Tạp chí Sông Hương - Số 26 (T.7&8-1987)
Những kỷ niệm khó quên
10:37 | 08/07/2013

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Tôi đang chuẩn bị cho những trang cuối của số tạp chí này thì được tin từ thành phố Hồ Chí Minh điện ra: Bác Nguyễn Tuân đã mất! Sững sờ và xúc động quá! Tôi như không muốn tin.

Những kỷ niệm khó quên
Nhà văn Nguyễn Tuân qua ký họa của nhà thơ Hải Bằng

Bác Tuân mất tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) mà tin Bác mất lại từ thành phố mang tên Bác Hồ điện ra, trước cả bản tin Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Đủ biết bạn đọc phía Nam quan tâm biết mấy trước sự ra đi của nhà văn lão thành!

Do công việc của Tạp chí Sông Hương, thời gian gần đây tôi có may mắn được gặp bác Nguyễn mấy lần. Năm ngoái vào quãng tháng 4, tôi đến gặp Bác vừa lúc anh Lý Hải Châu và anh Thúy Toàn đem đến tặng Bác tập ký vừa in xong. Rất vui vẻ. Bác lấy bút ghi tặng tôi một cuốn. Tối nay, khi viết những dòng này, tôi mở tập sách nhìn chữ ký và dòng phụ chú thời gian theo kiểu riêng của Bác: "Hà Nội Xuân con Cọp", lại hiển hiện trước mắt tôi khuôn mặt hồng hào với nụ cười rất hóm của Bác. Tôi còn nhớ hôm đó, Bác lật tờ Sông Hương số 21 và nói:

- Mình không có ý trịch thượng, đặt Nguyễn Tuân trước Huế đâu, ấy là tại người ghi.

Bác nói đến bài hồi ký "Nguyễn Tuân với Huế", do chị Ngọc Trai ghi, in trên Sông Hương 21. Tôi vội đáp:

- Cái vị trí trước sau tùy thuộc ở hiệu quả Bác ạ. Đặt tên Bác trước là phải.

Và tôi kể Bác nghe, vào dịp kỷ niệm mười năm giải phóng, tại hội trường lớn ở Đà Nẵng, tôi được xếp ngồi trước một đồng chí cách mạng lão thành, từng là Bí thư một tỉnh. Lần đầu trong đời tôi được xếp chỗ ngồi cao sang như thế. Có gì đâu, chỉ vì Ban tổ chức muốn tạo điều kiện cho các nhà văn nhà báo làm việc có hiệu quả. Nghe chuyện, Bác Nguyễn nghỉ chốc lát và như chợt nhớ ra ngày mai tôi về Huế bằng ô tô. Bác bảo giọng thân tình:

- À này, nhưng đi ô tô, đừng có ngồi trước. Ngồi chỗ ấy, nếu xe đâm đổ rất dễ bị...

Hôm sau, khi xe đón tôi thì chỉ còn ghế trước để trống. Tôi nhớ lời dặn bác Nguyễn, nhưng chẳng lẽ đùn bạn lên chỗ nguy hiểm, còn mình chiếm chỗ an toàn. Lần đó, về gần đến sông Gianh, xe húc vào một ống cống, trong xe đều an toàn, chỉ mình tôi bị thương vào mặt. Cũng có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng nhiều bạn nghe chuyện bảo tôi: "Cụ thật linh thiêng".

Mới đây, hồi giữa tháng 6, tôi lại có dịp gặp Bác. Muốn xin Bác một bài, một vài dòng cũng được, để in vào số chuyên đề về "Văn hóa du lịch". Nét mặt Bác vẫn hồng hào và cặp mắt, đôi môi chúm chím, nụ cười thật hóm. Biết tôi không hay rượu Bác lấy cốc thủy tinh nhỏ, rót rượu mơ cho tôi, rồi lấy giấy bút, định viết luôn vài dòng cho "Sông Hương". Bác ngẫm nghĩ, nhìn đâu rất xa về phía cửa sổ, đặt bút viết mấy chữ, rồi dừng lại bảo tôi:

- Này, mình định viết thế này, các ông có dám đăng không? Giả sử mất Huế đi.., ừ, cứ giả sử thế...

- Xin Bác cứ viết. Phản đề nhiều khi rất có tác dụng.
 

Di bút cuối cùng của nhà văn Nguyễn Tuân dành cho Sông Hương


Bác lại viết, rồi sửa, nhưng tôi nghĩ, ngồi chờ lấy bài tức thì thế này thì "ép" quá, nên hẹn Bác sẽ trở lại vào một ngày khác. Bác hỏi kỹ ngày giờ, ghi lên tờ giấy mà Bác vừa phác mấy dòng, ghi cả đề nghị của tôi "viết ngắn, vui, ngồ ngộ" rồi vẫn với nụ cười chúm chím, Bác nói:

- Ừ mình sẽ cố viết cho vui, ngồ ngộ. Không biết ông nghĩ thế nào chứ mình thấy văn chương của ta gần đây nghiêm quá. Dân tộc mình có cả kho tiếu lâm, giai thoại. Trong văn chương, có khi nói vui, chơi chơi thôi mà hiệu quả hơn một anh nghiêm chỉnh...

Mấy hôm sau, đúng hẹn tôi đến. Bác đã viết cái "phản đề" trên thành một câu chuyện ngắn 2 trang, có nhân vật. Tôi cầm 2 trang bản thảo của Bác, đâu có ngờ đó là trang viết cuối cùng của Bác cho "Sông Hương". Tôi cũng đã xin Bác trang giấy Bác thảo câu mở đầu và mấy dòng tùy hứng ngang dọc, ở giữa có chữ Sông Hương rất to, như một bức tranh, "để làm kỷ niệm". Chẳng lẽ linh tính đã báo cho tôi điềm không lành chăng?

Trước lúc chia tay Bác tâm sự thoáng vẻ băn khoăn về những trang hồi ký chị Ngọc Trai ghi chưa hoàn thành. Bác hỏi thăm Hoàng Phủ Ngọc Tường (vì nghe anh bị thương ở gót chân)... Và khi tôi gởi tặng Bác bao thuốc lá Huế Bác đón nhận với nét mặt thật khó tả. Tôi chỉ cảm nhận đó không phải là niềm vui bình thường khi nhận một món quà mà nó lớn lao, có ý nghĩa hơn. Hình như bao thuốc trên tay Bác là một kỷ vật của một miền quê mà Bác đặc biệt thương yêu. Rồi như là cảm động, lúng túng, Bác vừa đứng dậy vừa nói: "À, có cái này", Bác lấy mấy miếng kẹo mè xửng (mà ai đó vừa tặng Bác) đem mời tôi. Món quà xứ Huế gợi Bác nhắc đến một đặc sản khác của cố đô: Tôm chua. Tôi đã hứa:

- Hôm nào có người ra, xin gửi đến Bác.

- Ừ, nhưng nhớ đừng có bỏ tỏi.

Và Bác cười nụ cười chúm chím rất hóm của riêng bác Nguyễn.

Mọi chuyện mới đó mà, như đang hiển hiện trước mặt tôi. Bản thảo cuối cùng của Bác "Sông Hương" chưa kịp đăng, cũng chưa kịp gởi lọ tôm chua ra biếu Bác, vậy mà Bác đã đi xa, vĩnh viễn!

Ở xa, không được đưa Bác về nơi an nghỉ cuối cùng, xin ghi vội vài dòng kỷ niệm nhỏ gọi là tấm lòng của người Sông Hương nhớ Bác.

Huế 31-7-1987
N.K.P
(SH26/8-87)
 

Hai trang viết cuối cùng của Bác Nguyễn dành cho Sông Hương







 

Các bài mới
Tâm hồn (16/08/2013)
Bức tường (13/08/2013)
Đêm ngâu vào (08/08/2013)
Các bài đã đăng