Tạp chí Sông Hương - Số 26 (T.7&8-1987)
Đêm ngâu vào
15:14 | 08/08/2013

ĐOÀN LÊ

Cơn mưa, sầm sập đổ hồi suốt buổi chiều đó, nàng ngồi cạnh cửa sổ ngắm mưa qua làn kính. Tôi ngồi chếch phía sau ngắm nàng.

Đêm ngâu vào
Minh họa: Phạm Đại

- Mặt trời ấy sinh ra dành cho cây sồi, nhưng suốt cả ngày, nó không hề biết thế. Nó rong chơi lang thang các xứ khác, trên những cánh đồng, dòng sông, những sườn núi đá xám và thung lũng. Chỉ khi chiều tà nó mới trở về. Lúc đó trăng đã lên...

Tấm cửa kính trong suốt, mỏng manh, ngăn cách nàng, che chở cho nàng khỏi những thác nước xối xả. Nếu bất ngừ nó vỡ ra, muôn ngàn hạt nước sẽ đổ ập vào nàng, và trong nháy mắt, cái hình hài nhỏ bé với bộ quần áo trắng yếu ớt sẽ tan như miếng đá trong ly nước chanh. Tôi rất muốn ẵm nàng rời xa cửa sổ, nhưng tôi chỉ ngồi im, lắng nghe giọng nói dịu dàng của nàng hỏi lại:

- Anh ngỡ nó rong chơi hay sao?

- Anh không biết. Nó đã lang thang ở đâu đó suốt cả ngày.

Tôi chợt thấy từ rất sâu xa một chút gì như sự trách móc, tôi rủa thầm mình: "Đồ khốn!". Có thể cơn mưa day dứt tôi, làm tôi trở thành rồ dại.

Tôi đứng lên. Nàng không giữ tôi, chỉ ngoái nhìn theo tôi bỏ đi.

Xuống tới chân cầu thang, tôi gặp chồng nàng ướt lướt thướt, rũ áo mưa ồn ào, từ ngoài trở về. Gặp tôi, anh ta líu tíu túm lấy tay, mặc cho nước nhỏ giọt trên tóc xuống má.

Tôi đã gặp được anh bạn bác sĩ. May quá, anh ấy vừa ở Sài Gòn ra. Tôi kể bệnh nhà tôi, anh ấy nói chưa có căn cứ kết luận là ung thư. Nếu những cái u đó lành tính, sẽ không gây nguy hiểm gì. Vâng, có những loại u lành tính anh ạ.

Tôi không muốn nói thẳng rằng anh không cần dối tôi, dối anh.

- Tôi hy vọng sẽ không xảy ra chuyện gì đâu.

- May ra... Nhà tôi đâu hở anh? Anh với nhà tôi đã ăn cơm chưa?

- Cô ấy chưa ăn, còn chờ anh.

- Khổ quá, tôi không về sớm hơn được. Để tôi thay quần áo rồi ta ăn cơm.

- Tôi đã vô phép. Anh thứ lỗi nhé.

Tôi vào phòng mình, khép cửa lại vừa lắng nghe bước chân anh ta nôn nóng lên thang gác.

Tôi gieo người xuống cái ghế đệm nhỏ, trước bàn viết. Mỗi khi ngồi dậy, việc đầu tiên tôi đặt mắt vào ba con khỉ gỗ. Chúng là bạn cố tri của tôi. Bất cứ việc gì tôi cũng hỏi chúng. Bất cứ một ý nghĩ, dù nhỏ nhất, tôi đều giải bày với chúng. Kể cả lần tôi đi lang thang suốt đêm khắp phố phường, không tìm được một lý do gì để tồn tại nữa, thì khi rã rời trở về, ba con khỉ đã cứu tôi bằng sự lặng im của chúng. Đối với tôi, những mẫu gỗ ấy không còn là thứ đồ chơi, chúng có một sức mạnh tinh thần thật khủng khiếp. Giờ đây cũng vậy, một con bịt mồm, một con bịt tai, một con bịt mắt, chúng ngồi trước tôi, màu nâu gỗ cũ kỹ đầy an ủi. Chúng xưa nay vẫn không muốn nghe, không muốn nhìn, không muốn nói với tôi một lời. Hoặc giả chúng bất lực trước nỗi đau quá lớn của con người, hoặc giả vì thấu đáo tận cùng nỗi đau ấy, chúng chối bỏ chúng ta.

Lòng tôi dịu lại: Tôi nghĩ lẩn thẩn. Trên đời này anh đã có ba chú khỉ gỗ và ba chúng tôi: tôi, nàng và anh ta. Ba chú khỉ hòa hợp trên một mẩu gỗ ngang bằng bặn. Tôi, nàng và anh ta được xếp thành ba đỉnh của một tam giác. Năm tháng trôi qua trong lúc tôi đi miên man từ đỉnh này tới đỉnh nọ, suy nghĩ, tìm hiểu.

Năm bốn mươi tuổi, phòng tranh triển lãm của tôi mở lần đầu tiên. Có một người khách hôm nào cũng tới ngắm bức tĩnh vật "Cái gạt tàn chiều mùa thu" bày ở cuối phòng. Người khách ăn mạc xoàng xĩnh, cẩu thả. Sau khi nhút nhát, len lén đến gần bức tranh, anh ta đứng ngẩn tại đó hàng giờ. Cuối cùng, tôi không ngăn được mình, phải tới gặp anh ta và hỏi:

- Anh có thích bức tranh này không?

- Anh ta ngước đôi mắt bực bội nhìn tôi, miễn cưỡng trả lời:

- Vâng, tôi rất thích.

- Tôi muốn tặng anh bức tranh này.

- Sao cơ?

- Tôi là tác giả phòng tranh. Nếu anh không từ chối, tôi rất muốn tặng anh.

Lòng khấp khởi vì kết quả công việc, tôi đã dự tính sẽ chọn một người khách xem tranh hào hứng với nghệ thuật nhất để tặng họ bức tranh họ thích. Trong mường tượng những ngày đầu, tôi chú ý đến các cô gái, rồi đến những thiếu phụ xinh đẹp, sau nữa đến những thanh niên có vẻ nghệ sĩ. Than ôi, tôi không may mắn. Tranh của tôi gặp toàn những đôi mắt dửng dưng. Có lẽ tôi dùng bút để quang đầu nón lại đúng nghề hơn chăng?

Nghe tôi nói, người khách tái mặt đi. Anh ta im lặng trân trân ngó tôi, hai tay lúng túng giấu sau lưng.

- Tôi không hỏi vì sao anh thích bức tĩnh vật này nên anh cũng đừng thắc mắc vì sao tôi tha thiết muốn tặng anh.

- Vâng... Nếu quả là...

Tôi gỡ luôn bức tranh sơn dầu ấy xuống, trao cho người khách. Anh ta nhận lấy, không một cử chỉ từ chối.

- Cám ơn ông. Rất cám ơn ông.

Tôi quay vội đi. Qua tấm kính lồng bức bột màu, tôi nhìn bóng anh ta lùi lùi ôm bức tranh ra cửa.

Chiều đó tôi không đến phòng triển lãm. Buổi tối, người thường trực tới nhà, trao cho tôi một gói giấy báo nhăn nhúm.

- Thưa ông, có người gửi tặng ông món quà. Họ không cho chúng tôi địa chỉ.

Ba con khỉ đã tới tay tôi trong câu chuyện ly kỳ, phóng túng ấy.

Còn nàng, tôi có nàng từ lâu, và không ly kỳ tôi chơi rất thân với Hoàng, anh trai nàng. Mẹ nàng, mà đã lâu lắm tôi coi như mẹ tôi, cụ sinh hai người con. Cụ buôn bán tần tảo cố xây được ngôi nhà hai tầng gồm sáu buồng. "Hai buồng dành cho vợ chồng thằng Hoàng, hai buồng cho vợ chồng con Hạnh, hai buồng để mẹ ở. Sau này mày lấy vợ, về ở đây với mẹ. Mẹ già, mẹ chết thì cho vợ chồng mày". Nghe cụ nói, tôi chỉ cười vâng một tiếng thật to để cụ phấn khởi. Góa chồng từ năm hơn ba mươi tuổi, cụ khao khát tình cảm đến tội nghiệp.

Ai ngờ lời di chúc miệng của cụ đã thành sự thật. Khi tôi lấy vợ, sống trong một căn hộ tập thể chật bằng lỗ mũi, một hôm cụ đến tìm tôi.

- Chúng mày dọn về ở với mẹ nhé. Con Hạnh lấy chồng xa xôi, thằng Hoàng sắp vào Nam nhận công tác, chưa biết bao giờ trở về. Lúc mẹ trái gió trở giời, không biết trông cậy ai đây. Mày đã cất tiếng gọi mẹ, dù mẹ chẳng sinh ra, chẳng có công nuôi dưỡng, nhưng cũng là giời định con ạ.

Cụ khóc. Vợ tôi khóc theo. Khi tôi lại chơi, Hoàng rầu rĩ nói:

- Cụ không cho bán ngôi nhà, cũng không chịu đi theo con. Nếu vợ chồng cậu về đây ở với cụ, mình đỡ lo một phần. Sau này sẽ liệu. Vả mình cũng muốn giữ lại, phòng lúc quay về.

Tôi đã ở chính hai căn buồng cụ định dành cho tôi trước đây. Cụ sống với tôi tới phút chót và chết trên tay tôi.

Cụ chết đi, bốn năm sau vợ tôi cũng bỏ đi nốt. Tôi với ba con khỉ gỗ trở thành bốn mảnh linh hồn, cô đơn trong căn nhà thành quá trống vắng. Về phần vợ tôi, cô ấy hy vọng lấy người chồng thứ hai, may ra trời cho cô ấy một mụn con. Tôi hằng mong mỏi cho vợ tôi điều đó. Bây giờ đã quá mười năm, tôi xót xa trách trời cố tình đày đọa cô ấy với nỗi khát khao chính đáng của một người đàn bà. Thỉnh thoảng vợ tôi vẫn về đây thăm, mua hộ gạo, dầu, nước mắm. Cô ấy tốt lắm. Qua những sự giúp đỡ nhỏ nhặt, cô ấy biểu lộ lòng thương cảm lẫn hối hận. Nhiều lần cô ấy giục tôi lấy vợ. Tôi không nỡ nói rằng tôi chỉ thủ một lần thôi.

Mọi người đều tốt. Tuy vậy bi kịch không ngừng xảy ra. Thậm chí bi kịch giữa những người tốt càng đáng ghê sợ.

Khoảng hai mươi năm trước, một buổi trời cũng mưa to, mẹ Hoàng giữ tôi lại, không cho về. Cụ thừa hiểu, tuy không nói ra miệng, thân phận côi cút của tôi sống trong gia đình ông chú giàu có, nào sung sướng gì đâu.

Ba chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm. Chuyện ngẩn ngơ mà rất vui. Khi Hoàng rời căn phòng ra ngoài, tôi nắm lấy tay nàng, một bàn tay mảnh dẻ, non nớt nhất của tuổi con gái dậy thì.

- Nếu không có em, anh không thể sống được.

Cái câu nhàm chán, ngô ngọng đã buột ra. Nàng khẽ cười. Những ngón nhỏ mềm mại siết lấy tay tôi vui vẻ.

- Em đừng cười. Anh không biết nói "những lời có cánh" ; tha lỗi cho anh.

- Cười là vì, anh biết không, mới cách đây hai tháng có người đã nói với em đúng như vậy. Nếu em không trả lời, anh ta sẽ chết ngay tức khắc cơ.

- Rồi sao?

- Em cứ trả lời rằng "không bao giờ".

- Rồi sao?

- Rồi hơn một tháng sau, em nghe tin anh ta đã yêu một cô khác để khỏi phải chết.

Nàng cười. Tôi buông ngay tay nàng ra. Cái đồ vịt đực nào đó đã giết tôi. Lấy hết nghị lực, tôi nhìn thẳng vào đôi mắt tươi rói của nàng, một cặp mắt ánh nâu trong suốt, ai lạc vào đó sẽ không tìm ra bến bờ.

- Anh sinh ra là để cho em. Ngược lại, em sinh ra là để cho anh. Dù sớm hay muộn, rồi em sẽ cũng dễ thấy.

Tôi quay vội đi. Tôi sợ gặp trong ánh mắt nâu hay trên khóe môi mềm dịu của nàng gợn lên sự đùa cợt hoặc chế giễu.

Chúng tôi im lặng, quay mỗi người một ngả, cho tới lúc Hoàng trở lại.

- Mưa ngớt rồi, mình về đây. Tôi nói.

Hoàng ngạc nhiên:

- Ơ hay, mưa to hơn đấy chứ. Cậu về cũng để ngủ chứ còn định làm gì?

Còn làm gì nữa. Tôi đã thấy mình nằm dài ở cái phản gỗ kê gần cửa bếp, mắt nhìn lên trần nhà, nơi có đám mốc rêu xanh hình dạng một chú hề chợt cười nhăn nhở. Và để nghĩ đến nàng, chỉ nghĩ về nàng thôi.

Tôi cương quyết từ biệt họ. Bà cụ đưa cho tôi chiếc áo mưa, vừa trách mắng tôi:

- Mày là thằng gàn. Tính tình thất thường rồi khổ vào thân con ạ. Mưa gió như thế, cứ nằng nặc đòi về...

Giá nàng có một lời hoặc một cử chỉ kín đáo giữ tôi lại! Nhưng không, nàng nấn ná thu dọn dĩa tách trên bàn nước, chờ tôi mặc xong áo mưa, ra mở cửa tiễn tôi.

Cánh cửa vừa mở, cơn gió thốc tới buốt lạnh. Cả hai đứa vội nép vào khoảng mái hiên.

- Em vào đi, kẻo ướt hết.

Nàng ngần ngừ giữ tay tôi đứng lại. Nghĩa là giữ lần vải mưa ống tay áo chứ không chạm tay tôi. Nàng ghé sát khuôn mặt tin cậy dưới đôi mắt tôi, nghiêm trang hỏi.

- Anh giận em phải không? Sao lại giận em? Tất nhiên em không nói anh. Chuyện có thật nên em chợt liên tưởng...

Đôi môi nàng gần quá, đôi môi tôi hằng khao khát. Tôi không giữ được bình tĩnh, vòng tay ôm lấy nàng. Nàng rùng mình, nhưng không cưỡng lại. Và sau đó... Cả đời tôi không hết ân hận, chết chìm trong sự nuối tiếc, tôi đã không hôn vào đôi môi có lẽ đang chờ đợi tôi. Tôi chỉ dám áp nhẹ má lên trán nàng, rồi trái tim nhói lên, tôi vội vã buông nàng ra, bỏ chạy vào trong mưa.

Cho đến bây giờ, khi tôi đã già, trên đầu nàng đã nhiều sợi tóc bạc trắng, nàng vẫn quá mỏng manh, dễ vỡ. Dù trong tưởng tượng, tôi cũng không thể ghì chặt nàng trong tay.

Rồi anh ta đến, cười nói hồn nhiên, đôi mắt cuồng nhiệt say đắm. Thân thể cường tráng lừng lững của anh ta lúng túng vụng về, loay hoay xoay quanh nàng để vướng vào các sợi len nàng đan, để giẫm bẩn lên chiếc khăn tay nàng đánh rơi, để làm vỡ lọ hoa thủy tinh, món tặng phẩm tôi mua cho nàng ngày sinh thứ mười tám. Tôi lẳng lặng nghiền ngẫm theo dõi bước đi của anh ta. Tôi có cả cái hả hê của một kẻ độc ác khi quan sát nàng nữa. Nào, thưa tiểu thư, để xem tiểu thư sẽ xử sự ra sao với cái loại đầy chất "đại diện giống đực" kia!

Mới đầu nàng hoảng sợ, giận dữ, rồi nàng né tránh, chạy trốn thật xa đôi mắt cháy bỏng của anh ta. Còn anh ta kiên nhẫn không hề biết mệt mỏi, luôn luôn bám sát nàng như một nòng súng săn rê theo con mồi.

- Hỡi con cá kiếm của anh, con cá mại cờ, con cá dọc dưa của anh...

Là anh ta muốn nịnh những màu áo nàng mặc.

Tôi, để chơi anh ra một đòn, tôi nói với anh ta trong tiếng cười rất nhạt:

- Vậy thì hỡi con cá mập dữ tợn, anh biết hát những ca khúc trữ tình với chú cá bé bỏng của tôi từ bao giờ vậy?

Nàng cười vui thích, nhìn tôi đầy ý biết ơn. Tôi hả hê lắm. Nhưng anh ta lại càng vui hơn vì rốt cuộc nàng đã cười!

Đáng lẽ vào lúc đó, khi trước mặt nàng song song hai mẫu người đều ở thế tấn công, tôi phải học tính mạnh dạn của anh ta bày tỏ lòng tôi với nàng, phải đặt trên đầu gối nàng giữa những trang sách hoặc giữa cuộn len rối, cái số phận đời tôi. Nhưng trời đánh thánh vật tôi đi, tôi ngậm hột thị để chờ đợi sự nhạy cảm tinh tế của nàng. Tôi đã nghĩ câu nói của tôi hẳn như tiếng sét đánh buộc nàng phải hiểu có trời định đoạt trong đó! "Anh sinh ra là để cho em..."

Bốn tháng tôi ra đảo Bạch Long Vĩ, khi trở về, tôi được biết anh ta đã cưới nàng, đưa nàng về một thành phố xa xôi, nơi anh công tác. Phải, anh ta đã cướp nghiến nàng đi, con cá mập dữ tợn ấy.

Mãi sau này tôi mới hiểu ra. Thể chất nàng, tâm hồn nàng, không chịu đựng nổi những cơn bão tố, kể cả cơn bão tố tình yêu. Nàng khuất phục nhanh chóng và nhẫn nhịn một cách khờ dại.

Khi anh ta đã thành chồng nàng, tôi không dám chê trách, ác cảm với anh ta nữa. Tất nhiên là trong lý trí. Hai mươi năm, họ có bốn đứa con trai cao lớn, vạm vỡ, giống hệt bố, những chú cá mập măng tơ. Đó, cả đến những đứa con do cơ thể nàng sinh ra, nàng cũng chịu khuất phục, nhẫn nhịn.

Khi bà cụ còn sống, họ thường về thăm nhà. Mỗi lần nhìn nàng nhỏ bé dần đi, dẫn đầu đoàn cá mập lộc ngộc, ồn ào ngây thơ, tôi không khỏi vui thích ngoài ý muốn. Tôi xoa nắn chú cá mập bé nhất để tìm ra sức mạnh huyền diệu của nàng. Cá mập bố cười bảo tôi với sự xúc động chân thành:

- Rồi anh chị sẽ được con đàn con đống. Có người, sau khi cưới dăm bảy năm mới sinh nở. Đấy, nếu anh chị thích, tôi cho đứt một thằng quỷ sứ để lấy phước.

Tôi bật cười theo. Anh ta không biết rằng ngoài nàng ra, chính những đứa trẻ này anh ta cũng cướp nốt của tôi?

Dù sao tôi thầm cám ơn số phận đã xếp đặt cho tôi được sống ở đây, được lặng lẽ hít thở những gì là Nàng. Tôi biết ơn đôi guốc cũ nàng bỏ lại một lần về thăm nhà, vỉ thuốc nàng dùng dở, cái quạt giấy có chữ nàng ghi, chiếc khăn tay phơi quên đấy. Tôi thu nhặt cất giữ chúng, cố tình xếp lẫn chúng trong những đồ dùng của tôi với một mặc cảm tội lỗi.

Về phần nàng, bằng vào vẻ mặt cố nghiêm trang những lúc vô tình chỉ có riêng hai chúng tôi, bằng vào những lời chuẩn xác, ngắn gọn nhất vừa đủ cho câu chuyện sinh hoạt, tôi thừa biết nàng vẫn run rẫy lắng nghe lòng mình. Nàng giống hệt ba chú khỉ của tôi, nín thinh vờ như vô hồn...

Có tiếng gõ cửa rất mạnh, chắc chắn lối gõ của cá mập.

- Mời vào. Tôi nói.

Cánh cửa mở toang. Anh ta xuất hiện trong ánh sáng lờ mờ một làn chớp.

- Ôi, sao anh không bật đèn.

Tôi bật đèn. Anh ta bao giờ cũng đúng. Ánh sáng trắng gay gắt khiến người ta có cảm giác mình trần trụi trơ trẽn đến khó chịu trong khung cảnh thực tại bỗng dưng ập đến. Tôi hơi ngạc nhiên thấy anh ta quần áo nghiêm chỉnh, túi du lịch nhỏ trên tay.

- Anh đi đâu bây giờ?

Anh ngồi xuống bên tôi, bàn tay mập mạp ấm áp nắm ngay lấy tay tôi.

- Tôi phải về chuyến tàu đêm nay. Trưa mai tôi cho thằng út xuống với mẹ nó. Anh ạ, tinh thần nhà tôi suy sụp lắm, tuy cô ấy không nói ra. Sáng mai nhờ anh đưa cô ấy đến bệnh viện và động viên cô ấy giúp tôi với.

Đôi mắt hoe đỏ của anh sắp khóc, nhìn tôi van vỉ, cầu cứu.

- Có cần phải đưa cháu xuống ngay ngày mai không? Theo tôi, anh nên ở cạnh cô ấy. Ngày mai tôi về đón cháu hộ cho.

- Thứ nhất là các cháu có tác dụng động viên mẹ nó tốt hơn tôi. Thứ hai là tôi về dặn dò thu xếp việc nhà một chút cho cô ấy yên tâm. Nửa tiếng nữa tàu tối sẽ chạy. Tôi trông cậy anh... Trời ơi, tôi cứ rối ruột gan, chẳng biết phải làm gì bây giờ. Thú thật với anh, tôi không đủ can đảm ngồi cạnh nhà tôi. Tôi không hy vọng gì nữa.

Đôi vai run lên, bàn tay run lên quờ quạng tìm khăn trong các túi áo, đôi gối cũng run lên cố gượng đứng dậy, cả thể xác to lớn của anh ta run lảo đảo như sắp đổ vật xuống.

- Ta phải thật bình tĩnh. Anh đã biết có thể chỉ là những u lành.

- Không, anh ơi, tôi nói dối anh thôi. Bác sĩ theo dõi, nói... đúng thế đấy!

Một tiếng động nhỏ trên gác vọng xuống, anh ta im bặt, người đờ ra nghe ngóng. Và bởi vậy bây giờ chỉ một mình tôi run theo cái run bị lây từ anh ta. Tôi bỗng cảm thấy ghét sự yếu đuối của mình.

- Tôi đi anh nhé.

Anh ta thì thào rồi vội vã ra khỏi phòng tôi.

Tôi ngồi im trong sự lắng dịu lại. Tôi lờ mờ cảm nhận một chuyện bi thảm sẽ xảy ra trong vài giờ, vài ngày nữa. Nhưng có gì phải khiếp đảm? Cái chết của nàng cũng là cái chết của tôi. Vậy có gì phải mất bình tĩnh. Cái chết hãy cứ đến đi!

Tôi đưa mắt tới ba con khỉ. Ba chú lỏi đánh bài lờ. "Đủ rồi, mặc anh! Mặc anh, đủ rồi! Chúng tôi không chia trách nhiệm phải cùng anh đi tới chốn tận cùng".

Nàng bước vào, ngồi đúng nơi chồng nàng vừa ngồi, mỉm cười tìm đôi mắt tôi và dẫn nó trở lại ba con khỉ.

- Anh có những chú khỉ rất lạ. Anh biết không, nhiều khi cứ nhắc đến anh, em lại nhớ luôn đến chúng. Em không rõ... Tại anh để ở góc bàn này quá lâu hay vì chúng có những cử chỉ đầy ý tứ khiến cho em không quên được, hở anh?

Nàng cũng là tôi, nàng không biết đấy thôi. Cũng như nàng không biết trong mỗi bức tranh tôi vẽ đều có nàng. Nàng là chiếc cốc thủy tinh đầy nước trong suốt, là cái cây non cô đơn trên con đường mòn hun hút, là làn khói mờ nhẹ vương vít mạn thuyền, là một vệt nắng hoe giữa vườn cây...

Tôi không bao giờ dám thổ lộ điều đó với nàng. Nàng có hàng trăm bức chân dung mà chỉ một mình tôi biết.

Có người đã hỏi tôi:

- Không bao giờ thấy con người trong tranh của anh nhỉ?

- Có đấy, bức nào cũng có, tuy tôi chuyên vẽ thiên nhiên.

Người ta ngỡ tôi giễu cợt hoặc cố tình nói một câu thâm thúy. Từ đó, tôi trả lời chung chung "vâng tôi chuyên vẽ thiên nhiên".

- Anh nghĩ gì vậy?

- Anh vừa nghĩ cái đời họa sĩ của mình rất vô duyên. Anh chưa bao giờ vẽ em cả.

- Thế anh vẽ đi.

- Ngay bây giờ nhé?

- Tất nhiên... Kẻo rồi... em không có lúc nào rảnh ngồi cho anh vẽ đâu.

Ý nàng định nói kẻo rồi sau đây tôi sẽ không được nhìn thấy nàng ở trên đời này. Tim tôi lại nhói lên như lần tôi kéo nàng vào vòng tay mình, áp má lên trán nàng.

Cái bố cục đã sẵn. Nàng ngồi đó, bàn tay rất gầy đỡ nhẹ mái đầu, một tay cầm nhóm tượng gỗ ngắm nghía. Một vệt sáng đèn lướt trên gò má xanh nhợt.

- Em cứ ngồi nguyên thế.

Trong ba phút, tôi đã sẵn sàng một khung toàn trắng, những tuýt sơn dầm bút vẽ trên tay và lòng tôi mê man ham muốn có được bức vẽ về nàng.

- Em nói chuyện đi. Chừng nào mỏi ta nghĩ.

- Anh nhớ hôm nay là ngày gì không?

- Không, anh có bao giờ nhớ ngày tháng đâu.

- Hôm nay mồng ba tháng bảy âm lịch, ngày ngâu vào. Đấy, mưa dữ chưa?

- Mưa ngâu sùi sụt chứ sao lại ào ạt thác đổ thế nhỉ?

- Em không biết. Năm nay Chức Nữ khóc to quá.

Nàng đùa vui.

Tôi biết nàng rất mệt. Lúc này bắt nàng ngồi mẫu là một cực hình. Nhưng ai tính được ngày nào con người đang ngồi trước mặt tôi kia sẽ tan biến mất? Tôi cố phác họa thật nhanh những đường nét, những mảng lớn trong vài phút. Đúng khi tôi nhìn vào đôi mắt đang mở to chăm chú của nàng, ngọn bút tự rơi khỏi tay tôi… Đôi mắt thế kia sẽ nhắm lại vĩnh viễn ư? Khủng khiếp quá mất!

Tôi ngó sững trong tận cùng màu nâu càng nhạt hơn vì tuổi tác của đôi mắt ấy. Nàng mỉm cười. Cái mỉm cười ẩn giấu một câu hỏi buồn bã: "Sao thế anh? Anh lại nghĩ đến nó phải không?"

Tôi vội vàng nhặt cây bút, hơi nheo nheo mắt để cái màng mỏng nước rung rinh tan đi, chảy vào bên trong, nơi nó vừa tràn ra.

Nàng nói bình tĩnh:

Em đang gầy như một bóng ma. Dù thế, anh hãy cứ vẽ đúng như em nhé.

Nàng không hiểu hết nàng.

- Anh sẽ kể một câu chuyên mà đáng lẽ không bao giờ nên nói với em. Nó vớ vẩn nhưng em đừng chê trách anh.

- Kể đi. Anh có thể nói tất cả với em, thật trung thực, tin cậy. Bởi vì... bây giờ chẳng cần giấu em.

Nàng lại muốn nói bởi vì nàng sắp ra đi. Nàng cần biết những gì tôi, một kẻ cô độc âm thầm, vẫn giành riêng cho nàng trong khoảng riêng kín mít nào đó.

- Một buổi trưa, anh với Hoàng đang ôn thi bỗng cùng lăn ra ngủ. Hôm đó nóng hầm hập. Khi tỉnh giấc anh khát đắng miệng. Anh lần ra sân, leo xuống mặt bể nước, định bụng vục vào ô cửa bể làm một hơi nước mưa. Đúng lúc đứng trên mặt bể cao, anh nhìn thấy em đang thay áo trong phòng. Anh vội trở vào ngay, nằm im bên cạnh Hoàng, vừa xấu hổ như bị ai vu cho mình ăn cắp.

Nàng thay đổi dáng ngồi để hình như tránh con mắt tôi. Thật tội nghiệp trong cái cử chỉ ấy.

- Em chớ vội nghĩ xấu. Anh chỉ muốn nói sau đó anh cảm biết một phần thân thể em đã hòa vào trong anh, sống ở trong anh. Cho đến bây giờ...

Tôi không nói thêm nữa. Tôi không dám nói thẳng rằng tôi vẫn nhận ra cái phần trinh nguyên trong cơ thể đang tàn tạ kia, như tôi vẫn nhận ra cái phần linh hồn hoang sơ chưa một vết chân người cả trong những sợi tóc bạc kia mà nàng vẫn vô tình dành dụm. Chính bởi vậy tôi đã gọi người đàn bà này là nàng cho dù nàng tám chín mươi tuổi. Hơn hai mươi năm trước, tôi chứng kiến con cá mập nuốt chửng cá kiếm, cá dưa lẫn mại cờ không cần khám phá, đi tới phần hồn của chúng. Nàng đã phó mặc cho thứ tình yêu ồn ào náo nhiệt chế ngự, vây bọc, đến nỗi nàng nhút nhát co mình lại bằng con ốc sên, để tự tiêu hủy mình. Hay nói cách khác, tình yêu của anh ta thừa thãi dùng cho cả hai người, không cần đến nàng đóng góp.

- Vậy ra sau này em vẫn sống ở đâu đó nhỉ? Tuyệt vời thật. Nàng ngoảnh đi, quên rằng đang ngồi mẫu cho tôi. Tôi vẽ ba chú khỉ trên tay nàng. Với các chú, nhắm mắt tôi cũng thuộc. Tôi cảm ơn nàng đã ngoảnh đi không nhìn tới tôi.

- Việc anh không chịu đi bước nữa đã khiến anh sống rất nặng nề. Anh biết không, em đã có ao ước sinh cho anh một đứa con. Nhưng em không đủ can đảm. Bây giờ thì muộn rồi.

Nàng nói chậm rãi, bình thản như kể chuyện về một con ruồi bay qua. Tôi chết lịm trên ghế, không cử động nổi cây bút vẽ. Lần đầu tiên trong đời, người đàn bà này đã dám đoạt lấy quyền tự do thổ lộ một ý nghĩ bị che dấu bưng bít mà thường tình người ta phải coi nó như trọng tội. Thế ra con người chỉ can đảm vào lúc sắp chết ư? Tôi bỗng nhìn thấy nàng từ rất xa, phía cuối một con đường nào đó, hoàn toàn xa lạ suốt trong hai mươi năm mà nàng đóng vai: Một phụ nữ nhỏ bé, khô cứng, làm nghề dạy học, sống giữa một khung cảnh gia đình hòa thuận lý tưởng. Vẻ mặt nghiêm nghị, nụ cười đúng mực, đến cái móng tay cũng cắt gọt đúng mực...

Thật kỳ cục kiếp sống con người.

Tất cả có vẻ như lỗi ở tôi. Chiều nay tôi kể cho nàng nghe chuyện mặt trời, cây sồi. Sau cả đời nín thinh, chiều nay tôi đã làm chuyện rồ dại. Cái lồng lý trí vốn rất mỏng manh. Nhưng cái chết sẽ đến cho tất cả chúng ta, tại sao tôi lại giữ chặt lấy cái của lòng giả tạo ngay lúc nàng chỉ còn tồn tại từng ngày? Vô lý quá. Tôi sẽ không một lời nói về bệnh tật của nàng, tôi phải nói về tình yêu của tôi để nàng hiểu cái chết không có ý nghĩa, nó không cướp nàng đi được trong tôi.

Ngoài trời vẫn mưa. Chúng tôi không nhìn thấy mưa nhưng nó xen giữa tiếng nói chúng tôi "bằng âm thanh mơ hồ".

Giờ đây khi căn phòng im lặng, nó bỗng làm chủ. Tôi bứt rứt vì sự khống chế của nó.

- Thôi, anh đừng vẽ nữa. Bức vẽ dù sao cũng không phải là em.

- Anh sẽ không vẽ nữa.

Tôi quẳng bút đi, úp bức tranh dở dang vào tường.

Nàng mệt mỏi đứng đậy, gượng cười:

- Mà anh hãy quên câu chuyện vừa qua. Hoặc tốt nhất, anh hãy coi như không có đêm mưa ngâu này.

Tôi muốn ôm nàng, ẵm lên trên gác như ẵm một đứa con đau yếu tội nghiệp hoàn toàn không chút dục vọng. Nhưng nàng né xa tôi, lách mình qua cửa. Nàng đã trở về cái vỏ chuột nhắt thường ngày. Tôi đứng lắng nghe bước chân nặng trĩu của một cơ thể nhẹ tênh bước lên từng bậc thang gỗ.

Tôi trở lại bàn viết. Ba con khỉ vừa chứng kiến câu chuyện giữa chúng tôi, giờ những bàn tay bịt tai, bịt mắt của chúng trông mới vờ vịt làm sao. Tôi không khỏi mỉm cười với chúng.

- Ông vui à? Ông ngỡ có một cuộc thoát xác vừa xảy ra ở đây ư? Không, đó chẳng qua các người vừa được thấm thía một chút mùi vị nô lệ của các người thôi. Ông hãy coi chúng tôi "Chúng tôi là những ông thánh, ý thức tự do đến độ phải kiềm chế quyền lực tự do mình lại."

Tôi giật nảy người. Đó là tôi nghĩ ra hay chính thực ba con khỉ vừa nói? Tôi ngó sửng chúng, tò mò, kinh hoảng. Hay đã đến lúc chúng thành tinh trong những câu chuyện quê mùa lẩm cẩm tôi nghe thuở bé?

***

Hôm kia nàng đã chết trong chính căn phòng nàng đã lớn lên... Hỡi ôi, con cá mại cờ với hình hài như đứa trẻ lên chín đã bị người ta đưa đi trong một đám tang không ồn ào lắm. Chỉ có những tiếng nấc của đàn ông, lớn và bé. Cả tôi lẫn đàn cá mập lộc ngộc đều không cứu được con cá mại cờ ấy.

Chiều nay khi đã đưa tiễn những chiếc khăn tang trắng bố con ra tận ga, tôi trở về căn nhà ngập chìm ảm đạm sau tang lễ. Đã xong xuôi những gì phải làm cho nàng, giờ tôi có quyền ngồi im lặng trong cái ghế đệm nhỏ của tôi.

Mắt nhắm lại, hai tay duỗi dài, tôi muốn lắng tìm tiếng mưa lẫn tiếng nói của nàng trong đêm ngâu vào. Nhưng tôi không tìm thấy chúng. Chỉ có tiếng ríu rít của chú sẻ ngoài sân thường cất lên những buổi chiều yên tĩnh.

Căn nhà hoàn toàn vắng ngắt. Nàng có thể tới với tôi ngay lúc này, không cần chờ đêm tối. Nếu nàng hiện ra, tôi sẽ không mảy may ngạc nhiên. Tôi nói với nàng rằng: "Kể từ bây giờ, em thuộc về tôi!".

Có tiếng chuông gọi cửa vang lên rụt rè. Mặc kệ, tôi không muốn gặp bất kỳ ai cả. Tôi gan lỳ khoảng mười phút chờ nó thôi đi. Nhưng tiếng chuông kiên nhẫn lúc lúc lại gọi. Rốt cuộc tôi thua nó. Đồ quỷ tha ma bắt, kẻ gọi cửa chắc chắn sẽ đứng tận khi tôi ló mặt mới nghe.

- Ông cần gì?

Tôi xẵng giọng hỏi người khách lạ. Ông ta trạc tuổi tôi, tuy đầu tóc trắng phau. Nhìn bộ quần áo tề chỉnh, nghiêm nhã của ông ta, tôi càng bực về hành động bất lịch sự cố tình kia.

- Tôi muốn ông cho phép gặp ít phút.

- Nếu không thật cần, ông làm ơn để lúc khác.

- Không, cần lắm họa sĩ ạ. Hãy coi tôi như một người bạn cũ, đừng từ chối tôi.

Cái giọng khẩn khoản, đôi mắt âu lo của ông khách buộc tôi phải mời ông ta vào nhà.

Trong khi chờ tôi pha nước, ông khách đứng bên bàn đăm đăm nhìn ba chú khỉ gỗ.

- Mời ông ngồi.

- Tôi cũng đoán ông sẽ còn giữ chúng.

- Giữ ai, thưa ông?

- Những con khỉ kia. Cũng như bức tranh "Cái gạt tàn chiều mùa thu" tôi vẫn treo mười lăm năm nay.

Tôi chợt nhớ mọi chuyện cũ. Ra đây là người đã tặng tôi món đồ chơi.

- Đáng lẽ không bao giờ tới đây phiền ông. Nhưng ba hôm trước, tình cờ đi qua, tôi thấy một đám tang trong nhà ta. Tôi biết ông sống có một mình nên băn khoăn tự hỏi người đàn bà trong tấm hình đặt trên linh cữu là ai? đi sau xe tang, ông không khóc, nhưng nét mặt ông... Ồ, xin ông thứ lỗi, tôi hiểu ông lắm. Tôi lại tự nhủ: Ông ta không chịu đựng nổi sự mất mát này đâu.

Tôi cúi mặt xuống. Vốn không thích ai chú ý tới, dù do ân cần, thông cảm, tôi muốn ông khách nói chuyện khác.

- Chắc có lý do nào đó đưa ông lại thăm tôi?

Ông khách lúng túng. Xoay người về phía ba chú khỉ, ông ta chăm chăm nhìn chúng, giọng trầm hẳn đi.

- Vâng, trước hết tôi muốn nói về mấy con khỉ này.

Chúng là kỷ vật của vợ tôi. Vợ tôi, một người đàn bà kỳ diệu lắm ông ạ...

Tôi cần gì nghe chuyện vợ ông ta, sau khi ngươi đàn bà như nàng đã chết? Tôi chẳng buồn để ý. Tuy vậy câu chuyện cứ rót vào hai cái tai không có sức đề kháng của tôi.

Vợ ông ta vốn con gái một làng quê nhỏ. Nơi ấy xa những trục đường giao thông, gồm dăm sáu mươi nóc nhà Ièo tèo. Không rõ từ bao giờ và do đâu, cả làng này có một nghề cổ truyền: tạc những con khỉ gỗ xước. Vợ ông ta cũng thạo công việc đó. Nhưng để giữ bí mật nghề nghiệp, người con gái nào đi lấy chồng thiên hạ đều phải thề trước bàn thờ tổ tiên sẽ không bao giờ mó đến con dao trổ, mảnh gỗ xước nào nữa. Khi vợ ông ta bằng lòng lấy và theo chồng về thành phố, người cha cho cô nhóm tượng khỉ này, những con khỉ được bàn tay cụ kỵ trong nhà làm ra xưa kia.

"Hãy giữ lấy nó. Nó sẽ giữ chồng con mãi mãi cho con".

- Rồi vợ tôi chẳng may gặp tai nạn xe hơi. Trước khi chết, cô ấy chỉ yêu cầu tôi hủy những con khỉ này đi, để có thể quên cô ấy. Tôi không nỡ làm thế. Suốt bốn năm sau, quả thật những con khỉ đã khiến tôi thương nhớ người vợ bất hạnh bội phần. Mọi người ép tôi phải tục huyền để nuôi nấng đứa con nhỏ mồ côi mẹ, nhưng tôi không thể quyết định... Rồi ông sẽ thấy... Lạ lắm, ông ạ.

- Tôi tin lời ông. Tôi cũng không giấu ông, người đàn bà mới chết đối với tôi rất thân thiết...

- Tôi hiểu ông lắm. Chính bởi vậy, ông hãy hủy những con khỉ đi. Sau nửa năm tôi mang tặng ông món đồ chơi ấy, tôi đã lấy vợ, cũng rất hạnh phúc.

Ông khách quay lại, nhìn thẳng vào mắt tôi với vẻ cả quyết lẫn chút sợ hãi. Tôi trấn tĩnh để tự đoán chắc ông ta thuộc diện cơn bệnh thần kinh loại nhẹ. Những điều ông ta nói phải hiểu nó dưới màu sắc của bệnh hoạn.

- Thế tại sao ông mang cho tôi mười lăm năm trước?

- Tôi đến phòng tranh lúc đi lang thang buồn tủi.

Bức tĩnh vật "Cái gạt tàn chiều mùa thu" đã cuốn hút tâm hồn tôi. Phải là một người cô độc đến mức nào mới ngồi ngắm cái gạt tàn của mình đầy mẩu thuốc. Mỗi mẩu thuốc ngắn dài đều mang tâm sự, tiểu sử riêng. Mẩu thì oằn lại dưới sức dụi mạnh, mẩu thì thờ ơ mà tắt, mẩu lại do lụi lửa ngay giữa chừng trên tay người chủ trước lúc bị quăng vào. Và điếu thuốc nằm cháy gần tận cùng, tàn dài không rơi, còn phảng phất sợi khói mỏng manh trong vật nắng chiều mùa thu, nó mới cô quạnh làm sao. Ông chủ ắt hẳn ngồi đâu đó, chìm ngập suy tư, đã lãng quên cả điếu thuốc cứu cánh của mình.

- Ông nói hay quá. Trong lúc vẽ, tôi không nghĩ sâu xa như thế đâu.

Người khách ngạc nhiên.

- Tôi không tin. Hoặc chính ông đã không nhận ra ông.

Tôi im lặng. Cuộc cãi vã sẽ vô ích đối với một bệnh nhân tâm thần. Lo tôi phật ý, người khách lưỡng lự nói thêm:

- Vâng, đôi khi người ta có thể lầm. Dù sao bức tranh đã gây cho tôi ấn tượng đói. Nhưng tôi nói điều này chỉ để ông hiểu vì sao tôi tặng ông món đồ chơi kia. Nếu ông họa sĩ cô đơn đến vậy, ba con khỉ chắc chắn sẽ bầu bạn đắc lực trong sự đồng cảm cùng ông ta. Với một tấm lòng hào hiệp, ông ta sẽ thương mến món đồ chơi của mình. Chỉ có những người tốt mới biết đồ chơi. Trẻ em là một ví dụ.

- Tôi cám ơn ông về cuộc thăm viếng bất ngờ này.

Biết ý tôi muốn chấm dứt câu chuyện bởi sức tôi chịu trận đến lúc đó đã cùng kiệt, người khách đứng lên.

- Vâng, tôi không dám quấy quá ông nữa. Nhưng ông quyết định đi. Hoặc ta hủy chúng, hoặc ông hào hiệp lần nữa, cho lại tôi mấy con khỉ quỷ quái ấy. Ở tuổi chúng ta sức chịu đựng kém lắm ông ạ.

- Tùy ông.

- Vậy tôi xin ông.

Tôi gói luôn ba chú khỉ đưa cho ông ta.

Với vẻ lùi lũi như hệt lần được tôi tặng tranh, người khách ra về. Phải, sau mười lăm năm, tôi chỉ nhận ra ông ta qua cái dáng lùi lũi đó.

Đêm xuống, tôi nằm mê man không mộng mị. Không động mình. Khi toàn thân tê dại, tôi tỉnh dậy, cảm giác đầu tiên đến với tôi trong bóng tối lờ mờ là căn phòng ấm áp quá. Trong căn phòng hẳn không chỉ có mình tôi, đang có ai đó nữa khiến nó ấm ấp. Như thể xưa kia bà cụ đến nói chuyện vặt, vừa loay hoay thu dọn quần áo bừa bộn của tôi. Như thể vợ tôi ngồi chải tóc, kín đáo nhìn tôi vẽ. Như thể nàng nhẹ nhàng vào phòng tôi, lặng lẽ đặt một bát canh nóng lên bàn tôi quay sang mở xem nồi cơm nhỏ nguội ngắt của tôi mà thở dài. Như thể ba con khỉ triết gia vẫn rì rầm tranh luận với tôi theo thường lệ.

Tôi đưa mắt tìm khoảng mặt bàn, nơi đặt ba con khỉ, vừa ý thức rằng cả đến chúng, tôi cũng không còn nữa.

Chao ôi, lạ lùng chưa. Chúng kia! Rõ ràng chúng vẫn ở đó, màu nâu lìm lịm thân thuộc. Tôi choàng ngồi dậy. Đúng là chúng. Bên cạnh chúng, bóng dáng mơ hồ của nàng lung linh.

- "Ông mê ngủ ư? Chúng tôi đây mà. Ông hoảng hốt trông mới buồn cười làm sao!".

Như người mộng du, tôi tiến tới phía ba chú khỉ. Nơi ấy ánh trăng cuối tháng xiên qua cửa sổ, qua vòm lá ngoài vườn, rọi lên một khoảng sáng giữa căn phòng tối.

Tôi hoàn toàn không nhớ mình đã đặt ở đó từ lúc nào bức tranh vẽ dở dang trong đêm mưa ngâu.

Vâng, căn phòng như thế vẫn có tôi, nàng và ba chú khỉ gỗ. Tôi mừng rỡ đến nỗi khóc nức lên. Thật kỳ diệu! Thật kỳ diệu!

22-8-1986
Khách sạn Hng Bàng

Đ.L.
(SH26/8-87)





 

Các bài mới
Tâm hồn (16/08/2013)
Bức tường (13/08/2013)
Các bài đã đăng