Tạp chí Sông Hương - Số 290 (T.04-13)
Chủ nghĩa toàn thể hình thức một tuyên ngôn
15:41 | 15/04/2013

ANNIE FINCH  

Chúng tôi khát khao cái đẹp thi ca, và chúng tôi không e dè né tránh những nguồn mạch nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng với chủ nghĩa Toàn thể hình thức (omniformalism), cho một thi pháp phong phú và mở rộng, giải phóng khỏi những doanh trại của những cuộc chiến thi ca đã chết rấp.

Chủ nghĩa toàn thể hình thức một tuyên ngôn
Nhà thơ Annie Finch - Ảnh: internet

Sau đây là những mong muốn của chúng tôi:

1. Tính vật thể (Physicality)

Chúng tôi mê điên những bài thơ dồn tuôn máu, chuyển động vào ba chiều kích bằng những thiết yếu nội tại của hình thức chúng, vốn biết những dạng thức và tiết điệu dai dẳng mà thế giới bảo lưu.

2. Tính thẩm thấu (Permeability)

Chúng tôi đói ham thứ thi ca chuyển động tự do giữa các trường phái, những văn hóa, những truyền thống, và những kỉ nguyên của thi pháp và được nuôi dưỡng bằng những ảnh hưởng tranh chấp.

3. Cấu trúc (Structure)

Chúng tôi thèm thuồng những bài thơ phản ánh hoặc khúc xạ những dạng thức trong tay nghề của chúng, chúng xây dựng những hình dạng riêng hoặc lạ lẫm hoặc dễ dãi, chúng thách thức và thăm dò dạng thức không thân quen và đồng thời cũng tán thưởng và bảo trì cái thân quen.

4. Thân thuộc (Kinship)

Chúng tôi muốn những bài thơ vươn ra ngoài cũng như rướn vào trong. Chúng tôi ham thứ thi ca đánh dấu và lưu dấu trên những sự kiện thời vụ của con người. Chúng tôi mong muốn những bài thơ chuyên chở và kết nối với dục vọng.

5. Tính liên tục (Continuity)

Bất đồng không phải là hạ sát, và những chọn lựa khác nhau có thể mang nghĩa bất đồng. Chúng tôi đề kháng khuôn mẫu mang tính phức cảm Oedipius của truyền thống và đói ham thứ thi pháp bền vững, cũng như khám phá.

6. Huyền nhiệm (Nystery)

Chúng tôi hân hoan là những tuyên ngôn sẽ chẳng bao giờ chứa giữ thi ca. Chúng tôi có một mong muốn cuồng dại đối với thi ca gìn giữ một điều gì mà chúng tôi không thể hiểu nổi.

Tại buổi kết thúc dự án trong tám năm đồng biên tập cuốn: Tán dương hình thức: Những nhà thơ đương đại ăn mừng sự đa dạng của nghệ thuật (An Exaltation of Forms: Contemporary Poets Celebrate the Diversity of Their Art) - Ấn quán Đại học Michigan, 2002, Katherine Varnes và tôi vẫn còn bất mãn do một số của cùng những tình huống đã khởi đầu dẫn tới cuốn sách ấy: những cuộc chiến giành đất giữa các nhà thơ, sự phân cách của những chiến lược về hình thức và những tương quan khuôn sáo giữa những thủ thuật hình thức của bài thơ và những cam kết chính trị và triết học của nó. Gặp nhau để ăn mừng việc xuất bản tuyển tập trên, chúng tôi hai đứa nguệch ngoạc bản sơ thảo của tuyên ngôn này trên một tờ giấy ăn trong một quán lau ở tiểu bang New Orleans, Hoa Kỳ.   


THÂN THỂ CỦA THƠ (THE BODY OF POETRY)
(Luận văn về phụ nữ, hình thức, và tự thân thi ca)  

Kể từ chủ nghĩa Lãng mạn, vận động thống ngự của thơ đã bao gồm một sự thúc đẩy liên tục để vượt thoát khỏi sự giới hạn thể hình minh định của nghệ thuật, từ sự tháo gỡ của Wordsworth về ngôn từ ‘thi ca’ để ưa chuộng một ngôn ngữ của ‘một người nói với các người’ qua sự vượt thoát khỏi vận luật trong cuộc cách mạng của thể thơ tự do (free-verse revolution) và của dòng trong thể thơ phóng chiếu (projective verse) [tức là vắt dòng - enjambment]. Những ai chạm gần đáy nhất của tiến trình này đã là hiển nhiên trong sự vượt thoát khỏi tiếng nói trong thi pháp cắt dán (collage poetics) và khỏi cú pháp trong thi pháp phần mảnh hoặc dán cách (fractal or disjunctive poetics), nó hiện gồm không gian riêng của nó để vượt thoát thêm nữa: những phá vỡ được lặp lại ngay bên trong bình diện của ngôn ngữ.

Trong suốt cũng hai thế kỉ đó thơ trữ tình (lyric poetry), giống như những nghệ thuật khác, phải tới phần nào làm tròn vai trò của tông giáo trong đời sống tâm linh của nhiều nhà nhân văn thế tục có học. Khi tự thân cá thể hóa đã ngày càng mang lấy sự tạo nghĩa gần như tông giáo qua những vận động của chủ nghĩa Lãng mạn và chủ nghĩa Hiện đại (hãy so sánh thi ca cổ đại hoặc thậm chí trung cổ tự lấy tâm điểm trong quy ước xã hội và những ám thị/ điển cố - allu- sions - hơn là viễn kiến cá thể hóa của tự thân), những nền tảng cấu trúc của thi ca đã được tái tổ chức để phản ánh một sự nhấn mạnh mới về sự trải nghiệm của linh hồn cá nhân, và trên một mĩ học của vượt thoát như là đối lập với sự nội tại. Vậy nên, trớ trêu thay, thi ca trữ tình tự thân đã mang lấy những đặc trưng tâm linh và siêu hình chủ chốt của truyền thống tông giáo thống ngự. Những sự tự đảm đương không được nói ra này đã đến thống trị cả thi pháp đương đại chủ lưu và ‘tiền - vệ’, một tình huống với những hàm nghĩa không chỉ cho nội dung của thi ca có định hướng tâm linh, mà còn cả cho thi pháp trên một bình diện sâu hơn cả bình diện về nội dung tông giáo.

Trong thi ca kể việc thể tự do đương đại (contemporary free - verse anecdotal poetry), cái kiểu thức mà Ron Silliman, nói gót Edgar Allan Poe, đã gọi là “trường phái thanh tịnh” (the school of quietude), sự thành thật bề ngoài của tự thân cá nhân, hoặc linh hồn, trở nên tiêu chuẩn trung tâm của thi ca vượt thoát, một địa điểm của sự vật luyến tâm linh (spiritual fetishization). Mọi nhân tố khác - hình thức, ngữ cách, hình tượng, chủ đề, thanh điệu - đều bị gộp trong sự phục vụ cho hiệu quả này. Mặt khác, trong trường hợp của nhiều thi ca tiền vệ, gồm những nhà thơ tâm linh - thử nghiệm như Fanny Howe và Ann Lauterbach, những hình dạng tự phát của một thi ca ngày càng gián cách được gọi lên như một phương tiện để chiêu cầu cái không thể biểu hiện vượt thoát, một ân sủng thách đố và tràn lướt ngôn ngữ.

Cả hai loại thi ca này chiếm được sự chân chính trong mắt người đọc đến mức độ chúng dường như bỏ lại sau hoặc vượt thoát, ‘bài thơ’ như một nhân tạo, một mảnh gia công của ngôn ngữ với những quy ước của nó về ngữ cách và nhịp điệu và những đặc trưng về cấu trúc có thể nhận ra, tách biệt. Việc tự thân tâm linh này hoặc đối tượng vượt thoát của nó có là trung tâm của một bài thơ đương đại hay không, dù ở trường hợp nào trong cả hai thứ này thì cái thân thể xúc cảm của bài thơ, và cái ngôn ngữ xây dựng nó, đều là bên ngoài chủ điểm, đối với luôn cả những nhà phê bình chủ lưu và tiền vệ. Cho dù được thanh tẩy bằng nhiệt tâm Thanh giáo về bất cứ gì phá rối dòng chảy ngôn ngữ trần tục với hơi hướm của chất ‘thi ca’ về một mặt, hoặc là ‘gẫy vụn’, ‘mảnh mún,’ ‘ngắt ngang’ với sự bạo động không mỏi mệt về mặt khác, thân thể của bài thơ đã đến chỗ bị khinh miệt bởi văn hóa văn học (literary culture).

Trong cái mà tôi đã đến việc định danh là một nền tâm linh hướng về Nữ thần (a Goddess - oriented spirituality) thái độ đối với thân thể thì đối nghịch với cái trong truyền thống Do thái - Kitô chủ lưu. Đất bụi, máu, tính dục, linh hồn, trái đất, cái chết, con vật không được phó cho việc phải vượt thoát; như là những thể hiện của cái thiêng liêng nội tại, bằng sự mở rộng chúng cũng là thiêng liêng. Những truyền thống của Kitô giáo, Phật giáo, và những tông giáo khác có thể bảo chúng ta một cách huyền bí rằng Thượng đế hiện diện trong vạn vật (“Tôi kín nước, tôi chẻ củi; đó là sự cầu nguyện của tôi,” đó là lời của nhà tu trong một trong những truyện ngắn tôi ưa thích nhất thuở đầu đời) nhưng khái niệm về Nữ thần thực sự cấu thành một sự hiện diện vật thể. Không chỉ là Nữ thần của thế giới, thế giới chính là sự hiển thị của bà. Mặc dù nam thần siêu việt và nữ thần nội tại là những mặt bổ túc của cùng một đồng tiền tâm linh con người, những ngân vang của họ khác nhau một cách nền tảng.

Trong thi pháp của nữ thần học (thealogy) đối lập với nam thần học (theology), những kết nối về hình dạng và căn cước bên trong và giữa các bài thơ không phải là những bối rối ngẫu nhiên, mà là những mối thân thuộc then chốt. Một điều là, giàn xương cốt dạng thức tạo ra sự mạch lạc ban cho tự thân cái công năng buông xả một căn cước đơn độc hướng về cái tôi (a single, ego-oriented identity) bên trong cái căn cước lớn hơn của một hình dạng có dạng thức. Vượt thoát không phải là cung cách duy nhất ra khỏi tự thân; còn có vài cung cách để lột da một linh hồn. Và sự kết nối cùng sự khác biệt giữa những hình thức và hình dạng của những bài thơ đa dạng, giống như sự đa dạng của các chủng loại, làm hiển lộ bản tính đa giá trị của cái thiêng liêng. Trong ngữ cảnh này, viết một bài thơ như một bài thơ cá thể được hình thành một cách riêng biệt, chỉ hợp nhất với những bài thơ khác trong tương quan với một sự vô thể trừu tượng đơn độc (a single abstract formlessness), hẳn là hi sinh sự kết thức của tính chuyên biệt và sự đa phức của những cấu trúc có dạng thức và hình thức cho cái lên thành một thứ chủ nghĩa độc thần trong thể thơ tự do (free - verse monotheism).

Trong văn hóa văn học đương đại, một truyền thống mạnh mẽ thi ca hình thức có dạng thức (a powerful patterned formal poetic tradition) vẫn còn được kết hợp mạnh mẽ với cái thế giới văn học bị nam giới thống ngự, tiền nữ quyền (the pre - feminist, male - dominated literary world) của thập niên 1950. Không chỉ là nhiều người theo chủ nghĩa nữ quyền ngần ngại viết những bài thơ hình thức (mặc dù điều này đã bắt đầu thay đổi với sự chuyển thiên niên kỉ); thường khi, những động cơ vặn vẹo hoặc phản động vẫn còn bị gán cho những người làm như vậy. Động cơ của riêng tôi khi viết theo hình thức là một sản phẩm của động cơ sáng tạo. Một hấp lực không thể kháng cự hướng về cái thân quen không thể tránh kéo tôi bằng sự nhất tâm không lời hướng về một cái gì xưa hơn là thi pháp phụ quyền (patriarchal poetics). Đây là điều tôi coi là “Tay Nghề” (the Craft), để dùng một từ ngữ xưa cho một sự hiến mình thể hiện đam mê tới nỗi nó đạt tới tầm vóc của một tông giáo trong sự phục vụ Nữ thần. Khi tôi đặt ra một khổ thơ, hiệp một vần, đặt thông một tiết điệu về câu chữ, tôi cảm thấy về mặt tâm linh được kết nối với những truyền thống vượt thời gian của những tay nghề khắp thế giới như là nghề thêu, nghề dệt, và nghề gốm. Tôi cảm thấy được kết nối không chỉ với những nghệ nhân Tiền - Raphael [nhóm hoạ sĩ nước Anh ở thế kỉ 19 đề xướng việc bắt chước nghệ thuật đơn sơ và chân thành, màu sáng, nét mạnh, chú ý chi tiết của các hoạ sĩ Italia trước thời hoạ sĩ Raphael để chống sự bóng bẩy và sướt mướt của nghệ thuật thời Nữ hoàng Victoria] hoặc những người chép sách thời trung cổ, mà còn với những người đan một tấm thảm Turki hoặc hoa tai Celt, bộc lộ niềm vui trung tâm của việc thờ phụng bằng trổ tay nghề làm một vật thể xứng đáng.

Những thi pháp của tâm linh nội tại quan tâm nhiều hơn tới tính bền vững (vốn bằng bản tính - trong cái nghĩa hữu cơ, nghĩa đen theo nghĩa của từ ngữ này - gợi ra sự kiên trì) hơn là với những khái niệm đương đại về tiến bộ. Như tôi sẽ định nghĩa nó “thi pháp nữ thần” (goddess poetics) cử hành và được tạo bằng cái chơi vui và cái vật thể. Tôi bị đưa dẫn đến lưu luyến trong vần thơ và điệp cách, tới vẻ huy hoàng trong những nghệ pháp gây ngạc nhiên của thân thể thi ca. Những nghệ pháp của hình thức này cung ứng một nguồn mạch cho sức mạnh tâm linh trong và bằng tự thân chúng. Điều lệnh tâm linh của lạc thú tự tại của hình thức, như tôi đã hiểu được nó, từ lâu đã kéo tôi về một thi pháp đối lập tự đặt cơ sở trong những đặc thù nội tại của cấu trúc thi ca: dạng thức, điệp cách, bùa mê, hấp lực, tụng ca:

LỄ TỤNG  

Từ nhạc tôi mang
mấy cái vây vàng đá
nhưng chúng chìm đi
qua những chỗ cạn ba hoa.
 
Từ tự nhiên tôi lượm
chút hi vọng hạt lúa
nhưng nó ven nghỉm đi
trong những chén đá chìm.
 
Vậy rồi tôi hỏi
xin chén và vây
xin một bàn tay
có thể lay chúng về
thành vây vượt cạn,
lượn, quanh;
tôi đoán một bàn tay,
có thể gom những chén mở ngỏ.
 
Khi tôi đã xin
người tôi đã đoán,
nàng đã gửi lời xin của tôi đi;
và rồi và nữa
 
nay nàng gửi nó về.
Rồi và nữa nó đáp lời tôi;
rồi và nữa nó đáp lời, như nàng ban nó,
trong tiếng vây và trong tiếng chén.

Xuất bản gốc nơi tạp chí Văn học Đại học Yale (Yale Lit), số Mùa hè năm 1978.
Nguyễn Tiến Văn dịch
Từ nguồn: http://libgen.info  
(SH290/04-13)





 

Các bài mới
Đêm Los Angeles (26/04/2013)
Tình khúc Huế (26/04/2013)