Tạp chí Sông Hương - Số 287 (T.01-13)
KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ NGÔ KHA (1.1973 - 1.2013)
14:41 | 16/01/2013

LTS:
“Con đi đã bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
thi sỹ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu”

KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ NGÔ KHA (1.1973 - 1.2013)

Những câu thơ của Ngô Kha, hàng bao nhiêu năm qua, gió tang bồng vẫn thổi trong tiềm thức giới văn nghệ sỹ, tri thức Huế.

Nhà thơ Ngô Kha sinh ngày 2 tháng 3 năm 1935 tại làng Thế Lại Thượng, Huế, trong một gia đình khoa bảng. Tốt nghiệp Thủ khoa khóa 1 Đại học Sư phạm Huế, Cử nhân Luật khoa, Ngô Kha từng dạy Văn và Công dân ở các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo - Huế từ năm 1960 cho đến ngày mất tích (Ngày 30/ 1/ 1973, Ngô Kha bị chính quyền cũ bắt âm thầm và từ đó không còn ai gặp lại nữa). Trên bục giảng, với tri thức, lòng nhiệt huyết và lý luận sắc bén, Thầy Ngô Kha là một người gây ảnh hưởng lớn cho nhiều thế hệ học sinh - sinh viên Huế. Trong phong trào đấu tranh đô thị, Ngô Kha cũng là một biểu tượng đầy bản lĩnh, ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và thái độ của giới trí thức văn nghệ sỹ lúc bấy giờ. Tác phẩm của Ngô Kha đã xuất bản bao gồm:
Hoa cô độc (thơ -1961), Ngụ ngôn người đãng trí (trường ca - 1969), Trường ca Hòa bình (1969). Năm 1991, Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã xuất bản tuyển tập “Thơ Ngô Kha”. Tháng 10, năm 2005, bạn bè và học trò của nhà thơ đã tổ chức xuất bản cuốn sách “Ngô Kha, ngụ ngôn của một thế hệ”. Hằng năm, vào 25 tháng 12 âm lịch, anh em phong trào đô thị Huế và người yêu thơ Ngô Kha vẫn hội tụ về ngôi nhà cũ ở đường Bạch Đằng để tưởng niệm. Huế đã có tên đường Ngô Kha từ năm 2005.

Thơ Ngô Kha, với những thi ảnh choáng ngợp vẫn còn lay động sâu sắc người đọc. Nhân Kỷ niệm 40 năm ngày mất nhà thơ - liệt sỹ Ngô Kha, Tạp chí Sông Hương với lòng ngưỡng mộ sâu sắc, dành một số trang về Nhà thơ, Thầy giáo Ngô Kha. Trong đó, xin trích đăng chương 1 của trường ca
Ngụ ngôn người đãng trí được xem như là một biểu tượng của dòng thơ siêu thực Huế mà đến nay, chưa tác phẩm nào vượt qua được...




Nhớ Ngô Kha


HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG


Từ năm 1963 trở đi cho tới ngày anh hy sinh, khuôn mặt của Ngô Kha nổi bật lên trong phong trào Sinh viên Học sinh Huế và các đô thị miền Nam, như một con người trí thức và một nhà thơ tranh đấu. Con người hành động mãnh liệt đã đến với anh sau nhiều năm đầy day dứt và ám ảnh về lẽ sống, về tuổi trẻ và vận mệnh đất nước, và điều đó còn để lại những dấu tích thật sâu đậm trên chặng đường dài gian khổ của thơ anh.

Trong không khí náo nhiệt và nhiễm độc của văn nghệ tâm lý chiến được tung ra khắp phố phường miền Nam vào những năm 60, thơ Ngô Kha (Hoa cô độc) xuất hiện như một nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch, thực chất là một thái độ hoài nghi và dừng lại trước cái lẽ sống bịa đặt mà bọn Mỹ và Ngô Đình Diệm đang rao hàng hết hơi trong tuổi trẻ thời buổi ấy. Ngô Kha nói thủng thẳng với bóng mình:

Lần hồi sinh trên con tàu cuối cùng
Chung quanh anh phù sa cát đỏ
Anh hỏi thầm về đời mình:
Gỗ đá có buồn không?
Chim chóc có buồn không?

Ngụ ngôn của người đãng trí
viết theo thể trường ca, chứa đựng trong tất cả ngôn ngữ và hình tượng xô bồ của nó nỗi ám ảnh kinh hoàng về chiến tranh, lời tự tố cáo đau đớn của một con người đang cố tìm cách thoát thân trên một mảnh đất bị chiếm đóng bởi quạ đen pháo sáng và lưỡi lê, ở đó như anh nói, “tên mọi người đã ghi vào viên đạn”. Ở đây nhà thơ sống hết lòng nỗi bàng hoàng trước chiến tranh, nhưng chưa thật sự bước vào cuộc chiến đấu. Tuy nhiên, ẩn hiện trên từng trang của bài ca bi ai kia, con người “đãng trí” của Ngô Kha vẫn lắng nghe trái tim lay nhịp sống hàng giờ:

Tôi vốn mang trong người muôn quả tim
Như cây trên rừng nhiều lá
Sự sống từng giờ lay động bằng tiếng khóc trẻ thơ


Và chính trong những giây phút lắng nghe ấy, Ngô Kha đã nắm bắt được nguồn suối của khát vọng sống, tuy ẩn giấu nhưng chưa bao giờ nguôi trong tâm hồn chàng, khát vọng ấy là mảnh đất đứng được khẳng định sau cùng để từ đó tâm hồn day dứt của chàng tự vượt lên trong một niềm tin chắt chiu tội nghiệp, nhưng quả thật đã mang theo nó thông điệp của hy vọng:

Vì trái tim như một quả đồng hồ treo
Em nhớ mỗi ngày lên giây
Sự sống đã bắt đầu từ đó...


Đây chỉ là những tín hiệu định hướng, nhưng người ta không phải chờ đợi lâu hơn nữa. Một năm sau khi xuất bản “Ngụ ngôn...”, Ngô Kha đã dứt khoát từ bỏ cái thế giới ảm đạm của “Người đãng trí” để gia nhập vào cuộc chiến đấu của thành phố, thực sự nhập ngũ vào phong trào tuổi trẻ đô thị. Đó là bước ngoặt đã làm thay đổi tâm linh và cả thơ Ngô Kha.

Thực ra con người trầm tư của Ngô Kha đã không ngăn nổi cái xu thế hành động nơi anh, vốn là một trí thức tâm huyết luôn luôn được đánh thức, lay động và thôi thúc bởi cao trào hành động yêu nước của nhân dân thành phố quê hương anh.

Năm 1964, địch đàn áp nhóm Quán Bạn, cùng với nhà thơ Trần Quang Long, Ngô Kha đã bị chúng bắt giam. Năm 1966, giữa phong trào chống Mỹ - Thiệu - Kỳ của Huế, Ngô Kha tổ chức “Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức”, quàng phu-la tím và cầm súng đánh nhau với lính thủy quân lục chiến trong nhiều ngày trên đèo Hải Vân, sau đó anh lại bị tù. Từ 1970 trở đi, Ngô Kha có mặt thường trực trong cuộc chiến đấu liên tục của mặt trận đô thị. Trong năm 1970, Ngô Kha chủ biên tập san “Tự Quyết” của văn nghệ sĩ và trí thức Huế (cùng với Trịnh Công Sơn, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San, Trần Viết Ngạc...). Năm 1971, Ngô Kha chủ biên tập san “Mặt trận Văn hóa Dân tộc”, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế. Trong không khí sôi sục của những năm 71 - 72, địch đã hai lần bắt giam Ngô Kha, và anh chỉ ra khỏi nhà tù sau những đợt đấu tranh quyết liệt của sinh viên học sinh đòi trả tự do cho anh. Căn gác của anh ở số 42 đường Bạch Đằng bỏ trống quanh năm, dù vậy đã có lần bị ném chất nổ cửa sổ và bị đốt cháy. Nơi trú ngụ chính của Ngô Kha trong những năm này là trụ sở Tổng hội Sinh viên Huế ở 22 Trương Định, “căn cứ lõm” kiên cố nhất của phong trào tuổi trẻ Huế chống Mỹ, lúc này đã do lực lượng cách mạng hợp pháp chiếm lĩnh.

Cùng với bản thân anh, thơ của Ngô Kha xuống đường và nhanh chóng hấp thụ sức sống mãnh liệt của quần chúng nổi dậy. Ngô Kha đọc thơ giữa quảng trường, trong giảng đường hội thảo, trước lửa trại “đêm không ngủ”, và thường xuyên trên bục giảng của anh ở trường Quốc Học. Có một thời kỳ, cái từ “thầy Ngô Kha” đầy trìu mến được dùng để gọi tên một nhà thơ tranh đấu hơn là một thầy giáo. Thơ Ngô Kha trở thành một thứ nhiên liệu để đốt bùng ngọn lửa tâm hồn của tuổi trẻ học đường trước những cuộc bãi khóa xuống đường liên miên năm tháng:

Từ sự thật ẩn thân trong cõi hẹp
Đến vô cùng văn hóa của nhân gian
Ta hăng say
Những con tàu vượt sóng
Như rạng đông mới mọc trong tim
Xua ủy mị
Đánh tan ngày địa ngục
Ta đứng lên dựng mặt nhìn trời
Ta đứng lên giáp mặt với tương lai


Đó là sức bật cường tráng của thơ Ngô Kha, cả ngôn ngữ, hình tượng và tư tưởng. Trong thơ anh bây giờ không còn bóng của cái tôi cô độc và khắc khoải của 10 năm trước, thay vào đó là một cái ta dũng cảm và cương quyết, cái ta chủ thể của một đám đông đang vươn vai đón gió lớn của thời đại mình:

Người vươn vai đứng dậy
Như núi đồi có đôi tay nắm lấy vừng đông


Mùa xuân 1971, thơ ca tranh đấu của đô thị miền Nam dậy lên tiếng gào thét chống lại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ ngụy ở đường 9 - Nam Lào. Thơ Ngô Kha vang dội trong chủ đề ấy để đưa lực lượng vào mũi tiến công phối hợp của thành phố “đánh vu hồi vào sau lưng địch”. Chính vì thế, như một hình tượng lớn nóng bỏng của thành phố, con “đường mòn Hồ Chí Minh” hiện bóng đường bệ trong thơ Ngô Kha, là sự khẳng định của chính nhà thơ về con đường lớn của lịch sử:

Ta nghe từng đoàn người ngựa Thăng Long
Đang phá vỡ trùng vây đập tan quân cướp nước
Ta đã thấy
Vòng đai mở rộng
Thành phố rộn ràng khoác áo tứ thân.


Bạn bè gởi đến lời chúc mừng cho riêng anh về con đường tìm thấy, qua suốt cuộc hành trình tìm về lịch sử. Anh đã khởi đi như vậy, trong cái mặc cảm bơ vơ trước đường dài, “mai về ngồi nghĩ một mình bóng nghiêng”. Anh đã đau đớn dằn vặt đến như vậy, khi định tìm câu giải đáp cho muôn vàn câu hỏi trong lòng hai tay ôm lấy vầng trán để suýt chạm vào cái chết của tâm hồn. “Tự sát bằng cô đơn nên chẳng bao giờ chết”. Và như một phản ứng vượt thoát sau cùng, rũ sạch áo khỏi những tro xám của tư duy để chọn con đường hành động, từ đó tâm hồn Ngô Kha bắt gặp đường chân trời để vụt lớn dậy bằng sức quật khởi của cả thế hệ mình.

Trên bầu trời quê hương ta đã xuất hiện
Một ráng mây hồng
Trong lòng người
Và trong lòng ta


Mãi mãi niềm tin thuộc về những con người chiến đấu, Ngô Kha đã tin vì anh đã thực sự dấn thân và đã hy sinh.

Như bông hoa bách hợp héo tàn
Chàng nằm đó mảnh mai, nhợt nhạt
Đẹp vẻ đẹp của hình hài bằng đất.


Nơi sườn đồi nào ở ngoại ô, chàng nằm úp mặt trên cỏ xanh, trong tư thế vĩnh hằng đó của câu thơ Byron - viên đạn xuyên qua gáy.

Huế, tháng 1/1990
H.P.N.T
(SH287/01-13)     









 

Các bài mới
Khát vọng bay xa (28/01/2013)
Các bài đã đăng