Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-13)
Giữ lửa khát vọng
08:48 | 26/04/2013

AN ĐÔNG
      Chào Festival Nghề truyền thống Huế lần V

Vậy là Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ V sắp diễn ra. Không thể so sánh với các kỳ Festival Huế được tổ chức vào các năm chẵn về quy mô cũng như sự đa dạng, nhưng Festival Nghề truyền thống đã góp vào dòng chảy của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một bản sắc rất độc đáo với tất cả sự ngưỡng vọng và tôn vinh những giá trị đặc sắc hun đúc từ nền văn minh lúa nước đã có từ cách đây hơn 4000 năm.

Giữ lửa khát vọng

Với ý nghĩa đó, Festival Nghề truyền thống đã được tổ chức và đã trở thành một “thương hiệu” rất riêng và có sức thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền về vùng đất Cố đô. Festival Nghề truyền thống Huế đã góp phần cùng với Festival Huế để xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu…

Năm 2005, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ I đã chính thức khai mạc trong sự háo hức đón nhận của du khách và người dân Huế. Háo hức là vì lần đầu tiên đã có một Festival chuyên đề được quảng bá, được tổ chức trong một không gian rất thơ mộng: không gian Huế, với những đền đài lăng tẩm hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên hết sức hữu tình. Lần đầu tiên ấy, Ban tổ chức đã chọn nghề thêu và chằm nón để giới thiệu và tôn vinh. Và có lẽ những người trong Ban tổ chức cũng là những người “lên ruột” nhất, bởi vì nếu “cuộc chơi” này thất bại, hay nói cách khác, Festival không thành công, sẽ lấy gì đảm bảo có thể tổ chức được lần sau? Vậy mà rồi những chương trình nghệ thuật đặc sắc, những lễ hội tôn vinh nghề, những không gian thao diễn nghề của những người thợ, những nghệ nhân… như có một sức thu hút mê hồn đối với mọi người. Từ “đến để xem cho biết” dần dần đã chuyển thành nỗi ngạc nhiên và những tiếng trầm trồ thán phục trước những đôi bàn tay tài hoa, những sản phẩm độc đáo. Đến lễ hội, mọi người được tận mắt chứng kiến sự thăng hoa của những cảm xúc trong tranh thêu của gia đình nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh; bộ sưu tập trang phục cung đình, nón sơn từ thế kỷ XIX của nhà nghiên cứu, phục chế trang phục cung đình Trịnh Bách; bộ sưu tập áo dài thêu với họa tiết vô cùng sang trọng, quý phái nhưng cũng rất duyên dáng của 2 nhà thiết kế Minh Hạnh - Vũ Thu Giang… cùng hàng trăm tác phẩm tranh thêu, nón lá… tiêu biểu của các vùng miền.

Bên cạnh đó, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ I cũng đã tạo được sự cộng hưởng từ giới văn nghệ sĩ. Nhiều cuộc triển lãm diễn ra, đáng chú ý nhất là tác phẩm sắp đặt “Dưới giàn thiên lý” của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh và Lê Thừa Tiến, gồm 1.000 bộ chuông gió bằng nón và chiếc nón khổng lồ được kết từ 460 chiếc nón đã khiến người dân, du khách ngẩn ngơ và thán phục.

Có thể nói Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ I đã thành công tốt đẹp và đó cũng là lúc Ban tổ chức “thở phào nhẹ nhỏm”. Tất nhiên, trong quá trình tổ chức, không thể không có những “hạt sạn nhỏ” như: sự phối hợp giữa các đơn vị tổ chức còn chưa đồng bộ, công tác bảo đảm an toàn cho các tác phẩm trưng bày ngoài trời còn chưa được đảm bảo tuyệt đối, tình trạng mua bán chèo kéo du khách… Thế nhưng, cái “được” lớn nhất của Festival này chính là đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận cao để tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm tổ chức các kỳ Festival chuyên đề lần sau.

…Đến sự chuyên nghiệp

Nối tiếp thành công của Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ I, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ II được tổ chức từ ngày 8-10/6 năm 2007, với chủ đề “320 năm Phú Xuân Huế, nghề truyền thống - bản sắc và phát triển’’ đã quy tụ hơn 200 nghệ nhân, những bàn tay vàng của 3 nghề truyền thống: đúc đồng, chạm khắc và kim hoàn của 13 làng nghề nổi tiếng đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ III diễn ra từ ngày 12/6 - 14/6/2009 với chủ đề “Nghề truyền thống Huế - Bản sắc và phát triển”. Các nghề truyền thống được tôn vinh lần này gồm nghề gốm, pháp lam và sơn mài. Nghệ nhân và các làng nghề được tôn vinh trong một không gian trữ tình, khoáng đãng bên bờ sông Hương, với hệ thống nhà rường và cảnh sắc đậm đà nét Huế. 150 nghệ nhân đến từ 15 làng nghề truyền thống nổi tiếng của đất nước: Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Hạ Thái, Phước Tích, Thanh Hà, Châu Ổ, La Tháp, Bầu Trúc, Gọ, Tương Bình Hiệp, Thuận An, Thủ Dầu Một… đã trưng bày sản phẩm, giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề và làng nghề…

Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ IV - 2011 với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế” được khai mạc vào tối 30/4 và bế mạc vào tối 3/5/2011, tôn vinh nghề ẩm thực và cây cảnh. Festival được tổ chức theo ba khu vực tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội và bên bờ sông Hương. Về ẩm thực, góp mặt tại Festival lần này là các không gian “Ẩm thực Đất phương Nam”; “Không gian ẩm thực Bắc Bộ”; “Ẩm thực Huế”; “Ẩm thực cung đình” và “Ẩm thực dân gian”. Bên cạnh không gian văn hóa ẩm thực, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ IV-2011 còn là nơi giới thiệu các loại cây cảnh trên khắp các vùng miền trong cả nước với sự tham gia của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, các Hội sinh vật cảnh và nghệ nhân của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Dương, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế…

Và đến hẹn lại lên, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 5 năm 2013 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, được tổ chức tại Tp. Huế từ ngày 27/4 đến 1/5/2013. Festival nghề chủ đề lần này sẽ tôn vinh một lúc nhiều nghề, chủ yếu ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ truyền thống, hứa hẹn góp phần thúc đẩy phát triển nghề và làng nghề với phát triển du lịch với nhiều hoạt động bất ngờ, kỳ thú thu hút du khách và người dân địa phương.

Các nghệ nhân và làng nghề của Huế như gốm sứ, thêu, mộc, đúc đồng, mây tre, sơn mài, pháp lam… sẽ sánh đôi với các “bàn tay vàng” ở các làng nghề Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Nam Định, Ninh Thuận, Bình Dương…

Có thể khẳng định, càng ngày Festival Nghề Truyền thống Huế càng trở thành một “thương hiệu” đi song song với các kỳ Festival Huế. Sức lôi cuốn của nó ngày càng mạnh mẽ. Một thành công khác của Festival chuyên đề là ngoài việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, đây còn là cơ hội cho những nghề, những làng nghề có điều kiện phục hồi và phát triển như nghề diều Huế, hoa giấy Thanh Tiên, các mặt hàng pháp lam mỹ nghệ, các tác phẩm mỹ thuật trên chất liệu pháp lam phối hợp hài hoà với chất liệu sơn mài, làng nón Đốc Sơ - Hương Sơ...

Tuy vậy, không khó để nhận ra rằng sau mỗi mùa Festival, Huế lại gần như trở về với cái tĩnh lặng vốn có của nó. Có người nói vui rằng nếu cứ năm lẻ tổ chức như thế này thì năm hay bảy năm nữa Huế tìm đâu ra nghề để tổ chức Festival? Một câu nói đùa nhưng cũng khiến nhiều người băn khoăn. Mục đích cuối cùng mà Festival Nghề truyền thống muốn đạt được là có thêm nhiều sản phẩm để phục vụ cho khách du lịch. Song đã bốn mùa lễ hội đi qua mà hiệu quả của nó chưa được như mong đợi. Đó là cái khó mà Huế đang gặp phải, khi bản thân nhiều làng nghề vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Và câu trả lời thì vẫn chờ trách nhiệm của các cấp các ngành của tỉnh và Tp. Huế.

A.Đ
(SDB8/3-13)







 

Các bài mới
Bàn tay (07/05/2013)