Tạp chí Sông Hương - Số 292 (T.06-13)
Tạp chí Sông Hương trong xu thế nghệ thuật mới
14:31 | 17/06/2013

Thực tiễn sáng tạo nghệ thuật luôn luôn biến đổi cùng với sự thức nhận tri thức khách quan và tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Sáng tạo là tìm ra cái mới, cái mới nằm trong nhận thức, trong quan niệm, trong cách chúng ta nhìn vào sự vật và nhìn vào chính mình.

Tạp chí Sông Hương trong xu thế nghệ thuật mới

Cái mới chính là tìm đến những khả thể khác cho sự tồn tại. Cái mới bao giờ cũng đầy tính khiêu khích, tính khiêu khích đó chính là nguyên nhân để sản sinh ra mọi hoài nghi về chính bản thân nó. Nhìn lại, trong lịch sử nghệ thuật, chúng ta thấy, cái mới trong sáng tạo không thể tránh được những thử thách. Thử thách đến từ những quan niệm nghệ thuật thủ cựu, những nghi ngờ về chân giá trị, sự va chạm giữa những lề thói thẩm mỹ khác nhau, cái mới bao giờ cũng bị vây khốn trong những nguyên tắc đã định hình…

Cái mới, lúc nó xuất hiện bao giờ cũng xa lạ, nó trở nên lạc loài giữa đám đông. Người ta thường quay mặt với những thứ tưởng như là kỳ quặc ấy. Nhưng rồi về sau, khi những suy tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ không còn thách thức quan điểm thẩm mỹ của đám đông, người ta dần nhận ra những vỉa tầng giá trị ẩn trong chiều sâu của những điều mà trước đây người ta xem là bất thường. Vì thế cái mới cần nhất là thời gian. Thời gian để những tiêu chuẩn thẩm mỹ trong phóng tưởng sáng tạo trở nên quen thuộc với công chúng, thời gian minh chứng cho giá trị của cái mới, giá trị của sự tiên phong và khai mở cho tri thức tìm đến những chân trời khác. Thời gian sẽ chứng minh rằng cái mới chính là hoa trái mơ về của những người can đảm chọn lối đi riêng, dám bội ước với tập quán, vượt lên dư luận để hướng mơ mộng sáng tạo chạm vào thể tánh của thi ca. Cái mới là suối nguồn mà người nghệ sĩ tìm tới để say đắm sau khi đã mang vác trên mình những vết thương sâu. Vết thương trên thân xác và vết thương trong linh hồn.

Giữa bối cảnh dung hợp nhiều trào lưu sáng tạo như hiện nay, trong khi nghệ thuật Việt vẫn đang trôi trượt trên những bước đường thử nghiệm thì vai trò của người làm nghệ thuật trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nghệ thuật ngày nay cần lắm những kẻ tiên phong mở đường. Những người mở đường có bản lĩnh và tâm huyết thực sự, những người mở đường dựa trên nền tảng mỹ học rắn chắc, dám thiêu đốt mình cho bản mệnh sáng tạo.

Văn học đương đại Việt Nam vẫn đang khuyết thiếu những đỉnh núi lớn. Rất hiếm hoi để bắt gặp những nỗ lực cách tân đứng trên nền tảng căn bản của triết học, mỹ học, tâm lý học… Khó thấy lắm những cách tân chạm sâu, khoét đến tận gốc rễ của tâm thức đương đại. Chúng ta không thể tránh khỏi được những hoài nghi về chính giá trị của nghệ thuật, bởi xét cho cùng chúng ta vẫn chưa thực sự lên đường khi chính từ phía trí thức, vẫn nhiều người quay mặt lại với cái mới để rồi đây họ phải úp mặt khóc trong những hố thẳm ngăn cách khôn cùng.

Sông Hương, ngay từ khởi thủy, đã đứng về phía cái mới. Những bước thăng trầm của tạp chí đã minh chứng cho ý hướng tiên phong. Ngày hôm nay, trước những vấn nạn của nghệ thuật, vai trò của Sông Hương càng trở nên nặng nề hơn. Ý thức được sứ mệnh tiên phong, Sông Hương sẽ vượt qua những khó khăn đang vướng phải, những khó khăn về tài chính, về nhân lực, sự xung đột giữa những quan điểm dị biệt đến từ nhiều phía, những khó khăn không thể tránh khỏi trong môi trường thế giới phẳng…

Qua thời gian, Sông Hương đã luôn nỗ lực đồng hành với đời sống sáng tạo, tiếp nhận, nghiên cứu văn học, văn hóa…, cố gắng phác thảo diện mạo dường như không có đường biên của nghệ thuật đương đại. Sông Hương đã phát hiện và tôn vinh những giá trị mới của văn chương, giới thiệu và cổ xúy cho việc tiếp nhận các trào lưu văn học nghệ thuật mới của thế giới. Sông Hương luôn nỗ lực phổ biến các tác phẩm mới có giá trị, bên cạnh đó là tập trung vào các vấn đề cơ bản của khoa nghiên cứu văn học như Văn học sử, Phê bình văn học, Lý luận văn học. Trong thời gian qua, Sông Hương cũng đã không ngừng tìm lại những giá trị còn khuất lấp trong văn chương Việt, cố gắng trục vớt lại giá trị học thuật, giá trị sáng tạo cho những tiếng nói tưởng như đã mất thuộc về Văn học miền Nam trước 1975, tiên phong trong việc giới thiệu những trào lưu nghệ thuật mới như Hiện đại, Hậu hiện đại, Tân hình thức…

Dựa trên nền tảng đó, trong tương lai, Sông Hương hy vọng sẽ tiếp tục không ngừng lớn mạnh và lan tỏa. Nhưng sự lớn mạnh của chúng tôi luôn phải dựa trên tâm huyết của các cộng tác viên và bạn đọc trên cả nước. Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người sẽ cùng với Sông Hương hướng tới một nền nghệ thuật dân chủ, lành mạnh, nghiêm xác và rộng mở.

Trong thời gian tới, bên cạnh gìn giữ dấu hiệu riêng là bản sắc văn hóa Huế, Tạp chí sẽ cố gắng tiếp tục phát hiện những cây bút mới, những người viết có nội lực đi xa, những người can đảm thử nghiệm, những người dám chịu cô đơn để sáng tạo, những chủ nhân thực sự trong hệ hình mới của Nghệ thuật Việt Nam.

Tôn vinh những giá trị đích thực của nghệ thuật Việt Nam. Tiếp cận và giới thiệu những trào lưu nghệ thuật đương đại thế giới. Tổ chức những chuyên đề lớn có chiều sâu và có tính phát hiện.

Truy tìm và giới thiệu lại những giá trị đã gần như khuất lấp trong văn học nghệ thuật, trong văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng. Trả lại đúng tên cho các giá trị.

Tạo ra một diễn đàn tranh luận dân chủ, thẳng thắn, lấy học thuật làm cốt lõi để góp phần phát hiện và loại trừ những hạt sạn không đáng có trong văn học và minh định cho những tiếng nói chân chính.

Tất cả nhằm hướng tới sự phồn thịnh chung, hướng sáng tạo làm đúng sứ mệnh của nó - sứ mệnh truy tìm, tiếp cận và kiến tạo cái mới.

SÔNG HƯƠNG
(SH292/06-13)





 

Các bài mới
Lưỡi đêm (16/07/2013)
Linh hồn biển (01/07/2013)
Mộng ban đầu (01/07/2013)
Người mẹ (28/06/2013)
Các bài đã đăng