Tạp chí Sông Hương - Số 291 (T.05-13)
Cùng “luận bình văn chương” với Nguyễn Hữu Sơn
15:30 | 27/05/2013

PHẠM PHÚ PHONG 

Nguyễn Hữu Sơn là nhà nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, là phó giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Văn học và Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học.

Cùng “luận bình văn chương” với Nguyễn Hữu Sơn
Ảnh: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

Về lĩnh vực chuyên môn của mình, ngoài các công trình nghiên cứu chung, anh đã có các công trình in riêng như Loại hình tác phẩm “Thiền uyển tập anh” (chuyên khảo, Nxb. Khoa học xã hội, 2002, tái bản 2003), Văn học trung đại Việt Nam - quan niệm con người và tiến trình phát triển (nghiên cứu, Nxb. Khoa học xã hội, 2005). Con đường đưa anh đến với công việc phê bình văn học, như anh nói là do “vận người đưa đẩy”(1), bởi nhiều năm làm biên tập viên tạp chí, tiếp xúc với nhiều tác giả sáng tác, đã đặt vào tay anh cây bút phê bình, và tác phẩm đầu tiên được nhiều người chú ý là công trình sưu tầm, biên soạn Về một “hiện tượng” phê bình (Nxb. Hải Phòng, 1998), trước khi có tập sách in riêng dày dặn Điểm tựa phê bình (Nxb. Lao động, 2000, 352 tr.), và nay tiếp tục cho ra mắt độc giả tập tiểu luận phê bình thứ hai Luận bình văn chương (Nxb. Văn học, 2012).

Có thể nói, Luận bình văn chương là tập sách khá dày (316 tr.), nhưng dễ đọc và khá hấp dẫn, bởi nó không phải là phê bình văn học thuần túy, mà còn có cả văn học sử và tranh luận văn chương. Hơn nữa, ở đây còn thể hiện phẩm chất của người làm phê bình rất rõ là, không chỉ bộc lộ cái tôi có chủ kiến và biết bảo vệ chủ kiến của mình, mà còn cuốn hút người đọc tham gia vào từng sự kiện, từng hiện tượng văn học, cùng luận bàn tranh luận với tác giả. Tuy không chia theo từng phần riêng rẽ, nhưng ngoài Lời dẫn, sách được trình bày theo ba chủ điểm chính một cách mạch lạc.

Thứ nhất, tác giả hình dung lại diện mạo văn học sử những năm trước và sau thế kỷ XX và một số vấn đề về thực trạng phê bình văn học hiện nay (140 tr.). Ba bài viết về thể ký như Ký Việt Nam đầu thế kỷ đến 1945, Thể tài du ký trên tạp chí Nam Phong (1917 - 1934), Thể tài du ký và tác gia Nam Bộ viết du ký từ nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945, là những bài về lịch sử thể loại, nhưng vẫn có sự đan xen, xoay quanh giữa hai trục ngang và dọc trong phương pháp tư duy của phê bình văn học. Chính vì thế, những vấn đề lịch sử mà tác giả đưa ra đều được soi rọi dưới một góc nhìn mới, ánh lên những tia sáng mới, có những đóng góp có giá trị học thuật. Phê bình văn học vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, nhưng nó luôn thể hiện dưới góc nhìn đồng đại, cả về chủ thể thưởng thức lẫn chủ thể phê bình. Nghĩa là, đối tượng của phê bình văn học là những hiện tượng, những tác giả, tác phẩm mới ra đời, nhưng cũng có thể là những hiện tượng, những tác giả, tác phẩm đã ra đời trong quá khứ, nhà phê bình sống trong một thời đại nhất định, lấy thời đại của mình làm chỗ đứng và đã phát hiện ra những giá trị mới thông qua những vấn đề đã cũ - những vấn đề mà nếu sống vào thời đại khác, anh ta sẽ không thể nào nhận thức, khám phá, đồng cảm với người sáng tạo. Phê bình văn học là quá trình nhận thức lại, sáng tạo lại tác phẩm. Nhìn lại văn học quốc ngữ từ khi mới ra đời vào những năm cuối thế kỷ XIX cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, lâu nay người ta thường nói nhiều về thành tựu của các thể loại văn chương hiện đại như thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng ít ai nói đến thể tài ký - một thể tài xung kích, chủ yếu, có sự tích hợp và kế thừa giữa truyền thống và hiện đại, là con đẻ của nền báo chí hiện đại. Trong Phê bình và cảo luận (1933), Thiếu Sơn cho rằng: “Trong những nước văn minh, văn học ra đời trước báo chí, nhưng ở Việt Nam, chính báo chí đã tạo nên nền văn học hiện đại”(2). Đóng góp mới của Nguyễn Hữu Sơn chính là ở chỗ đã tiếp cận được những tư liệu trên các báo chí hiếm hoi còn sót lại (Tri tân, Nam Phong tạp chí...) và tìm đến những góc khuất còn bỏ ngỏ. Ngay cả khi nói về thơ mới, nơi đã có hàng trăm công trình nghiên cứu, anh rẽ ngoặt vào vấn đề Thời thơ mới bàn về thơ mới Kể chuyện Thế Lữ dẹp loạn thơ. Hoặc, sau bảy mươi năm trở lại với bản Đề cương văn hóa Việt Nam và vấn đề nhận thức lịch sử văn học dân tộc, tác giả đã phân tích ba nguyên tắc cơ bản của đề cương là Dân tộc - Khoa học - Đại chúng “không chỉ cần được nhấn mạnh như ba nội dung quan trọng trong các thao tác tìm hiểu văn học sử mà nhất thiết phải được “hóa”, nghĩa là sự chuyển hóa thành ý thức của chủ thể, thành sự tự ý thức về đối tượng được nghiên cứu” (tr.100). Bên cạnh đó, tác giả còn dẫn ra hàng loạt các tác phẩm văn học sử và phê bình văn học ra đời trước và sau khi có đề cương để so sánh và chỉ ra những biến đổi và phát triển trong đời sống văn học. Nhìn ở góc độ lịch sử, cũng phải thấy rằng, những công trình mở đầu về lịch sử văn học của Lê Dư, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Sĩ Đạo, Hoàng Thúc Trâm, Nguyễn Đổng Chi, Ngô Tất Tố và phê bình văn học của Lê Thước, Thiếu Sơn, Trương Chính, Hoài Thanh - Hoài Chân... đã tạo nên và đưa đến sự chín muồi, đòi hỏi phải có một định hướng về văn hóa, thúc đẩy sự ra đời của Đề cương văn hóa. Tiếc rằng, điều này chưa được Nguyễn Hữu Sơn chú tâm phân tích, nhấn mạnh.

Đề cập đến các vấn đề Thực trạng phê bình thơ,Tính phản biện và tranh luận trong nghiên cứu phê bình văn học, Văn học hiện đại Việt Nam trong tầm nhìn các nhà Việt học mãi mãi là những vấn đề thời sự trong đời sống phê bình văn học ở nước ta, tác gia không chỉ luận về thực trạng, mà còn đề ra các giải pháp nhằm nâng cao “tính định hướng”, nhằm mô tả, tổng kết diện mạo “lịch sử các sự kiện văn học” thế kỷ XX, “trên cơ sở khách quan, trung thực, công khai, dân chủ” mang tính phản biện và “trách nhiệm của mỗi cá nhân” (tr. 127,128), từ đó, có cái nhìn tổng kết về thành tựu văn học nước ta trong “tầm nhìn” của các chuyên gia văn học nước ngoài từ thời có trường Viễn Đông Bác Cổ (1902), đến những công trình của giáo sư tiến sĩ Niculin Nicolai Ivanovich (1931 - 2006) cũng là những kiến giải chính xác và những tìm tòi đáng ghi nhận.

Thứ hai, mười một bài phê bình các tác giả, tác phẩm (91 tr.), trong đó có ba bài về thơ, hai bài về văn xuôi, sáu bài về nghiên cứu, phê bình văn học. Ở khu vực văn chương tưởng tượng, nhìn từ đối tượng tiếp cận, tác giả cũng thể hiện những tìm tòi mới, mà không phải bất kỳ công trình phê bình văn học nào cũng có được. Chẳng hạn, đối với Nhật ký trong tù, một tác phẩm đã trở thành kinh điển, là đối tượng của biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, trên con đường đã chi chít những dấu chân ấy, Nguyễn Hữu Sơn đã tìm ra “khoảng trống”, đã đặt bàn chân của người đi sau trong tư thế hết sức vững vàng, đó là tìm ra một đối tượng trữ tình của thi nhân mang ý nghĩa nhân văn, thế giới của tình người, là sự tỏ lòng tri ân đối với những người “không cùng chiến tuyến nhưng có tấm lòng nhân hậu, vị tha, bao dung, tử tế” (Chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân). Nhận diện chân dung Mai Quỳnh Nam, anh đã hai lần tự hỏi: “Thơ Mai Quỳnh Nam có thực là thơ?” (tr.155,158), rồi tự trả lời lặp đi lặp lại rằng: “Thơ Mai Quỳnh Nam kén chọn bạn đọc” (tr.158,164). Câu trả lời mà dường như chẳng phải trả lời, mà để ngỏ cho người đọc tự trả lời trước “những bài thơ chỉ viết hoa chữ mở đầu, không có dấu cuối cùng, không có dấu cuối bài, để mở câu chữ ùa tràn về phía người đọc” (tr.158). Với Trương Đăng Dung, người vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (mà theo tôi, là giải thưởng tương đối danh giá và thực chất nhất hiện nay), Nguyễn Hữu Sơn có cách Đọc “liên văn bản” Trương Đăng Dung qua “Những kỷ niệm tưởng tượng” và chỉ ra được cái cốt lõi “thực ra là những ám ảnh hiện sinh về cõi đời sắc sắc không không, về thân phận con người bào ảnh mong manh, về giới hạn hữu hạn mang đầy tính kinh nghiệm của kỷ niệm và khoảng mênh mang bất định hàm chứa những hoài niệm khát khao xuôi theo miền tưởng tượng” (tr.166). Với văn xuôi, anh nhận diện chân dung cây bút trẻ Nguyễn Phúc Lộc Thành, thông qua tiểu thuyết Cõi nhân gian và tập truyện ngắn Táo vàng tục lụy; hoặc với tiểu thuyết Ba người khác của Tô Hoài, một thời gây xôn xao dư luận, Nguyễn Hữu Sơn có một cách đọc khác, một cái nhìn khác tỉnh táo hơn, so sánh với những tác phẩm của nhiều tác giả khác viết về cùng đề tài, hoặc của chính tác giả, để cuối cùng chỉ ra rằng: “Tác phẩm thiếu đi nguồn sáng nhân văn, thiếu đi niềm tin vào con người, thiếu đi tính bi kịch và niềm ân hận cao cả thì thật không dễ cảnh tỉnh, thức tỉnh được con người trước bài học quá khứ” (tr.183).

Ở khu vực văn chương lý trí, Nguyễn Hữu Sơn Đọc những cách đọc và thử đọc Nguyễn Huy Thiệp là cách luận giải về những cách đọc khác nhau cùng một hiện tượng văn học độc đáo nhất cuối thế kỷ XX, qua công trình sưu tầm, biên soạn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp của nhà phê bình văn học thời danh Phạm Xuân Nguyên; lướt mắt Nhìn lại một chặng đường văn học, một công trình nghiên cứu văn học yêu nước và cách mạng trên các đô thị miền Nam (1954 - 1975) của giáo sư Trần Hữu Tá; rồi khảo về công trình phê bình chân dung văn học đặc sắc của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh Nhà văn Việt Nam hiện đại - chân dung và phong cách, để chỉ ra những tinh tường của một “chuyên gia đồ cổ (...) nâng niu trên tay chiếc bình gốm, xoay dọc xoay ngang để nhận xét về chất liệu, hoa văn, màu sắc, hình khối, tỉ lệ và đoán định những là niên đại, nguồn gốc, công dụng, ý nghĩa... Nguyễn Đăng Mạnh cũng nâng niu từng trang văn mà hình dung, phát hiện, khẳng định những tài nghệ, vẻ đẹp, nét đặc sắc, chiều sâu nghệ thuật... (tr.218). Ba công trình phê bình còn lại đi qua dưới mắt Nguyễn Hữu Sơn là của những người có tham gia sáng tác, tạt ngang ngôi nhà phê bình văn học, không phải lạnh lùng phán xét một cách tỉnh táo mà là cảm thông, đồng cảm, đồng hiện với cảm xúc cảm tính và tư duy lý tính để mà thẩm định văn chương. Đó là Những gương mặt, những trang đời của Vân Long, Biên độ của trí tưởng tượng của Đông La, hoặc tác phẩm đã từng đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 Tranh luận văn học và những câu chuyện thời sự về đời sống văn học nghệ thuật Văn đàn - thời sự và bình luận của Nguyễn Hoàng Sơn. Đọc những bài phê bình tác phẩm, tác giả này mới thấy Nguyễn Hữu Sơn không chỉ sắc sảo trong những thẩm định, kiến giải những vấn đề văn học sử, với sự phối hợp giữa tư duy đồng đại và lịch đại, mà còn đối với những vấn đề đời sống văn học đang diễn ra, anh cũng có sự nhạy bén, quan tâm với tất cả tâm huyết của một người mê đắm văn chương và có sự luận giải thấu tình đạt lý, ngay cả sự không đồng tình và phê phán đối với trường hợp tiểu thuyết Ba người khác của nhà văn tài danh Tô Hoài.

Thứ ba, loạt bài tranh luận với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, gồm có sáu bài (71 tr.) đã từng in trong Về một “hiện tượng” phê bình (1998), công trình biên soạn dày 572 trang, gồm sáu mươi bài trao đổi với Trần Mạnh Hảo “của nhiều tác giả khắp trong Nam ngoài Bắc” (tr. 7), nên sáu bài viết của Sơn đặt vào trong đó bị “lút mất”, khó nhận ra những tư tưởng cơ bản xuyên suốt làm nên phong cách văn hóa tranh luận của một cây bút mới vào nghề đã báo hiệu sự khẳng định vững vàng. Nay được tách riêng ra, in lại trong tập này, mới thấy nổi bật chân dung hình tượng của một chủ thể, vừa có sự phân tích, biện giải hợp tình, hợp lý, vừa sắc sảo, kiên quyết, không khoan nhượng. Tôi có cảm giác, từ cách xuất chiêu, ra đòn đều biến hóa khôn lường, vừa chủ động giữ lại những trữ lượng, những thành công lực cần thiết để hộ thân, nói chung là có thể đạt đến mức cảnh giới của một người có võ công đáng để cho võ lâm phải lưu tâm, nể phục. Đó là những bài viết tập trung vào các vấn đề sau: Một, bài Bàn về cách đánh giá một công trình lý luận văn học và việc viết sách giáo khoa nhằm đáp lại bài Lý luận văn học hay cảm luận văn học của Trần Mạnh Hảo phê phán tác phẩm Lý luận văn học - vấn đề và suy nghĩ của hai giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phương. Hai, hai bài Để hiểu bài giảng Truyện Kiều trong sách giáo khoa Lời kết “để hiểu bài giảng Truyện Kiều trong sách giáo khoa để trao đổi lại các bài Truyện Kiều trong sách giáo khoa Viết Kiều, Nguyễn Du không tưởng tượng, hư cấu của Trần Mạnh Hảo nhằm phê phán Bài giảng Truyện Kiều của giáo sư Nguyễn Lộc trong sách giáo khoa. Ba, ba bài viết nhằm vào chính công trình phê bình văn học của Trần Mạnh Hảo là Đọc “Phê bình phản phê bình”, Nói thêm về “Phê bình phản phê bình” Lời kết về một “hiện tượng” phê bình. Trước hết, phải cảm thông với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, là người sáng tác, thường hay bốc đồng, cảm tính, lại có chút tài tử ngông nghênh, tự phụ, cả vú lấp miệng em, nhưng đụng phải những vấn đề học thuật, tư liệu sách vở, dễ lộ ra những kẽ hở có tính sở đoản. Là nhà nghiên cứu văn học, Nguyễn Hữu Sơn có đủ điều kiện để huy động một vốn kiến văn tương đối đồ sộ, cả một binh đoàn những sách là sách và luận bình một cách có cơ sở khoa học, đưa ra những luận điểm rành mạch và có luận cứ để chứng minh một cách mạch lạc, vạch rõ những thiếu hụt về kiến thức, về thói hàm hồ nói ngược, quy chụp, tiền hậu bất nhất của đối phương.

Thật lòng mà thừa nhận, đọc xong loạt bài trao đi đổi lại của cả hai bên, tôi thương anh Trần Mạnh Hảo vô cùng. Anh là một trong những nhà thơ thành danh thời chống Mỹ mà tôi yêu quý và kính trọng, tôi đã từng say mê những câu thơ trữ tình thế hệ, trữ tình đất nước trong những Mặt trời trong lòng đất, Đất nước hình tia chớp... chói sáng lý tưởng cả một thời tuổi trẻ đi qua trong chiến tranh của tôi, nay thấy anh “lâm trận” tôi áy náy vô cùng. Tuy rằng, Nguyễn Hữu Sơn tranh luận vẫn giữ ở mức độ là người có học, có văn hóa và là người đi sau trên con đường văn học.

Không phải đọc công trình này tôi mới nhận ra mà càng nhận ra, rằng Nguyễn Hữu Sơn hao hao giống Lại Nguyên Ân về phong cách làm việc dựa trên văn bản. Anh Ân là nhà văn bản học nổi tiếng trong giới mà tôi từng biết. Đến khi gặp Sơn, thấy anh mày mò, chịu khó sưu tầm, phải nói là săn lùng, những văn bản liên quan để viết bài Thời thơ mới bàn về thơ mới (không chỉ một bài, mà từ đây anh chẻ ra nhiều bài khác, như bài Thời thơ mới bàn về thơ Nguyễn Đình Thư đã từng in gần đây trên Tạp chí Sông Hương), khiến tôi là người cùng nghề, phải phục sát đất, vì thấy “tuy không cao nhưng phải ngước nhìn”...

Như đã nói, là người dạy học, do nghề nghiệp quy định, thỉnh thoảng có tham gia công việc nghiên cứu phê bình văn học và tôi tự nhận cho nó sang là người cùng nghề với Nguyễn Hữu Sơn. Mà đã là cùng nghề, thường chỉ đọc của nhau, chứ không dám luận bàn thành tựu của đồng nghiệp. Nhưng đọc Luận bàn văn chương của Nguyễn Hữu Sơn, tôi không thể xem như vô can, không thể không cùng tham gia vào dòng chảy của thế giới tâm hồn, sự nghiệm sinh và tư duy của tác giả. Bởi vì, phê bình của anh không chỉ là sản phẩm của lý tính, không chỉ là văn chương lý trí mà anh viết với tất cả tâm hồn, trong đó có cả đời sống tình cảm của cả một quãng đời trải nghiệm, một người “thuộc thế hệ những người sinh ra sau thời cải cách ruộng đất và trưởng thành chủ yếu vào giai đoạn chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội” (tr. 177), đã cuốn hút tôi cùng tham gia luận bình. Đọc Nguyễn Hữu Sơn, cái hình tượng chủ thể, hình tượng tác giả của nhà phê bình bỗng hiện ra giữa trang văn, có thể hình dung được cuộc sống của thời đi học, thời ở lính, rồi trở thành nhà nghiên cứu cần mẫn, kiêm nhà giáo mẫu mực ở các trung tâm đào tạo, các trường đại học, những nơi thường mời Sơn đến giảng. Tôi càng tâm đắc với những gì Sơn thể hiện trên những trang giấy, mang hơi thở, hơi ấm tâm hồn anh, tôi càng tin tưởng một cách chắc chắn rằng, anh sẽ còn có nhiều công trình nghiên cứu, phê bình chững chạc hơn trong tương lai, những công trình thể hiện rõ sự thẩm định một cách tự tin của chính tác giả, vượt qua những trích dẫn dài dòng mà đôi lúc đôi nơi trong luận bình anh còn mắc phải.

Trại sáng tác Tam Đảo 3/2013
P.P.P
(SH291/5-13)



............................................
1. Nguyễn Hữu Sơn, Luận bình văn chương, Nxb. Văn học, 2012, tr.6. Những trích dẫn  chỉ đánh số trang, là trích từ tác phẩm này.
2. Xin xem Phạm Phú Phong, Mây của trời rồi gió sẽ mang đi, Nxb. Lao động, 2009.
 






 

Các bài mới
Giấc Adam (29/05/2013)
Các bài đã đăng
Sống trong Diễn (24/05/2013)
Lậu chữ (21/05/2013)