Tạp chí Sông Hương - Số 292 (T.06-13)
Kỷ niệm nhỏ về trang viết đầu tay trên Sông Hương
15:38 | 17/06/2013

DƯƠNG PHƯỚC THU 

Chiều thứ bảy, ngày 12 tháng 6 năm 1983, Tạp chí sáng tác phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật văn hóa của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên ra số đầu tiên, lấy tên Sông Hương. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập, nhà văn Nguyễn Khắc Phê là Phó, Ban Biên tập gồm có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, họa sĩ tên tuổi như: Lương An, Bửu Chỉ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Minh Hằng, Xuân Hoàng, Hà Khánh Linh, Lê Thị Mây, Trần Hữu Pháp, Võ Quê, Thái Ngọc San, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Xuân Việt, Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Đắc Xuân.

Kỷ niệm nhỏ về trang viết đầu tay trên Sông Hương

Đến số 6, tháng 4 năm 1984, bổ sung nhà văn Nguyễn Quang Hà vào Ban Biên tập. Tổng cộng có 17 người. Trong số 17 thành viên Ban Biên tập thì có tới 15 người là hội viên các chuyên ngành: nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, mỹ thuật, sân khấu của Trung ương. Tạp chí in khổ 16 x 24cm, số trang xê dịch từ 112 đến 120 trang, xuất bản hai tháng một số, mỗi số 4000 bản (những năm đi vào Đổi mới mỗi số lên 7000 bản. Số nào ra cũng bán hết ngay). Bấy giờ tòa soạn đóng chung với Hội Văn nghệ, tại 26 Lê Lợi. Đến số 19, vào tháng 6 năm 1986, tòa soạn chuyển qua trụ sở ra ở riêng, nằm ngoài cửa Thượng Tứ, số 5 đường Đinh Tiên Hoàng, và từ số này, nhà văn Tô Nhuận Vỹ làm Tổng Biên tập, Ban Biên tập rút xuống còn 14 người.

Tạp chí mới ra đời đã có đủ sân cho “sáng tác phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật văn hóa”. Đội ngũ cộng tác viên vô cùng hùng hậu, lừng lững những tên tuổi lớn như Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Huy Cận, Thanh Tịnh, Trần Bạch Đằng, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Trần Độ, Hồng Chương, Hoàng Ngọc Hiến, Phong Lê, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Phùng Quán, Phan Ngọc, Cao Huy Thuần, Võ Quang Yến, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Công Sơn và còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, nhạc sĩ nổi tiếng của đất nước đã nhiệt thành cộng tác. Nhìn chung các bài in trên Sông Hương đều có dấu ấn, đạt chất lượng khá trở lên, đọc qua một lần thấy mê ngay. Cho nên Tạp chí mới ra được vài số đã có tiếng vang lớn trong cả nước, thậm chí vọng sang cả trời Âu Mỹ. Giới cầm bút bấy giờ chen được bài trên Sông Hương thật sự phấn khích và cảm thấy cực kỳ sang trọng. Và mặc dù thời buổi ấy in ấn khó khăn, “đất chật người đông”, nhưng với tầm nhìn văn hóa, tạo môi trường cho những người viết trẻ tham gia, đến số 7 tháng 6 năm 1984, nghĩa là vừa hết tuổi “thôi nôi”, Ban Biên tập quyết định mở thêm chuyên mục mới, như lời tòa soạn mong muốn: “Để một phần phản ánh được phong trào sáng tác sinh động từ các cơ sở, trong các lực lượng học sinh, sinh viên, cán bộ, bộ đội… từ nay Sông Hương mở thêm mục “TRANG VIẾT ĐẦU TAY”, dành một số trang thường xuyên giới thiệu những sáng tác mới của các cây bút trẻ.

Nhân kỷ niệm 30 năm (6/1983 - 6/2013) Sông Hương ra số đầu tiên, là một tác giả may mắn có truyện ngắn in trên Trang viết đầu tay, theo đuổi nghiệp viết từ bấy đến nay, tôi có vài cảm nhận về chuyên mục này, và chỉ xin dừng lại ở 30 số đầu để thưa chuyện. Sở dĩ tôi chọn 30 số đầu bởi có mấy lý do:

- Tôi xem số 30 ứng với 30 năm Sông Hương;

- Số 30 in sáng tác Trang viết đầu tay, sau đó thì dừng lại mấy số. Hơn nữa tôi thích số 30 - con số mà ngày xưa các cụ quan niệm rằng đã đủ trí và lực - tự lập nên người. Có thế thôi!

Tác giả được in sáng tác mở đầu Trang viết đầu tay ở số 7 là Trần Thị Huyền Trang, với truyện ngắn (TN) Đắng như hạnh phúc, cùng 5 tác giả thơ là Lê Viết Trường với Chùm quả trong vườn, Phùng Sơn với Bài ca xóm chợ, Hồ Huệ với bài Chiều Thiên An, Lam Hoàng Giang với Khoảng rừng và ngọn gió, Phan Thuận Hoàng với bài thơ Nói với người yêu;

Số 8: Phùng Tấn Đông với TN Sắc màu của biển;

Số 9: Nguyễn Minh Vũ với TN Ngôi nhà ấy, Mai Nguyên với bài thơ Lời của dòng sông, Trần Thị Kim Oanh với Bài ca mùa xuân, Ngô Thu Hồng với Tâm sự của dòng suối;

Số 10: Đặng Mạnh Phổ với TN Biển tuổi thơ, Vũ Xuân Luyến với bài Phía ấy, lòng tôi, Ngô Minh Hiền với Thành phố cơn giông, Nguyễn Quang Phú với Nón bài thơ;

Số 11: Trần Bá Đại Dương với bài thơ Ghi nhận ở cầu Trường Tiền, Phạm Dương với Một phía con sông;

Số 12: Lê Công Doanh với TN Giấc ngủ bình yên;

Số 13: Dương Phước Thu với TN Phía trước có ba-ri-e;

Số 14: Không in bài ở chuyên mục Trang viết đầu tay;

Số 15: Theo chủ ý của Ban biên tập, dành phần lớn số trang để giới thiệu những truyện ngắn, thơ, nhạc, lý luận phê bình của 25 tác giả trẻ mà thực sự có nhiều người “tuổi không còn trẻ nữa” nhân Hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ ba họp tại Hà Nội.

Số 16: Dương Thành Vũ với TN Mưa Huế;

Số 17: Lê Quang Vinh với TN Chuyện lão Khứ;

Số 18: Phạm Thị Bích Thủy với TN Lúm đồng tiền;

Số 19: Trần Hữu Dũng với bài thơ Mùa gặt và Th. Hiền với bài thơ Bài hát ru ở Vân Quật Đông;

Số 20: Lương Duy Cường với TN Đứa con;

Số 21: Vũ Hải với TN Người đưa thư và cô gái;

Số 22: Phạm Xuân Dũng với bài thơ Với em cô gái trồng tiêu, Quốc Thành với Thơ tám câu;

Số 23: Nguyễn Thiên Sơn với bài thơ Tiếng hát của người câu cá và Trần Hữu Phiện với hai bài thơ Màu xanh đất lửa Mái tóc bàn tay;

Số 24: in bài “Đọc trang viết đầu tay trên Sông Hương của Phạm Phú Phong và Hoàng Dũng”.

Số 25: Mùi Tịnh Tâm với hai bài thơ Về; Thơ phỏng về một hòn non bộ và Nguyễn Hữu Trường với bài Không đề;

Số 26: Phương Xích Lô với Một giọt nước Hương Giang và Lê Đình Ty với bài Với đôi mắt em;

Số 27: Chuyên đề đặc biệt Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười.

Số 28: Tôn Nữ Ngọc Hoa với bài thơ Một thoáng; Ngô Anh Phương với Mùa trăng xứ vườn, Hoàng Phượng Vỹ với Anh vẽ về em;

Số 29: Nguyễn Thị Thái với chùm thơ ba bài Xua đuổi, Không thể đếm, Không đề;

Số 30: Lê Hùng Vọng với TN Xóm rau muống.

Số 31, 32, 33 không in sáng tác “đầu tay” nào ở chuyên mục này.

Từ đây, không hiểu vì sao càng về sau Trang viết đầu tay trên Sông Hương xuất hiện thưa dần. Tuy thế, thi thoảng vẫn gặp những tác giả có thơ, truyện hay nổi lên ở chuyên mục này như Lê Thị Hoài Nam (số 39), Nguyễn Thị Hồng Hạnh (số 42) và còn nhiều tác giả khác nữa.

Nhìn lại những tác giả trẻ ngày ấy được Sông Hương giới thiệu sáng tác trên Trang viết đầu tay, họ đều là cán bộ, bộ đội, sinh viên, học sinh, công nhân, có cả nông dân nữa. Và hầu như tất cả họ đều mới “tập sáng tác”. Cũng xin thú thật, nhờ có chuyên mục này, nhiều tác giả trẻ mới mạnh dạn gửi bài tham gia. Mà theo quan điểm của Ban Biên tập: “Họ có quyền được mọi người thừa nhận và giúp đỡ. Họ thuộc về tương lai của nền văn nghệ chúng ta”(1). Với cái nhìn hy vọng, từ chuyên mục đậm chất nhân văn nhằm hướng đến những mầm xanh văn nghệ, Sông Hương đã có thêm nhiều cộng tác viên mới, giọng điệu cũng mới hơn.

Nhưng chuyên mục Trang viết đầu tay cũng gặp phải vài sự cố, gây phiền phức cho tòa soạn. Bởi thi thoảng lại lọt vào một vài tác giả “tên tuổi” nhưng lại “cố tình” muốn thử sức mình trên Trang viết đầu tay mà buổi ấy anh em hay gọi đùa là “trang viết đau tay”. Chẳng hạn như chuyện xảy ra ở số 19. Mục Tòa soạn và bạn đọc đăng ở số 20 viết rằng: “Anh Mường Mán vừa từ Cần Thơ ra cho biết: Trần Hữu Dũng (tác giả bài thơ “Mùa gặt” - Sông Hương số 19) là cây bút đã có nhiều bài đăng ở thành phố Hồ Chí Minh! Người Sông Hương xin được thay mặt Tòa soạn xin lỗi anh Trần Hữu Dũng và bạn đọc. Khuyết điểm rõ ràng là do biên tập viên không tìm hiểu kỹ tác giả, nhưng trong điều kiện việc giao lưu sách báo giữa các địa phương còn khó khăn, để tránh những nhầm lẫn tương tự, mong các bạn ở xa, lần đầu gởi bài cho Sông Hương, chịu phiền ghi thêm vài dòng tóm tắt hoạt động sáng tác của mình; nếu bạn chưa có bài đăng ở đâu, thì có lẽ tốt nhất là ghi rõ mình muốn được “ứng cử” vào “Trang viết đầu tay”. Còn riêng với anh Trần Hữu Dũng thì xin tạm vui lòng coi bài thơ “Mùa gặt” là “Trang viết đầu… tiên” của anh đăng trên Sông Hương”.

Còn “Anh H.V.T ở Huế thì lại phát hiện giùm: Th.Hiền (tác giả bài thơ “Bài hát ru ở Vân Quật Đông” cũng đăng ở Sông Hương số 19) là bút hiệu mới của một cây bút đã khá quen thuộc với bạn đọc Sông Hương. Anh H đã cười vui vẻ ngay trước cửa tòa soạn và nói: “Tôi thử tòa soạn Sông Hương cho vui”. Tất nhiên là Tòa soạn lại phải xin lỗi bạn đọc về sự không kỹ lưỡng của mình.

Có một chuyện buồn vui lẫn lộn làm xôn xao bạn đọc bấy giờ. Bởi sau ba số liền (31, 32, 33) không có sáng tác nào đăng ở mục Trang viết đầu tay, thì đến số 34, tòa soạn tiếp tục giới thiệu Chuyện kể sau mười năm, truyện ngắn của tác giả Lê Hùng Vọng. Khi báo ra mọi người mới hay, tác giả trẻ này trước đó đã có truyện ngắn Xóm rau muống đăng ở Sông Hương số 30 rồi. Sau mới biết, Lê Hùng Vọng là người của tạp chí, thường trú ngay trong lòng tòa soạn (!). Nhờ vậy mà anh chàng này mới qua mặt được Ban Biên tập?

Về sau, Trang viết đầu tay không chỉ dành cho người viết trẻ tuổi, mà cả những nhà lý luận phê bình, dịch thuật thâm niên muốn thử sức mình ở lĩnh vực sáng tác thơ văn cũng hăng hái tham gia.

Trong số 36 tác giả trẻ mà Sông Hương giới thiệu sáng tác trên Trang viết đầu tay ở những số đầu, bây giờ nhiều người đã thành danh, đa số họ trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu hoạt động chuyên nghiệp trong các ngành văn học, nghệ thuật, báo chí. Nhiều người đã dành được những giải thưởng lớn của quốc gia, của các tỉnh, thành miền Trung về văn học nghệ thuật. Cũng có người dừng lại ở vài truyện ngắn, bài thơ rồi theo con đường lớn khác mà thành ông nọ bà kia. Nhưng cũng có người chỉ mới trình làng một tập thơ, vài ba cuốn sách đã vội ra đi về chốn mây sương cây cỏ, bỏ dở sự nghiệp mộng mơ với những con chữ li ti trì nặng như núi. Thì ra, mới đó mà đã 30 năm rồi.

Còn về phần mình, tôi nghĩ, dẫu những sáng tác đầu tay của họ (trong đó có tôi) ngày ấy chưa thật xuất sắc, chưa gây được ấn tượng nhiều cho bạn đọc, đôi khi còn viết những câu vô lý, tù mù khó hiểu. Nhưng “Họ mong muốn được mới mẻ hơn so với quá khứ. Họ muốn có một bông hoa mới trong vườn nghệ thuật đã có. Họ khao khát đi kịp với một thế giới không ngừng biến đổi và những giá trị cao cả không ngừng nẩy sinh trong lòng chủ nghĩa xã hội. Họ năng động ngay trên khởi điểm. Nhưng họ cũng không giấu được sự lúng túng, lo âu, dễ nản lòng dễ ngại về chính bản thân trong từng bước đường tìm tòi sáng tạo, họ dễ bối rối trước sự bàng quan, lạnh nhạt lẫn sự tâng bốc không có căn cứ”(2). Nhưng đấy là những vỡ vạc đầu tiên trên cánh đồng chữ nghĩa được trình làng; những đường cày ấy dẫu chưa quen nhưng biết vịn vào bờ Sông Hương, vào những hình hài cội sinh mà Tạp chí đã mở ra, nuôi dưỡng nên những tâm hồn đam mê sáng tạo. Mà như ai đó nói rằng, cứ tiến lên để rồi ngoái lại, mới biết mình đến đâu…

Phải thật khách quan mới nhận thấy, nhiều chục năm qua ở Việt Nam ít có tờ tạp chí nào ngay từ buổi đầu ra đời đã chủ ý mở chuyên mục cho người viết trẻ có sân chơi sáng tạo nghệ thuật giàu ý nghĩa hay như thế. Có lẽ, làm được như Sông Hương, phải chăng một phần nhờ bản sắc văn hóa Huế tạo nên.

Huế, tháng 4 năm 2013
D.P.T
(SH292/06-13)

--------------------
(1), (2) Lời Ban Biên tập, Sông Hương số 15, tr.1.
 







 

Các bài mới
Lưỡi đêm (16/07/2013)
Linh hồn biển (01/07/2013)
Mộng ban đầu (01/07/2013)
Người mẹ (28/06/2013)
Các bài đã đăng