Tạp chí Sông Hương - Số 287 (T.01-13)
Mình hót lên
10:20 | 18/01/2013

NHÃ THUYÊN 
              Truyện ngắn 

Một sáng sớm mùa đông, bầu trời xám thở ra hơi mát lạnh, tôi tự nhiên trút bỏ dần bộ dạng người. Trong gương, khi đưa bàn tay trái lên gỡ tóc rối, tôi thấy ngón tay đeo nhẫn và ngón trỏ thấp hơn hẳn.

Mình hót lên
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Theo trò đùa của mắt, tôi hà hơi mờ mịt mặt kính, áp bàn tay trái vào gương, nhấc lên, thấy hình bàn tay trên gương, chiếc sừng nai nhấp nhô những mầm sừng đang nhú, hai mầm sừng bị chặt ngang, rồi dấu vết trên mặt gương mờ dần, chiếc sừng teo nhỏ lại, thành chiếc cành đang đâm nhánh bỗng chết khô vì cây bị đứt rễ, rồi dần dần chúng biến mất hẳn trước mắt tôi, chỉ còn lại toàn hơi sương. Tôi dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay phải nắn vuốt từng ngón tay trái, phát hiện điều kì cục xảy ra với cả ngón trỏ, và cả ngón áp út bàn tay phải: chúng cụt lủn, chỉ còn hai đốt. Như thể một căn bệnh lây nhiễm, các ngón tay khác cũng trụi dần trụi dần, một cái cây bỗng nhiên bị loài sâu khổng lồ gặm mòn hết cành lá, chỉ còn trơ lại những hốc mắt tròn lụi trên thân.

Bây giờ tôi thấy mình thấp dần, toàn thân co dồn, hai chân lún mãi xuống, một cái lò xo chịu lực ép vô hình. Mặt sàn nơi tôi đứng vẫn bất động, không có dấu hiệu chuyển rung, chao đảo. Cái mặt tôi vẫn nguyên dạng mặt người, gương mặt quen thuộc với tôi: hai con mắt lầm lì thiếu sinh khí, hai lá đào khô, cái mũi thấp bẹt cố nhoi lên hít thở, cái lều tạm bợ trên sa mạc của lũ vi trùng, hai gò má cao xương xương, hai hốc đá, nơi trú ngụ của những nụ hôn trong quá khứ bỏ hoang, vết sẹo nằm ngang dài 4cm, con đỉa nằm bẹp trên trán cao và dô, vài sợi tóc lòa xòa ngang má. Gương mặt bây giờ là ký ức người sót lại của tôi, là minh chứng cho nhân dạng tôi. Theo độ lún xuống của đôi chân và toàn thân co lại, chiếc mặt tôi, may thay, vẫn gắn với đầu, từ từ tụt xuống, và rơi xuống mặt đất, một cái đầu tượng bằng đất.

Qua những tấm gương lớn đặt sát tận chân tường, gắn với tứ phía của căn phòng riêng có cửa thông ra phòng khách, tôi thấy đôi chân mẹ, chiếc làn nhựa xanh đặt xuống nền gạch hoa như mọi ngày. Tiếp đó, như thường lệ - và tôi luôn đoán đúng - tôi nghe tiếng gọi vào ăn sáng, lần này tiếng gọi vang lên âm âm, có lẽ bởi tai tôi đang ở quá sát mặt đất. Ngày nào tôi cũng rình đoán những lúc mẹ gọi đến tên mình vào các giờ ăn. Tiếng “con” vang lên trong không trung, vón cục, lăn lốc cốc, đôi khi cũng vui tai. Tôi và mẹ sống cùng nhau 20 năm qua, bằng số tuổi tôi bây giờ, theo thể thức giao tiếp đặc biệt gần như thủ tục: phần lớn thời gian tôi sống trong căn phòng đặt gương tứ phía, mẹ và tôi không giáp mặt nhau nhưng từ phòng mình, tôi vẫn quan sát được bước chân mẹ, những chuyển động chống chếnh như dưới nước khi ánh mặt trời rọi vào, gương mặt lấp ló đâu đó, đôi mắt lo âu vẫn dò theo tôi nhất cử nhất động bằng cách nhân thành nhiều đôi mắt qua các tấm gương. Có một thỏa thuận ngầm đáp ứng nhu cầu của cả hai bên: nhu cầu quan sát từ xa của tôi và mẹ bằng cách nhân bội con mắt, tôi đề phòng mẹ nhất cử nhất động, mẹ canh chừng tôi nhất cử nhất động, từ khi tôi mới lọt lòng. Bà chỉ có mình tôi, bà sống vì tôi và luôn sợ hãi tôi biến mất bất cứ lúc nào.

Có lẽ ngày đang trôi, nắng mùa đông hắt vào tấm gương loang loáng những lưỡi ánh sáng nhọn sắc, những lưỡi thép trắng lạnh. Gương mặt tôi bắt đầu biến thái, miệng tôi dài ra và úp vào nhau thành cái mỏ chim. Tôi mơ hồ đoán rằng chính lưỡi dao của ánh sáng đang khoét gọt tôi theo cách nó muốn.

Tôi đang thành một con chim. Lông bắt đầu phủ dần lên hai cánh tay và bàn tay trụi lủi. Lông dầy lên toàn thân, ấm áp. Những móng chân của tôi hơi quặp lại và lớp sừng đang sần lên. Một con chim ngoại cỡ so với những loài chim quen thuộc trong thành phố này.

Tôi cười thầm. Sự biến mất của tôi sẽ làm mẹ kinh hãi. Thậm chí tuyệt vọng, thậm chí bà có thể chết bất ngờ. Ánh sáng đang khoét gọt tôi theo cách của thiên nhiên, theo quy luật sinh tồn và thích ứng. Tôi không phải là sở hữu của mẹ tôi. Tôi không thuộc quyền kiểm soát của bà. Tôi cũng chẳng thể tự quyết định chính tồn tại của mình.

Tôi nhảy nhót ra ban công. Tôi bay, thử xem. Tôi đập cánh. Tôi lấy đà. Tôi ngã dúi. Tôi đập cánh lại. Tôi lấy đà. Tôi bay được.

Quả thật tôi là chim? Tôi bay lên.

Khi mệt, tôi đứng nghỉ trên dây điện chăng khắp phố, nhìn nghía bọn người đi lại ở dưới, bọn người tôi vốn chán ghét vì sự nhàm tẻ đúc ra từ khuôn mặt họ. Lần đầu tiên tôi quan sát đám đông di chuyển đủ loại người, mà tôi không phải trà trộn vào họ, cũng không phải len lén nhìn, không phải bày đặt một căn nhà gương, tôi đang ở trên cao hơn để nhìn họ, tôi không bị họ săm soi như soi một con người bình thường. Tôi đang mang hình thù chim. Tôi bắt đầu thấy họ hay hay là lạ. Rồi có lẽ họ cũng săm soi tôi, săm soi một con chim, có thể bằng mắt, bằng tay, bằng ná thun, bằng súng, bằng đá... theo cách của một con người. Nhưng tôi chẳng lo xa. Bây giờ tôi đang là chim.

Tôi gõ gõ vào thân cây, nghiêng nghiêng đầu, mổ mổ xuống cánh lá.

Tôi nghe tiếng hót của tôi cứ mỗi ngày mỗi trong hơn.

Trong ký ức của một con chim có hình ảnh một con người không?

Mình hót lên. Chỉ mang máng rằng cánh tay mình teo dần rồi mọc ra hai cái cánh. Rồi lông phủ lên... Chỉ mang máng rằng một sáng sớm mùa đông, bầu trời xám thở ra hơi mát lạnh, mình tự nhiên trút bỏ bộ dạng người. Thế rồi bay đi luôn và là chim luôn từ đấy.

Nhưng bây giờ, mình phải bay đi đâu? Mình đã làm thân với những loài chim và biết rằng, trong thành phố này, mình là một con chim chẳng hợp bầy. Những loài chim trong thành phố có lẽ đã cảm thấy bất trắc khi mình lại gần. Thiên nhiên đã ngẫu hứng tạo ra mình, có lẽ, nhưng thiên nhiên không kèm theo hướng dẫn sử dụng, cũng không khuyến mại một cái lồng. Trong ký ức của một con chim có hình ảnh một con người không? Trong hình dạng bây giờ, liệu mình có bị phát hiện ra mình đã từng là một con người không? Bây giờ, mình phải bay đi đâu?

N.T
(SH287/01-13)   







 

Các bài mới
Khát vọng bay xa (28/01/2013)
Các bài đã đăng