Tạp chí Sông Hương - Số 287 (T.01-13)
Hướng tới những khả thể hư cấu
16:52 | 25/01/2013

LÊ MINH PHONG

Tôi khóc
          những chân trời
                        không có người bay,
     lại khóc
              những người bay
                              không có chân trời.

                                    (Trần Dần)

Hướng tới những khả thể hư cấu
Ảnh: internet

Sự vận động trong tư duy sáng tạo của Kafka, Jorge Louis Borges, G.G.Márquez… (Tây) cho đến Cao Hành Kiện(1) (Đông) minh chứng một điều: kẻ sáng tạo thì suốt đời tìm kiếm. Họ ngang nhiên phản bội lại lối tư duy của các tiền nhân để truy tìm, một cuộc truy tìm quyết liệt. Khi không còn dựa dẫm vào túi khôn của lý tính để thông hiểu ngoại giới thì có nghĩa là họ đã làm một điều gì đó khác với tư duy của hệ hình văn chương trước đó. Nghĩa là trong khu vườn sáng tạo họ đã tự nhìn vào khuôn mặt của chính mình để bắt đầu kiến giải những bề khuất lấp trong nội giới người.

Trong khi Jorge Louis Borges với vai trò là một kẻ nói láo vĩ đại (2) của thế kỷ XX bằng những linh hoạt, lan tỏa, san phẳng các biên giới, kín đáo và bí ẩn trong những mê lộ thì Kafka lại truy tìm bản thể trong một Lâu đài rỗng không dung chứa bao nỗi sợ hãi, trong những ác mộng phi lý trùng vây. Còn ở phương Đông huyền bí, mảnh đất luôn ngơ ngác với những cách tân đột biến, Cao lại lặn lội tìm về với thủy tổ tiền nhân để mong chạm được vào bản thể của chính mình ẩn hiện trong khói sương trên đỉnh Linh Sơn mê dụ. Nhưng mọi thứ đều vô hình. Cái vô hình của Kafka là cái rỗng của nỗi đau khi sự hiện hữu của mình và tha nhân quanh mình bị đánh vắng trong bàn tiệc của niềm vui bởi những điều phi lý. Cái vô hình của Cao lại là cái rỗng mang màu sắc của sự thâm sâu trong nghệ thuật Thiền họa phương Đông. Cái rỗng “của người đi tìm sự bình an và tự do bên trong” (dẫn lời Lee Mabel). Không khó để nhận thấy có một sự hạnh ngộ nào đó giữa những nỗ lực của Derrida trong giải cấu trúc với sự xếp đặt những tượng giới trong thế giới chữ của Cao. Dù có khác nhau giữa nghệ thuật của Kafka và Cao Hành Kiện nhưng tất cả đều vô hình. Vô hình bởi chúng quá lớn đối với tri nhận của lý tính.

Tất nhiên không phải kể từ Kafka, Jorge Louis Borges, G.G.Márquez đến Cao Hành Kiện, văn nhân mới lên đường tìm kiếm. Mà kể từ thoạt kỳ thủy người sáng tạo đã lên đường tìm kiếm. Plato và Aristotle cho rằng nghệ thuật là sự mô phỏng, mô phỏng là điều cần và đủ cho những kiểu dạng thực hành nào đó được gọi là nghệ thuật. Trong sự biện giải của họ thì: X là một nghệ phẩm khi và chỉ khi nó là sự mô phỏng. Kể từ đây người sáng tạo đã bắt đầu tìm kiếm, tìm kiếm và lý giải ngoại giới trong sự chi phối của tiêu chí giống như thật.

Nói như thế để thấy rằng cuộc tìm kiếm của nghệ thuật trước Kafka và sau Kafka cho đến Cao Hành Kiện là hoàn toàn khác nhau. Nghệ thuật muốn hướng thượng tất yếu phải bội ước với một số giá trị đi trước. Vì thế khi túi khôn của lý tính lộ ra những giới hạn, khi Tôi không phải là thế giới (chữ của V.Bela) thì văn chương dần đi vào thế giới của tiềm thức, của vô thức. Đứng trước Kafka và Cao Hành Kiện thì quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng đã bị những kẻ sáng tạo này vượt qua. Thế giới trong Lâu đài hay thế giới trong Linh Sơn đều là thế giới bên trong, một thế giới không dễ gì chạm được. Đó là thế giới của tưởng tượng, thế giới bất thường, nằm ngoài sự chi phối của lý tính thuần túy. Ở đây, nhà văn luôn đặt ra những dấu chấm lửng, họ không khoái những kết thúc theo kiểu kết luận. Mọi thứ luôn mở ra. Trong Cao hay trong thế giới của Kafka không hiện hữu cái gọi là hiện thực trần trụi. Ở đây, bất kỳ ai can dự vào cũng phải tìm kiếm, tìm kiếm trong cuộc chơi bất tận của những tượng giới không hình thù. Hiện thực đã bị lệch pha để dành quyền tối thượng cho sự hiện diện của tâm thức và sự nghiệm sinh, siêu nghiệm riêng biệt ở mỗi cá thể. Một thế giới với một trật tự mới đã được xác lập. Thế giới siêu nghiệm trong vũ trụ nội cảm. Sự chối bỏ đường ray cố định của lý tính đã tạo nên những đại tượng vô hình (Đạo Đức Kinh), những dạng thức siêu hình tượng thuộc về thế giới của tâm thức. Giá trị thẩm mỹ trong thế giới của Kafka cho đến Cao nằm ở những cảnh lớn không hình dạng. Và chính điều đó đã đưa đến một sự thấu thị hoàn mỹ về con người.

Nếu người nguyên thủy quỳ gối và u mê rồi bấu víu vào thần linh của họ, vào những đối tượng ngoài họ mà họ đã thêu dệt nên trong nỗi hãi hùng của mình, người trung cổ ngoan hiền nhận lấy món quà vô hình của thượng đế thông qua sự mặc khải của cá nhân, người hiện đại cả tín vào khoa học rồi òa khóc trước giới hạn của túi khôn lý tính thì con người trong thời hậu hiện đại lại quỳ gối và u mê trước chính mình. Linh Sơn ở bên này hay ở bên kia sông? Lâu đài ở đâu trên lộ trình thăm thẳm trong cuộc rượt đuổi của Kafka. Chúng không nằm bất cứ nơi đâu ở ngoại giới. Chúng ở trong Kafka, trong Cao Hành Kiện, trong chốn tiềm thức luôn réo gọi tâm thức sáng tạo lên đường.

Ở bên này hay ở bên kia sông cũng thế mà thôi.

Vậy, khi Tôi không phải là thế giới, khi thượng đế trở nên rón rén, rụt rè và khiêm tốn(3) trước sự nổi loạn của Kẻ phản Ki - tô, khi trung tâm trái đất ruột rà rối tung (Bùi Giáng) thì văn chương nhân loại tìm đến lối thoát bằng cách đi vào bên trong tâm thức nhằm trả lại khuôn mặt đích thực cho CON NGƯỜI. Và thiết nghĩ đó là một lối thoát khôn ngoan. Đối với văn chương Việt thì đâu là lối thoát, hay cứ mãi đông cứng và dần kéo tới sự lâm nguy. Trước sự phô diễn những lối chơi quái đản của văn nhân thế giới nhìn lại thực trạng của văn chương chúng ta, thấy rất nhiều tín hiệu buồn.

Ngày nay, cảm thức của thời đại chúng ta đã khác đi, trong khi đó người viết Việt vẫn dựa dẫm quá nhiều vào kinh nghiệm bản thân, thiếu sự tưởng tượng và vượt thoát sự thật để đi đến một sự thật khác, cấp ý nghĩa và tính logic cho một trật tự khác. Sự nhàm chán về đề tài và sự đông cứng về tư tưởng dẫn đến tư duy cứ mãi ngủ yên trên những mảnh đất đã bị xới tung hàng thập kỷ nay. Chính sự sắp đặt từ những điều mắt thấy tai nghe khiến cho văn chương chúng ta không có những cú nhảy đột biến, không thể nào chạm vào được thứ cảm thức của văn chương trong thời chơi mới của nhân loại. Sự cả tín của bạn đọc vào những sự kiện mô phỏng hiện thực của tác phẩm càng lớn thì nhà văn xem mình càng thành công, đó chính là cái chết của tư duy sáng tạo trong văn chương chúng ta.

Nhìn một cách chung nhất thì những khả thể hư cấu trong các tác phẩm văn chương chúng ta hầu như bị tiết giảm tối đa. Tác phẩm luôn là sự nỗ lực cho sự lột tả tính chất trần trụi của sự thật, bút pháp tả thực truyền thống, lối viết mô phỏng trở nên có ma lực bậc nhất trong ý hướng trình ra một bức tranh chân thật của hiện thực từ chủ ý của người sáng tạo. Và dĩ nhiên, những tác phẩm này đều có chung một số đặc điểm. Đó là tính chân thực của lối kể tả những điều mà nhà văn được chứng kiến, những trạng huống mà chỉ có người trong cuộc mới viết ra được bằng kinh nghiệm và trí nhớ của mình. Tính chân thực được xem như là một trong những thước đo quan trọng của giá trị tác phẩm. Sự kiện, chi tiết, hình ảnh, nhân vật, không gian, thời gian, cốt truyện… nhất thiết phải tương hợp với cái khung lịch sử xã hội của nó.

Nhà văn vẫn đang bị cầm tù bởi những kinh nghiệm của chính bản thân. Họ vẫn mê mải trên những câu chữ miêu tả hiện thực, bút pháp hiện thực truyền thống vẫn như một cứu cánh cho sự tồn tại của tác phẩm. Và một hệ lụy không thể tránh khỏi đó là họ không thể viết về một cái gì đó mà mắt họ không nhìn thấy, tai họ không nghe và bản thân họ không được thể nghiệm. Hầu như người ta vẫn xem rằng nếu viết về một cái gì đó mà chủ thể chưa trải qua thì được xem như là bịa tạc, áp đặt và phỏng đoán. Nhà văn đang hướng tới những điều khả tín qua sự quan sát, những điều khả tín chỉ có trong hiện thực mà thế hệ họ hiện tồn.

Đã đến lúc cần phải hướng tới những cấp độ sáng tạo thực sự, tiết giảm những nỗ lực mô tả hiện thực, sự trung thành quá mức với các chi tiết, sự kiện. Bằng sự soi chiếu của vật lý hiện đại chúng ta thấy rằng mô tả hiện thực như nó vốn có là điều xuẩn ngốc. Hiện thực luôn ẩn tàng những khía cạnh huyền bí của nó, đằng này, hiện thực của cuộc sống đương đại đã trở nên bất định, vỡ vụn trong sự bung tỏa đa chiều. Bởi theo cách nhìn của vật lý lượng tử thì thế kỷ XX của chúng ta “trớ trêu thay nó lại kết thúc trong sự bất định, mơ hồ và hoài nghi”(4). Một lối tự sự mới là điều vô cùng cần thiết. Phá vỡ sự nối kết thông thường của các yếu tố như nhân vật, sự kiện, cốt truyện, không thời gian… để hướng tới một thế giới khác, thế giới ý niệm bằng cách chạm vào sự sợ hãi trong cái tâm cảm phức tạp ẩn giấu, trong những dồn nén ẩn ức của con người. Phá vỡ đến tận gốc rễ những điều khả tín được làm nền bởi những câu văn thật thà. Hướng tới những cấu trúc mà ngay bản thân nó đã chuyển tải những ý niệm. Xây dựng và cho các biểu tượng va đập với nhau nhằm tạo sinh ý nghĩa. Rất cần sự đảo ngược thời gian, đánh tráo điểm nhìn, sự nhìn nhận khác về thiện ác… Hướng tới một thứ hiện thực nhuốm màu sắc huyền bí bằng thi pháp của huyền thoại. Hẳn nhiên đã đến lúc chúng ta phải biết đến sức mạnh của các huyền thoại. Bởi văn học bắt đầu từ văn học ma quái chứ không phải từ chủ nghĩa hiện thực(5). Huyền thoại không biến mất, nó luôn song trùng với đời sống hiện đại. Lần theo dấu chân của những gã khổng lồ như Joyce, Kafka, Eliot sẽ hứa hẹn mở ra được những chiều kích mới. Cái khó là nối kết giữa các huyền thoại với cuộc sống đương thời mà người sáng tạo đang lưu trú. Huyền thoại là một ngôn từ(6) vì thế các nhà văn cần “xem huyền thoại như là công cụ tổ chức chất liệu nghệ thuật, là phương tiện diễn tả những nguyên tắc tâm lý vĩnh cửu”(7). Khi phát huy được sức mạnh của những hình tượng nguyên sơ, sự cấy ghép các Archétype trong văn bản thì sự bung tỏa của tác phẩm sẽ tự vượt ra khỏi những giới hạn mà từ trước người ta nhầm tưởng chúng đã là những khế ước vĩnh cửu. Sức mạnh bung tỏa này có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và tri nhận của chính người sáng tạo, cấp giá trị tự thân cho văn bản thông qua những tạo sinh ý nghĩa không bao giờ cạn kiệt. Bởi theo Carl Gustav Jung thì Kẻ nào nói với những hình tượng nguyên sơ thì giống như kẻ ấy nói với cả ngàn giọng nói(8). Cũng chính vì lẽ đó mà Miguel de Unamuno đã có thể giả cách phẫn nộ với Cervantes, buộc tội nhà văn đã không hiểu sự vĩ đại của Quixote(9). Nhân vật cũng như chính giá trị tác phẩm phải vượt ra ngoài sự kiềm tỏa của tác giả, hướng tới một sự tồn lưu vĩnh cửu. Những siêu diễn ngôn với khát vọng phổ quát của nó sẽ phải thay thế bằng sự nối ghép của các tiểu tự sự nối kết với nhau bằng trò chơi liên văn bản. Ý thức phản tỉnh trong bút pháp sẽ tự nó khơi mở những chiều hướng mới cho sự khả giải về tâm thức hậu hiện đại.

Ngày nay, khi những điều cần nhà văn kiến giải đã lặn vào bên trong thì ngôn ngữ không còn dừng lại ở việc phản ánh hiện thực hay chỉ là những ý niệm về hiện thực mà chính ngôn ngữ tạo sinh hiện thực. Hiện thực mà ngôn ngữ kiến tạo nên là một thứ hiện thực lệch pha, một thứ hiện thực được sao chép từ một dạng thức hiện thực gốc đã bị đánh mất. Thứ hiện thực này hiển lộ thông qua những cái thế vì. Khi thứ hiện thực ban đầu, thứ hiện thực nguyên khởi đã bị đánh mất thì trí tưởng tượng của nhà văn sẽ cứu cánh cho sự hiện hữu của chính tâm thức nhà văn thông qua những trạng huống hiện thực đến từ sáng tạo. Khai mở dạng thức hiện thực mới dưới những simulacrum(10), những hiện tượng mà bản chất của chúng hoàn toàn bị che giấu nên không còn mang tính chất hiện thực trần trụi. Điều này hãy còn xa trong tư duy sáng tạo người Việt.

Tính chất nhất thiết phải có chuyện trong một truyện ngắn đã trở thành rào cản cho những nỗ lực trong việc thay đổi lối viết. Truyện luôn luôn phải cần một cái gì đó để có thể tóm lược, để kể lại dựa trên một cốt truyện, một hệ thống nhân vật, những xung đột thông qua các chi tiết hiển minh, những thắt nút, mở nút… để hướng tới một sự kết nối trọn vẹn và hoàn kết, đó là những yếu tố cầm tù nhà văn trong địa hạt thi pháp truyền thống bấy lâu nay ở văn chương Việt. Để thay đổi lối viết cần phá vỡ những quy ước thủ cựu này. Một truyện ngắn đương đại không được phép có bất cứ một sự hoàn kết nào xảy ra mà chỉ là tạm thời dừng lại của sự va đập các tình tiết khi chúng đã đến lúc cần tạm thời dừng lại để tự chúng tạo ra những dư âm, những cú knock out, những làn sóng âm thầm nhưng mãnh liệt của một truyện ngắn hoàn hảo. Tiến tới tính chất phi truyện để tránh sự nhàm chán trong việc vuốt đuôi mà mô phỏng hiện thực. Truyện không nhất thiết phải có chuyện, những câu chuyện được kể tả bằng cách trung thành với hiện thực. Thủ pháp siêu hư cấu (metafiction) sẽ phá vỡ những quy ước và những tham vọng minh họa cho hiện thực. Vì thực ra những tác phẩm không mang tính minh họa cho hiện thực luôn chứng minh cấp độ sáng tạo của nó. Những tác phẩm đó “chúng tự xác định như là cái gì đấy khác biệt so với kinh nghiệm của ta đã nếm trải trong thế giới thực, chứ không chỉ là bản sao của thế giới thực…con người thích những thế giới trong trí tưởng tượng thuộc điều bất khả bởi vì chính cái bất khả cũng có nét mê hoặc.”(11)

Hướng đến xây dựng hình tượng con người tương ứng với cảm trạng và tâm thức con người đương đại. Phá vỡ những hình tượng nhận vật đã bị đóng khung trong thi pháp truyền thống. Hướng tới xây dựng những dạng thức con người với những gam màu khác. Con người trôi trong triền miên những giấc mơ khi tỉnh(12). Con người đang trôi vào một thế giới xa lạ và bất an, chập chờn và ám ảnh, sự bất an này kéo tới sư va chạm, mâu thuẫn ngay chính trong bản thân mình và tha nhân. Con người khắc khoải cõng trên thân phận mình những nỗi hoảng loạn đi về miền vô định, tối tăm. Con người hiện diện trong sự bủa vây của phi lý. Con người lạc lối, mù lòa. Con người bị che giấu khỏi tầm mắt những gì mình muốn thấy. Con người khát khao hướng tới một sự hợp nhất trọn vẹn nào đó nhưng mãi mãi bất lực, câm nín, bất khả tri về chính mình và thế giới. Con người bơ vơ, lạc loài, vong thân trong sự đổ vỡ của giá trị, sự phụ rẫy của niềm tin để rồi đau đớn nhìn thấy sự băng hoại của tha nhân và của bản thể. Con người không thích ứng với lý tính. Con người bị dẫn đi bởi cuồng mê và hoảng loạn. Con người đang kêu gào minh chứng sự có mặt thông qua chuỗi hành động phi lý. Con người không khước từ sự phi lý mà đang thụ cảm sự phi lý, con người hành động nhưng đôi khi lại khuyết thiếu động cơ. Con người sợ hãi trước định mệnh. Con người cố bấu víu và hướng tới những nguyên tắc khoái lạc mang tính tức thời của chứng điên rồ tập thể. Tương cận với cách nhìn của Heidegger, đó là kiểu con người bị ném vào thế giới và không ngừng bị trở thành một kẻ bị liên can trong thế giới đó. Con người nhìn thấy được sự hữu hạn trước vũ trụ, con người đang bị chế ngự bởi một hệ thống, con người bị quy định vào những cấu trúc, những hệ thống quyền lực như sự lý giải của Michel Foucault. Con người hiện hữu trong sự chối bỏ cơ cấu của thế giới vật lý. Sự khác biệt giữa chủ thể và khách thể, giữa res cogitans (vật suy tư) và res extensa (vật khả trương), giữa tâm hồn và thân xác dường như không còn ranh giới, không còn sự biện giải trắng đen rõ ràng như kiểu dạng con người truyền thống. Con người giờ đây là con người đi ra từ vô thức cá nhân và lưu giữ trong mình thứ vô thức tập thể (collective uncon- scious), “một thứ vô thức được tạo nên bởi những cổ mẫu, đó là những hình thức tiền tồn hay là những hình thức nguyên thủy”(13) luôn ám lấy tâm thức đương đại.

Từ lâu chúng ta đã có những tín hiệu đáng mừng nhưng liệu đây có phải là những niềm hoan hỉ lớn lao? Dấu vết của hệ hình hiện đại trong thi ca chúng ta khởi đi từ Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nhã Ca, Phùng Cung, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn… Và chính họ là những tín hiệu vui đầu tiên loan báo về sự vượt thoát của tư duy sáng tạo người Việt. Những người luôn truy vấn về sự đổi thay của lối viết. Nhưng rất tiếc dòng chảy này lại bị đứt đoạn, rồi không lâu sau đó sự sáng tạo của họ đã đứng lại và thế giới nghệ thuật của họ đã có thời bị lãng quên. Ngày nay, nếu chúng ta có khai quật lại thế giới của họ thì cũng chỉ là đi tìm những niềm vui trong quá vãng để an ủi thực tại hôm nay, để trả lại đúng tên cho sự vật.

Có thể nhận thấy đã có một sự cố gắng chuyển mình rất lớn của văn chương trong nước. Trước đây, Nguyễn Minh Châu với những biểu tượng sâu xa đã làm nhọc lòng không ít những ai muốn thấu tận thế giới của ông. Nhưng cái sâu của Nguyễn Minh Châu lại đứng trên một hệ thi pháp cũ, một lối diễn ngôn cũ, cấu trúc cũ.…Gần đây, các hiện tượng như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương… và gần hơn nữa là Đặng Thân, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Inrasara, Mai Sơn, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, Nhã Thuyên, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Lý Đợi, Lưu Mêlan, Khương Hà… là những người không chịu nằm yên trong giường chiếu nhỏ hẹp. Mặc dù vẫn chịu những sự chi phối của những điều nằm ngoài văn chương nhưng họ luôn luôn tự đốt đuốc tìm đường, muốn vượt thoát những tư duy cũ nhằm xác lập một diện mạo mới cho sáng tạo của mình. Những người sáng tạo này luôn luôn chuyển biến trong tư duy và cảm quan nghệ thuật. Tác phẩm của họ đã có những lệch pha đối với hiện thực khách quan, dần vượt ra khỏi sự mô phỏng. Thế giới hình tượng trong tác phẩm của họ có khả năng xa rời tính bản nguyên của sự vật, một không gian phì đại, một thế giới thậm phồn(14) (hyper) ẩn chứa ngay trong cấu trúc liên văn bản. Người đọc đứng trước một sự thách đố về khả năng tri nhận tác phẩm. Tác phẩm của họ dần có những thế lấp lửng giữa những cái khả tri và những cái bất khả tri. Lý tính thuần túy, trực cảm bình dân khó lòng chạm vào được chiều sâu nghệ thuật.

Tuy nhiên, đường hãy còn xa. Để chạm tới cái cảm thức quái đản của văn chương hiện đại, hậu hiện đại như Kafka, G.G.Márquez, Umberto Eco, Robbe – Grillet, Cao Hành Kiện, Italo Calvino… đã từng làm thì vẫn là một sự thách đố đối với văn chương Việt. Dấu vết của thi pháp văn học tả thực vẫn ám ảnh chúng ta. Sự cách tân một cách thái quá về hình thức trong khi tác phẩm thiếu vắng tư tưởng và ý niệm, sự ồn ào về cách tân hình thức thực sự chưa đứng trên một nền tảng mỹ học đủ rắn chắc, chưa chạm được vào cảm trạng và tâm thức xã hội đương đại, và hơn thế, sự thực hành mỹ học trong sáng tạo chưa đủ sức thuyết phục.

“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh (Kiều).

Hi vọng vẫn phải hi vọng nhưng hiện tại văn chương Việt vẫn chưa có một lối thoát rõ rệt nào, trong khi sự đòi hỏi về một thứ văn chương dung hợp những khả thể hư cấu là có thật và càng ngày càng bức thiết hơn. Khi nào thì văn chương Việt hướng tới được hệ hình mới trong thời chơi mới của văn chương nhân loại hôm nay vẫn là một câu hỏi không dễ để có câu trả lời.

L.M.P   
(SH287/01-13)


........................................................  

1. Chủ nhân của giải Nobel văn chương năm 2000. Ông là người Trung Hoa, quốc tịch Pháp. Trong bài viết này, dưới cách nhìn của chúng tôi thì mặc dù Cao Hành Kiện mang quốc tịch Pháp và không được hoan hỉ đón nhận đúng tầm mức ở Trung Quốc nhưng nền tảng văn hóa Trung Hoa vẫn là cội nguồn trong tâm thức sáng tạo của ông. Vì thế chúng tôi vẫn xem ông là kẻ sáng tạo của phương Đông có những vượt thoát trong lối viết khi ông hướng sáng tạo của mình tới những thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại Tây phương.

2. Đây là lời nhận định của Sergio Mondragon, in trong tiểu luận Về truyện cực ngắn của Robert Fox, Hoàng Ngọc - Tuấn chuyển sang Việt ngữ, đăng trên website tienve.org

3. Nietzsche, Kẻ phản Ki -Tô (Thử đưa ra một phê bình Ki - tô giáo), Hà Vũ Trọng dịch, Nxb Tri thức 2011. tr55.

4. Xem F.David Peat, Từ xác định đến bất định - Những câu chuyện về khoa học và tư tưởng của thế kỷ 20, Phạm Việt Hưng dịch, Nxb Tri thức, 2011

5. Jorge Louis Borges, Nhiệm vụ của nhà văn, in trong Jorge Louis Borges tuyển tập, Nguyễn Trung Đức dịch và giới thiệu, Nxb Đà Nẵng 2001, tr24

6. Xin xem Roland Barthes, Những huyền thoại, Phùng Văn Tửu dịch, Nxb Tri thức, tr 289. 

7. Xem E. M. Meletinsky, Thi pháp của huyền thoại, Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch, Nxb ĐHQG Hà Nội 2004, xxii

8. Dẫn theo Phan Quang Định, Toàn cảnh triết học Âu Mỹ thế kỷ XX, Nxb Văn học 2008, tr380.

9. Xem Claudio Maggiis, Không tưởng và thức tỉnh. Vũ Ngọc Thăng dịch, Nxb Hội nhà văn, tr10.

10. Về thuật ngữ này xin xem thêm Nguyễn Minh Quân, Chủ nghĩa hậu hiện đại, những khái niệm căn bản. Tạp chí Việt, số 7.

11. Xem John David Barrow, Nghịch lý thị giác, in trong Điều bất khả, giới hạn của khoa học & khoa học của giới hạn, Diệp Minh Tâm dịch, Nxb Tri thức 2012, tr46.

12. Chữ của Freud trong công trình Sáng tạo văn chương và giấc mơ khi tỉnh (La creation littéraire et le rêve éveillé), 1908. Dẫn theo Liễu Trương, Phân tâm học và phê bình văn học, Nxb Phụ nữ, 2011.

13. Xem E.A. Bennet, Jung đã thực sự nói gì? Bùi Lưu Phi Khanh dịch, Nxb Văn hóa Thông tin 2002, tr74.

14. Về thuật ngữ này xin xem thêm Hoàng Ngọc - Tuấn, Viết: Từ hiện đại đến hậu hiện đại, in trong Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội nhà văn & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2003.










 

Các bài mới
Khát vọng bay xa (28/01/2013)
Các bài đã đăng
Lệ nến (25/01/2013)
Tâm Cảnh (25/01/2013)
Không có cha... (24/01/2013)