Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-13)
Tạp chí Sông Hương & Bản lĩnh văn hóa
09:50 | 17/06/2013

KỶ NIỆM 30 NĂM TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG RA SỐ BÁO ĐẦU TIÊN (1983 - 2013)

TÔ NHUẬN VỸ

Tạp chí Sông Hương & Bản lĩnh văn hóa
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cùng anh em văn nghệ sỹ Huế ở triển lãm ảnh Dương Minh Long tại Huế 1995- Ảnh: DML (vnmusic.com.vn)

Thuận Hóa - Phú Xuân là vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Ai cũng biết điều ấy, dĩ nhiên là với những người am hiểu và quý trọng văn hóa. Nhưng, trên cương vị người viết, người nghiên cứu, người sáng tác, người phụ trách văn hóa văn nghệ, người quản lý… thì làm sao thấy được đâu là căn cốt của truyền thống văn hóa ấy và từ đó tìm cho được hướng hành động đúng, và kiên trì định hướng ấy, để phát huy truyền thống ấy là việc không hề dễ dàng, thậm chí là khó khăn nhất, là thử thách đầu tiên. Bởi phải có bản lĩnh, BẢN LĨNH VĂN HÓA, mới có thể làm được những việc ai cũng biết, ai cũng nói mà không phải ai cũng làm được.

Tôi muốn nói lên vài suy nghĩ của mình về Bản lĩnh văn hóa này, qua thời gian làm Tạp chí Sông Hương, Tạp chí vốn có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

1. Phải có và kiên trì các định hướng lớn

Xác định đối tượng phục vụ: Vấn đề tưởng không cần bàn bạc, ai lại đi mất thì giờ chuyện đã rõ xưa nay của mọi báo chí: phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ công nông binh… Nhưng thực ra, chúng tôi phải “lao tâm khổ tứ” không ít để xác định điều này, cho dù không công khai trên mặt báo.

Ai sẽ đọc Sông Hương (SH)? Ai sẽ bỏ tiền mua tờ tạp chí để đọc? Một khi SH là tờ tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật văn hóa? Thời gian này Sở Văn hóa - Thông tin có phòng văn nghệ và tờ Văn hóa thông tin chăm lo chủ yếu phong trào văn nghệ quần chúng. Chúng tôi xác định, tờ Văn hóa thông tin và Phòng Văn nghệ của Sở VH-TT đã lo công tác văn nghệ quần chúng thì Hội VHNT và Tạp chí SH chăm lo văn nghệ nâng cao. Đối tượng đọc SH là những người có trình độ khoảng lớp 11, 12 trở lên. Trình độ này cũng đã có nhiều trong cán bộ, bộ đội, nhân dân. Nếu “phục vụ công nông binh” thì sẽ “an toàn chính trị”, nhưng đối tượng mù mờ, sẽ dễ dãi trong lựa chọn bài vở. Việc xác định này là cần thiết vì trong nhiều lĩnh vực hoạt động của nhiều ngành, thường hay có phương châm kết hợp phong trào và nâng cao, nhưng trong thực tế bao giờ cũng chủ yếu là phong trào vì hoạt động nâng cao chất lượng, hoạt động chiều sâu bao giờ cũng khó, cũng chậm thấy thành tích.

Ngay sau xác định đối tượng là việc xác định nguồn bài vở chủ lực của tạp chí sẽ từ đâu. Nhiều ý kiến cho rằng, phải dựa chủ yếu là lực lượng của chính Hội VHNT tỉnh nhà, bài vở chủ yếu là phản ánh chuyện địa phương. Chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi âm thầm khẳng định SH là tờ tạp chí tầm Quốc gia để phấn đấu. Thừa Thiên Huế là một trung tâm trí thức, trung tâm văn hóa lớn của đất nước từ xưa đến nay. Hội VHNT Thừa Thiên Huế là một Hội lớn của cả nước, nhiều văn nghệ sĩ dư sức có mặt trên Tạp chí SH nhưng nhiều tác giả trong cả nước cũng cần có mặt trên SH. Một nhà văn, một trí thức ở Huế không phải chỉ suy ngẫm chuyến xẩy ra ở Thừa Thiên Huế, không phải chỉ khoanh vùng ở Việt Nam… Dĩ nhiên, ngay ở Thừa Thiên Huế, nhiều chuyện làng chuyện xóm có ý nghĩa lớn vượt tầm tỉnh huyện thì phải tìm tòi, phát hiện để quảng bá cả nước, thậm chí ra nước ngoài. Thế giới bây giờ là thế giới mở, khác xa thời “ta về ta tắm ao ta”. Dĩ nhiên, SH phải có những hoạt động khác để bồi dưỡng lực lượng trẻ, khai thác tối đa lực lượng tại chỗ để Tạp chí tồn tại và phát triển. Bây giờ nói những điều trăn trở đó là dễ dàng nhưng gần 30 năm trước là không đơn giản.

Cái cũ phải sâu, cái mới phải mạnh và nhìn ra thế giới

Phương châm này không phải ngay từ đầu chúng tôi đã xác định được. Phải sau một thời gian hoạt động, suy ngẫm, đắn đo qua những cái được và chưa được của tạp chí mới nhìn ra “Nó”. Tại lễ kỷ niệm 5 năm SH ra đời, có các bạn Nga và Pháp qua dự, phương châm này mới công khai trong tiêu đề bài diễn văn chính thức của Tổng Biên tập.

“Cái cũ”, ví dụ truyền thống văn hóa, lịch sử của Huế. Chúng ta có khá nhiều nhà nghiên cứu, hiểu và biết về nó trong cả nước, dĩ nhiên ngay ở Huế cũng có nhiều. Trong cộng đồng cư dân Huế cũng không ít gia đình có tư liệu, lưu giữ vốn truyền thống quý giá này. Tóm lại, người đọc có hiểu và biết về lĩnh vực này, ở mức trên trung bình, là khá nhiều, khá rộng rãi. Thế thì SH viết cái gì, giới thiệu cái gì cho khỏi bình thường, thậm chí tầm thường? Trả lời câu hỏi này không dễ, không phải ngày một ngày hai. Một ví dụ về cái khó để “phải sâu” này. Qua nhiều bài viết của không ít nhà văn hóa Huế khi ấy, chúng tôi có một phân vân: các vị cung cấp sự kiện, sự việc của lịch sử rất nhiều, với thái độ nhiệt tình rất đáng trân trọng, các sự kiện nối tiếp nhau được công bố… nhưng để rút ra một điều gì lớn hơn, bao trùm, qua hàng loạt các sự kiện đó thì đợi mãi mà ít khi thấy. Một nhà văn Đức viết về một nhà nghiên cứu “ông ta đọc cuốn sách thứ nhất, cuốn thứ hai, cuốn thứ ba… đến cuốn thứ hai mươi tư thì ông ta tổng hợp để cho ra đời một cuốn sách thứ hai lăm và cuốn này đưa lại cho ông ta học vị tiến sĩ”. Chúng tôi chờ khá lâu cuốn hai mươi lăm ấy ở các học giả nhưng chờ mãi… Điều đó nói lên mặt yếu (giai đoạn này) của không ít nhà nghiên cứu tại chỗ. Chúng tôi lặng lẽ tìm cách “tiếp sức”, nói đúng hơn là “kích hoạt” các cộng tác viên này, bằng cách tìm điều đó ở một số nhà nghiên cứu “ở xa” vì có khi “cờ ngoài” lại hơn chăng? Như qua nói chuyện, chúng tôi thấy giáo sư Trần Quốc Vượng không chỉ có một hiểu biết sâu và rộng như anh em ở Huế về tình hình kinh tế xã hội nhà Nguyễn ở Đàng Trong mà còn có so sánh với Đàng Ngoài và khẳng định, vào thế kỷ 18 kinh tế xã hội Đàng Trong tiến bộ hơn Đàng Ngoài (điều mà anh em “tại chỗ” chưa lần tới). “Cái cũ phải sâu” là kiểu như thế.

“Cái mới phải mạnh mẽ”, thì dễ hiểu hơn. Nhưng “đồng tình hơn” thì chưa chắc. Xã hội Việt Nam vào lúc SH xuất hiện là xã hội bắt đầu chuyển biến mạnh, cái mới xuất hiện nhiều nhưng cuộc đấu tranh để cho cái mới chiến thắng lại càng nhiều hơn. Phải tìm ra được sự mạnh mẽ phải viết là gì để ưu tiên, đồng thời phải tổ chức để có các bài viết, vì loại bài đó không thể ngồi chờ, ngồi mong mà nó tới. Chúng tôi đã giành hẳn những phóng viên giỏi viết bút ký, phóng sự để đi viết những bài phản ánh hoạt động những nơi gay go, khó khăn, như Cà xèng chon von (Nguyễn Quang Hà), Theo thuyền đánh cá mập (Vĩnh Nguyên)… Nhưng, khi cần thì SH cũng mời cộng tác viên có điều kiện đi viết “chủ điểm thời sự” như vụ lo kinh phí, thuốc men, chăn màn cho cộng tác viên đi thực tế viết về cuộc sống của nhóm người thiểu số ít ỏi có nguy cơ tuyệt chủng ở rẻo cao, đó là bài Người Rục ở Quảng bình (Võ Xuân Trang). Đặc biệt, vấn đề dân chủ ở nông thôn và trong xã hội đã bắt đầu nóng lên, SH không thể đứng ngoài cuộc. Tại tòa soạn SH đã xuất hiện những nông dân kêu oan, và càng ngày càng đông. SH đã kiên trì loạt bài về sự mất dân chủ ở Phong Sơn (Phong Điền), khởi đầu là bài Luận chứng những tâm hồn đa cảm (Nguyễn Quang Hà)… Rồi Tiếng gõ cửa cuộc đời cũng của Nguyễn Quang Hà (phải nói rằng, mảng phóng sự, bút ký này đã phát huy sức chiến đấu nóng bỏng của ngòi bút Nguyễn Quang Hà và cũng xin nói luôn là một thời gian dài Nguyễn Quang Hà “trực thuộc” Tổng Biên tập để “tung” vào những bài có tính chất “phải mạnh mẽ” này và có khi dưới bài viết của tác giả, TBT còn có lời bình luận tiếp).

Chỉ ở “mức” đó, SH cũng bắt đầu chịu sự nóng lạnh của cuộc đời. Chúng tôi cố gắng bình tĩnh, nhưng kiên định chủ trương không đăng những bài vở cho qua chuyện, cho có xuất bản. Cũng như những văn nghệ sĩ chân chính khác trong cả nước, SH khát khao góp một tâm huyết vào sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước đang diễn ra. Có lẽ tin vào nguyện vọng cao cả đó, nhiều bài viết, nhiều sáng tác có chất lượng trong cả nước dồn về SH. Sức nóng thổi vào SH ngày càng nóng bỏng. Và khi SH tổ chức cuộc trao đổi mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, (mối quan hệ mà cho đến nay, không phải lúc nào cũng đã được giải quyết tốt) thì sức nóng đó tưởng chừng có thể thiêu cháy SH. Chúng tôi càng gắng bình tâm hơn để lắng nghe lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lắng nghe xã hội và lắng nghe chính mình. Tôi nhớ lại trong một chuyến xe ra dự Đại hội Nhà văn Việt Nam khi SH sắp ra đời, Nguyễn Quang Lập có hỏi tôi, nếu SH ra đời thì gắng gổ có bằng tờ Văn nghệ X. ở một trung tâm lớn của cả nước và do một nhà văn rất nổi tiếng làm chủ bút không, tôi đã thành thật rằng làm như tờ ấy thì ra SH làm gì cho phí công của của nhân dân và anh em, bởi tờ đó rất “công chức”, hình như ra cho phải đạo. Chúng tôi muốn SH là một sản phẩm có ích của trí tuệ, đơn giản vậy thôi. Cho dù không phải điều gì SH làm cũng đúng cũng hay không cần rút kinh nghiệm, nhưng lòng yêu nước, khát khao biểu lộ lòng yêu nước không thể bị hiểu nhầm, không thể bị hiểu sai, mà điều này có xẩy ra thì đến một ngày nào đó sẽ được nhân dân trả lại giá trị cho nó.

Và “Nhìn ra thế giới”. Bây giờ định hướng này đâu có gì mới mẻ, nhưng gần 30 năm trước thì nhiều người còn e ngại khi nhìn ra thế giới. Cũng có lý do vì lúc đó nhiều thế lực muốn ăn tươi nuốt sống chúng ta. Không ai đánh đồng chính trị và văn hóa nhưng trong mọi mối quan hệ, quan hệ với nước ngoài, hướng tới “ngoại” là “nhạy cảm” rồi, phải cẩn trọng rồi. Khai thác các bài viết, tác phẩm của nước ngoài cổ, cận đại thì ít gay cấn, nhưng hiện đại, đương đại thì đã phải thận trọng. Ngay ở lĩnh vực này, tìm ra cái gì khác với bình thường là rất khó. Nhưng cũng phải kỳ công, gắng tìm. Như tìm đặt bài tác giả Nga viết về quan hệ giữa Gogin và Kỳ Đồng khi Kỳ Đồng bị đày ngoài đảo. Như tìm mọi cách khắc phục khó khăn để kết nghĩa với Tạp chí Nhô Man (Bielorutsia), với Đài Mascơva, tìm cách phát hành SH tại Pháp và Tây Âu… (thông qua mối quan hệ thân thiết, tin cậy với Hội Người yêu Huế tại Pháp). Phải nói ngay rằng, việc nhìn ra thế giới của SH nằm trong hoạt động đối ngoại mở ra của Hội Văn nghệ tỉnh (Hội tích cực góp phần vận động các tác giả Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng về quê hương, Chủ tịch Hội là đại diện của ĐPT tại Việt Nam; Quan hệ với Trung tâm William Joiner để đưa đoàn Ca Huế đi dự liên hoan dân ca tại Lowell - Hoa Kỳ, giữa lúc Mỹ đang duy trì lệnh cấm vận…), là Hội văn nghệ địa phương đầu tiên trong cả nước có quan hệ với các tổ chức nước ngoài trong hoạt động chuyên môn của mình. Tôi cũng phải nói ngay rằng, trong định hướng này, SH phải vượt qua sự e ngại ngay chính trong SH, vì sự mạnh mẽ, mới mẻ “toàn tuyến” thế này rất dễ… sai sót và ăn đòn.

2. Hoạt động khác ngoài tờ Tạp chí

Thời gian này SH chưa hoạt động nhiều ngoài tờ Tạp chí. Nhưng, chúng tôi chú trọng chọn những hoạt động có chiều sâu văn hóa để tiến hành. Như:

+ Nhận thấy việc học và dạy văn ở nhà trường có nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng, đồng thời cũng để bồi dưỡng, phát hiện những nhân tài trẻ tuổi, SH quyết định tổ chức cuộc thi EM HỌC VĂN cho học sinh Trung học. Cuộc thi đã thu hút đông đảo học sinh tham gia với thái độ trọng thị đặc biệt và đã có những bài viết hay, cảm động. Đến bây giờ vẫn còn thí sinh được giải, dù đã là bà mẹ, em vẫn trang trọng treo giữa nhà bằng chứng nhận giải thưởng của Tạp chí SH ngày ấy. Tiếp đó, SH tổ chức trao thưởng cho các học sinh trong tỉnh được giải thưởng quốc gia hàng năm…

+ Tổ chức xuất bản TỦ SÁCH SÔNG HƯƠNG (TSSH).

Dĩ nhiên có mục đích lợi nhuận để bù đắp kinh phí và góp phần lo thêm đời sống cho anh chị em trong tòa soạn, nhưng dứt khoát không phải chỉ những sách “hái ra tiền” mới in mà trước hết là sách chất lượng sẽ kéo người đọc bỏ tiền tìm mua. Cho nên TSSH đã thành công lớn, cả về tinh thần và vật chất, với các cuốn Bài thơ thôn Vỹ, tuyển chọn những nhà thơ tiền chiến viết về Huế, in đến 40 ngàn bản, bán trong vòng hơn 1 tháng là hết; Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm và dư luận, hợp tác với Nxb. Trẻ in tới 8000 bản, bán hơn nửa tháng là hết. Nhưng đến Tình yêu thời thổ tả của G. Market thì có chuyện. Sách bị đình lại khi sắp vô bìa ở nhà in với lý do sách có những trang… đồi trụy(!) và một thời gian sau thì đống sách sắp hoàn thành đó bị xay bột để chủ đầu tư tiền bạc (Báo Vũng Tàu - Côn Đảo) gỡ gạc lại ít vốn. Vụ này thì SH không cứu được mình và… Market!

Tôi nghĩ, mấy điều “nhớ lại và suy nghĩ” trên đây là cái chất của vùng đất này. Thâm trầm nhưng kiên định. Đó là phẩm chất văn hóa, bản lĩnh văn hóa. Hội VHNT cũng có mang trong mình phẩm chất nầy, có thể là từ SH chăng?

Hồi đó chúng tôi nói với nhau Hội VHNT là “cha” của SH, nhưng cha chỉ là Trung úy nhưng đẻ ra đứa con là Đại úy, “con hơn cha là nhà có phúc”, nên toàn Hội dồn sức vun đắp cho đứa con trai Đại úy xứng đáng của mình. Mong SH thành Đại tá, Đại tướng càng quý, trong đời sống văn học nghệ thuật báo chí của Đất nước đổi mới.

T.N.V
(SDB9/6-13)






 

Các bài mới
Cỏ non xanh... (27/06/2013)
Các bài đã đăng