Tạp chí Sông Hương - Số 287 (T.01-13)
Tác phẩm mới tháng 1/2013
15:11 | 29/01/2013

THƠ 2 (tuyển tập thơ nhiều tác giả), Nxb Hội Nhà văn, 2012.

Tác phẩm mới tháng 1/2013

Đây là một tuyển tập đa sắc diện về lối viết của những nhà thơ đương đại Việt Nam. Nói đa sắc diện về lối viết bởi trong tuyển tập này chúng ta có thể nhìn thấy những giá trị trong lối viết truyền thống xen lẫn với những nỗ lực cách tân về bút pháp cũng như tư tưởng của các tác giả. Người đọc sẽ tìm thấy những hồi ức, những nuối tiếc về cái đẹp quá vãng mang nặng dấu vết của tư duy mỹ học truyền thống trong thơ của Nguyễn Bá Chung, Bàng Sĩ Tân... hay có thể bắt gặp những câu chữ khác lạ, những lựa chọn ngôn ngữ để cho hình tượng va đập với nhau tạo sinh nên những ý niệm để đưa thơ đi đến mỹ học của cái khác (chữ của Đỗ Lai Thúy) trong thơ của Mai Văn Phấn, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Fan Tuấn Anh, Khuất Bình Nguyên...


TRI THỨC KHÁCH QUAN - Một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa (chuyên luận), tác giả Karl R. Popper, Chu Lan Đình dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Tri thức, 2012. Một trong những công trình minh chứng cho tri thức sâu rộng, lối viết uyên bác, tư tưởng khuynh loát bao trùm các lĩnh vực Triết học khoa học, Triết học chính trị, một bậc thầy về ngôn ngữ của Karl R. Popper là Tri thức khách quan. “Bằng việc chứng thực rằng có một thế giới thứ ba mang tính khách quan, tôi muốn khiêu chiến với những người tôi gọi là “các triết gia của niềm tin”: những người - như Descartes, Locke, Berkeley, Hume, Kant, hoặc Russell - quan tâm đến những niềm tin khách quan của chúng ta cũng như đến nền tảng và nguồn gốc của chúng ta. Chống lại các triết gia của niềm tin ấy, tôi cố nhấn mạnh rằng vấn đề của chúng ta là làm sao tìm được những lý thuyết khả quan và táo bạo hơn; và phải chú trọng tới sự ưu tiên lựa chọn một cách khách quan chứ không phải tới niềm tin. (trích Tri thức luận không gồm chủ thể đang nhận thức, tr 156).


TINH SƯƠNG CHIỀU (thơ), tác giả Trịnh Bửu Hoài, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Giữa sự ồn ào cách tân thơ hiện nay, Trịnh Bửu Hoài không lựa chọn cho sáng tác của mình những trò chơi chữ nghĩa mà thơ anh, như một dấu chấm lặng, tìm về với niềm hoài cổ. Ngôn từ thơ trong sáng, chân thành, không đánh tráo người đọc bằng những câu chữ khó hiểu hay những cấu trúc thơ phá vỡ lối viết truyền thống. Tình yêu vẫn là địa hạt lưu trú cho thi ca của Trịnh Bửu Hoài. Theo cách nhìn của Mang Viên Long thì: “Trong cõi tình ấy, cõi đời bao la ấy, Trịnh Bửu Hoài đã chạm đến thao thức, ước mơ rồi thầm thì sẽ chia cho tất cả. Thơ anh không mới mà cũng không hề cũ. Đó là đời sống, là quê nhà, là tình yêu, là bằng hữu...”.


CÂU CHUYỆN VÔ HÌNH & ĐẢO (tiểu luận triết học), tác giả Hamvas Béla, Nguyễn Hồng Nhung chuyển ngữ, Nxb Tri thức, 2012. Hamvas Béla sinh ngày 23.03.1897 tại Eperjes trong một gia đình linh mục Thiên Chúa giáo. Là người say mê các tác gia như Kant, Rimbaud, Dostoyevsky, Schopenhaure và đặc biệt là Nietzsche. Đây là tiểu luận triết học đầu tiên của Hamvas Béla viết năm 1943. Công trình tập hợp những tiểu luận xuất sắc qua sự nhìn nhận và lý giải của một tác giả có kiến văn sâu rộng. Phần một mang tên Câu chuyện vô hình gồm mười tiểu luận. Trong tiểu luận Chủ nghĩa Platon của viết Hamvas Béla viết: “Viết là hương vị hư hỏng tinh vi của sự đổ vỡ nhen nhúm, là thứ bản thân nó tự đổ vỡ, và là thứ đi tàn phá. Con người bắt đầu viết, khi sự trọn vẹn của đời sống bắt đầu trở nên thiếu thốn.” Phần hai mang tên Đảo gồm bốn tiểu luận. Bạn đọc Việt Nam có cơ hội biết đến nhóm Đảo do Hamvas Béla và Krényi Károly thành lập vào năm 1935 với hi vọng cống hiến những thành tự lớn, Đảo tham vọng thành một liên minh tinh thần chân chính - một cộng đồng của những con người tự do nhân danh một lý tưởng đẹp đẽ của truyền thống (trích xxviii).


TƯỜNG TRÌNH TỪ CUỘC SỐNG (ghi chép - bút ký), tác giả Phạm Hữu Thu, Nxb Văn học, 2012. Trong cách nhìn của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Tường trình từ cuộc sống là một cuốn sách có ích. Nó có ích bởi đã khắc họa được cuộc sống của những người lao khổ, sự nghèo khó và không ngừng lớn dậy của quê hương; có ích bởi những gì đi ra từ tâm can của tác giả luôn mang tính thực tiễn về cuộc sống, về con người và những sự thật trần trụi gắn chặt với kiếp nhân sinh.


VĂN HỌC NHÌN TỪ VĂN HÓA (tiểu luận - phê bình), tác giả Trần Hoài Anh, Nxb Thanh niên, 2012. Công trình này tác giả chia làm hai phần. Phần một: Lý luận phê bình văn học. Phần hai: Văn học nhìn từ văn hóa. Trung tâm diễn giải của phần một là nền Lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam. Văn học miền Nam đang trở thành một đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu ngày nay quan tâm. Việc trả lại giá trị cho dòng văn học này sẽ đưa lại một cái nhìn đối sánh và tổng quan hơn cho nền văn học hiện đại Việt Nam. Công trình này ít nhiều có giá trị về mặt văn học sử cũng như việc nhìn lại một cách tổng quan những khía cạnh khác nhau của Lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975. Trong phần hai, văn học nhìn từ văn hóa đối với ngày nay đó không còn là một lối đi mới mẻ nhưng với những kiến giải của mình, Trần Hoài Anh sẽ đưa đến cho người đọc những điều thú vị.  

(SH287/01-13)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khát vọng bay xa (28/01/2013)
Lệ nến (25/01/2013)
Tâm Cảnh (25/01/2013)