Tạp chí Sông Hương - Số 292 (T.06-13)
Sông Hương trước đây, Sông Hương bây giờ
10:50 | 17/06/2013

LTS: Từ Tổng Biên tập đầu tiên cho đến Tổng Biên tập đương nhiệm, Tạp chí Sông Hương đã chuyển giao qua 7 thời kỳ. Có thể nói mỗi “thuyền trưởng” đều để lại một dấu ấn riêng. Nếu sự thăng là mặt nổi trội hiển nhiên thì sự trầm nhiều lúc vẫn được độc giả hoan nghênh ghi nhận. Những cảm nhận và ý kiến của hai nhà văn nguyên Tổng Biên tập của Sông Hương dưới đây phần nào dẫn ra mặt mạnh và yếu của tạp chí xưa và nay. Qua đó, lớp kế cận nhận thấy trọng trách khá nặng nề mà họ được giao phó.

Sông Hương trước đây, Sông Hương bây giờ
Chân dung 7 đời Tổng biên tập TCSH: Nguyễn Khoa Điềm - Tô Nhuận Vỹ - Nguyễn Khắc Phê - Hồng Nhu - Nguyễn Quang Hà - Nguyễn Khắc Thạch - Hồ Đăng Thanh Ngọc

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ:

Sông Hương bây giờ, không thiếu những bài đọc bổ ích, có chất lượng. Có thể nói Sông Hương đã phát huy khá tốt nhiều điều hay mà Sông Hương trước đây đã đạt được và có mặt làm tốt hơn như vun đắp cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, nhân dịp này tôi cũng xin nói một kinh nghiệm của mình (nếu có thể gọi là kinh nghiệm) để các bạn làm Sông Hương tham khảo.

Cách đây mấy năm tôi có về thăm một xã miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long. Xã có hẳn một tạp chí Văn nghệ, hai tháng ra một số. Anh Tổng Biên tập cho biết “mỗi nhà chỉ cần đóng góp 2 trái cam là tui đủ tiền ra 1 số tạp chí!”.Tạp chí có đủ các chuyên mục văn, thơ, nghiên cứu phê bình, dịch thuật, nhạc, họa, nhiếp ảnh… với đủ tên tuổi không chỉ của tỉnh mà của cả nước, thậm chí có cả một bài phỏng vấn một nhân vật văn hóa nước ngoài vừa tạt qua TP. HCM. Nghĩa là sao? Nghĩa là, trong thời buổi hiện nay, với phương tiện Internet và điện thoại hiện đại, dù ở bất cứ đâu một tờ báo vẫn có thể có đủ những bài vở của các tác giả có “thương hiệu” nhất. Nhưng để tạp chí đó là một tạp chí “nặng ký” lại là một vấn đề khác. Nếu ta lấy toàn bài loại A ở truyện, bài loại A ở thơ, bài loại A ở nghiên cứu, bài loại A ở dịch thuật, bài loại A ở phóng sự… chưa chắc có số tạp chí hấp dẫn loại A. Mà có khi thay vào vài bài loại… B ở chuyên mục này chuyên mục kia thì sự hài hòa sẽ tăng lên và nếu những bài “loại B” đó là những bài mà bạn đọc đang chờ đón (tôi không kể tới loại thị hiếu… thị trường) thì sức nặng chất lượng đã đạt được. Nói chung, đó là sự chọn lựa vấn đề nóng cho số tạp chí và nghệ thuật tổ chức cụ thể từng số tạp chí của Tổng Biên tập.

Sông Hương trước đây và Sông Hương bây giờ có những điều “giống nhau”: tập thể anh chị em làm Sông Hương (và ban lãnh đạo Hội) luôn tâm huyết phấn đấu để Sông Hương đóng góp xứng đáng vào sự phát triển nền văn hóa văn nghệ giàu truyền thống và bản sắc của Thừa Thiên Huế cũng như của cả nước, mặt bằng văn hóa của trí thức và độc giả cũng như lãnh đạo tỉnh khá cao, ít vấp phải những ấu trĩ quá đáng trong nhận thức (trừ trường hợp tạo dựng vụ 123 chị em chợ Đông Ba ký tên phản đối Sông Hương cách nay gần 1/4 thế kỷ) và nhờ vậy mà thực sự Sông Hương đã luôn luôn là tạp chí Văn nghệ địa phương có chất lượng hàng đầu của cả nước.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê:

Sức sống, diện mạo của một tờ tạp chí tùy thuộc nhiều yếu tố, chứ không phải tòa soạn muốn gì cũng được; vì thế, người đọc cũng không nên đòi hỏi báo chí hôm nay quá nhiều thứ - ví như đội ngũ viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc không có tác phẩm chất lượng cao, tiền lại ít thì tạp chí lấy chi làm hay và đẹp… Cho dù vậy, trong “lưng vốn” hiện có, cần kiên quyết đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu, chứ không nên nể nang, “chiếu cố” vì đề tài hay vì thân quen hoặc “vai vế” của ông nọ bà kia. Xin nói thật, vừa qua, đã có bài như thế xuất hiện trên Sông Hương. Để từ chối những bài như thế, Ban Biên tập phải có bản lĩnh vì sẽ làm mất lòng một số vị, nhưng được lòng đông đảo bạn đọc.

Mặt khác, để có một tạp chí hay, tạo được dư luận, thiết nghĩ Sông Hương cần chú ý đầu tư trí tuệ cho khâu tổ chức, “đặt hàng” bài vở theo các chủ đề mà xã hội, bạn đọc quan tâm, tức là không chỉ trông chờ vào bản thảo cộng tác viên gửi đến. Sức “nóng” của Sông Hương ngày trước một phần nhờ biết chú trọng khâu này. Tất nhiên là mỗi thời một khác, hy vọng tòa soạn đầy sức trẻ của Sông Hương hôm nay sẽ làm “nóng” hơn tờ tạp chí của mình bằng những vấn đề xã hội, văn hoá sâu sắc, đậm dấu ấn của Huế.

Thời “trước” Sông Hương như một đấu thủ trẻ được dự cuộc đua sôi động trong không khí Đổi Mới của làng báo chí, sức “nóng” từ cuộc sống ùa vào mỗi trang Tạp chí, nên dễ được chú ý. Nói như vậy, là hàm ý Sông Hương bây giờ có phần thiếu “lửa”. Điều này, là tùy thời cuộc, chứ ban biên tập muốn khác đi cũng không dễ. Thì như tờ “Văn nghệ”, tập hợp cả ngàn cây bút của cả nước, mà lâu nay có gây được sự chú ý của dư luận như hồi đầu Đổi Mới đâu. Mặt khác, cũng tùy trọng tâm của mỗi giai đoạn, tùy vị trí của mỗi tờ báo; như Sông Hương, tạo nên sự chú ý bằng những bài viết đấu tranh chống “tiêu cực” quyết liệt chưa hẳn đã là sự lựa chọn tối ưu. Tất nhiên, để có sức hấp dẫn bạn đọc bằng những “phương thức” khác là điều không dễ chút nào. Nếu tôi không nhầm thì hình như Sông Hương đang cố gắng theo cách đó, mà trước mắt là chú trọng đến những tác giả, tác phẩm có tìm tòi nghệ thuật mới lạ… Về mặt này, Sông Hương hôm nay, với đội ngũ rất trẻ, giàu sức sáng tạo, đã tỏ ra hơn hẳn “ngày xưa”.  

(SH292/06-13)






 

Các bài mới
Lưỡi đêm (16/07/2013)
Linh hồn biển (01/07/2013)
Mộng ban đầu (01/07/2013)
Người mẹ (28/06/2013)