bò có gắn huy hiệu, lưng thắt đai to bản, “ghệt” ôm chặt đôi chân trông rất hùng dũng và oai vệ. Chúng tôi ngưỡng mộ vì họ không chỉ là lớp trí thức “con quan, nhà giàu, đẹp trai, học giỏi” mà còn nể phục khi biết những người sáng lập trường là luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu, họ là những trí thức yêu nước, không chịu ra làm quan cho Pháp. Nhiều người lớn tuổi kể với tôi rằng họ vẫn còn nhớ lời tuyên thệ của ông Phan Anh (tháng 4/1945 là Bộ trưởng Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim) tại sân vận động Stade Mangin - Huế:

“Trên có Trời, dưới có Đất, giữa có chư vị Thần linh, chúng ta hứa không thể để kinh đô Huế thất thủ lần thứ hai.”

Cách mạng bùng nổ. Chiều ngày 23/8/1945, trước biển người từ các nơi đổ về sân vận động Huế dự lễ ra mắt của Ủy ban khởi nghĩa và chính quyền cách mạng, người ta lại thấy hình ảnh đoàn sinh viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế ngày nào, nay dưới lá cờ đỏ sao vàng, vai vác súng hùng dũng hành tiến vào sân vận động như là một đội quân cách mạng đầu tiên, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền cách mạng, đúng như hình ảnh mà trước đó mấy ngày lớp thanh, thiếu niên chúng tôi theo xe đội music của Quản Liên (tức nhạc sĩ Trần Ngọc Liên) chạy khắp thành phố hát vang bài ca cách mạng:

“Toàn dân nước Nam giờ đây quyết tâm/ Đứng lên tranh đấu, xích xiềng đập tan./ Quân tiên phong theo cờ đỏ sao vàng/ Tuốt gươm vung thề giết quân tham tàn/ Thanh niên! Thanh niên hợp đoàn đứng lên/ Kề vai cùng bước dưới cờ Việt Minh/ Gươm đâu, gươm đâu thời cơ đã đến/ Tiến lên! Tiến lên theo cờ Việt Minh...”.

Chính vì sống trong những ngày hào thiêng sông núi ấy nên tôi rất cảm phục khi nghe tin mấy anh em Thanh niên Tiền tuyến kéo nhau ra tận Hiền Sĩ tóm gọn cả bọn biệt kích Pháp. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, chính cách mạng đã giao cho Thanh niên Tiền tuyến Huế nhiệm vụ đứng ra thành lập lực lượng Giải phóng quân Thuận Hóa. Và chính Huế đã cùng với Hà Nội đã gửi những đoàn quân Nam tiến đầu tiên để đương đầu với giặc Pháp khi chúng gây hấn ở Nam bộ. Hào khí của ngày ấy, đến nay nhớ lại vẫn còn xúc động.

Lật trang hồi ký của Trung tướng Lê Hữu Đức, một cựu Giải phóng quân Thuận Hóa, giọng ông Vĩnh Mẫn sang sảng:

“Đúng giờ vào lớp, chúng tôi tập hợp ba hàng dọc giữa sân trường, gần các lớp thi. Anh Nguyễn Hữu Phổ đứng ra hô “Nghiêm, bên trái quay” rồi tiến lên một bước trước chúng tôi dõng dạc báo cáo với thầy Nguyễn Thúc Hào, Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng thi: Thưa thầy, chúng em xin không thi. Làm sao mà yên tâm thi được trong khi bọn xâm lược Pháp núp bóng bọn quân Anh bắn giết đồng bào Sài Gòn - Gia Định, quyết cướp nước ta một lần nữa. Chúng em sẽ tòng quân cùng đồng bào Nam bộ giết sạch quân Pháp. Không đợi thầy trả lời, anh hô: “Bên phải quay, đi đều bước”. Cả đoàn học sinh hàng ngũ chỉnh tề rầm rập kéo về Tòa Khâm sứ Trung kỳ lúc này là trụ sở Ủy ban hành chính lâm thời Trung bộ xin gia nhập Giải phóng quân.”

Lực lượng Giải phóng quân Thuận Hóa ban đầu, theo ghi chép của Thiếu tướng Phan Hàm được thành lập vào cuối tháng 8 đầu tháng 9/1945, trụ sở đóng tại trường Quốc Học.

Để đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới, Trường võ bị Thuận Hóa (mà nòng cốt là lực lượng của Trường Thanh niên Tiền tuyến) được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng Giải phóng quân Thuận Hóa do Thiếu tướng Phan Hàm làm Chủ tịch và Trung tướng Cao Văn Khánh làm Phó chủ tịch. Ngoài ra, Giải phóng quân Thuận Hóa còn lập các ban: Quân báo (Thiếu tướng Cao Pha, Trưởng ban); Quân giới (Võ Sum, trưởng ban); Công binh (Thiếu tướng Đào Hữu Liêu, trưởng ban), Thông tin (Đại tá Ngô Đức Thọ, trưởng ban), Vận tải (Đặng Văn Châu, trưởng ban). Chỉ trong vòng một tháng, Giải phóng quân Thuận Hóa đã thành lập được 25 phân đội, quân số lên tới 900 người.

Dưới sự chỉ huy của các cựu sinh viên Trường Thanh niên Tiền tuyến như Nguyễn Trung Lập, Cao Văn Khánh, Nguyễn Thế Lương (Cao Pha) họ đã vào khu Mang Cá thu vũ khí của Nhật, lên khu vực Chín Hầm thu hồi vũ khí của Pháp. Nhờ “lấy của địch để đánh địch” nên trang bị của Giải phóng quân Thuận Hóa thuộc vào loại “xịn’ nhất thời bấy giờ. Họ không chỉ có súng trường Mousqueton mà có cả đại liên Hotchkiss thu được của Pháp.

Nhờ chủ động xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ngay sau khi vừa giành được chính quyền nên khi quân Pháp gây hấn ở Nam bộ, theo lệnh của đồng chí Nguyễn Chánh, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Ủy trưởng quốc phòng Trung bộ, Huế đã kịp phái 12 phân đội lần lượt Nam tiến; đồng thời cử 3 phân đội ra đường số 9 ngăn chặn quận quân Pháp từ Lào sang, thời đó thường gọi là Tây tiến... 10 phân đội Giải phóng quân Thuận Hóa còn lại, theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh được nhập vào lực lượng vũ trang của tỉnh Thừa Thiên Huế mang tên Chi đội Giải phóng quân Trần Cao Vân do đồng chí Lê Tự Đồng phụ trách, trụ sở được chuyển về đồn Phan Đình Phùng, gần Tòa khâm sứ cũ. Tư liệu cho biết, đó là vào giữa tháng 10/1945.

Rõ ràng tính đặc thù của Huế trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám là ở đây. Nó đẹp và hiển hách lắm. Thử tưởng tượng, có ngôi trường nào như ngôi trường này: chỉ có 43 sinh viên, sau 30 năm chiến đấu thì đã có 8 người được phong tướng, trong số đó Huế chiếm một nửa, đó là Trung tướng Cao Văn Khánh, Thiếu tướng Võ Quang Hồ, Thiếu tướng Đoàn Huyên và Thiếu tướng Mai Xuân Tần... chưa kể hai người sáng lập Trường là Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu đều là Bộ trưởng.

Riêng Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, theo những bài viết được đăng tải trên chuyên đề số 364 của Tạp chí Xưa & Nay thuộc Hội khoa học Lịch sử Việt Nam (số 364) thì ông là nhà tham mưu chiến lược của quân đội ta. Xuất thân trong một gia đình trí thức ở Huế, đỗ cử nhân luật nhưng không hành nghề luật sư mà trở thành nhà giáo. Sau khi theo học ở trường Thanh niên tiền tuyến, ông tham gia Nam tiến và trở thành Khu trưởng khu 5 từ năm 1947. Năm 1949 được điều ra Bắc làm Đại đoàn phó 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Trong những năm chống Mỹ, ông có mặt ở Nam bộ, Tây Nguyên và tiếp đó làm Phó tư lệnh Quân khu Trị Thiên - Huế, rồi tư lệnh mặt trận B70 (Trị Thiên) tham gia các chiến dịch lừng danh Khe Sanh, đường 9, Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị, Cửa Việt. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, ông trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội, trợ thủ đắc lực của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Ngoài những vị tướng, từ Trường Thanh niên tiền tuyến còn có những con người khá đặc biệt, ví như ông Đặng Văn Việt, người tham gia treo cờ Việt Minh lên kỳ đài Huế năm xưa, khi 27 tuổi đã được cử làm trung đoàn trưởng chủ lực đầu tiên ở chiến trường Cao - Bắc - Lạng. Tên tuổi của ông gắn liền với chiến tích của quân đội ta trên đường số 4, đến nỗi địch mệnh danh ông là “hùm xám”, “vua đường số 4”. Trong suốt 3 năm, từ 1947 - 1950, trên đường số 4, Đặng Văn Việt đã tổ chức nhiều trận phục kích và đánh đồn, làm cho địch hoang mang, kiếp sợ, làm cho đường số 4 bị tê liệt. Do tầm quan trọng của nó nên trong bộ sách: “Những trận đánh lớn trong lịch sử” do Pháp xuất bản, họ đã bình luận về trận đường số 4 như sau: “Đây là trận thua lớn nhất trong chiến tranh thuộc địa Pháp từ khi tướng Montcalm thua Anh và chết ở Canada năm 1759.”

Khi xem hai bức ảnh được đăng trong cuốn Tổng hành dinh trong Mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tình cờ ông Vĩnh Mẫn phát hiện điều thú vị là tại Tổng hành dinh ở Hà Nội những người sát cánh bên cạnh Đại tướng Tổng tư lệnh là Cao Văn Khánh và Lê Hữu Đức, còn ở Bộ chỉ huy tiền phương của chiến dịch 1975 lại xuất hiện Võ Quang Hồ và Phan Hàm. Xin lưu ý những người mà ông Vĩnh Mẫn nhắc tên đều xuất phát từ lực lượng Giải phóng quân Thuận Hóa - 1945!

Từ cuộc hội ngộ này, hai mái đầu bạc chụm lại. Họ lên phương án, trù liệu các bước đi như chuẩn bị cho một trận chiến. Ông Lê Đình Bân nhận lãnh trách nhiệm lên danh sách, tìm địa chỉ của các thành viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế - 1945, còn ông Vĩnh Mẫn tập hợp tư liệu viết bài về “vai trò những cán bộ quân chủ lực đầu tiên của Thừa Thiên Huế” để gửi cho các tướng lĩnh vốn xuất thân từ Trường Thanh niên Tiền tuyến hiện đang còn sống. Trong bài đánh máy dài đến 6 trang của mình, ông Vĩnh Mẫn nói rõ: “Không tái hiện và giải thích lịch sử hình thành Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế mà bước đầu chỉ tìm hiểu quá trình Đảng bộ địa phương Thừa Thiên Huế đã vận động tổ chức ấy và học viên ấy tham gia tích cực vào Mặt trận Việt Minh và trở thành lực lượng bán vũ trang của Việt Minh như thế nào?”. Để dễ hình dung, ngay từ năm 1993 ông Vĩnh Mẫn đã tóm tắt 10 nhiệm vụ mà đảng bộ Thừa Thiên Huế đã giao cho Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế trước, trong và sau Cách mạng tháng 8/1945.

Sau khi nhận bài viết của ông Vĩnh Mẫn, Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm và Thiếu tướng Cao Pha - hai cựu sinh viên của Trường Thanh niên Huế liền tìm đến gặp nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Anh. Đọc xong, ông Hoàng Anh xác nhận:

- Đúng hoàn toàn như thằng Mẫn viết. Nhờ hắn nhắc lại, mình mới nhớ thêm.

“Đối ngoại” đã phát tín hiệu tích cực, còn “đối nội” thì sao? Ông Vĩnh Mẫn xác định: phải tìm cách tiếp cận các vị lão thành cách mạng. Tư tưởng họ có thông, công việc của mình mới triển khai được thuận lợi. Một buổi sáng cuối năm 1993 ông tìm đến ngôi nhà mới xây ở đường Nguyễn Huệ, gần cung An Định - Huế. Cậy mình từng là người liên lạc cũ của chủ nhân, ông đẩy cửa bước vào. Tướng Lê Tự Đồng hỏi ông Vĩnh Mẫn:

- Có việc gì không Phan Thắng?

Vừa chìa bài đã đánh máy, ông Vĩnh Mẫn thưa:

- Em đã tập hợp những điều anh đã viết, nếu anh đồng ý thì ký xác nhận cho.

Đọc xong, Trung tướng Lê Tự Đồng ký ngay dưới ô đã đánh máy sẵn: Xác nhận về trường võ bị Thanh niên Tiền tuyến như nội dung trên.

Qua gần hai mươi năm, bây giờ đọc lại mới thấy cái cách làm khôn ngoan, lém lỉnh của ông Vĩnh Mẫn.

- Có mưu mẹo gì đâu, sau khi biết tin anh Hoàng Anh đã đồng ý về nội dung bài viết, để chắc ăn, mình nghĩ ngay đến Lê Tự Đồng, vì chính anh đã cùng với anh Hoàng Anh dự cuộc họp hợp nhất lực lượng Việt Minh Thuận Hóa vào Việt Minh Nguyễn Tri Phương và cũng chính anh là người tiếp nhận thành quả của Giải phóng quân Thuận Hóa (sau khi sát nhập, tháng 10/1945 mới mang tên Chi đội giải phóng quân Trần Cao Vân). Những nội dung mà mình soạn sẵn để đưa anh Lê Tự Đồng ký thực chất đã được anh Lê Tự Đồng kể lại trong cuốn hồi ký “Tình Dân biển cả” do NXB Thu- ận Hóa ấn hành năm 1993. Mình chỉ “biên tập” lại cho có lớp có lang để khi đọc ai cũng hiểu. (Hiện ông Vĩnh Mẫn còn lưu bản đánh máy gốc này).

Tương tự như thế, để từng bước công khai hóa vấn đề, ông Vĩnh Mẫn (đứng tên cùng Lê Đình Bân) đã viết bài với tiêu đề “Trường Thanh niên Tiền tuyến với việc xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng ở Thừa Thiên Huế năm 1945” gửi Tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đăng vào tháng 8/1994. Từ nội dung của bài báo công khai này, ông lại soạn thành bản báo cáo rồi trình cho Thiếu tướng Dương Bá Nuôi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Huế ký gửi các nơi. Bài viết gói gọn chỉ trong hai trang đánh máy nhưng nội dung của nó là khẳng định rõ vai trò của Thanh niên Tiền tuyến sau khi hoàn thành tốt 10 nhiệm vụ của đảng bộ Thừa Thiên Huế giao, là cơ sở để nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra nhận định: “Trong nghiên cứu lịch sử Cách mạng và yêu nước Việt Nam, tôi chưa hề gặp một ngôi trường nào mà trí thức có tinh thần Cách mạng cao, có chuyên môn giỏi và đồng đều như Trường Thanh niên Tiền tuyến. Đây không những là niềm tự hào của Thừa Thiên Huế mà của cả dải đất miền Trung thân yêu.”

Có “bửu bối” trong tay, hai ông Vĩnh Mẫn và Lê Đình Bân lên kế hoạch in sách. Để khách quan, Vĩnh Mẫn viết thư yêu cầu các cựu thành viên Trường Thanh niên Tiền tuyến hoặc người thân của họ “nhớ gì viết nấy”. Khi đã tập hợp gần đủ, từ đề cương của mình ông Vĩnh Mẫn chủ động viết thư hoặc trao đổi trực tiếp qua điện thoại yêu cầu họ viết kỹ từng vấn đề, sự việc để tránh trùng lặp. Trên thực tế, khi bắt tay vào việc không phải ai cũng sốt sắng, có vị giữ nguyên tắc, khi nào tổ chức yêu cầu mới viết hoặc có vị nói “chuyện đã cũ rồi, nhắc lại làm chi?”, thậm chí có vị còn nghi ngờ động cơ, vì người chủ trương ký tên Vĩnh Mẫn.

- Khi biết rõ mục đích của tụi mình, nhìn chung “các cụ” ủng hộ và tham gia nhiệt tình, thậm chí có cụ còn sẵn sàng ủng hộ mấy trăm ngàn hỗ trợ tụi mình in sách!

Kể đến đây, ông Vĩnh Mẫn đứng dậy tìm đến các bộ “ký sự bằng ảnh” của mình rồi cẩn thận rút ra từng lá thư một của các vị tướng như Võ Quang Hồ, Phan Hàm, Đoàn Huyên, Nguyễn Thế Lâm, Cao Pha... gửi cho ông. Trong hai lá thư mà GS. Thiếu tướng Đoàn Huyên gửi cho ông Vĩnh Mẫn, lá thư đầu đề ngày 20/6/1994 có đoạn: “Tôi cũng rất gắn bó với việc chung này, khổ nỗi phải gửi bài ra chậm, làm các anh sốt ruột đợi chờ, thúc giục là vì cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa rồi tôi bị ốm mất 20 hôm, đáng lẽ đã phải vào bệnh viện nhưng thấy bài viết chưa xong nên nấn ná đến nay bài viết xong mới đi được”.

Cũng cần nhắc lại trong một lần ra Hà Nội làm việc với TS sử học Nguyễn Văn Khoan để bàn về việc chuẩn bị in sách, ông Lê Đình Bân đã gặp Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc. Trước khi chia tay, ông Dương Trung Quốc lấy tấm danh thiếp của mình và ghi lên đó: “K/g anh Vương Hồng: Anh cố gắng giúp anh em Trường Thanh niên Tiền tuyến cũ làm một tập sách về lực lượng vũ trang đầu tiên của Thừa Thiên Huế. Đó cũng là lực lượng anh em trí thức, hướng đạo sinh, thanh niên Phan Anh... Mong anh giúp. Ngày 19/2/1994”.

Dĩ nhiên sự nhờ cậy đó không được chuyển đến vị giám đốc của Nhà xuất bản Thuận Hóa bởi thời đó họ được tư vấn rằng nếu in ở đó thì rất khó phát hành ra thế giới!

Tôi hỏi ông Vĩnh Mẫn:

- Vì sao các vị lại mời TS. Nguyễn Văn Khoan tham gia làm sách?

- Đơn giản vì anh Khoan là người Huế, bạn của mình từ khi hai đứa còn là học viên của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa V- Khóa chuẩn bị tổng phản công chống Pháp 1949 - 1950 và gắn bó với nhau cho đến bây giờ.

Do phải chờ bài cuối cùng của Thiếu tướng Đoàn Huyên gửi ra vì sách không thể thiếu nội dung “phản ánh hoạt động chiến đấu của giải phóng quân Thuận Hóa khi Nam tiến” nên mãi đến tháng 10/1994 NXB Lao Động mới in xong cuốn Giải Phóng Quân Huế 1945. Họa sỹ Mai Văn Hiến, một trong những sinh viên mỹ thuật Đông Dương còn sót lại xung phong xin vẽ bìa.

Mặc dù không kịp phát hành vào dịp kỷ niệm thành lập Giải phóng quân Thuận Hóa (6/9/1945) nhưng sự xuất hiện của cuốn sách đã làm xúc động giới trí thức Huế.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Trong lịch sử Quân đội ta, ít có ngôi trường nào mang những đặc điểm kỳ lạ như “Trường Thanh niên Tiền tuyến” Huế. Nó là thao trường của một thế hệ trí thức yêu nước, đào tạo ra lớp cán bộ chỉ huy đầu tiên của giải phóng quân Thừa Thiên Huế. Những nhà sáng lập (Phan Anh, Tạ Quang Bửu) thực ra đã nhằm một mục đích dân tộc lớn lao chứ không phải đào tạo cho sĩ quan quân đội thân Nhật... Dù chỉ một thời gian ngắn ngủi để thu thập kiến thức quân sự, nhưng nhờ thông minh tính trời hòa nhập vào trí khôn đánh giặc của nhân dân, các sinh viên Thanh niên Tiền tuyến đã lập nên những chiến công kỳ lạ ngay từ những phút mở màn của lịch sử giành chính quyền Cách mạng. Các sự kiện khi đó quả thực có tầm vóc lịch sử đã được kể một cách khiêm tốn như kỷ niệm một thời trai trẻ của những sinh viên Thanh niên Tiền tuyến mà giờ đây đã trở thành những tướng lĩnh và chỉ huy những binh đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Sau khi đọc một loạt bài đăng các báo viết về Trường Thanh niên Tiền tuyến, do “thấy ngỡ ngàng về những chiến tích của ngôi trường này” nên mãi đến tháng 8/2005 anh Phan Tân Hội (con luật sư Phan Anh) mới tìm về Huế với quyết tâm tìm cho bằng được “nhân vật sống của lịch sử” là ông Lê Đình Bân.

Qua ông Lê Đình Bân, anh Phan Tân Hội lại càng nể phục khi cầm cuốn sách Giải phóng quân Huế 1945 do chính ông tài trợ để in.

Đọc xong, điều mà tôi rất tâm đắc với cuốn sách ở chỗ: ngoài bìa thì nói Giải phóng quân Huế nhưng trong ruột lại tập trung nội dung nói về Trường Thanh niên Tiền tuyến. Kiểu ngụy trang “cho hợp với hoàn cảnh này không khác gì cái cách ngụy trang của ngôi Trường Thanh niên Tiền tuyến ngày xưa - “xanh vỏ nhưng đỏ lòng”.

Anh Phan Tân Hội nhớ lại:

- Khi tôi hỏi ông Lê Đình Bân ai là người biên tập cuốn sách?

Ông Lê Đình Bân trả lời: “Thằng Phan Thắng chứ ai, nó tên thật là Vĩnh Mẫn, khi đi bộ đội lại được đổi tên thành Phan Thắng. Nhà nó hiện ở kiệt 11 đường Nguyễn Sinh Cung”.

Từ cơ duyên đó, kể từ cuối năm 2005, Phan Tân Hội đã có thêm “người bạn già” là Vĩnh Mẫn và chính ông đã tiếp lửa, tạo thêm động lực để Ban liên lạc Trường Thanh niên Huế tiếp bước cho ra đời cuốn sách dày gần 450 trang mang tên “Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế - 1945 - Một hiện tượng lịch sử”. Sách do NXB Công an Nhân dân ấn hành năm 2008.

Không chỉ thông qua sách, báo để công khai vấn đề Thanh niên Tiền tuyến mà trước đó, ngày 20/4/1994, biết đồng chí Vũ Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đang dự họp ở Mang Cá để giám định tập lịch sử về lực lượng vũ trang tỉnh nhà, ông Vĩnh Mẫn đã nhờ bạn mình là ông Mai Duy Hồ, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy tức tốc mang mấy dòng mà ông ghi vội có liên quan đến Trường Thanh niên tiền tuyến đề nghị chỉnh sửa vì nó không đúng với bản chất của vấn đề .

Theo Mai Duy Hồ thuật lại, sau khi tiếp nhận thông tin “Anh Vũ Thắng nói với hội nghị: “Anh Phan Thắng đã nghiên cứu kỹ và có ý kiến, đề nghị anh Lý (Nguyễn Xuân Lý, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn lúc đó) cho điều chỉnh để phù hợp với lịch sử.”

Tháng 9/1994 cuốn sách “Thừa Thiên Huế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954” được xuất bản. Lần đọc, ông Vĩnh Mẫn mãn nguyện khi những góp ý trực tiếp của mình đã được Đảng bộ tôn trọng và ghi nhận. Tại trang 39, cuốn sách đã khẳng định: “Tháng 6/1945, chính phủ Trần Trọng Kim lập Trường Thanh niên Tiền tuyến với khung 4 người và 43 học viên. Trong số học viên có một số là cơ sở Việt Minh. Trường Thanh niên Tiền tuyến đã hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Nhiều người đã tham gia cách mạng, trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và quân đội như các đồng chí Cao Văn Khánh, Phan Tử Lăng, Lê Khánh Khang... một số đã hy sinh anh dũng từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.” Riêng câu “tiếp quản trung đoàn Bảo an binh Trung bộ và Trường Thanh niên Tiền tuyến” mà ông Vĩnh Mẫn kiên quyết đề nghị loại bỏ đã được thực hiện.

Một tháng sau, tháng 10/1994 như đã đề cập ở trên, cuốn sách “Giải phóng Huế 1945” ra đời. Ông Vĩnh Mẫn từng tâm sự: “Bảo vệ sự thật là điều rất khó, nhưng khó cũng phải làm.”

Kể từ khi nghỉ hưu, nhờ có thời gian, ông Vĩnh Mẫn đã tham gia nhiều công trình. Ngoài vấn đề về Trường Thanh niên Tiền tuyến như đã giới thiệu, năm 2011, NXB Hội Nhà văn đã in cuốn sách “Cổ tích tàu không số” của nhà văn Ngô Minh. Trong buổi ra mắt ở nhà sách Phương Nam tại Huế, tác giả của cuốn sách giới thiệu ngắn gọn về vai trò của ông Vĩnh Mẫn: “Những điều tôi viết trong cuốn sách này về những con tàu không số trên biển Đông một thời oanh liệt là nhờ ông Vĩnh Mẫn, một kho tư liệu sống, người dẫn chuyện say sưa và chí tình để có những trang viết chân thật đến bạn đọc”.

Vì những trang sử đẹp đầy hào hùng của đất nước, nhà sử học không chuyên Vĩnh Mẫn lặng lẽ đóng góp công sức và trí tuệ làm sáng tỏ nhiều điều của quá khứ, một nghĩa cử hiếm hoi đáng nể trọng của một người con xứ Huế.

P.H.T
(SH286/12-12)










 

Các bài mới
Mùa Đông Huế (26/12/2012)
Các bài đã đăng