Tạp chí Sông Hương - Số 286 (T.12-12)
Trang trại Hoa hồng
10:01 | 24/12/2012

ĐỖ KIM CUÔNG
          Trích tiểu thuyết

LTS: Trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc đằng đẵng 30 năm, có những anh bộ đội Cụ Hồ trở thành những vị tướng, những người anh hùng được vinh danh trong những ngày chiến thắng… Nhưng còn cả cả triệu người lính sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, may mắn sống sót trở về lại sống trong cuộc sống đời thường lam lũ, nghèo khó.

Trang trại Hoa hồng
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Còn có cả những người lính hi sinh, hoặc do hoàn cảnh nghiệt ngã, khốc liệt của cuộc chiến, cuộc đời của họ kém may mắn phải trải qua những thử thách đầy éo le, phức tạp… Nhưng họ vẫn phải sống và tự khẳng định mình. Và chỉ có bản chất dũng khí của người lính cách mạng, tình yêu, sự chân thành, sự may mắn và luôn tin vào những giá trị tốt đẹp của con người mới giúp họ vượt qua mọi thử thách… Cũng chỉ có tấm lòng bao dung của người mẹ mới đủ niềm tin ở con. Những người mẹ ấy sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình, chịu mọi sự đau đớn, oan trái của cuộc đời, vượt qua chông gai để đi tìm sự thật. Trang trại Hoa hồng là cả một câu chuyện dài về số phận một người lính giải phóng sau chiến tranh. Có thể bạn đã nghe nói đâu đó về cuộc đời của những người lính không may mắn này... Sông Hương xin trân trọng giới thiệu Chương 5 phần II trong cuốn tiểu thuyết trên của nhà văn Đỗ Kim Cuông đến bạn đọc.

Những năm học Đại học ở Huế, vào ngày nghỉ, tôi thường theo xe đò về huyện Hương Trà chơi, thăm lại đám bạn bè cũ. Mới chỉ một vài năm sau ngày giải phóng, cuộc sống thời chiến tưởng như đã lùi vào quá khứ… Những ngày hòa bình đầu tiên công việc bộn bề, cuốn hút mọi người. Trăm thứ việc cần giải quyết. Việc nào cũng mới mẻ, phức tạp trong đời sống dân sự hàng ngày. Ở đây, tôi có nhiều bạn bè quen biết trong chiến tranh, sống chết với nhau một thuở, vậy mà tôi đi tìm gặp lại những người quen cũ thật khó. Đến công sở, tôi như kẻ đi lạc vào một phiên chợ quê, ngơ ngác giữa đám bàn ghế lổng chổng trong lều chợ.

Cả một đội quân cán bộ huyện xã ngày trước đông là vậy, cứ mỗi buổi chiều về làng đi mua gạo, đậu phộng, không gặp địch chốt ở cửa rừng là mọi người đã có thể gặp nhau trò chuyện ở một địa điểm gọi là Miếu Trâu, chờ đến đêm tối thì kéo nhau về làng. Bây giờ hòa bình rồi, không thể còn tụ tập đông vui như vậy nữa. Từ anh cán bộ huyện cho đến chị du kích đều có vai có vế trong bộ máy chính quyền cách mạng. Một số người đóng vai trò chủ chốt trong huyện ủy, UBND huyện, huyện đội. Một số về làm bí thư, chủ tịch các xã. Một số khác được cấp trên rút về công tác ở tỉnh, thành phố. Các lớp học bổ túc về chính trị, về chính sách của Nhà nước cách mạng được mở ra để bồi dưỡng cấp tốc cho cán bộ, đảng viên. Một số khác được cử đi học bổ túc văn hóa cho đủ trình độ phổ cập cấp 1, cấp 2, cấp 3. Một bộ phận cán bộ được Trung ương điều động đi cải tạo công thương ng- hiệp tư bản, tư doanh trong vùng Mỹ, ngụy kiểm soát trước đây, rồi chuẩn bị cho việc xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp ở nông thôn. Hầu hết những sĩ quan ngụy, công chức trong chính quyền cũ đã có lệnh đi học tập cải tạo. Không khí trong các làng xã oi bức, căng tức. Người dân lắng tai nghe ngóng những lệnh mới được ban ra từ chính quyền cách mạng. Ở một vài vùng trọng điểm ven biển đã xuất hiện những cuộc người dân rủ nhau di tản ra nước ngoài. Còn ở những cơ quan chính quyền cách mạng, cán bộ họp tối ngày. Các bàn máy chữ khua vang để kịp cho ra đời những văn bản, chỉ thị mới.

Tôi rời quân ngũ về làm anh học trò đi học xem ra lạc lõng giữa đám bạn bè. Nhiều khi gặp được họ cũng khó. Tôi vẫn còn nhớ cậu Kỳ, một thanh niên mới rút lên núi trong đợt bộ đội KX phối hợp với đội biệt động xã Hương Thạnh về đánh ấp La Chử năm 73 rút lên núi. Sau khi được huấn luyện vài tháng, bây giờ về làng, Kỳ đã là anh xã đội trưởng. Anh Có, anh Đoản, những cán bộ biệt động nổi tiếng của thành phố nay được điều về công tác tại thành phố. Ngọc Anh, một anh bạn từng chết hụt với tôi ở dốc Đất Đỏ, sau 3 năm học trường An ninh nay đã là trưởng công an huyện. Vào năm 1976, đất nước thống nhất, chủ trương của trên cho hai, ba tỉnh nhập một; vài ba huyện thành một huyện lớn hơn, dân số hàng chục vạn người. Cái ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng cả nước thành 500 pháo đài để bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội đang dần trở thành hiện thực.

Thủ trưởng Bậu của tôi vốn là tiểu đoàn trưởng KX ngày trước đang công tác tại Ban tham mưu Thành đội. Theo yêu cầu của cấp trên, ông được điều về giữ chức huyện đội trưởng. Ông Bậu bao năm xa KX nhưng vẫn không quên tôi. Tôi vốn là anh lính trinh sát của tiểu đoàn thường đi bảo vệ ông mỗi lần vượt sông Bồ hoặc vượt đường 12 sang cơ quan tỉnh đội để họp. Nhiều lần, chúng tôi cùng ông Bậu bò vào bám các căn cứ Chóp Nón, đồi Chổi, Tứ Hạ..., đưa đường cho ông về làng La Chử, Phụ Ổ, Văn Xá đuổi đánh tụi dân vệ nghĩa quân. Nếu không gặp địch, ông tạt qua làng Thanh Lương thăm mẹ già và bà con cô bác. Cũng bởi ông đi theo cách ma- ng từ những năm chống Pháp, gia đình là cơ sở cách mạng nên bà mẹ và bà con họ mạc luôn bị chính quyền ngụy gây phiền hà. Có lần, bà mẹ bị bắt đưa về quận tra khảo. Năm 1954, ông Bậu theo bộ đội tập kết ra Bắc. Năm 1962, ông được cấp trên bí mật đưa về Nam. Sau ngày giải phóng, gia đình ông mới được đoàn tụ. Mặc dù gia đình ông có nhà ở Huế, hàng ngày, ông Bậu vẫn ở lại huyện, ăn ngủ tại cơ quan huyện đội. Một cậu công vụ lo cơm nước giặt giũ áo quần cho ông, chỉ khi nào có việc họp hành ở thành phố, ông Bậu mới về thăm vợ con.

Nhà khách của huyện đội thành nơi trú ẩn của tôi để trốn những bữa cơm sinh viên trong cư xá Đội Cung. Về chơi với ông Bậu, tôi được ông cho ăn cơm cùng mâm, ở cùng nhà. Lâu lâu ông lại sai tôi phóng xe máy ra chợ An Hòa hoặc về Hiền Sĩ mua rượu, mực, thịt chó về nhậu. Bao năm ở rừng, ông Bậu vẫn không quên thói quen nằm võng. Chiếc võng may bằng vải simily pha ni lông hai lớp. Tối ngủ, trời lạnh ông trùm thêm tấm dù hoa, ghệ đầu lên mép võng nằm nghe đài Hà Nội và đài BBC. Nếu không, ông lại tấu lên bổn kịch cũ. Ấy là ông kể cho tôi nghe chuyện những ngày ông ra miền Bắc tập kết, đi học trường quân chính. Chuyện ông đi hái sấu, hái trộm dưa của người dân ở ngoài bãi sông Hồng. Rồi chuyện ông đi tán các cô gái ở Hà Nội. Chuyện ông Bậu lấy vợ. Nhưng có lẽ say sưa nhất vẫn là chuyện những ngày ông làm đại đội trưởng rồi lên cán bộ tiểu đoàn của KX đưa bộ đội về đánh giải phóng Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Hai mươi sáu ngày đêm chốt giữ Cố đô Huế, chặn đánh tàu địch trên sông Hương… Rồi ông kể cho tôi nghe về làng Thanh Lương của ông với những kỷ niệm ấu thơ êm đềm, ngọt ngào của tuổi hoa niên. Đã có lần đại đội của tôi đi theo ông về diệt đại đội bảo an ở Văn Xá làng. Bữa ấy không có địch. Được thể, chúng tôi xộc thẳng về làng Thanh Lương đánh nghĩa quân diệt ác, trừ gian, rải truyền đơn của Mặt trận. Trung đội địch chốt ở chợ mới nghe thấy tiếng B40 nổ, biết có chủ lực quân giải phóng về làng chúng đã bỏ chạy. Bộ đội, du kích vào được dân mua gạo, mì chay, đường sữa, kẹo muga, thuốc lá xả láng.

Trong vòng ba tiếng làm chủ làng Thanh Lương, tôi đã có dịp quan sát toàn cảnh ngôi làng. Nằm dọc bên sông Bồ, làng đẹp, rợp bóng tre xanh và dừa. Ở các Phe Nhất, Phe Nhì, Phe Ba được bao bọc bởi những vườn cây ăn trái men theo con đường làng ra ngoài sông. Thoang thoảng mùi hoa cau, hoa nhài tỏa ra từ những ngôi nhà vườn ngập tràn ánh trăng hạ tuần. Biết có bộ đội về làng nhưng địch vẫn không bắn pháo. Chỉ thỉnh thoảng, chúng bắn ít đạn cối lên chặn phía ngả rừng. Ở căn cứ Tứ Hạ, lâu lâu, địch lại bắn lên trời những trái pháo sáng.

Thủ trưởng Bậu của tôi say sưa kể chuyện KX và chuyện làng Thanh Lương của ông. Lâu lâu ông lại rằng:

- Bữa mô về Huế, mi ghé nhà qua chơi. Mi ưng con gái qua, qua gả cho.

Câu chuyện của ông Bậu chỉ kết thúc khi nào tôi nghe thấy tiếng ông ngáy. Tôi nhìn sang, thấy điếu thuốc rubi ông vẫn cầm trên tay, tàn rơi trắng dưới đất.

Cũng trong một buổi tối như vậy, tôi về thăm ông Bậu. Cơm chiều xong, ông kéo tôi ra chiếc bàn đá đặt ngay dưới gốc cây phượng. Cậu cần vụ đã chuẩn bị sẵn cho thủ trưởng một ấm trà. Ông nghiện trà nhưng chỉ uống độc hai thứ: trà Hồng Đào bao bạc dành cho cán bộ cao cấp hoặc trà Bơ Lao của Bảo Lộc. Sau một li trà đậm, ông Bậu rút bao rubi và cho tôi một điếu. Đang uống nước, hút thuốc, chợt ông Bậu hỏi tôi:

- Này, mi còn nhớ thằng Đệ, đại đội phó C3 không?

Tôi ngớ ra: - Thằng Đệ chết rồi, hi sinh ở Bầu Tháp, thủ trưởng không nhớ sao?

Ông Bậu nhìn tôi: - Sao qua lại không nhớ thằng Đệ! Qua là người đề nghị với trung đoàn đề bạt nó chớ ai.

Tôi nhắc lại cho ông Bậu nhớ: - Sau trận ấy, đại đội 3 đã làm lễ truy điệu cho anh Đệ dưới chân dốc Đoác, có cả thủ trưởng Ngạn dự. Hôm sau, tiểu đoàn bộ họp quân chính, bị tụi thám báo Mỹ phát hiện, gọi máy bay ném bom vào hậu cứ. Thằng Nam, lính công vụ cho thủ trưởng bị bom mất xác. Thủ trưởng có nhớ không?

Giọng ông Bầu trầm đục:

- Sao qua lại không nhớ được! Nhưng là chuyện như ri mi ơi. Bữa hôm rầy, qua tình cờ gặp được một bà cụ từ ngoài Bắc vô. Bà cụ ăn mặc rách rưới lắm, lại đói nữa. Bà được mấy anh bộ đội cho đi nhờ xe, đến ngang huyện thì bà cụ xin xuống và hỏi đường về cơ quan huyện đội. Qua hỏi chuyện thì mới biết, bà cụ là mẹ đẻ của cậu Đệ, đại đội phó C3. Trong cái tay nải đựng quần áo của bà qua nhìn thấy cả tấm ảnh và giấy tờ báo tử của cậu Đệ.

Ông Bậu ngừng kể nhìn tôi. Ánh mắt ông vẫn ánh lên vẻ tinh anh của vị tiểu đoàn trưởng ngày nào mỗi khi nghe cánh trinh sát báo cáo tình hình địch. Nhìn ánh mắt ông, đố anh trinh sát nào nói dối được. Trước mặt ông Bậu, những anh trinh sát hèn nhát và lười biếng không thể có chuyện dối trá. Mỗi khi bò vào căn cứ địch, có mấy lớp hàng rào, hỏa lực của địch nằm ở đâu, loại súng gì phải về báo cáo thật với ông Bậu. Nói dối sẽ bị ông trị thẳng cánh. Và cánh trinh sát hãy coi chừng. Chính những anh lính trinh sát sẽ phải cùng ông bò vào cứ điểm tối hôm ấy.

Nhả khói thuốc rubi, ông Bậu bảo tôi:

- Hóa ra, đại đội 3 và tiểu đoàn ta có khuyết điểm thật cậu ạ. Khuyết điểm nặng. Trận đánh về xóm mới Bầu Tháp, cậu Đệ đâu có chết. Sau khi trái mìn clâymo của địch cài trên đường sắt nổ, ta tưởng cậu Hoàn, cậu Khoản và cậu Đệ hi sinh. Cánh trinh sát đã đi tìm lại nhưng không thấy xác Đệ, tưởng cậu ấy mất xác nhưng không phải.

- Sao thủ trưởng tin chắc anh Đệ vẫn còn sống?

Tôi ú ớ hỏi và thấy có sự lắt léo trong câu chuyện cũ về người chỉ huy đại đội 3 đã hi sinh từ 7 năm nay.

- Vậy mới có chuyện…

Và ông Bậu tặc lưỡi: - Vậy mới là cuộc đời… chớ đâu có phải thẳng nuột như mỗi lần tôi lên giảng nghị quyết để các cậu ngồi nghe cho sướng rồi vỗ tay.

Trong cái buổi chiều chạng vạng ấy, ông Bậu đã kể cho tôi nghe chuyến hành hương hơn 600 cây số của bà cụ Mít ở làng Lôi đánh đường vào Huế tìm con. Trong túi bà cụ không có một hào, chỉ một vài vắt cơm nắm của những anh bộ đội và một vài người dân tốt bụng gặp được ở dọc đường. Bà mẹ làng Lôi đi tìm con trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng chỉ với một lí lẽ: coi thử anh con trai của bà đã chết thật hay sống giả? Lời cầu khấn trời Phật đêm đêm của cụ Mít là: con trai bà dù có phải chịu cảnh đui què mẻ sứt, miễn sao vẫn còn sống để mẹ con còn có dịp gặp nhau. Con trai bà dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa bà cũng sẵn sàng chịu đựng. Bà chết cũng an lòng.

Đấy là câu chuyện ông tiểu đoàn trưởng Bậu kể cho tôi nghe vào một ngày thu năm 1976. Chính ông cũng không nghĩ rằng, có lúc, ông lại trở thành một anh lính trinh sát bất đắc dĩ, đơn độc một mình suốt mấy tháng trời đi quanh các xã Hương Thạnh, Hương Vân, Hương Thái, Hương Xuân, Hương Vinh, những dải làng ven sông Bồ để truy tìm cho ra tung tích của anh Đệ. Trong những chuyến đi ấy, ông Bậu lặng lẽ đi một mình, chẳng có anh trinh sát tiểu đoàn nào đi theo ông cả. Bữa ông đi xe U oát của cơ quan huyện đội, có ngày ông cưỡi xe honda. Mỗi lần về huyện ủy họp ông đều tìm gặp anh Có, anh Đoản, anh Diên, anh Sửu, Ngọc Anh, Lành… và có lần hỏi cả chú Sáu Thọ Hường - một thành ủy viên lâu năm nằm chốt ở đất Hương Trà truy tìm cho ra tung tích Đệ. Chỉ đến khi ông Bậu tìm về quán Mụ Triệu - một cơ sở mật của đường dây thành ủy - người trong gia đình mới cho hay một vài tin không chắc chắn. Đã nhiều lần, vào lúc rảnh rỗi, ông Bậu dừng lại ở bãi mồ mả có rặng thông phía sau làng xóm mới Bầu Tháp quan sát lại địa hình. Ông đi lại hàng chục lần trên đoạn đường quốc lộ chạy song song phía trước mặt làng Bầu Tháp để giả định những ngả đường có thể sau lúc bị thương, Đệ trú ẩn. Chỉ sau ngày giải phóng ít tháng, dân làng đi lánh giặc nay quay về làng cũ, khai khẩn ruộng vườn bỏ hoang, cảnh vật thay đổi hẳn. Cây cỏ, bờ mương, những bãi mồ mả nằm lẩn khuất sau các bụi dứa dại như thể đánh đố ông. Những ngày tháng ấy, bà Mít trở thành người phục vụ không chính thức của cơ quan quân sự huyện đội. Bà vốn là người đảm đang, hay lam hay làm, dẫu không ai phân công cắt việc nhưng hàng ngày bà tham gia vào tổ phục vụ nuôi quân. Bà nhặt rau, vo gạo, trông củi lửa cho chiếc bếp Hoàng Cầm, rửa chén đĩa, xoong nồi cho bếp ăn huyện đội. Mấy cô bộ đội mới nhập ngũ sau ngày 30/4 suốt ngày kêu bà Mít bằng mẹ. Các cô gái còn trẻ đáng tuổi con cháu nhưng biết hoàn cảnh của bà đầy éo le, trắc trở, các cô ra chợ trời Tây Lộc mua vải về may áo quần cho mẹ Mít. Cứ quãng 4 giờ sáng, khi tiếng chuông nhà thờ ở làng Dương từ xa vọng tới, những anh bộ đội gác đêm đã thấy bà Mít trở dậy, nhóm lửa nấu cơm sáng cho cả đơn vị. Câu chuyện về người con trai của bà Mít, một chỉ huy cũ của KX hi sinh trong trận đánh về Bầu Tháp, huyện nhiều người biết. Nhưng chuyện anh Đệ còn sống, lại trở thành sĩ quan ngụy ra trình diện ở Sài Gòn, thằng Ca đưa chuyện về làng và gia đình bà Mít bị tước bằng liệt sĩ thì chỉ có mình ông Bậu hay. Ông vốn là người nhạy cảm chính trị, sống lâu năm trong vùng tranh chấp giữa ta và địch, ông luôn lấy chữ thận trọng đặt lên hàng đầu. Thực sự, hình ảnh của Đệ đã mờ nhạt trong tâm trí ông, ông không thể nhớ hết được những người cán bộ, chiến sĩ của KIV, KX ở công trường V đã cùng tham gia với ông đánh hàng trăm trận giải phóng vùng cát Phong Quảng, Phú Vang từ những năm 1963. Hai đợt ông chỉ huy KX về đánh trong chiến dịch Mậu Thân ở Huế, bộ đội hi sinh biết mấy. Về sau, anh Sửu huyện đội phó nhắc chuyện của Đệ ông mới nhớ đến anh đại đội trưởng đại đội 3 đã có lần dìu ông vượt phá Tam Giang, phá vây để lên rừng sau lần tổng công kích về Huế lần thứ 2 không thành. Và lần cuối cùng ông gặp Đệ là lần tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy đại đội 3 đánh tụi bảo an ở Bầu Tháp. Trận ấy, Đệ đã không trở về.

Cho đến một ngày, có người mách ông Bậu tìm về làng Dương để gặp cụ phó Đến. Cụ phó Đến ngày trước cũng đã từng là ấp phó trong chính quyền ngụy, nhưng cụ lại là cơ sở mật của một đầu mối trong cơ quan thành ủy cắm ở vùng sâu. Cụ không phải là nhân vật chủ chốt và cũng không tham gia công tác cách mạng liên tục cho đến ngày giải phóng nên ít người nhớ. Làng Dương có nhà thờ. Cả làng theo đạo, một pháo đài bất khả xâm phạm của Việt cộng từ thời Ngô Đình Diệm. Việc cụ phó Đến là cơ sở ở vùng sâu lại nằm trong chính quyền của ngụy, địch không ngờ tới. Công việc của cụ là lâu lâu về Huế, ghé một tiệm cà phê gặp người của ta cung cấp thông tin, tình hình hoạt động của các đơn vị địa phương quân đóng trong vùng và những âm mưu thủ đoạn của địch tại các xã đồng bằng chống lại cách ma- ng. Sau ngày giải phóng, cụ phó Đến cũng được triệu tập đi học tập cải tạo vài ngày. Cụ Đến đã khai báo cụ thể, có người xác nhận, cụ được cho về. Cụ tuổi đã cao, sức yếu, lại là người có đạo, sau cách mạng, cụ cũng không tham gia vào chính quyền cách mạng. Chỉ có điều, chuyện tình của cô con gái với Đệ, cụ giấu biệt. Có thể, cụ phó Đến cũng không mấy hài lòng cho mối lương duyên bất cập ấy. Nhưng mọi sự đã rồi. Cụ không thể thuyết phục được cô con gái. Cũng như cuộc đời cụ, một anh con trai có đạo, trót đem lòng yêu cô gái làng bên theo đạo Phật. Hương Giang, con gái cụ, có tính cách quyết liệt hệt như cụ ngày còn trẻ… Cụ phó Đến cũng giấu luôn cả chuyện mua giấy tờ giả để thay tên, cải họ cho Đệ để đôi vợ chồng trẻ, không cưới xin, bí mật đưa nhau vào Nam tránh tai mắt của tụi tề ngụy ở làng.

Ông Bậu tìm đến nhà cụ phó Đến. Cũng phải mất một vài lần, cụ Đến mới có đủ độ tin cậy để bộc bạch tâm can. Vào những ngày đầu giải phóng, vui thì có vui, nhưng những người dân lành quen sống trong vùng “phía bên kia” có phần e sợ cộng sản. Bài học những năm “Mậu Thân” vẫn còn nhỡn tiền ra đó. Cười vui nổ như sấm rền. Cờ nửa xanh, nửa đỏ phấp phới trong đại nội, trên những đình làng vừa giải phóng. Dân các làng đổ xô ra đón bộ đội giải phóng về làng, vắt cơm, đùm gạo nuôi bộ đội. Ấy vậy mà mấy ngày sau súng lại nổ dữ dội. Các sư đoàn lính thiện chiến của quân đội Mỹ, ngụy Sài Gòn sau đòn đánh phủ đầu kịp bừng tỉnh, hồi sức chống trả quyết liệt. Bom dội vào thành nội, khu Mang Cá. Lính Mỹ của sư đoàn kị binh bay số 1 nổi tiếng kiêu hùng phối hợp cùng các sư đoàn I chiến thuật tấn công vào tuyến phòng thủ của bộ đội giải phóng ở mặt trận Huế. Các ông lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy và cả ông Bậu cay đắng nhìn hàng chục cơ sở mật cài cắm ở các nơi suốt mười mấy năm qua bị lộ. Người bị bắt, kẻ bật lên xanh. Đại đội 1, đại đội 2, đại đội 3, đại đội 4 của tiểu đoàn KX sau những ngày căng sức chống trả địch giữ từng căn nhà, góc phố, từng bờ tre, bãi mồ mả, ở Huế, ở Phú Vang, Phong Quảng… Khi không còn đủ sức nữa, đành vượt Phá Tam Giang trở lại với rừng.

Vào những năm “68, 69” ấy, các làng, xã ven đô Huế căng như sợi dây đàn. Suốt ngày lính bảo an, dân vệ chà xát, dồn dân lập “ấp Tân sinh”. Đến đêm, “lính mũ nồi xanh” kết hợp với lính địa phương quân gài mìn, giăng bẫy đón lỏng bộ đội, du kích về làng. Chúng thừa biết bộ đội, du kích đang bị đói. Lính Mỹ đang càn mạnh ở miền Tây ra cả đường tuyến, thọc cả vào các kho gạo, kho đạn đập phá. Lính tiểu đoàn 439, bộ binh của Hà Nội kết nghĩa với Huế sau những ngày đánh chống càn, bộ đội bị thương, hi sinh, một số sốt rét, chết đói nằm trên võng dọc đường.

Cả tiểu đoàn chỉ có hơn 200 quân của KX mà ông Bậu, ông Duy, ông Ngạn còn lo kiếm gạo nuôi quân khốn khổ. Nhưng điều quan trọng hơn cả, là giữ cho được lòng tin của người lính đứng trên vùng giáp ranh không ngã lòng buông xuôi. Đã có lúc, đại úy Lê Văn Duy, chính trị viên tiểu đoàn X đã phải khóc trước hàng quân mà nói rằng: “Dù có phải thành vượn, thành duộc thì chúng ta cũng phải giữ cho được giáp ranh. Còn đứng chân được ở đây là còn đường về với dân. Máu của mỗi đồng chí ta đổ ra trong cuộc chiến đấu này không hề uổng phí, tô thắm ngọn quân kì của Tổ quốc. Máu của ngày hôm nay, anh em ta đổ ra ở Thành Nội, ở Phú Vang, Phong Quảng, Hương Trà, Hương Thủy... làm nên chiến thắng ngày mai”.

Đã bao năm, người chép lại những dòng này, trong mỗi chuyến đi về Thanh, Nghệ luôn dò hỏi tìm tông tích ông Duy coi thử ông còn sống hay đã mất. Ông Bậu, dù nay đã là người thiên cổ, trong cái đêm ngồi kể chuyện cho tôi nghe về bà mẹ làng Lôi đi tìm con, cũng không biết tin tức. Có người bảo ông Duy đã mất vì bị ung thư gan. Nhưng cái âm điệu giọng Thanh Hóa của ông Duy như vẫn văng vẳng bên tai tôi.

Cuộc sống của người lính giải phóng còn như vậy, huống chi dân các xã vùng ven Huế, vùng Phong Quảng, Hương Trà. Có nhiều làng, dân không được ngủ lại trong đêm. Tối kéo nhau vào ấp chiến lược có lính canh chừng. Hèn gì ông Sáu Đến khi gặp một ông lãnh đạo cộng sản như thủ trưởng Bậu của tôi lại chả sợ. Khẩu K54 bao da bóng loáng kè kè thắt lưng, chiếc xắc cốt đen đeo bên vai; chân đi dép rọ Liên Xô, mũ cối Trung Quốc lấp lánh sao vàng, đi xe commăngca về làng.

Nhưng ông Bậu vốn là người chỉ huy làm dân vận giỏi. Và khi biết ông Bậu cũng là người Thanh Lương, ông mới dám kể chuyện Đệ. Chính tại đây, ông Bậu mới được nghe câu chuyện của cụ Sáu Đến kể về việc cứu chữa thuốc men cho Đệ. Ông càng ngỡ ngàng khi nhìn thấy tấm ảnh chụp Đệ và Hương Giang - con gái cụ Sáu Đến, kỷ niệm ngày hai người mới cưới nhau. Bức ảnh được chụp ở một tiệm ảnh nào đó đâu như ở Sài Gòn. Vẫn theo lời cụ Sáu Đến, cụ đã bắt gặp Đệ nằm trong rãnh đất trồng mía lúc đi làm đồng, Nhìn Đệ, cụ biết là bộ đội ta bị thương trong trận đánh về Bầu Tháp mấy đêm trước. Lúc đấy Đệ đã yếu, nằm thoi thóp thở, người bị thương bê bết máu. Khi ghé chiếc bi đông nước cho Đệ uống, cụ không tin anh bộ đội sẽ qua khỏi. Suốt hai ngày trời, cụ Đến giấu anh bộ đội trong ruộng mía. Hàng ngày, cụ lấy cớ ra đồng, giấu nước cháo, sữa hộp, nước uống, thuốc và kim tiêm trong những bao phân. Tự tay cụ tiêm thuốc cho Đệ phòng chống sài uốn ván. Cho đến ngày thứ tư, sức khỏe của Đệ khá hơn. Anh đã nhúc nhắc đi lại được. Cụ Sáu Đến mới quyết định đưa Đệ về giấu trong vườn nhà.

Cụ Sáu Đến bảo với ông tiểu đoàn trưởng Bậu:

- Chúa dạy: con người là vốn quý chú ạ.

Một ngày, ông Bậu bí mật chờ bà Mít về làng Dương gặp mặt ông “thông gia” Sáu Đến. Câu đầu tiên, ông Bậu nghe được từ cửa miệng ông Sáu Đến là: “Thay mặt cho hai cháu, tôi xin bà nhận lấy ở tôi một lạy, tôi tạ tội thay cho hai cháu. Chúng nó làm việc liều, chẳng được ông bà ngoài nớ cho phép. Thời buổi chiến tranh, cách trở xa xôi… Xin ông bà chớ lấy làm phiền”. Ông Sáu đến hôm ấy mặc bộ quần áo nâu, ngoài mặc tấm áo dài đen mà mỗi khi trong họ đạo có việc, người ta mới thấy ông ăn mặc như thế.

Còn bà Mít, mẹ đẻ của Đệ, khi vào trong nhà, thoạt nhìn thấy tấm ảnh Đệ đứng cạnh một cô gái xa lạ, bà không cầm nổi nước mắt. Bà lắp bắp: “Con tôi… còn sống. Còn sống thật các ông ạ…”. Rồi bà ngất đi. Ông Bậu và ông Sáu Đến sợ quá, phải cậy miệng bà đổ chút nước gừng, nước sâm. Một lát sau, bà Mít mới tỉnh.

Ông Bậu kể xong cuộc tương ngộ của hai gia đình thông gia, kẻ Nam người Bắc cho tôi nghe xong, có vẻ vui. Ông bảo:

- Nói thiệt với em, qua chứng kiến bao cảnh vui buồn. Có lúc tiểu đoàn ta đánh nhau ở Dưỡng Mông A, “thằng” C1 của qua có trận hi sinh cả mớ. Qua không khóc. Vậy mà nhìn cảnh hai ông bà già tìm nhau nhận con, nhận cháu qua rơi nước mắt.

Chợt ông Bậu vỗ đùi:

- Này mi, lấy xe máy của qua phóng ra Tứ Hạ mua thịt chó về đây, ta nhậu. Tự nhiên, qua muốn uống rượu.

Đ.K.C
(SH286/12-12)








 

Các bài mới
Mùa Đông Huế (26/12/2012)
Các bài đã đăng