Tạp chí Sông Hương - Số 292 (T.06-13)
Đường mơ về tự ngã trong thơ văn Phạm Thái
15:21 | 08/07/2013

NGUYỄN QUANG HUY

Phạm Thái (1777 - 1813) là một khuôn mặt khá đặc biệt trong thơ văn Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Đặc biệt trong thời đại ông sinh ra và ứng xử với nó; đặc biệt trong cách thể hiện thế giới nghệ thuật nhiều cá tính, nhiều gương mặt; đặc biệt trong vũ trụ mộng trước cuộc đời; đặc biệt trong cách thế tồn tại tài hoa mệnh bạc của ông; đặc biệt hơn là thơ văn của ông chưa được lưu ý phân tích ở chiều sâu tâm lí, chiều sâu thẩm mĩ.

Đường mơ về tự ngã trong thơ văn Phạm Thái
Truyện thơ "Sơ kính tân trang" của Phạm Thái - Ảnh: internet

Cũng từ đây, bộ mặt nhiều ủ rũ của chiếc áo khoác trên con người - lịch sử cần nhường chỗ cho sự sặc sỡ của con người - sinh thể nghệ thuật. Trên cơ sở đó, với tinh thần kiểm thảo những nghiên cứu đã có, trong bài viết này, chúng tôi hướng đến nghiên cứu thơ văn Phạm Thái trong một cái nhìn nghiêng về tâm lí học phân tích chiều sâu và cái hồn mộng của ông trước cuộc đời. Đó cũng là con đường đi tìm các khuôn mặt hiện diện của một Phạm Thái còn ẩn khuất trong nghệ thuật thơ văn.

1.

Phạm Thái là khuôn mặt nhiều đặc biệt trong một giai đoạn văn học cụ thể - giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Trong cuộc đời, Phạm là một kẻ “ngang tàng tính mệnh” (sống được 37 năm)(1) nhưng lại nhiều tham dự trước cuộc đời, mà đã tham dự thì luôn luôn đòi buộc các liên thuộc mà thi sĩ phải lãnh nhận; mỗi liên thuộc ấy tạo lập những bổn phận mới, nói theo V. Turner, là “những xác nhận bản ngã” và theo đó là quá trình chuyển hóa - chuyển hóa bên trong, nhằm giải phóng các tiềm năng nội tại trong bản thân(2). Trong thơ văn, Phạm là người tài hoa, lấy cái ngông làm tài - một đặc thù của cá tính sáng tạo thời trung đại Việt Nam(3). Nhưng khi khẳng định mình qua cái tài, cũng đồng thời họ sống trải với một hệ quả kép: vinh/ nhục, lạc quan/ thất vọng. Thơ văn ông nghiêng hẳn về trữ tình, lấy tình để nuôi mộng và phần lớn mang tính chất tự truyện. Trước thời đại, ông bướng bỉnh đi ngược chiều, tỏ rõ cá tính, thái độ và hành động chống đối cơ nghiệp mới của triều Tây Sơn, Nguyễn triều.

Vấn đề đặt ra là, ông đã diễn tả qua thơ văn của mình sự tham dự vào nhiều cuộc sống khác nhau, nhưng mọi thứ đều thất bại. Ông là một kẻ thua cuộc, kẻ trắng tay với nợ tang bồng. Điều này khiến ta nghĩ đến suy tư về thân phận con người của G. Marcel, rằng, con người bước vào cuộc đời là một kẻ lữ hành muôn thuở, một viễn khách, các ý nghĩa sống lần lượt rời bỏ mình, mà theo đó, các tiếng nói trong nghệ thuật cất lên nhiều ý nghĩa đau đớn. Phạm thuộc trong số đó. Những bước đường của thi sĩ đất Bắc Ninh này là những bước cảm nghiệm khác nhau mà mỗi cảm nghiệm là một chiều kích của sự phóng tâm. Và ở đây, con người trong ý nghĩa viên mãn, là một kẻ tự vượt để trở nên chính mình. Trong hướng đó, chúng tôi nhận ra rằng còn một giả thiết khác, các ngả khác nhau của đường mơ về Tự ngã trong mỗi con người khi thể hiện tâm giới qua nghệ thuật. Đó cũng là sự tập trung khai thác của bài viết này.

2.

Tự ngã (Self)(4) được định nghĩa như là sự hướng đến “sự thuần nhất”, và “tròn đầy” của con người, gồm cả vật chất và tinh thần, thể xác và tâm linh. Trong đường vào nội tâm, tự ngã là “trọng tâm siêu việt” (M. Stein) của mỗi cá thể. Nó là “mẫu tượng cơ bản cuối cùng trong tiến trình thực hiện căn tính bản vị”(5) con người. Những hình ảnh của tự ngã là các mộng tưởng nghệ thuật được “phóng ngoại”, là những năng lực tâm lý thể hiện các chiều sâu của bản thể hiện hữu. Nó là một hành trình, mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời, đặc biệt là trong những khúc quanh của các biến cố, với những nét biểu hiện khác nhau, đều cho thấy các căn tính bản vị của mình (Phạm mồ côi mẹ lúc 2 tuổi, bạn thân mất, 20 tuổi - điểm tựa từ người cha sụp đổ, lí tưởng phù Lê còn lại giấc mộng ảo, Quỳnh Như chết… Theo C. Jung, đó là những va chạm giữa tâm thần và thế giới (va chạm hướng ngoại) tạo ra các thức nhận nội giới. Các chiều hướng khác nhau của nó sẽ dẫn đến những bước phát triển khác nhau, vì trong sự đối mặt với mỗi cảnh huống, sẽ có những giải pháp nào đó thích ứng giữa cấu trúc tâm sinh lí của cá thể với môi trường, cũng có thể tạo nên các va chạm bên trong, tạo ra các tưởng tượng kinh nghiệm nội tâm lạ lùng. Suy xét về tự ngã, cũng đồng thời khơi lên những vùng tâm thức khác nhau trong mỗi một con người, do đó, là xem xét các tầng thức nhận về bản thân mình. Văn chương lại là nơi thể hiện và cất giấu những điều đó. Với văn học tiền hiện đại, cá tính ấy - sự phóng ngoại của tâm thức luôn thuộc về hai mô hình: chuẩn/ phi chuẩn. Với giai đoạn Phạm sinh sống, con người luôn hướng đến các mẫu hình: “anh hùng”, “kì khí”, “tài tình”, và cả “nghịch tử” nữa(6). Những mẫu hình này làm nên những đối trọng với các cách biểu hiện “ngã” trước đó.

3.

Thế giới lí tưởng của Phạm Thái, trước tiên phải là mộng về cựu triều (Lê triều)(7). Nói mộng vì thời điểm sống của ông 1777 - 1813, là khi những ba động của lịch sử đang đi vào quỹ đạo khác, mà mỗi một “vẫy vùng” có nguy cơ trở nên bi đát. Nhưng “giấc mộng phù Lê” với Phạm là cả một nghĩa cử sống còn (lí tưởng trung quân). Thực ra, trong thời gian từ thế kỉ XVI đến XVIII, thể chế chính trị Việt đi vào danh nghĩa kì lạ bậc nhất, là một thực thể “lưỡng đầu chế”, nghĩa là từ rất sớm, từ 1527, nó đã không còn “chính danh” nữa(8). Những thôi thúc từ bên trong ông là mãnh liệt: Ta hăm hở chí trai hồ thỉ để tìm “nếp hoàng đồ”, nguyện một lòng vì “ngô quân”, “cẩn giữ lẽ thường; tin cầm nghĩa cả”. Ông gọi mình là “đá khiết bạch khó phai màu siểm nịnh”, cũng vì thế, Phạm tự nhận mình là “người căm gan chưa trọn đạo quân thần, gương trung nghĩa liếc sương nghiêm lóng lánh”(9). Thái độ ứng xử này hoàn toàn dễ hiểu vì trên hành trình này, ông không phải là kẻ cô độc. Giấc mộng của Phạm là nối nghiệp cha, nhưng cũng một phần là máu huyết của mình như một mẫu hình của thời đại. Sinh ra, ông cũng nhận lãnh cái phận sự như Nguyễn Công Trứ (sinh 1778, hơn Phạm một tuổi, cha ông cũng không cộng tác với tân triều) là đem “thân”, “chí” trai để “xẻ núi lấp sông”, luôn canh cánh vay trả “nợ quân thân”, “nợ nước”. Trong thời đại đó, suốt hai thế kỉ (XVII và XVIII) lần lượt xuất hiện mẫu nhân vật “anh hùng thời loạn” trong hàng loạt tác phẩm: “Ngọa long cương vãn”, “Chim trong lồng”, “Trương Lương hầu phú”… Sống với lí tưởng, Phạm là con người của hoạt động, coi hành động là niềm say mê của đời mình. Trong loạn lạc, ông thích “hành” hơn “tàng”. Đó là một cuộc đời đầy sóng gió và sôi nổi, “cuộc đời của một tráng sĩ mang hoài bão và lí tưởng của một vị anh hùng cứu quốc”(10). Để chống Tây Sơn, Phạm Thái tham dự nhiệt thành trong đảng Tiêu Sơn với tư cách “cựu quân sư của Nguyễn Đoàn, phó đảng trưởng kiêm chức quân sư của đảng Tiêu Sơn”(11). Ông viết bài “Quân yếu” bàn luận thế đánh và giữ cho nghĩa quân(12). Chính giấc mộng này đã tạo nên hình tượng nhân vật lí tưởng của Phan Khắc Khoan, Khái Hưng với cái nhìn đầy cảm khái trong kịch Phạm Thái, Tiêu Sơn tráng sĩ: Ta tráng sĩ hề! Gặp thời loạn lạc/ Như cá gặp nước hề! Ta vẫy vùng(13). Có nhìn nhận như vậy mới hiểu mộng của ông khác với con đường của Nguyễn Huy Lượng đến mức nào trong “Chiến tụng Tây Hồ phú”. Có thể nói, tham dự vào xã hội, Phạm là một “khách chinh phu”, một cá tính riêng, một nhân cách hành động. Với Phạm, tham dự vào ý thức Nho giáo, trong giấc mộng về vương quyền, mượn lời A. Niel, ông vừa tỏ khí “anh hùng” nhưng đồng thời là “nạn nhân khốn khổ” của ý thức đó.

4.

Nhưng, đến cuối thế kỉ XVIII, “giấc mộng anh hùng” chỉ còn là “hồi quang” của một “bóng hình”(14). Thân thế trót hẹn với “tang bồng” đành phải “bỏ lỡ”. Bước chân phiêu lãng của một kẻ sĩ giờ bén dấu Phật. Phạm trở thành “khách tầm thanh”, tự nhận “Sãi tôi nay: gặp thuở minh thời, sinh lầm nam tử”(15). Với Phạm Thái - Phổ Chiêu thiền sư là một cảm nghiệm mới, cảm nghiệm siêu hình, mang thị kiến tôn giáo. Các bài “Đề chùa Tiêu Sơn”, “Tờ phả khuyến của chùa Nghiêm Xá”, “Tờ phả khuyến lễ kết hạ”… đều thể hiện ít nhiều cảm nghiệm: “Đạo giải quá thấy lời kinh thủy sám, nước cam lồ nhờ rảy sạch bụi trần; chữ tu nhân nghe câu kệ Kim Cương, gươm bảo tuệ mượn dứt không niềm tục”(16). Nếu nhìn nhận nhận thức của Khổng giáo về thân phận con người theo năm thị kiến: thi ca, chính trị, xã hội, siêu hình, lịch sử thì một cá nhân có thể cùng lúc là một sinh thể thi ca, một sinh thể xã hội, sinh thể chính trị, sinh thể lịch sử và một sinh thể siêu hình(17).

Bước chân của Phạm đến với Phật giáo trong hình hài của Phổ Chiêu thiền sư là chiều kích của cảm nghiệm tôn giáo. Qua khảo sát, phạm vi sử dụng các danh ngữ Phật giáo trong thơ văn Phổ Chiêu là khá phổ biến: trai giới, bát nhã, Ba la (Ba la mật), hương giải thoát, hoa ưu đàm, Đức Thế Tôn, Phật Bà, Mục Liên, máy thiền… theo chúng tôi, trong cái nhìn hành trình của bản ngã con người, mang một ý nghĩa khác(18). Nó là chiều kích mới, dù ít hay nhiều, trong sự tìm gặp với cộng đồng nhân văn. Bởi trong sự thực, dù thất thế, Phạm căn bản vẫn mang trong mình con người của căn tính lịch sử, căn cốt của một kẻ sĩ, nghĩa là ở tầng sâu, ông vẫn hướng đến cộng đồng ngoài kia, vì theo niềm tin chung của Nho giáo, trước xã hội, họ tin vào sự chuyển hóa tối hậu và tính chất lương hảo nội tại của cộng đồng nhân văn. Vì thế, lịch sử tâm tính được bồi đắp, nhưng hệ giá trị trong Phạm đã thuộc về Nho giáo không bớt đi bao nhiêu, nên, bước đi không triệt để. Đây chính là lí do, trong giai đoạn cuối cuộc đời, ông luôn day dứt (vừa hướng đến các phạm trù Nho giáo, vừa say với đời và vừa mơ đến thế giới Tiên, Bụt: Chết về Tiên, Bụt cho xong kiếp.

5.

Đam mê của Phạm thuộc về những thế giới giá trị bản thể chứ không phải mộng tầm thường. Vương triều, với một kẻ sĩ Nho giáo là giá trị hướng đến cao nhất, nơi đó là đích đến, quy định danh phận của một đời người, phận người (chính danh định phận)(19). Mất phương hướng, ông hướng đến tình yêu, một giá trị bản thể - người khác. Sự thay đổi từ cựu triều sang thế giới luyến ái, ý thức Phạm chuyển vị từ thượng đế xã hội (bên ngoài) sang thượng đế của chính mình (bên trong). Bước vào tình yêu, gần như phần lớn năng lượng sống của mình, Phạm Thái dồn cho sự luyến ái lứa đôi. Cũng ở đây, một vùng trải nghiệm mới của nhân tính được tỏ lộ. Gương “mặt trượng phu”, “mặt anh hùng” nhường chỗ sự tỏa rạng của “người tài tử” - Phạm Kim chiếu sang “người thần tiên” - Quỳnh Thư. Đây là mẫu hình của thời đại, khi người phụ nữ và những say mê lãng mạn trong tình yêu đôi lứa lần đầu tiên được thể hiện mãnh liệt. Có thể xem trong sự diễn tả say sưa hệ chủ đề này, kẻ diễn kịch cho đức hạnh tạm nhường chỗ cho những diễm từ ca ngợi luyến ái người - người. Có thể nói, tình yêu chính là một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất làm nổi rõ bản ngã tài - tình của Phạm(20). Các nhà nghiên cứu khi đề cập đến những sáng tác của Phạm Thái đều thống nhất đóng góp nghệ thuật diễn tả tình cảm cá nhân đi ra ngoài khuôn khổ. Chính ở đây, như một cứu cánh cuối cùng, ông thực hiện trọn vẹn cái tâm của mình(21). Tham dự vào tình yêu, Phạm Thái vừa sơ chớm ngọt bùi đã chuốc lấy và ngấm trọn “sầu”- “hận”- “oan”- “oán”. Những hăm hở yêu đương với Quỳnh Thư, có thể nói, đã khắc sâu, làm nổi bật khía cạnh bi kịch của ông, bi kịch thân phận. Sự tan vỡ trong luyến ái đã làm cho tính bi kịch lớn lên thành bi kịch(22). Sơ kính tân trang là sự tập trung điều đó. Hình tượng gây ám ảnh, với Phạm chính là Trời với các biến thể: Con tạo, trời xanh, khuôn duyên, lẽ huyền vi, đấng cửu trùng, trời già… và đặc biệt là “ông đô đốc chốn kinh kì”. Hai hình tượng, một vô hình, một hữu hình, thuộc về hai cõi: thiêng và phàm, làm nên hai quyền lực chia uyên rẽ thúy. “Trời già” có thể đồng lõa với phúc phận con người nhưng lại có khoảng cách. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tính phổ quát của nó trong giai đoạn văn học này. Chính cặp đôi Tài tử - giai nhân đã thu và tỏa ra ý niệm này. Cũng chính vì tính phổ quát của thân phận này mà Aristotle đã xem bi kịch (trong thơ ca) có tính triết lí hơn và nghiêm túc hơn lịch sử. Theo chúng tôi, trong cách nhìn này, lịch sử thật phải là lịch sử của tâm tính. Và cảm nghiệm trên đây là cảm nghiệm của/cho chủ thể. Từ đây, xuất hiện những “hủy thể”, những biến đổi bi đát trong Phạm.

6.

Tiếng chửi của Phạm là sự hắt ra của một tâm giới nhiều nhiệt huyết trước thời đại. Từ khởi thủy đến nay, vấn đề này luôn bềnh bồng xô lệch trên lằn ranh giữa hai bờ đạo đức và luân lí. Tiếng chửi của Phạm, theo chúng tôi, là một thái độ quyết liệt từ khước chính bản thân mình, từ khước thân phận thua cuộc trong chính mình. Bởi tiếng chửi bao giờ cũng hướng đến một đối tượng nào đó, và trong bản thân mình luôn luôn hiện diện những đối tượng để mình từ khước. Trong thái độ “tự trào”, “than đời” ông tự nhận: Miễn được ngày nào cho sướng kiếp/ sống thì nuôi lấy, chết chôn đi hay Chết về Tiên, Bụt cho xong kiếp/ Đù ỏa trần gian sống mãi chi?(23). Trong cái nhìn của tâm lí hiện sinh, mỗi một cá thể thể hiện ra với cuộc đời những dự phóng nào đó. Một khi ý thức đạt được/ không đạt được mục đích, ý thức lại kết nối với chính ý thức, nghĩa là đem đến một hệ quả nhất định nào đó trong bản thân, trên cơ sở đó hướng đến các dự phóng mới(24). Đó là một vòng tuần hoàn xen kẽ nhất thiết giữa ước muốn và sự thỏa mãn, sự khiếm khuyết, thiếu hụt và sự sở đắc. Mỗi một sự phóng ngoại thường bao hàm một sự thu hồi. Hệ lụy không dừng lại ở đó, khi những phóng ngoại với thế giới và sự vật, chủ thể sẽ có những mất mát và bù đắp. Quá trình đó không cân bằng, cái tôi sẽ rơi vào khủng hoảng. Phạm thuộc về sự khủng hoảng đó. Tiếng chửi là một sự im lặng, hướng đến không cộng cảm, không thông giao với cuộc đời nữa ở một tâm tính ít chịu dung hòa, nghĩa là nghiêng hẳn về phía cực đoan của một kẻ hướng nội.

7.

Tâm lí học chiều sâu chỉ ra rằng, tại khởi điểm của cuộc sống, con người là một tổng thể. Khi sự phát triển diễn ra, tính tổng thể này được biệt hóa và chia thành nhiều phần, và trong tiến trình thành nhân, cái tôi hướng đến tự ngã, cấu trúc tâm thần trở về tổng thể, một tổng thể lớn hơn. Con đường đạt đến tổng thể ấy là con đường của tự ngã. Những tham dự của Phạm trước và trong cuộc đời là không triệt để, vì vậy, đặt vấn đề về tự ngã trong thơ văn ông chỉ có thể là đường mơ trong tâm giới của ông mà thôi. Điều này luôn diễn ra như một bù trừ trong con người nhiều bi kịch kia.

N.Q.H
(SH292/06-13)


...............................................

(1) Phạm Thái (1777 - 1813) còn có các tên gọi khác: Phạm Phụng, Phạm Văn Lý, Chiêu Lì. Về năm sinh và mất của ông, các khảo cứu của Lê Dư, Dương Quảng Hàm, Hoàng Hữu Yên đều thống nhất với nhau. Nguyễn Văn Xung trong Phạm Thái và Sơ kính tân trang, trang 25 - 25 ghi năm mất của Phạm Thái là 1814.

(2) Dương Ngọc Dũng - Lê Anh Minh, Triết giáo Đông Phương, Nxb. Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, 2003, tr152.

(3) Trần Đình Sử, Lý luận và phê bình văn học, Nxb. Giáo dục, 2003, tr215.

(4) Tự ngã là thuật ngữ trung tâm trong nghiên cứu tâm lí chiều sâu của C. Jung (1875 - 1961), nhà tâm lí học hiện đại người Thụy Sỹ. Để chuyển ngữ nội dung mà Jung muốn diễn tả, khi dùng thuật ngữ Self. Xin xem thêm Murray Stein, Bản đồ tâm hồn con người của Jung, Nxb. Tri thức, 2011, từ trang 225 đến 290.

(5) Lưu Hồng Khanh, Giải kinh tâm lí chiều sâu, Ban tu thư thần học, 1997, tr 50.

(6) Trần Đình Sử, sđd, tr 214.

(7). Nguyễn Văn Xung, Phạm Thái và Sơ kính tân trang, Lửa thiêng xuất bản, 1973. Từ trang 34 đến trang 47, ông cho rằng Phạm Thái là một tâm hồn say mê: say mê giấc mộng anh hùng của thời đại, say mê tình ái, say mê giang hồ.

(8) Trần Ngọc Vương, Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, Nxb. Tri thức, 2010, tr111- 137.

(9), (15), (16), (23) Nguyễn Văn Xung, sđd, tr184, tr194, tr178, tr163-164. Các trích dẫn về thơ văn Phạm Thái chúng tôi đều theo bản này, vì đây là một tập hợp khá đầy đủ về thơ văn Phạm Thái. Tác phẩm của Phạm Thái gồm: Sơ kính tân trang, Văn tế Trương Quỳnh Như, Chiến tụng Tây hồ phú, Thơ họa 12 bài Trương Quỳnh Như. Ngoài ra, ông còn có một bài Văn triệu linh theo thể song thất lục bát, Văn bia mộ Thanh Xuyên hầu theo thể lục bát và một số bài thơ Nôm ngẩu cảm như: Tự trào, Tự thuật, Đề tranh mỹ nữ, Đề chùa Tiêu Sơn, Họa thơ Thanh Xuyên hầu, Đề nhà Nghĩa lư, Đề núi Con Voi, các bài phả khuyến…

(10) Phan Cự Đệ, Lời giới thiệu, in trong Khái Hưng, Tiêu Sơn tráng sĩ, Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, 1989, tr10.

(11) Phan Cự Đệ, sđd, tr12.

(12) Nguyễn Huệ Chi, Từ điển văn học bộ mới, Nxb. Thế giới, 2004, tr1369.

(13) Khái Hưng, sđd, tr119.

(14) Xem thêm Trần Ngọc Vương, sđd, tr453-462.

(17) Đỗ Duy Minh, Đạo, học và chính trị trong học thuyết nhân văn Nho giáo cổ điển, in trong Triết giáo Đông phương, sđd, tr247-253. Khi suy tư về những giá trị bản thể con người, trong những huyễn tưởng về số mệnh, thân phận con người và các giá trị của nó, A. Sen cho rằng chúng ta nên chấp nhận “đa căn tính” trong một con người. Xin xem thêm: Amartya Sen, Căn tính và bạo lực, Nxb. Tri thức, 2012, tr55-90.

(18) Bản ngã (ego), theo Jung định nghĩa: “Nó hình thành nên, có thể nói, trung tâm của trường ý thức, và trong chừng mực trường này bao hàm nhân cách kinh nghiệm thì bản ngã là chủ thể của tất cả mọi hành vi ý thức của cá nhân”, dẫn theo M. Stein, sđd, tr31-32. Nói một cách hình ảnh, bản ngã là một loại gương mà tâm thần có thể soi mình và có thể trở nên có ý thức. Nó thuộc phạm vi của ý thức. Trong khi đó, Tự ngã (Self) trong lí thuyết của Jung là sự tổng hòa cả Ý thức và Vô thức mà con người, trong ngưỡng vọng hướng thượng hướng đến.

(19) Đỗ Lai Thúy, Loại hình các nhân vật trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ X - XIX, trong Trần Ngọc Vương (chủ biên), Văn học Việt Nam thế kỉ X - XIX những vấn đề lí luận và lịch sử, 2007, tr 463 - 482.

(20) Hà Như Chi, Luận về Phạm Thái, trong Phê bình bình luận văn học, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr 210.

(21) Trong lí thuyết đạo đức hình nhi thượng, Mạnh Tử khẳng quyết: “Nếu một người hoàn toàn thực hiện cái tâm của mình, anh ta sẽ hiểu được bản tính. Nếu hiểu được bản tính của mình, tức là hiểu trời”. Mạnh Tử, Tận tâm chương cú thượng, Tứ Thơ, Nxb. Thuận Hóa, 1996, tập hạ, tr216. Nguyên văn: Mạnh tử viết: “Tận kì tâm giả, tri kì tánh giả. Tri kì tánh, tắc tri thiên hỷ”.

(22) Bi kịch (tragedy), trong tư tưởng tiền hiện đại, là ý niệm về sự liên đới giữa số mệnh và cái ngẫu nhiên (được hiểu như sự may rủi, sự khống chế của thế lực bề trên). Cũng theo đó, theo Adrian Poole, số mệnh chính là người nghệ sĩ nhào nặn cuộc sống của con người. Theo đó, từ cái nhìn cận cảnh, cụ thể, con người mang bi kịch. Xin xem thêm Adian Poole (Đinh Hồng Phúc dịch), Bi kịch, Nxb. Tri thức, 2012.

(24) André Niel, Jean Paul Sartre-Anh hùng và nạn nhân của ý thức khốn khổ, Ca dao xuất bản, 1968, tr72-73.







 

Các bài mới
Lưỡi đêm (16/07/2013)
Các bài đã đăng
Linh hồn biển (01/07/2013)
Mộng ban đầu (01/07/2013)
Người mẹ (28/06/2013)