Tạp chí Sông Hương - Số 288 (T.02-13)
Lệ chi ngoại sử
10:27 | 31/01/2013

HOÀNG TÙNG

Năm 1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt quân ở Chí Linh, đêm về nghỉ chân ở Lệ Chi Viên. Cùng đi với vua có người thiếp của Nguyễn Trãi tên là Nguyễn Thị Lộ. Đêm hôm đó, nhà vua băng hà. Triều đình quy tội Nguyễn Trãi thông đồng với Thị Lộ, âm mưu giết vua. Toàn gia họ Nguyễn bị tru di tam tộc.

Lệ chi ngoại sử
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Sau đó mấy chục năm, dân gian có lan truyền một truyền thuyết khác, đầy chất liêu trai về vụ án Lệ Chi Viên…

1.

Trần Lục vốn sinh trưởng ở đất Thăng Long, từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Gia thế khá giả, lại thêm vẻ ngoài tuấn tú khác thường, họ Trần luôn tự coi mình là rồng phượng giữa loài người. Giao lưu với đám công tử ăn chơi, được bọn chúng suốt ngày tâng bốc nịnh hót, chàng lấy đó làm tự hào, cho rằng mình tài năng thiên phú, không coi ai ra gì.

Thời vua Lê Hiến Tông, Đại Việt thịnh trị, người người yên ổn làm ăn. Từ đời vua Lê Thánh Tông lại có lệ ai thi đỗ sẽ được khắc tên lên bia đặt ở trong Văn Miếu. Nho sinh hứng khởi. Việc học hành phát triển khắp nơi. Đến kỳ thi, Trần Lục cũng chuẩn bị văn sách. Đám bạn bè được thể tâng bốc hết lời, cho rằng giải Nguyên khó có thể thoát khỏi tay chàng. Họ Trần được thể, lại càng đắc ý.

Kỳ thi diễn ra, Trần Lục nộp bài sớm nhất trường thi, nghênh ngang tự đắc rủ bạn bè đi uống rượu ăn mừng như đã đỗ đạt đến nơi. Tuy nhiên, văn bài của chàng chữ nghĩa bay bướm, văn từ hoa mỹ nhưng câu chữ thì không có hồn cốt, đọc lên chẳng có lấy chút ý tứ sâu xa gì. Các quan khảo thí đều chấm trượt.

Bảng vàng không có tên. Trần Lực bất đắc chí. Chàng cho rằng quan khảo thí có mắt như mù. Đám bạn bè a dua, kéo chàng dấn sâu vào con đường ăn chơi hưởng lạc. Họ Trần ngày càng buông thả, ham mê tửu sắc. Chẳng mấy mà tài sản cha mẹ để lại cạn kiệt. Gia cảnh ngày một khó khăn. Lũ bạn dần xa lánh. Trần Lục hết tiền, đành phải nhận lời làm văn bài viết thuê cho đám công tử lười học. Kiếm được đồng nào, Trần Lục lại nướng vào chốn thanh lâu, viết ca từ cho đám kỹ nữ đàn hát làm vui.

Thời đó, đạo Mẫu bắt đầu phát triển. Nhiều kẻ lợi dụng, lập nên đền nọ miếu kia, mượn danh quỷ thần làm điều trục lợi. Đám đồng cốt mị dân tìm đến Trần Lục, nhờ chàng nghĩ ra những câu chuyện thần tích quái dị để mê hoặc lòng người.

2.

Ngày nọ, có một viên quan đến thư phòng gặp Trần Lục. Phân ngôi chủ khách xong, viên quan hạ giọng nói nhỏ: “Ta muốn ngươi viết một câu chuyện thật ly kỳ về vụ án Lệ Chi Viên. Điều quan trọng là làm sao phải đổ mọi tội lỗi lên đầu Nguyễn Thị Lộ”.

Trần Lục lấy làm kỳ lạ trong lòng. Vụ án Lệ Chi Viên thì chàng đã biết rõ. Vua Lê Thánh Tông đã xóa án “tru di tam tộc” của Nguyễn Trãi, đi tìm con cháu của Ức Trai về phong làm quan. Tại sao viên quan này lại muốn điều khác hẳn? Trần Lục ngần ngừ: “Nguyễn Thị Lộ chỉ là một cô gái chân yếu tay mềm, sao có thể là chủ mưu việc giết vua? Hơn nữa vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho ngài Ức Trai rồi, giờ khơi lại mọi chuyện theo hướng quái dị làm gì?”.

Viên quan cười bí ẩn:“Quái dị thì sao? Nhà ngươi vốn từ trước đến nay toàn viết những điều quái dị. Việc đổ mọi tội lỗi lên đầu Thị Lộ đâu có nằm ngoài khả năng của nhà ngươi? Còn sự thực thế nào thì đâu cần đến những kẻ như người phải lo?”.

Trần Lục tìm cớ thoái thác. Viên quan tiếp lời: “Ta sẽ trả cho ngươi gấp trăm lần số tiền ngươi viết đang thuê cho kẻ khác. Nhà ngươi sẽ tha hồ mà ăn chơi hưởng lạc trong một thời gian dài”. Trần Lục tỏ ý nghi ngờ. Viên quan đặt lên bàn một cái túi nặng trịch: “Đây là một trăm lạng vàng ta đưa trước, phần còn lại sẽ trả nốt sau khi mọi việc hoàn tất”.

Thấy bọc vàng lấp lánh, Trần Lục chẳng suy nghĩ thêm, lập tức gật đầu nhận lời.

3.

Đêm trăng vằng vặc. Trần Lục ngồi vào bàn viết, suy nghĩ mông lung. Làm cách nào để đổ mọi tội nghiệt lên đầu Nguyễn Thị Lộ? Chàng nhớ lại một câu truyện truyền kỳ đã từng nghe về người hóa rắn. Hãy để cho Nguyễn Thị Lộ là một con xà tinh hóa thành lốt cô gái. Thế nhưng làm cách nào để có thể gắn kết được câu chuyện quái dị đó với Nguyễn Trãi? Bỗng mắt Trần Lục sáng lên. Chàng với lấy cây bút, chấm đẫm mực, viết lia lịa.

Mấy ngày sau viên quan quay lại. Trần Lục đưa cho y câu chuyện Rắn báo oán và vụ án Lệ Chi Viên mà chàng mới viết xong.

Truyện rằng Nguyễn Trãi trước kia từng là thầy đồ dạy học. Một hôm, Nguyễn mơ thấy một người đàn bà chạy đến kêu xin ông thư thư vài hôm để mụ kịp chuyển nhà. Tỉnh giấc, Nguyễn Trãi ra sân thì thấy đám học trò của mình đã phá tan hoang một góc vườn. Hỏi ra, đám học trò thưa rằng chúng đào được một ổ rắn, giết chết con rắn đực và đàn rắn con, riêng con rắn cái thì chạy thoát. Nguyễn nghĩ đến giấc mơ mới trải qua, trong lòng lấy làm kỳ lạ. Đêm đó, khi đang ngồi đọc sách, ông bỗng thấy có một giọt máu từ trần nhà rỏ xuống rơi vào đúng chữ đại, thấm qua ba lần trang giấy. Nguyễn Trãi ngước lên nhìn thì thấy một con rắn lớn đang đu trên xà nhà, trợn mắt nhìn ông chằm chằm rồi bò đi mất.

Sau khi giúp Lê Lợi giành lại giang sơn, lên ngôi Hoàng đế, một lần Nguyễn Trãi tình cờ gặp Nguyễn Thị Lộ đang bán chiếu ở Tây Hồ. Thấy nàng nhan sắc đằm thắm, đối đáp nhanh nhẹn, Nguyễn mới lấy nàng làm thiếp. Khi vua Lê Thái Tông nối ngôi, Thị Lộ được vời vào dạy nghi lễ cho cung nữ trong cung cấm. Nhà vua thấy Thị Lộ thông tuệ mặn mà, thường cùng nàng đàm đạo sách vở và tỏ ra quý mến.

Đến khi nhà vua đột ngột băng hà ở Lệ Chi Viên, hôm đó có Thị Lộ theo hầu. Triều đình cho rằng Nguyễn Trãi âm mưu giết vua, truy hỏi Thị Lộ. Thị Lộ nhận tội. Toàn gia họ Nguyễn bị khép tội Tru di tam tộc. Thị Lộ chịu hình phạt dìm nước đến chết. Đao phủ cho Thị Lộ vào cũi, dìm nàng xuống nước. Lúc nhấc cũi lên, mọi người thấy Thị Lộ biến thành một con rắn lớn, lách mình ra khỏi cũi nhao xuống nước, bơi đi mất. Hóa ra Thị Lộ chính là con rắn cái thủa nào đã hóa thành người gây họa khiến Nguyễn Trãi phải chịu án tru di tam tộc, ứng với việc giọt máu rắn rơi vào chữ đại - đời và thấm qua ba lần giấy.

Viên quan đọc xong câu chuyện, tỏ ý hài lòng lắm, đưa thêm cho Trần Lục một trăm lạng vàng nữa. Họ Trần nhận một số tiền lớn, tha hồ tiêu xài ăn chơi khắp chốn Long thành.

4.

Sau đấy, trong dân gian lưu truyền rộng rãi câu chuyện Rắn báo oán và vụ án Lệ Chi Viên. Nhiều gánh tuồng nổi tiếng đều lấy tích Rắn báo oán ra làm kịch bản diễn cho mọi người xem. Đám con hát còn thêm mắm, giậm ớt khiến câu chuyện ngày càng ly kỳ, hoang đường hơn nữa.

Chẳng mấy mà khắp kinh thành Thăng Long, ai nấy đều kể đi kể lại chuyện Rắn báo oán. Thỉnh thoảng ngồi uống rượu nơi Kẻ Chợ, Trần Lục thấy người ta tam sao thất bản câu chuyện của mình. Có kẻ còn phùng mang trợn mắt nói rằng chính mắt mình đã chứng kiến mọi việc khiến họ Trần chỉ biết che miệng cười thầm.

Thăng Long là đất kinh kỳ nên các gánh tuồng liên tục đến lưu diễn. Có một gánh tuồng tên là Xuân Hý Phường đến giữa Kẻ Chợ dựng rạp diễn vở Rắn báo oán. Dân kinh thành thích lắm, kéo đến xem đông ngịt. Xem xong, ai nấy đều bàn tán xôn xao về bà chủ gánh tuồng và cũng là con hát chính tên là Lệ Cúc. Mới đến diễn tại kinh thành được mấy buổi mà Lệ Cúc đã khiến giới ăn chơi đất Thăng Long mê mệt. Không ai không rung động trước ánh nhìn đầy ma lực, dáng điệu đầy nhục cảm và giọng hát quyến rũ của nàng. Đám công tử ăn chơi đất Long thành còn truyền tai nhau rằng Lệ Cúc sẵn sàng hầu hạ người nào nàng thích, có điều mỗi đêm ân ái phải trả cho nàng tới một trăm lạng vàng.

Trần Lục là người háo sắc, nghe tiếng người đẹp cũng tìm đến Xuân Hý Phường. Buổi diễn bắt đầu. Đèn nến lung linh. Lệ Cúc bước ra. Tất cả đám đàn ông đều há hốc mồm kinh ngạc. Quả đúng là đệ nhất mỹ nữ, danh bất hư truyền. Ánh mắt người đẹp như phóng ra những tia nhìn tím thẫm, liếc sắc như dao cạo, lời hát nũng nịu mơn man như ngấm vào da thịt. Cho đến khi buổi diễn kết thúc, họ Trần còn ngơ ngẩn. Về đến thư phòng, chàng vẫn thấy như hình bóng giai nhân như ám ảnh xung quanh, lúc cười, lúc nói, lúc liếc mắt nũng nịu yêu kiều.

5.

Từ đó, Trần Lục thường xuyên đến xem Lệ Cúc diễn tuồng ở Xuân Hý Phường. Càng xem họ Trần càng mê đắm. Càng mê đắm, chàng càng khát khao người ngọc. Lệ Cúc thấy Trần Lục là khách quen, hình vóc lại khôi ngô tuấn tú nên cũng tỏ ra có cảm tình đặc biệt với chàng. Mấy lần nàng bước khỏi sân khấu cảm tạ mọi người, hương thơm phảng phất khiến đầu óc họ Trần như mụ mị. Có lần nàng còn chạm nhẹ vào người khiến chàng mất ăn mất ngủ mấy ngày trời.

Trần Lục vốn tính ham vui bạt mạng nên nhanh chóng quyết định phải hưởng lạc với người đẹp. Kiểm lại số tiền viên quan trả cho mình, thấy vẫn còn lại hơn trăm lượng vàng, họ Trần liền mang đến gặp Lệ Cúc. Giáp mặt người đẹp, chàng nói gấp gáp: “Nghe nói nếu nàng thích ai thì sẽ chiều chuộng người đó, miễn là phải trả đủ cho nàng một trăm lượng vàng”. Lệ Cúc cười, tiếng như khánh vỡ: “Đúng là ngoa truyền. Miệng lưỡi nhân gian độc hơn rắn rết, chẳng thể nào mà tin được”. Trần Lục ngạc nhiên: “Như vậy có nghĩa là sao?” Lệ Cúc nheo mày: “Nhưng chàng đã nói vậy thì ta sẽ lấy một trăm lạng vàng này để đổi lấy một đêm ân ái”. Trần Lục chưng hửng. Lệ Cúc nhếch mép: “Nếu không vừa lòng, chàng hãy cầm vàng về”. Trần Lục vội vã xua tay lắc đầu, đưa tiền cho người đẹp.

Lệ Cúc dìu Trần Lục vào phòng. Chốn phòng loan trong rạp tuồng có phần kỳ lạ. Xung quanh bốn bức tường treo toàn các loại mặt nạ tuồng, cái đỏ, cái trắng, cái đen, cái nào cái nấy đều trợn mắt trừng trừng. Trần Lục hơi e ngại: “Ta trông những cái mặt nạ kia đều cứ như đang nhìn chòng chọc vào mặt ta”. Lệ Cúc cười khẩy: “Chúng chỉ là mặt nạ thôi, có gì đâu mà phải sợ”. Xiêm y người đẹp rơi xuống đất, Trần Lục quên cả mọi e ngại, lao vào cơn hoan lạc. Da thịt Lệ Cúc mềm mại khác thường. Trong cơn đê mê, Trần Lục thấy cơ thể nàng như cuốn mấy vòng xung quanh ôm trọn lấy người mình. Chưa bao giờ Trần Lục trải qua cơn truy hoan tận thú đến vậy.

Đêm ân ái vụt trôi qua ngắn ngủi. Trần Lục trở về chốn thư phòng giường đơn chiếu lạnh, nghĩ đến Lệ Cúc. Còn đâu bóng dáng giai nhân? Còn đâu mùi hương nồng nàn? Còn đâu những giây phút cuồng si? Tất cả mọi thứ bỗng trở nên trống rỗng.

Cuối cùng, Trần Lục không chịu nổi, tìm đến gặp Lệ Cúc: “Ta muốn được cùng nàng chung đôi loan phượng, hưởng trọn vẹn ngày tháng ái ân”. Lệ Cúc hỏi: “Giờ chàng còn tiền không?” Trần Lục ngượng ngùng: “Một trăm lạng vàng hôm trước là toàn bộ gia sản của ta. Giờ ta chỉ đủ tiền ăn qua ngày”. Lệ Cúc nói: “Không có tiền thì chàng đến gặp ta làm gì?” Trần Lục gấp gáp quỳ xuống ôm riết lấy chân Lệ Cúc: “Giờ ta chẳng còn tiền nhưng nàng muốn gì cứ nói. Bất cứ việc gì nàng sai khiến ta cũng sẵn lòng thực hiện, miễn sao là được ở bên cạnh nàng”

Lệ Cúc ngửa mặt lên trời cười sằng sặc: “Ai ngờ chàng là kẻ si mê đến thế. Muốn ở bên ta nào có khó gì? Tối nay Xuân Hý Phường diễn vở Rắn báo oán. Thế nhưng gã đóng vai con rắn đực lại bị bệnh không diễn được. Chàng đóng vai đó giúp ta vậy. Nhưng không hiểu chàng có thuộc câu chuyện Rắn báo oán hay không?”

Trần Lục mừng rỡ: “Tưởng chuyện gì khó lắm? Ta chính là người đã viết ra câu chuyện rắn báo oán lưu truyền trong chốn dân gian. Vai diễn cỏn con đó có gì mà không thực hiện được”. Lệ Cúc cúi xuống nhìn Trần Lục, ánh mắt lóe lên tia nhìn tím thẫm: “Chàng là người viết chuyện Rắn báo oán, thế chàng có biết rắn báo oán sẽ như thế nào hay không?”. Trần Lục cười hý hý: “Ta không thèm bận tâm”.

Nói đoạn, Trần Lục ôm thốc lấy Lệ Cúc, vác thẳng vào chốn trướng rủ màn the. Hai người lại cuốn chặt lấy nhau trong cơn hoan lạc. Trần Lục ghé môi lên miệng người đẹp. Bỗng chàng thấy lưỡi đau nhói, có vị mặn mặn. Chắc là Lệ Cúc đã cắn phải lưỡi của chàng. Nhưng chàng chẳng mấy để tâm, chìm vào cơn ân ái đến mê người.

6.

Khi Trần Lục tỉnh lại, vở diễn đã bắt đầu. Người dân Thăng Long đến Xuân Hý Phường đông lắm. Chiêng trống vang lừng. Từng cảnh một của vở tuồng được diễn trôi chảy: Nguyễn Trãi dạy học và mơ thấy một Nguyễn Thị Lộ trong hình lốt con rắn đến kêu cứu. Họ Trần đeo mặt nạ rắn, mặc bộ quần áo màu xanh bó sát người, giả trang trong lốt rắn. Sắp đến trường đoạn mình phải diễn, Trần Lục thấy cổ họng khát khô. Vết cắn ở lưỡi bỗng đau đớn khôn tả khiến chàng bứt rứt khó chịu. Chiếc mặt nạ và đám quần áo như dính chặt vào da thịt khiến người chàng nóng bừng, mồ hôi túa ra như tắm.

Đám thanh niên đóng vai học trò Nguyễn Trãi diễn cảnh dọn cỏ dựng lán học và cuốc vào tổ rắn. Trần Lục trong lốt con rắn đực lao ra sân khấu, vờ tấn công đám thanh niên. Đám thanh niên đóng vai học trò thét lên xông vào vác gậy đập chàng túi bụi. Họ Trần kêu lên bảo đám thanh niên nhẹ tay. Nhưng bọn chúng hung hăng phang gậy thẳng cánh khiến chàng xây xẩm mặt mày.

Trần Lục há to miệng hét lên vì đau. Từ trong miệng, lưỡi chàng bỗng chảy dài ra khỏi mồm. Vết cắn ở đầu lưỡi đã xé lưỡi chàng làm đôi, tách ra đen ngòm rung rung hệt như lưỡi rắn. Tiếng chàng la hét bỗng phát thành tiếng rít ghê sợ. Hình dáng con rắn xanh khổng lồ ngóc lên phun phì phì đe dọa khiến đám thanh niên khiếp đảm, vứt gậy chạy tháo thân. Những người đến xem tuồng cũng bỏ chạy tán loạn.

Trần Lục giơ tay cố kéo chiếc mặt nạ ra nhưng chiếc mặt nạ đã dính chặt vào mặt chàng như một lớp da. Chàng điên cuồng cào cấu, cởi bỏ lớp áo xanh đang bó sát quanh người nhưng chỉ thấy lớp lớp vẩy rắn rơi xuống. Họ Trần thét lên, cổ họng đặc quánh. Chiếc lưỡi thò ra thụt vào khỏi mồm chàng phát lên những tiếng rít ghê rợn.

Trần Lục ngước nhìn xung quanh cầu cứu. Bỗng chàng thấy một con rắn lớn đằng sau tấm màn tuồng đang giương mắt nhìn chàng, ánh mắt phóng ra những tia nhìn tím thẫm ma quái nhưng quen thuộc đến lạ lùng…

Người dân thành Thăng Long nói rằng Trần Lục chính là một con rắn đóng giả làm người.

Cũng có người bảo rằng họ Trần vốn là người nhưng phạm phải phép yêu thuật mà hóa thành rắn.

Và cũng từ đó, không ai gặp lại Trần Lục nữa.

Hà Nội, 21/10/2012
H.T
(SH288/02-13)







 

Các bài mới
Hạt muối (25/02/2013)
Các bài đã đăng