Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-13)
Đi tìm ý nghĩa thực của đám cưới Huyền Trân
14:59 | 03/05/2013

HỒ TRUNG TÚ

Trong lịch sử mối quan hệ Việt Chăm có một thời kỳ vô cùng đặc biệt, đó là giai đoạn cùng nhau hợp tác chống lại quân Nguyên Mông.

Đi tìm ý nghĩa thực của đám cưới Huyền Trân

Sử Ký Toàn Thư và Cương Mục của Đại Việt chép lại thật ít các sự kiện này, thế nhưng trong các sách Trung Hoa, nhất là Nguyên sử, chúng ta tìm thấy nhiều chi tiết thật thú vị để từ đó có thể hiểu hơn việc Nước non ngàn dặm ra đi - cái tình chi - mượn màu son phấn - đền nợ Ô- Lý... buồn hiu hắt trong câu ca Huế điệu Nam Bình.

Không được Đại Việt cho mượn đường bộ, năm 1282 Toa Đô dẫn 1.000 chiến thuyền tới cửa biển Chiêm Thành và chiếm thành Đồ Bàn, vua Chiêm là Indravarman phải rút chạy lên núi để cầm cự, cho đến năm 1285, khi vua Nhân Tông phản công, đánh bại Thoát Hoan, chém đầu Toa Đô, thì Chiêm Thành mới được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của quân Mông Cổ. Trước đó, năm 1284, Nguyên sử chép: Nhân Tông phản đối lời vu cáo nói rằng ông đã viện trợ cho Chiêm Thành và đã gởi hai vạn quân và 500 chiến thuyền cho Chiêm Thành: “Nếu xứ này không giữ hết bổn phận đối với thiên triều thì đó cũng không phải là một lý do để tôi giúp Chiêm Thành” (Nguyên sử. Dẫn lại theo G.Masperro: Vương quốc Chămpa, tr. 184). Đọc lời phản đối này chúng ta hiểu quả thật Đại Việt đã giúp Chiêm Thành rất nhiều, và cũng là để bảo vệ chính mình, trước sự xâm lược của quân Nguyên.

Năm 1293, vua Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, làm Thượng Hoàng và quyết chí tu hành. Năm 1301, ông đi vân du Chiêm Thành và ở lại đó đến 9 tháng. Cũng dễ để hình dung ông được Chiêm Thành kính trọng như thế nào. Mục đích chính của Nhân Tông là gì trong chuyến đi Chiêm Thành năm 1301 ấy sử sách chép lại thật ít; thế nhưng cứ suy từ tâm trí của một người đã dứt bỏ cả ngai vàng, quyết chí tu hành thì ta hiểu ông không có mục đích nào khác là tìm đạo. Phật giáo Đại Thừa lúc này đã phát triển mạnh ở Trung Hoa, tuy nhiên điều đó dường như không làm ông vừa lòng. Chiêm Thành lúc này có nhiều tông thừa Phật giáo thế nhưng theo Pháp Sư Nghĩa Tịnh trong “Nam Hải Ký Quy Truyện” (thế kỷ 7) thì: “Trong xứ này, nhìn chung những người theo Phật giáo đều theo học kinh tạng Chính Lượng và kinh tạng Hữu bộ”. Chính Lượng và Hữu Bộ là hai hệ phái gắn liền với Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada), Tiểu Thừa. Bức tượng Trần Nhân Tông trong nếp áo Tiểu Thừa, Nguyên Thủy mặc dù đã có thể khẳng định được tất cả hệ phái, phương pháp tu tập, cũng như quan điểm về sự giác ngộ. Thế nhưng ở góc nhìn ngược lại, Trần Nhân Tông hoàn toàn thuộc về Đại Thừa thì bảo “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Không xác định bức tượng đá được tạc chính xác vào lúc nào, nhưng hoa văn bệ tượng cho thấy tượng được làm từ thời Trần chứ không phải đời sau rồi gán ghép một nếp áo tùy tiện.

Sử Ký Toàn Thư năm 1304 cũng chép một câu rất ngắn, như là vu vơ và rất lạ theo truyền thống chép sử: “Sư Du Già nước Chiêm Thành sang ta, chỉ ăn sữa bò”. Không thấy sử chép Nhân Tông có mời hay có tiếp vị sư này.

Mối quan hệ, quan tâm của Trần Nhân Tông với hệ phái Phật giáo phương Nam, qua ngả Chiêm Thành là có thể hiểu được, ông dường như thực sự đã tìm thấy điều gì đó ở giáo lý tu tập của hệ phái này. Và qua bài phú “Cư trần lạc đạo” nổi tiếng, tiêu biểu cho Trần Nhân Tông:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền
”.

cũng thấm đẫm tinh thần giác ngộ của hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy, đó là đề cao nhận thức vạn pháp do duyên khởi, không đề cao Phật tánh như Đại Thừa, tức sự giác ngộ rốt ráo của thân và tâm, sống với sự nhận thức chứ không sống với sự giác ngộ, lấy đối cảnh vô tâm thay thế cho sự viên giác... Ngay trong bài kệ trước lúc nhập Niết Bàn cũng cho thấy tinh thần Nam Tông của ông là rất rõ: “Các pháp vốn không sinh/ Các pháp vốn không diệt/ Nếu hiểu rõ như thế/ Chư Phật thường hiện tiền…” Phật giáo Đại Thừa, hay chính xác hơn là Thiền Tông không đề cao sự HIỂU nào cả, mà ngược lại, lìa tri kiến mới khả dĩ nhập đạo.

Dài dòng ra ngoài bài một cái chuyện vô cùng to như vậy không nhằm chứng minh pháp môn chính thức của Trúc Lâm Yên Tử là gì mà chỉ để góp phần hiểu mục đích thực sự Trần Nhân Tông trong chuyến vân du đến Chiêm Thành là thực sự vì đạo chứ không phải vì mục đích chính trị, và gả con gái Huyền Trân cho Chế Mân để lấy về Ô, Lý không phải là tâm thức, mục đích của người đã thực sự vì đạo như Trần Nhân Tông lúc ấy.

Và chúng ta hãy xem lại các hiện vật mới được tìm thấy trong các hố đào khảo cổ kinh thành Thăng Long. Theo giáo sư Huỳnh Ngọc Trảng (trong tạp chí Tia Sáng 5/2004) thì những hiện vật trong lớp văn hóa thời Lý Trần đều thấm đẫm dấu ấn văn hóa Chămpa. Đó là con ngan (vịt xiêm) trên các viên ngói Thăng Long (con vật mà theo truyền thống người Việt là con vật không may mắn, thấp kém) chính là con vịt thần Hamsa, vật cưỡi của Brahma, và cũng là con vật bạn của nữ thần thơ ca Srasvati; đó là cái đầu rồng thời Lý có môi trên cong dài không khác mảy may với con rồng Chămpa Makara; đó là chiếc mặt quỷ giống hệt với các Kala, thần Thời gian, nằm quanh chân tháp G1...! Và cũng năm 2003 ấy, tháp G1 ở Mỹ Sơn, tháp được xây dựng vào thời Nhân Tông vân du Chiêm Thành, các nhà khảo cổ đã lần đầu tìm thấy nhiều chữ Hán (như chữ Trần) được chạm vào các viên gạch, đá trong thân tháp.

Với cái nhìn đồng đại, lúc ấy, đất nước Chiêm Thành và văn hóa Chămpa không hề thua kém Đại Việt, nếu không nói là Thăng Long lúc ấy bị ảnh hưởng phương Nam nhiều hơn phương Bắc. Và việc gả công chúa Huyền Trân vì thế không phải là cái gì quá không hay cho quốc thể.

Việc hứa gả Huyền Trân của Nhân Tông là không kèm điều kiện mà thực sự xuất phát từ sự nhận thấy Chế Mân là khả ái. Theo Masperro, Chế Mân vì thấy triều đình do dự nên đã tự tăng thêm quà sính lễ. Và với hai châu Ô, Lý; Trần Anh Tông đã đồng ý gả em gái.

Nhiều đánh giá khác nhau về cuộc hôn nhân này cho đến tận hôm nay; nhưng cho dù thế nào chăng nữa thì điều đó cũng ở ngoài ý nghĩ của người tạo nên cuộc hôn nhân đó, tức Trần Nhân Tông.
 

Trên đỉnh đèo Hải Vân nhìn về phương Nam


Có phải là một đám cưới chính trị?

Đám cưới Huyền Trân đã được các nhà làm sử thời Lê đóng đinh vào Sử Ký Toàn Thư bằng những lời nhận xét khắc nghiệt: “Nhân Tông đem con gái gả cho Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó được? Vua giữ ngôi trời mà Thượng Hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh thì có khó gì mà đem gả cho người xa giống nòi để thực hiện lời hứa trước?”. Ngô Sĩ Liên khi chép những lời bạt ấy hẳn đã có một độ lùi khá xa khi nhìn Chiêm Thành; với Trần Nhân Tông thì Chiêm Thành gần gũi hơn nhiều, đó không chỉ là trung tâm Phật giáo mà, như đã nói, Thăng Long, trong các hố khảo cổ thời Lý Trần, là gần với phương Nam nhiều hơn phương Bắc.

G.Maspero, nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp, người bỏ công đọc qua các bia ký và vài dòng ngắn ngủi trong các trang sử Trung Hoa và Đại Việt, đã dựng lại toàn bộ lịch sử Chămpa thì chép về đám cưới ấy trong “Vương quốc Chămpa” như sau: “Sinhavarman (Chế Mân) không thích lấy vợ Chàm, và đặc biệt thích lấy vợ người ngoại quốc; hoàng hậu Tapasi vốn là công chúa Java. Vì thế cho nên lúc nào ông cũng muốn lấy một công chúa An Nam. Triều đình (An Nam, tức Trần Anh Tông, anh của Huyền Trân) thì trái lại, hết sức can ngăn vì cho đó là sỉ nhục đối với hoàng gia và đất nước. Nhiều cuộc bàn cãi kéo dài; đôi bên gửi người qua lại để điều đình, và đến đầu năm 1305 (sau 4 năm), vẫn còn đang điều đình. Chế Mân sốt ruột bèn sai Chế Bồ Đài đi đưa lễ cưới gồm có vàng, bạc, hương liệu, muông thú lạ, vật lạ và hứa hôm nào cưới sẽ nhường hai tỉnh Ô, Lý. Triều đình phản đối nhưng Anh Tông thực tế hơn, biết hy sinh tình cảm anh em cho lợi ích của đất nước”.

Theo những nhận xét ấy của Maspero thì Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn đứng ngoài cuộc hôn nhân thấm đẫm những mưu toan chính trị ấy. Thế nhưng lý giải như Maspero thì Chế Mân lại có tội với lịch sử dân tộc ông. Và liệu ông có thực sự “thích lấy vợ ngoại quốc” đến độ cắt đi một phần đất nước? Nhìn ở góc độ nào thì điều đó cũng thật khó chấp nhận. Vậy thì tại sao Chế Mân lại dâng cho Đại Việt hai châu Ô - Lý, vùng đất từ sông Gianh đến sông Thu Bồn bao gồm gần 4 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và một phần Quảng Nam nay?

Năm 1069 vua Chiêm là Chế Củ bị bắt và phải xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để được tha. Biên giới Đại Việt lúc này là vượt qua đèo Ngang đến sông Gianh, thuộc Quảng Bình nay. Từ đó đến khi Chế Mân quyết định cắt Ô, Lý cho Đại Việt là 236 năm. Đó là quãng thời gian đủ dài để đến thời Chế Mân cảm thấy là không thể làm chủ vùng đất khô cằn ấy được nữa. “Quảng Bình là đất Ô Châu. Ai đi đến đó quẩy bầu về không”, Quảng Trị thì đầy cát, Thừa Thiên Huế thì đầy đồi núi; Bình Trị Thiên là vùng đất không có đồng bằng lớn.

Nay cắt vùng đất ấy cho Đại Việt, làm quà sính lễ, Chế Mân hẳn hy vọng mối hòa hiếu thông gia sẽ giúp ông và con cháu đời sau giữ được vững bền vùng đất còn lại. Đó là một tính toán không tồi, hơn nữa dưới áp lực dân số, Đại Việt đã vượt qua sông Gianh suốt trong 236 năm ấy nhiều lần. Lúc này, 1305, kinh đô Chiêm Thành từ Trà Kiệu dời vào Đồ Bàn đã hơn 300 năm. Đã từ lâu Chiêm Thành không còn quản lý được Ô, Lý nữa. Đây chỉ là việc hợp thức hóa vùng đất mà Chiêm Thành không còn có thể quản lý được nữa. Chúng ta vẫn có thể hiểu được hành động này qua trường hợp tương tự của Mạc Đăng Dung khi cổ buộc dây thừng, đi chân đất đến phủ phục trước mạc phủ quân Minh xin hàng và dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương và La Phù. Thực ra, theo “Đại Việt Địa dư Toàn Biên” thì 6 động ấy chưa bao giờ thuộc về Việt, năm Tuyên Đức thứ 2 người các động ấy làm phản, về với Giao Chỉ. Nay nhà Mạc lấy đất của họ mà trả cho họ, đó là một động tác chính trị và nhà Minh cũng chỉ cần cái danh ấy để không phải động binh lúc này đang rất khó khăn với quân Thanh. Chế Mân hẳn biết rằng so sánh tương quan lực lượng sẽ không bao giờ giữ được Ô, Lý nữa chi bằng làm thế để tăng mối hòa hiếu may ra giữ yên được vùng đồng bằng Quảng Nam trở vào trù phú hơn nhiều so với vùng Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Xét cho cùng đó là một tính toán không tồi. Đó là chưa nói Chiêm Thành lúc này thực sự hàm ơn Đại Việt vì đã giúp họ đánh đuổi quân Nguyên.

Chế Mân chỉ sai lầm ở hai điều:

Thứ nhất là ông đã chết quá sớm, chỉ sau khi cưới Huyền Trân một năm. Hãy thử hình dung ông sống thêm 3 - 4 chục năm, mối hòa hiếu thông gia giữa hai nhà hẳn mọi điều sẽ khác. Sau khi ông chết hai đất nước bước vào chiến tranh ngay tức khắc và món quà sính lễ trở thành lý do của mọi cuộc chiến tranh về cả hai phía.

Và thứ hai là Chế Mân đã chọn sông Thu Bồn làm biên giới thay vì là đèo Hải Vân. Điều đó cũng không phải là lỗi của ông. Tư duy chiến thuật thời đó thường lấy sông làm phòng thủ chứ không lấy núi hoặc đèo. Lần nhường đất 1069 cũng lấy sông Gianh chứ không lấy đèo Ngang. Đó là tư duy phòng thủ quân sự của thời đại, thời Tam Quốc với trận Xích Bích nổi tiếng cũng vậy, các con sông là trở ngại cho các cuộc hành quân và là vị trí phòng thủ luôn tốt hơn núi. Chế Mân đã không biết rằng sông chỉ tốt khi là phòng tuyến quân sự chứ với các di dân thì sông lại là nơi quần cư. Thời của đại bác và ô tô thì núi đèo mới là vị trí phòng thủ tốt. Sông Thu Bồn làm biên giới chỉ tồn tại được đúng 100 năm để sau đó phải lùi vào đến Trà Khúc.

Vĩnh viễn chúng ta sẽ không thể biết điều gì đã thực sự xảy ra, triều đình Chiêm Thành đã bàn luận, cân nhắc thiệt hơn những gì để quyết định cử Chế Bồ Đài đến Thăng Long đưa Ô - Lý làm sính lễ. Hình như trong cuộc hôn nhân ấy về cả hai phía đều không ai sai, không ai âm mưu hoặc ngầm chứa một thủ đoạn chính trị nào. Lịch sử đã chọn một lối đi khác với lối đi của người trong cuộc, vậy thôi.

H.T.T
(SDB8/3-13)






 

Các bài mới
Bàn tay (07/05/2013)
Các bài đã đăng