Tạp chí Sông Hương - Số 286 (T.12-12)
Nhà văn đảo Corse và giải Goncourt 2012
14:54 | 26/12/2012

TRẦN HUYỀN SÂM

Ở Pháp, vào mùa thu, người ta gọi là mùa của văn học/ La rentrée littéraire. Đấy là thời điểm mà bạn đọc và báo chí xôn xao về các giải thưởng.

Nhà văn đảo Corse và giải Goncourt 2012
Nhà văn Jérôme Ferrari - Ảnh: internet

Hàng loạt các giải được trao như: Giải của Viện hàn lâm Pháp, Giải Femina, Renaudot, Médicis, Goncourt… Trong đó, Goncourt được xem là giải thưởng danh giá nhất của văn học Pháp. Đôi khi, về giá trị văn học, còn được đề cao hơn cả giải thưởng Nobel, vì nó không bị ràng buộc về mặt chính trị. Và năm nay, vào ngày 7/11, giải thưởng danh giá này đã thuộc về Jérôme Ferrari, với tác phẩm Le sermon sur la chute de Rome (Bài thuyết giáo về sự sụp đổ của thành Rome), do nhà xuất bản Actes Sud ấn hành 2012. Một cuốn tiểu thuyết được đánh giá là giàu tính triết luận và khả năng suy tưởng về sự tồn tại của con người và thế giới.

Jérôme Ferrari là nhà văn Pháp, sinh năm 1968 ở Paris, nhưng sống và làm việc tại đảo Corse. Tác phẩm của ông, vì thế là sự hòa trộn giữa tính chất hoang dã và văn minh đương đại. Jérôme Ferrari từng là cử nhân triết học ở Paris I. Hiện là giáo viên giảng dạy triết học và văn chương tại trường trung học d’Abou Dhabi. Ngoài sáng tác, Jérôme Ferrari còn đóng góp khá quan trọng về dịch thuật. Trước khi nhận giải thưởng Goncourt, ông đã từng đoạt một số giải thưởng quan trọng khác như: giải Landerneau cho cuốn Một thượng đế, một thú vật (Un dieu, un animal), năm 2009, giải France Télévision cho cuốn Nơi tôi để lại tâm hồn mình (Òu j’ai laissé mon âme, năm 2010. Le sermon sur la chute de Rome là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của J. Ferrari.
 

Bìa cuốn: “Bài thuyết giáo về sự sụp đổ của thành Rome”. - Ảnh: internet

Le sermon sur la chute de Rome được xem như một vở bi kịch Hy - La thời hiện đại. Tác phẩm kết cấu hai mạch chìm nổi: số phận cá nhân con người và tư tưởng của Thánh St Augustin. Câu chuyện kể về hai người bạn trẻ Matthieu và Libero, là sinh viên theo ngành triết học ở Đại học Sorbonne. Họ quyết định từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu, và trở về đảo Corse, tại một ngôi làng nhỏ, nơi đã trải qua tuổi ấu thơ, và kinh doanh trong một quán rượu. Họ dự kiến bao nhiêu điều đẹp đẽ cho một tương lai xán lạn, cao vời. Bằng kiến thức triết học về Leibniz, Augustin, mà họ đã thu nhận được ở giảng đường đại học, hai chàng trai trẻ hy vọng sẽ “Thiết lập một thiên đường trên mặt đất; làm những điều tuyệt vời nhất, có thể, trên thế gian này”. Thế nhưng, những suy đồi của xã hội như: rượu, sex và những cám dỗ khác trà trộn, đã phá hủy giấc mơ trong sáng của họ. Khi tỉnh ngộ, mọi thứ đã trở nên muộn màng. Tất cả sụp đổ, họ thất vọng và rơi vào bi kịch. Lồng vào đó, còn là nhân vật Marcel - ông nội của Matthieu, người đã thoát nạn của thế kỷ và chứng kiến bao nhiêu sự đổ nát của nhân loại. Đó cũng là một người từng mơ mộng, hoang tưởng và thất bại...

Tuy nhiên, tầm tư tưởng của tác phẩm không chỉ là số phận cá nhân nói trên. Song song và bao trùm cuốn tiểu thuyết, đó là những bài thuyết giáo về sự sụp đổ thành Rome của thánh St - Augustin vào thế kỷ thứ tư, 410 - thời La Mã. Những lời hướng đạo của Augustin vừa mang tính phán xét, vừa dự báo: “Cái gì con người làm nên, chính con người phá hủy chúng” (ce que l’homme fait, l’homme le détruit). Rằng, “Thế giới cũng như một con người, sinh ra, lớn lên, rồi chết” (Le monde est comme un homme: il nat, il grandit, il meurt). Vậy, phải chăng, nhân loại chúng ta luôn tồn tại trong một thế giới ảo tưởng và những gì không vĩnh cửu? Sự sụp đổ của thành Rome, cái chết của một đảo Corse, gợi khả năng suy tưởng về bi kịch tham vọng ngây thơ của con người. Đó cũng là sự mỉa mai sâu sắc cái kết cục sụp đổ của những ảo tưởng.

Bằng một lối viết giàu tính triết luận: ngôn ngữ sắc sảo, tinh tế, lời văn dằn vặt, cuồn cuộn sức sống, tiểu thuyết của Jérôme Ferrari cuốn hút người đọc như một kịch tác thuộc vào hàng kinh điển. Dù dung lượng không dài, tác phẩm được báo giới Pháp đánh giá là tầm cỡ, bởi dồn nén những tư tưởng lớn lao của thời đại.

Bài thuyết giáo về sự sụp đổ của thành Rome, khiến người đọc phải suy ngẫm về phạm trù của cái thiện và cái ác, về hiện thực và ảo mộng, về sự tồn tại và hủy diệt. Tác phẩm là nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề vừa siêu hình, vừa nhân bản. Hy vọng, tuyệt phẩm này sẽ đến với bạn đọc Việt Nam trong nay mai.

T.H.S
(SH286/12-12)







 

Các bài mới
Mùa Đông Huế (26/12/2012)
Các bài đã đăng
Đêm Ô Lâu (26/12/2012)
Phù sa châu thổ (24/12/2012)
Bằng chứng… (24/12/2012)