Tạp chí Sông Hương - Số 26 (T.7&8-1987)
Tìm hiểu hò Bình Trị Thiên
07:44 | 11/07/2013

TÔN THẤT BÌNH

Nếu dân ca là suối nguồn cảm hứng của nhân dân lao động trong cuộc sống thì hò là phương thế thể hiện tâm tình tràn đầy xúc cảm một cách trung thực nhất.

Tìm hiểu hò Bình Trị Thiên
"Một nét Sông Hương" - Ảnh: Diệp Thừa Hồng

Miền trung Việt Nam vốn là vùng đất phong phú các làn điệu hò so với cả nước. Ngay từ đầu thế kỷ XVI Dương Văn An đã có những nhận xét về lòng yêu thích văn nghệ dân gian - đặc biệt là Hò của dân xứ "Ô châu ác địa":

"Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hạ đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca. Lễ an táng thì chôn cất rất nhanh không có lệ cúng sớm cúng chiều, nhưng khi cúng tế thì bày cỗ bàn linh đình tốn của hàng ức hàng vạn vô cùng hoang phí. Làm ma chay trong nhà thì múa hát trước quan tài gọi là "hò đưa linh".

Người dân vùng này đã hò khi lao động đã đành, họ còn dùng làn điệu hò để tiễn đưa người và vật chết, để dụ em bé ngủ, để vui chơi, có thể nói người ta hò bất cứ lúc nào và bất cứ trường hợp nào.

Hò Bình Trị Thiên phong phú, đa dạng, đủ các làn điệu hò trên cạn, dưới nước. được phân bố đều từ vùng trung du, đồng bằng đến vùng biển có đến 40 làn điệu hò. Đó là một con số đáng ghi nhận trên một vùng đất dài mà hẹp, giàu thổ ngữ địa phương, có bề dày văn hóa như ở Bình Trị Thiên.

Ta có thể liệt kê các làn điệu hò từ Bắc vào Nam của tỉnh Bình Trị Thiên để thấy rõ những nét đặc thù của từng địa phương, đồng thời cũng thấy được một cách tương đối có hệ thống về hò ở vùng đất này, và sự giao lưu văn hóa giữa các phần đất trong tỉnh. Dựa trên tính chất công việc mà hò thể hiện, ta có thể phân loại hò ở Bình Trị Thiên như sau: (1)

A - Hò lao động sản xuất và nghề nghiệp gồm:

Ở Quảng Bình có 16 làn điệu:

1. Hò là (với vế xô là hò là và hố la) dùng khi kéo buồm, phổ biến ở vùng biển Bố Trạch, Quảng Trạch.

2. Hò hí la (với vế xô hò hấy là hò khoan): dùng khi đẩy thuyền, kéo buồm, chèo thuyền, phổ biến ở vùng biển Cảnh Dương.

3. Hò hụi Cảnh Dương: là một biến điệu của hò hụi phổ biến ở Trị Thiên.

4. Hò khơi Ngư Thủy: phổ biến ở vùng biển Ngư Thủy, huyện Lệ Ninh, là một biến điệu của hò mái duỗi trong hệ thống hò khoan Lệ Thủy.

5. Hò phơi xăm: dùng để hò khi trải lưới trên bờ biển, phổ biến ở vùng biển Quảng Bình cũ.

6. Hò nậu xăm: điệu hò kéo lưới, phổ biến ở vùng biển Quảng Bình.

7. Hò mái đò: phổ biến ở vùng An Thủy, Kiến Giang, là điệu hò chèo thuyền trên sông.

8. Hò lái trâu: dùng để điều khiển trâu kéo gỗ, phổ biến ở vùng miền núi Quảng Bình, ảnh hưởng nhạc tiết của Vân Kiều.

9. Hò kéo gỗ: dùng để điều khiển trâu kéo gỗ, chỉ phổ biến ở vùng núi Quảng Bình.

10. Hò mái dài: Phổ biến ở vùng núi Quảng Bình, vùng Tuyên Hóa, có tiết tấu chậm, dàn trải.

11. Hò thuốc: còn gọi là hò hôi lên (hôi: hát, hò) hay hò ba nương, phổ biến ở vùng núi Tuyên Hóa, dùng lúc giã rễ cây, để thuốc cá, có âm điệu man dại của núi rừng.

12. Hò Vân: còn gọi là hò nói vân, dùng để hò đối đáp nam nữ ở vùng núi các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, có âm hưởng gần với vè hát ví Nghệ Tĩnh.

13. Hò mái chè: Là điệu hò mở đầu trong một cuộc hò đối đáp ở Quảng Bình, nằm trong hệ thống hò khoan Lệ Thủy. Hò mái chè được hò trong giai đoạn trai gái mời nhau uống nước chè trước khi vào cuộc hò.

14. Hò mái nện. Có âm điệu mạnh, dùng khi nện nền nhà, giã vôi hay đắp mộ ở Quảng Bình.

15. Hò mái ba: Là điệu hò trên cạn, vế xô mạnh mẽ, được xô ba lần trong một câu hò hoàn chỉnh. Tiết tấu giảm.

16. Hò mái nhì Quảng Bình: Âm điệu buồn nặng nề với tiếng đệm "brừ... ừ" dùng khi cày ruộng, đi bừa, xay lúa ở các vùng dọc sông Kiến Giang.

17. Hò mái duỗi: Là điệu hò trên sông nước, âm điệu chắc, khỏe, gần với tiết tấu của hò mái đẩy Trị Thiên. Người hò lợi dụng sức gió dùng buồm hay chèo đưa thuyền đi qua những giòng nước chảy xiết cùng với giọng hò ngân vang.

18. Hò mái xắp: Là một trong những điệu hò chính của hò khoan Quảng Bình (còn gọi là hò lệ hố) điệu hò rất linh hoạt, vui tươi, thắm thiết ân tình, rất phong phú về giai điệu và nhịp điệu, hò mái xắp chủ yếu được hò khi giã gạo, có lẽ vì vậy nên nhiều người cho rằng hò mái xắp là hò khoan Quảng Bình.

Ở Quảng Trị có 3 làn điệu:

1. Hò dô hậy (hay giang hậy) là điệu hò chèo thuyền trên sông nước Quảng Trị.

2. Hò Hải Thanh (hay Như Lệ) phổ biến ở làng Như Lệ, xã Hải Thanh (huyện Triệu Hải ngày nay) xuất hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây là một điệu hò biến điệu của hò mái nhì Trị Thiên.

3. Hò mái nhì Triệu Hải: Cũng là một biến điệu của hò mái nhì, nhưng không dùng khi hò chèo thuyền, mà được hò khi kéo sợi dệt vải, nam nữ hò đối đáp.

Ở Quảng Trị và Thừa Thiên có các điệu hò:

1. Hò ô (còn gọi là hò mái ô): Với tiếng đệm ô ô ô kéo dài đầy tính trữ tình, dùng khi đạp nước, nhổ cỏ, đi cày, đi bừa hay đi theo trâu, đây là điệu hò đơn, thể hiện tâm tư thương nhớ xa xôi.

2. Hò giã gạo (hay hò hoan): phổ biến ở khắp Trị Thiên, có tiết tấu nhanh, vui, linh hoạt.

3. Hò lợ: Là điệu hò cấy lúa.

4. Hò xay lúa: được hò khi xay lúa, đầy tính chất thắm thiết, trữ tình.

5. Hò hụi. Với tiếng đệm: (hù là khoan) mạnh mẽ được hò khi nện đất, đắp nền nhà, còn được hò khi đắp mộ. Đây là điệu hò của tập thể.

6. Hò quết vôi: Để hò khi giã vôi, là một biến điệu của hò hụi.

7. Hò kéo thác: hò khi kéo gỗ qua thác. Phổ biến ở vùng núi Trị Thiên.

8. Hò đẩy noốc: Phổ biến ở vùng biển Trị Thiên, dùng lúc đẩy thuyền từ bờ xuống nước hay khi thuyền mắc cạn.

9. Hò nghé (hay nghé ngợ): điệu hò của em bé chăn trâu ở Trị Thiên.

10. Hò mái nhì: Là điệu hò trên sông nước, dùng khi chèo thuyền trên sông, đầm phá ở Trị Thiên.

11. Hò mái đẩy: dùng trên sông nước ở những nơi nước chảy xiết, đây là một biến điệu hò mái nhì ở Trị Thiên.

B - Hò phong tục nghi lễ.

1. Hò đưa linh - chèo cạn ở Quảng Bình: Dùng khi đưa tang ma, đưa đám cá ông voi của ngư dân vùng biển Quảng Bình.

2. Hò đưa linh: ở Trị Thiên, dùng để hò trong đám tang.

3. Hò đua ghe: Dùng để hò khi đua ghe ở Trị Thiên, tiết tấu nhanh, mạnh với tiếng xô ngắn gọn, mạnh mẽ để thúc đẩy động tác.

C - Hò sinh hoạt - vui chơi:

1. Hò bồng bông (hay hò ru em, đưa em ở Quảng Bình) do các chữ bồng bông bồng bồng đệm trong câu hò để đưa em bé vào giấc ngủ, tiết điệu ngắn, đều đặn.

2. Hò ru em Trị Thiên: Dùng để ru em, tiết điệu dài, trầm lắng thiết tha, trìu mến.

3. Hò bài thai: Dùng để hò khi chơi bài thai, tiết điệu nhịp nhàng thanh thoát, phảng phất âm điệu hò mái nhì nhưng không kéo dài.

4. Hò bài chòi: Dùng để hò khi chơi bài chòi.

***

Các công trình nghiên cứu về hò ở Bình Trị Thiên từ trước 1954 đến nay đã tập trung vào 3 khuynh hướng sau:

- Nghiên cứu trên lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật.

- Nghiên cứu trên lĩnh vực văn học

- Nghiên cứu tổng hợp: Văn học nghệ thuật, âm nhạc, dân tộc học, xã hội học v.v...

Một số công trình nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc trong hò Bình Trị Thiên như của Trần văn Khê, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba... giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nguồn gốc một số điệu hò. Nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê giúp chúng ta cứ liệu để đào sâu tìm hiểu về nguồn gốc của điệu hò mái đẩy ở Trị Thiên khi đem so sánh âm giai này với âm giai pélog của âm nhạc dân gian đảo Qua Oa (Za va) xứ Anhđônêziên(2).

Công cuộc khảo cứu này đã đưa đến ức thuyết:

"Hò mái đẩy miền Trung nước Việt và dân ca thuộc hệ thống âm giai Pélog của xứ Anhđônêziên cùng có một nguồn gốc chung, vì những lý lẽ sau đây:

1. Tại tỉnh Darlac miền Cao nguyên Trung Việt người ta đã tìm thấy một nhạc khí của thời tiền sử gọi là thạch cầm (lithophone) gồm có 11 phiến đá mài hình chữ nhật: theo giáo sư André Schaeffner, hệ thống âm giai của thạch cầm tiền sử này gần giống âm giai Pélog. Phải chăng âm giai hò mái đẩy là một hình thức còn sót lại của âm giai thạch cầm này?

2. Khi ta nghe một bài hát Anhđônêziên trong âm giai pélog, ta thấy bài hát này thật rất giống điệu hò mái đẩy miền Trung.

3. Về mặt âm nhạc học, người ta nhận thấy những âm trình (intervalles) của âm giai hò mái đẩy và của âm giai Pélog rất giống nhau, vậy âm giai này có thể cùng có chung một nguồn gốc. Lại có nhà âm nhạc học nhận thấy rằng âm giai Pélog gần gũi ít nhiều với âm giai của nhạc Ấn Độ hay của nhạc miền Trung Á. Ta biết rằng quê hương hò mái đẩy (tỉnh Thừa Thiên) còn thuộc nước Chiêm Thành đến thế kỷ XIV, mà âm nhạc Chiêm Thành cũng như nghệ thuật Chiêm Thành nói chung đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Ấn Độ. Vậy hò mái nhì phải chăng là một ví dụ cụ thể của ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ trên văn hóa Việt Nam qua trung gian văn hóa Chiêm Thành.(3)

Ức thuyết trên rất đáng chú ý và có cơ sở. Suy ra chúng ta sẽ thấy có sự tương quan về nguồn gốc dân tộc người vùng Đông Nam Á. Vấn đề này cần được nghiên cứu sâu hơn để bổ sung kiến thức không những về hò mà còn về dân tộc ở Bình Trị Thiên.

Về giai điệu hò ở Bình Trị Thiên chúng ta thấy có điểm độc đáo là từ các làn điệu hò lao động, nghề nghiệp đến các làn điệu hò phong tục nghi lễ hoặc vui chơi đều có giai điệu lơ lớ (hơi nam giọng ai). Theo sự nghiên cứu của một nhà âm nhạc học, ngũ cung ai (do, Rénon, Fa-rung, sol, la non) này là một sự mới lạ trong dân nhạc của Việt Nam. Ta nên chú ý rằng dân ca miền Bắc quen dùng ngũ cung đúng (do, ré, fa, sol, la), dân ca miền Nam có ngũ cung oán (do, mi, fa, sol, la) giống ngũ cung oán của người Chiêm Thành, vậy ngũ cung ai của Bình Trị Thiên do đâu mà có? Nhà âm nhạc học trên lý giải rằng: có thể là người Việt ở miền Bắc vốn quen dùng ngũ cung đúng, khi Nam tiến đã bị nhạc Chàm với ngũ cung oán quyến rũ, rồi sáng tạo ra ngũ cung ai chăng? Tác giả kết luận đó là một vấn đề cần được nghiên cứu để đi đến một kết luận thống nhất. Chúng tôi nghĩ rằng ý kiến trên rất có cơ sở để tiếp tục nghiên cứu này có thể đi đến kết luận góp phần tìm hiểu hò Bình Trị Thiên thêm phong phú và sâu sắc trong lĩnh vực dân tộc nhạc học ở Việt Nam.

Về tên gọi các làn điệu hò ở Bình Trị Thiên và cách giải thích có nhiều ý kiến khác nhau cần được làm sáng tỏ. Về cách kiểu chữ mái trong hò mái nhì, hò mái đẩy có hai ý kiến khác nhau:

Theo đồng chí Lê Văn Hảo, mái nhì có nghĩa là mái chèo sau: "mái trước gọi là mái nhất, mái sau gọi là mái nhì, hò mái nhì là lúc người trước kẻ sau cùng chèo, cùng hò, hò mái đưa là lúc thuyền buông tay chèo, hò mái đẩy là lúc hai tay cầm chèo xây lưng về hướng tiến mà chèo tức là đẩy(4)".

Một số ý kiến khác từ các nhà âm nhạc học, giải thích mái là lợp mái. Hò mái nhì là loại hò phải xô hai lần lớp mái. Lối giải thích này căn cứ trên quan niệm của nhân dân về nghệ thuật diễn xướng. Một điệu hò thường có lớp trống và lớp mái. Lớp trống còn được gọi là vế kể hay xướng, lớp mái là vế xô, hò mái nhì có đặc điểm là phải xô hai lần lớp mái.

Chúng tôi nhất trí với lối giải thích sau, vì hò mái nhì không chỉ là loại hò trên sông nước, cần dùng mái chèo, mà còn là loại hò trên cạn, như hò mái nhì của Triệu Hải dùng khi quay sợi dệt vải, hò mái nhì ở Quảng Bình dùng khi cày ruộng.

Lối giải thích này còn thích hợp khi cần giải thích các làn điệu hò khác ở Bình Trị Thiên như hò mái ba, hò mái đẩy, hò mái nện, hò mái xắp.v.v... Hò mái ba có nghĩa là xô đứng 3 lần lớp mái, hò mái đẩy là đến lớp mái thì đẩy thuyền tới, hò mái nện là đến lớp mái thì nện chày xuống, hò mái xắp là lớp mái được hò xấp đôi nhanh hơn.

Tuy nhiên, ngày trước nhân dân vẫn có lối gọi tùy tiện miễn sao cho gọn, cho nhanh là được. Hệ thống hò khoan Lệ Thủy có sáu làn điệu khác nhau: hò mái chè, mái nện, mái ba, mái nhì, mái duỗi và mái xắp, được gọi là hò sáu mái. Mái ở đây tương đương với ý nghĩa làn điệu.

Cùng một tên gọi là hò mái nhì, nhưng làn điệu hò mỗi nơi mỗi khác, hoặc do biến điệu, hoặc do sắc thái của từng địa phương mà làn điệu có những nét riêng. Hò mái nhì ở Hải Thanh (hay Như Lệ) Triệu Hải, một vùng thuộc Trung du Bình Trị Thiên, có âm điệu cao và mạnh hơn hò mái nhì trên sông nước ở Bình Trị Thiên. Điệu hò này được dùng rất đắt trong thời kháng chiến chống Pháp để kêu gọi binh lính ngụy trở về với chính nghĩa cách mạng, còn gọi là hò địch vận. Hò mái nhì ở vùng đồng bằng sông Kiến Giang Quảng Bình trái lại âm điệu trầm buồn, nặng nề phù hợp với công việc lao nhọc của người nông dân, thật khác xa với điệu hò mái nhì man mác, mênh mang trên dòng Hương phẳng lặng của xứ Huế.

Về việc gọi tên các làn điệu hò ở Trị Thiên dưới một danh xưng chung, thiết tưởng cũng nên xác định cho đáng với thực tế. Do điều kiện địa lý, lịch sử và ngôn ngữ có nhiều điểm thuận tiện, tương đồng, một số lớn các làn điệu hò ở Quảng Trị và Thừa Thiên có chung một sắc thái. Nó không phải là đặc sản riêng của Huế, mà là sản phẩm chung của Trị Thiên, như các điệu hò mái nhì ru em, bài thai, giã gạo, hò hụi (nện) v.v… Như vậy, dùng danh xưng hò Huế để chỉ các làn điệu hò có mặt tại Huế là một sai lầm. Nó không phải là sản phẩm của giới quý tộc và trí thức ở Huế như ca Huế, nên phải gọi là hò Trị Thiên mới đúng với thực chất của các làn điệu phổ biến ở vùng này.

***

Nhận xét về các làn điệu hò nổi tiếng ở Bình Trị Thiên, các nhà âm nhạc học chú trọng đến làn điệu hò mái nhì man mác, mênh mang trên sông Hương, hò khoan giã gạo rộn ràng, thắm thiết ở Quảng Bình, Quảng Trị, hò ô vang vọng xa vắng não nùng trong đêm khuya ở đồng bằng Thừa Thiên. Trùm lên tất cả các làn điệu ấy, làm nổi bật bản sắc của hò Bình Trị Thiên, chính là lối hò theo ngũ cung "hơi nam giọng ai" rất đặc biệt của dân vùng này. Nét "ai" trong các làn điệu hò đã biểu lộ tâm hồn, tính cách con người Bình Trị Thiên một cách đậm đà và sâu sắc. Vì qua khỏi đèo Hải Vân, ta sẽ nhận thấy dân vùng này hò với ngũ cung oán như ở Nam Bộ. Nét hò linh hoạt, tuy thắm thiết nhưng không ẩn nét man mác, não nùng như hò Bình Trị Thiên. Ngay trong lối hò vui chơi như hò bài thai ở Trị Thiên, ta vẫn thấy vương vấn nét buồn, trái lại hò lô tô ở Quảng Nam thật vui nhộn, biểu lộ tâm tính ưa hoạt động, vui tươi của dân vùng đất mới.

Vì sao tiếng hò của Trị Thiên lại man mác, não nùng làm vậy? Có nhiều cách giải thích khác nhau dựa trên hoàn cảnh lịch sử, địa lý, sự giao lưu văn hóa dân tộc Champa qua bao thế kỷ, nhưng có lẽ yếu tố cốt yếu vẫn là con người sinh sống từ bao năm ở vùng đất có truyền thống văn hóa và đấu tranh với thiên nhiên lẫn ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước của dân tộc. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của nông dân Bình Trị Thiên dưới chế độ phong kiến, nhìn lại vẫn là đời sống của một giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề mà thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn hẹp hòi đã tác động thật sâu xa trong từng tâm hồn con người để khi cất lên tiếng hò, họ không thể nào không thể hiện nét buồn u uất. Tiếng hò chính là tiếng lòng của quần chúng, nhân dân lao động là nỗi niềm chất chứa từ bao đời, là tâm sự riêng được bộc lộ trong một hoàn cảnh và một không gian riêng biệt. Thể hiện tâm tư của người nông dân vốn "vui ít khổ nhiều". Như ở Bình Trị Thiên, có lẽ tiếng hò ở vùng đất này có khả năng bộc lộ mạnh mẽ và sâu sắc nhất.

Nhưng vốn là nơi có văn hóa truyền thống, các câu hò ở đây vẫn có một giá trị cao về văn học. Có thể nói Bình Trị Thiên là nơi phát sinh các câu hò ru em đằm thắm, hò mái nhì đầy tính trữ tình, hò bài thai thanh nhã, hò khoan giã gạo thiết tha, sâu sắc xứng đáng được chọn là những câu hò tiêu biểu cho giá trị văn học dân gian toàn quốc:

Núi cao chi lắm núi ơi.
Núi che mặi trời không thấy người thương...


Hoặc

Đêm năm canh mơ màng bóng bạn Ngày sáu khắc nhớ dạng thương thầm
Nào ai nhắc đến bạn tri âm,
Là gan em khô từng chặng, ruột em đau ngầm từng khi..
.

Tuy căn bản được xây dựng trên thể lục bát hoặc song thất lục bát, nhưng các câu hò ở Bình Trị Thiên luôn có sự gia tăng số chữ cho phù hợp với tình cảm phong phú mà người hò muốn diễn đạt. Các câu hò sẽ được kéo dài mặc sức. Có lẽ nhờ vậy mà điệu hò mái nhì có âm hưởng rộng, sâu và mênh mang như giòng nước chảy không bao giờ dứt chăng?...

Con chim trên rừng kêu thánh tha thánh thót
Mẹ thương con cắt ruột xẻ hai

Gái thương trai đứng đường đứng ngõ,
Trai thương gái tối mấy cũng đi.
Con cá trương vi vì hồ nước chảy,
Cần câu không gẫy bởi ống tre cong,
ợn người mối lái cái sự đã xong,
Để đem em vtề gia nội trợ coi trong ngó ngoài...

Sự biến dạng từ lục bát và song thất lục bát chỉnh thể sang lục bát và song thất lục bát biến thể còn xuất hiện trong cấu trúc các câu hò mái chè, mái nện và nhất là hò mái xắp trong hệ thống hò khoan Lệ Thủy. Ở hò mái xắp, việc sử dụng vần lưng rất đắt nên phần biến thể ở hai câu song thất lục bát nhiều khi biến dạng hẳn và người hò cốt sao lúc trở về đoạn cuối vẫn giữ đúng nhịp đúng vần là được.

Nghệ thuật xây dựng cấu trúc một câu hò tùy thuộc vào làn điệu và khả năng xúc cảm thẩm mỹ của người hò. Chính tình cảm phong phú là nguyên nhân đưa đến sự phá thể, nâng nghệ thuật sáng tạo câu hò lên một mức cao.

Đi sâu vào cấu trúc ngôn ngữ các câu hò khoan ta sẽ thấy các biện pháp tu từ, các phương pháp ẩn dụ, so sánh, sử dụng ngôn ngữ địa phương đã được dùng thật sáng tạo, nhuần nhuyễn và gợi cảm. Trong hò đối đáp nam nữ ở Bình Trị Thiên, trí thức ngôn ngữ được thể hiện thật phong phú. Một số lớn các câu hò đố (hò đâm bắt) đã sử dụng các hiện tượng của ngôn ngữ, như hiện tượng cùng âm khác nghĩa, hiện tượng cùng nghĩa khác âm, hiện tượng từ đối nghĩa, từ trái nghĩa, nói lái, dùng từ Hán Việt và thuần Việt rất tinh vi, xác đáng và đầy nghệ thuật.

Một hiện tượng hò đố rất thú vị ở Bình Trị Thiên là hò bài thai. Đây là một lối chơi thanh nhã, rất độc đáo của nhân dân ở xứ yêu chuộng văn thơ này. Để đoán cho ra con bài được "Thai" trong câu hò, người nghe, ngoại trừ am hiểu tên các con bài trong bộ bài tới gồm 30 con với các tên nghe thật dân gian mà cũng khá kỳ lạ như: giống, sưa, đấu, xơ, nhọn, quăng, lá liễu, trường ba, ầm, đỏ mỏ, bạch tuyết, nọc đượng, rún v.v... còn phải hiểu quy luật và phương pháp suy diễn để đoán cho đúng tên con bài mà người hò cái đã hò. Ví dụ như câu:

"Thương nhớ dạng chồng ruột như tơ vày vò một trăm múi
Chàng ra đi em nuôi thầy dưỡng mẹ, em cứ nguyện một lòng vô cúi ra lòn.
Thiếp khuyên cùng chàng đừng ham chơi chốn gác tía lầu son.

Nhớ cảnh quê nhà làm thuê cắt mướn chớ để vợ con tồi tàn".

Được giải thích là con Xơ như sau:

Khi chàng ham mê chốn gác tía lầu son quên hẳn cực khổ nơi quê nhà vợ yếu con thơ, làm cho vợ con đói rách thân phận xơ rơ.

Vậy tiến trình suy diễn đã qua nhiều chặng. Không thể trực đoán như các câu đố, mà phải đi quanh co một quãng đường dài, mới tới đích. Đây là câu hò con cẳng (còn gọi là tứ cẳng, cẳng hương).

"Duyên nợ xa ra rồi khiến ai không ủ ê hồ điệp.
Chàng ơi, xác có lìa hồn dao, vợ chồng ngàn kiếp cũng không thôi.
Lúc xuân xanh nên đường chồng vợ, gặp nhau đây duyên nợ dạ đền bồi.
Chàng thương thiếp thì xin chàng trở lui về thưa cùng thầy mẹ đến tác hợp cho duyên ta mau thành
"

Giải thích: con cẳng: chàng có thương thiếp xin chàng về xin với thân phụ bước chân đến nhà thiếp để hỏi xin.

Tiến trình suy diễn như sau:

Hai ta đang gặp trắc trở - chàng thương thiếp, ước muốn kết duyên - thưa thầy mẹ - bước chân đến nhà hỏi xin.

Qua nội dung các câu hò, chúng ta dễ nhận thấy tâm tư, tình cảm của nhân dân đã thể hiện thật trung thực và mãnh liệt, qua bao thời đại và chế độ từ chế độ phong kiến đến chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó là thái độ phản kháng chế độ phụ quyền nghiệt ngã, đòi hỏi tự do trong vấn đề hôn nhân, tôn trọng đạo lý nhân nghĩa. Đến khi cách mạng giương cao ngọn cờ đấu tranh cho độc lập, tự do dân tộc, đánh đổ đồng thời chế độ phong kiến cùng các thế lực tư bản đế quốc, hò Bình Trị Thiên đã phản ảnh kịp thời các nội dung trên. Các lối hò nhân nghĩa phát suất từ hò khoan Lệ Thủy, hò địch vận, hò vận chuyển phát xuất từ làn điệu hò mái nhì ở phía nam sông Bến Hải là những hình thức sống động chứng tỏ sự biến chuyển kịp thời của hò Bình Trị Thiên trên bước đường dùng văn nghệ làm vũ khí cách mạng, chống ngoại xâm và xây dựng chế độ xã hội ngày thêm vững mạnh. Hò Bình Trị Thiên đã theo dòng vận động của lịch sử mà sinh sôi nảy nở. Từ trong lòng dân tộc mà phát sinh, nó đã đóng góp vào kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam những tác phẩm nóng hổi tính thời sự.

Hò Bình Trị Thiên đã có sức sống mãnh liệt trong tâm hồn, trong ý chí của quần chúng. Nó đã trở nên máu thịt của nhân dân Bình Trị Thiên.

T.T.B
(SH26/8-87)


-----------------------------
1. Thống kê này một phần dựa trên bài "Góp phần tìm hiểu hò Bình Trị Thiên" của Lê Văn Hảo- Văn hóa B.T.T số Xuân Mậu Ngọ.
2. Trần Văn Khê, - La musique Vietnamienne traditionelle - Presses Universitares, Paris 1962. p. 209-211
3. Lê Văn Hảo. - Vài nét về hò, dân ca miền Trung và miền Nam. Đại học số 35 - 36, 1963 tr. 709-710.
4. Lê Văn Hảo.- Bài đã dẫn, tr. 568.






 

Các bài mới
Tâm hồn (16/08/2013)
Bức tường (13/08/2013)
Đêm ngâu vào (08/08/2013)
Các bài đã đăng