Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-13)
Âm ba nghề cổ Cố đô
21:24 | 29/04/2013

SỬ KHUẤT

Có thể nói, những sản phẩm thủ công truyền thống gắn với các làng nghề là một trong những dấu ấn văn hóa của Huế, góp phần sáng tạo nên những di sản Huế cả về phương diện vật thể và phi vật thể.

Âm ba nghề cổ Cố đô

Đến nay, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống ít nhiều mai một, nhưng những thời khắc huy hoàng vẫn còn đọng lại đây đó trên vùng non nước Hương Bình.

“Đất lành” của những làng nghề thủ công truyền thống

Làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình lịch sử khai phá, mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn, nhất là sau khi các chúa Nguyễn chọn Phú Xuân làm thủ phủ xứ Đàng Trong, rồi vua Nguyễn chọn nơi đây làm kinh đô của nước Việt Nam. Nghề truyền thống của Huế đã làm giàu cho vùng đất này. Bởi vậy, cách đây hơn 2 thế kỉ, khi vào xứ Thuận Hóa theo bước chân của quân Trịnh nam tiến, nhà bác học Lê Quý Đôn đã phải thốt lên: “Xứ Thuận Hóa công sở và tư gia đều giầu có, đồ ăn mặc và đồ dùng đều xa hoa. Những người có chức vị ở dân làng cũng mặc áo đoạn vẽ kiểu bát ty và áo lương, áo sa, áo địa đều là áo mặc thường. Ngay đến binh sĩ cũng ngồi chiếu mây, dựa gối xếp, ấp lò hương cổ, uống nước trà ngon, chén sứ bịt bạc, ống súc bằng thau... Đàn bà con gái vận áo sa, áo lụa đỏ, thêu hoa ở cổ áo” (Phủ biên tạp lục). Ông còn thống kê xứ này có 35 làng nghề thủ công và làng nghề. Đó là cảnh thái bình sung túc, một khung cảnh được tạo nên từ những sản phẩm thủ công truyền thống thời đó để cung cấp những nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cho sinh hoạt.

Từ vai trò thủ phủ của xứ Đàng Trong (thời chúa Nguyễn), sau đó là kinh đô của quốc gia phong kiến thời cận đại (triều Nguyễn), nhiều nghệ nhân và ngành nghề nổi tiếng khắp nước đã quy tụ về đây theo lệnh trưng tập của chính quyền trung ương. Do đó, Huế trở thành một trung tâm thủ công nghiệp quan trọng, cung ứng sản phẩm cao cấp cho triều đình, cho các tầng lớp thượng lưu và một số mặt hàng dân gian…

Theo thống kê, đến thế kỉ XIX, kinh đô Huế có khoảng 95 tượng cục với hàng nghìn thợ giỏi ở nhiều ngành nghề khác nhau. Thời Minh Mạng có tới 7277 thợ làm việc ở các tượng cục. Dưới thời Đồng Khánh khi triều đình Nguyễn mất đi quyền tự chủ thì Huế vẫn có 1682 thợ làm việc trong 67 tượng cục do Bộ Công và Nha Thông Bảo quản lí1.

Ở Huế, nghề thủ công có những đặc điểm rất đặc biệt. Đó là hình thức các làng nghề (gốm Phước Tích, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, rèn Thanh Lương...), nhóm nghề (đúc đồng ở Phường Đúc, mây tre đan Quảng Điền), phố nghề (nghề thêu ở Phan Đăng Lưu, Lê Lợi...), xóm nghề (nghề mộc và chạm khảm Thuận Hòa, vàng mã Phú Cát, Phú Hiệp...). Qua đó đã có sự gắn kết của nhiều nghề thủ công với đời sống, nhu cầu của tầng lớp từ dân gian cho đến cung đình.

Sau này, khi vai trò lịch sử của Huế không còn nữa, nhiều thợ thủ công đã quay về cố hương và làm mai một nhiều ngành nghề quan trọng. Bên cạnh đó, do sự phát triển của thời đại tiêu dùng, những mặt hàng thủ công không còn hợp với cuộc sống hiện đại nên đã dần “chìm vào quên lãng”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngành nghề thủ công truyền thống đã bén rễ sâu và có mạch sống vững bền cho đến tận hôm nay.

Làng nghề truyền thống Huế trên bước đường hội nhập

Trong quá trình phát triển đó, các làng nghề ở Thừa Thiên Huế đã trải qua nhiều bước thăng trầm, gắn liền với những biến động của lịch sử. Tính đến nay, Thừa Thiên Huế hiện có 88 làng nghề trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề TTCN và 11 làng nghề mới du nhập với khoảng 32 nghề và nhóm nghề. Toàn tỉnh hiện có 21 nghệ nhân cấp tỉnh. Về cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống hiện có hơn 1.600 thu hút trên 6.500 lao động, tổng giá trị sản xuất đạt 156 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 6,2 triệu USD2.

Một điều đáng mừng là hiện nay, nhiều ngành nghề truyền thống Huế có một lớp nghệ nhân tay nghề cao, đóng góp nhiều đến quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị của nghề thủ công truyền thống. Có thể kể đến như nghề đúc đồng có nghệ nhân Nguyễn Văn Sính (Phường Đúc), nghề thêu ren có nghệ nhân Lê Văn Kinh (hiệu thêu Đức Thành, Huế), nghề làm nón có nghệ nhân Thái Đô ở Mỹ Lam (Phú Vang), nghề mộc mỹ nghệ có nghệ nhân Lê Văn Xanh (Tây Lộc), nghệ nhân Lê Hoành Khánh, nghệ nhân Ngô Đức Phi (Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền), nghề đan lát có nghệ nhân Thái Phi Hùng, Võ Chức ở Hợp tác xã mây tre đan lát Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền); nghề làm tranh làng Sình có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang)... trong đó nhiều nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian...

Một số làng nghề và ngành nghề truyền thống đã được bảo tồn như gốm Phước Tích, tranh ảnh làng Sình,... một số làng nghề đã được khôi phục và phát triển khá như: đúc đồng (Phường Đúc), mộc mỹ nghệ (Mỹ Xuyên, Xước Dũ), nước nắm Phú Thuận, đệm bàng Phò Trạch, hoa giấy Thanh Tiên, đan lát Bao La, nón Thủy Thanh, Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây,..

Rõ ràng, các làng nghề thủ công truyền thống đã thu hút một lực lượng lớn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, những sản phẩm của nghề truyền thống phần nào đã lưu giữ lại những bản sắc, dấu ấn của vùng văn hóa Huế, thể hiện sự khéo léo, tài hoa và óc sáng tạo của những cư dân vùng đất giàu truyền thống.

Một thời gian, nhiều ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống rơi vào đình trệ, đứng bên bờ vực bị mai một, biến mất từ những năm 90. Sau khi quần thể di tích Cố đô Huế được ghi tên vào Danh mục Di sản Văn hóa thế giới (1993), công tác trùng tu di tích được đẩy mạnh. Đây là môi trường thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển các ngành thủ công truyền thống. Bởi trong quá trình xây dựng, bảo trì, trùng tu các công trình kiến trúc truyền thống thời quá khứ cũng như hiện tại đòi hỏi sự tham gia của nhiều nghề thủ công truyền thống.

Đặc biệt, với vị thế là một trong những trung tâm du lịch quan trọng của quốc gia; là thành phố Festival của cả nước, sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống Huế có một vị trí quan trọng để tạo nên tính hấp dẫn và ấn tượng đối với khách cũng như sự mở rộng giao lưu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Những sản phẩm thủ công truyền thống Huế thường tinh xảo, đẹp mắt và mang đậm tính thương hiệu Huế. Điển hình là nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Sịa... Chính vì thế nón lá nổi tiếng Huế không còn là sản phẩm hàng hóa đơn thuần, mà thực sự đã trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc. Nón Huế mang những đặc trưng không phải vùng nào cũng có và đây cũng là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào tháng 8/2010.

Trong tình hình hiện nay vị trí của nhiều mặt hàng thủ công đã có sự hồi sinh và cải biến rất hợp lí. Có thể nêu ra ví dụ nghề hoa giấy Thanh Tiên (Phú Mậu, Phú Vang). Đây là nghề có danh mục thống kê của các nghề thủ công từ thế kỷ XVI - XIX trong Đại Nam nhất thống chí. Sau nửa thế kỷ thất truyền, giờ đây, nghề gấp hoa sen giấy đã hồi sinh. Đến làng Thanh Tiên ngày nay, du khách có thể bắt gặp đóa sen hồng bằng giấy, tinh xảo như thật. Đây là một sự sáng tạo của các nghệ nhân gấp giấy, trong đó phải kể đến công đầu của nghệ nhân - họa sĩ Thân Văn Huy, khiến nghề truyền thống không bị mai một mà còn phát triển... Điều đó thật có ý nghĩa khi vào thời điểm này, hoa sen đã trở thành “ứng viên” cho danh hiệu “Quốc hoa” Việt Nam.

Đứng trước nhu cầu của thị trường, nhiều làng nghề đã nghĩ ra những phương kế thích nghi để tồn tại, tiêu biểu như sự chuyển mình của làng nghề đan lát Bao La (Quảng Phú, Quảng Điền). Đây vốn là một làng quê nổi tiếng với nghề đan lát sản phẩm tre, là nơi cung cấp chủ yếu sản phẩm gia dụng bằng tre của dân Thừa Thiên Huế. Nhưng từ sau 1985, sản phẩm nhựa từ các thành phố lớn tràn ngập nông thôn, đã chiếm lĩnh thị trường, làm thu hẹp nghề đan lát Bao La. Trong định hướng khôi phục ngành nghề truyền thống, các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đan lát các sản phẩm mới, thích hợp với nhu cầu thị hiếu xã hội như chụp đèn, các loại giá treo đèn trang trí, đồ lưu niệm, lẵng hoa, lẵng trang trí, … Dân nghề đan lát Bao La đang nỗ lực tiếp cận kỹ thuật mới, để làm cho làng nghề tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó một số nghề, sản phẩm nghề được phục hồi như gốm Phước Tích, pháp lam... là những tín hiệu vui cho nghề thủ công truyền thống Huế. Mặt khác, sự quan tâm, khuyến khích phát triển của chính quyền địa phương với các cơ sở sản xuất, giới thiệu sản phẩm, các hoạt động du lịch, các kỳ Festival Nghề cũng góp phần bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Và những thách thức

Tuy nhiên, mỗi nghề và làng nghề thủ công truyền thống Huế đang đứng trước những khó khăn và thách thức riêng đòi hỏi sự linh hoạt, ứng biến để có những bước phát triển phù hợp.

So với những sản phẩm đã từng được sản xuất trên đất Huế thì hiện nay đã vắng bóng phần lớn. Trong đó có những ngành nghề thất truyền từ lâu.

Ví như làng gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) xuất hiện từ giữa thế kỷ XVI, bị lụi tàn từ những năm 90 do sự phát triển mạnh mẽ của đồ nhựa cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Khoảng từ 1989 - 1995, nghề gốm Phước Tích phát triển chậm. Sau Festival Huế 2006, 2008, nghề gốm làng dần phục hồi với sự hỗ trợ của Cộng đồng Pháp ngữ vùng Walomine – Bỉ phối hợp với Viện Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam. Đặc biệt, năm 2011 tổ chức Jica (Nhật Bản) hỗ trợ phục dựng sản xuất gốm truyền thống; đến nay vẫn chỉ có một lò nung đang hoạt động, chủ yếu là “mục sở thị” cho hoạt động du lịch.

Những lão nghệ nhân, vừa là chứng nhân lẫn chủ nhân của nhiều sản phẩm cần phục hồi, ngày càng vắng bóng. Do đó, các ngành nghề thủ công truyền thống Huế ít nhiều đã mất đi hầu hết những con người cũng như kỹ thuật để đáp ứng kỳ vọng về chất lượng sản phẩm theo tiêu chí xưa. Theo đó, “cái hồn dân gian” ít nhiều đã bị phai mờ, thậm chí mất đi và thay vào đó là bóng dáng của những công nghệ tân thời. Hay nói khác đi, theo chúng tôi hình thức thì giữ lại, nhưng bản chất đã bị đổi thay. Chẳng hạn, tranh làng Sình (xã Phú Mậu, Phú Vang) với sự tồn tại cách đây trên dưới 300 năm, đã nổi tiếng sánh cùng các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống ngoài Bắc. Sau một thời có nguy có thất truyền, nay đang được hồi sinh nhưng lại “thích nghi” theo hướng hiện đại. Hiện tại, người làm tranh làng Sình phục hồi các bản mộc để in tranh truyền thống. Điều đáng nói là giấy dó để làm tranh truyền thống được thay bằng loại giấy công nghiệp, màu cũng được thay bằng màu công nghiệp bán trên thị trường. Chính vì thế mà giá thành cho mỗi bức tranh cũng giảm đi đáng kể. Giờ đây người làm tranh truyền thống làng Sình mỗi ngày có thể in trên bản mộc theo kiểu in tân thời hàng nghìn bức mỗi ngày. Điều này lại đánh mất đi cái hồn của tranh làng Sình, tính thủ công của nghề, mất đi cái màu họa đồ thủ công của người thợ. Hiện cả làng chỉ có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là vẫn còn trung thành với kiểu sản xuất thủ công truyền thống, người luôn đau đáu cho những sản phẩm đổi thay tân thời.

Một số ngành nghề thủ công tiêu biểu hiện nay như đúc, thêu, chạm khảm, tranh dân gian… không nổi trội so với mặt bằng toàn quốc vì thế tính cạnh tranh chưa cao. Nghề đúc đồng ở Huế vẫn nổi tiếng là thương hiệu một thời, đã cống hiến những công trình nghệ thuật sống mãi với thời gian. Sản phẩm chủ yếu hiện nay là chuông tượng, còn đồ mỹ nghệ thì đã giảm do mức tiêu thụ yếu. Chính những chủ lò cũng thừa nhận, khách các nơi, đặc biệt là người nước ngoài quý trọng chu trình làm thủ công các lò đúc đồng ở Huế, còn độ tinh xảo thì không bằng sản phẩm làm từ máy ở những nơi khác. Nghề đúc đồng còn phải đối mặt với tình trạng khó truyền nghề vì rất khó học, đơn cử như việc đúc chuông không phải ai đúc cũng phát ra tiếng chuông hay. Nghề thêu cũng đứng trước tình trạng tương tự khi chịu sự lấn lướt, xô bồ của công nghệ thêu công nghiệp.

Trước đây, nghề và làng nghề thủ công truyền thống ở Huế thường mang tính chất cộng đồng, tập trung tại làng, phường nghề... nhưng nay ít nhiều đã tản mát, phân tán. Mặt khác, sự hoạt động trên phạm vi thị trường hẹp, chất lượng, mẫu mã của các sản phẩm còn hạn chế, chưa thống nhất để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nên các thương hiệu sản phẩm làng nghề vẫn chưa được biết đến.

Một hiện trạng khác là nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tồn tại dưới dạng ít gắn bó và đề cao tính thương hiệu. Nguyên nhân chính là do sự nhận thức chưa đầy đủ về thương hiệu, về vai trò và tầm quan trọng của thương hiệu trong việc nâng cao vị thế cạnh tranh của các sản phẩm làng nghề cũng như sự thiếu đầu tư về thời gian, tài chính, nhân lực cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Để có sự phát triển xứng đáng với tiềm năng và vị thế các làng nghề, nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất những định hướng như phải có những điều tra thống kê lực lượng tay nghề, phân định thực trạng của từng nhóm nghề để xây dựng chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực làng nghề. Đặc biệt phải tạo được môi trường hợp tác giữa các bộ phận chức năng từ người thợ đến người quản lí, bảo tồn trong việc hoạch định kế hoạch, việc nhận diện ưu thế và sự thiệt thòi của từng ngành, nghề để tìm hướng đi và biện pháp từng trường hợp cụ thể có liên quan đến việc bảo tồn, phát triển các ngành nghề thủ công qua chủ trương chính sách, giữ gìn bản sắc, truyền thống và tính hiệu quả kinh tế. Đồng thời tạo lập mối quan hệ hợp tác, liên kết trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nghề và làng nghề thủ công truyền thống.

Chính vì thế, khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống là yêu cầu lớn nhằm phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, văn hóa dân tộc.

S.K
(SDB8/3-13)


..............................................
(1) Nguyễn Văn Đăng, “Diện mạo kinh tế đô thị Huế thời phong kiến”, Tạp chí Sông Hương, số 8/1998, trang 71-77.
(2) (Số liệu của Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế).







 

Các bài mới
Bàn tay (07/05/2013)
Các bài đã đăng