Tạp chí Sông Hương - Số 291 (T.05-13)
Phạm Tấn Hầu - người của mộng
09:10 | 30/05/2013

LÊ MINH PHONG

Đừng đặt tên cho họ…
Có thể họ còn vô vàn những cuộc phiêu lưu khác nữa.

                           (Robbe - Grillet)

Phạm Tấn Hầu - người của mộng
Phạm Tấn Hầu qua cái nhìn của Lê Minh Phong

Hẳn nhiên, từ khởi thủy mù lòa lại là thấu thị. Kẻ tiên tri không lý giải ngoại giới bằng đôi mắt sáng. Trong sự mù lòa họ lấy nội giới phóng ra để thấu cảm ngoại giới và vượt thoát khỏi sự quy định của đôi mắt để dự phóng về những ảnh tượng ở phía chìm khuất.

Phạm Tấn Hầu không ngổ ngáo đến mức tự vỗ ngực để loan báo rằng mình là một kẻ tiên tri nhưng trong thơ chàng người ta thấy chàng đã nhắm mắt để được thênh thang trong cõi nội giới.

Thế giới anh đã ngỏ lời (1)- hay là sự ra đi của một kẻ bị lưu đày

Chàng đã ra đi từ đó, chàng đã ngỏ lời với thế giới và lên đường, đi trong khi mắt chàng vẫn nhắm, bắt chước cái cách mà Rimbaud đi trong miền hoan lạc của hắn. Trong cơn mê loạn chàng tự đốt đuốc và đi theo vết máu của những người thợ săn. Chàng đã ra đi, bởi chàng biết “Tương lai bao giờ cũng đã và cũng sẽ thuộc về thi sĩ.”(2)

Anh đi theo vết máu của những người thợ săn

Lần theo vết máu của những người thợ săn, chàng đi tìm một cái gì đó trong chàng và ngoài chàng, đi tìm cái mà ở trong mơ chàng thấy được. Chàng đi trong một niềm tin mang tính huyễn mộng, một niềm tin có trong truyện cổ bắt nguồn từ sợi dây vô thức tập thể (collective unconscious) trong bản ngã của chàng. “Một thứ vô thức được tạo nên bởi những cổ mẫu, đó là những hình thức tiền tồn hay là những hình thức nguyên thủy”(3) luôn âm ỉ và réo gọi vô thức sáng tạo trong chàng. Và thế đấy, huyền thoại thì bao đời vẫn thế, lung linh và không rõ hình thù. Chàng lần theo vết chân của những gã khổng lồ để tìm về với huyền thoại như Joyce, Kafka, Eliot... cùng với những người không chịu bó mình trong thế giới hiện thực trần trụi như Th. Mann, Marquez, Cao Hành Kiện... Từ đó chàng “xem huyền thoại như là công cụ tổ chức chất liệu nghệ thuật, là phương tiện diễn tả những nguyên tắc tâm lý vĩnh cửu”(4)

Và anh đã đi tìm
như tìm theo một niềm tin nào trong truyện cổ


Đang cư lưu trong cõi tình nhưng chàng vẫn hoài nghi bởi một điều gì đó, hoài nghi về những nỗi đau, về sự lạc loài, vong thân và cả về những giá trị cần minh định lại. Những bước chân đầu tiên đi qua địa hạt tình yêu ta tưởng chàng sẽ tìm thấy một hơi ấm, một ngọn lửa vĩnh cửu sưởi ấm con tim cuồng loạn của chàng. Nhưng không, bằng sự cô đơn ghẻ lạnh của thực tại và với sự cô độc của thi sĩ chàng lại tiếp tục hoài nghi ngay trong khi chàng đang lần về với những nguyên mẫu (Archétype) khi chàng viết:

Vì chó sói vẫn còn trên đồng hoang
và những nàng tiên thường đến muộn


Chàng ra đi như một sự rũ bỏ lại định mệnh, nhưng từ lúc ra đi cũng là từ lúc chàng quay về. Chàng quay lại để tìm bản ngã đã bị đánh mất của mình. Bởi chàng biết trước tiên hãy chính là mình. Hãy là mình câu nói của Nietzsche đã ám lấy tâm thần chàng cũng như nhiều thế hệ khác ở phương Tây. Vì thế trong khi gặm nhấm nội giới chàng lại đơn độc làm một cuộc trở về để lấy lại những thanh âm trong trẻo đã vụt mất:

Tôi đang trở về đây. Tôi trở về trong mỗi ngày qua và trong niềm mơ mộng của tôi...
Tôi đang trở về đây. Tôi trở về bởi không thể nào chịu nổi
tiếng nói của mình cứ bị uốn cong
và tắt dần đi trong cổ họng
như một con chim bị bóp nghẹt lẻ loi...


Chàng trở về nhưng cũng là dự phóng tới những vùng mơ. Sự mơ mộng khiến cho thơ ca của chàng hoài thai. Sự mơ mộng dẫn bước chàng tìm đến hoa trái của sự mơ về (rêver à), như chính triết gia Bachelard thường dự cảm. Vì thế bằng cách trở về để tìm lại chính mình, tìm lại những điều đã bị đánh mất trong hoàng hôn để rồi chàng lại tiếp tục nhắm mắt và can dự vào những cuộc chơi mới. Nhưng cuộc chơi không có ai ngoài chàng. Một mình chàng rong chơi trong thế giới chữ nghĩa vô tận của đời chàng. Một cuộc đi mà không bất cứ một vị thần ngổ ngáo nào dám thảo ra những bộ luật hòng trói chân chàng. Một cuộc chơi có trái đắng, có yêu thương, có cả sự kiên trinh song trùng với man trá và bội bạc.

Đầu óc cuồng loạn của chàng bay bổng trên những niềm mộng mơ nhưng hai chân của chàng vẫn bám rễ xuống mặt đất khi chàng cất bước, bởi thế bản thể của chàng vẫn bám víu vào sự sống khi trái tim và khối óc của chàng khát khao vượt thoát khỏi những đường ray cũ mèm của lý tính bày ra. Trong bước chân của một kẻ lữ hành bị lưu đày trên mặt đất chàng bắt đầu bước lên sân khấu. Nơi đó chàng diễn một mình, một vỡ diễn mà ngay chính chàng cũng không thức nhận được giới hạn của nó.

Một vở kịch khác
bắt anh diễn một mình
và đêm tối nổi rõ anh thành cái đích
đêm cuối cùng còn sót lại
trên những số phận nhỏ nhoi


Phạm Tấn Hầu trong cuộc ra đi của mình, chàng khát khao tìm đến bản chất của thế giới bằng cách dựng lại (chữ của chàng) và cấp ý nghĩa cho một sự tồn tại mới, một sự tồn tại nằm ở một chiều logic khác. Vì thế có những thần tượng phải ngủ im trong những buổi hoàng hôn của họ.

Tôi dựng lại từ trong giông bão
một cành cây chưa có lời ca
một cành cây gầy như em bé
muốn nắm một ít ước mơ nhỏ nhoi trong đời.


Rồi một mai khi đi qua bến lú bờ mê, khi băng qua khỏi những ngày giông bão, khi thoát khỏi vùng lầy sa đọa, chàng bắt đầu thấy được những ảnh tượng hồi sinh trong tâm can của một kẻ lưu đày mơ mộng.

Tôi dựng lại từ trong giông bão
một cành cây lòng nặng yêu thương
cho em bé ngây thơ tập đánh vần trở lại
cây của tôi và hoa trái về em


Trong niềm mơ về với thể tánh của thi ca (mượn chữ Lê Tuyên) chàng muốn tưới yêu thương lên vạn vật, chàng muốn cấp ý nghĩa trở lại cho sự sống trên hành trình ra đi thăm thẳm của chàng. Sự đi của chàng là sự đi trong chuỗi nối tiếp, nối tiếp nhưng là nối tiếp trên những mê lộ khác, trên những con đường khác, con đường mang tâm thức của riêng chàng.

Trên con đường khác
Chúng tôi thắt chặt dây giày
và tiếp tục đi.


Chàng không đi lại những con đường xưa cũ, sự phóng thể trong tâm can đưa chàng tiếp tục ra đi như thế, đi trong mộng mơ, đi trong dự phóng. Chàng đi và hoan lạc với dòng máu của chính mình. Đó là dòng máu của sự thật, chàng soi mình xuống dòng máu của chính mình để nhận diện được mình, để thoát khỏi những vở diễn vô lối đã ám lấy chàng khi chàng tự chuốc lấy những khuôn mặt nạ trong sự hiện hữu nơi dòng đời thị phi.

Tôi tìm thấy sự thật về dòng máu của tôi
như người ta tìm thấy giữa tro than
chiếc gương soi bóng hình hi vọng


Chàng là một thi sĩ, một thi nhân bị lưu đày giữa chính trần thế. Không biết ai xui khiến chàng trở nên mơ mộng đến như thế. Trong lộ trình Thế giới như anh đã ngỏ lời chàng thực sự chưa thể vượt thoát như đường bay của phượng hoàng, đôi cánh của chàng đã cử động nhưng chưa thể tung bay. Bởi chàng đã dại khờ ngỏ lời với thế giới chứ chàng chưa thể phủ nhận thế giới để tìm đến một thế giới cao hơn - thế giới linh thiêng trong cõi sáng tạo. Chàng bước đi mong thấu tận ngoại giới bằng chính tâm thức của kẻ lưu đày muốn vượt thoát nhưng rồi chàng vẫn bấu víu vào thực tại và đau đớn nhận ra.

Đó là thế giới anh đã ngỏ lời
Một nửa còn trong bóng tối
Một nửa chìm trong mưa

Những con chim của bóng tối
(5)- hay là sự vượt thoát của một kẻ biết hoài nghi

Đến đây thì chàng mới thực sự dấn bước. Lạc bước trong thế giới nhận thức luận phức hợp hôm nay chàng lại tiếp tục hoài nghi. Chàng bước đi trong sợ hãi, hoan ca và cuồng nộ. Thi ca lại một lần nữa khiến chàng hoan hỉ phơi bày những góc khuất của thân phận. Từ chính tâm thức của mình Phạm Tấn Hầu bắt đầu rút tỉa thế giới và để cho thế giới rút tỉa chính mình. Thông hiểu thế giới bằng chính sự hoài nghi của chàng. Gã Réflexion, gã Se Decider đã song trùng cùng với tâm can của chàng đã cứu rỗi cho chàng những phút giây chàng chạm chân vào bến lú. Có thể trong niềm mơ mộng ấy, chàng đã hướng về thế giới của Henry Miller: “Thế giới chỉ bắt đầu rút tỉa được đôi chút từ nơi tôi kể từ lúc tôi ngừng là một thành phần trang nghiêm của xã hội và trở thành chính tôi.”(6)

Ta hãy lắng nghe chàng nói:

Không còn thời nào để so sánh
Gam màu đỏ này với nỗi đau đã chìm trong máu
Rừng đã đan kín lại và những nhánh cành ký ức


Từ chính những nỗi đau đớn chàng đã có được tự do bát ngát khi chính chàng không còn là một thành phần trang nghiêm của xã hội. Từ đây một sự hoài nghi chớm nở và đó cũng chính là mầm mống cho sự phản tỉnh và vượt thoát trong thi giới của chàng. Bước sang thế kỷ XX nghệ thuật quay trở lại soi xét chính mình trong sự đổ vỡ của những cái mà trước đây người ta tưởng như là những khế ước vĩnh cửu. Và theo cách nhìn của F.David Peat thì thế kỷ XX của chúng ta “trớ trêu thay nó lại kết thúc trong sự bất định, mơ hồ và hoài nghi.”(7) Chúng ta đang sống trong sự quy định của tổ tiên, những người đi trước cấp ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta bằng thứ lý tính khô khan của họ. Suy cho tới tận cùng thì những triết gia nổi loạn nhất hay những thi nhân cuồng say nhất là những kẻ ngông cuồng đạp đổ và quẳng ném thần tượng của họ vào trong sâu thẳm của những buổi hoàng hôn mờ đục. Cũng chính vì thế mà Nietzsche là một trong những kẻ ngang nhiên can dự vào sự vĩnh cửu. Một lần nữa điều này lại khiến cho Phạm Tấn Hầu mơ mộng, mơ mộng đến mức tủi hờn và nức nở:

Và đó là khoảng trống
còn lại trên đường phố này
để ta úp mặt
khóc


Từ những ý tưởng quái đản của mình chàng lại tiếp tục đi. Chàng lầm lũi bước qua thời kỳ sa đọa của lương tri, thời mà nhân sinh đang trôi vào sự lâm nguy bất khả cứu rỗi. Chàng bấu víu vào những vết thương, lưu trú trong từng nỗi đau của thân phận rồi biến thể sáng tạo tới những vùng đất hứa, bất khả vãn hồi. “Tất cả mọi vật ngoại giới chỉ là hình ảnh do cơ tâm phóng chiếu ra.”(8) Quả như thế thật. Thế giới vượt thoát của Phạm Tấn Hầu là một thế giới hoài thai từ chính cơ tâm phóng chiếu ra, bởi thế nó trở nên ma mị và huyền ảo mang sắc màu huyền thoại, huyền thoại về những nỗi đau và về những điều đã mất, bây giờ chúng chỉ là những hình ảnh mù mờ như những di chỉ huyễn hoặc của ký ức:

Giữa chập chờn huyền thoại người cha
bị còng đi giữa khuya cùng lá cờ trong ngực


Đớn đau - sợ hãi - hoài nghi - cuồng nộ - vượt thoát là những lộ trình chàng đã đi qua rồi hoan hỉ nhảy múa trong sáng tạo. Những nhát búa của chân lý đã cứu chuộc tâm thần chàng trong những cơn đồng ốp mê sảng.

Và ngày một nhiều hơn
sự bất trắc
chúng thích thách đấu
cùng thánh thần của kẻ khác


Những con chim của chàng đã bay lên từ trong bóng tối. “Cái giây phút nửa khuya già nua và sâu thẳm này đang gặm nhấm lại nỗi đau khổ của mình trong mộng mị, và hơn thế nữa nó đang gặm nhấm lại niềm vui tươi hoan lạc. Bởi vì khi đau khổ đã sâu thẳm, thì hoan lạc còn sâu thẳm hơn là đau khổ”(9). Từ đau đớn những cánh chim của chàng đã bay lên hòa vào bầu trời hoan lạc.

Đêm hôm trước đỏ bầm
Như máu dồn trong máu
Và lũ chim thức trắng
Vì ngày mai
Là tiếng hát khác


Ảnh tượng mà Phạm Tấn Hầu thêu dệt trong sự ra đi của chàng nó sẽ vượt thoát khỏi sự kiểm tỏa của chàng. Những cánh chim đó có thể trải rộng ra thành một điều gì đó lớn lao mang tinh thần phổ quát. Chúng tồn tại tự thân. Thậm chí độc lập với ý hướng của người sáng tạo. Trong một sự khiêm nhường có thể nhất, nó giống như cái cách mà Miguel de Unamuno đã từng phẫn nộ với Cervantes, bởi cho rằng nhà văn đã không hiểu sự vĩ đại của Quixote. “Bên cạnh tính nghịch lý, không phải ngẫu nhiên, cũng chẳng phải bí ẩn, húy kị hay phi lý, các hình tượng ấy đã không chỉ trở thành những sáng tạo cá biệt, mà còn thu hút các thế hệ, ở những thời điểm và những xứ sở hoàn toàn khác nhau.”(10)

Những vần thơ của chàng có thể loan báo một sự man rợ khủng khiếp trong sự băng hoại của tha nhân. Nhưng những ngọn lửa vẫn chưa tàn. Phạm Tấn Hầu vẫn mơ mộng và mãi mộng mơ. Chàng nhắm hai mắt nhưng linh hồn và thẳm sâu trong nội giới chàng lại rạo rực và linh hoạt. Chàng mơ mộng trong khi chàng không hề thức nhận được mình là một kẻ mơ mộng. Chàng bước đi như một cái bóng nhẹ nhàng. Một chiếc bóng lướt đi trong đêm và nó hoàn toàn không cần đến sự chiếu sáng của loài đom đóm là là trên mặt đất.

Thật vui sướng khi chúng ta bắt đầu thấy lửa từ trong thơ của chàng. Bachelard nói rằng: Ngồi trước ngọn lửa là tình thế trời trao để mơ mộng trỗi dậy, và, hơn thế: “Con người mộng mơ trước bếp lửa, ngược lại, là con người của chiều sâu và của sự tiến triển.”(11) Lửa của Phạm Tấn Hầu là lửa của mộng mơ, lửa của mơ về (rêver à) một điều gì đấy trong sáng tạo. Lửa của chàng là lửa đi ra từ huyền thoại, lửa tạo sinh và lửa hủy diệt:

Mắt em là đêm trắng
Đốt tàn bao ngọn lửa si mê


Và có khi đó cũng là lửa của sự vụt mất, vụt mất để hoài thai nên những ngọn lửa hủy diệt mới.

Ngày sẽ đi qua đời tắt dần ánh lửa.

Rồi một lần nữa ngọn lửa mới lại bùng lên trong niềm kiêu hãnh của chàng:

Anh đã thổi lên
như nhóm lửa
mặc mưa gió dập vùi


Chàng tìm về với lửa như một thứ khát vọng tìm đến sức mạnh có sức lan tỏa lớn, vượt qua mọi rào cản để đi tìm đến bến bờ của huyền thoại. Lửa của chàng là lửa khởi nguyên của sự sống và sức mạnh vĩnh hằng của sáng tạo. Lửa của chàng là biểu tượng của sự tạo sinh cũng như sự hủy diệt, lửa là nơi để chàng tẩy uế cũng như là nơi để chàng giao tiếp với thần linh trong niềm mơ mộng của mình. Lửa hiện hữu trong cuộc chơi của chàng. Một cuộc chơi mà mọi giá trị đều được cào bằng. Những phát ngôn trở nên không còn thứ bậc trong một hệ hình (paradigme) mới đã được làm phẳng. Vì thế chàng đã phá vỡ, xô nát và làm vỡ vụn những quy tắc đã được găm sâu trong lí tính. Và một lần nữa chàng lại khao khát ôm trọn giấc mơ của mình trong hình thể trọn vẹn của nó:

Cho giấc mơ tôi có rõ ràng khuôn mặt

Sáng tạo là tìm đến những giá trị tồn tại khác. Trong hành trình truy tìm gốc rễ của lý trí và trực cảm, Phạm Tấn Hầu đã khai quật sự u mê tăm tối nương náu trong mình. Truy tìm căn nguyên của sự u mê u lì (mượn chữ Bùi Giáng) rồi tự mình mở ra một ban mai của riêng mình để cho Những con chim của bóng tối vút thẳng lên trời xanh.

Cuối cùng trong cơn mơ mộng, Phạm Tấn Hầu đã trở thành một chủ thể, một chủ thể cá biệt có thể mơ mộng và thực sự chàng đã mơ mộng. Một lần nữa ta hãy nghe chàng thì thầm với ta trên dòng mê lộ chàng tìm về với huyền thoại mới:

Để tình yêu
Luôn được trở về
Trong màu huyền thoại mới.


L.M.P
(SH291/5-13)

------------------------
1. Tập thơ của Phạm Tấn Hầu, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, 1990.
2. Xem thêm, Henry Miller, Thời của những kẻ giết người, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Nxb. Văn hóa Sài Gòn 2009.
3. Xem, E.A. Bennet, Jung đã thực sự nói gì?, Bùi Lưu Phi Khanh dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin 2002, tr74.
4. Xem, E. M. Meletinsky, Thi pháp của huyền thoại, Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch, Nxb. ĐHQG Hà Nội 2004.
5.Tập thơ của Phạm Tấn Hầu, Nxb. Văn học 2011.
6.Henry Miller, Nói về sáng tạo. Xin xem thêm Nguyễn Hữu Hiệu, Con đường sáng tạo, Nxb Trẻ 2002, tr21.
7. Xem, F.David Peat, Từ xác định đến bất định - Những câu chuyện về khoa học và tư tưởng của thế kỷ 20, Phạm Việt Hưng dịch, Nxb. Tri thức, 2011.
8. Nguyễn Hữu Hiệu, Con đường sáng tạo, Nxb. Trẻ 2002, tr25.
9. Xem, Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm dịch và giới thiệu, Nxb. Văn học 2008, tr 525.
10. Xem, Claudio Maggiis, Không tưởng và thức tỉnh. Vũ Ngọc Thăng dịch, Nxb. Hội Nhà văn, tr10.
11.Xem, Gaston Bachelard, Phân tâm học về lửa, trong Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Đỗ Lai Thúy biên soạn, Nxb.Văn hóa thông tin, 2004. tr.237. Hoặc xem thêm Nguyễn Mạnh Tiến - Nguyễn Quang Thiều, lửa thức - những mơ mộng nghệ thuật giữa lòng Sự mất ngủ của lửa.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Giấc Adam (29/05/2013)
Sống trong Diễn (24/05/2013)
Lậu chữ (21/05/2013)