Tạp chí Sông Hương - Số 289 (T.03-13)
Sự quyến rũ của lối viết
09:42 | 22/03/2013

NGUYỄN QUANG HUY

(Khảo sát qua trường hợp "Người sông mê" qua cái nhìn của lí thuyết Cổ mẫu)

Sự quyến rũ của lối viết
Tiểu thuyết "Người sông mê" - Ảnh: internet

Ngôn từ thôi không còn là sự thể hiện bản chất thật của sự vật và sự vật trở nên mờ đục và câm lặng... con người tự tìm kiếm ý nghĩa của nó.
                                                (Octavio Paz)

Chỉ có con người là đòi hỏi mọi việc phải có ý nghĩa.
                                                (A. Camus)
 

1.
Thực tiễn của sáng tạo văn chương những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI là thâm nhập sâu vào thế giới tiềm thức, các tầng sâu văn hóa, huyền thoại... Mọi giá trị đều tồn tại bình đẳng, mang tiếng nói ngang nhau trong một hệ hình (paradigme) tư duy mới, với các xu hướng tiểu tự sự, giải lịch sử, đẩy các biên độ tưởng tượng nghệ thuật đến các hướng mới của thân phận con người.

Có một sự thực đã xuất hiện và đang định hình hiện nay, đó là dòng tiểu thuyết “hướng nội” - tập trung khám phá những bí ẩn, những trạng thái, những trạng huống sâu thẳm nhất trong cõi nội giới người. Trong bữa tiệc đời, trên hành trình nghệ thuật, con người được mời vào “cõi người rung chuông tận thế”, được tham dự vào “thời của những tiên tri giả”, vào khoảnh khắc của “khải huyền muộn”. Ở đó xuất hiện “những thiên đường mù” mà hướng của mỗi thân phận là “đi về nơi hoang dã”, với tâm thức của “nỗi buồn chiến tranh” “thiên thần sám hối”; mỗi nhân vị như một “kẻ mắc chứng điên” tạo ra những “cơ hội của Chúa” và tìm cách cứu chuộc cuộc sống trên “giàn thiêu”. Rốt cuộc, nó vẫn chấp chới phía “bên kia bờ ảo vọng”. “Thiên sứ” hay Thiên thần cũng phải “sám hối” và hoảng hốt nhận ra rằng mình đang trong trạng thái quằn quại thuở “thoạt kỳ thủy”, và xao xuyến hoài nghi “biết đâu địa ngục thiên đường”... Vậy đâu là một cứu cánh khả giải? Tìm đích đến cho điều đó cũng là tìm đến sự đa dạng của các khát vọng tư tưởng nghệ thuật của các nhà văn.

Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu của thế kỉ XXI đã thực sự neo lại nhiều ấn tượng với nhiều tên tuổi: Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Bình Phương, Châu Diên... Đi về trong thế giới nghệ thuật của họ là những chất liệu hóa thân từ huyền thoại, huyền tích, cổ tích... Tình cảm, tư tưởng, ước vọng của cuộc sống con người ẩn lộ những dự phóng mới thu mình trong các ảnh tượng đầy mê hoặc, mang nhiều yếu tố phản hiện thực tự thân, là những kiểu ký hiệu hoàn toàn lạ lẫm. Mỗi một sáng tạo dường như xuất hiện trong nhiều mưu toan cất giấu chặt chẽ, đòi hỏi những suy tư giải mã mới. Đó cũng là hệ quả của quá nhiều tín điều đã trở nên gượng gạo. Mỗi một sự trốn thoát vào các mơ mộng nghệ thuật có cơ duyên trở nên một tế nhị mong manh. Và sau nhiều trở mình rách nát, cuộc sống mới trở thành lấp lửng và che dấu. Thêm nữa, càng về sau con người càng say sưa hơn với các chủ đề liên quan đến chính mình - các chủ đề bản thể. Trong luồng sinh khí trộn lẫn những nghi hoặc, bất tín và xác tín mới, sợ hãi và lo âu về những lý do bản thể, các nhà tiểu thuyết Việt Nam đương đại đang thức tỉnh làm một cuộc lẫn tránh với cách biểu tỏ của truyền thống. Chính thái độ đó đã mở ra một ý hướng làm phân rã các thói tục. Khó có thể đuổi bắt rốt ráo những mộng tưởng của nhà văn khi họ đã đẩy những say sưa nghệ thuật đến tột cùng trên các trang viết của mình. Tuy vậy, mỗi cách nhìn đều có thể hi vọng một vài điều hé lộ nho nhỏ nào đấy. Theo đó, chúng tôi thử dò tìm, thử đọc (trong nhiều cách đọc) một văn bản cụ thể - Người sông mê - qua cái nhìn của lí thuyết Cổ mẫu để hình dung đường hướng biểu tỏ của nghệ thuật tiểu thuyết đương đại.

2.
Khi “người khôn ăn nói nửa chừng” (Ca dao) và “toàn bộ thực tại là ẩn dụ” (M. Eliade), thì có lẽ ngôn ngữ đã làm một cuộc bội ước với lý trí phản biện và tư duy nhị nguyên. Ở Người sông mê(1), Châu Diên đã thôi miên người đọc theo cách riêng của mình để đi tìm những cách thế tồn tại có ý nghĩa của con người. Ông làm một cuộc tái sinh các kiếp sống để dò hỏi. Và ở đây, lý trí biện giải sự rõ ràng là bất lực. Quả thật, Châu Diên đã tạo ra được một thế giới người trong cõi “bến lú bờ mê”. Ở đó, những lời thoại, những suy nghĩ và hành vi mang bản lai của người mê, của những kẻ thiếu bản sắc, đảo ngược cái nhìn của văn chương chính tông thuở trước. Như tên của tác phẩm, người đọc không có nhiều hi vọng, thiếu những bám víu để làm niềm tin nghe xem tác phẩm “nói gì”. Bàn tay Châu Diên đã chạm vào những âm giai tượng trưng hay đúng hơn, trên mê lộ 283 trang giấy, tác giả đã dựng lên một thế giới nghệ thuật trong tính liên tục của hiện hữu; ở đó, Hồn Xác, sống, cái chết, bụi... chỉ là tượng trưng cho những biến diễn của cõi người.

Người sông mê sắp đặt những mê khúc của thứ mớ chữ tuôn ra từ những kẻ lú lẫn (những kẻ tham dự vào câu chuyện). Bên cạnh đó, những bóng ma (ma có thể biết nhiều thứ mà người thường không biết - một kẻ thấu thị, trong cái nhìn siêu hình phương Đông, nó không hiện diện hữu hình nhưng luôn tham dự mật thiết vào cuộc sống con người) tạo thêm sự mờ hóa. Sự lấp lửng nằm ở chỗ cái người kể chuyện kể ra, trình ra là một thứ vừa thực vừa hư, vừa nhớ vừa quên, “tôi” vừa đang sống vừa chết rồi, Hoa là Hoa mà cũng có thể là Hương... Ngôn ngữ lấp lửng cũng tạo ra một kiểu đánh dấu bước đột phá tư duy về lời. Không phải ngẫu nhiên mà người Do Thái cổ cho rằng biết được hết chữ của mình cũng sánh ngang Thượng đế. Điều này có nghĩa rằng trong mọi kiểu diễn đạt đều là một kiểu khám phá mới nào đó ở tính hữu hạn và không thể định danh, định tính. Không thể định danh sự thật cho mật vật nào đó ở trong dòng biến ảo của nó. Và hệ quả chính là sự bất tín của diễn ngôn, hay cụ thể hơn, trong nhiều biểu hiện, chúng tôi chứng minh qua biến thể lấp lửng hai mặt. Điều này thể hiện rất rõ trên các cấp độ ngôn ngữ của Diễn ngôn Người sông mê. Thứ nhất, cấp độ định danh: Châu Diên báo trước cho người đọc biết rằng: “có điều khó hiểu và cũng gây khó dễ cho người kể chuyện, ấy là khi thì cô này nghĩ mình là Hoa, có khi chính cô lại cho rằng mình là Hương” (tr 5). Hoa và Hương ở đây cũng chỉ là sợi dây neo mong manh. Thứ hai, cấp độ biểu nghĩa và biểu niệm: thường thì giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt có một sự liên đới mang tính “võ đoán” nào đấy nhưng xem ra không có cái “võ đoán” nào bằng cái “võ đoán” bất tín trong lời của Người sông mê: “Cô nhớ và không nhớ. Thực tình cô cũng có nhớ, nhưng rồi nhớ nhớ quên quên, thành thử quên và nhớ lẫn lộn” (tr 5, 6). Điều này lặp lại liên tục trong tác phẩm thành một thứ biểu hiện lấp lửng của Người sông mê. Đó là ý nghĩa của mê - lú. Ở cấp độ cú pháp, việc sử dụng những đoạn dài và không đánh dấu, không xác định ranh giới chữ. Nghĩa là có một sự tràn ra giàn trải giữa các từ. Ví dụ như ở các trang 105, 154, 155, 283..., dường như sự tuyến tính rơi vào quãng lặng và đọng của hình thể. Đó cũng là kiểu của sự nhập nhằng nước đôi của ngôn ngữ vô thức, khi có sự tan chảy và sự tháo dỡ cú pháp.

Sự lấp lửng lưỡng nan đó thực sự là cuộc chơi của những kẻ “nhúng chàm” vô thức. Bên kia bờ thiện ác (Nietzsche) không phải là cái thiện thuần túy hay cái ác thuần túy mà là một bờ thiện ác khác mang trong mình một bản nguyên kép. Con đường tìm dấu vết ý nghĩa của ký hiệu trở nên nan giải để khẳng định một điều gì đó cho tương hợp. Nó tạo ra một cuộc chơi của sự liên tưởng làm hé lộ những bất ngờ đến thú vị kỳ lạ.

3.
Nhịp mạnh của tác phẩm là đói, tình yêu chết. Thế giới sống, nếu nhìn trong một dòng liên tục, là sự trải nghiệm qua các kiếp khác nhau. Bên kia bờ lý, đói, tình yêu chết không phải là một sự chấm dứt. Sự băn khoăn bắt gặp ngay tên gọi: Khải bút (khúc dạo) và Huyền bút (khúc kết), nếu nối lại, ta có Khải - Huyền bút. Khải huyền (hay Khải thị của Thánh Jean - cuốn cuối cùng của Tân Ước) - là sự kết hợp giữa thiên khải, tiên tri và linh thị mà những điều được nói đến là tượng trưng. Theo cách đó, Người sông mê dẫn người đọc qua những biểu trưng ở sự miêu tả về sự vật, màu sắc, con số, về đói, tình yêu và chết; cái đói của Khánh, của lũ sinh viên đến ăn nhờ nhà ông giáo; cái chết: của Khánh, của con trai Hoa, của Hoa, của bố Hoa, bố Khoa, cái chết hụt của mẹ Hoa; tình yêu: Hoa và Khánh; Khoa và Hoa; bố - mẹ Hoa; trung tướng... Đó là cái bề mặt. Ở bề sâu cái đói của Khánh hiện diện như một phức cảm (com- plexe), như một tiền lệ, nó choán chiếm thời gian, suy nghĩ và cả trong giấc mơ của Khánh: “mình đang đói” (tr 19), “đói lắm rồi” (tr 20). Và “đói và thèm khát và nhịn cả trong khi ngủ mơ” (tr 11). Bản thể Khánh hiện hữu là “một người chưa có mặt, chưa có tên, chưa có tuổi, chưa sống, chưa chết, chưa có quá khứ, chưa có tương lai, chưa có gì hết nhưng chắc chắn là có cái đói, chỉ có cái đói, lúc nào cũng đói, suốt ngày đói, đói khi ngồi học, đói cả khi ra khỏi lớp học, đói và thèm khát, đói và nhịn, và bị đói lại thèm khát lại nhịn” (tr 11). Ở đây, ta bắt gặp nhắn nhủ: hãy nhìn cuộc sống bằng “những con mắt xuyên thủng bóng đen mịt mù” để thấy “anh em của tĩnh lặng vĩnh hằng...” (Baudelaire). Vì sao các kiếp sống trong Người sông mê cứ hiện diện trong tính nhập nhằng của sự kéo lê mà không phải là trọn vẹn? Trước hết, cần nhấn mạnh lại rằng, đây là kiểu nước đôi của lời, kiểu nhân vật lưỡng tính, mang trong mình ước vọng hợp nhất tinh thần. Châu Diên khải lộ cho chúng ta từ lời nhắc cửa miệng của “tôi - Khánh” (người kể chuyện) là “đói” không phải thứ “đói cơm rách áo”. Nó nghiêng về giá trị tinh thần. Cái “đói” trong Người sông mê là đói - tinh - thần. Và bức tranh trong Người sông mê diễn tả đừng tưởng là nhân vật đi ăn hay đói thật mà là một tượng trưng riết róng hơn của bản thể người - muôn đời chứ chưa hẳn là tinh thần bất tín của cái nhìn hậu hiện đại như có người đã nghĩ. Khánh không thấy tình yêu ở Hoa (sự dửng dưng ở ghế đá sân trường của Khánh) và Anima tối thượng (hướng về Hoa) không hiện diện ở Khánh. Cũng vậy, Khoa tìm thấy ở Hoa mảnh vỡ của mình nhưng cái Animus mà Hoa hướng tới lại không nằm ở Khoa. Đó không đơn giản chỉ là trò ú tim đuổi bắt tình ái thông thường. Trên hết là khát vọng về một bản thể tinh thần vĩnh hằng của con người. Đó cũng là câu trả lời cho “nan đề” vì sao càng hiện đại, cuộc sống con người càng cảm thấy cô đơn, tủi nhục và bị xúc phạm trong mặc cảm tước đoạt. Đó là thế chênh của sự áp đặt vật chất. Hướng tới lưỡng tính là hướng tới sự hợp nhất của tinh thần tối thượng.

Những câu hỏi của Hoa, của mẹ Hoa, của nhân vật mình... về cái chết, về sự mất tích, về tình yêu, về tai họa giáng xuống cuộc đời những người hiền lành... hiện hữu như một phép xưng tội, một hành vi “thanh lọc”. Đó có phải là những tội lỗi mà con người cần xưng không? Rất cần, nhưng cái cần hơn là ở chỗ tự thức: “con không có quyền rửa tội cho ai cả”, vì “con thông cảm”, “cho tôi cứu tôi với” (tr. 283). Lỗi của con người là sinh ra và sống giữa trời và đất, giữa bụi và khói, giữa bóng tối và ánh sáng... Bằng cách đó, khi tội lỗi của con người nếu không tự cứu rỗi sẽ là lời khải huyền muộn cho ngày tận thế của kiếp sống mỗi cá nhân. Truy nguyên những phẩm tính người theo Châu Diên là bày ra ảnh ảo các nhân vị, hướng tới Self, hướng tới “Thành toàn tự ngã” và Siêu việt(2).

4.
Trong sự cộng thông với vô thức, G. Bachelard cho rằng: “Nếu thiếu mặc cảm, tác phẩm bị cắt đứt khỏi gốc rễ của mình, không còn giao lưu với vô thức nữa”(3). Dịch giả Dương Tường có lý khi nhận xét về Người sông mê rằng: Có phải ai cũng muốn nhớ hết những gì đã trôi qua trong cuộc đời ngắn ngủi của mình? Ai có thể nhớ hết những gì mình đã sống qua? Mỗi người sống bao nhiêu kiếp trong một vòng đời? Và ai có thể không nhớ nữa những gì mình muốn quên đi (chúng tôi nhấn mạnh)? Nói một cách hình tượng, có thể xem đấy là phức cảm Trophonius(4).

Người sông mê là nơi con người lẫn lộn nhớ quên hay nói đúng hơn muốn quên hơn nhớ. Đó cũng là nơi lẫn lộn tỉnh. Có thể khẳng định hầu hết các trang viết đều mang bóng dáng của cái quên - nhớ, tỉnh - mê. Những kẻ tham dự câu chuyện không muốn uống nước mê mà vẫn quên. Nhưng sự thực nhớ mà nhớ không rõ ràng:

- “Cô nhớ và không nhớ. Thực tình cô cũng có nhớ, nhưng rồi nhớ nhớ quên quên, thành thử quên và nhớ lẫn lộn” (tr 5, 6).

- “Người nào cũng mê mê tỉnh tỉnh, người nào cũng nhớ nhớ quên quên, tất cả đều không sáng suốt” (tr 11, 12).

- “Em kể chuyện cho anh nghe xong thì em lại thấy sợ hãi. Em sợ” (tr 117).

- “Mê đã ngập tràn các linh hồn lê thê vương vất, bỗng có ai đó chợt biết nhớ, chợt muốn tìm kiếm sự thật, chợt đặt ra câu hỏi: cuộc đời vào thuở ngày xưa nó như thế nào ấy nhỉ” (tr 75).

- “Em thấy sợ ... Em không thích sáng suốt nữa” (tr 117).

- “Vậy là ai đã chết hử? Mình chết hay nàng đã chết” (tr 37).

Những hạt bụi tập trung ở trang 6, 7 là một ám gợi. “Sân trường đầy bụi. Lá cây đầy bụi. Những hàng rào sắt che chắn mấy cái cây được bảo về như báu vật cũng đầy bụi. Những tấm kính chắn gió chắn nắng đầy bụi. Cô gái tên là Hoa vẫn lặng lẽ đi dạo trong sân trường đầy bụi, tay vuốt những chiếc lá đầy bụi, mắt đôi khi ngước lên lơ đãng nhìn những tấm kính che gió che nắng đầy bụi” (tr 6,7).

- “Đành ngồi xuống một chiếc ghế xi măng đầy bụi. Hoa ngả lưng vào tựa ghế, biết chắc lưng áo mình sẽ dính đầy bụi” (tr 7). Một điểm chung ở những vật dính bụi trên sẽ bị/ được rủ sạch. Theo Chevalier, nếu bụi không phải là dấu hiệu của sự chết (trở về với cát bụi) thì việc rũ bụi là rũ bỏ hoàn toàn cái quá khứ, sự đoạn tuyệt hẳn, sự chối bỏ những gì dính bụi: gia đình, tổ quốc, bạn bè... Và trong đoạn trích trên, chúng tôi nhấn mạnh hai yếu tố: “Cô gái tên Hoa đầy bụi” và “lưng áo mình sẽ dính đầy bụi”. Và nó sẽ bị/ được rũ bỏ. Một sự thực khác rất tỉnh táo, ấy là các kiếp; các con số (năm 20 tuổi, năm 30 tuổi, năm 70 tuổi... ); có một sự chứng kiến các kiếp đã chết trong sự bao quát của sợi dây lịch sử (từ thời năm 1945, thời chống Mỹ và bây giờ là sinh viên đi ăn ở quán Cơm Sư); có một sự bâng quơ trong chuộc tội: “Đó không phải là lỗi của ai đâu các con ạ, đó là lỗi của không khí, lỗi của gió lỗi của mưa lỗi của nắng, lỗi của những con chó sủa nhí nhách suốt đêm bên vườn nhà hàng xóm, lỗi của những cặp mèo hoang gào trong đêm, lỗi của mưa đang rơi chợt tạnh, lỗi của giọt nắng bên thềm chẳng sưởi ấm được chút gì dù là cũng sưởi ấm được đôi mắt của mình... ” (tr 283). Đoạn văn này được lặp lại một lần ở trang 241, bốn lần ở Khúc kết, khúc Huyền bút, ở các trang: 278, 279, 281 và 283. Bên cạnh đó, còn có một tỉnh táo khác: đói, bệnh tật, số phận, cô đơn, cái ác và một kêu gọi tỉnh táo riết róng hơn: Nhớ rõ ràng Sự Thật. Nhưng dường như chẳng ai muốn nhớ. Sự thực có thể là vậy khi nhân tính luôn treo lơ lửng giữa đôi bờ Thiện - ác. Ai cũng không muốn sự thật của mình trong cõi nội giới bị phơi bày. Nó cũng ẩn mình như cái chết và phá hủy như bệnh tật. Các kiếp sống của con người khổ thay muốn vinh danh nhưng có đáng gì để vinh danh! Điều này đã gặp gỡ với chiếc mặt nạ (masque) mà mỗi nhân vị là một nhân vật, con người đeo vào để rồi tự hỏi tôi là ai? Tôi ư? Tôi là tôi và cũng là mọi người và không là gì cả! Khi ngồi vào chiếc ghế Mnémoryne, con người sẽ sợ hãi, sẽ cô đơn, sẽ phải vong thân. Tuy vậy, tự bản thân nó không hiểu rằng một khi đã ngồi vào chiếc ghế của nàng Mnémosyne để được sáng suốt nhất cũng chính là lúc khổ não và ưu sầu nhất, đồng thời không thể chối bỏ lịch sử tâm tính đã diễn ra của chính mình.

5.
Từ khởi thủy, kẻ mù lòa lại là thấu thị. Hồ Xuân Hương trình bày thứ mỹ học phồn thực trên nền triết lý của con Nhân - Sư (lưỡng đồ), theo kiểu: “Khi mê tình chỉ là dâm/ Tỉnh ra mới biết trong dâm có tình” (Bảo Sinh). Sự thay đổi các kiếp sống trong Người sông mê là sự biến đổi và dịch chuyển của các xung lực Eros và Thanatos. Chết sống, cái đói thức ăn là những “cái lưỡng nan vĩnh cửu” (Tucci). Nó vừa là bóng tối đè nặng lên con người nhưng cũng là hấp lực thúc đẩy con người vượt thoát và trỗi sinh niềm ham muốn tồn tại. Từ nhịp đôi, nó khai triển những biến tấu nguy hiểm khác. Trích dẫn một đoạn ta sẽ thấy cách cất giấu ý nghĩa trong các “đồ hình vĩnh cửu” (Đỗ Lai Thúy):

- Trời đất đã cho sinh ra một Ngày đầu tiên, trong ngày đó có câu chuyện liên quan đến cô gái tên Hoa.

Và Hoa xuất hiện
(tr 5).

- Thế rồi tiếp theo Ngày đầu tiên thì đã có một buổi tối, nói đúng ra là một Thời khắc tranh tối tranh sáng.

- Và thời khắc tranh tối tranh sáng xuất hiện
(tr 6).

- Và anh ấy đã đến (tr 7).

- Tiếp theo một Ngày và Thời khắc tranh tối tranh sáng thì cũng sinh ra được một Đêm.

Và thế rồi Đêm buông xuống
(tr 8).

- Thế rồi có cuốn sách sinh ra giữa bụi khói,

đêm và ngày,

và tranh tối tranh sáng,

và yêu và thương

ra đời giữa tỉnh và mê.

cuốn sách được sinh ra
(tr 9, 10). (Những chỗ in đậm do chúng tôi cố ý nhấn mạnh).

Trời - đất Hoa xuất hiện; tối - sáng anh ấy đã đến, tỉnh - cuốn sách... Ba nhân vật là nhịp ba. Dưới cái nhìn biểu tượng học, trong tổ chức thế giới, trong tư duy và quan niệm về nguồn gốc vũ trụ của người Ấn Độ: bộ ba - Brahma - Vishnu và Civa là thần linh tối thượng. Ba bản chất vũ trụ: vật chất - năng lượng - tinh khí, hiện thân trong con người là: thân thể - lý trí - linh hồn. Trong Ki tô giáo, nhịp ba thể hiện ở chỗ: Spiritus - Anima - Corpus (thần - hồn - xác). Từ đó, xuất hiện ba quan hệ của thế giới thụ tạo: Sức mạnh - trí tuệ - tình yêu và ba giai đoạn của tiến hóa tinh thần: Thế nổi trội của xúc cảm và của trí tưởng tượng, sự can thiệp của lòng nhân ái hay của tình yêu và sự tận tụy, và sự khải ngộ trong vinh quang của sự thanh bình nội tâm. Một cách độc đáo, Châu Diên mang đến cho người đọc lối hiện thực mù lòa được trình bày qua cái nhìn của kẻ vô trách nhiệm (người kể chuyện)(5). Châu Diên tuyệt giao với thói cả nể ưu ái người đọc thuở trước. Nhưng có vẻ như đó là thứ hiện thực và cái nhìn của người thấu thị, người tiên tri (hình ảnh hồn ma trong tác phẩm - hình ảnh tượng trưng). Phép phúng dụ đẩy trí tưởng tượng đi xa hơn khi ở người già thường là biểu hiện của người mù - nhưng chính trong sự ăn cướp trắng trợn của thời gian, của cuộc sống, đó là dấu hiệu của trí anh minh... họ nhìn bằng thứ thị giác nội giới. Sự hài hòa, tương sinh hoặc không phù hợp sẽ dẫn đến những nguy hại như một thứ bóng âm tập thể, trong tính tàn phá mù lòa của nó.

Bí mật của tính sáng tạo của họ nằm ở bí mật của cách diễn tả sao cho sự sắp xếp càng tạo ra nhiều mê lộ càng tốt. Đi qua những mê lộ sẽ gặp gỡ nguyên tắc cấu trúc của trường liên tưởng của trò chơi vô thức, phép loại suy và phép đồng dạng. Đó là cống hiến của logic huyền thoại, của triết học biểu tượng và cũng làm nên hình hài của nghệ thuật biểu tượng. Từ khi con người xua đuổi các thần linh, ngay lập tức nó chạm trán với thế giới không có nội dung, nói theo Octavio Paz, con người chực một tổn thất kép “ngôn từ thôi không còn là sự thể hiện bản chất thật của sự vật và sự vật trở nên mờ đục và câm lặng... con người tự tìm kiếm ý nghĩa của nó” (Octavio Paz) trong quy tắc của trò chơi chốn tâm thức, biến những cuộc dò tìm thành sự nối kết giữa vực thẳm và đỉnh cao, là những đảo ngược, tiến hóa và thoái biến... Điều này dẫn tới một liên hệ khác, ấy là sự trùng phùng giữa liên tưởng và lễ nghi ở cánh cửa chuyển hóa mang tính ma thuật. Sự thực của trò chơi vô thức là sự thật của mê và tỉnh.

Trong Người sông mê, ngoài phần Khải bút Huyền bút, tác phẩm được chia ra ba kiếp: Kiếp ảo (phần thứ nhất), Kiếp gốc (phần thứ hai), Kiếp thực (phần thứ ba); mỗi phần lại chia ra: Kiếp trước, Kiếp hương hoa, Kiếp cô đơn, Kiếp tiếc thương (phần thứ nhất); hay gốc một, nhất gốc; gốc đôi, hai gốc; gốc tam, ba gốc (phần thứ hai); đầu thai, kiếp Hoa, kiếp Khánh... Chết là một biến thái của sinh tồn. Khánh chưa hoàn toàn qua bến lú - bờ mê - chưa hoàn toàn siêu thoát. Tâm linh Việt Nam đó là một quái trạng vì người chết còn vướng lụy ở trần gian, chưa thể “ngậm cười nơi chín suối” được. Hoa - có khả năng thấu thị, liên hệ được với hồn người chết - đó là con người không bình thường hay đúng hơn, Hoa có sức mạnh (tâm linh) hơn người - một biến thể của huyền thoại, vượt qua bức màn treo của kiểu thời gian sự kiện để tiên tri, soi ngắm nhân gian. Đặc biệt là các nhà tiên tri trong các câu chuyện Kinh Thánh - như nàng Almitra, mà Chúa gọi là thiên sứ ở thành Orphalese. Chúng tôi gọi những điều đã diễn giải trên là một kiểu quyền lực mới đem đến sự quyến rũ từ lối viết. Trong tiểu thuyết hiện đại, ít nhất là từ sự khẳng định của các nhà tiểu thuyết mới, rằng không nên và không thể định danh một cách chắc chắn cho nhân vật hay phẩm tính của nó. Nếu đính nhân vật vào chỗ cố định chính là làm chết nó trong thì hiện tại đang diễn ra, trong thế đang và sẽ là chứ không phải là đã là. Thế lưỡng nan đó cũng đồng thời, nói theo Nguyễn Thị Từ Huy khi khám phá tiểu thuyết Alain Robbe - Grillet - là cái không - sự - thật, cái khó bày tỏ và không thể hòa giải. Đó là dấu mốc cho sự phát triển của cái kế tiếp. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà cùng chiếm một vùng không gian tâm tưởng (trái tim và óc tưởng tượng), nhưng giữa các mơ mộng nghệ thuật từ khởi thủy đến hiện tại vẫn tiếp diễn trong thế vừa giống vừa khác của nó. Cũng lẽ đó, sự tiếp cận của chúng tôi sẽ là tiếp bước cho các tiếp cận khác...

N.Q.H
(SH289/03-13)






............................................
(1) Châu Diên (2010), Người sông mê, Nxb. Thời Đại, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H. Các chú thích được đánh số trang đều dẫn trong văn bản này.

(2) Các thuật ngữ này chúng tôi mượn từ thành tựu nghiên cứu tâm lý chuyên sâu của Jung C.G. Các vấn đề liên quan xin xem thêm: Lưu Hồng Khanh (2006), Tâm lý học chuyên sâu, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh; Jung C. G. (Vũ Đình Lưu d) (2007), Thăm dò tiềm thức, Nxb. Tri thức, H. Hoặc Stein M. (Bùi Lưu Phi Khanh d) (2011), Bản đồ tâm hồn con người của Jung, Nxb. Tri thức, H.

(3) Đỗ Lai Thuý (biên soạn và giới thiệu), (2004), Phân tâm học và văn hoá nghệ thuật, Nxb. Văn hóa Thông tin, H, tr 222 - 223.

(4) Trophonius trước hết là một huyền thoại về một ông vua ở tỉnh nhỏ và là kiến trúc sư đã cùng em mình là Agamède xây dựng đền thờ thần Apollon ở Delphes. Sự cố xẩy đến khi vua Hyries giao cho họ xây một tòa nhà để cất giữ của báu. Lòng tham đã khiến anh em họ tìm cách lấy kho báu bằng một đường hang phụ nhưng đã bại lộ. Để tẩu táng tài sản và tránh tai tiếng, Trophonius đã giết chết em mình, nhưng ngay tức khắc bị Đất mẹ nuốt chửng. Nhà tiên nữ Pythie đã chỉ ra chỗ ẩn của Trophonius cho người dân vì chỉ có anh mới biết cách làm cho cơn hạn hán lúc đó ngừng lại. Sau đó, để nghe được lời thánh truyền của Trophonius, những người muốn khải thị phải có lòng tin mãnh liệt và vượt qua những khó khăn khủng khiếp nếu không sẽ bị làm mồi cho rắn độc. Khi vượt qua, họ sẽ được đặt ngồi trong chiếc ghế của Thần Trí nhớ (Mnémesyne), để nhớ lại những gì khủng khiếp nhất mà họ đã trải qua và mãi mãi bị những điều đó ám ảnh. Cũng từ đó, những con người khổ não, u sầu là những con người vừa mới đi hỏi lời thánh truyền của Trophonius. Đây là mặc cảm không dám đối diện với cái ác, phủ nhận những hiện thực của quá khứ để dập tắt tội lỗi của mình. Chừng nào con người còn tránh nó thì nó còn ám ảnh.

(5) Thuật ngữ này chúng tôi tìm gặp và mượn của Nguyễn Thị Từ Huy khi bà diễn giải tiểu thuyết Robbe Grillet. Cách định danh này phù hợp với diễn ngôn Người sông mê từ cái nhìn của tư duy tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
 






 

Các bài mới
Mẹ khổ (26/03/2013)
Các bài đã đăng
Dàn đồng ca (18/03/2013)
Mê cung (15/03/2013)