Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-13)
Kết bạn với Sông Hương
09:35 | 20/06/2013

KHÁNH PHƯƠNG

Huế là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không sống ở nơi đây?”. Sông Hương là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không làm điều gì đó cho nơi này?”.

Kết bạn với Sông Hương
Nhà phê bình Khánh Phương

Lần đầu tôi tới Huế vào mùa hè năm 2009, do phải bay sớm ra Hà Nội, bỏ lại các bạn cùng cơ quan còn tiếp tục du hành vui chơi từ Lăng Cô, tới Phong Nha Kẻ Bàng. Thầy Dũng “võ”, tức Nguyễn Văn Dũng, một người Huế với nghĩa chân xác nhất của từ này, thầy giáo của trường Quốc Học xưa, tác giả những bút ký duyên dáng và sắc bén, được sự gởi gắm của 2 người bạn tôi, (trong đó một người tôi chưa bao giờ gặp mặt) tận tình đón tiếp, đưa 2 mẹ con tôi đi tìm mướn khách sạn giữa mùa cao điểm du lịch. Huế vừa ngớt mưa, thầy Dũng đưa chúng tôi đi thưởng thức món bún bò Huế. Thầy hóm hỉnh nói với con trai 8 tuổi nhỏ xíu của tôi: “Con ngồi bên này để bảo vệ mẹ”. Buổi sớm tự đi chơi Đại Nội. Qua trưa, thầy Dũng chở honda tới thăm lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, đi mua đồ lưu niệm. Chiều xuống ghé “Sông Hương”, gặp Phó TBT Hồ Đăng Thanh Ngọc. Buổi trò chuyện đầu tiên giống như làm “bài phỏng vấn”, có lẽ vì mấy anh em đều “vụng” chuyện nói năng. Biết đâu… có khi không tới lại hơn. Bởi vì trước đó đã tồn tại một tình bạn chỉ trên trang viết giữa tôi và “Sông Hương”, hồn nhiên và tri âm hơn tất cả mọi sự gặp mặt.

Lần thứ hai tới Huế đã đông vui bè bạn. Chiều tối đi ăn cơm hến với người anh N. Đ. M từ Sài Gòn ra. Vị hến lợ thanh thanh, không phải ai cũng có thể ghiền. Đó là dịp Festival mùa hè 2010, Huế dành nhiều không gian cho thơ. Cameraman M.P. “Khùng” từ Đà Lạt về tới đây vẫn khùng. Tôi cài hoa Junne lên đuôi tóc Pony tail và đeo vòng tay cho Đồng Chuông Tử trước khi lên trình diễn thơ, không biết có phải vì lòng hăng hái của chàng trẻ tuổi mà lúc lên sân khấu hoa gần như đã héo. Tuệ Nguyên bẽn lẽn, Liêu Thái láu táu cùng ngồi dự tọa đàm “Thơ đến từ đâu”. Buổi tối coi Huỳnh Lê Nhật Tấn vừa đọc thơ vừa “múa đương đại”, phun rượu lên toan thay cho màu vẽ. Những người anh xứ Huế: Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Nguyên Tường... trổ tài quán xuyến, tổ chức ngày hội cho thơ giản dị mà vui.

Từ đó, tôi ghé Huế thường xuyên, có khi tháng nào cũng ghé. Tới thăm vợ chồng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, cà phê với thầy Dũng, đi ăn cơm chay với họa sĩ Bút Chì. Đi bộ khắp những con đường cây lá trong veo. Tất nhiên không thể thiếu bánh canh đường Phạm Hồng Thái…

Huế đẹp trong lành, cao sang chính là nhờ giữ được hầu như vẹn nguyên cốt cách của một thành phố nhận được nhiều ảnh hưởng văn hóa Tây phương, tương tự như Đà Lạt trước đây. Mà không bị biến thành trung tâm hành chính, kinh tế thực dụng như nhiều thành phố khác. Từ những công viên rợp bóng cây an nhiên nằm giữa lòng thành phố, những mảng tường thấp bình lặng thấm đầy hơi ẩm sau cơn mưa, cho tới thành trì, lăng tẩm. Tất cả còn tồn tại đến ngày nay như một thành phố di sản, chính là nhờ vào cốt cách và sự tổ chức kiểu Tây phương ẩn sâu trong vẻ ngoài của một đô thị cổ Đông phương.

“Sông Hương” là một phần của Huế. Cho tới bây giờ, với “Sông Hương”, tôi vẫn là một người khách. Chưa chung vai san sẻ được gì. Nhưng với lòng mến yêu trọn vẹn, từ thoạt tiên cho tới khi đã một chặng đường với nhiều ấm lạnh. Lòng mến yêu có thể dễ dàng nói ra, không ngần ngại. (Bởi vì, với ai đó, tình cảm yêu quý có thể là khởi đầu của thiên kiến cá nhân hay sự lệ thuộc, chứ với tôi thì không). Ngay cả khi sự ứng xử vô lý, thiếu trung thực của một số cá nhân bỗng nhiên nhằm vào tôi, tôi vẫn nhận được những email từ “Sông Hương”: “Khánh Phương cứ bình thản. Quanh em còn nhiều người tốt và hiểu biết. em không đơn độc đâu”. Vẫn là tình tri âm từ trang viết, ngoài ra không gì hơn.

Nhớ tới người đã làm những điều lành cho mình, và tha thứ, quên đi người làm điều xấu, đó là một trong những hạnh phúc mà tôi có khi kết bạn với “Sông Hương”.

“Sông Hương” phải ra sao để luôn chính là “Sông Hương”, điều này chỉ có những người trực tiếp thực hiện “Sông Hương” mới biết đủ và biết rõ. Tôi còn nhớ, cách đây đã hai chục năm có lẻ, khi tôi 15 tuổi, là học sinh lớp 12 chuyên văn trường phổ thông trung học năng khiếu Trần Phú, thành phố Hải Phòng, các thầy giáo của tôi từng nhắc “Sông Hương”, “Cửa Việt”, những cái tên có phần lạ lẫm trong làng báo nhưng lại chiếm được cảm tình của những người viết lách, dạy học, nghiên cứu khao khát lòng trung thực và đổi mới.

Nhớ Huế, biết có “Sông Hương”. Để đôi khi tôi tự nhủ rằng, vẻ đẹp không bao giờ nên “đương đầu” với mưu toan hay sự gian dối. Vẻ đẹp có thể bị mưu toan và gian dối phủ nhận, triệt hại về mặt vật lý. Thậm chí có thể bị lãng quên trong ý thức. Nhưng vẻ đẹp luôn cao hơn…

Mountville, 3/5/2013 
K.P
(SDB9/6-13)






 

Các bài mới
Cỏ non xanh... (27/06/2013)
Các bài đã đăng