Tạp chí Sông Hương - Số 291 (T.05-13)
Bồ tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara) với tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam
10:56 | 21/05/2013

MAI KHẮC ỨNG  

Nước Việt Nam nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương. Bán đảo Đông Dương một thời được gọi là Indo - Chine bao gồm ba nước Việt Nam, Lào, Cambodia. Bởi vị thế Đông Dương cùng với Thái Lan, Mianma nằm giữa vùng ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ cổ đại, nên từ đầu văn hóa Ấn Độ đã sớm gia nhập vào Việt Nam trong đó có đạo Phật.

Bồ tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara) với tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam
Ảnh: NN

Theo truyền thuyết nước Việt Nam ra đời vào năm 2879 trước công nguyên do một người mang tên là Kinh Dương vương thành lập. Con trai của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết hôn với bà Âu Cơ sinh ra một bọc trứng gồm một trăm quả nở thành một trăm người con. Vì Lạc Long quân thuộc giống Rồng gắn bó với môi trường biển. Âu Cơ lại thuộc giống Tiên thích nghi với môi trường rừng núi. Cuối cùng Lạc Long Quân bàn với Âu Cơ chia con thành hai nửa. Năm mươi người theo Lạc Long Quân ra biển. Năm mươi người theo Âu Cơ lên núi.

Người con trai đầu lập nên nước Văn Lang xưng là Hùng Vương thứ nhất.

Nước Văn Lang gồm 15 vùng lãnh thổ hợp thành là: Văn Lang, Châu Diên, Phúc Lộc, Tân Hưng, Vũ Định, Vũ Ninh, Lục Hải, Ninh Hải, Dương Tuyền, Giao Chỉ, Cửu Chân, Hoài Hoan, Cửu Đức, Việt Thường, Bình Văn.

Qua truyền thuyết mang tính huyền thoại này người ta dễ nhận biết là lãnh thổ Việt Nam có núi, có biển và ban đầu còn theo chế độ mẫu hệ. Thuở sơ khai từ thời hồng hoang của lịch sử, con người kiếm sống bằng săn bắt và hái lượm. Săn bắt và hái lượm là nguồn gốc sinh thành nghề chăn nuôi và trồng trọt. Săn bắt do người đàn ông đảm nhận. Ít gắn bó với con cái hơn người đàn bà trồng trọt. Người mẹ vừa cho sữa vừa săn sóc con cái làm nên sự gần gũi gắn bó tự nhiên.

Bà mẹ Âu Cơ trở thành hình tượng sinh thành dân tộc Việt. Tâm thức, tình cảm của mỗi con người dành cho mẹ đậm đà hơn cha. Bởi vậy, người ta thường nói: Mẹ Tổ quốc, tiếng Mẹ đẻ, Mẹ Xứ sở...

Từ Hùng Vương thứ nhất đến Hùng Vương thứ 18 nước Văn Lang bị một người có tên là Thục Phán đánh chiếm rồi lập nên nước Âu Lạc. Thục Phán làm vua Âu Lạc xưng là An Dương Vương. Chuyển đô từ Phong Châu (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) xuống Phong Khê (thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Để bảo vệ ngôi vua, An Dương Vương đã cho xây một vòng thành theo hình xoáy ốc gọi là Loa Thành. Di tích thành Cổ Loa hiện còn và được xếp hạng Di tích Quốc gia để bảo tồn nghiêm túc.

Nước Âu Lạc của An Dương Vương chỉ tồn tại được 50 năm thì vào năm 208 trước công nguyên, bị Triệu Đà từ quận Nam Hải, Trung Quốc sang đánh chiếm lập nên nước Nam Việt.

Từ năm 208 trước Công nguyên đến năm 938 sau Công nguyên dân tộc Việt Nam bị Trung Hoa xâm chiếm đô hộ. Các quan Thái thú, Thứ sử người Trung Hoa sang cai trị đã áp đặt văn hóa Trung Hoa lên toàn bộ sinh hoạt xã hội cổ truyền Việt Nam. Quốc gia Âu Lạc phai mờ. Từ vị thế địa lý giáp với Trung Hoa lại bị Trung Hoa đô hộ, người Việt đương nhiên phải tiếp nhận một cách trực tiếp văn hóa Trung Hoa. Trước tình thế bị trị, người Việt đã tìm được nguồn an ủi và sớm biết tiếp thu văn minh Ấn Độ. Trong đó sâu sắc nhất, bình dân nhất là giáo lý của đạo Phật.

Vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên một số nhà tu hành đạo Phật từ Ấn Độ đi theo đường biển và đường bộ của các đoàn thương nhân đến Việt Nam lúc đó bị người Trung Hoa đô hộ và đổi thành quận Giao Châu. Những vị tu hành này đến Luy Lâu và dựa vào tín ngưỡng Tứ Pháp đã truyền bá đạo Phật và biến các miếu thờ Tứ Pháp thành chùa thờ Phật.

Để hạn chế bớt sự áp đặt văn hóa từ Trung Hoa dồn xuống, người Việt, vốn là cư dân trồng lúa nước vốn đã có các vị thần mà theo họ là đưa đến sự “phong điều vũ thuận” như người mẹ ban cho dòng sữa ngọt. Ngoài Âu Cơ là mẹ sinh thành cư dân Việt cổ đã tạo nên bốn người mẹ tinh thần ban mưa móc có nghĩa là cho nước để làm ruộng là Pháp Vân (Nữ thần Mây), Pháp Vũ (Nữ thần Mưa), Pháp Lôi (Nữ thần sấm sét), Pháp Điện (Nữ thần chớp). Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam là cái nôi sinh thành của nền văn minh Đông Sơn cũng là cái nôi sinh thành của nền nông nghiệp lúa nước có nhiều miếu thờ các vị Nữ thần trên. Nơi tập trung có lẽ sớm nhất là trung tâm Tứ pháp Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cách thủ đô Hà Nội 30km về phía Bắc.

Như đã trình bày trên, văn hóa Trung Hoa theo chân các quan đô hộ áp đặt lên xã hội Việt Nam từ năm 208 trước Công nguyên đến năm 938 sau Công nguyên. Sâu đậm nhất có lẽ là khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X sau Công nguyên. Đây là thời đoạn nhà Tùy (589 - 617) và nhà Đường (618 - 907). Điều đáng quan tâm là vào khoảng 520 một nhà tu hành từ Ấn Độ có tên là Bồ-Đề- Đạt-Ma (Bodhidharma) đến Trung Hoa làm tổ thứ nhất đã lập nên dòng Thiền tông Trung Hoa. Đến thế kỷ thứ VII và đầu thế kỷ thứ VIII với nhà sư Huệ Năng (638-720) vị tổ thứ 6 thì dòng Thiền Trung Hoa thực sự được cải hóa. Như vậy là Thiền phái Trung Hoa gia nhập vào xã hội Việt Nam ở hai thời kỳ khác nhau như sau:

1. Dòng Thiền do nhà sư Ti-Ni-Đa-Lưu-Chi (Vinitaruci) mở đầu năm 580.

2. Dòng Thiền do nhà sư Vô Ngôn Thông mở đầu năm 820.

Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi là đồ đệ của Tăng Xán, tổ thứ 3 của Thiền tông Trung Hoa. Còn Vô Ngôn Thông là học trò của Bạch Trượng Hòa Hải trong phái Nam Nhạc, còn gọi là phái Tào Khê, tức phái trưởng của Thiền tông Huệ năng. Từ Huệ năng, qua hai thế hệ nữa thì đến Bạch Trượng. Như vậy là dòng Thiền Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi là thuộc giai đoạn trước Huệ năng, còn dòng Vô Ngôn Thông là thuộc Thiền Tông Huệ Năng.

Một điều đáng lưu ý là “Thiền giáo chịu ảnh hưởng của Mật giáo chính là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam” (Hà Văn Tấn).

Như vậy là ba yếu tố Thiền, Tịnh, Mật trong Phật giáo Việt Nam không chỉ cho ta một cái nhìn phức tạp của cấu trúc tư tưởng mà còn cho ta nhận ra các ảnh xạ của cấu trúc xã hội và mối liên hệ của các cấu trúc này. Ngoài Thiền, Mật, Tịnh Độ là một cơ tầng bình dân của Phật giáo Việt Nam.

Khi nói đến Thiền, Tịnh, Mật người ta thường nghĩ đến ba tông phái Phật giáo khác nhau ở Trung Hoa. Phật giáo Trung Hoa được du nhập từ Ấn Độ. Nhưng lại là sản phẩm hun đúc bởi môi trường Trung Hoa trong thời kỳ phát triển của Phật giáo.
 

Tây Phương Tam Thánh: A Di Đà - Quán Thế Âm - Đại Thế Chí - Ảnh: internet


Tịnh Độ tông hình thành khá sớm ở Trung Hoa. Tịnh Độ tông thờ A-Di- Đà (Amitabha). Người ta coi đó là vị Phật ngự trị ở cõi Tịnh Độ (Sukhavati) tức cõi Tây phương cực lạc. Cùng với A-Di-Đà còn có Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và Đại Thế Chí (Mahãsthãmaprãptã).

Trong tình thế bị ngoại bang đô hộ, cư dân người Việt bản địa nhận được giáo lý Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xã của đạo Phật như là nhận được sự an ủi sẻ chia nên Phật giáo thấm sâu và lan nhanh trong cộng đồng cư dân bản địa. Qua những truyền thuyết lưu truyền trong dân gian Việt Nam, sớm nhất và sâu đậm nhất có lẽ là chuyện nhà sư Ấn Độ có tên là Khâu Đà La (Ksudra) còn tên dân gian là Già La Chà Lê (Kalacarya) - ông thầy Đen, đã đến Luy Lâu và vô tình bước qua người con gái có tên là Man Nương. Ít lâu sau cô gái này mang thai và sinh hạ được một người con gái. Khâu Đà La đặt bé gái sơ sinh đó vào thân một cây đa. Về sau cây đa ấy bị đổ trôi xuống sông. Dân làng lấy gỗ cây đa này tạc thành các bức tượng thần thờ tại các miếu Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp điện ở vùng Luy Lâu mà trung tâm là chùa Dâu (Pháp Vân).

Tín ngưỡng thờ tứ Pháp có nghĩa là thờ bốn vị Nữ thần bắt nguồn từ đó. Ngoài Tứ Pháp nêu trên mang tính phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, người Việt còn tôn thờ các vị nữ thần khác mang một tên chung là “Tứ vị Thánh nương” hoặc là Thánh Mẫu như Mẫu Thoải (Thủy) là Nữ thần Nước. Mẫu Thượng Ngàn là Nữ thần Núi. Mẫu Địa Phủ là Nữ thần đất đai. Với cư dân người Việt Thánh Mẫu thiêng liêng nhất quy tụ mọi Thánh Mẫu là Mẫu Liễu mà người đời hóa giải thành Công Chúa Liễu Hạnh một trong bốn vị thành bất tử của người Việt.

Đồng thời, ở miền Trung Việt Nam ngày nay, vào thời kỳ phía bắc bị người Trung Hoa đô hộ, cư dân Chăm pa vốn tôn thờ Nữ Thần Uma có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nữ thần Uma (Parvati, Durga) vừa là vợ vừa hóa thân của thần Shiva. Uma Chăm hóa trở thành Po Inư Nagar. Để bản địa hóa cư dân Chăm cũng đã tạo nên một vị Thánh Mẫu vốn là cô gái giữ vườn dưa đã hóa thân thành cây gỗ trôi ra biển Bắc kết hôn với một vị Hoàng tử sau trở về giúp đỡ dân lành nên được thờ phụng khắp mọi nơi. Uma, Po Inư Nagar, Thiên Y A Na, Liễu Hạnh đều là Thánh mẫu, đều là Mẹ Xứ Sở được cư dân Việt, Chăm kính cẩn tôn thờ.

Nhìn chung từ hình tượng bốn nữ thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, đến các Mẫu Thoải (nước), Mẫu Thượng Ngàn (rừng núi), Mẫu Địa Phủ (đất đai) đều gom lại trong hình tượng mẫu Liễu (một trong bốn vị thần bất tử). Mẫu Thiên Y A Na... đều có mối liên hệ nguồn gộc sinh thành của Mẹ Xứ Sở Âu Cơ và đều thể hiện tâm thức cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Phải chăng bóng dáng mẹ Âu Cơ từ thuở khai thiên lập địa vẫn phủ đậm trong thế giới tâm thức, tâm linh, cư dân nước Việt. Mộ Phật. Mộ đức Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xã mà người Mẹ là hiện thân cao cả cho tứ đức đó đã gom lại trong hình tượng Quan Thế Âm Bồ tát (Avalokitesvara), khi người có mặt trên xứ sở này. Từ đó mọi người Việt Nam vốn tôn thờ tín ngưỡng dân gian coi Quan Thế Âm hay Quan Âm Bồ Tát là đấng cứu khổ cứu nạn, giúp con người nhất là phụ nữ và trẻ em vượt qua mọi gian lao nguy biến, mọi tật bệnh, tai ương. Từ suy tưởng người ta đã tạo nên hình tượng Quan Thế Âm Bồ tát với nhiều dáng vẻ khác nhau. Ví như “Quan Thế Âm Tống từ” thể hiện một phụ nữ xinh đẹp bế một đứa bé bên cạnh có con vẹt. Đây là hình tượng Thị Kính bị chồng là Thiện Sĩ nghi oan, giả dạng đàn ông lên tu ở chùa lại bị Thị Mầu đem đứa con hoang đổ cho là Thị Kính là cha đứa bé đó. Thị Kính với lòng nhân đức cao thượng đã nhẫn nhục nuôi đứa bé đó nên người. Bà trở thành Bồ Tát Quán Thế Âm.


Loại thứ hai là hình tượng “Quán Thế Âm Nam Hải” luôn luôn xuất hiện trên biển để cứu chúng sinh gặp hoạn nạn. Hình tượng một phụ nữ xinh đẹp quần áo trắng tinh anh, tay cầm chai hồ lô dốc ngược. Trong các ngôi chùa, miếu vũ và nhiều gia đình Phật tử Việt Nam thường có tượng Quán Thế Âm Bồ tát dạng này đặt trên các án thờ trước bàn thờ gia tiên theo quan niệm “Tiền Phật hậu linh”. Riêng các ngôi danh lam, cổ tự còn có hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát thiên thủ thiên nhãn (nghìn tay nghìn mắt). Bởi theo sự hiểu biết của dân chúng, Quan hay Quán Thế Âm Bồ tát là một vị Phật nhận biết, nhìn thấy tất cả cảnh khổ ải của chúng sinh và luôn luôn ra tay cứu độ. Bởi vậy ngài phải có nhiều mắt nhiều tay.

Tóm lại tín ngưỡng dân gian về tục thờ Mẹ Xứ Sở qua hình tượng Thánh mẫu là nền tảng tiếp thu để tôn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm - một người Mẹ của tất cả người Mẹ luôn luôn mở rộng vòng tay phù hộ độ trì cứu vớt chúng sinh.

Tôi nghĩ rằng Mari-a của Thiên chúa giáo cũng như Quan Thế Âm của Phật giáo vậy. Đó là hình tượng của những người Mẹ Xứ Sở vĩ đại.

M.K.Ư  
(SH291/5-13)




 

Các bài mới
Giấc Adam (29/05/2013)
Sống trong Diễn (24/05/2013)
Các bài đã đăng
Phù du bay đôi (17/05/2013)