Tạp chí Sông Hương - Số 289 (T.03-13)
Đọc và ngẫm về thơ
14:40 | 18/03/2013

HỒNG NHU 

Tạp chí Thơ số tháng 10 năm 2012 in bài “Hiểu và dịch bài thơ Đường Khúc Lương Châu như thế nào” của Phạm Thức. Tôi liền đọc ngay vì nói chung về Đường thi hàng nghìn bài nổi tiếng và nói riêng về tác giả là một nhà thơ tài danh: Vương Hàn.

Đọc và ngẫm về thơ
Bài thơ "Khúc Lương Châu" viết bằng chữ Hán - Ảnh: internet

Ông Phạm Thức, dịch nghĩa bài “Khúc Lương Châu” là: “Muốn uống rượu quý bồ đào (rượu nho) bằng ly dạ minh quang và thưởng thức khúc nhạc tì bà, vậy thì hãy uống ngay đi còn chần chừ gì nữa. Cho dù có say túy lúy nghiêng ngả ngoài sa trường thì xin anh đừng chế giễu chê cười. Vì xưa nay lính trận mấy ai về mà còn giữ gìn chi nữa”.

Tôi lập tức nghĩ ngay và ngẫm suy mãi ngày này sang ngày khác. Tôi cho rằng ông Phạm Thức đã nghĩ và viết có thể là chưa đúng chưa đủ, chưa hay. Trong bài thơ 4 câu của Vương Hàn, qua giới văn thơ và nói chung là nhân dân qua cách đọc và học đều sâu xa đều công bằng:

“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiêu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.

Phạm Thức đã tự cho mình là đúng, các người khác là sai. “Dục ẩm tì bà” ông dịch và viết rõ ràng là: “
Muốn uống rượu và thưởng thức tì bà. Uống rượu và nghe khúc tì bà là thú vui tao nhã của người Trung Quốc xưa, cũng như cha ông ta xưa uống rượu gật gù nghe Ca Trù vậy”.

Tôi - một người viết văn, làm thơ nghĩ rằng: “Dục ẩm” là một khối và “tì bà” là một khối khác. Tóm lại là hai công việc khác nhau, cùng một lúc “uống rượu và ngựa đi”. “Mã thượng” và “Mã thượng thôi” là khác nhau và có trường hợp rất giống nhau, tức là “mã thượng” và “thượng mã. Chữ thôi đằng sau không thể ghép vào ngay mà thay đổi văn ngôn và bạch thoại của Trung Quốc. “Mã thượng thôi” là ngay lập tức, ngay tức khắc là bạch thoại hay là văn ngôn? Xin hiểu ngay cho rằng Vương Hàn viết ra là nghĩ đúng nên sử dụng văn ngôn hay bạch thoại. “Mã thượng thôi” của Vương Hàn hoàn toàn khác với “Ngã mã thượng” của từ điển số Trung Quốc (trang 578) đã nêu. “Ngã mã thượng” là tôi lập tức đến. Như vậy, Vương Hàn đã quá đúng quá hay ở đấy. “Mã thượng” hay “thượng mã” của ông đều có ngựa hay ngựa phi.

Trong “Khúc Lương Châu”, ông Phạm Thức nói ở đầu, đã chỉ ra ở Việt Nam ta đã có nhiều dịch giả đều sai như các anh Nguyễn Hà, Trần Trọng Sam, Lê Hữu Giáp, Bùi Khánh Đản, Trương Nam Hương, Ngô Văn Phú và cả cụ Khương Hữu Dụng cả báo “Người cao tuổi” nữa. Ông đã viết: “Tôi đã biết rất nhiều người chữ Hán một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng vẫn đua nhau dịch thơ Đường” và ... “không hiểu trình độ Hán học của các dịch giả này ra sao”...

Đến đây, tôi vội đọc lại toàn bài lần nữa của ông Phạm Thức, và giơ ngay ra trước mặt mình tập “Đường thi tuyển dịch” của Lê Nguyễn Lưu (1845 trang khổ 14,5 x 20,5) do Nxb. Thuận Hóa ấn hành năm 1997. Ông Lê Nguyễn Lưu là một nhà Hán học, nhà thơ, nhà lịch sử văn hóa ở Huế. Thơ dịch của ông Lê Nguyễn Lưu (in cả Hán học và Việt học) như sau: Lương Châu từ (bài hát Lương Châu):

Rượu đào ngon ngọt chén lưu ly
Toan uống, tỳ bà giục ngựa đi
Chớ mỉa người say nằm bãi cát
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.


“Quân mạc tiếu”: “Chớ mỉa người say” Lê Nguyễn Lưu đã sáng tạo ra một ý hay, một cách nhìn của đứng đắn cách mạng. “Dục ẩm tì bà mã thượng thôi” Lê Nguyễn Lưu đã dịch “Toan uống, tì bà giục ngựa đi” đã làm cho mọi người ở trong ở ngoài đều thấm thía, nhiệt tâm và sôi động. Chữ “mã” ở bài thơ của Vương Hàn đã nói về ngựa ai cũng biết cũng thấy. Quân đội ngày xưa ở Trung Quốc không bao giờ có ngựa như ông Phạm Thức đã hiểu, đã viết, đã chê: “Thật là nực cười, làm gì có con ngựa nào ở đây, mà ai ai cũng giục lên ngựa, giục lên yên, thúc ngựa phi...” “Không hiểu các trình độ Hán học của các dịch giả này ra sao? Hay chỉ sao chép lẫn nhau rồi biến tâu, xáo xào lại?”.

Đến đây, tôi bật cười và không sao không hiểu nổi ông Phạm Thức lại “phê phán” “ghê gớm” như thế. Bài thơ dịch của ông như sau:

Bồ đào rượu quý chén pha lê
Muốn uống cùng đàn, uống ngay đi
Nghiêng ngã sa trường xin chớ giễu
Xưa nay chinh chiến mấy ai về


“Xin chớ giễu” và “Nghiêng ngã” dịch cho “quân mạc tiếu” và “túy lúy”. Xin đừng hiểu ra chưa thật đúng vì người khác mà “độp luôn vào mặt người ta”! Sao lại “uống ngay đi” nữa? Làm chi mà bắt người ta như vậy? “Dục ẩm” tức là chưa uống, muốn uống; chứ ai lại giục giã cả, ai lại “nghiêng ngã” như vậy?

Tôi say mê làm điều này hơn mười năm trước bài thơ nổi tiếng của Vương Hàn, sau khi được đi qua thăm Trung Quốc, Hội Nhà văn Trung Quốc hướng dẫn cho đi ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Triết Giang, Quảng Châu v.v...

Rượu bồ đào chén ngời ánh ngọc
Ngựa giục đi lúc sắp môi kề
Đừng cười nhé, sa trường say khướt
Xưa nay chiến trận mấy ai về
”.
            (Hồng Nhu dịch)

Ông Phạm Thức đã cho nhà thơ Trương Nam Hương “không thể tùy tiện thay vào đó bằng những viên gạch xỉ được”, bởi vì thơ Đường như một tòa pha lê óng ánh, rất sang trọng và rất uyên thâm; mỗi chữ dùng trong thơ Đường đắc giá ngàn vàng”. Tôi giật mình đắc giá hay đắt giá ? Không khéo sắp đến, tôi cũng bị ông Phạm Thức choảng cho!

Tôi mạn phép đưa ra bản dịch cùng những ý kiến học, đọc của bản thân mình trước bạn đọc. Xin quý vị giảng dạy cho.

H.N
(SH289/03-13)







 

Các bài mới
Mẹ khổ (26/03/2013)
Các bài đã đăng
Mê cung (15/03/2013)