Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-13)
Đệ nhất danh cầm quy cố hương
15:40 | 07/05/2013

LÊ HUỲNH LÂM

Xứ Huế vốn trầm mặc, không gian Huế thường gắn với hoài niệm, là nơi để trở về. Cái thường phô diễn ra bên ngoài ở xứ sở này là nắng, mưa, là dòng Hương xanh mượt mà, hay Ngự Bình vi vu thông reo, hoặc là những chiều hiu quạnh ngắm hoàng hôn, hay những đêm dài của những bước chân phiêu lãng, và những buổi sáng tan vào hơi mù lân la khắp các ngã phố,...

Đệ nhất danh cầm quy cố hương
Nghệ sĩ guitar Trần Văn Phú

Nhiều khoảng thời gian trong ngày, trên những con phố lớn chợt vắng không một bóng người, không một tiếng động, lặng im, chỉ còn tiếng gà trưa, hay tiếng của lá bước nhẹ trên mặt đường, điều này duy nhất chỉ có ở Cố đô Huế.

Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố,... Huế vẫn là một đô thị của cổ tích xa xưa. Ẩn sâu trong sự trầm mặc đó, hàm chứa một nội lực thâm hậu, nhiều vỉa tầng văn hóa thâm trầm, u huyền. Tất cả những điều đó đã tác động đến con người của xứ Huế, cho dù người đó là ai, thành danh hay vô danh. Những người con xứ Huế luôn có một đời sống thầm lặng, khiêm nhường, hướng vào nội tâm. Một trong những người của xứ Huế; một thời được mệnh danh là đệ nhất danh cầm guitar từ đầu thập niên 1970 cho đến cuối thập niên 1980, một trong những người có công truyền bá flamenco hàng đầu ở Việt Nam là nghệ sĩ guitar Trần Văn Phú. Anh đã tốt nghiệp thủ khoa trường Quốc gia Âm nhạc Huế năm 1969, sau đó anh vào lập nghiệp và giảng dạy tại nhạc viện Sài Gòn được phân làm trợ giảng cho thầy Dương Thiệu Tước. Anh đã thụ giáo các giáo sư: Đỗ Đình Phương, Dương Thiệu Tước và Trương Huệ Mẫn. Anh Phú đã đi biểu diễn khắp nơi ở Sài Gòn. Năm 1971 anh đã viết xong cuốn Kỹ thuật reo dây (trémolo), năm 1972 cuốn sách đó được nhà sách Khai Trí mua bản quyền tương đương sáu lượng vàng, và chỉ trong khoảng thời gian ngắn, số lượng bản đã phát hành lên đến hơn mười ngàn bản. Thật là con số đáng kinh ngạc và đáng mừng cho nền âm nhạc nước nhà thời đó và cho những người đam mê Tây ban cầm cũng như tác giả. Trong cuốn sách đó, ngoài những kỹ thuật reo dây cơ bản cho guitar classic, còn có phần reo dây chỉ dành cho loại nhạc flamenco, gọi là reo dây toàn bộ (rasguado), còn gọi là rảy (rasguado), sự rảy liên tục cho các dây reo đều nhau gọi là: rasguado trémolo. Có ba loại rảy dây: rasguado sec, rasguado arpège và rasguado trémolo. Đặc biệt trong cuốn Kỹ thuật reo dây còn có những bản nhạc danh tiếng để thực tập được nghệ sỹ Trần Văn Phú ghi nhạc từ đĩa do Juan Serrano trình bày là bài Fiesta enla muralla. Ngoài những buổi biểu diễn anh còn sáng tác các tấu khúc theo nhạc điệu Malaguena, Soleares,… cho guitar flamenco: Alegrias, Granadinas, Danza Oriental; chuyển soạn một số tác phẩm Việt Nam cho guitar classic như: Tuổi đá buồn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nghìn trùng xa cách của nhạc sĩ Phạm Duy, Cửu khúc (dân ca quan họ Bắc Ninh),...

Cho đến cuối thập niên 1980 do gia đình có biến cố, anh đã từ giã cây đàn, như từ giã một phần máu thịt trong anh. Giai đoạn này rượu như một người bạn tri kỷ của anh, nó không biết bội phản, không biết thêm thắt, nó khiến chúng ta lãng quên nỗi đau. Nhưng suy cho cùng chỉ có âm nhạc, chỉ có guitar classic, flamenco là tri kỷ huyền cầm của nghệ sỹ Trần Văn Phú.

Vào những năm 1980 tôi thường mua những cuốn độc tấu guitar giấy màu vàng đất, in dạng quay rô-ni-ô, bây giờ tình cờ lật lại cuốn số 16 tìm thấy bài Alegrias của Trần Văn Phú. Bài này và bài Granadinas đã được phát trên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam 2 được nhiều fan hâm mộ flamenco yêu thích. Khoảng thời gian dài sống ở Sài Gòn, anh Phú thường biểu diễn ở câu lạc bộ Phú Nhuận, các giảng đường đại học,... mỗi chương trình biểu diễn của anh thường do anh thực hiện 15 bản nhạc trong đêm. Anh cũng đã cùng với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong các chương trình biểu diễn khác.

Để chơi được guitar classic người học phải kiên trì luyện tập, phải có chút năng khiếu, như lời của Trần Văn Phú: “... các ngón trong bàn tay mặt là lĩnh vực diễn tả tình cảm, các ngón trong bàn tay trái là lĩnh vực khám phá những kỹ thuật xếp đặt các ngón, di động chúng trên cần đàn thế nào cho thuận tiện, thích nghi và đẹp mắt. Sự phối hợp tài tình giữa các ngón của hai bàn tay là một điều vô cùng cần thiết. Nghệ thuật trình tấu Tây ban cầm của chúng ta cao hay thấp hoàn toàn được quyết định từ yếu điểm căn bản này”.

Thật ra, trong âm nhạc, đặc biệt với guitar classic, một buổi biểu diễn thường tổ chức trong thính phòng, đa phần khán giả là những người hiểu biết ít nhiều về âm nhạc cổ điển, hoặc những vị khách ở tầng lớp có tri thức. Vì đây là loại nhạc chỉ dành cho số ít, dành cho người có trình độ thưởng thức. Khách vào nghe nhạc và xem người nghệ sỹ guitar biểu diễn ngồi im lặng, không trò chuyện, không vỗ tay khi nghe nhạc, không đứng dậy đột ngột tạo ra tiếng va chạm của chiếc ghế,... một phần do tiếng đàn mộc không qua hệ thống âm thanh điện, một phần do loại nhạc này như một bức tranh siêu thực của các danh họa thế giới, hoặc như những câu thơ của các đại thi hào khi khởi xướng khiến hàng triệu con tim lay động, hay như câu thần chú trong mật tông khi phát khởi thì thu hút thần lực của ba cõi,... Như bản giao hưởng định mệnh của Beethoven khi trầm hùng, lúc u uẩn, hay khúc biến tấu của Mozart tạo nên những cảm xúc thần bí, hay Khúc nhạc buồn man mác của Chopin và từng giọt lệ của F.Tarrega lay động lòng người qua bài Lagrima, rồi khúc quân hành Thổ Nhĩ Kỳ trong bài Turkish March của Mozart, hay tiếng trống kèn thắng trận trở về trong bản Los sitios de zaragosa của Cristóbal Oudrid,... và những bước chân Lạc Đà gõ nhịp qua Phiên chợ Ba Tư.

Mỗi nốt nhạc trong bản nhạc đều diễn tả một cảm xúc của nhà soạn nhạc cảm thụ với ngoại giới trong giây phút thăng hoa, người nghệ sỹ biểu diễn lại dùng tài năng của mình để diễn đạt chân thật nhất cái xúc cảm của người nhạc sỹ. Điều này, chỉ có những thiên tài mới gặp nhau trên bề mặt giao tiếp của cảm xúc, hay một loại siêu sóng âm chỉ dành cho các tài năng lớn của nhân loại.

Là một người mê guitar classic từ nhỏ, tôi đã nghe danh tiếng của guitarist Trần Văn Phú từ những năm cuối thập niên 1970. Chợt một chiều xuân cạnh bến sông xưa, những người bạn vong niên quây quần bên hiên cuộc đời, bất ngờ anh Hà Túc Trí gọi mời anh Phú ghé chơi, tôi ngỡ ngàng khi trước mắt mình là “đệ nhất danh cầm” Trần Văn Phú, vang bóng một thời. Ngồi trò chuyện một lúc, mới biết rằng anh đã chuyển hẳn về Cố đô Huế sống, có dạy đàn guitar cho một nhóm học sinh, ở số 37 Trần Văn Kỷ, Tây Lộc, Huế. Hay chăng, ngôi nhà anh chỉ cách nhà tôi chừng vài trăm mét, nhìn ra dòng Ngự Hà, con đường đó tôi đã qua lại hàng triệu lần, hôm nay ngang qua nhìn thấy bảng hiệu nhỏ rất khiêm tốn. Trong buổi chiều hôm đó, những bạn trẻ ở Sài Gòn vẫn gọi điện thoại gặp anh để xin thụ giáo guitar, anh cười buồn và nói xin lỗi mình đã chuyển về Huế sống. Vậy là, Sài Gòn mất đi một hình bóng yêu quý nhưng Cố đô Huế lại có được một người thầy guitar đáng kính. Sự di chuyển của anh cũng như những hợp âm đồng chuyển và dị chuyển của nhạc sư A. Segovia, mà nghệ sỹ Trần Văn Phú thường nhắc học trò, muốn thành tài thì phải luyện tập thường xuyên mỗi ngày, ít nhất là 2 tiếng đồng hồ. Xin trích lại lời kết của tác giả cuốn sách Kỹ thuật reo dây, đệ nhất danh cầm Trần Văn Phú “...Đóa hoa hồng của chân trời nghệ thuật quả thực có chứa lắm gai. Tuy nhiên, không có sự thành công vẻ vang nào mà không cần đến yếu tố kiên nhẫn...”. Tôi lại đứng lặng nhìn anh đang truyền đạt từng kỹ thuật cho các học trò, trong căn phòng nhỏ bên sông ấy, tiếng đàn guitar ngọt mượt mà đã lan đi theo dòng thời gian bất tận.

Huế, 13/3/2013
L.H.L
(SDB8/3-13)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bàn tay (07/05/2013)