Tạp chí Sông Hương - Số 287 (T.01-13)
J. D. Salinger, Lev Tolstoi, và Sarah Bernhardt đồng quy nơi đâu
09:53 | 29/01/2013

A. L. BARDACH  

Đạo sư hiền hòa Swami Vivekananda, vị tăng sĩ xứ Bengal đã mang phép tu yoga tới Hoa Kỳ, đang thiền định ở London, năm 1896.

J. D. Salinger, Lev Tolstoi, và Sarah Bernhardt đồng quy nơi đâu
Ảnh hưởng lạ lùng - và còn tiếp diễn của đạo sư Swami Vivekananda, người xuy động thần kì của phong trào yoga toàn cầu

Đến khoảng cuối thập niên 1960, nhà văn nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ đã trở thành một nhà ẩn tu, phế bỏ sự nghiệp chói lòa của mình. Tuy nhiên, J[erome] D[avid] Salinger thường tới hạt Manhattan [New York], lưu trú tại căn hộ thênh thang của cha mẹ ở Đại lộ Công viên và Đường số 91. Trong khi ông không còn ghé thăm những biên tập viên ở tòa soạn tạp chí The New Yorker [Người New York], ông lại hoan hỉ đến hầu chuyện với đại sư của mình là Swami Nikhilananda, vị sáng lập Trung tâm Ramakrishna - Vivekananda toạ lạc lúc đó cũng như hiện nay tại số 17 Đông của Đường số 94.

Dù tác gia thánh tượng của những tác phẩm The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh) và Franny & Zooey công bố truyện ngắn sau cùng của mình vào năm 1965, ông vẫn không ngưng viết. Kể từ đầu thập niên 1950 trở đi, ông vẫn duy trì một sự giao dịch linh hoạt với hai tăng sĩ và đồng đạo thuộc trường phái Vedanta.

Rốt ráo, ánh sáng trung tâm, hướng đạo cho cuộc tìm kiếm tâm linh của Salinger là những lời dạy của Vivekananda, vị tăng sĩ xứ Bengal đã phổ biến giáo lý của trường phái Vedanta và phương pháp tu tập yoga ở phương Tây vào cuối thế kỉ 19.

Ngày nay yoga được cống hiến trong các lớp học và đạo tràng nhan nhản khắp nơi như các quán cà phê Starbucks. Vivekananda hẳn ắt phải thắc mắc, nếu chẳng phải có phần hốt hoảng. Ông từng cảnh báo: “Ngay khi tôi nghĩ mình như một thân thể bé bỏng tôi muốn bảo tồn nó, che chở nó, giữ nó tốt đẹp, làm thua thiệt cho các thân thể khác. Rồi bạn và tôi trở thành chia lìa”. Đối với Vivekananda là người thiết lập Trung tâm Vedanta đầu tiên trước tất cả, ở Manhattan năm 1896, yoga chỉ có một nghĩa: “Thực hiện Thượng đế.”

Sau một thủa thoạt đầu đi lại với Thiền tông - một đường lối tâm linh không có một Thượng đế - Salinger tìm được Vedanta mà ông thấy an ủi hơn vô hạn. Người viết tiểu sử của Sailinger là Kenneth Slawenski, vạch ra: “Vedanta cung ứng một con đường dẫn tới một tương quan thiết thân với Thượng đế… [và] một hứa hẹn rằng ông có thể đạt được một sự chữa lành cho nỗi u uất của mình… và tìm thấy Thượng đế, và qua Thượng đế, sự an bình.”

Tuy nhiên, tìm ra được sự an bình sẽ là một phấn đấu trọn đời. Năm 1975, Salinger viết cho một tăng sĩ khác ở Trung tâm Vedanta Thành phố New York về cuộc phấn đấu hằng ngày của chính mình, trích dẫn một văn bản của nhà huyền học Ấn Độ thế kỷ thứ 8 là Shankara như một câu chuyện răn chừng: “Trong đường rừng của lạc thú giác quan có một con cọp khổng lồ lùng sục, tên nó gọi là tâm trí. Xin những người lương thiện mong mỏi Giải thoát chớ bao giờ vào đó.” Salinger viết: “Tôi ngờ rằng chẳng có gì chân thật hơn điều đó,” ông thú nhận một cách ảm đạm, “vậy mà tôi để cho mình bị con cọp già đó xâu xé hầu như mỗi phút tỉnh táo của đời tôi.”

Chính việc hàng ngày bị “con cọp khổng lồ” kia xâu xé và những u uất khiếp đảm đã dẫn Salinger tới việc phế bỏ những tham vọng văn chương để theo đuổi những hoài bão tâm linh. Salinger - người dường như bị suy sụp thần kinh một kiểu nào đó khi trở về từ những mặt trận tiền tuyến kinh hồn của Thế chiến 2 - chấp nhận quan điểm của Vivekananda về tâm trí như một con khỉ say bị bò cạp chích và rồi bị một con quỷ ngấu nghiến. Đồng thời Vivekananda hứa hẹn sự hy vọng và an ủi - ông viết rằng: “cũng tâm trí ấy, khi bị khuất phục và được điều ngự, lại trở thành một người bạn và kẻ trợ giúp tin cẩn nhất, bảo đảm an bình và hạnh phúc.” Đó chính là sự ủy lạo mà Salinger tha thiết kiếm tìm. Và đến 1965 ông sẵn sàng khước từ sự theo đuổi danh vọng văn học đã từng làm ông bị nhọc nhằn trầy trụa.

Mặc dù hầu như bị lãng quên hẳn bởi con số cả 20 triệu người ngày nay ở Hoa Kỳ thực hành phương pháp yoga, bận những áo tràng màu cam màu nghệ đẹp nhất, Vivekananda là vị tăng sĩ người Bengal đã du nhập từ ‘yoga’ vào ngôn ngữ đàm thoại toàn quốc của Hoa Kỳ. Năm 1893, quấn một chiếc khăn quanh đầu màu đỏ, và đắp y màu vàng thắt dây đai tía, ông đã phát biểu một diễn văn làm mọi người bàng hoàng ở Chicago. Sự kiện này là Đại hội Tông giáo [the Parliament of Religions] sôi nổi, được triệu tập như một tiết mục phụ họa về tâm linh cho Chợ phiên Thế giới (the World’s Fair), phô bày những thành quả của công nghệ và kỹ thuật học của thời đại.
 


Vào hôm khai mạc, 11 tháng 9, Vivekananda dường như đang thiền định trên sân khấu, được mời phát biểu và ông lên tiếng không có ghi chú soạn sẵn. Ông bắt đầu: “Thưa các chị và các anh của châu Mỹ, lòng tôi chan chứa niềm vui không nói được thành lời…” trong giọng rền vang như sấm pha chút “âm hưởng thú vị kiểu Ireland,” theo một thính giả, do việc ông học với một giáo sư từng được thụ huấn ở Học viện Ba ngôi (Trinity College) [Tức Đại học Dublin, Ireland] tại Ấn Độ.

Rồi một điều chưa từng có xảy ra, báo trước hiện tượng mấy thập niên về sau đón chào ban nhạc Beatles (một người trong nhóm, là George Harrison, sẽ thành tín đồ trọn đời theo Vivekananda). Đám đông trước đây ù lì gồm hơn 4000 người tham dự đứng bật dậy và cuồng nhiệt hoan hô vị khách tăng, là kẻ chưa bao giờ nói chuyện trước một đám thính giả đông đảo; ông cũng giật mình như cử toạ của mình. Ông đáp lời, mặt đỏ bừng vì xúc động: “Tôi xin cám ơn quý vị nhân danh dòng tu cổ kính nhất trên thế giới. Tôi xin cám ơn quý vị nhân danh bà mẹ của các đạo giáo, và tôi xin cám ơn quý vị nhân danh hàng triệu triệu người dân Ấn Độ thuộc mọi giai tầng và tông phái.”

Annie Besant, một nhà Thông thiên học người Anh và cũng là một đại biểu trong đại hội này, mô tả sự tác động của Vivekananda, đã viết rằng: “Ông là một khuôn mặt trội bật, khoác y vàng cam, chói lọi như mặt trời xứ Ấn Độ ngay giữa bầu khí quyển nặng nề của Chicago, một chiếc đầu sư tử, cặp mắt xuyên thấu, đôi môi linh hoạt, động tác mau mắn và dứt khoát.” Bà nói: “Cả đại hội bị mê say, đám đông khổng lồ chờ đợi từng lời của ông.” Khi ông nói xong, cử tọa lại đứng lên và hoan hô ông vang rền như sấm còn hơn thế nữa. Một đại biểu khác mô tả: “Mấy chục phụ nữ leo qua các ghế dài để sát gần ông hơn,” khiến có ai đó tung tẩy đưa ra lời dí dỏm rằng nếu người ba mươi tuổi như Vivekananda “có thể đề kháng sự tấn công ấy, thì ông đúng là một vị thần.”

Christopher Isherwood viết vào nửa thế kỷ về sau: “Không hồ nghi gì đại đa số những kẻ có mặt chẳng mấy ai biết được lí do tại sao họ lại bị xúc động mạnh mẽ đến như vậy,” cho rằng “một thứ thần giao cách cảm tiềm thức” đã lây nhiễm cả sảnh đường, bắt đầu ngay với những lời đầu tiên của Vivekananda, và đối với một số người nó còn vang vọng mãi về sau. Khi người ta hỏi về nguồn gốc của bài “Chúa ngọt ngào của tôi” (My Sweet Lord), George Harrison: “Ca khúc đó thực sự đến từ Vivekananda; ông từng nói: ‘Nếu có một Thượng đế chúng ta phải thấy Ngài. Và nếu có một linh hồn, chúng ta phải nhận biết nó’.”

Những thuyết giáo của Vivekananda bắt rễ trong kinh điển Veda (Vệ đà), là những pho kinh văn cổ đại từ mấy ngàn năm về trước đã hình thành cả Phật giáo, Hindu giáo, và Jaina giáo (Kìna giáo). Những luận giải Upanishad (Áo nghĩa thư) về kinh Veda đã tôn tạo một niềm tin cốt lõi là Thượng đế ở cả nội tâm bên trong ta và hiện hữu cả bên ngoài ta - đó là thần tính có khắp mọi nơi. Pho kinh Bhagavad Gita (Chí tôn ca) là một văn bản hoặc một phúc âm thiêng liêng khác, trong khi Hindu giáo thực sự là một sáng chế được Vivekananda phổ biến để mô tả một tín ngưỡng gồm những niềm tin đa phức và muôn màu muôn vẻ.

Thiên tài của Vivekananda là đơn giản hóa tư tưởng Vedanta vào một lời dạy có thể tiếp cận mà người phương Tây thấy không thể kháng cự. Thượng đế không phải là một bạo chúa tùy tiện trái chứng ngự ở các tầng trời mà những kẻ vỗ Thánh kinh thùm thụp tuyên xưng, nhưng chính ra là một quyền năng ngự ở lòng người. Ông hứa hẹn: “Mỗi linh hồn đều tiềm tàng cái tính trời. Mục đích là biểu lộ cái thiên tính ấy bằng cách điều ngự bản tính tự nhiên, cả bên ngoài và bên trong.” Và để kết toán dứt khoát cho những kẻ lưng chừng, ông gộp trong vòng ôm của Vedanta luôn những tín ngưỡng khác và các tiên tri của chúng. Đức Kitô và Đức Phật đều là những hóa thân của thiên tính, ông nói, cũng như Krishna và tôn sư của ông là Ramakrishna.

Lev Tolstoi tán tụng: “Ông là nhà hiền triết sáng chói nhất. Khó tin là có người nào khác từng vượt trội hơn sự trầm tư tâm linh vô ngã này.”

Trong khi Vivekananda là một nhà trí thức được đào tạo theo phương Tây và có kiến thức bách khoa bác học “thuộc dòng dõi của một gia tộc đã năm mươi đời làm luật gia,” như ông thường nói, thì Ramakrishna xét mọi mặt trên thực tế là một kẻ mù chữ. Sinh ra với tên tục là Gadadhar Chattopadhyay, Ramakrishna chẳng có tí ti quan tâm gì đến việc học hành ngoài kinh kệ và cầu nguyện. May thay, thế là đủ đáp ứng yêu cầu cho công việc của ông là thầy cúng ở Đền Bà Đen (Dakshineswar Kali). Theo nhiều bản tường thuật đương thời của những chứng nhân đích thân tham dự, Ramakrishna - người được tôn sùng như một vị thánh trong phần lớn xứ Ấn Độ và nhiều người còn xem ông như một ứng thân (avatar) của thần Krishna - trải phần khá lớn cuộc đời ngắn ngủi của ông trong cảnh giới thiền định hoặc hoan lạc xuất thần. Hàng ngày, lúc ngồi hoặc lúc đứng, ông luôn được người ta thấy thường xuyên nhập vào cảnh giới phiêu du mà ông tả là “tâm thức Thượng đế” (God consciousness), vẫn tồn tại không ăn không ngủ. Ông mất năm 1886 ở tuổi 50.
 

Đức Thầy của Vivekananda - Đạo sư Ramakrishna - Ảnh: internet


Mặc dù Ramakrishna nói bằng một khẩu ngữ của làng quê, hay nhắc nhở những chuyện ngụ ngôn địa phương mộc mạc, lời đồn về vị thánh xứ Bengal này vẫn lan truyền khắp các tầng lớp sính tán chuyện ở Ấn Độ trong thập niên 1870 mau như nước lớn mùa lũ. Người ta đổ xô tới tìm ông - và tuyên bố ông là một nhập thể của thần linh - trong số đó nhiều người có học vị luật sư, tiến sĩ, kỹ sư, và thường tốt nghiệp từ các trường Kitô giáo do người Anh điều hành. Tuy nhiên, đệ tử gần gũi nhất và có ảnh hưởng nhất của ông là Vivekananda (tục danh là Narendranath Datta, sinh năm 1863 trong một gia đình thế giá), chính là kẻ mà ông phó thác sứ mệnh mang thông điệp của Vedanta ra thế giới.

Tất nhiên, một chút ít qua loa về tư tưởng phương Đông đã du hành qua phương Tây trước khi Vivekananda đặt chân tới Hoa Kỳ. Vào thập niên 1820, Ralph Waldo Emerson đã quơ được một văn bản của kinh Bhagavad Gita và thấy say mê. Ông viết trong nhật kí năm 1831: “Nhờ Bhagavad Gita tôi có một ngày tuyệt vời.” Cuốn Gita này rồi ra sẽ bồi dưỡng cho những luận văn theo Tiên nghiệm thuyết của ông (Transcendentalist essays), trong đó ông viết về Siêu linh (the Over-Soul) là phần của cá nhân nhất quán với vũ trụ - gợi ra những châm ngôn của Vedanta về Atman và Brahman (Tiểu ngã và Đại ngã). (Trong một vòng xoay lịch sử gọn ghẽ, một người thân thích của Emerson là Ellen Waldo, lại trở nên một kẻ tín mộ của Vivekananda, và trung thành ghi lại văn bản mà ông đọc cho viết, cũng là cuốn sách đầu tiên của ông này, tựa đề là “Raja Yoga”, vào năm 1895.)

Môn đệ và bằng hữu trong trường phái Tiên nghiệm của Emerson là Henry David Thoreau, còn học hỏi tư tưởng Ấn Độ hăng say hơn nữa, và tự chế ra cách tu tập cho riêng mình - sống như một nhà ẩn tu, tạm gọi như thế, bên cái hồ Walden, trong rừng. Vào năm 1875, Walt Whitman được tặng một bản Gita như một món quà trong lễ Giáng sinh, và người ta rồi sẽ nghe ra âm hưởng không thể lầm lẫn của cuốn kinh này nơi những câu thơ trong tập “Lá cỏ” (Leaves of Grass) như là: “Tôi qua cái chết với những kẻ đang hấp hối và cái sinh với em bé mới chào đời vừa được tắm xong, và tôi không chỉ hạn hẹp giữa cái mũ và đôi ủng của mình.” Dù hai người chẳng hề gặp nhau, Vivekananda chào mừng Walt Whitman như “vị Đạo sĩ của châu Mỹ.”

Tuy nhiên, giới đại học hàn lâm hơi bị chậm một chút trong việc ôm choàng lấy tư tưởng và văn học phương Đông. Mãi cho đến khi Vivekananda thuyết giảng một bài mạnh mẽ như luồng điện tại Câu lạc bộ Triết học của Sinh viên Tốt nghiệp ở Đại học Harvard vào ngày 25 tháng Ba năm 1986 thì Phân khoa Triết học Đông phương mới trở thành thường xuyên trong những đại học thuộc Liên đoàn Thường xuân (Ivy League colleges) của các đại học ưu tú.

Mê say vị tăng sĩ bác học và đa ngữ - người có thể ngồi cả ngày bất động im lặng trong thiền định - triết gia được quý mến là William James cho quây nhiều đồng nghiệp, sinh viên, và bạn hữu lại để họ dự bài thuyết trình của Vivekananda tại Đại học Harvard. Họ không bị thất vọng. Vị khách phương xa hân hoan thông báo cho họ: “Thuyết tiến hóa và prana (năng lượng) và akasa (không gian) chính là những gì mà khoa học hiện đại của quý vị có.” Chẳng phải họ không thích thú. Khi được hỏi: “Thưa Swami (Sa môn), ngài nghĩ như thế nào về thức ăn và hơi thở?” ông trả lời: “Tôi ủng hộ cả hai.” Buổi tối kết thúc với việc vị tăng sĩ quấn khăn, “mặc trang phục màu đỏ đậm huy hoàng” nhận được lời mời làm khoa trưởng phân khoa mới của Đại học Har- vard. Đại học Colombia cũng mau mắn tranh thủ Vivekananda - và ông này khước từ cả hai nơi, viện lẽ ông đã có những lời nguyện buông xả.

Tại bữa tiệc tối vinh danh ông vào đêm hôm sau, William James và Vivekananda nhón riêng ra một góc, và người ta thấy họ trò chuyện cho tới mãi nửa đêm. Sáng hôm sau James gửi lời mời ông dự bữa tối tại chính nhà mình. Và suốt tuần kế tiếp, James lại lao về Boston để nghe những bài thuyết giảng khác của ông.

Một đồng nghiệp ở Đại học Harvard viết: “Ông ta hẳn nhiên đã bị quét hổng cẳng.” Thực vậy, học giả kiệt xuất kia đã kính ngưỡng hết mình với người bạn xứ Bengal mới tìm được, gọi ông này là sư phụ (master). Điều quan trọng hơn, trong cuốn sách sáng giá của mình là The Varieties of Religious Experience [1899] (Kinh nghiệm tông giáo đa phức), James dựa vào cuốn Raja Yoga của Vivekananda, là một luận văn về kỹ thuật thực hành tu tập và trích dẫn liên miên từ đó: “Mọi bước khác nhau của phương pháp yoga nhằm đưa chúng ta một cách khoa học trở trạng thái siêu thức, hay thiền định (samadhi).”

Chính bản thân cũng không biết, Vivekananda đã chạm tới cực đỉnh của ảnh hưởng: James có thể biện luận là nhà trí thức hàng đầu của đất nước [Hoa Kỳ]. Và không hề hấn gì việc người em ruột của ông lại là nhà tiểu thuyết bậc thầy Henry James.

Cùng với anh em nhà James, năm sáu người phụ nữ trội bật trong xã hội và giàu có ủng hộ nhà tu sĩ viếng thăm một cách vô hạn - là người chẳng phải không gặp ít nhiều sự kì thị chủng tộc trong những vòng đi thuyết trình ở Hoa Kỳ. Sara Bull ở Cambridge, Josephine MacLeod ở thành phố New York, và Margaret Noble ở London dựng những khách phòng và hăng say khai triển tin tức - thậm chí hồn còn theo ông sang cả bên Ấn Độ. Với những tiếp xúc bao la như vậy và sự thiết lập mạng lưới tinh khôn của những phụ nữ này, những cuộc nói chuyện của ông ở Cambridge (Boston) và Manhattan (New York) trở thành những vụ người đến nghe đông đảo chật cứng chỉ có chỗ đứng, không có chỗ ngồi, và thính giả tham dự là giới sành sỏi đương thời, đủ loại kẻ tìm kiếm, vận động, và run rẩy, - từ Gertrude Stein, một trong các sinh viên của James, cho tới John D. Rockefeller. Được phú bẩm “quyền năng của cá tính”, như Henry James hẳn gọi như thế, Vivekananda là nhà truyền giáo lý tưởng để cất cao thông điệp của Vedanta.

Trong đời mình, Vivekananda còn có một người hâm mộ khác là Lev Tolstoi, nhà văn vĩ đại Nga. Tolstoi nồng nhiệt phát biểu sau khi đọc ngấu nghiến cuốn Raja Yoga năm 1896 liền một mạch là xong và bảo sách “hết sức đặc sắc… [và] tôi đã đọc được nhiều. Châm ngôn về thực tính của con người đúng là tuyệt diệu. Hôm qua, tôi đọc Vivekananda suốt cả ngày.”

Không lâu trước khi mất, Tolstoi vẫn còn tán tụng Vivekananda. “Khó tin là trong thời đại này có ai khác vượt trội hơn sự trầm tư tâm linh vô ngã này.”

Tolstoi và Vivekananda chẳng hề gặp nhau, nhưng ngôi sao ca kịch Emma Calvé và nữ diễn viên bi kịch vĩ đại Sarah Bernhardt kiếm tìm ông cho bằng được và trở thành thiện hữu suốt đời của ông.

“Mấy chục phụ nữ băng qua ghế dài để tới gần ông, khiến có người thốt câu dí dỏm: nếu Vivekananda có thể đề kháng sự tấn công đó, thì ông đúng là thần linh thật.”

Thực vậy, Bernhardt giới thiệu ông với nhà khoa học về điện từ là Nikola Tesla và, ông này ngạc nhiên về sự thông hiểu về vật lý của Vivekananda. Cả hai nhìn nhận là họ đã suy tư về cùng một luận đề và năng lực - bằng những ngôn ngữ khác nhau, Vivekananda quan tâm sâu sắc tới khoa học hỗ trợ cho thiền định, và Tesla sẽ dẫn ra những đóng góp của tăng sĩ này vào sự nghiên cứu tiền phong của ông về điện khí. Vivekananda viết cho một người bạn: “Ông Tesla say mê nghe về prana (năng lượng) theo Vedanta và akasa (không gian) và kalpa (thời gian). Ông ta nghĩ rằng có thể chứng minh bằng toán học rằng lực và vật chất có thể hoàn nguyên thành năng lượng tiềm thế. Tôi sẽ đi thăm ông ta vào tuần tới để có được sự chứng minh toán học này. Trong trường hợp đó, vũ trụ luận theo Vedanta sẽ được đặt trên những nền tảng vững chắc nhất.” Đối với vị tăng sĩ đến từ Calcutta không có sự bất nhất trí não giữa khoa học, tiến hóa, và niềm tin tông giáo. Ông viết rằng tín ngưỡng phải căn cứ trên kinh nghiệm trực tiếp, không phải trên những khuôn sáo tông giáo.

Còn tiên giác hơn, ông cảnh báo rằng Ấn Độ sẽ vẫn là một xứ sở bị khuất phục, bị làm nghèo nàn đi cho đến khi nó “nâng cao” địa vị phụ nữ. Và trong khi ông răn người phương Tây vì quá chuyên chú đến cái vật chất và vật thể, ông lại nổi tiếng đã khuyên một thanh niên tín đồ bệnh hoạn hãy rèn luyện bằng thể thao: “Anh sẽ gần với trời cao bằng cách chơi bóng hơn là nghiền ngẫm Bhagavad - Gita.”

Ảnh hưởng của Vivekananda nở bừng mãi đến giữa thế kỉ 20, thổi sinh khí vào công cuộc của Mahatma Gandhi, Carl Jung, George Santayana, Jane Addams, Joseph Campbell, và Henry Miller, trong số những nhân vật sáng chói. Và rồi ông dường như bị khuất lấp ở phương Tây.

Thế hệ nổ bùng của Hoa Kỳ sinh sau Thế chiến 2 có khuynh hướng thiên về “làm” hơn là “hiện hữu” - đã chọn các lớp dạy “yoga nóng” hơn là thiền định: Đến một thời điểm, có lẽ trong thập niên 1980, một giáo pháp cổ xưa, phản duy vật một cách sâu xa đã biến hình thành một giáo phái thờ thể hình cùng với những phụ tùng đắt tiền.

Tuy nhiên, một vài người trong giới đại học Hoa Kỳ gần đây đã khơi sự khảo sát Vivekananda và Ramakrishna qua lăng kính của phân tâm học Freud, đưa ra những lí thuyết tư biện về ức chế tính dục. Đến lượt các nhà phê bình họ đáp lại rằng hai người khổng lồ từ Calcutta không thể hiểu được qua những lăng kính đơn sơ kiểu Freud được. Để hiểu rõ sự tinh khiết độc thân vô điều kiện của Ramakrishna và Vivekananda, họ lập luận, đòi hỏi sự thông thạo tiếng Bengali thế kỉ 19 và một điển mẫu (paradigm) dứt khoát phi Tây phương.

Hỗ trợ cho quan điểm này là Christopher Isherwood và bạn ông, Aldous Huxley, là người viết dẫn nhập cho bản in tiếng Anh năm 1942 của cuốn “Phúc âm của Sri Ramak- rishna”, một bản tường thuật trực tiếp (nguyên văn xuất bản ở Ấn Độ năm 1898) được Huxley mô tả như là “những lời thốt ra thâm trầm và tinh tế nhất về Thực tại Tối hậu.” Nikhilananda, vị đạo sư của Salinger, làm việc phiên dịch, với sự trợ giúp của Huxley, Joseph Campbell, và Margaret Wilson, con gái vị tổng thống Hoa Kỳ vừa quá cố.

Huxley và Isherwood được giới thiệu với trường phái Vedanta tại những ngọn đồi Hollywood vào cuối thập niên 1930 do người đồng hương của họ là Gerald Heard. Trong một đối ngẫu thích hợp với Trung tâm Vedanta ở New York, Hội Vedanta Hollywood cũng được điều hành bởi một tăng sĩ thông bác và có sức thu hút là Prabhavananda, người đã khai tâm cho ba nhà văn người Anh kia.

Sống như Nikhilananda, Prabhavananda là một phiến nam châm thu hút với trí thức và những bài thuyết giảng của ông thường lôi cuốn những người như là Igor Stravinsky, Lawrence Olivier, Vivien Leigh, và Somerset Maugham (và dẫn tới việc ông này viết cuốn tiểu thuyết The Razor’s Edge (Cạnh sắc dao cạo). Khơi hứng từ Isherwood - người sống đời tu sĩ một thời kì ngắn ở Trung tâm này - Greta Garbo hỏi xem bà có thể gia nhập được không. Khi được bảo rằng giới luật của một tu viện chỉ thu nhận nam giới, Garbo trở nên nổi sùng. Bà la toáng lên: “Chẳng sao! Tôi sẽ mặc quần.”

Henry Miller, người nổi đình đám với cuốn Tropic of Cancer (Hạ chí tuyến) nóng bỏng và bị cấm, tìm đến thăm Prabhavananda ở Trung tâm Hollywood, ngấu nghiến đọc cả một thư viện nhỏ gồm sách về Vedanta và định cư ở Big Sur (California) vào năm 1994. Suốt tập hồi kí của mình là ‘The Air-Conditioned Nightmare’ (Ác mộng điều hòa không khí), Miller nhắc nhở đến vị Vivekananda như nhà hiền triết vĩ đại của thời hiện đại và sứ giả hoàn hảo để cứu vớt Tây phương khỏi sự phá sản về tâm linh.

Sự gắn kết của Isherwood với Vedanta cũng như sự gắn kết của Salinger, là không lay chuyển và suốt cả đời. Trong vòng hai mươi năm tiếp theo đó, ông cùng với Prabhavananda dịch tác phẩm Bhagavadgita, Kinh Yoga của Patanjali (Patan- jali’s Yoga Aphorisms) và Như ý châu tới thượng về biện biệt (Crest Jewel of Discrimination) của Shankara, và là tác giả của vài cuốn sách và tập giới thiệu về Vivekananda và Ramakrishna.

Tuy nhiên, Huxley trong những năm về cuối đời chuyển giao cuộc tìm kiếm tâm linh cho người vợ thứ nhì là Laura, và những dược liệu - một thứ dứt khoát cấm kị đối với những môn đồ của Velanta. Tin rằng ông đã tìm ra một lối tắt tới thiền định con người vĩ đại này yêu cầu bà vợ chích cho thuốc LSD trên giường cận kề cái chết. Một tăng sĩ thở dài: “Aldous là con người thông tuệ nhất mà tôi từng gặp, nhưng ông ta thiếu sự biện biệt.”

Trong tất cả những văn nhân danh tiếng say mê Vivekananda và triết học Vedanta, có lẽ Salinger là người gắn kết và hi sinh trọn vẹn nhất. Năm 1952, Salinger cổ động nhà xuất bản sách của ông ở nước Anh mua bản quyền tiếng Anh của tác phẩm ‘Phúc âm của Ramakrishna’, gọi nó là ‘cuốn sách đạo của thế kỉ.’

Ở cực đỉnh tham vọng năm 1961, Salinger nồng nhiệt đề tặng cuốn truyện Franny và Zooly, vốn chan chứa tư tưởng và quy chiếu về Vedanta, cho đạo sư của mình là Nikhilananda, lúc đó đã chính thức khai tâm cho Salinger như một môn đồ. Salinger thổ lộ với Nikhilananda là ông cố tình để một chuỗi các manh mối về con đường Vedanta trong suốt tác phẩm của mình từ Franny và Zooey về sau, hy vọng dẫn dụ người đọc tìm hiểu sâu hơn.

Hai người thường gặp nhau ở Trung tâm Vedanta ở Đường số 94, nơi họ thảo luận về những thách thức của sự buông xả. Salinger cũng sẽ dấn vào những cuộc “tĩnh tâm thiết thân” ở Trung tâm Vedanta tại Công viên Ngàn đảo (Thousand Island Park) trên sông St. Lawrence. Tới đó, ông thường ở trong căn lều mà Vivekananda đã từng sống và tĩnh tâm hồi cuối thập niên 1890.

Vào tháng 1/1963, tại cuộc lễ kỉ niệm 100 năm sinh nhật của Vivekananda - do vị tổng thư kí Liên hiệp quốc là U Thant chủ trì - Salinger ngồi ở hàng ghế đầu và ở trung tâm bàn tiệc. Vài tuần lễ sau, ông xuất bản tác phẩm “Raise High the Roof Beam” và “Carpenters and Seymour: An Introduction” (“Nâng cao rường nhà” và “Carpenters và Seymour: Giới thiệu”) là hai truyện vừa viết rất tuyệt diệu trong đó vụ tự sát của Seymour, có thể luận giải là một cái tôi khác của Salinger, là biến cố xúc tác. Một đề mục trong nhật ký của Seymour ở tác phẩm “Nâng cao rường nhà’ bắt đầu như vầy: “Tôi đang đọc linh tinh về Vedanta suốt cả ngày”. Trong Seymour người kể truyện tuyên bố: “Tôi có chiều hướng xem mình như một Karma yogini, có lẽ giặm thêm một chút Jnana yoga cho tăng gia vị”.

Trong tác phẩm được xuất bản cuối cùng của Salinger, “Hapworth 16, 1924” vào năm 1965 trong tạp chí The New Yorker (Người New York), Seymour bật ra lời tán tụng mê say về Vivekananda, “Raja-Yoga Bhakti-yoga, là hai tập sách ngất ngư, gọn gàng bé tí teo, hoàn hảo nhét túi cho bất cứ chàng trai di động nào của thời đại chúng ta, do Vivekananda xứ Ấn Độ.”

Và rồi nhà tiểu thuyết được yêu dấu ấy của nước Mĩ ngưng xuất bản. “Tên tuổi và danh vọng”, mà Ramakrishna vốn xem thường, không còn là tấm vé đối với Salinger ngày càng khép kín. Tham vọng dữ dội về văn học của ông bây giờ dường như là được thế bằng một sự tìm kiếm về tâm linh miệt mài đến khi ông qua đời vào năm 2010.

Trong khi Salinger được mô tả bởi nhiều người ký sự biên niên và đương thời như một kẻ quái dị rởm đời, thì có bốn lá thư, được Di sản của Salinger chấp nhận cho Trung tâm Ramakrishna - Vivekananda ở New York sử dụng: “Tôi đọc một chút trong cuốn Gita mọi buổi sáng trước khi xuống giường.”

Salinger cũng trao đổi thư từ trường kì với Marie Louise Burke, người soạn một bộ lịch sử về những cuộc viếng thăm của Vivekananda tới phương Tây gồm 6 tập. Burke cũng là một người tìm đạo nghiêm túc như Salinger và cũng tận tuỵ như thế với tính cách là một nữ tu. Thực vậy, cô lấy pháp danh là Chị Gargi. Tuy nhiên, Salinger căng thẳng, đôi khi còn tâm thần, lo lắng rằng cô có thể lợi dụng những thư từ này của họ. Bất hạnh thay, Burke chứng tỏ sự trung thành với bạn của mình bằng cách đốt hết các bức thư.

Giữa hai chuyến du hành sang phương Tây, Vivekananda trở về Ấn Độ và sáng lập Dòng Ramakrishna (Order) vừa là một tu viện vừa là một phái đoàn truyền giáo phục vụ. Ngày nay đó là một trong những tổ chức nhân đạo lớn nhất ở Ấn Độ - cung cấp lương thực, trợ giúp y tế cho hàng triệu triệu con người. Tuy nhiên, đơn thuốc ông lập cho đồng bào đã từng ngã lòng vì chế độ thực dân là mượn một trang trong cuốn sách của phương Tây, và tự đào luyện tinh thần ‘làm được’ của người Hoa Kỳ. Ông hô hào: “Tông giáo không dành cho kẻ yếu ớt!”

Ấn Độ đã lên lịch sẽ kỉ niệm suốt cả năm lễ hội kỉ niệm 150 năm ngày sinh của Vivekananda, bắt đầu ngày 12-1-2013. Sẽ có nhiều buổi đọc văn trong bốn tập sách ông viết về yoga như một kỉ luật về tâm linh [Raja, Jnana, Bhakti, và Hatha Yoga]. Chín tập ký thuật những bài nói chuyện, văn viết và trầm tư của ông, từ những sự lớn tiếng chống nạn tảo hôn đến suy ngẫm về thi phẩm Paradise Lost (Thiên đàng đã mất) của John Milton, đến những đoản văn thân thiết viết về các con dê con vịt cưng của ông. Nhưng nếu có một câu đơn độc có thể trích ra đúc kết những giáo lý của ông thành một điểm tinh hoa, đó ắt là: “Bạn không phải là thân thể của bạn.” Điều này có thể là tin xấu cho đám đông cuồng nhiệt với yoga. Tin tốt cho những linh hồn bị vây khốn như của Salinger là hệ luận của Vivekananda: “Bạn không phải là tâm trí của bạn.”

Trong một lá thư gửi tăng sĩ Nikhilananda già yếu trong năm chót cuộc đời - Sa- linger dường như cũng nói đại loại như vậy.

“Tôi đôi khi ao ước rằng phương Đông chịu khó tập trung phần nhỏ nào trong thần tính vô hạn của nó vào nghệ thuật nhỏ nhoi của khoa học giữ thân thể mạnh khoẻ và thích nghi. Giữa cực đoan coi nhẹ thân thể và cực đoan hồ hởi chú tâm vào nó (Hatha Yoga), dường như không có khoảng trung gian hữu ích nào cả.”

Salinger viết tiếp để bày tỏ sự biết ơn với con người đã hướng dẫn ông ra khỏi ‘đêm dài tăm tối’ của mình. “Có thể rằng đọc cho một đám người tín mộ từ Phúc âm của Sri Ramakrishna là tất cả những gì ông làm hiện nay, như ông nói, nhưng tôi tưởng là những học viên có đủ cơ duyên nghe ông đọc Phúc âm sẽ xét sự thể một cách khác. Nghĩa là tôi đã quên đi nhiều điều giá trị và quan trọng trong đời mình nhưng tôi chẳng hề bao giờ quên phong cách ông thường đọc, và thông giải các kinh Upanishad ở Công viên Ngàn đảo.”

Khi ấy, Salinger là ngừng xuất bản một thời gian. Và chẳng bao giờ ông xuất bản gì nữa. Mà xem ra ông cũng chẳng tiếc nuối gì.

Nguyễn Tiến Văn dịch
(WSJ (Wall Street Journal) Magazine - [Tạp chí Phố Wall], số ra ngày Thứ Bảy, 31-3-2012)  
(SH287/01-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khát vọng bay xa (28/01/2013)
Lệ nến (25/01/2013)
Tâm Cảnh (25/01/2013)
Không có cha... (24/01/2013)