Tạp chí Sông Hương - Số 292 (T.06-13)
Giới thiệu tác phẩm của các thành viên trong Ban biên tập
17:14 | 17/06/2013

LTS: So với những giai đoạn trước đây, Ban Biên tập của Sông Hương hiện nay còn khá mỏng: Hồ Đăng Thanh Ngọc (TBT) - Hoàng Việt Hùng (Phó TBT) - Phạm Tấn Hầu - Đặng Mậu Tựu - Nhụy Nguyên - Lê Vĩnh Thái - Lê Tấn Quỳnh - Lê Minh Phong - Lê Vũ Trường Giang. Hơn một năm lại đây thi thoảng họ đã góp mặt trên báo nhà tuy nhiên “ngồi chung mâm” thì chưa. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Sông Hương, xin phép độc giả được cùng “ra mắt” Ban Biên tập bằng những tác phẩm của các thành viên. Xin trân trọng giới thiệu!
S.H

Giới thiệu tác phẩm của các thành viên trong Ban biên tập
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Mọi chuyện vẫn ổn cả


Bà tôi nói: Có chi mà tụi bây ầm ĩ. Rồi mọi chuyện vẫn sẽ ổn thôi. Bà tôi năm nay 101 tuổi, bà sống qua hai thế kỷ, và biết những câu chuyện của hàng trăm thế kỷ.

Nhưng thế nào mà bà lại nói mọi chuyện sẽ ổn. Tôi thì thấy mọi chuyện không ổn tí nào.

Đầu tiên là mặt trăng. Trong sách giáo khoa nói mặt trăng màu vàng, ánh trăng sáng ngời, trung thu trăng tròn vành vạnh. Tôi hỏi mẹ làm sao để thấy mặt trăng giữa thành phố khi đêm nào đèn điện cũng sáng nhức mắt thế này, và các dãy nhà cao tầng nó che kín hết bầu trời.

Mẹ thuê ông xe thồ chở tôi ra ngoại ô: Cho nó thấy trăng để nó còn làm bài tập làm văn, kẻo tháng trước nó tả con heo dài hai mươi centimet, rộng hai mươi centimet. Trẻ con thành phố thì làm gì thấy heo. Ông xe thồ nồng nặc mùi rượu chở tôi vun vút ra bờ sông ngoại ô và thả tôi ở đó: Ngồi đó mà ngóng trăng đi, một giờ sau tao tới chở về.

Tôi ngồi bên sông. Gió rười rượi và bóng trăng sáng trên đầu. Quả nhiên ánh trăng ban đầu nó màu vàng, vàng cả gió thổi qua người tôi, vàng cả cái cọng cỏ lau lơ phơ trước mặt tôi.

Nhöng roài maët traêng baét ñaàu chuyển sang màu xanh. Ban đầu là xanh lá non rồi u ám đi, như thể màu cái lá non đã bị héo bởi thân cây đang chết dần. Có lần ba đưa tôi về làng. Năm đó ông tôi trồng lúa, nửa đêm chuột cắn ngang thân cả sào ruộng. Sáng hôm sau cả mảnh ruộng nhung nhúc lá lúa nằm ngổn ngang. Ông méo mặt nhưng cất giọng trầm sầu biết còn chưa hết thiên tai: còn cái nạn sâu đục thân nữa chứ đã hết mô! Quả nhiên hôm sau, những lá non còn lại héo úa, bứt lên thì cái cuống lá đã vàng ệch. Cái màu xanh non héo úa đó giờ nó ám vào ánh trăng đêm nay.

Rồi xanh pha màu mực nó ám lên màu trăng, cái màu mực bẩn như được pha với cứt ngựa. Năm lên năm tuổi tôi học mẫu giáo. Mới mẫu giáo mà mẹ bắt tôi đi học thêm và cô giáo cũng buộc bọn con nít phải tập viết bút mực để phụ huynh yên tâm là cô dạy các cháu của cô biết học nhiều thứ sớm hơn các cháu nơi khác. Mẹ mua cho tôi bình mực. Tôi cầm nó trên tay và mẹ đặt tôi lên giỏ xe chở tôi đến trường. Trên đường đi có chiếc xe ngựa chở khách du lịch. Con ngựa hình như chạy không vững vì bị ốm và có lẽ từ sáng sớm đã kịp để lại di chứng trên bãi phân nó tống ra trên đường nhão nhoét. Những du khách trông thấy mẹ con tôi là lạ nên choài người ra chụp ảnh nhoay nhoáy khiến tôi sợ hãi và đánh rơi bình mực xuống bãi phân ngựa. Bình mực vỡ toang và lem luốc nhôm nhoam trong đống phân cái màu xanh pha màu cứt ngựa. Mẹ dí đầu tôi xuống sát đống phân, gần như mũi và miệng tôi dính cả cục phân pha màu mực: mày sao vậy, sao mày vô ý vô tứ thế hả? - mẹ quát lên. Tôi đứng tim, nước mắt nhỏ từng dòng xuống cái đống phân ngựa nhão nhoét như liệm cả hồn tôi lúc đó. Vậy mà hôm nay cái màu xanh pha cứt ngựa bẩn và rùng rợn ấy nó ám vào ánh trăng này đây.

Rồi ánh trăng chuyển sang đỏ chạch như màu máu của con gà dịch. Năm trước tôi về làng, nửa đêm ông tôi lay tôi: dậy dậy đi bắt gà. Tôi hỏi gà đâu mà bắt. Ông bịt miệng tôi lại: im và đi theo ông. Ông vác cái thuổng ra chỗ hồi chiều dân làng đào hố chôn gà dịch. Ông moi đất lên và chẳng bao lâu, lôi từ dưới đất lên những con gà bị chôn sống vì bị dịch cúm gà. Những con gà chưa kịp chết, nó còn ấm với sự sống hiu hắt ám vào lông. Về nhà, ông cắt tiết từng con. Máu chảy lem ra tay ông rồi nhỏ xuống cái thau nhôm trắng hếu. Những giọt tiết gà tái đỏ chạch trông gớm ghiếc và chợt tôi bỗng thấy những đôi mắt gà đồng loạt mở ra, những tia mắt gà giãy giụa như những mũi tên trợn tròn bắn thẳng vào mắt tôi. Tôi bịt mắt hớt hải bỏ chạy.

Bây giờ cái màu tiết gà dịch đó nó ám lên ánh trăng.

Hình như đêm ấy là đêm rằm bởi từ chập choạng tối tôi thấy mẹ đã thắp hương trong nhà ngoài ngõ. Và từ trưa, mẹ dặn ba hôm nay không được ăn thịt chó: Ba mươi ngày ông nhớ chừa thịt chó ra chỉ ngày ba mươi mồng một và ngày rằm cho con cái nó nhờ cái đức nhịn thịt chó của ông. Ba thì ngày nào chả say, ngày nào chả về thật khuya rồi nôn ọe cái đống bầy nhầy mà ông hay khoe là ba ba, rùa, tắc kè, ếch núi, gà rừng, heo rừng, mang nai, có hôm cả chồn bay nữa... Và tất nhiên, con chó Milo trong nhà không bỏ qua cái bữa tiệc lạ lùng của nó.

Đêm nay đêm rằm mà sao mặt trăng nó rách như một cái tã con nít. Mặt trăng không hề tròn. Tôi đứng dậy trên bãi cỏ và thét lên: mặt trăng hình cái tã con nít. Nó có những ba mũi nhọn chĩa vào những đám mây tù mù hằn những đường đen như những sợi chỉ may vụng về. Những đám mây cũng như những cái tã nhưng lớn hơn. Những cái tã lớn bọc lấy cái tã nhỏ và chúng đưa nhau đi như lũ con nít đi tới trường ẵm theo cái tã với đủ thứ sách vở bút mực trên lưng.

Hình như tiếng thét của tôi có tác dụng nên gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Nó mang tới trước mặt tôi một cây gậy đổ xuống từ bụi cây bên bờ sông. Ai bảo gió vô hình cơ chứ, nó có hình một cây gậy. Như hệt lúc cô giáo gõ thước xuống bàn ầm ầm: cả lớp im và lũ học trò đồng loạt thốt lên: lặng. Rồi cô giáo rút điện thoại ra: A lô a lô. Mày à, tao đang bận chăm mấy con gà con. Nghe đầu đường có cửa hàng xu chiêng hạ giá vừa khai trương đó, mày tới đó tham khảo xem nhá.

Còn bữa trưa đứa con nít nào không chịu ăn, thì cây gậy hua lên và ngay lập tức, một muỗng cơm tọng vào miệng như một chiếc xe tăng húc vào bức tường ngu ngốc dám kháng cự trong trận chiến cuối cùng...

Gió có hình cây gậy. Trăng có hình cái tã. Tôi thét lên

Khuya lắm, ông xe thồ không tới đón như đã hẹn. Tôi tất tả đi lang thang tìm đường về nhà. Cái tã cứ treo trên đầu và hình như chênh chếch dần. Cây gậy thì cứ se se sau lưng tôi trước mặt tôi bên hông tôi. Cây gậy có lúc cũng biết vuốt ve. Tôi cứ đi và sau đó thiếp đi giữa nước mắt và hình như cái tã và cây gậy cũng biết lau khô nước mắt cho tôi.

Người nhà tìm thấy tôi vì hình như tôi chỉ ngủ ở bụi cỏ cách ngôi nhà hai cây số.

Mẹ vừa khóc vừa tắm cho tôi vừa chửi rủa ông xe thồ say xỉn, chửi sang cả ba tôi lúc đó không có nhà. Ông lại bận đi chạy dự án như ông từng tuyên bố: cái nhà này mà không có mấy cái dự án của tao thì đói cả lũ nhé, đừng có mà mơ.

Dự án là cái gì đó có thể nuôi sống con người, dự án xa lạ với cái tã và cây gậy bởi nó đem về sự kiêu hãnh của ba và nụ cười của mẹ.

Cô giáo ra bài kiểm tra môn văn, hãy tả sự vật ấn tượng với em. Tôi làm bài tập làm văn tả ánh trăng hình cái tã và ngọn gió hình cây gậy. Tôi viết một trang rưỡi.

Buổi chiều hôm sau khi mẹ tôi tới đón, tôi thấy mắt mẹ dại hẳn đi. Cô giáo nói nhỏ với mẹ: coi chừng cháu nó bị tâm thần. Mẹ tôi cầm bài kiểm tra của tôi đọc ngay giữa sân trường, vừa đọc nước mắt vừa rơi lã chã. Miệng mẹ méo xẹo: Con bị điên từ bao giờ vậy con ơi. Hay từ đêm đó ma nó ám con rồi.

Thầy cúng xuất hiện. Ông bắt tôi ngồi đội sớ ê a tụng kinh và lấy nạm hương tỏa khói mù mịt hua hua trên người tôi. Ông đốt lá bùa trên chén nước rồi nhúng lá bùa đốt thành tro vào chén nước. Cuối cùng ông đổ ập chén nước yểm bùa lên đầu tôi. Chưa kịp hết bất ngờ, ông tát tôi một cái như trời giáng và đạp tôi một cái văng vào góc tường. Tôi thét lên và lao trở lại đấm đá ông thầy túi bụi. Ông thầy cúng nắm chặt tay tôi: đồ bất trị, mày dám chống lại thánh thần hả. Ông đấm vào mặt tôi một cái như trời giáng khiến tôi ngã quay ra ngất lịm.

Ba đón tôi từ bệnh viện về. Mắt tôi sưng húp và đỏ lừ như con ốc bươu vàng. Tôi im lặng không nghe ai nói gì, lên phòng đóng cửa vẽ bức tranh đầy những con mắt hình cái tã. Đúng hơn là những con mắt gà bò lổn nhổn trên những cái tã rách rưới.

Mẹ hoạch định tương lai của tôi: Nó học hành lơ mơ như thế thì cho nó vào trường quốc tế, sau này mua bằng tốt nghiệp cấp ba xong cho nó học cao đẳng rồi liên thông đại học, rồi mua thêm cái bằng thạc sĩ, mua luôn cái tiến sĩ. Ba mày lo kiếm cho nó cái chân biên chế nhà nước ở tỉnh. Tiền tiết kiệm cũng đủ cho nó sống. Vậy nhá.

Ba gật đầu nói “chuyện nhỏ” và rút điện thoại: vâng vâng, nhà hàng Mây Đông hả, em đến ngay em đến ngay, ai chứ anh ba thì em phải đến ngay chớ...

Bà nói mọi chuyện vẫn ổn cả, có chi mà tụi bây ầm ĩ. Bà nói thế vì bà đã sống qua hai thế kỷ, và biết những câu chuyện của hàng trăm thế kỷ. Nhưng bà đâu có biết tôi đang thấy mặt trăng nó rách nhường kia, như cái tã con nít đầy những ánh mắt gà và nó vẫn đang treo trên đầu tôi...

H.Đ.T.N
(SH292/06-13)







 

Các bài mới
Lưỡi đêm (16/07/2013)
Linh hồn biển (01/07/2013)
Mộng ban đầu (01/07/2013)
Người mẹ (28/06/2013)
Các bài đã đăng