Tạp chí Sông Hương - Số 287 (T.01-13)
Thơ hôm nay đang tự xa rời quần chúng
16:38 | 15/01/2013

INRASARA

1.
Ngẫu nhĩ mở/ theo dõi tập thơ/ khuôn mặt thơ trẻ đương đại nào bất kì, không cần động não nhiều, ta vẫn nhận ra ngay điểm nổi trội hơn tất cả vẫn là sự thừa và thiếu.

Thơ hôm nay đang tự xa rời quần chúng
"Ngày bình yên" - Ảnh: Nguyễn Đức Trí

Không phải cái thừa và thiếu tạo nên khoảng rỗng lồng lộng sẵn sàng cho cuộc nhảy táo bạo của tinh thần phiêu lưu sáng tạo, mà là thừa và thiếu của khoảng trống vô hồn nguy cơ đẩy người viết rớt vào hố thẳm bợt bạt. Đối mặt hiện thực cuộc sống phong nhiêu cùng sự phong phú của nghệ thuật nhiều thách thức, thay vì dũng mãnh tìm cách chiếm lĩnh nó để tồn tại trong lòng nó, người viết trẻ hôm nay nghe hoang mang, như thể mất trọng lực, hãi sợ và run rẩy…

“… hiện nay có quá nhiều xu hướng khiến cho những cây viết trẻ như tôi hoang mang mình sẽ viết như thế nào”.

Mặt đất như sụt dưới chân, người trẻ dớn dác chạy tìm bấu víu. Bấu víu vào truyền thống, vào bản sắc dân tộc, vào mấy hệ thẩm mĩ đã lưu kho; bấu víu vào các danh tác tận thời đại nào xa, bám chặt vào tên tuổi lớn của quá khứ, cả quá khứ gần…

Văn chương trẻ cần những người đi trước đón nhận và động viên, hoặc nếu họ sai thì cần một sự động viên, sửa chữa để họ có động lực đi tiếp”.

Như đứa trẻ chưa chịu rời vú mẹ, người viết trẻ cần bậc đàn anh đàn chị động viên khích lệ, để tạo động lực; lắm lúc đứa trẻ ấy cũng cần đến cái roi uốn nắn, không phải thứ roi dong cứng cựa dành cho “trâu xe” mà là loại roi lau phơ phất lên xuống tới lui tạo cảm giác không gì hơn ngoài thế hệ thơ trẻ vẫn đang đi, đây đó. Trên vài lối mòn kia, thỉnh thoảng họ đưa mắt liếc xéo sang người viết cùng thời đầy mặc cảm…

Họ sử dụng những từ tối nghĩa, vấn đề giật gân, những vấn đề nóng gợi dục... để làm mới văn chương mình khiến cho người đọc khó đọc, khó hiểu, khó cảm thụ”(1)

Mặc cảm và sợ hãi. Hết sợ hãi nhau đến sợ hãi đàn anh chị, bậc cô chú; từ sợ hãi xa rời truyền thống diệu vợi đến sợ hãi người đọc lồ lộ hiện tiền. Sợ hãi níu kéo sợ hãi, kêu đòi sợ hãi lên cấp số cộng thành cấp số nhân phủ trùm khí quyển thơ Việt Nam hôm nay.

Cảm trạng của Lê Vi Thủy không là cá biệt, bởi tách ngẫu nhiên bất kì tên tuổi nào ở thế hệ này, dù đã hay chưa được biết đến, đang ẩn mình “cô đơn sáng tạo” hay thường xuyên xuất hiện ở trang đầu tờ nhật báo, nỗi sợ hãi kia cứ là không hề thiếu. Sợ hãi cần đến đèn pin soi lối, cây gậy chỉ đường, định hướng, sợ hãi cần tiếng nói nhắc nhở và cả sự quắc mắt dọa nạt. Thế nên không ngạc nhiên, khi bất kì kẻ đàn anh đàn chị nào, tên tuổi dù lớn, vừa hay bé nhỏ, dù tiếng tăm lẫy lừng hay cái tên chỉ mơ hồ nằm trong góc tối kí ức độc giả một thời cũng sẵn sàng nhảy ra lên lớp, xoa đầu dạy dỗ. Với bao nhiêu nên, không nên, có thể, không thể với nhất định không thể, rồi cần phải thế này, thế khác…(2) Tuổi trẻ tự nguyện giao trứng sáng trong cho ác bảo thủ khệnh khạng dồi tung.

Ngay cả khái niệm “thơ trẻ” mà vài đàn anh đàn chị [thuộc thế hệ thơ chống Mỹ và thế hệ thơ tiền - đổi mới, một lớp nhà thơ không thiếu tài năng] định danh cho những người làm thơ đi sau không là gì khác ngoài thái độ ban bố quyền được kế thừa trịch thượng. Lạ, khi không ít khuôn mặt thơ [được cho là] sáng giá thuộc thế hệ này mặc nhiên nhận lấy với sự hãnh diện ra mặt. Từ đó, họ “tiếp thu và sáng tạo” đầy “cá tính”, thứ cá tính không dám mở lối đi riêng dù nhỏ bé, mà mãi quẩn quanh cày xới cánh đồng thơ tự do không vần từ thời xa lắc. Khu vực này, cho dù có lớn tiếng tới đâu, thế hệ đàn em cặp mắt vẫn không thôi lấm la lấm lét liếc về phía cây gậy khuơ khoắng, chỉ chỏ. Không có ai thử liều một lần vượt biên, nói chi ý hướng làm cuộc cách mạng lật đổ.

Người mù dẫn đường người mù, cả hai sẽ rơi xuống hố.

Vậy hãy để yên cho họ vừa đi vừa ngủ với ảo tưởng phôi phai, giấc mơ bé con của họ. Ở đây ta nhắm đến những kẻ sáng tạo dám dứt lìa khỏi vú mẹ, và đi con đường riêng, mà không cần đến bất kì ngón tay chỉ chỏ nào. Như Tuệ Nguyên:

Tôi đang sống cùng thời đại với họ,
nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay.

(Những giấc mơ đa chiều, Nxb Hội Nhà văn, H., 2009)

2.

Thế nhưng, cả ở đây, thế hệ thơ hôm nay vẫn thiếu. Đúng hơn, chưa đủ - chưa đủ cô đơn cho sáng tạo! Cô đơn và kiêu hãnh và dũng cảm. Kiêu hãnh, ta có; nhưng đó là kiêu hãnh vụn, nhỏ lẻ và rất giả. Thứ kiêu hãnh cần đến tiếng vỗ tay của khán giả, dù khán giả đó là những con trâu - theo cách nói đầy hình tượng của Nietzsche. Chúng ta đang thừa mứa kiểu kiêu hãnh ồn ào đáng thương mà rất thiếu loại kiêu hãnh cô độc sang trọng của Đoàn Minh Châu, Lưu Mêlan(3).

Dấn mình khai phá cái mới, cái lạ; dũng cảm thử nghiệm loại thơ mới với hình thức thể hiện mới, thế hệ thơ trẻ hơn chục năm qua, đã làm nên vài điều khác lạ. Song, do chưa đủ kiêu hãnh, chưa đủ dõng mãnh tách đàn để “gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi chập chùng”, người trẻ làm nên sự hời hợt và đồng bộ trong cái mới [hay cái ra vẻ mới] của thơ hôm nay. Chưa đủ dũng cảm, người thơ trẻ vừa khao khát khác đồng lúc vừa sợ khác kẻ đồng hành. Thế là lặp lại nhau, vô thức hay có ý thức. Không chỉ ở ngôn ngữ thơ mà, ở chính hình ảnh và tứ thơ. Thi ảnh “ngựa” là một. Ngựa từ Xuân Diệu sang Hoàng Hưng đến Vi Thùy Linh, Đinh Thị Như Thúy, Trần Lê Sơn Ý… cứ thế mà vô tư ngựa!

Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của đồng ngực trẻ
Thức dậy và tung bờm cất vó
Phóng như điên…
Thức dậy đi ơi chú ngựa
đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng.

(Trần Lê Sơn Ý, “Bài ca ngựa non”, Thơ hôm nay, Nxb Đồng Nai, 2003, tr. 213)

Rồi mãi tận Đinh Thị Như Thúy nữa, ngựa chưa bao giờ làm vắng mặt:

Trái tim tôi là con ngựa bất kham
Sải vó dài trên đồng cỏ.
Gió ngùn ngụt gió.

(Đinh Thị Như Thúy, “Một ngày tháng sáu”, Vanchuongviet.org)

Rồi khi nhóm Ngựa Trời với năm nhà thơ nữ trẻ xuất hiện, ngựa đã thành một cuộc [mốt] chơi không biết đâu là cùng tận:

Em là con ngựa bất kham vừa chạy trốn vừa chạy theo những ám ảnh…
(Khương Hà, “Bên trái là đêm”, Dự báo phi thời tiết, Nxb Hội Nhà văn, 2006, tr. 32)

Nếu ngựa Xuân Diệu (Và hồn tôi như ngựa trẻ không cương/ Con ngựa chiến ngất ngây đường viêu viễn) biểu hiện nỗi ngây thơ, mơ mộng đẫm chất lãng mạn; hoặc ngựa của Hoàng Hưng là ngựa cô độc đầy kiêu hãnh lạc giữa tập thể bầy (Em là con ngựa non thon vó/ Lạc giữa rừng người hoang vu) thì ngựa của các bạn thơ nữ trẻ hôm nay nhất tề hô khẩu hiệu đòi tháo cũi sổ lồng, giải phóng mình khỏi buộc ràng phép nhà xã hội. Tất cả - một giuộc!

Không vấn đề gì cả. Đó là tâm thế chung của phụ nữ thời đại. Cần phải đạp đổ thái độ phân biệt đối xử trong giới tính, từ đó khẳng định tinh thần dân chủ trong hành xử xã hội. Nhưng tại sao lại cứ rập khuôn trong sáng tác văn chương? Tại sao không nỗ lực tìm thi ảnh mới, khác hơn các bạn thơ đồng trang lứa? Tại sao cứ là… ngựa, mà không là thi ảnh khác? Việt Nam có phải quê hương của ngựa đâu! Ngựa vô hình trung trở thành ước lệ, thứ ước lệ mà các nhà thơ thế hệ mới vô tư nhai lại(4).

3.

Vừa muốn khác vừa không dám làm khác người viết cùng thời đã đẩy thế hệ thơ trẻ gặp nhau ở sự đồng bộ. Tính đồng bộ không khác mấy thứ thơ của thế hệ cô chú, anh chị họ làm mới đây, mà họ từng lên tiếng chê bai là thơ cái tôi tập thể, thơ quốc doanh, thơ đồng phục. Sự đồng bộ bắt nguồn sâu xa từ căn tính thơ Việt và xã hội Việt Nam, được đắp nền và tô bồi thêm bởi thứ triết học Theo-ism đang được dạy trong nhà trường. Bước chân ra khỏi giảng đường, họ khó dứt lìa nếp nhà nghĩ theo, viết theo, đọc theo, khen chê theo…

Khác với nền dân chủ Tây phương, truyền thống xã hội Việt Nam về cơ bản thiết định trên tính cố kết gia đình và cộng đồng thay vì tình liên đới giữa các cá nhân độc lập, một xã hội ưu tiên bảo vệ nề nếp gia phong hay ổn định cộng đồng thay vì đảm bảo quyền lợi cá nhân như là thành tố độc đáo làm nên tập thể nhỏ, lớn đó. Không có gì dở cả. Thế nhưng, văn học là hoạt động sáng tạo độc lập, khi phải vận hành trong thiết chế truyền thống kia, đã chịu bao thiệt thòi. Tài năng cá nhân với những suy nghĩ và hành xử cá biệt luôn bị dị nghị. Đòi hỏi nhà văn Việt Nam vượt thoát và “chối bỏ” nó như Cao Hành Kiện đã làm, là điều cực nhiêu khê. Để được tồn tại giữa lồng môi trường văn hóa ấy, nhà văn chấp nhận thỏa hiệp. Họ sẵn sàng để cho họ hàng thân quyến, anh em bằng hữu can thiệp vào công việc sáng tạo. Kín đáo hay lộ liễu. Không lạ, khi tập thể tính là một trong những đặc tính nổi bật của văn chương Việt Nam, - như Nguyễn Hưng Quốc nhận định. “Cá tính” vừa phải như Nguyễn Huy Thiệp thôi, cũng phải chịu cho ra rìa.

Thế hệ người viết sau đó có vẻ “cá tính” hơn. Thế nhưng do thiếu nền tảng triết học - môn học dạy sinh thể mang tên con người biết và dám đặt câu hỏi, cho nên hiếm kẻ biết đặt câu hỏi về hiện trạng thơ hôm nay. Hiếm hơn nữa, kẻ biết cách đẩy câu hỏi đến tận cùng. Cả những hiện thực lồ lộ trước mắt. Và mặc cho bao nhiêu chuyến đi thực tế được tổ chức, những ưu ái mời gọi thâm nhập, nhà thơ hôm nay cứ là xa rời thực tế. Chạm lớt phớt vào hiện thực cuộc sống, rồi thôi. Rồi nghỉ. Trong khi hiện thực chuyển động và lớn mạnh ngày càng nhanh hơn, đẩy thơ ca tụt hậu và, mất hút.

Có được chút thông minh nhận ra bản chất sự thể, và rồi do sợ cô đơn, sợ cô độc và sợ cô lập, người viết tìm thỏa hiệp và tự thỏa hiệp. Họ không dám sống tới cùng tư tưởng chọn lựa, không dám viết tới cùng, và nhất là không dám theo đuổi đến cùng dự án lớn lao không giống ai của mình [nếu nhà văn đã nghĩ ra được và hoạch định trước đó]. Chúng ta đang thừa thãi người làm thơ học biết né tránh hiện thực, mà rất thiếu những Lê Vĩnh Tài dám đối mặt với hiện thực thậm phồn. Hiện thực của thơ ca: Thơ hỏi thơ (2010), Thơ hỏi thở, Thơ ơ thơ, Làm thơ (2012); hiện thực của thực tế xã hội: Cánh đồng bất nhân, Ăn của rừng rưng rưng nước mắt (2012). Bởi chỉ khi dám đối mặt và đẩy tất cả tới cùng, nhà thơ mới hi vọng thấy được mặt tối, bề sau của hiện thực.

Né tránh hiện thực là hệ quả của truyền thống văn hóa văn chương Việt Nam xưa; hôm nay, nỗi thừa mứa sự nhát hèn của bộ phận lớn sinh thể làm chữ nghĩa đang phát huy tối đa truyền thống kia. Phát huy không còn ở dạng bôi đen hay tô hồng, càng không phải đóng cửa giữ bàn tay sạch, mà ẩn núp sau những ẩn dụ nghệ thuật sang trọng, được khúc xạ bởi mấy ám chỉ xa/ gần, đậm/ nhạt, qua đó ý nghĩa hiện thực bị bẻ cong, đánh tráo. Tất cả không gì hơn mục đích né tránh hiện thực ở cấp độ khác, cao cấp hơn và tinh vi hơn, do đó đầy đớn hèn hơn.

Nhưng liệu người làm văn học còn có thể tránh né hiện thực mãi không? Câu trả lời là: không! Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu. Ngoại trừ văn nghệ sĩ xa lông, hay các cây bút đầu hàng thời cuộc. Thế giới hiện tại, mỗi sáng tác là sáng tác đầy nguy hiểm. Mỗi hành vi công bố tác phẩm là một hành động, và hành động này đặt mình vào sự cuồng nộ của một thời đại không tha thứ(5). Hiện thực phổ quát, kèm với nó là sự thống khổ của đám đông có mặt khắp nơi, ở sát cạnh nhà ta, ngay giữa lòng tập thể nhỏ bé tưởng yên ấm của ta. Thống khổ và bất công lồ lộ được phương tiện thông tin đủ loại đẩy vào tận phòng ăn, giường ngủ ta, ám ảnh giấc mơ ta. Đám đông ấy không để yên cho sự im lặng của ta, khi im lặng đó bị coi như một thái độ. Họ càng không tha thứ cho tiếng nói của ta, nếu đó chỉ là tiếng nói lưỡng lự, nửa vời.

Cũng bởi Thế giới ngoài tôi có quá nhiều sự thật…
Dù thế nào tôi cũng đứng dậy bước đi
Không thể mãi như con lật đật nghiêng hai bên phải trái
(6)

Thế hệ thơ trẻ hôm nay không chỉ hai bên phải trái nghiêng, mà bát ngát bên nghiêng. Tùy tình hình mà nghiêng, lấm lét nhìn trước ngó nhau để nghiêng. Nghiêng ngay ở bản thân bài thơ, nghiêng lộ ra trong chính ý định không nghiêng của nhà thơ. Nhân loại đã lớn, người đọc Việt Nam cũng đã trưởng thành. “Thế giới không còn dễ dàng để các nhà văn làm cho chấn động nữa”(7); còn sự lừa dối của nhà văn thì sẽ không bao giờ được dễ dãi bỏ qua.

4.

Thiếu nền tảng triết học, thiếu tư duy về nghệ thuật dẫn đến sự thừa ảo tưởng về sáng tạo. Sáng tạo, ta vặn vẹo hoặc thay đổi vài câu chữ, ta vắt dòng, ngắt câu hay kéo dài câu thơ đến vô tận. Ta thơ con âm, thơ siêu hình với siêu thực… đủ cả.

Vặn vẹo câu chữ, thơ con âm, thơ siêu hình với siêu thực, ta khiến thơ thành thứ nghệ thuật bí hiểm, khó hiểu. Không phải khó hiểu của suy tư sâu thẳm, lạ biệt mà là khó hiểu của sự mù mờ, giả trá và bất lực. Kiểu thơ chỉ có thể đánh lừa độc giả nhẹ dạ cả tin.

Tân hình thức và vắt dòng với tính truyện, ta không đủ trải nghiệm để có chuyện, hoặc chuyện ta không đủ sâu có khả năng chuyên chở hiện thực, ta quay về kể mấy chuyện vụn vặt, hời hợt. Hiện thực đời sống vuột khỏi thơ lúc nào không biết.

Kéo dài câu thơ, dù đã hụt hơi thơ - hơi thở, nhưng ta cứ miệt mài kéo. Thơ trở thành lòng thòng với dông dài, không nói lên điều gì hơn, ngoài việc tố giác sự bất lực của người làm thơ không đủ bản lĩnh để điều tiết câu chữ.

Thơ không vần, nhịp chỏi với lối nhảy cóc về thi ảnh chẳng là nỗi sáng tạo mới mẻ chi chi cả, mà chỉ là một học lại từ phong trào thơ thuở 60 của thế kỉ trước. Cái hơn ở thế hệ sau này là nhảy cóc tùy tiện hơn, nhịp thơ chuyển vô tội vạ hơn, từ đó ý thơ tù mù hơn. Chúng khuấy đục mọi thứ nước để tạo cảm giác sâu thẳm - lại Nietzsche!

Thê thảm hơn cả, hôm nay khi hậu hiện đại đang thời thượng, không ít nhà thơ cách tân cũng lân la mò tới hậu hiện đại. Cũng giễu nhại, cũng cắt dán, cũng phi tâm hóa thể loại… Nhưng đó là thứ hậu hiện đại giả. Giả, nên cực kì nhảm.

… Khốn nạn
Như những bài thơ vừa cách vừa tân múa lân của bạn.

            (Lê Vĩnh Tài, “Từ sự rụt rè, chúng ta phát ra ánh sáng của cái đẹp”, Tienve.org).

Cái nhảm được đẩy lên đến tận cùng khi tất cả mớ mù mờ, lừa mị kia đang được đôn lên và định danh như là thơ cách tân. Các loại thơ cách tân giả hiệu được xiển dương bởi nhà phê bình đổi mới giả hiệu gây nên sự mù màu trong thưởng thức văn chương. Và ta tự huyễn với mấy nỗi sáng tạo đó. Chính sự tự huyễn nghênh ngang đến tội nghiệp của người làm thơ thế hệ mới đang làm vẩn đục không khí thơ hôm nay, chứ ít khi từ thái độ bảo thủ cứng đầu của thế hệ trước. Bởi dẫu sao, bảo thủ với lạc hậu vẫn có tiếng nói và dáng đứng riêng, không khó biện biệt.

5.

Như vậy, chắc chắn kĩ thuật với hình thức không phải là cái thiếu của thế hệ thơ hôm nay, mà thiếu - thiếu trầm trọng chính là cảm thức mới. Một cảm thức hạ sinh từ cuộc nổ lớn xảy ra nơi tâm thức, khi ta đối mặt với và suy tư thẳm sâu về hiện thực. Thiếu này là hệ quả của thiếu nền tảng triết học. Và, do thiếu cảm thức mới, cho dù thơ trẻ có vận dụng thành thạo mọi thủ pháp mới nhất học được từ thế giới ngoài kia, vẫn chỉ là mớ trang sức không hơn kém phân tấc. Thơ trẻ vẫn cứ bộc lộ cái khôn khéo vụn vặt với sự tự tin vừa hãnh tiến và bất an đồng thời.

Rốt cùng, tất cả dẫn đến thứ ảo tưởng hơn cả mọi ảo tưởng: ảo tưởng về tự do. “Sinh ra đã là tự do” hời hợt đã đành, sáng tạo tự do với xuất bản hay phê bình tự do, là một ảo tưởng tự đánh lừa(8). Ta “được quyền nghĩ những điều đã ước” (Mai Văn Phấn), nhưng ta chưa dấn lên một bước: dám nói lên những điều đã nghĩ kia. Mà không tìm cách nói lên những điều đã nghĩ thì làm gì có khả năng tiếp cận hiện thực. “Ngôn ngữ quẩn quanh hàng rào sự thật”, con tằm thơ trẻ cách tân chưa thể và không thể thoát khỏi vỏ kén, để dệt nên tấm vải bọc hình hài bạc nhược của nhà thơ, chứ đừng nói tác động đến quần chúng rộng lớn.

Thiếu sáng tạo đích thực bắt nguồn từ thiếu cảm thức mới, cảm thức bùng nổ khả năng làm thay đổi cách nhìn hiện thực, chuyển đổi cả cách sống lẫn cách viết của nhà thơ. Cảm thức mới làm bạo động xô đẩy nhà thơ đối mặt với sự khủng hoảng của cuộc sống hiện tại cùng nỗi khốn cùng của đám đông nhân loại. Thiếu cảm thức đó, thơ trẻ tự bịt mắt và bó tay để hạn định mình viết ra những gì có thể được đăng, được in, được thế hệ đàn anh đàn chị xoa đầu. Tất cả dẫn đến hệ quả tệ hại mà cả nhà phê bình lẫn người đọc đang lên tiếng báo động, rằng: thơ nhàn nhạt, thơ đang bế tắc, thơ xa rời hiện thực, thơ có mặt bằng mà không có đỉnh cao, vân vân… vẫn chỉ là những báo động giả. Bởi cả người làm thơ lẫn cơ quan trách nhiệm đều giả vờ không nhìn ra điều thật nhất trong những điều thật: thơ đang lãng tránh sự thật. Thế nên, cho dù có bao nhiêu hội thảo - từ địa phương, khu vực cho đến trung ương - bày ra, vẫn là những hội thảo và luận bàn vô bổ.

Cuối cùng, đâu lại vào đấy. Thơ ngày càng xa rời quần chúng là điều không thể tránh.

Sài Gòn, 5/11/2012
I.R.S.R
(SH287/01-13)


...................................................

(1) Lê Vi Thủy trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ trẻ, 28/10/2012.

(2) Hoài Chi, “Thơ đổi mới theo hướng nào?”
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=16094
“Một nhà thơ Việt Nam không thể làm thơ như ông Tây học nói tiếng Việt… Nhà thơ nhất định không thể trở thành công cụ cho văn hóa nô dịch ngoại lai… Một nhà thơ tùy theo sở trường sở đoản mà có thể lựa chọn trường phái, phương pháp sáng tác cho phù hợp để định hình một phong cách cá nhân. Nhưng dù cho đó là gì đi nữa thì phải đảm bảo được giá trị phản ánh và tinh thần dân tộc trong tác phẩm của mình. Không thể chạy theo cái cho là thời thượng, lòe đời để mang một giá trị ảo. Càng không thể một văn bản được gọi là thơ nhưng thật tế đó chỉ là trò chơi sắp chữ. Nhà thơ không nên chạy theo mốt một cách sống sượng như vậy được.
Đổi mới thơ ca là một việc làm không thể thiếu, rất cần nhưng không nên quá vội vàng tùy tiện và thiển cận để đi tới mất gốc. Thơ là tiếng nói của dân tộc cần phải biết giữ gìn sự trong sáng và phát huy bản sắc của nó. Nhà thơ phải luôn đổi mới tư duy, tìm tòi sáng tạo cái mới về ngôn ngữ, phải bình tĩnh trước những cơn sóng gió để trái tim trắc trở của mình nói lên giai điệu và cho ra tác phẩm mang hơi thở, diện mạo của thời đại mình. Nhà thơ nhất định phải ý thức về thi pháp để không bị hòa tan vào người khác. Người làm thơ trẻ cần phải luôn trau dồi học tập, không được tự mãn và đặc biệt đừng bao giờ làm thơ theo kiểu đánh đố người đọc, phải biết trân trọng những giá trị cổ truyền, phải biết sáng tạo mang tính kế thừa, phải biết đặt văn hóa dân tộc lên hàng đầu thì mới có một tương lai xán lạn.
Thơ hay là thơ phải mới và phải mang được hơi thở của thời đại, là một nguồn tài sản quý báu chung cho cộng đồng dân tộc, như là một tấm gương mà ai soi vào cũng thấy được khuôn mặt của mình mà trang điểm cho thanh lịch đẹp đẽ hơn. Người làm thơ lúc nào cũng vậy không được dễ dãi với chính mình, phải luôn tìm tòi sáng tạo.”

(3) Nguyễn Tiến Văn, “Về tập thơ M-N&Z của Đoàn Minh Châu”.

 (4) Créer aujourd’hui, c’est créer dangereusement. Toute publication est un acte et cet acte expose aux passions d’un siècle qui ne pardonne rien, - A. Camus, “L’Artiste et son Temps”.

(5) Inrasara, “Thơ trẻ và hiện tượng lặp lại mình”, báo Văn nghệ Thành phố, 11/10/2012.  

(6) Hoa Nip, “Thế giới nhiều sự thật”, web Hội Nhà văn Thành phố HCM, 5/11/2012.  

(7) “The world is not so easily appalled by writers anymore”, Mamu Joseph, “Where will Literature go from here?”, New York Times, 29/8/2012.

(8) Về “tự do”, Đinh Thị Như Thúy trả lời Nguyễn Đức Tùng, Talawas.org, 1/8/2010: “Sinh ra đã là tự do”; còn Vi Thùy Linh viết: “Tôi luôn sống và viết tự do, như mình muốn, dám nghĩ dám nói dám làm như chính mình ấp ủ và muốn được làm sứ mệnh của các nhà thơ, không chỉ nói lên những vấn đề to lớn của đất nước hay thời đại…” (Vi Thùy Linh, “Sức sống và tín hiệu Việt Nam trong thơ tôi”, được Phạm Xuân Nguyên dẫn lại trong bài “Phê bình văn học hiện nay: cái thiếu và cái yếu”, tham luận tại buổi toạ đàm ở Viện Văn Học: “Phê bình văn học - Bản chất và đối tượng”, Hà Nội, 27/5/2004). Đẩy lên mức cao hơn, Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo Thể thao & Văn hóa, 8/2/2011: “Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi… Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn”. Xem thêm: Inrasara, “Khủng hoảng, phản kháng và dối lừa”, Tienve.org, 27/2/2011.  







 

Các bài mới
Khát vọng bay xa (28/01/2013)
Các bài đã đăng