Tạp chí Sông Hương - Số 294 (T.08-13)
Tác phẩm mới tháng 8/2013
14:52 | 20/08/2013

BA THẾ HỆ TRI THỨC NGƯỜI VIỆT (1862 - 1954), (Nghiên cứu lịch sử xã hội), tác giả Trịnh Văn Thảo, Lê Thị Kim Tân chuyển ngữ, Nxb. Thế giới, 2013.

Tác phẩm mới tháng 8/2013

Quá trình hiện đại hóa của một dân tộc luôn sản sinh ra những thế hệ trí thức đại diện cho tiếng nói của dân tộc ấy. Công trình này đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn vừa tổng quan vừa chi tiết về những thế hệ trí thức người Việt qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đối với GS. Phan Huy Lê thì đây là một công trình khoa học công phu và nghiêm túc... Trịnh Văn Thảo đã vận dụng những lý thuyết và phương pháp hiện đại của nhiều nhà xã hội học nổi tiếng phương Tây. Đây là một cống hiến quan trọng về phương pháp luận khoa học rất bổ ích cho nền xã hội học trẻ tuổi của Việt Nam. Qua công trình này, người đọc phần nào nắm được căn nguyên quá trình vận động của đất nước trong sự tiếp biến những luồng sinh khí văn hóa từ phương Tây, đặc biệt là Pháp. Bên cạnh đó là những thông tin được nghiên cứu một cách nghiêm xác về các nhà trí thức Việt, những kiến giải để làm sáng tỏ nguyên nhân nào mà trong những giai đoạn lịch sử khác nhau luôn sản sinh những thế hệ tri thức có cách nhìn về thế giới quan sâu rộng đến như thế.


BÀI THƠ TÌNH THÁNG 7 (thơ), tác giả Lê Nho Quế Sơn, Nxb. Hội Nhà văn, 2013. Trên con đường Tình tự Quế Sơn viết: “Tháng bảy làm mảng màu thành phố nghèo đi/ Chẳng thấy mùa hoa nào nở/ Tháng bảy trên bàn tay anh mở ngửa/ Dàn trải những cơn mưa...”. Đó là sự lựa chọn một cách nói đầy hình tượng, một kiểu tư duy thiên về lãng mạn bởi hơi thở nhẹ nhàng, thanh thoát. Tình yêu trong thơ Quế Sơn cũng như thế, nhẹ nhàng, trong sáng. Tình yêu đó có lẽ được lấy từ những gam màu của tiềm thức chứ không phải ở thực tại, bởi thực tại thì trần trụi còn tiềm thức luôn chứa đựng những khoảng trắng mờ ảo và cũng chính là nơi lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất mà con người có thể níu lại. Níu lại rồi biến chúng thành thơ, thành dòng suối của ngôn từ yêu đương.


CÁCH TA NGHĨ (chuyên luận), tác giả John Dewey, dịch giả Vũ Đức Anh, Nxb. Tri Thức, 2013. Là một người được coi là cha đẻ của phong trào cải cách giáo dục, John Dewey đã cống hiến cho nhân loại những chiều hướng tư duy khác biệt trong cách hướng giáo dục nhân loại đi đến những giá trị vĩnh cửu. Ông cũng được xem là một nhà triết học thuộc chủ nghĩa thực dụng, một nhà tâm lý học. Thông qua Cách ta nghĩ John Dewey đã làm hé lộ bản chất tư duy của con người. Trong tác phẩm ông đưa ra những truy vấn như, chúng ta liệu có thể dạy người khác suy nghĩ được không. Và trong cách lý giải của ông thì đó là điều bất khả. “Tuy nhiên, có thể giúp phát triển tư duy của con người thông qua việc phát triển khả năng sáng tạo, sự tò mò và cách đặt câu hỏi. Để có thể làm như vậy, thay vì nhồi nhét kiến thức, chúng ta có nên tập trung vào việc tạo ra một môi trường kích thích tư duy sáng tạo...”. Trong lời tựa ông viết: “Các nhà trường của chúng ta đang rối bời với vô số môn học, mỗi môn lại có cơ man các tài liệu và quy tắc. Gánh nặng càng dồn lên vai những người làm nghề dạy khi họ phải ứng xử với từng cá nhân học sinh chứ không phải trước một số đông. Trừ phi những bước đi tiên phong này rốt cuộc chỉ để tiêu khiển đầu óc, mục đích của chúng ta là tìm ra được điểm mấu chốt hay nguyên tắc nào đó hướng tới một sự giản lược hóa. Cuốn sách này thể hiện niềm tin vững chắc rằng, việc nỗ lực đưa thái độ tâm trí, đưa thói quen tư duy - những cái mà chúng ta gọi là có tính khoa học ấy - trở thành cứu cánh sẽ đồng thời làm phát lộ nhân tố có tác dụng củng cố và hướng đến niềm tin ấy...”.


POTAO, MỘT LÝ THUYẾT VỀ QUYỀN LỰC Ở NGƯỜI JORAI ĐÔNG DƯƠNG, (nghiên cứu Dân tộc học), tác giả Jacques Dournes, Nguyên Ngọc dịch, Nxb. Tri thức, 2013. Ngày nay, chúng ta trôi trượt đi trong sự phát triển của khoa học hiện đại để rồi đánh mất đi những huyền thoại của mình. Qua những tác phẩm dân tộc học kinh điển của Jacques Dournes đã lần lượt giúp chúng ta tìm thấy những huyền thoại tưởng như đã bị khuất lấp. Thực tế chúng ta đã biết những gì về con người Tây Nguyên, chúng ta biết được những gì về những huyền thoại, những chiều kích của rừng, những bí ẩn văn hóa thuộc về khởi thủy của người Jorai. Từ Rừng đàn bà điên loạn đến Potao, một lý thuyết về quyền lực của người Jorai Đông Dương là cả một bức tranh rộng lớn và chi tiết về văn hóa của những người bí ẩn trong rừng. Đối với những huyền thoại này, Jacques Dournes không dừng lại ở việc mô tả thông thường mà hơn thế, ông đi vào sâu nội giới của người và rừng để làm sáng tỏ những điều tưởng chừng như mãi mãi là bí mật, là huyền bí.


PHÊ NHƯ CON TÊ TÊ, (thành ngữ hiện đại), Thành Phong sưu tầm và vẽ, Nhã Nam & Nxb. Văn học ấn hành năm 2013. Theo PGS. TS. ngôn ngữ học Hoàng Dũng thì cuốn sách này đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận giới trẻ. Đối với PGS. TS. ngôn ngữ học Phạm Văn Tình thì sự ra đời của cuốn sách là một nỗ lực đáng ghi nhận. Phê như con tê tê là cái tên khác được chỉnh sửa từ cuốn Sát thủ đầu mưng mủ - Một ẩn phẩm đã từng tạo ra những hiệu ứng dị biệt trong bạn đọc. Qua cuốn sách chúng ta thấy đang có những sự biến đổi lớn trong cách tư duy, cách nhìn nhận, lý giải về cuộc sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Cách nhìn về thế giới khác biệt đó được phản ánh thông qua ngôn ngữ mà họ sử dụng. Đôi khi đó là thứ ngôn ngữ gây nên sự phản cảm đối với người lớn, những người mô phạm. Tất nhiên đó là một xu hướng biến đổi của ngôn ngữ mà chúng ta cần xem xét nghiêm túc. Được minh họa bằng những hình ảnh hài hước, những câu thành ngữ được xem như là mới lạ, lệch chuẩn sẽ đưa đến nhiều sự phản ứng ngược chiều trong bạn đọc. Tất nhiên theo PGS. TS. Phạm Văn Tình thì mọi cái chuẩn, cái đúng của ngôn ngữ luôn luôn bắt đầu từ những cái được coi là mới lạ, lệch chuẩn.

(SH294/08-13)








 

Các bài mới
Thơ Liana Margescu (30/08/2013)
Cỏ dại (30/08/2013)
Ký ức mong manh (29/08/2013)
Các bài đã đăng
Mãi mãi mùa thu (20/08/2013)