Tạp chí Sông Hương - Số 289 (T.03-13)
Ngài Mai Khắc Đôn với minh triết “an trinh cát” của Kinh Dịch
10:54 | 26/03/2013

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Ngài Mai Khắc Đôn (1853 - 1930) là một Nho sĩ, một vị quan có tinh thần yêu nước, thương dân và đặc biệt ngài là một trong những người thầy có ảnh hưởng khá sâu sắc đối với nhà vua yêu nước Duy Tân.

Ngài Mai Khắc Đôn với minh triết “an trinh cát” của Kinh Dịch
Chân dung ngài Mai Khắc Đôn (ng. Nguyễn Đắc Xuân)
Chân dung vua Thành Thái (ng. G)

Ngài đỗ đạt và làm quan trong hai đời vua Thành Thái, Duy Tân, mà cả hai vua đều chống thực dân Pháp và cùng bị thực dân lưu đày biệt xứ. Một vua là thông gia, một vua là nghĩa tế của ngài nhưng ngài Mai Khắc Đôn giữ vẹn chữ trung, nổi tiếng thân dân, làm quan thanh liêm, sống đời thanh bạch, tránh được sự o ép của thực dân Pháp, ắt ngài phải có một “minh triết”. Bài viết này mạo muội tìm “minh triết” của một danh nhân văn hóa, một người con ưu tú của dòng họ Mai thuộc Kim Long hậu thôn, tục gọi làng Hạ.

1. Ngài Mai Khắc Đôn có lòng tự tôn dân tộc, có niềm tin vào lớp trẻ

Trên báo Thanh Nghị số 84, 1944, học giả Hoàng Xuân Hãn đăng bài: “ĐOÀN TỬ QUANG”, trong đó có giới thiệu một bài ký chữ Hán, đồng tác giả là Khiếu Năng Tĩnh, Mai Khắc Đôn (Chánh, Phó chủ khảo kỳ thi hương ở Nghệ An, năm Canh Tý (1900)). Bài ký của hai quan trường, do Hoàng Xuân Hãn tuyển trong sách “Nghệ An trường, hương thí văn tuyển khoa Canh Tý” và dịch ra quốc ngữ. Xuất xứ bài ký là do trong suốt kỳ thi hương năm 1900, hai quan chánh phó chủ khảo gặp một sĩ tử đặc biệt Đoàn Tử Quang, tám hai tuổi còn dự thi và chữ nghĩa văn bài cứng cỏi, không thua kém sĩ tử Phan Bội Châu cũng ứng thí khoa này. Sau khi có kết quả của kỳ thi, hai quan chánh phó chủ khảo, tiếp xúc Đoàn Tử Quang, đứng thứ 29 trên 30 tân khoa mới biết, nếu không viết sót một chữ KIM trong một bài văn thì sĩ tử 82 tuổi đã ở cùng bản đặc biệt với Phan Bội Châu. Qua bài ký, có thể biết được “tư tưởng” của ngài Mai Khắc Đôn vào đầu thế kỷ 20, người 8 năm sau trở thành thầy dạy vua Duy Tân và 16 năm sau trở thành nhạc gia của nhà vua yêu nước, bị thực dân Pháp lưu đày. Trong bài ký ngài viết: “Mấy khoa gần đây, chế nghệ các học trò ta cùng nước Tàu ngang nhau, mà còn tinh khiết hơn…” (tr. 7). Dẫu rằng ngài Mai Khắc Đôn cũng như ngài Khiếu Năng Tĩnh, được đào tạo ở cửa Khổng sân Trình, chưa thoát khỏi tư tưởng Nho giáo, nhưng vì làm công tác giáo dục thế hệ trẻ trong bối cảnh nước nhà bị thực dân Pháp o ép, lớp Nho sĩ yêu nước này đều rất tin tưởng lớp trẻ và các ngài tìm cách giáo dưỡng họ, đưa họ đến với tân thư, hàm chứa tư tưởng mới, không ngoài mục đích thoát khỏi gông cùm của ngoại bang. Minh chứng cho nhận định này là hàng loạt các vị cử nhân, tiến sĩ đỗ đạt trong những khoa thi hương, thi hội của thời vua Thành Thái đã sớm đến với tư tưởng duy tân. Riêng cụ Mai Khắc Đôn đã tận trung với nhà vua yêu nước Thành Thái và ra sức đào tạo vua trẻ Duy Tân là một minh chứng cho nhận định này. Là nhà giáo, ngài Mai Khắc Đôn kiên tâm chính bền, tin tưởng vào lớp trẻ sẽ làm được việc lớn trong tương lai, là minh triết “an trinh cát” mà ngài rất tâm đắc suốt đời.

2. Vua trẻ Duy Tân chọn thầy phụ đạo chữ Hán
 

Chân dung vua Duy Tân (ng. G)

Vua Duy Tân đã từ chối các thầy dạy chữ Hán gồm các thành viên trong Phủ phụ chính, do tòa Khâm sứ cử, chỉ chọn viên quan Tuần Vũ Quảng Trị Mai Khắc Đôn làm quan phụ đạo. Lý do nhà vua biết vị này rất thân dân. Sử chép sự kiện này không sai nhưng chưa đủ. Một vua bé, mới mười tuổi, chọn quan phụ đạo không thể không có ý kiến của Lưỡng Cung, một là Hoàng Thái Hậu Từ Minh, hậu của vua Dục Đức, hai là Thái Hậu Nguyễn Thị Định mẹ của vua trẻ Duy Tân. Trong thời vua Thành Thái, ngài Mai Khắc Đôn từng giữ chức Tham Biện nội các sự vụ, Quang lộc tự thiếu khanh (Tòng tứ phẩm: tiền 60 quan, gạo 50 phương, tiền xuân phục 10 quan). Chắc chắn Hoàng Thái Hậu và Thái Hậu biết trình độ học vấn và chính kiến của vị quan thanh liêm Mai Khắc Đôn. Hai bà hoàng, xuất thân con nhà thường dân, một là mẹ và một là vợ của vua Thành Thái yêu nước, chống thực dân Pháp, ắt có gợi ý cho vua bé Duy Tân trong việc chọn quan phụ đạo Mai Khắc Đôn. Tất nhiên còn có sự đồng tình của một số đại quan trong Phủ phụ chính.
 

Chân dung ngài Lê Trinh (ng.G)


Thực vậy vừa là thành viên của Phủ phụ chính, vừa là thầy dạy vua ban đầu, phó bảng Lê Trinh, người Quảng Trị, được vua trẻ Duy Tân mến mộ. Mà lúc ngài Mai Khắc Đôn làm Tuần vũ Quảng Trị, rất được lòng dân, tỏ ra thân dân và cứng rắn với thực dân Pháp, cho nên thượng thư bộ Lễ Lê Trinh góp phần vận động ngài Mai Khắc Đôn làm quan phụ đạo chữ Hán cho vua trẻ vậy. Rõ ràng khi làm Tuần vũ Quảng Trị, ngài Mai Khắc Đôn đã “không tranh mà tất thắng”, “hữu xạ tự nhiên hương”, đó là minh triết ngài rút từ bài học “an trinh cát” của Kinh Dịch.

3. Một đời tâm đắc triết lý “Thuần Khôn”

Năm Canh Tí [1900], nhân dịp cửu tuần đại khánh của Thái thái hoàng thái hậu Từ Dũ, triều đình mở ân khoa. Ngài Mai Khắc Đôn được cử chức Phó chủ khảo trường thi Nghệ An. Trong trường thi có sĩ tử Đoàn Tử Quang đã 82 tuổi, còn ứng thí để vui lòng mẹ già tuổi đã 98. Bà mẹ của Đoàn Tử Quang góa chồng lúc 17 tuổi, thủ tiết nuôi con ăn học. Dẫu Đoàn Tử Quang nhiều lần ứng thí nhưng chỉ là “Tú Kép” nhưng bà mẹ luôn động viên con học hành để ứng thí kỳ sau. Cụ bà từng được vua Tự Đức ban “tiết phụ thứ hạng”. Cảm xúc việc này hai tác giả bài ký hạ bút: “Quan trường hớn hở mà hỏi rằng: “Bà cụ, bà cụ, mấy tuổi? cho biết với”. “Năm sau, năm sau nữa mới tới một trăm. “Lại hỏi thăm thì đáp rằng: “Lúc mẹ lão mười bảy tuổi thì trời cướp mất cha lão. Mẹ lão thủ tiết nuôi con, lênh đênh cô khổ cho đến khi thành lập. Vào khoảng đời Tự Đức, được phong Tiết phụ thứ hạng và được thưởng bạc mười lăm lượng. Mẹ lão cảm ân chảy nước mắt. Lão đậu tú tài hai lần, mà vẫn xui lão gắng học; bảo lão rằng ta từ khi làm dâu nhà mầy, chưa từng thấy một ngày nào mà cha mầy không đọc sách. Cha có chí chưa thành; mầy cứ học đến già khiến cho con cháu nối đó mà học để thành được chí cha mầy. Lão có ngày nay, hết thảy nhờ công dạy của mẹ lão.”

Các quan đứng dậy mà nói: “Kinh Dịch bàn TRINH CÁT nay thực là đúng đạo trời”
(tr.8).

Thật vậy, Quẻ THUẦN KHÔN trong Kinh Dịch:

坤: 元, 亨, 利, 牝 馬 之 貞. 君 子 有 攸 往 . 先 迷 後 得. 主 利 . 西 南 得 朋 . 東 北 喪 朋 . 安 貞 吉 .

Khôn: Nguyên, hanh, lợi, tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng, tiền mê hậu đắc, chủ lợi. Tây nam đắc bằng, đông bắc táng bằng. An trinh, cát. Khôn có đức ban đầu và to lớn, hanh thông, lợi, đức chính và bền của con ngựa cái. Người quân tử làm việc gì mà chường mặt chủ xướng thì mê lầm, giấu mình để người khác chủ xướng, rồi theo sau người thì đạt. Tất nhiên đạt kết quả phải chính đáng, làm lợi cho muôn vật… Bài ký với câu tán thán: “Kinh Dịch bàn TRINH CÁT nay thực là đúng đạo trời”, phản ánh các tác giả rất tâm đắc “An trinh cát” của quẻ THUẦN KHÔN”. An trinh cát tức là an lòng giữ đức bền vững cho tốt, tức giữ đức chính và bền. Bà mẹ của lão sĩ tử Đoàn Tử Quang đã “an trinh” một đời, chồng mất sớm thì thủ tiết thờ chồng, nuôi con ăn học. Con thi trượt nhiều khoa, tuổi con vượt tám mươi, lão mẫu vẫn động viên con cố học, đó là giữ đức chính và kiên trinh. Cái thành công của lão thí sinh họ Đỗ là thành công do đức an trinh của lão mẫu vậy. Bài ký cho thấy ngài Mai Khắc Đôn rất tâm đắc với đạo THUẦN KHÔN của Kinh Dịch, khi các ngài đúc kết: “Nhưng mà Tử Quang đậu khoa này, đã làm vẻ vang cho nhà, lại làm đẹp đẽ cho nước; hết thảy nhờ chữ TRINH của mẹ mà được như vậy. Đó cũng là để răn thiên hạ đời sau” (tr.9). Hai tác giả khi viết bài ký, không kết luận sự thành đạt của Tử Quang là do cha, vì ẩn ý “âm” theo “dương”, “khôn” theo “càn” đã nằm trong quẻ THUẦN KHÔN, với lời dạy của thánh nhân: “tẫn mã chi trinh”. Văn Vương dùng ngựa cái làm biểu tượng “Khôn”. Là vì ngựa cái là giống mạnh và có tính thuận theo ngựa đực. Do đạo Khôn có đức thuận, thế thì khởi đầu cho việc gì phải là Càn. Khôn chỉ tiếp tục công việc của Càn khởi xướng. Hai ngài mượn lời bà mẹ của Đoàn Tử Quang, khi khuyên con gắng học, là để tỏ rõ “tẫn mã chi trinh” của dịch học. Qua bài ký biết được minh triết của ngài Mai Khắc Đôn là lấy đạo “an trinh cát” làm kim chỉ nam vậy.

4. Dấu ấn minh triết “an trinh cát” của ngài Mai Khắc Đôn trong cuộc đời của Hoàng phi Mai Thị Vàng

Lịch sử đã chép hành trạng của hoàng đế Duy Tân, ghi nhận là thời gian bị lưu đày nhà vua đã tỏ rõ một con người chịu khó học hành không mỏi mệt, thấm nhuần triết lý “an trinh cát” mà sư phụ Mai Khắc Đôn đã dày công giáo dưỡng. Tiếc rằng nhà vua đã tử nạn máy bay. Trong dịp này, xin được đề cập dấu ấn “an trinh cát” mà thân phụ Mai Khắc Đôn tạo thành “gia phong” của họ Mai Khắc Kim Long, được con cháu họ Mai Khắc giữ nếp, tiêu biểu là bà Hoàng phi Mai Thị Vàng.
 

Vua Duy Tân và các bạn (thời bị lưu đày) (ng.G)


Năm Kỷ Hợi [1989], sau một thời gian giữ chức Ngự sử Viện đô sát (từ1890), ngài Mai Khắc Đôn nhận chức Tham biện nội các sự vụ, tước Quang lộc tự thiếu khanh, tòng tứ phẩm, tiền 60 quan, gạo 50 phương, tiền xuân phục 10 quan. Vì thanh liêm, con đông, lương thấp nên nhà quan cũng thanh bạch. Đúng năm này bà vợ của ngài sinh hạ cô con gái, ngài đặt tên là Mai Thị Vàng. Khi đặt tên con gái là Vàng, ngài đặt nhiều kỳ vọng ở cô tiểu thư này. Vàng là gọi nôm, chứ chấm số tử vi cho con gái ngài cũng dự đoán tương lai của con. Huống gì ngài đã tấm đắc quẻ “Thuần Khôn”, có hào “六 五: 黄 裳, 元吉 (Lục ngũ: Hoàng thường, nguyên cát”. Hào 5, âm: như cái váy màu vàng, lớn, rất tốt). Chu Công cho hào lục ngũ này rất tốt, và “tượng” bằng cái váy màu vàng. Vàng là màu của đất, của trung cung, hàm ý trung dung.Váy là phần y phục ở phía dưới, đẹp đẽ, hàm nghĩa khiêm hạ, không tự tôn, người quân tử có đức trung (màu vàng) ở trong mà thông suốt đạo lý, ở ngôi cao mà vẫn khiêm cung, tự coi mình ở thể dưới (như cái váy); làm được vậy là chất tốt đẹp ở bên trong sẽ phát ra bên ngoài, sự nghiệp lớn, tốt đẹp cùng cực. Dụng lục của quẻ Thuần Khôn, tức là cái đức của đạo quẻ này dạy:
 

Chân dung bà Mai Thị Vàng (ng.G)

利 永 貞 (lợi vĩnh trinh), nghĩa là khiêm nhường, bao dung, không kể công, nuôi dưỡng vạn vật mà không tranh công về mình, khi gặp biến thì kiên trì chịu đựng, giữ điều chính thì về sau có điều lợi. Bà Hoàng phi Mai Thị Vàng với hành trạng trong lịch sử là một minh chứng về minh triết “an trinh cát” của ngài Mai Khắc Đôn. Đầu năm 1916 bà trở thành hoàng phi, một mệnh phụ vẻ vang, cuối năm 1916 bà phải lưu đày cùng với gia đình chồng, gian truân hai năm ở quê người, rồi hồi tôn trong cô lẻ. Năm 1925, vua Duy Tân đang bị lưu đày, tạo điều kiện cho bà, mới 27 tuổi, cải giá nhưng bà một mực thủ tiết cho đến ngày qua đời vào năm 1980. Sinh thời bà Vàng thường ngâm: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”, hoặc: “Đá dù nát, “vàng” không phai/ Tử sinh vẫn giữ lấy lời tử sinh.”. Bà qua đời năm 1980, mộ phần của bà ở nghĩa địa làng Hạ, quá đơn sơ. Ngày 24 tháng 4 năm 1987, thi hài cựu hoàng đế Duy Tân được đưa từ đảo Réunion về Việt Nam, an táng tại Lăng Dục Đức, Huế cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái. Tháng 4/1987, bà Fernande Antier, vợ thứ vua Duy Tân, thân mẫu của Hoàng trưởng nam Guy Georges Vinh San (31/1/1933), về thăm Huế đã đi bái yết tổ tiên nhà Nguyễn, viếng mộ bà Hoàng phi Mai Thị Vàng ở Hậu thôn Kim Long. Bà Fernande Antiert thấy mộ bà Hoàng phi quá đơn sơ, nên đề nghị Nguyễn Phước tộc và các con bà nên đưa mộ phần bà Hoàng phi về táng cạnh lăng mộ Cựu hoàng Duy Tân ở An Lăng. Sau đó lời đề nghị của bà đã được thực hiện vào 1994, hài cốt bà Mai Thị Vàng (mất năm 1980), vợ vua Duy Tân được đưa về chôn gần lăng mộ của vua Duy Tân. Hóa ra cuối cùng linh hồn bà Mai Thị Vàng đã thỏa nguyện và minh triết “vĩnh trinh cát” của thân phụ Mai Khắc Đôn là đúng đắn.

Trải qua dâu bể, con cháu họ Mai Khắc Kim Long, người Nam kẻ Bắc, người trong nước người hải ngoại, nhưng các con cháu của ngài Mai Khắc Đôn vẫn giữ được nếp nhà “từ hiếu”, luôn “tích thiên” và rất chăm học, thể hiện minh triết “an trinh cát” của ngài Mai Khắc Đôn để lại. Là hậu sinh không dám đánh giá tiền nhân, tôi chỉ mạo muội góp nhặt một số thông tin ít ỏi tiếp cận được, mạo muội viết bài này như tạo một nén hương, dâng cúng hương hồn một vị danh nhân văn hóa của Huế nói riêng và nước nhà nói chung, với tất cả lòng ngưỡng mộ, tôn kính tiền nhân. Khi lập ngôn, có điều gì sơ suất, khiếm lễ thì rất mong các vị thức giả và nhất là các vị trong tộc Mai Khắc Kim Long bỏ qua với lòng bao dung cho tác giả bài viết này. Nhân đây, tác giả có nguyện vọng tộc họ Mai Khắc Kim Long tiến hành sưu tầm di cảo của ngài Mai Khắc Đôn và công bố để giới nghiên cứu có điều kiện nghiên cứu sâu về ngài.

T.V.Đ
(SH289/03-13)







 

Các bài mới
Mẹ khổ (26/03/2013)
Các bài đã đăng
Dàn đồng ca (18/03/2013)