Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-13)
Huế ở đâu trong tôi?
09:26 | 26/06/2013

NGUYỄN LỆ BA

Gia phả họ Nguyễn Quang ghi chép, tổ tiên chúng tôi là những người đã ra đi từ đất Huế. Thuở dong buồm về phương Nam đi tìm đất mới, những lưu dân đầu tiên đến dựng làng lập ấp trên vùng sông nước quê tôi chỉ vỏn vẹn vài dòng họ với đôi ba chục con người.

Huế ở đâu trong tôi?

Sự giao thoa văn hóa, dân tộc và bản sắc địa phương của những con người đến từ nhiều vùng đất khác nhau đã tạo ra nơi đây một lớp cư dân mới. Họ là tinh hoa, là sự hòa quyện và đơm kết những phẩm chất tốt đẹp của nhiều thế hệ sinh sôi trên đất phương Nam nầy. Nhưng tôi, nhìn lại mình, từ giọng nói, thói quen cho đến cư xử, giao tiếp… thì lại đặc sệt chất Nam bộ. Đôi khi tôi tự hỏi, Huế của tôi ở đâu?

Những năm đầu thế kỷ trước, (khoảng 1900) hai vợ chồng đời thứ 4 của dòng họ Nguyễn Quang đã nương theo gió Nồm, ngược đường biển về lại Huế, về thăm lại quê hương. Đó là cuộc hành hương tìm về nguồn cội mà những thế hệ đi trước từng mơ ước, từng kỳ vọng và nhất quyết phải làm cho bằng được. Khi ấy, con cháu đã đông đầy, làng xã đã đi vào nề nếp và dòng họ đã là những người no đủ và giàu có trên vùng đất mới. Đôi vợ chồng ở độ tuổi 60, trước khi giương buồm thực hiện chuyến đi về nơi phát tích của dòng họ, đã ân cần dặn lại con cháu: “Sau hai năm, nếu ông bà không về, hãy lấy ngày ra đi làm ngày giỗ kỵ”. Và, họ đã không về. Chẳng ai biết ông bà tôi có về đến được Huế, đúng như nguyện ước, đúng như lời thề với dòng tộc hay không? Dẫu sao, lớp con cháu chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, ông bà mình đã mãn nguyện, dù có thể họ chẳng về đến được quê hương.

Mỗi lần đọc lại gia phả là mỗi lần tôi hình dung nhiều thứ về vùng đất mà năm xưa cha ông tôi từ đó đã ra đi. Sông Hương, núi Ngự, thành quách, lăng tẩm và không biết bao nhiêu cái tên thân quen khác lần lượt hiện lên với đầy đủ màu sắc thiêng liêng, cổ kính. Có bao nhiêu nơi trên đất nước mình lại được nhắc nhớ, được mô tả và đã đi vào văn học, vào lòng người như Huế? Và con người Huế cũng đã trải mình ra, đã gieo những mầm sống mới trên mọi miền đất nước bằng một tính cách rất riêng nhưng hòa quyện tuyệt vời với những nơi mà họ đã đến.

Người con gái cho tôi những rung động đầu đời là một cô gái Huế. Giữa Sài Gòn tụ hội những con người từ mọi miền đất nước, giọng Huế dịu dàng không thể lẫn vào đâu được. Tuổi 17 của tôi ghé mắt nhìn vào thế giới tình yêu qua con người ấy, con người của thơ và nhạc kết tinh, của hoa lá, cỏ cây và hương sắc bốn mùa hình thành. Đó là người con gái tuổi đời không hơn tuổi tôi mà lại thích làm người lớn, thích xưng “chị” với tôi. Đó là người dạy tôi bài học tình yêu đầu tiên, bài học vừa đắng cay lại vừa ngọt ngào, say đắm. Tôi dở cười dở khóc, tôi thành thằng “ngố”, anh khờ, thành đứa trẻ con dưới mắt cô gái Huế ấy. Cô thu những chiếc móng sắc bén vào để âu yếm vuốt ve tôi, đợi tôi ngủ thiếp trên thảm cỏ hạnh phúc rồi bất ngờ tung tôi lên cao, thỏa thê đùa giỡn. Cô thích thú cười cợt khi tôi chết chìm trong đợi chờ tuyệt vọng rồi đột nhiên ôm tôi vực dậy, xõa tóc tràn mặt tôi, dứ vào miệng chiếc kẹo mè ngọt lịm. Cô hẹn tôi năm bảy lần mà không đến, đợi tới khi tôi mỏi mòn bỏ cuộc thì giả vờ thơ thẩn một mình những nơi tôi đã ngồi chờ. Cô dịu dàng như một đứa em gái, ân cần như một người chị, chở che như một bà mẹ rồi bất ngờ… đổ sụp xuống, run rẩy, cuống quýt khi tôi bạo gan nắm lấy bàn tay… Ôi Huế! Ôi những cô gái Huế: kính đáo, hững hờ mà sao lại nồng nàn, lãng mạn!

Ấn tượng đầu tiên về những cô gái Huế đã khắc những nét hoa mỹ và đậm sâu vào tâm hồn tôi, để Huế và người hòa làm một, không tài nào phân định rõ đâu là Huế, đâu là tình yêu trong tôi.

Anh bạn tôi, một tay vẽ chân dung truyền thần gốc Huế. Sau 1975, anh rời Sài Gòn trôi dạt xuống miền Tây. Không thiếu những người từ miền Trung vào đây ăn nên làm ra. Anh thì không. Hỏi vì sao, anh cười hiền: “Không thích bon chen mô”. Cái chất nghệ sĩ đã thấm trong máu, đã ăn trong tim nên anh làm cốt chỉ đủ cơm ngày hai bữa. Thì giờ, công sức, tiền bạc ít ỏi dành dụm anh dồn hết cho tranh nghệ thuật. Anh vẽ nhiều nhưng không bán (hay bán chẳng ai mua?). Tôi không là họa sĩ, không thể đánh giá và không hiểu tranh anh nên vẫn thường tự hỏi: Hay đó lại là một phần cái cốt cách và tâm hồn của những chàng trai Huế?

Tôi có ông chú họ, thời chiến tranh đã lê bước giang hồ từ Cà Mau đến tận Quảng Trị. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về quê cùng một cô vợ người Huế. Vốn tính đểnh đoảng, ông chú tôi gần như phó mặc chuyện cá mắm gạo thóc cho một mình thím tôi trong thời buổi khó khăn sau 1975. Thế là giữa vùng sông nước Cửu Long, người con gái của sông Hương núi Ngự như thân cò lặn lội giữa đồng sâu, kiếm từng con cá cọng rau, hạt cơm manh áo cho chồng, cho con. Cái dáng nhỏ nhắn cùng chiếc áo nâu bạc màu với chiếc rổ cắp bên hông là hình ảnh tôi thường thấy ở thím. Có phải cái tính chịu thương chịu khó, sự hy sinh vô bờ bến dành cho chồng con là bản chất của người con gái Huế? Người ta gặp thím tôi quần vo áo vận, bì bõm lội ruộng bắt ốc khi trời chưa kịp sáng. Trưa nắng như đổ lửa trên đầu, thím tôi còn xành xạch tát khúc mương cạn để kiếm thêm con cua, con cá. Và khi xóm làng quây quần bên mâm cơm chiều đầm ấm, thím tôi vẫn lẻ loi một mình trên bờ ruộng vắng, chiếc bóng nhỏ nhoi in trên nền trời ráng đỏ… Mấy mươi năm như thế có lẽ đã vắt kiệt cùng sức lực của người con gái Huế, để đến một ngày, thím tôi nằm xuống trên miền đất phương Nam, không kịp một lần về thăm lại quê hương.

Thím mất, chú bỗng dưng biết làm thơ. Chú tôi yêu Huế, yêu người Huế, yêu con gái Huế. Trong hồi ký, trong thơ, trong những trang viết cuối đời của chú, ở đâu và lúc nào cũng là Huế, cũng có Huế. Chú yêu Huế, say Huế và… điên Huế! Dù thân thể thím tôi đã hòa trộn, đã tan rữa thành những hạt phù sa của đồng bằng sông Cửu Long nhưng hình ảnh thím tôi không thể và không bao giờ có thể tan biến trong trái tim chú tôi.

Mỗi lần nhớ về ngôi mộ nằm giữa đồng của thím, tôi tự hỏi: “Liệu người con gái của sông Hương có cảm thấy cô đơn khi nằm một mình trên đất Đồng Tháp nầy?”. Có lẽ không. Quanh thím, còn có bao nhiêu thế hệ con cháu của lớp người đã ra đi từ đất Thần kinh xưa; lớp đã nằm xuống, lớp đang sống và nối tiếp những thế hệ khác vẫn đang sống quanh thím, sống yên vui và hạnh phúc trên vùng đất châu thổ nầy. Mảnh đất ôm ấp xương cốt người con gái Huế cũng đã từng là sự hòa trộn của hạt phù sa và xương thịt của bao thế hệ đi trước.

Đôi khi nghe câu hò Đồng Tháp, tôi lại thấy phảng phất dư âm của hò mái Nhì, mái Đẩy. Có khác chăng là trong thăm thẳm cái hồn dân tộc, qua những làn điệu tự tình, đã có thêm chút ngậm ngùi của kẻ ly hương, chút oán hờn cảnh nước mất nhà tan của người xưa ở cái thời khai hoang vỡ đất…

Huế của tôi ở đâu? Phải chăng Huế đã lặn sâu vào xương thịt, đã giấu kín trong trái tim hay đang chảy âm thầm trong mạch máu? Để rồi một buổi sáng, mở cửa đón nắng mai và bỗng thấy trước nhà sen nở hồng cả mặt ao…

N.L.B
(SDB9/6-13)






 

Các bài mới
Cỏ non xanh... (27/06/2013)
Các bài đã đăng
Quán gió (24/06/2013)
Trăng (21/06/2013)