Tạp chí Sông Hương - Số 291 (T.05-13)
Tác phẩm mới tháng 5/2013
08:44 | 24/05/2013

LAI RAI MÓN HUẾ, tác giả Thanh Tùng, Nxb. Thuận Hóa, 2013.

Tác phẩm mới tháng 5/2013

Văn hóa ẩm thực là một trong những nét đẹp khiến cho Huế luôn níu chân du khách. Có thể chúng ta đã bắt gặp những kiến giải đâu đó về ẩm thực xứ Huế trong cái nhìn của một nhà văn, một nhà nghiên cứu... Nhưng nhìn ẩm thực từ con mắt của một nhà báo, một phóng viên từng trải thì ẩm thực xứ Huế sẽ có những điều thú vị hơn chăng. Theo tiến sĩ Thái Kim Lan thì Lai rai món Huế là một sưu tập có chiều kích về không gian và chiều sâu về thời gian của ẩm thực Huế, đem đến cho người đọc sự khám phá sâu hơn về những món ăn cụ thể... Lai rai món Huế là một sưu tập về “mách nước” thật đa dạng, làm phong phú thêm tủ sách ẩm thực Huế.
 

CÁC BẠN TÔI Ở TRÊN ẤY (bút ký), Tác giả Nguyên Ngọc, Nxb. Trẻ, 2013. Với lối viết của một nhà văn, một nhà nghiên cứu có kiến văn sâu rộng, bút ký của Nguyên Ngọc thực sự khiến chúng ta bị thuyết phục khi đi theo những bước chân của ông. Đọc Các bạn tôi ở trên ấy chúng ta sẽ cảm nhận được những chiều kích khác lạ của rừng, những giá trị của văn hóa tộc người. Nhìn văn hóa tộc người với tư thế của một người bên trong, một người nhập cuộc chứ không phải chỉ là cái nhìn của một khách lãng du. Với tập bút ký này, tác giả khiến cho chúng ta nuối tiếc về những nét đẹp văn hóa đã dần bị mai một của Tây Nguyên. Đó là một nền văn hóa khác biệt với những gam màu huyền bí, huyễn mộng của rừng, của người, của muông thú. Trở về với rừng là trở về với chính thủy tổ, với khởi nguyên và với bản thể của chúng ta. Và chúng ta sẽ có một cái nhìn rộng hơn, nhân văn hơn, công bằng hơn về những vùng văn hóa khác biệt. Bởi đối với Nguyên Ngọc thì: Không có những nền văn hóa tộc người cao hơn hay thấp hơn, mà chỉ có những nền văn hóa tộc người khác nhau.


TƯ DUY NHƯ LEONARDO DA VINCI (chuyên luận), tác giả Michael J. Gelb, Vũ Phương Hoa, Bùi Thị Thanh Hoa, Nguyễn Thị Lan Phương chuyển ngữ, Nxb. Lao động - Xã hội, 2012. Có thể nói khả năng cao nhất của loài người là tư duy sáng tạo. Bởi chỉ có sáng tạo mới tìm ra được những con đường mới, những giá trị mới, không ngừng làm cuộc sống biến đổi theo hướng tích cực. Thiên tài là những người luôn nhìn ra những hướng đi khác với đám đông. Là một nhà cải cách trong nhiều lĩnh vực tư duy sáng tạo, Michael J. Gelb đã có những công trình với ý nghĩa to lớn giúp chúng ta nâng cao nhận thức, hiểu được vai trò to lớn của năng lực phán đoán và tư duy sáng tạo. Qua công trình này, chúng ta thấy được bí quyết đi đến thành công của danh họa Da Vinci, từ đó chúng ta tự khám phá những năng lực tiềm ẩn trong chúng ta, đưa chúng ta vượt qua những rào cản của lối tư duy nhỏ hẹp để đi đến thành công.


CƠ CẤU TRÍ KHÔN (Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn), tác giả Howard Gardner, Phạm Toàn dịch, Nxb. Tri thức, 2012. Đối với Ulric Neisser (Đại học Emory) thì đây là một cuốn sách hết sức gây ấn tượng và vô cùng quan trọng. Gardner phá vỡ những khuôn mẫu hạn hẹp của lý thuyết đo nghiệm tâm lý và tiến trình xử lý thông tin, ông đưa ra một quan niệm phong phú về những năng lực người trong nhiều địa hạt. Tác giả không thừa nhận cái khái niệm phổ biến rằng trí khôn là một năng lực chung mà từng người ai cũng có, chỉ có nhiều hoặc ít hơn mà thôi. Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn của Gardner lần lượt làm sáng tỏ về các dạng trí khôn như Trí khôn ngôn ngữ; Trí khôn âm nhạc; Trí khôn logic toán; Trí khôn không gian...


NHỮNG LỖ THỦNG (thơ), tác giả Nguyễn Văn Hùng, Nxb. Văn học, 2013. Thơ Nguyễn Văn Hùng chạm vào những xúc cảm khó gọi tên trong những điều bình dị nhất. Nhà thơ như một kẻ lạc loài đứng lại với thời gian để nhìn ngắm và sống với những điều bình dị mà tha nhận đã vô tình lướt qua. Hình ảnh ta thường bắt gặp trong thơ anh là những hình ảnh về thiên nhiên, về cuộc sống, về tuổi thơ. Chúng vừa là những hình ảnh của cuộc sống trần trụi nhưng đồng thời cũng là hình ảnh đi ra từ những niềm mơ mộng của một con người đa cảm. Thơ của anh dựa trên một lớp ngôn ngữ trong sáng, đôi khi ta tưởng đó là những con tàu chở ta về với tuổi thơ nhưng có khi ta lại chạm vào nơi sâu thẳm của những suy tư suốt cả một đời người.


BỨC MẬT THƯ TRÊN LÁ (tập truyện ngắn), tác giả Trần Hoàng Vy, Nxb. Văn học, 2012. Không phá vỡ cấu trúc truyền thống, không tìm tới những dạng thức khác của diễn ngôn. Truyện ngắn của Trần Hoàng Vy là những thời khắc rất dễ bắt gặp trong đời sống nếu chúng ta biết lặng nhìn và quan sát. Thế giới của anh đưa chúng ta tìm về với những kỷ niệm đã ngủ vùi trong tiềm thức của một thời ấu thơ non dại. Ngôn ngữ nhẹ nhàng, ý tưởng giản dị, văn phong trong sáng, tập truyện rất dễ đi vào lòng bạn đọc bởi cách gợi lên và chạm vào những cảm xúc sâu kín.

(SH291/5-13)








 

Các bài mới
Giấc Adam (29/05/2013)
Sống trong Diễn (24/05/2013)
Các bài đã đăng
Lậu chữ (21/05/2013)