Tạp chí Sông Hương - Số 287 (T.01-13)
Chuyện tình ngày ấy
16:23 | 15/01/2013

DƯƠNG HOÀNG VĂN   

Tháng bảy năm đó, miền Trung vừa trải qua một cơn lụt lớn. Một chuyến bay quân sự đưa tôi từ Sài Gòn ra vùng một. Chuyến đi đầy bất trắc về một miền đất dữ. Ở đó chiến cuộc đang hồi khốc liệt, bạn bè tiễn tôi với những đôi mắt chứa đầy thương cảm.

Chuyện tình ngày ấy
Minh họa: NHÍM

Nhưng không thể không đi, tôi quyết định dứt khoát với má:

- Con đang rảnh, má thì bệnh không thể bỏ việc được, con sẽ thay má chăm sóc ba, xin má yên tâm.

- Nhưng con hiểu như thế nào về vùng một rồi, nó không thể thích hợp với một đứa con gái như con.

- Con biết mà má. Đó là vùng nguy hiểm, nơi mà một số sĩ quan, công chức miền Nam nghe còn hốt hoảng, là nơi đầy ải của những người bất mãn chống đối chế độ Sài Gòn.

Ba tôi đang là một đổng lý văn phòng Bộ. Sau vụ Phật giáo đấu tranh, ông cùng hàng loạt tướng tá, công chức cao cấp bị thuyên chuyển đột ngột. Không thể tưởng tượng là bị tống ra tỉnh lỵ cuối cùng của miền Nam - Quảng Trị - vùng hỏa tuyến. Anh trai tôi là Quân, đang là sĩ quan ở trung tâm huấn luyện, cũng bị chuyển ra một sư đoàn giới tuyến. Nhậm chức ở tỉnh được sáu tháng, bao lần má đòi ra thăm nhưng ba tôi kiên quyết không cho. Ba biểu tình hình ngoài này bất ổn, pháo kích liên miên, cấm hai má con tôi không được cãi lời ba. Chỉ khi nhận được tin ông bệnh thì tôi nhất quyết phải đi.

Thực ra, tôi cũng muốn phiêu lưu một chuyến, loanh quanh mãi ở Sài Gòn trong giảng đường văn khoa cũng thấy chán. Chỉ có những cuộc xuống đường của sinh viên học sinh làm khuấy động lớp băng tù hãm. Xuống đường cũng đầy hiểm nguy gian khổ nhưng cũng thật ngộ nghĩnh buồn cười. Đi tranh đấu đối diện với dùi cui, ma trắc, lựu đạn cay mà cứ như đi trẩy hội, cũng hò hét đả đảo, khi tình hình căng quá thì chạy tháo thân vứt cả giày dép.

*
Chiếc C123 lặc lừ đáp xuống phi trường Phú Bài. Tôi vào ngồi chờ ở phòng khách, vì đã được gửi gắm phương tiện để ra Quảng Trị. Chỉ một lát sau tôi được người hướng dẫn viên đưa lên chiếc trực thăng, liếc nhìn viên phi công, giấu mặt trong chiếc nón phi hành, giọng miền Trung nằng nặng:

- Chào cô, cô là Anh Thư?

- Dạ, chào anh.

- Cô đi Quảng Trị có việc gì?

- Em ra thăm Ba.

- Cô ở Sài Gòn ra à?

- Dạ…

Tiếng động cơ và cánh quạt gầm rú rồi nhấc bổng tôi lên khỏi mặt đất, ngồi trong khoang lái trống trải, chiếc máy bay mỏng manh trong gió, nó đảo mình mà như đang trôi liêu xiêu trong gió cuốn, tôi nín thở cố dằn nỗi sợ hãi.

Khi máy bay lên một độ cao nhất định, tôi mới định thần nhìn xuống, giọng người phi công nghe thật xa:

- Cô nhìn phong cảnh có đẹp không?

- Dạ đẹp lắm.

Yên lặng, rồi tôi nghe một giọng huýt sáo, theo một bản nhạc của Trịnh Công Sơn, tôi lẩm nhẩm hát theo: “Trời buông gió, và mây về ngang bên lưng đèo, mùa xuân đến loài sâu ngủ quên bên tóc chiều…”. Hừ! Cũng hợp tình hợp cảnh đó, tôi tự mỉm cười vì hiểu thêm một nét khác của bài Dấu chân Địa đàng.

Còn loay hoay với những ý tưởng của bản nhạc này thì máy bay đã đáp xuống Quảng Trị.

Lúc dẫn tôi vào phòng đợi. Anh cởi chiếc mũ phi hành cầm tay, tôi mới nhận ra một khuôn mặt đẹp trai của anh phi công trẻ. Anh nói:

- Tôi tên Vũ, đã được anh Sáu trong Sài Gòn điện ra, nhờ rước cô và đưa cô đến tòa tỉnh?

- Dạ, rất cám ơn anh Vũ, lần đầu tiên được đi trực thăng.

- Cô đợi chút nhé.

Vũ chạy biến đi một lát, rồi sau đó xuất hiện trên một chiếc xe jeep, Vũ đưa tôi chạy xuyên qua thị xã, những dãy phố nhỏ bé nằm cạnh một dòng sông. Vũ nói đó là dòng sông Thạch Hãn, quẹo qua một chút là khu chợ tỉnh, nằm lọt thỏm giữa những khu phố xinh xắn và đáng yêu. Vũ dừng lại hỏi tôi có cần mua gì không. Tôi liếc thấy những mẹt trái cây như mới hái từ vườn, những quả mãng cầu, cam, ổi còn nguyên cuống lá tươi, hình như còn vương những giọt sương sớm. Những mời chào líu lo bằng một chất giọng sặc địa phương, tôi không hiểu nhưng cũng sà vào mua bán.

*
Tôi đứng lớ ngớ trước khu hành chính, người lính gác hỏi tôi vài câu rồi đưa thẳng vào dinh. Chưa rõ tôi là ai, nhưng có lẽ tôi đang diện chiếc quần patt trắng tinh, một chiếc sơ mi màu cánh sen, phủ thêm chiếc gillet màu rượu chát, đủ làm cả phòng văn thư túa ra nhìn. Tôi nói lí do đến đây với một bác đứng tuổi, một thanh niên cố kìm một tiếng hét:

- Trời ơi, con gái bác Đông, đẹp hết biết!

- Đúng là một tiểu thư Sài Gòn hoa lệ!

Một chị trông lớn tuổi, mặc áo màu xanh tiến đến gần tôi rồi nói:

- Ôi tội nghiệp cô quá, bác Đông chuyển viện vào Huế rồi.

Tôi sững người khi nghe chị nói:

- Có thật thế không?

- Chính tay chị làm lệnh xin chuyển mà. Thôi hôm nay cô cứ ở đây, sáng mai sẽ vào Huế.

Tôi bảo:

- Không, em sẽ vào Huế ngay bây giờ.

Một người nói:

- Không được mô cô, đường sá bây giờ nguy hiểm lắm, xe đò xe khách vướng mìn hàng ngày.

- Vậy em phải làm sao?

- Cô yên tâm, chúng tôi sẽ tìm phương tiện cho cô mà.

Quả nhiên, sau đó tôi được thu xếp phương tiện riêng. Vị đái tá có quyền lực nhất vùng hỏa tuyến, có vẻ rất quý ba tôi, hứa:

- Chúng tôi sẽ tìm trực thăng đưa cô vào bệnh viện Huế.

- Cám ơn đại tá. Rồi tôi sực nhớ đến Vũ, lục tìm lại mảnh giấy anh ghi cho tôi, tôi đề nghị:

- Hồi nãy tôi ra đây cũng bằng trực thăng, phi công tên là Vũ, nhờ đại tá liên lạc về đơn vị của anh ấy may ra còn kịp.

- Hay lắm, đưa số phone cho tôi.

Vũ lái xe đưa tôi trở lại thị xã, đi dọc bờ sông Thạch Hãn. Đến một bến đò ngang chợ, Vũ dừng lại, nói:

- Thế là em không có dịp đi chơi nhiều để biết thêm miền quê anh. Em nhìn này, vào mùa hè, thuở đi học, nước cạn, bọn anh thi nhau bơi qua sông. - Vũ chỉ tay qua bên kia: Em có thấy những rẫy bắp kia không? Mục tiêu của bọn anh đó. Bơi qua, bẻ trộm vài trái bắp lận lưng quần, bơi trở về và nhen lửa ngồi nướng dưới mép sông, thích lắm.

Rồi Vũ đưa tôi về chỗ cũ, ba chiếc trực thăng đâu vừa mới đáp xuống, những cánh quạt còn quay lững lờ trong gió. Vũ biểu tôi ngồi chờ, cũng chưa biết chắc có bay ngay được không, còn phải chờ lệnh. Tôi ngồi trong một căng tin dã chiến, lon Coca lạnh làm tôi tỉnh người. Bây giờ tôi mới định thần nhìn bao quát xung quanh, đó là một căn cứ của phái bộ MACV Mỹ - dùng làm bãi đáp trực thăng ngay trong lòng thị xã, bên trái tôi là một cánh đồng lúa đang đầy ắp nước, những cọng lúa xanh non bập bềnh trên mặt nước vàng đục, bên phải là một ngôi trường hai tầng lầu, tôi còn nhìn rõ được những học sinh đang ngồi lặng yên nghe thầy giảng. Tiếng Vũ reo lên:

- Thật là hên, sẽ bay ngay thôi. Chúc mừng người đẹp.

Vũ ra hiệu cho tôi lên máy bay. Anh đã kiếm cho tôi một chiếc mũ phi hành cùng với bộ đàm theo nó. Trong tiếng gầm rú của động cơ, giọng Vũ vẫn rót vào tai tôi rõ mồn một:

- Em ngồi yên, anh sẽ bay một vòng để giới thiệu thêm về quê hương anh. Đây nè, bên trái em là chợ Sãi, nhà của anh ở đó, mạ anh chắc cũng đang nhìn lên trời để coi có phải con của mạ đang bay không.

Tôi nói qua bộ đàm:

- Sao anh không đáp xuống thăm má anh?

- Cũng có mấy bận. Nhớ mạ quá. Cũng liều mình đáp xuống, nhưng an ninh không tốt lắm đâu.

- Em rất muốn có dịp nào đó thăm nhà với má anh.

- Con gái Sài Gòn coi chuyện đó là bình thường, nhưng ở quê anh, đó là chuyện hơi li kì đó.

- Sao ngộ quá ha, má anh khó lắm hả?

- Không phải mạ anh khó. Nhưng phong tục tập quán miền Trung thì vẫn còn cũ rích vậy đó.

- Ngộ ha!Anh thích nghề phi công không?

- Cũng không hẳn, phi công thời chiến thì cũng giống như những người lính khác, nhưng được bay lượn thì vui hơn.

Ngừng một chút, Vũ chuyển đề tài:

- Thuở còn đi học, anh đặc biệt mê Saint Exupéry. Em có đọc ông ấy không?

- Em biết, ông nhà văn phi công ấy mà!

- Em đọc Vol de nuit chưa?

- Có, em cũng đặc biệt thích, nhất là Chuyến thư miền Nam, Cõi người ta, Bay đêm(1) của ổng.

- Dân văn khoa đọc nhiều là đúng, nhưng còn Le Petit Prince?

- À, Hoàng tử bé - tôi reo lên - Em cũng thích cuốn này.

Chiếc trực thăng chợt đảo mình đổi hướng, tôi ngạc nhiên:

- Hình như anh đang bay về hướng Bắc?

- Ừ, anh còn giới thiệu thêm cho em vài món lạ ở vùng hỏa tuyến này. Ngay dưới thân phi cơ là một ngọn đồi, gọi là đồi 46, nơi Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến đóng.

Vũ trao cho tôi một ống nhòm; máy bay chầm chậm ở một độ cao vừa phải.

- Em nhìn qua hướng phải đi. Có nhìn thấy hai lá cờ không?

Tôi cố gắng điều chỉnh một lúc rồi reo lên.

- Thấy rồi, thấy rồi, hai lá cờ rất lớn, một màu đỏ - bờ Bắc, một màu vàng - bờ Nam.

- Và ở dưới là dòng Bến Hải, cầu Hiền Lương. Từ đây trở ra là vùng Phi quân sự, anh không có quyền bay ra nữa, là vùng vĩ tuyến 17 đó.

Người tôi tự nhiên xúc động mạnh, mắt tôi trân trối nhìn hai lá cờ. Trong giảng đường, chúng tôi vẫn thường hay luận bàn về chiến tranh, về đất nước, chuyện chủ nghĩa, ý thức hệ với những địa danh mơ hồ. Chiến tranh cũng vậy, cứ nghĩ là bom rơi đạn nổ, máu đổ xương tan. Nhưng chuyến đi này đã cho tôi một cái nhìn khác.

Từ làn ranh này, Vũ chuyển hướng về phương Nam, bên dưới là một vùng đồi trọc với miền trung du cỏ cây vàng úa, những cánh rừng chỉ còn những cây khô trụi lá, chơ vơ nằm chết đứng giữa trời, chấp chới những làng mạc tan hoang, xơ xác, tiêu điều. Không thấy bóng dáng một ai, không biết con người còn có thể tồn tại ở một nơi mà màu xanh đã bị hủy diệt?

- Đó là tác phẩm của bom napal và chất độc khai hoang đó. Khủng khiếp không?

Khi bay vào thành phố Huế, Vũ cũng đảo một vòng chầm chậm trên trời, cho tôi có cơ hội ngắm nhìn thành phố của đền đài lăng tẩm. Huế đẹp, nên thơ với những mảng cây xanh bao quanh thành nội cổ kính. Huế vẫn toát lên vẻ duyên dáng độc đáo của một hoàng cung chưa phai hết nét vàng son. Dòng sông Hương, từ trên cao nhìn xuống, y như một dải lụa hờ hững choàng trên một bức tranh thủy mạc, những tia nắng vàng rọi chênh chếch trên mặt sông làm tôi ngất ngây trong một gam màu lạ mắt. Cái nhấp nháy này tạo thành một cảnh quan siêu thực, mà mãi sau này trở thành một hình ảnh bất biến mỗi khi tôi nhớ về xứ Huế.

Chúng tôi thả bộ dọc theo bờ sông Hương, Vũ bảo tôi:

- Chúng mình nên ăn chút gì để kỷ niệm một lần gặp gỡ. Chắc em cũng đói lắm rồi?

Dù nóng lòng gặp ba nhưng cũng không nỡ từ chối:

- Ăn qua loa một chút gì thôi anh nhé.

- Ừ. Đến Huế mà không ăn món Huế thì chưa biết gì về Huế cả.

Vũ đưa tôi vào một quán ăn quen thuộc của chàng. Cái giọng Huế thuần nhất của các cô gái đã cho tôi một mùi vị vua chúa, cũng hao hao với giọng Quảng Trị mà tôi mới làm quen. Giọng Huế nhẹ nhàng, một chút điệu đàng và trau chuốt hơn; nghe giọng Huế tôi cứ ngỡ những người con gái này vừa bước ra từ chốn hoàng tộc.

- Chà. Chú Vũ đi mô mà lâu rứa hí! Chú đi với ai mà đẹp vô hậu rứa?

“Đẹp vô hậu” - từ này tôi mới nghe lần đầu. Tôi hỏi anh:

- Đẹp vô hậu là sao anh?

- Là đẹp… vô tiền khoáng hậu đó mà.

Bữa ăn là tổng hợp của các loại bánh ở Huế: bánh ít, bánh bèo, bánh nậm, bột lọc... Nhâm nhi mỗi thứ một ít, cuối cùng tôi chấm điểm mười cho một loại bánh, đó là bánh cuốn, ở đây gọi là bánh ướt, phụ gia quan trọng là tôm chấy. Không biết bằng cách nào người ta chấy tôm thành những sợi mỏng nhỏ li ti, chiếc bánh ướt chỉ nhỏ bằng miệng chén, được tráng mỏng tang, dính nhau dẻo quẹo, ấy thế mà qua bàn tay khéo léo, sau khi rắc lên bánh một lớp tôm chấy, từng chiếc mỏng manh được cuốn lại. Với chén nước mắm chua ngọt hợp khẩu, thêm một ít rau thơm, húng lủi, món này tôi nghĩ sẽ làm vừa lòng bất kì một khẩu vị khó tính nào trong ẩm thực.

Khi đứng trước bệnh viện tôi bảo Vũ:

- Anh không dám đưa em về thăm má anh. Nhưng em lại muốn mời anh vào thăm ba em.

Vũ đáp lời tôi:

- Thú thật. Nếu em không cho phép thì anh cũng cứ vào. Rất vinh dự cho anh.

*
Ba tôi là một trong những người được chính quyền Ngô Đình Diệm mời làm việc sau ngày chấp chính, là một trong những chuyên gia ít ỏi trong lãnh vực hành chánh. Thế mà không hiểu sao ông lại luôn luôn thuộc về phe đối lập với mọi chính quyền. Năm 60, bị tình nghi dính dáng vào cuộc đảo chánh bất thành, khi mà phi công Nguyễn Văn Cử ném bom dinh Độc Lập, rồi tị nạn chính trị ở Nompenh, là lúc ba tôi bị sa thải. Sau năm 63 ông lại được mời làm lại, vẫn với thái độ đối lập với chính quyền mới, ông viết nhiều bài báo phê phán các tướng tá lãnh đạo. Ông chẳng khi nào được thăng quan tiến chức, cuối cùng người ta đẩy ông ra khỏi Sài Gòn để làm suy yếu bớt mặt trận đối lập đang ngày càng lan rộng.

Thế nhưng khi lớn lên tôi mới hiểu, ông không thuộc một tổ chức hay phe nhóm chính trị nào hết, ông chỉ hành xử đúng như một kẻ sĩ giữa một xã hội rối ren, theo kiểu “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”.

Vừa gặp tôi, hai cha con ôm chầm lấy nhau trong nước mắt mừng tủi, tôi hiểu, ba tôi vừa trải qua một chấn động về bệnh lí và cả thời cuộc. Ông nói:

- Ba mới thoát khỏi bàn tay tử thần, tạ ơn Chúa, sém chút nữa là không còn gặp lại má con con.

Nhìn ba xanh xao gầy guộc, nước mắt tôi tuôn trào, thấy thương ba quá.

- Má ở nhà cũng nhớ ba không ngủ được, cứ mãi lo nghĩ về ba, mọi lúc mọi nơi, có khi nửa đêm về sáng còn thấy má loay hoay bên những chiếc áo len đan dang dở.

- Ừ, thời thế đã như vậy, ba cũng rất buồn nhưng cũng may, qua cơn bạo bệnh này ba ngộ ra một điều, không dại gì lao tâm khổ tứ nữa, ba sẽ làm đơn xin nghỉ, ba đã quyết định rồi.

- Thật thế hả ba, ba nhất định... từ quan? Má nghe tin này chắc sung sướng lắm.

Ba thở dài:

- Xuất viện xong là ba gởi đơn xin nghỉ. Thật ra, phải từ bỏ sự nghiệp nửa chừng cũng không dễ dàng gì đâu.

Nãy giờ, Vũ yên lặng đứng ngoài, nhìn cuộc tương phùng của hai cha con tôi. Tôi ra hiệu cho anh vào và giới thiệu với ba:

- Anh Vũ-pilot, người đã cho con được tham quan hết vùng hỏa tuyến đó.

Ba bắt tay anh, ríu rít cảm ơn.

Những ngày sau đó, từ sáng sớm, Vũ đã xuất hiện trên hành lang bệnh viện, sau khi vào vấn an sức khỏe ba. Vũ xin phép đưa tôi đi thăm danh lam thắng cảnh đất Thần kinh. Chúng tôi viếng Thành N+ội, chùa Từ Đàm, Dòng Chúa Cứu Thế, bãi biển Thuận An, chùa Linh Mụ, đồi Thiên An. Huế có nhiều cảnh đẹp, mỗi nơi Vũ còn kể cho tôi nghe vài biến cố lịch sử liên quan đến địa danh, anh chứng tỏ cho tôi biết dù là một người lính nhưng anh cũng đọc nhiều và rất ham mê văn học.

Mỗi ngày, mỗi bước chân chúng tôi, dù lang thang đâu đó trên những con đường rợp mát bóng cây, thủ thỉ cùng nhau chuyện trời trăng mây nước, nhưng chính trong những bước chân ấy, ngày càng kết dính chuyện tình chúng tôi, một mối tình mà dù lãng mạn đến đâu tôi cũng không tài nào tưởng tượng nổi.

Chưa hết một tuần thì ba tôi xuất viện, ngày mai tôi sẽ trở lại Sài Gòn. Máy bay đã có Vũ lo. Đêm hôm ấy, Vũ mời tôi uống càphê, một quán nằm bên bờ sông gần bến Ngự. Nỗi buồn sắp xa nhau làm tâm trạng cả hai đứa ngậm ngùi. Quán vắng, chỉ lơ thơ vài cặp hẹn hò. Ánh trăng hạ tuần chiếu chênh chếch từ phía hữu ngạn, xuyên qua một rặng tre già, đang nhoài mình nghiêng xuống dòng sông nhỏ. Vũ bảo tôi:

- Ngồi ở đây em sẽ có dịp nhìn trăng tàn trên bến Ngự.

Nỗi buồn chia tay lại dâng đầy trong tôi, làm trái tim tôi thắt lại, tôi ngơ ngẩn như mất hồn:

- Cảnh trăng tàn thường gây cho ta một nỗi buồn biệt li, một nỗi sầu đưa tiễn. Tại sao vậy anh Vũ?

Vũ không trả lời, chàng bóp nhẹ bàn tay tôi, truyền cái cảm giác xẻ chia trong im lặng. Một lát sau Vũ nói:

- Anh Thư này, anh chưa nói hết với em về nhà văn Saint Exupéry.

- Giờ anh nói tiếp đi. - Tôi bỗng nhiên hồi hộp.

- Trong những lần bay của anh, lắm lúc cũng ước mơ được gặp một Hoàng Tử Bé, nhưng trong cái quỹ đạo khốn khổ của cuộc chiến xương xóc này, đó chỉ là một mơ ước hão huyền. Thế mà bây giờ, anh xin xác thực là đã được gặp Hoàng Tử Bé. Là em đó, em biết không.

Tim tôi vỡ òa, cảm xúc tuyệt vời trào dâng. Và tôi chỉ biết dụi đầu vào ngực anh khóc nức nở, những giọt nước mắt đẫm hạnh phúc là lời tỏ tình đơn giản và thành thực nhất của người con gái.

*
Về Sài Gòn, trở lại với giảng đường văn khoa, tôi sống bằng mối tình từ trên trời rơi xuống, và những cánh thư tình của chàng là loại thức ăn kì diệu nhất, cho tôi cảm giác đang sống trong thiên đường. Một hai tháng Vũ lại vào thăm tôi, má quý anh ấy vô cùng, bạn bè tôi ai cũng cho rằng tôi tốt số, vớ được anh chàng pilot đẹp trai, hào hoa phong nhã. Mỗi sáng chủ nhật đi lễ, tôi không quên cảm tạ đức Mẹ đã ban phước hồng ân, cầu nguyện cho chàng được mãi bình an trong cuộc chiến.

Lần này anh vô Sài Gòn, lúc anh ghé nhà là tôi đang dẫn đầu một đoàn sinh viên tranh đấu. Chúng tôi đang ém quân trong những quán càphê rải rác dọc đường Hồng Thập Tự, băng rôn biểu ngữ đã chuẩn bị đầy đủ. Chúng tôi tính xuất phát từ ngã tư Duy Tân, đổ ra nhà thờ Đức Bà, ra đường Tự Do rồi “bày tiệc” trước tòa nhà Quốc hội. Chúng tôi rất dễ bị lộ. An ninh, mật vụ lại đánh hơi rất tài tình, họ đủ sức vô hiệu hóa cuộc xuống đường chỉ vài mươi phút trước khi bùng nổ.

Đúng lúc hiệu lệnh xuất quân, nhỏ Loan bạn tôi từ một điểm ở ngã tư chạy đến cho tôi hay là Vũ đang đi kiếm. Tôi hơi bối rối vì việc quân đâu thể trì hoãn được. Tôi bảo anh về nhà đợi tôi hoặc theo tôi… dự tiệc. Vũ gia nhập đoàn quân không chút ngại ngần. Lần đó chúng tôi huy động rất đông, quân số có thể lên tới vài trăm, phối hợp thêm với cánh sinh viên Luật Khoa, cuộc biểu tình sẽ nổ ra trước tòa nhà Quốc hội để yểm trợ cho các dân biểu đối lập, gây sức ép với chính quyền, đòi một lộ trình ngưng chiến. Phía cảnh sát dã chiến cũng không dưới một trăm, khi căng thẳng còn điều thêm cảnh sát đô thành, vũ khí của họ chúng tôi cũng nắm rõ, súng bắn đạn mả tữ, lựu đạn cay, dùi cui, ma trắc, mặt na chống hơi độc. Phía sinh viên, vũ khí chỉ là tay không, trái tim rực lửa, cái đầu lãng mạn, và… một ít khăn lạnh chống hơi cay. Coi vậy nhưng cuộc chiến xảy ra cũng cân sức, thường không có bên nào thắng bên nào tuyệt đối.

Thông thường phái nam được đưa lên vị trí tiền đạo, để còn dùng sức ngăn chặn, xô đẩy, giành giựt đất đứng. Nhưng về sau kinh nghiệm cho thấy phái yếu mới chiếm ưu thế trong chiến trường. Những cảnh sát hung dữ nhất cũng thường chùng tay trước những đối thủ liễu yếu đào tơ, phái đẹp vừa hăng say đả đảo, vừa cười tình với quân địch. Lắm anh làm ngơ và lùi bước trước những nụ cười tinh quái.

Hôm nay, Vũ không mặc quân phục, trong chiếc áo thun cổ cao, quần tây màu xám, trông anh như một sinh viên điệu đàng, quý tộc. Vũ tình nguyện dẫn đầu, sát cánh bên tôi.

- Anh không sợ à? - Tôi hỏi.

- Lúc anh học SPCN(2) ở Huế cũng xuống đường ác liệt lắm, khiêng cả bàn thờ ra đường để chặn xe tăng. Tụi anh cũng có nhiều kinh nghiệm.

- Trước khác, giờ anh là quân nhân tại ngũ, sẽ rất phiền phức.

- Không sao hết, đã đấu tranh thì còn biết tránh đâu?

Lúc đoàn chúng tôi giương hết biểu ngữ, băng rôn lên là lúc các công nhân viên chức lũ lượt đi làm, học sinh sinh viên hăm hở vào lớp. Phần lớn họ nhìn chúng tôi với những nụ cười thiện cảm, khích lệ, một số tò mò đứng coi, còn số đông thì quá quen với những cảnh này. Vừa bước qua đường Tự Do, đã thấy đám cảnh sát đứng lố nhố hai bên đường, chúng tôi vẫn im lặng đi qua, hai bên nhìn nhau bằng ánh mắt nghinh chiến. Đợt này chúng tôi chia thành nhiều cánh xuất phát. Bên trái Quốc hội, do Luật Khoa đảm nhiệm, cánh phải do Văn Khoa, chia làm 3 nhóm, một từ Hai Bà Trưng, một từ chợ Bến Thành đổ về, cánh giữa do tôi đảm trách. Hôm nay nhìn đám cảnh sát không nghinh chiến như mọi lần, tôi đã hơi chột dạ. Đúng như rằng, vừa mới vượt qua đường Lê Thánh Tôn, đám cảnh sát vây chặt chúng tôi, tạo thành một bức tường kín bưng. Tiếng loa phóng thanh vang lên:

- Yêu cầu tất cả mọi người giải tán.

- Yêu cầu sinh viên học sinh giải tán.

Thế là phe địch khai hỏa trước. Không còn cách gì là cứ phải xông lên, tôi hét:

- Anh em tiến lên, tiến lên!

Vũ và hàng tiền đạo lâm trận, gồng mình xô đẩy đám cảnh sát, tạo các khe hở cho chúng tôi lách qua. Được đứa nào hay đứa nấy. Không tránh được xô xát nữa rồi, tôi lại hò hét:

- Cảnh sát không được đàn áp sinh viên!

- Quân đội không được đàn áp nhân dân!

Tôi nhận ra những thanh niên qua đường cũng xông vào hỗ trợ, quyết xô ngã bức tường bạo lực. Các phóng viên trong nước và nước ngoài từ đâu lách cách xách đồ nghề tới, quay phim chụp hình. Có họ, chúng tôi vững tâm lắm, họ chính là những đồng minh bất ngờ. Chính quyền sợ nhất đám ông kẹ này, lại phải đối phó với những phóng sự nảy lửa xuất hiện ngay trên báo chí. Thế nhưng họ vẫn không lơi tay trấn áp, tôi nghe cạch, bụp, cạch, bụp. Dùi cui và ma trắc đã được sử dụng. Vài ba sinh viên đã té khuỵu xuống đường, tiếng thét vang lên:

- Đả đảo chính quyền đàn áp nhân dân!

- Đả đảo đàn áp. Đả đảo, đả đảo!

Tôi vừa lách qua được hàng rào và chạy, nhưng một bàn tay hộ pháp đã chộp lấy vai tôi, giựt ngược lại. Tôi vặn mình đau đớn, xương vai như chừng bị gãy. Vũ xông lên tung một cú đấm vào mặt tên hộ pháp. Y lảo đảo buông tôi ra và quất chiếc ma trắc tới tấp vào đầu Vũ. Vũ gục xuống đường, máu mũi bắn ra thành vệt. Hai tay cảnh sát khác chụp lấy Vũ, nhấc bổng lên và ném vào xe bít bùng. Tôi nghe tiếng Vũ thét lạc giọng:

- Quân dã man, đồ ác thú! Anh Thư, nhớ cẩn thận nghe em.

Rồi đám cảnh sát cũng chộp hết được mấy người ném lên xe, số chúng tôi cuối cùng cũng lết ra được tòa Quốc hội. Nơi này, chiến trường xem ra còn hỗn mang hơn. Tôi tiếp sức dựng lên một biểu ngữ rồi hô lớn:

- Yêu cầu ngưng chiến ngay lập tức. Cease fire now!

Một chiếc xe đặc chủng chạy xộc đến. Đám cảnh sát nhảy xuống, túa ra áp sát đoàn biểu tình. Lại một trận hỗn chiến nữa, cuối cùng mùi lựu đạn cay nồng nặc bầu không khí, tôi ôm lồng ngực nghẹt thở, ngáp lên vài cái rồi té xỉu trên đường.

Tôi tỉnh lại sau một giấc ngủ dài, lao xao bên tôi những giọng nói quen thuộc, tôi hé mắt nhìn và thấy Vũ đang bó gối ngồi bên cạnh, bàn tay anh đặt ngay trên trán tôi với một chiếc khăn lạnh. Tôi nhắm mắt lại tận hưởng cảm giác ngất ngây bên người yêu, bên đồng đội. Thì ra, đợt này, tất cả chúng tôi đều bị hốt về tổng nha, và càng ngạc nhiên hơn bởi có lệnh thả chúng tôi ngay sau đó, sau này mới hiểu là phái đoàn bảo vệ dân chủ, nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đang có mặt giữa Sài Gòn. Chính quyền đành phải phủi tay càng nhanh càng tốt.

Vũ đưa tôi về nhà khi trời vừa tối, đường phố Sài Gòn tràn ngập ánh đèn càng trở nên thân thuộc. Chúng tôi ngồi trên một chiếc xích lô chạy thẳng về Thị Nghè, dòng người và xe cộ đã xóa hết dấu vết của cuộc biểu tình. Đến nhà mới sực nhớ ra ba má đã về giỗ ngoại ở Vĩnh Long từ hôm qua. Hai đứa giúp nhau lịch kịch làm bếp. Một bữa cơm đạm bạc nhưng đầy ắp tình cảm. Chúng tôi vừa ăn, vừa nhìn nhau ngây ngất.

Tôi nói:

- Em đã có dịp tặng anh một cuộc xuống đường.

- Anh cũng đã được dịp tặng tên vũ phu một nắm đấm.

Cả hai cùng cười vang và chúng tôi hôn nhau say đắm.

*
Một tháng sau, cơ thể của tôi đã có những điều khác lạ, tự nhiên thèm ăn chua và mắc chứng buồn ngủ kinh khủng. Cơm dọn ra lại gây cho tôi cảm giác dờn dợn buồn nôn. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đã có thai với chàng, cảm giác đầu tiên là lo lắng bồn chồn. Tôi đặt tay lên bụng và thầm hạnh phúc với kết quả của tình yêu. Sẽ báo tin cho Vũ biết ngay, nhưng cũng thật khó khăn khi giãi bày với má. Đang say sưa với những toan tính cho tương lai thì có tiếng chuông gọi cửa, người bưu tá chuyển cho tôi một bức điện:

“Trung úy phi công Lê Quang Vũ đã mất tích trong công vụ ngày…
Thành thực chia buồn cùng cô và gia đình”.

Đất dưới chân tôi sụp đổ, trời đất chao đảo, mắt tôi sa sầm, tôi chới với vịn vào song cửa, muốn gào to gọi tên anh mà cổ họng thắt lại. Tôi vùi đầu vào nỗi đau khổ tận cùng. Nỗi bất ha- nh lớn lao đã giáng xuống, làm tan nát cuộc đời tôi. Ba tôi ngồi thừ người, yên lặng chia sẻ bằng ánh mắt câm nín đau thương, mẹ tôi sợ tôi lên cơn điên, đã vỗ về, an ủi tôi trong cơn ác mộng kinh hoàng. Má nói:

- Con ráng ăn vài miếng, con cần bình tĩnh lại. Mất tích không có nghĩa là chết con ạ. Chắc nó vẫn còn sống đâu đó và sẽ trở về. Con phải nuôi lấy hi vọng.

Nghe vậy, tôi vùng dậy với đôi mắt ráo hoảnh, ngước nhìn trời:

- Phải rồi. Con cám ơn má. Ảnh không thể chết, không thể nào chết. Ảnh đang lạc trong rừng. Ảnh cũng có thể nhảy dù xuống. Ảnh có thể sa vào tay quân giải phóng, má ơi! Chắc chắn phải như vậy đúng không má.

Tôi lấy niềm hi vọng đó làm điểm tựa. Anh ơi. Chắc chắn anh còn sống, anh mới chính là Hoàng Tử Bé của em. Và giờ này anh đang trở về thăm tinh cầu B612, cái tiểu tinh cầu quê hương anh đó.

Tôi thu xếp nhanh hành lý và quyết định đi ra miền Trung. Ba má can ngăn, nhưng đành phải để tôi đi và dặn dò phải giữ gìn sức khỏe. Tôi biết là mình cần phải làm gì ngay lúc này. Tôi phải ra đơn vị anh ấy để thu thập thêm thông tin về phi vụ của anh.

Trong thâm tâm, khi nghĩ về Hoàng Tử Bé của tôi và nghĩ đến tiểu tinh cầu B612, tôi chợt nhớ đến cái chợ Sãi bé nhỏ mà anh bất chợt nói cho tôi hay. Tuy lúc đó chỉ là một chấm nhỏ xíu khi nhìn trên cao, nhưng giờ đây sao hình ảnh nó lại hiển hiện rõ ràng và sắc nét đến như thế. Tôi sẽ về đúng nơi đó, cái tinh cầu bé nhỏ của anh. Tôi sẽ quỳ xuống bên mạ, nói cho mạ hay mối tình của chúng ta, khoe cho mạ đứa cháu nội đã tượng hình từng ngày trong tôi. Chỉ nghĩ đến đó thôi tôi đã có đầy can đảm và niềm vui chuyến đi thứ hai về miền đất nghiệt ngã.

Anh ơi. Em đang nhìn thấy anh, trong một tinh cầu xa lạ nào đó mà rất đỗi thân quen, đang nhìn em đầy âu yếm.

D.H.V  
(SH287/01-13)



---------------------------------------------------
(1) Bay đêm, Chuyến thư miền Nam, Cõi người ta, Hoàng tử bé… Những tác phẩm của Saint Exupéry, nhà văn kiêm phi công Pháp
(2) Một phân khoa của Đại học Huế (Sinh, Lý, Hóa, Nhiên) lúc trước.




 



 

Các bài mới
Khát vọng bay xa (28/01/2013)
Các bài đã đăng