VŨ TRƯỜNG GIANG
Ở gần cửa chánh Tây, ngày ngày người ta nghe thấy những nhát đục rộn ràng, khắc khoải len vào trong từng vỉa gạch âm thầm qua năm tháng. Người ta có thể đón một bình minh với những tiếng đục khoan thai chào ngày mới hay một đêm thâu văng vẳng tiếng chạm trên những thớ gỗ vô hình lẩn sâu trong trí tưởng.
Ở đó, một nghệ nhân mộc Mỹ Xuyên an cư trên mảnh đất gần bờ thành, cặm cụi bao năm để tạc nên hàng nghìn bức tượng lớn nhỏ tinh xảo và giàu tính mỹ thuật. Đó là ông Lê Văn Xanh, một nghệ nhân mà thoạt nhìn, ta có cảm tưởng như đang đối diện với một vị đạo cốt tiên sinh râu tóc phấp phới.
Có thể đọc được trong đôi mắt sâu, đen tuyền hun hút mà rất đỗi tinh anh của người nghệ nhân ấy bản lĩnh và nghị lực phi thường cùng sự am tường, thông hiểu cả lẽ đời lẫn lẽ nghề. Dáng người tầm thước, ở độ tuổi 60 ông vẫn giữ phong độ của một tráng niên và ít ai biết rằng, ông cũng là một vị Lương y cứu mạng không ít người. Nhưng khi ông ngồi xuống chiếu, sải chân bên những thớ gỗ, người ta chỉ thấy sừng sững một nghệ nhân mộc mỹ nghệ Lê Văn Xanh hơn 40 năm trong nghề “Vai dạn lại lưng còng/ gỗ cười ra nước mắt”1 đã từng tạo hình hàng nghìn, hàng vạn bức tượng gỗ đủ mọi kích thước, hình thù, thể loại, và đào tạo hàng trăm học trò tiếp tục lập nghiệp, bám nghề.
Sinh năm 1954 và lớn lên trong thời buổi đầy biến động của cuộc chiến tranh mất mát, thời trai trẻ của nghệ nhân Lê Văn Xanh vật lộn với thế cuộc và cũng chính từ đó lại bén cái duyên với nghề mộc mỹ nghệ. Quê ông ở làng mộc Mỹ Xuyên, nơi phát tích nghề mộc được cho là bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỉ XIX. Theo người làng kể lại, người khai sinh ra nghề là ông Nguyễn Văn Thọ, một người gốc Thanh Hóa vào Huế lập nghiệp và se duyên cùng một người con gái họ Lê người làng Mỹ Xuyên. Sau đó, ông sinh sống tại làng và truyền nghề chạm khắc trên gỗ cho con cháu và người làng. Hơn 200 năm tồn tại cùng nghề, làng mộc Mỹ Xuyên đã có nhiều đóng góp xây dựng các công trình chạm khắc tinh xảo từ thời nhà Nguyễn cho đến tận hôm nay. Những hệ thống di tích kiến trúc gỗ ở Đại Nội, lăng tẩm, các nhà rường, đình chùa miếu mạo ở Huế và nhiều tỉnh thành... đều có dấu ấn bàn tay của người thợ mộc Mỹ Xuyên. Đó là một truyền thống quý báu của làng. Người xưa có câu “tác mộc vi tỉ, nhu mộc vi lỗi, lỗi nậu chi lợi, dĩ giáo thiên hạ, cái thủ chư Ích”. Nghĩa là: đẽo gỗ làm cái lưỡi cày, uốn gỗ làm cái cán cày, đem cái lợi của cái cày, cái bừa dạy cho thiên hạ, là lấy tượng quẻ Ích (Kinh dịch - Đạo của người quân tử). Có lẽ vì thế mà sự nghiệp ấy lâu bền chăng.
Nghệ nhân Lê Văn Xanh lại là con cháu dòng họ Lê Văn, một dòng họ lớn và đóng vai trò quan trọng trong quá trình lập làng Mỹ Xuyên và phát huy những giá trị của nghề mộc mỹ nghệ. Ngày nay, đến Mỹ Xuyên vẫn còn ngôi nhà thờ họ Lê Văn được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 34 (năm 1881) ở vị trí trung tâm của làng, mặt quay về hướng Nam, trên một gò đất đắc địa, cao và bằng phẳng. Nhà thờ họ Lê Văn là minh chứng cho tài nghệ của những thợ mộc mỹ nghệ bậc đầu của làng Mỹ Xuyên, được xây dựng, chạm khắc một cách công phu. Đây là một tác phẩm hội tụ và bảo lưu những tinh hoa truyền thống về nghề chạm khắc của làng Mỹ Xuyên vào cuối thế kỷ XIX.
Dù cả gia đình ba đời làm nghề mộc nhưng thuở thiếu thời Lê Văn Xanh vẫn nuôi ước mơ khác ngoài nghề truyền thống của gia tộc. Thế nhưng năm 1968, tình hình chiến sự Mậu Thân vô cùng căng thẳng, để trốn bị bắt quân dịch ông đã vào Thành Nội học việc tại xưởng mộc mỹ nghệ ở khu vực cống Vĩnh Lợi của ông nội là Lê Độ Luân. Học việc chỉ gần mới hai năm mà ông Lê Văn Xanh ngày đó đã thành thạo tay đục, làm được nhiều tượng đạt yêu cầu. Đến nỗi ông nội tin tưởng giao cho ông quản lí đám thợ thầy tại xưởng. Năm 1971, tình hình miền Nam có nhiều biến động, lại bắt quân dịch nên ông chuyển qua làm xưởng của ông Hoàng Văn Do, chủ một hãng lớn chuyên bán đồ mỹ nghệ của Huế thời đó tại đường Phan Đăng Lưu để ổn định công việc. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục bám nghề và dạy học trò ở tổ hợp điêu khắc Thuận Hòa, làm hàng xuất khẩu sang Ba Lan và Tiệp Khắc. Lúc bấy giờ, Lê Văn Xanh đã là tay thợ có tiếng trong nghề, nhờ vậy, khi một số hạng mục cung điện, đền miếu trong Đại Nội cần trùng tu, sửa chữa, ông đã được chọn trong đội thợ 6 người. Công việc chủ yếu là sửa sang lại các mái cung điện, trụ cột, tạo hình các con cù, trến với các hình tượng cung đình như rồng, giao long, lân, quy, phụng, tứ thời... Thời đó, công việc được trả lương cao, mỗi ngày 7 đồng (đủ mua 70 lon gạo). Sau đó là một quãng thời gian bám trụ và lăn lộn với nghề. Lúc ông khăn gói ra Hà Nội tái chế hàng xuất khẩu ở số nhà 32 đường Phạm Sư Mạnh một thời gian rồi lại vào Huế làm thợ tại xí nghiệp Lê Hữu Trí. Tại đây, vừa sản xuất, ông Lê Văn Xanh lại vừa dạy học trò. Năm 1993, khi hoạt động du lịch ở Huế bắt đầu sôi nổi, ông chuyển sang làm hàng lưu niệm phục vụ du lịch cho đến năm 2006 thì thành lập doanh nghiệp Mộc mỹ nghệ Tây Lộc tại địa chỉ 162 Tôn Thất Thiệp và hoạt động cho đến hôm nay.
Cuộc đời truân chuyên, lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc đã để lại cả một kho ký ức khổng lồ trong “quỹ sáng tạo” của nghệ nhân Lê Văn Xanh. Mẹ tôi là một tác phẩm để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp sáng tạo tượng mỹ nghệ của ông. Đó là bức tượng gỗ khắc họa cảnh hai mẹ con ngồi nghỉ bên một tảng đá sau khi người con trai khỏe mạnh cõng người mẹ mù qua suối. Hình ảnh này ông bắt gặp trong những năm tháng “ngậm ngải tìm trầm” ở núi rừng Nam Đông, trong lúc tình cờ dừng nghỉ ở bờ suối và thấy cảnh chàng trai Pa Cô cõng mẹ lội suối. Sau này, khi về lại với nghề, hình ảnh thấm đẫm tình người ấy chợt lung linh trong trí tưởng và Mẹ tôi đã ra đời như thế. Bức tượng khỏe khoắn, mềm mại với những đường gân thớ thịt y như người thật, mà trong sự sáng suốt nhất của lý trí người ta vẫn thấy rõ sự dẻo dai của người con hiếu thảo bên cạnh thân mẫu mù lòa. Người nghỉ tạm trên bờ đá, nước chảy róc rách lòng suối, có cảm giác như người nghệ nhân đem cả chút ấm áp của đại ngàn về thả giữa lòng phồn hoa đô hội. Bức tượng cho thấy độ chín muồi của cả nghề lẫn nghệ, có lẽ vì thế mà Ban tổ chức Triển lãm Hội chợ quốc tế 2005 đã chọn tác phẩm Mẹ tôi đứng tách hẳn giữa các tác phẩm khác ở khu trưng bày Giảng Võ (Hà Nội) và trao Huy chương vàng trong sự thán phục của bạn nghề khắp cả nước.
Ở tác phẩm Gốc cây bát tiên cửu long lại là một bức tượng đồ sộ và rất cầu kì chi tiết. Bức tượng tạc hình tám vị tiên với đủ tư thế uyển chuyển đang cưỡi trên một đám mây do 9 con rồng tạo thành với đe khổ rộng 1,2m2. Hán Chung Ly đánh cờ với Trương Quả Lão, Lã Động Tân đĩnh đạc nắm phất trần, Hà Tiên Cô thướt tha tà áo... và 9 chú rồng lượn trong mây cứ y như thể đang chở bát tiên về tụ đảo Bồng Lai.
Có lúc sự ngẫu hứng lại tạo nên những tác phẩm thú vị. Ví như, vào một ngày bất ngờ có một người đến nhà buông lời thô thiển. Ông chẳng nói chẳng rằng, chỉ ỉm im nhặt một mảnh gỗ trắc trong mười mấy phút tạc nên bức phù điêu Miệng thế gian để khỏa lấp khẩu nghiệp. Miệng thế gian khắc họa một cái miệng đang mở môi lộ răng như đang nói nặng lời, mà chỉ cần nhìn cái miệng không người xem có thể tưởng tượng cả bộ mặt xúc xiểm ở bên trên. Bức phù điêu chỉ dừng lại một chút đầu mũi cụt với lí lẽ “miệng mà không có lỗ mũi, không cần phải ngửi thì đâu còn sợ cuộc đời nữa”. Chính ngẫu hứng tượng đã làm nên nhiều dấu ấn trong quá trình sáng tạo của người nghệ nhân.
Ở một sự thể hiện khác, tác phẩm Vô đề là một thể nghiệm mới, kết hợp nhiều giá trị biểu tượng. Trên một thân gỗ tròn, có hình như một chóp tháp, nhiều mẫu hình được khắc nên. Đó là một nửa khuôn mặt Phật, búp sen, bàn chân, búi đầu Lạc Việt, cái miệng đang nói... Tất cả hài hòa như những bộ phận trong một ngọn núi mà đỉnh chính là búp sen. Tác phẩm không đặt tên mà tùy thuộc vào cảm nghiệm của người thưởng thức, khi ấy cả một khối không đề lừng lững trước mắt ta vun lên thành một ngọn núi trong bóng thời gian.
Nhưng trên tất cả, nghệ nhân Lê Văn Xanh dành nhiều tâm huyết cho việc tạc những bức tượng Phật bởi ông là người học đạo, một mực hiếu kính với những bậc “chánh đẳng, chánh giác”. Những tượng Phật tổ, Phật Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, Đạt ma Sư tổ... là những tác phẩm được đầu tư khá nhiều công sức. Ông từng cúng dường tượng thờ cho một số chùa ở Huế và nếu có đặt hàng thì cũng lấy giá công đức cho quý chùa. Sự sáng tạo của người nghệ nhân với đề tài này nổi bật là tác phẩm Phật Bà tòa sen, một tác phẩm vào chung khảo cuộc thi hàng thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2006. Bức tượng rất công phu, thể hiện hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm đứng trên một tòa sen 3 tầng vừa trang nghiêm, thanh tịnh, phảng phất sự thanh thoát, an lành của vị Bồ tát “cứu khổ cứu nạn”. Làm những sản phẩm tượng mang tính tâm linh, người thợ phải gửi sự thành kính của mình vào trong tác phẩm, bởi thế các hảo tướng trang nghiêm, thoát tục của tượng thờ cũng chính là cái tâm của người thợ.
Thông thường, tượng được làm từ các loại gỗ nguyên liệu như gỗ mứt, xà cừ, sầu đông, nhãn, mít... nếu sang thì dùng các loại gỗ rừng bền như trắc, gụ... Trong đó, gỗ mít là thứ gỗ thường dùng để làm các tượng thờ bởi màu sắc đặc trưng, có độ bền và hương thơm. Theo phong thủy xưa, gỗ thuộc hành Mộc, biểu tượng của mùa xuân, cũng là biểu hiện sáng tạo, nuôi dưỡng và nảy nở, tượng trưng cho sự năng động. Mộc lại chủ về Nhân nên rất phù hợp với con người. Hành Mộc thường được sử dụng để điều tiết luồng khí ồ ạt vào nhà, giúp điều hòa khí lan tỏa khắp nơi. Chính vì thế, sở hữu được một bức tượng gỗ dù để trưng bày hay thờ tự cũng làm cho căn nhà trở nên ấm cúng, sinh động. Ngày nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ được ưa chuộng, tuy nhiên để làm ra một tác phẩm thực thụ phải trải qua nhiều công đoạn.
Theo nghệ nhân, mỗi bức tượng hoàn thành phải trải qua ba khâu chính đó là khâu ra tượng, tạc tượng và làm nguội tượng. Khâu ra tượng sử dụng chủ yếu kĩ thuật đục để phác thảo sơ bộ hình dung tượng. Khâu này quyết định hình khối và tỉ lệ tượng. Khâu khó nhất và công phu nhất là khâu tạc tượng với kĩ thuật đục, gọt tượng thể hiện độ chín của tay nghề. Đây là giai đoạn mất nhiều công phu để tạo nên một bức tượng. Khâu làm nguội là khâu cuối cùng để cho ra sản phẩm với độ trơn nhẵn cần thiết. Ngoài ra, đa phần các tượng phải trải qua khâu phụ đánh bóng. Xưa kĩ thuật đánh bóng dùng các chất liệu truyền thống như cây sơn, sau này thì đánh xira giày và nay thì kĩ thuật sơn PU làm bóng được ưa chuộng.
Nghệ nhân Lê Văn Xanh quan niệm, đã làm nghề thì phải có tác phẩm để lại cho đời, mà muốn để lại cho đời không gì hơn là người thợ, nghệ nhân phải tận hiến với nghề, lục lọi, tìm tòi để tạo sinh ra những ý tưởng độc đáo cho những tác phẩm độc nhất vô nhị. Với nghề đục tượng gỗ, ông có những tiêu chí riêng mà trước hết là phải đảm bảo cái đúng của tác phẩm. Bởi sự đúng - sai sẽ phân định được tay nghề người thợ ở cấp độ nào. Mà cái đúng trước tiên là đúng tư thế, có tư thế đúng mới có tượng đúng, tư thế sai thì tượng sai, xem như là một tác phẩm lỗi, bỏ đi. Tiếp đến đó là sự đúng tỉ lệ của khuôn hình tượng. Người xưa dùng thước Lỗ Ban để định vị sự tương hợp phong thủy với các tỉ lệ được chú ý như tỉ lệ giữa các phần đầu, thân, chân; tỉ lệ vùng mặt, khoảng cách bố trí các bộ phận của tượng... sao cho ứng vào các trực lành. Người lâu năm trong nghề chỉ nhìn qua tỉ lệ của vùng đầu, tay, chân của tượng đã nhận định đạt hay chưa đạt yêu cầu. Ngày nay, phương pháp Le Cobusier để xác định tỉ lệ vàng cũng được sử dụng trong tạc tượng theo đánh giá chuyên nghiệp và thước Lỗ Ban vẫn được người thợ mộc mỹ nghệ tin dùng. Nhưng với sự từng trải và am tường kĩ thuật nghề, nghệ nhân Lê Văn Xanh nhận định: “Lấy sách vở mà đo thì hay nhưng lấy lòng người mà đo thì chưa chắc đã chuẩn”.
Một bức tượng có thể đúng nhưng vẫn chưa đạt giá trị thẩm mỹ. Bởi vậy, nghề tạc tượng mỹ nghệ còn phải hướng đến giá trị khác mà không phải ai cũng làm được, đó là thổi một cái hồn sống cho tượng gỗ. Nghệ nhân Lê Văn Xanh quan niệm, bức tượng có hiệu ứng thẫm mỹ phải là bức tượng sống, như một con người thật, tồn tại với một linh hồn riêng, khiến người xem trực nhận được sự hiện hữu của nó. Nhưng thổi hồn cho một tượng gỗ là việc cực kì khó bởi nếu không yêu nghề, không vận dụng trí lực và sự tài hoa vào mỗi nhát đục, gọt thì chỉ tạo ra những bức tượng khuôn mẫu, cứng nhắc.
Với ông, bí quyết để thành công trong nghề không gì hơn là sự học hỏi, mắt thấy tai nghe mà bắt tay vào công việc. Quan sát tốt thì học tốt, mà học tốt thì phải làm tốt. Tiếp đến là năng lực tưởng tượng, điều làm nên sự khác biệt của những người thợ. Ai năng lực tưởng tượng tốt thì nhát đục sẽ cứng, chính xác và quan trọng là nảy sinh ý tưởng sáng tạo. Và chính sự sáng tạo là đòn bẩy đưa một người thợ lành nghề thành một nghệ nhân giàu ý tưởng công việc. Do vậy, nghề chạm khắc tượng gỗ là sự kết hợp nhuần nhị giữa nghề và nghệ. Tay nghề trước hết phải vững, rồi mới tính đến chuyện nghệ thuật. Bởi gỗ không vô tri, chỉ những người thật sự biết bầu bạn cùng gỗ mới biến gỗ thành một phương tiện dụng ngôn đầy ý tưởng.
Nghệ nhân Lê Văn Xanh được anh em bạn nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên “phong” cho biệt danh là “Hình dung tạc tượng”, nghĩa là chỉ nhìn vào gỗ nguyên liệu đã thấy bức tượng hoàn chỉnh nằm ở đó rồi. “Mắt nghề” bao năm đã vun bồi năng lực ấy, và đến nay, chỉ một cái nhìn và vài nhát đục phác thảo của ông, mọi tỉ lệ cần thiết của bức tượng đã chỉn chu, chính xác.
Vượt lên trên tài năng của nghề, nghệ nhân Lê Văn Xanh quan niệm “nghề cũng cần có cái đạo của nghề”. Nghề có đạo đức mới là nghề bền vững, bỏ qua đạo đức là sự chân thật và mẫu mực thì đó là những kẻ phá nghề. Bởi nghề chạm khắc tượng không đơn giản là việc bỏ công lấy tiền mà còn thể hiện tâm hồn thanh khiết của người thợ. Chỉ cần nghề giỏi thì rất dễ kiếm tiền, nhưng ham làm tiền thì sẽ đánh mất mình lúc nào không biết. Tuy nhiên, một thực trạng được cho phép đó là tùy theo mức giá trị của từng tượng mà người đặt yêu cầu thì sẽ cho ra đời những tác phẩm phù hợp mức giá. Bởi vậy, có tiêu chí dùng giá để phân định tay nghề thật giả.
Hơn 2/3 cuộc đời gắn bó với nghề, Nghệ nhân Lê Văn Xanh đã vinh dự được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Nghệ nhân quốc gia, Danh hiệu Bàn tay vàng (2006) của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam, Nghệ nhân Thừa Thiên Huế (2007),... cùng hàng chục giải thưởng ở các cuộc thi sản phẩm nghề trong nước và quốc tế. Xưởng mộc mỹ nghệ của ông bao nhiêu năm qua đã đào tạo hàng trăm học trò, họ luôn tự sống được với nghề ở khắp bốn phương trời. Có những người thành công mở xưởng ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Lào, Campuchia... và các tỉnh thành trong nước như Tp. Hồ Chí Minh, Long Xuyên, Đắk Lắk... Mỗi năm cơ sở của ông vẫn tiếp tục đào tạo nghề từ 5 - 20 học viên. Đặc biệt, có những lớp là con em vạn đò hoàn cảnh hết sức khó khăn, ông bao tiêu trọn gói cho các em học nghề và nhiều em đã thành công, sống vững vàng với nghề chạm khắc gỗ. Điều đáng nói là từ khi mở xưởng đến giờ, chưa khi nào ông được hỗ trợ vay vốn của Nhà nước để sản xuất mà chỉ tự thân vận động, vay mượn để duy trì hoạt động cho xưởng mộc rộng chưa tới 100 m2. Nhưng lòng yêu nghề, đam mê sáng tạo và giúp đỡ người khác là ngọn lửa luôn cháy sáng để soi rọi những ngày tháng gian nan, thử thách.
Những thành công của nghề cũng như sự thành đạt của học trò và đặc biệt là sự kế nghiệp truyền thống gia đình của người con trai Lê Thanh Hiếu là một trong những động lực rất lớn đối với nghệ nhân Lê Văn Xanh. Anh tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Huế, được cha truyền nghề và hiện đang tiếp quản xưởng mộc mỹ nghệ của gia đình. Nhưng dù đi đâu, làm gì, người con làng Mỹ Xuyên vẫn gửi gắm những tình cảm thiêng liêng của mình dành cho nơi chôn nhau cắt rốn. Nghệ nhân cho biết, hiện ông đang làm hồ sơ phong tặng danh hiệu làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên để Nhà nước công nhận; đây cũng là cơ hội quảng bá hơn nữa các sản phẩm của làng nghề có tiếng ở Huế, làm nên thương hiệu chuyên nghiệp trên thị trường.
Những buổi chiều Thành Nội êm ả trôi đi kéo theo những tiếng đục khắc đã trên đó những vệt thời gian sống mòn cùng tháng năm dâu bể. Và người nghệ nhân trầm ngâm trong làn khói hương kinh kì mà cảm cái mối lương duyên:
Cuộc sống cay, đắng, chát
Cũng xen lẫn ngày vui
Khi hội làng múa hát
Gỗ bừng muôn thớ tươi
(Huy Cận)
Âu cũng là một dấu son giữa nhân gian còn đó những hoài hoải kiếp người.
V.T.G
(SH290/04-13)
..........................................
1 Thơ Huy Cận